Vụ việc bà nội đầu độc người cháu bị bại não xảy ra gần đây ở Thái Bình nhận được nhiều phản ứng khác nhau. Rõ ràng là nhiều người lên án hành vi tự ý tước đoạt mạng sống của một sinh linh vô tội như vậy. Tuy nhiên cũng có người tỏ ra thông cảm, vì cho rằng gia đình phải chịu gánh nặng vật chất và tinh thần khi có người bệnh như vậy. Ai đúng ai sai tùy lương tâm mỗi người phán xét. Ở đây tôi chỉ đặt ra một vấn đề nổi bật qua vụ việc này, đó là chúng ta đang sống trong một xã hội không trân trọng giá trị của sự thấp kém và thất bại, không có chỗ cho những điều tầm thường nhỏ bé.
Ông bà mình ngày xưa dạy ở đời “không thành công thì cũng thành nhân”, còn não trạng bây giờ có vẻ như nếu không thành công thì sẽ không thể thành nhân. Người ta thường đánh giá thành công trên hai tiêu chí là tiền bạc và danh vọng. Chính vì thế mà nhiều người đã quyết tâm làm giàu bằng mọi giá, bất chấp mọi thủ đoạn. Phải là giám đốc hay trưởng phòng mới ngon, còn làm nhân viên thì coi như tầm thường. Đã hoạt động trong giới showbiz thì phải trở nên nổi tiếng, dù là phải tạo ra scandal, phát ngôn tục tĩu. Nếu là phụ nữ thì phải đẹp, dao kéo gì cũng được; xấu thì đừng bán hàng online, đừng khoe hình selfie. Đi học thì phải có giấy khen, phần thưởng, nếu không thì sẽ bị cười chê. Do đó mới sinh ra bệnh thành tích, mua bằng cấp, sống giả dối. Mãi mê chạy theo thành công khiến chúng ta không thể chấp nhận sự thật về bản thân, tự hạ thấp phẩm giá của mình. Hệ quả kéo theo là chúng ta coi thường những điều tầm thường, không nhận ra vẻ đẹp của những gì đơn sơ nhỏ bé trong đời sống hàng ngay của mình.
Chúng ta đang sống trong thời gian dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này mà chúng ta biết quý trọng những con người hay nghề nghiệp trước đây mình coi thường. Những người y tá, điều dưỡng tưởng chừng như không có tên tuổi gì trong xã hội thì bây giờ đã trở thành nhân vật nổi bật trên mặt trận chống dịch. Mọi người đều biết đến và trân trọng những hy sinh đóng góp quý báu của họ nhiều hơn. Cũng vậy, bình thường ít ai để ý đến vai trò của nhân viên bảo vệ trong các cơ quan xí nghiệp hay lực lượng dân phòng trong các khu phố. Thế nhưng giờ đây họ trở thành lực lượng hỗ trợ đắc lực việc kiểm tra và theo dõi những người có nguy cơ nhiễm virus. Khi tóc dài mà không đi hớt được thì chúng ta mới nhận ra giá trị đóng góp của những người thợ cắt tóc cho xã hội này. Khi thấy đường xá hay cơ quan không được sạch sẽ thì chúng ta mới thầm cám ơn những nhân viên vệ sinh. Khi thèm ăn bát phở hay tô bún thì chúng ta mới thấy được vai trò của các hàng ăn nhỏ lẻ. Khi phải ở nhà trông con nhỏ thì chúng ta mới biết ơn các cô giáo mầm non. Khi giành mua lương thực dự trữ thì chúng ta mới ngộ ra rằng người nông dân thật là vĩ đại. Chỉ điểm qua sơ sơ vậy thôi cũng đủ thấy con người cần đến nhau và mọi người mọi nghề đều có giá trị cao cả của nó.
Xã hội chúng ta tôn sùng thứ thành công phô trương và thúc giục chúng ta chạy theo tìm kiếm nó. Vì thế chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cảm nghiệm những gì đơn sơ nhỏ bé mang lại. Khi vội vã đi làm, chúng ta không kịp ngắm nhìn vẻ đẹp của ánh bình minh. Đầu óc bận rộn công việc khiến chúng ta không thấy màu sắc rực rỡ của bông hoa bên đường, không nghe được tiếng chim hót líu lo trên cành cây. Chúng ta có quá nhiều việc phải lo nên không bận tâm đến những người sống ở chân cầu hay những người ăn xin bên đường. Mãi mê chạy đua với thời gian khiến chúng ta không có những giây phút cho phép mình được nghỉ ngơi lấy sức. Chúng ta coi những bữa nhậu với đối tác quan trọng hơn là bữa cơm gia đình, đầu tư thời gian và công sức vào các mối quan hệ làm ăn hơn là ở bên trò chuyện cùng con cái.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã góp phần làm cho con người thay đổi cách nhìn. Nhìn những bệnh nhân phải dùng máy trợ thở, chúng ta công nhận sức khỏe là vàng thật. Việc theo dõi tin tức cập nhật số người chết và số người nhiễm hằng ngày chứng tỏ chúng ta biết quan tâm đến người khác nhiều hơn. Nhìn cách các nhân viên y tế nỗ lực chữa trị các bệnh nhân chúng ta mới biết sự sống mỗi người quý giá như thế nào. Những ngày ở nhà nhiều hơn giúp chúng ta biết quý trọng tình cảm gia đình, từ những bữa ăn đơn sơ mộc mạc cho đến những giây phút chơi đùa cùng con cái. Thời gian rảnh rỗi giúp chúng ta được nghỉ ngơi, tìm kiếm niềm vui nơi cây cối vườn tược hay vật nuôi trong nhà. Là người Công giáo, một thời gian dài không được đến nhà thờ làm cho chúng ta biết trân trọng những giây phút cầu nguyện cùng cộng đoàn dân Chúa trong các thánh lễ. Khi ở trong ranh giới của sự sống và sự chết chúng ta mới thấy giá trị của các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích Hòa Giải và bí tích Xức Dầu Thánh. Nếu chúng ta thực sự thay đổi cách nhìn và biết trân trọng những điều nhỏ bé hằng ngày, thì hãy tạ ơn Chúa!
Qua gian nan mới biết được đoạn trường, lâm cảnh khốn cùng mới biết cảm thông cho người cùng khốn. Những khó khăn mà chúng ta đang cùng nhau trải qua chính là môi trường rất tốt để dạy chúng ta biết quan tâm đến người khác nhiều hơn, bày tỏ tình liên đới nhiều hơn. Nỗi lo sợ thiếu lương thực thực phẩm làm cho chúng ta hiểu hơn nỗi khốn cùng của người nghèo. Khi công ăn việc làm của mình bị ảnh hưởng thì chúng ta mới thấu cảm hoàn cảnh của những người thất nghiệp. Khi lo lắng cho sức khỏe bản thân thì chúng ta mới hiểu cảm giác lo sợ của những người già yếu bệnh tật. Khi không được tụ tập gặp gỡ bạn bè thì chúng ta mới cảm nhận được sự cô đơn của những người bị bỏ rơi, không ai quan tâm nâng đỡ. Khi việc đi lại khó khăn, thậm chí còn bị mắc kẹt ở nước ngoài không về được, chúng ta hiểu hơn hoàn cảnh khốn cùng của những người di dân hay tị nạn. Hãy tạ ơn Chúa nếu chúng ta biết quan tâm nhiều hơn đến những gì trước đây mình coi thường hay ngó lơ. Càng biết quan tâm đến người khác, chúng ta càng sống đúng phẩm giá con người hơn.
Người ta cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ sắp xếp lại trật tự thế giới. Tôi nghĩ trật tự thế giới mới không phải là thế lực này sẽ đánh bại thế lực kia để tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình. Đó đơn thuần chỉ là thay đổi cán cân quyền lực, không phải là một trật tự mới. Thế giới trong trật tự mới mà tôi cầu mong sẽ là một thế giới biết coi trọng phẩm giá của mọi người, dù họ có thành công hay thất bại, dù mạnh khỏe hay đau yếu, dù giàu hay nghèo. Đó cũng là một trật tự thế giới nơi đó con người biết nương tựa lẫn nhau, không phải để tạo ra những nhóm lợi ích mà là cùng nhau bắt tay dựng một xã hội tốt đẹp nhất cho tất cả mọi người. Cuối cùng, tôi nghĩ đó sẽ là một trật tự thế giới trong đó mọi người biết khiêm nhường hơn trước mặt nhau và trước mặt Chúa. Con người cần biết rằng của cải vật chất không thể mang lại quyền năng tuyệt đối, vì chỉ cần một loài virus siêu nhỏ cũng đủ đập tan thành trì kinh tế mạnh mẽ nhất do con người xây đắp nên.
Biết trân trọng mọi sự do Thiên Chúa ban tặng chính là thái độ xứng hợp nhất mà con người cần phải có. Tất cả những người sống xung quanh chúng ta, môi trường sống tự nhiên của chúng ta, và chính thân thể của chúng ta là quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban tặng. Trước mặt Chúa thì “mọi sự đều tốt đẹp”, không còn phân biệt người giàu hay người nghèo, thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay ốm đau. Cũng vậy, mọi công việc hay nghề nghiệp đều là cao trọng nếu chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa bằng chính đôi bàn tay lao động lương thiện của mình.
Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu để thấy được điều này. Nếu theo tiêu chuẩn của người đời thì Ngài là một người thất bại, một người thấp kém tầm thường trong xã hội. Một con người sinh ra trong nghèo khó và lớn lên trong khó nghèo như Ngài thì chẳng có gì đáng để nói. Công việc Ngài làm không có gì đặc biệt, chỉ là anh thợ mộc bình thường ở một làng quê nhỏ. Việc rao giảng cũng không thể gọi là thành công. Ngài chỉ tìm được 12 người môn đệ thân tín nhưng họ cũng không trung tín đến cùng. Cuối cùng, rõ ràng cái chết trên thập giá là một thất bại nặng nề đối với bất cứ ai. Thế nhưng cả cuộc đời của Chúa Giêsu chính là lời rao giảng trọn vẹn nhất về mầu nhiệm Nước Trời, nơi đó không một ai bị loại trừ. Chúa chữa lành người đau yếu bệnh tật, gần gũi với những người tội lỗi, an ủi những người bị xã hội khinh chê loại trừ. Và thập giá chính là minh chứng rõ ràng nhất cho một tình yêu đủ lớn để có thể đón nhận tất cả, đón nhận ngay cả thất bại nặng nề nhất là cái chết. Tình yêu đó chính là tình yêu cứu độ. Con người cần đến tình yêu đó, không phải chỉ để chiêm ngưỡng nhưng là để sống. Con người cần nhận ra sự cao cả nơi những gì thấp kém hay tầm thường nhỏ bé, vì sự tầm thường nhỏ bé đó có một vị trí quan trọng trong trái tim yêu thương vô biên của Thiên Chúa.
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn