Phân tích Huấn thị Mới về Việc Dạy Giáo Lý của Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa
Theo Vatican News, Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa vừa cho công bố Huấn thị mới về việc Dạy Giáo lý, cung cấp các chỉ dẫn cho sứ mệnh công bố Tin Mừng của Giáo Hội qua việc dạy giáo lý và phúc âm hóa.
Huấn thị vốn được chờ đợi từ lâu này được công bố tại Vatican hôm thứ Năm, 25 tháng 6 năm 2020. Nó được soạn thảo dưới sự điều hướng của Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận vào ngày 23 tháng Ba, ngày kính Thánh Turibius thành Mongrovejo, vị thánh thế kỷ 16 hết lòng cổ vũ việc phúc âm hóa và dạy giáo lý. Đây là văn kiện thứ ba của Tòa Thánh đề cập đến việc dạy giáo lý. Hai văn kiện kia là “Huấn thị Giáo lý Tổng quát”công bố năm 1971, và “Huấn thị Tổng Quát Cho Việc Dạy Giáo lý” công bố năm 1997. Cả hai văn kiện vừa nói được Bộ Giáo sĩ ban hành.
Huấn thị mới tìm cách làm nổi bật sự liên kết chặt chẽ giữa việc phúc âm hóa và việc dạy giáo lý. Nó nhấn mạnh rằng mọi người đã chịu phép rửa đều là nhà truyền giáo được mời gọi tìm ra những con đường mới để thông truyền đức tin một cách đầy cam kết và trách nhiệm. Về phương diện này, huấn thị mới đề nghị ba nguyên tắc chính để hành động: Làm chứng, thương xót và đối thoại. Huấn thị mới gồm hơn 300 trang và chia thành 3 phần, 12 chương.
Đào tạo các giáo lý viên
Phần thứ nhất, tựa là “Việc Dạy Giáo lý trong Sứ mệnh Phúc âm hóa của Giáo Hội”, bàn đến việc đào tạo các giáo lý viên.
Huấn thị nhấn mạnh rằng để trở thành các nhân chứng khả tín của đức tin, các giáo lý viên phải “được dạy giáo lý trước khi làm giáo lý viên”. Điều này bao hàm phải làm việc một cách nhưng không, tận tụy và chính trực, theo linh đạo truyền giáo vốn là thuốc chữa căn bệnh “mệt mỏi mục vụ vô sinh”.
Các giáo lý viên cũng được kêu gọi phải thận trọng khi thi hành bổn phận chuyên biệt của mình “để bảo đảm việc tuyệt đối che chở cho mọi người, nhất là các vị thành niên và người dễ bị thương tổn”.
Diễn trình giáo lý
Phần thứ hai – “Diễn trình dạy giáo lý” - nhấn mạnh tầm quan trọng của một “mô hình truyền đạt sâu sắc và hữu hiệu”. Nó đề ra việc sử dụng nghệ thuật qua việc chiêm ngưỡng cái đẹp như một phương tiện nối kết với Thiên Chúa, và âm nhạc thánh như một cách truyền dẫn lòng ước ao Thiên Chúa vào tâm hồn mọi người.
Vai trò của gia đình cũng trở nên nổi bật. Ở đó, những người được phúc âm hóa có thể sống đức tin một cách đơn sơ và tự phát. Nó cũng là nơi người ta có thể tiếp nhận nền giáo dục Kitô giáo một cách khiêm tốn và cảm thương.
Trước các khung cảnh gia đình mới trong xã hội đương thời, các Kitô hữu được mời gọi đồng hành với những người khác một cách gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu để khôi phục niềm hy vọng và tín thác cho mọi người.
Nền Văn hóa Hòa nhập
Huấn thị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc chào đón và nhìn nhận” những người có khả năng cách khác. Nó nhấn mạnh rằng họ là nhân chứng cho các sự thật thiết yếu của sự sống con người và phải được chào đón như một hồng phúc lớn lao. Gia đình của họ cũng xứng đáng “được tôn trọng và ngưỡng mộ”.
Tương tự như thế, việc dạy giáo lý phải tập chú vào việc chấp nhận, tin tưởng và liên đới với các di dân, những người, vì ở xa quê hương, nên có thể gặp khủng hoảng đức tin. Các di dân phải được hỗ trợ trong cuộc đấu tranh chống định kiến và những nguy hiểm nghiêm trọng mà họ có thể gặp phải, chẳng hạn như buôn bán người.
Ưu tiên chọn người nghèo, dạy giáo lý cho các tù nhân
Huấn thị kêu gọi phải chú ý tới các nhà tù, mô tả chúng như một “mảnh đất truyền giáo chân chính”. Nó đề nghị rằng đối với các tù nhân, việc dạy giáo lý phải là việc loan báo ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô, cũng như lắng nghe một cách quan tâm, bày tỏ khuôn mặt mẫu thân của Giáo hội.
Đối với người nghèo, việc dạy giáo lý phải giáo dục người ta về đức nghèo khó theo tin mừng. Nó cũng phải cổ vũ một nền văn hóa huynh đệ và sự phẫn nộ nơi tín hữu chống lại những tình huống khốn khổ và bất công mà người nghèo phải chịu.
Các giáo xứ, trường học và hiệp hội trong Giáo Hội
Phần thứ ba, tựa là “Dạy giáo lý trong các Giáo hội Đặc thù”, dành riêng cho việc dạy giáo lý tại các giáo xứ, các phong trào và hiệp hội khác trong Giáo hội.
Các giáo xứ được nêu bật như “các điển hình cộng đồng hoạt động tông đồ”, nơi nên cung cấp việc dạy giáo lý một cách sáng tạo, thích ứng với kinh nghiệm sống của người ta. Các hiệp hội khác trong Giáo hội cũng được công nhận như có “một khả năng truyền giáo lớn lao” giúp tăng thêm sự phong phú của Giáo hội.
Đối với các trường Công Giáo, Huấn thị đề nghị phải di chuyển ra khỏi tư cách “các định chế học hành” để trở thành “các cộng đồng học hành” đức tin với một dự án giáo dục dựa trên các giá trị Tin Mừng. Nó cũng lưu ý rằng việc giảng dạy về tôn giáo khác biệt, nhưng bổ túc cho giáo lý.
Nhấn mạnh rằng “nhân tố tôn giáo là một chiều kích hiện sinh không nên bị bỏ qua”, Huấn thị khẳng định rằng, “quyền của phụ huynh và học sinh” là được tiếp nhận một nền đào tạo toàn diện bao gồm việc giảng dạy về tôn giáo.
Đa nguyên văn hóa và tôn giáo
Huấn thị nhấn mạnh rằng đại kết và đối thoại liên tôn với Do Thái giáo và Hồi giáo là một lĩnh vực đặc biệt cho việc dạy giáo lý. Việc này phải “khuyến khích lòng khao khát hiệp nhất” để nó trở thành một công cụ truyền giảng Tin Mừng thực sự.
Nó kêu gọi một cuộc đối thoại nhằm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, và cổ vũ hòa bình và công lý với Do Thái giáo. Đồng thời, nó thúc giục các tín hữu tránh những tổng quát hoá hời hợt để có thể cổ vũ đối thoại với Hồi giáo.
Trong bối cảnh đương thời của chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, Huấn thị kêu gọi một việc dạy giáo lý biết “làm sâu sắc và củng cố bản sắc của các tín hữu”, cổ vũ động lực truyền giáo của họ qua việc làm chứng cũng như “đối thoại bằng hữu và thân ái”.
Kỹ thuật và thế giới kỹ thuật số
Huấn thị khẳng định rằng khoa học và kỹ thuật phục vụ con người và cần được hướng tới việc cải thiện các điều kiện sống của nhân loại.
Huấn thị đề nghị rằng việc dạy giáo lý nên được điều hướng về việc giáo dục người ta trong việc sử dụng đúng đắn nền văn hóa kỹ thuật số, một nền văn hóa vốn có cả yếu tố tốt lẫn yếu tố xấu. Việc dạy giáo lý cũng nên tập chú vào việc giúp người trẻ phân biệt được sự thật và phẩm chất giữa “nền văn hóa tức thời”.
Các chủ đề khác được Huấn thị làm nổi bật bao gồm lời kêu gọi “Hoán cải sinh thái sâu sắc”. Việc dạy giáo lý cổ vũ sự hoán cải này qua việc chú ý đến việc bảo vệ sáng thế và tránh chủ nghĩa duy tiêu thụ.
Nó cũng nhấn mạnh rằng việc dạy giáo lý phải truyền cảm hứng cho lao động phù hợp với Học thuyết xã hội của Giáo hội với sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ các quyền của những người yếu thế nhất. Ngoài ra, nó cũng khuyến khích sự phát triển các tài liệu giáo lý sản xuất ở bình diện và tổ chức địa phương nhằm phục vụ việc dạy giáo lý trong đó có Thượng hội đồng Giám mục và các Hội đồng Giám mục.
Bối cảnh của Huấn thị
Trong cuộc họp báo công bố Huấn thị, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, cho biết : nhu cầu có một huấn thị mới về việc dạy giáo lý phát sinh do diễn trình hội nhập văn hóa; diễn trình này đòi việc dạy giáo lý phải có một tập chú đặc biệt.
Cụ thể hơn, nền văn hóa kỹ thuật số đã tạo ra một “biến đổi triệt để về tác phong” gây ảnh hưởng đến việc “đào tạo căn tính bản thân và các tương quan liên bản vị”. Mô hình mới của thông đạt và đào tạo này “cũng ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thế giới giáo dục đầy phức tạp”.
Các lý do thần học và Giáo Hội cũng góp phần vào việc soạn thảo Huấn thị mới. Đức Tổng Giám Mục Fisichella nhắc nhở rằng một vài Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây đã nhất quán bàn đến chủ đề truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bàn đến chủ đề này trong Tông huấn Evangelii gaudium nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella quả quyết rằng “do đó, việc dạy giáo lý phải kết hợp chặt chẽ với công trình truyền giảng Tin Mừng và không thể tách rời khỏi nó”. Vì “truyền giảng Tin Mừng là nhiệm vụ mà Chúa Phục Sinh đã ủy thác cho Giáo Hội để, ở mọi thời, nó phải là việc trung thành công bố Tin Mừng của Người”.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella nhấn mạnh rằng “tâm điểm việc dạy giáo lý là con người Chúa Giêsu Kitô”. Ngài gọi đó là nền giáo lý sơ truyền (kerygmatic catechesis). Nền giáo lý này vừa công bố con người của Chúa Giêsu vừa công bố lòng thương xót của Người, một lòng thương hướng tới người tội lỗi; họ không còn bị loại trừ nhưng là khách ưu tuyển tại bàn tiệc cứu rỗi.
Nhiều đề tài
Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho hay Huấn thị đề cập tới nhiều chủ đề. Trước nhất là Mystagogy (khai tâm mầu nhiệm) gồm 2 yếu tố: đánh giá cách mới các dấu chỉ phụng vụ của khai tâm Kitô giáo, và làm chín mùi một cách tân tiến diễn trình đào tạo bao gồm trọn cả cộng đồng.
Chủ đề khác là mối liên kết giữa phúc âm hóa và thời kỳ dự tòng. Việc này làm nổi bật sự khẩn thiết phải “hoán cải mục vụ” để giải phóng việc dạy giáo lý khỏi các yếu tố cản trở tính hữu hiệu của nó.
Đức Tổng Giám Mục cho hay Huấn thị cũng đã dựa vào tông huấn Evangelii gaudium của Đức Phanxicô để đề cao con đường cái đẹp (via pulchritudinis), lấy nó làm một trong các nguồn của việc dạy giáo lý.
Trong khi ấy, Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst cho hay Huấn thị lưu ý tới các dấu chỉ thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rằng nó đem lại can đảm cho nội dung đức tin và làm nổi bật tầm quan trọng của việc dạy giáo lý trong diễn trình phúc âm hóa rộng lớn hơn. Ngài cũng hy vọng nhiều Giáo Hội địa phương sẽ được thúc đẩy trong việc khai triển các huấn thị riêng cho các giáo phận của họ, dựa trên Huấn Thị mới này.
Tác giả bài viết: Vũ Văn An
Nguồn tin: Vietcatholic News