Đức Hồng y George Pell giảng tĩnh tâm cho các học sinh Công giáo

Thứ năm - 25/06/2020 02:12

Đức Hồng y George Pell giảng tĩnh tâm cho các học sinh Công giáo

 

Đức Hồng y George Pell.| Credit: Alexey Gotovsky/CNA
 
Đức Hồng y George Pell, nguyên Tổng giám mục Sydney, Australia, đã giảng tĩnh tâm trực tuyến, hôm 05 và 06/6/2020 vừa qua cho Hội các Học sinh Công giáo tại nước này, về kinh nghiệm vượt thắng đau khổ, và cho biết chính đức tin Kitô đã giúp ngài kiên trì vượt qua thời kỳ ở tù.

Đức Hồng y George Pell năm nay 79 tuổi (1941), từng làm Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh, từ năm 2014. Ngài bị cáo về nhiều tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, bị hai tòa án cấp dưới lên án 6 năm tù, nhưng sau 13 tháng trong tù, ngày 07/4 năm nay (2020), tòa án tối cao ở thành phố Melbourne đã đồng thanh tuyên bố tha bổng Đức Hồng y, vì không thấy tội trạng và phe truy tố không trưng dẫn được bằng chứng nào đáng tin.

Trong cuộc tĩnh tâm, Đức Hồng y Pell đã đưa ra năm đề nghị cho những ai phải chịu những cơ cực về cảm xúc, kể cả tình trạng sầu muộn, mất mát, và đau khổ bản thân, đó là: tập luyện thể dục, tránh uống rượu nhiều, ăn uống lành mạnh và đều đặn, ngủ đủ một số giờ ban đêm, thức dậy cùng một giờ mỗi ngày.

Đức Hồng y cho biết thói quen đều đặn đó, đặc biệt việc tập thể dục hằng ngày như thế, đã giúp ngài rất nhiều khi ở trong tù. Ngài nhắn nhủ các học sinh hãy sớm đón nhận và thực hành lời khuyên ấy, và đừng dời lại về sau này. Đức Hồng y Pell nói: “Khi tạo nên những thói quen tốt như thế về tâm trí và tập luyện thể lý, ta được dẫn vào hướng đi tốt trong những thời kỳ căng thẳng đau khổ không thể tránh được”. Đức Hồng y cảnh giác rằng: “Nếu bạn đã sống cẩu thả, vô kỷ luật và ích kỷ suốt đời, thì bạn sẽ rất khó vượt lên trên những thách đố”.

Trong sứ điệp Phục sinh năm nay, Đức Hồng y Pell viết: “Tôi vừa trải qua 13 tháng trong tù về một tội ác mà tôi không hề phạm, từ thất vọng này đến thất vọng khác. Tôi biết Chúa ở với tôi, nhưng tôi không biết Ngài định làm gì, mặc dù tôi ý thức rằng Ngài để tất cả chúng ta tự do. Nhưng với mỗi cú phải chịu, tôi biết mình có thể dâng đau khổ ấy cho Chúa, vì một mục đích tốt đẹp biến khối lượng đau khổ thành năng lực thiêng liêng... Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta và chúng ta có thể chuộc lại đau khổ của chúng ta, bằng cách hiệp với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng cho Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

(CNA 15-6-2020)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây