[Radio Người Trẻ]: Khi gặp tai ương

Thứ bảy - 04/04/2020 03:44


C
húng ta thường thấy sợ khi  nghe nhắc đến những tai ương vì  tai ương không giúp mang đến cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc. Bao giờ ta cũng mong là đừng có điều xấu xa  xảy đến trên ta và trên những người thân yêu của ta. Sự thật là có rất nhiều người trong chúng ta đến nhà thờ đọc kinh dự  lễ đi hành hương đến những nơi có tích lạ, cũng nhằm mục đích xin Chúa gìn giữ ta và gia đình được an cư lạc nghiệp, được sung túc bình yên. Và nếu có ai đó chia sẻ với chúng ta về một nỗi khó khăn nào đó ta thường thầm mong cho họ được Chúa cất đi những nỗi buồn phiền cay đắng mà họ đang gặp phải. Đó là những phản ứng tâm lý bình thường của con người chúng ta: khao khát và hướng đến điều gì giúp ta được vui vẻ và bình an, là điều mà Thiên Chúa đã đặt để nơi tận thâm sâu cõi lòng mình.

Thế nhưng không phải lúc nào ta cũng được thụ hưởng những điều tốt đẹp. Dù không mong muốn nhưng cứ bước vào kiếp nhân sinh là ta phải chạm trán với những bất trắc trên đường đời. Bất chấp ta sống tốt đến cỡ nào, bất chấp ta thông minh và tài kéo ra sao, ta đều không thể tránh né được khoảnh khắc nào đó đối diện với những điều làm ta chẳng hề thích thú.

Bao nhiêu trang giấy đã được viết ra về những nghiên cứu nguồn gốc có điều ác, biết bao giả thuyết mà các trường phái đặt ra để lý giải cho sự dữ. Trí khôn của con người luôn đặt ra câu hỏi về nó tìm cách để hiểu nó. Nhưng dường như tất cả đều chỉ dừng lại ở đó, bao điều xấu xa vẫn còn đó xuất hiện khắp nơi, nhạo cười cái khôn ngoan của con người. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, con người quay quắt trong cái vòng luẩn quẩn của sự thiện và sự ác. Họ biết là dù có nỗ lực đến đâu họ cũng không thể triệt hạ hoàn toàn sự ác khỏi cuộc sống của mình. Họ cố gắng kháng cự nó, cố gắng quên nó đi, cố gắng gạt bỏ nó hoặc giả vờ như nó chẳng hề tồn tại. Thế nhưng mọi nỗ lực ấy đều không dẫn đến thành công. Dù có cố gắng đến đâu có người vẫn không thể chối bỏ một thực tại là bất cứ khi nào còn sống họ vẫn cứ phải đối diện với những điều xấu lởn vởn trước mặt mình. Chúng vẫn cứ ở đó rình rập họ như một kẻ thù đe dọa khiến cho họ sống cuộc sống này mà chẳng nhìn thấy cái điều chi đáng giá.

Đức Giêsu đến trên trần gian này sống một kiếp sống như con người mang trên vai là sứ mạng của một Đấng cứu thế. Ngài không giải thích cho chúng ta biết sự dữ ở đâu ra. Ngài chỉ cho chúng ta cách thức làm sao chinh phục được nó. Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu đã mặc khai cho các môn đệ biết về con đường phía trước mà Ngài sẽ phải đi qua: lên Giêrusalem, bị bắt, bị đánh đập, bị kì thị, bị tra tấn rồi cuối cùng bị giết chết nhưng ba ngày sau sẽ trỗi dậy. Ông Phêrô đang ngập chìm trong hạnh phúc vì vừa nhận được lời khen từ thầy đã vội vàng can ngăn Chúa buông những lời lẽ rất thánh thiện: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.” Ngay lập tức, ông đã bị Đức Giêsu trách mắng, gọi ông là sa-tan và bảo ông hãy lui về đăng sau Thầy.

Giêsu đã không kháng cự lại cuộc sống khi cuộc sống mang đến cho ngày cái chết bất công. Ngài đã can đảm đón nhận nó như một diễn trình của cuộc sống. Động lực tiếp sức cho Ngài trong hành trình này chính là tình yêu và một lòng phó thác tin tưởng, quy hướng về Cha. Khi đặt Cha làm trọng tâm thì mất đi chưa hẳn là thiệt và được lợi chưa hẳn là phúc. Mẫu gương của Giêsu cho chúng ta thấy rằng con người chỉ có thể vượt qua và chinh phục được sự xấu khi khảng khái đón nhận nó như là một thực tại của cuộc sống chứ không phải chối bỏ nó và kháng cự lại nó.

Những câu hỏi kiểu như “tại sao điều này xảy ra? tại sao điều kia xảy đến?” chỉ là phản ánh có một kiểu bực dọc ta dành cho cuộc sống. Giêsu đã không có những kiểu câu hỏi như vậy trong đầu mình. Khi ta không đón nhận cuộc sống với tất cả những gì nó diễn ra, ta sẽ luôn cảm thấy bất an và thế gian này ngay lập tức trở thành địa ngục.Trách cứ cuộc sống không giải thoát ra khỏi những tai ương xảy đến trái lại còn giam cần ta và kéo ghì người ta xuống.

Chúa đủ khôn ngoan để biết nên cho phép điều gì xảy ra và không cho phép điều gì xảy ra. Nhiệm vụ của ta là vâng nghe sự sắp xếp của Người qua những biến cố của cuộc sống chứ không phải xin Người làm theo những gì ta nghĩ. Tri thức và tầm nhìn của chúng ta nông cạn đừng vội vàng chỉ cho Chúa biết Ngài phải làm gì làm ra sao.

Ta biết Thiên Chúa là đấng quyền năng và khôn ngoan vô lượng nhưng lúc nào ta cũng cho Chúa là quá ngốc nghếch. Chúa chẳng hiểu gì, Chúa không nắm rõ tình hình như ta. Cứ mỗi khi có biến cố gì xảy đến ta đã vội vàng trách cứ Chúa. Lý trí của ta phân tích và nhận thấy rằng phải như thế này thì mới đúng trong khi Chúa lại để chuyện hoàn toàn ngược lại xảy ra. Trong mọi khó khăn, ta chỉ cho Chúa lại làm cái này làm cái kia, cất khỏi ta điều này mang cho ta điều kia, như thể ta biết hết mọi sự và có thể tự mình lèo lái cuộc đời mình vậy.

Điều Chúa muốn hơn cả là chúng ta đừng xin cho gánh nặng nhẹ bớt đi nhưng hãy xin cho đôi vai ta thêm vững chắc để có thể vác lấy tất cả mọi gánh nặng nhẹ cuộc đời gửi đến cho ta. Đừng bao giờ sợ những khó khăn vất vả mà ta đối diện trong cuộc sống. Chính nó sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn cứng cáp hơn, vững mạnh hơn. Con đường Thập Giá mà Chúa muốn chúng ta đi là con đường đòi hỏi ta phải dũng cảm dấn thân, tiến tới, đương đầu, chứ không phải con đường của thoái lui trốn tránh và sợ hãi. Những ai không dám gánh lấy cuộc đời mình thì không xứng đáng với Đức Giêsu và cũng sẽ chẳng thể có được hạnh phúc.

Đức Giêsu không dạy cho chúng ta kiểu khôn ngoan đi tìm sung sướng cho bản thân vì đây chỉ là một kiểu khôn ngoan tạm bợ và yếu thế. Ngài dạy cho chúng ta một sự khôn ngoan dám đối diện với mọi thách thức để rồi vượt qua những khó khăn và đi đến một sự thành toàn viên mãn. Đón nhận hết tất cả những gì xảy đến trong niềm tin yêu phó thác là điều kiện đầu tiên để ta chinh phục sự dữ. Đó cũng chính là thái độ vâng phục ta dành cho Chúa. Vâng phục Thiên Chúa mới giải thoát chúng ta chứ không phải phản kháng hay chối từ Người. Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta thấy điều đó. 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây