Tấc lòng Thượng Đế

Thứ ba - 28/03/2023 20:37

Một đệ tử trẻ mới được nhận vào sống trong một tu viện. Đích thân tu viện trưởng hướng dẫn cậu những điều cần thiết. Sau đó, thầy giao đệ tử cho các huynh trưởng trong tu viện để được huấn luyện theo nhiều yếu tố mà một người tu trì cần phải có và phải giữ.

 

Thời gian trôi qua, đệ tử được dạy dỗ nhiều khuôn phép và những lối cư xử bất thành văn trong tu viện. Về hình thức thì đệ tử cố gắng giữ theo những gì đã được hướng dẫn, nhưng về tinh thần thì cậu chưa thể hiểu hết và sống tốt điều được dạy.

 

Vẫn giữ giờ kinh nguyện đều đặn với các huynh trưởng, nhưng đang nguyện kinh thì cơn buồn ngủ ập đến nhanh chóng vào sáng sớm, vào sau giờ ngủ trưa vầ mỗi tối. Cứ mỗi khi thấy chiếc đầu nho nhỏ gật gù thì các huynh đã rõ chuyện gì. Rồi các huynh bàn với nhau để xin thầy cho cậu đánh chuông trong giờ kinh và có những ngày xướng kinh trong tuần. Cứ ngỡ làm thế thì cậu sẽ chiến thắng cơn buồn ngủ, nhưng chỉ vài ngày đầu sốt sắng. Vài hôm sau đó cậu lại gục gật bên chiếc chuông, có hôm đích thân tu viện trưởng khẽ khàng đến cạnh kêu cậu thức dậy. Có hôm các huynh phải cử một huynh ra ngồi cạnh tiểu đệ mà kêu cậu dậy, nhưng dậy rồi cậu vẫn từ từ chìm vào giấc ngủ. Nhất là khi tới phiên xướng kinh, có hôm một huynh gọi làm cậu giật mình tỉnh ngủ xướng nhầm kinh khác với cung giọng buồn cười. Cả tu viện trưởng lẫn các huynh ai cũng phì cười trong giờ kinh nguyện.

Cũng vậy, trong công việc thì cậu vẫn giữ, nhưng chỉ làm cách qua loa chóng vội. Quét khoảnh sân còn chừa lại những đống lá lỗ chỗ, được nhắc thì cậu gãi đầu xin lỗi rồi chạy tới dọn từng đống lỗ chỗ ấy. Được giao việc lau hành lang và lang cang, chỗ thì thật sạch mà chỗ thì vằn vện khó tả. Còn bao nhiêu việc mà đệ tử trẻ vẫn chưa quen dù đã hơn nửa năm trôi qua.

Các huynh ngồi xầm xì với nhau và cho rằng: “Tiểu đệ không hợp với lối sống này! Lôi thôi quá! Nửa năm rồi chứ ít gì mà chưa học được! Chưa thay đổi được!” Riêng tu viện trưởng không hề có ý kiến gì. Ngài vẫn mỉm cười và quan sát đệ tử trẻ cũng như quan sát cách các huynh trưởng giúp tiểu đệ này ra sao.

         -“Thưa thầy, con có việc xin được trình bày…”

Một huynh đại diện anh em xin gặp tu viện trưởng để trình bày vấn đề. Huynh kể tất cả mọi điều, đầy đủ và thậm chí phê bình cậu đệ tử trẻ thậm tệ. Tu viện trưởng chỉ ngồi lắng nghe với gương mặt bình thản, thi thoảng nở nét cười hiền từ. Sau khi nghe sư huynh này trình bày xong, ngài hỏi lại:

         -“Hẳn con và các huynh đã thấy sự khác biệt giữa con và tiểu đệ trẻ. Vậy, thầy hỏi con, riêng con thì con thấy đâu là khác biệt giữa con và tiểu đệ này”

Sau câu hỏi là một tràng câu trả lời so sánh và phê bình. Không khác mấy so với những gì huynh này đã trình bày với thầy lúc nãy. Tu viện trưởng gật gù đồng ý.

         –“Thầy đồng ý với con! Vậy thầy hỏi con thêm một điều nữa: Vậy theo con nghĩ Thượng Đế nghĩ gì về con và tiểu đệ trẻ này? Chắc Thượng Đế cũng nhận ra những điểm yếu của đệ tử như chúng ta suy nghĩ, con nhỉ?”

Vị tu sĩ gãi đầu phân vân, ấp úng trả lời thầy mình:

         -“Dạ! Con nghĩ… chắc Thượng Đế… không nghĩ thế ạ! Vì… vì… con cũng có nhiều thiếu sót ạ! Thưa thầy.”

Tu viện trưởng mỉm cười hiền từ, nhỏ nhẹ nói:

         -“Ờ! Thầy cũng không biết Thượng Đế nghĩ gì! Vì ta không phải là Thượng Đế. Nhưng có lẽ tấc lòng thầy trò ta “rộng quá” nên bao phủ và nhớ hoài cả ưu điểm lẫn khuyết điểm người khác, thậm chí còn hằn học, phê bình và chì chiết. Còn tấc lòng Thượng Đế thì “hẹp quá” nên chỉ thấy ưu điểm của con người chúng ta thôi con nhỉ!

Vị tu sĩ trẻ thinh lặng cúi đầu nhè nhẹ trước vị thầy đáng kính. Thầy lấy đôi tay run run đặt nhẹ lên vai đệ tử rồi nói:

         -“Thôi! Đời tu của thầy trò ta cứ học theo cái “hẹp hòi” chính đáng của Thượng Đế là được con nhỉ! Rộng quá ta ôm không hết, con à!”

Little Stream

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây