Qua việc viết về lòng yêu mến Hội Thánh và Đức Mẹ của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cho Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tháng 09-2008, tôi càng thêm lòng yêu quý, ngưỡng mộ và biết ơn ngài. Đặc biệt, tôi ngỡ ngàng nhận ra ảnh hưởng sâu đậm của ngài trong đời sống tâm linh của tôi qua lời giáo huấn và gương sáng đời ngài.
Một trong những nét độc đáo trong lối giảng dạy của Đức Hồng Y là ngài biết cách tóm gọn lời rao giảng Tin Mừng Sự Sống, Tình Yêu và Chân Lý của Chúa Kitô cũng chính là Sứ Điệp Vui Mừng và Hy Vọng của Hội Thánh vào những câu ngắn gọn, chính xác, dễ nhớ, dễ hiểu.
Ở đây, tôi muốn ghi lại những điều tâm đắc nhất của ngài, như đã được nhận thấy nơi các bút tích và lời giảng dạy của ngài, cũng như qua lời tường thuật của những người đã từng chung sống với ngài; đặc biệt là qua bộ hồi ký Cha Tôi Trong Cuộc Đời Của Tôi thật quý giá của Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền. Đó cũng là những gì quý báu nhất mà ngài muốn tặng cho từng người chúng ta để làm hành trang giúp chúng ta vững tiến trong niềm vui và hy vọng trong cuộc hành trình đức tin.
24 ngôi sao
Nếu nói đến Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là phải nói đến cuốn tự truyện Một Tâm Hồn của Chị Thánh, thì nói đến Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là phải nói đến cuốn Đường Hy Vọng, cuốn sách được viết trong lao tù gói trọn tâm tư sâu thẳm nhất của ngài và được dùng làm kim chỉ nam cho cuộc đời của chính ngài. Đây có lẽ cũng là tóm lược linh đạo của Đức Hồng Y.
Trong hồi ký Cha Tôi Trong Cuộc Đời Của Tôi tập IV (tr. 32-33), Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền có viết: “Càng sống gần ngài, tôi càng khám phá ra cuộc đời ngài là một cuốn Phúc Âm sống. Tư tưởng, lời nói và hành động của ngài luôn đi chung với nhau và luôn đầy tràn tinh thần Phúc Âm. Vì thế, cuốn sách Đường Hy Vọng của ngài cũng không đi ra ngoài tinh thần đó. Và tôi vui mừng chứng kiến tận mắt Ngài đang thật sự sống một cách mãnh liệt tinh thần của cuốn Đường Hy Vọng, được ngài đúc kết thành 24 điểm trong phần Sống Hy Vọng sau đây:
1. Con muốn thực hiện một cuộc cách mạng: canh tân thế giới.
2. Con xúc tiến một chiến dịch: làm cho mọi người hạnh phúc.
3. Con nắm vững một đường lối: thí mạng vì anh em.
4. Con hô to một khẩu hiệu: tất cả hiệp nhất.
5. Con tin một sức mạnh: Thánh Thể.
6. Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: bác ái.
7. Con nắm một bí quyết: cầu nguyện.
8. Con giữ một nội quy: Phúc Âm.
9. Con trung thành theo một vị lãnh đạo: Chúa Kitô và Đại Diện của Ngài là Đức Giáo Hoàng.
10. Con có một tình yêu: Mẹ Maria.
11. Con có một sự khôn ngoan: khoa học Thánh Giá.
12. Con có một lý tưởng: hướng về Chúa Cha.
13. Con chỉ có một mối lo sợ: tội lỗi.
14. Con ôm ấp một ước nguyện: Nước Cha trị đến.
15. Con chỉ thiếu một điều: dứt khoát theo Chúa.
16. con dùng một phương pháp tông đồ: tiếp xúc.
17. Con chỉ có một việc quan trọng nhất: ngồi bên Chúa.
18. Con chỉ có một của ăn: Thánh ý Chúa Cha.
19. Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: hiện tại.
20. Con chỉ có một tuyên ngôn: Phúc thật tám mối.
21. Con chỉ có một công việc quan trọng: bổn phận.
22. Con chỉ có một cách nên thánh: ơn Chúa và ý chí của con.
23. Con chỉ có một phần thưởng: Thiên Chúa.
24. Và cuối cùng, con chỉ có một tổ quốc: Việt Nam (Đường Hy Vọng # 979-1001)”.
Năm chiếc bánh và hai con cá
Dựa vào đoạn Phúc Âm thuật về phép lạ Chúa Giêsu dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé để nuôi năm ngàn người mà vẫn còn dư, từ kinh nghiệm sống đức tin đặc biệt là trong thời gian lao tù, Đức Hồng Y đưa ra những điểm then chốt trong đời sống thiêng liêng như sau:
a. năm chiếc bánh:
1. chiếc bánh thứ nhất: sống giây phút hiện tại
2. chiếc bánh thứ hai: phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa
3. chiếc bánh thứ ba: một bí quyết: cầu nguyện
4. chiếc bánh thứ tư: một sức mạnh: Thánh Thể
5. chiếc bánh thứ năm: yêu thương cho đến hiệp nhất-chúc thư của Chúa Giêsu
b. hai con cá:
1. con cá thứ nhất: Mẹ Maria, mối tình đầu của tôi
2. con cá thứ hai: tôi chọn Chúa
Mười luật sống cho giới trẻ
Với giới trẻ, ngài tổng hợp và rút gọn các yếu tố thiết yếu trong đời sống thiêng liêng vào 10 quy luật sau để giúp họ tìm được sức mạnh của Tin Mừng và sống đức tin trong niềm vui và hy vọng.
1. Tôi sẽ sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn
2. Tôi sẽ phân biệt thật rõ giữa Chúa và công việc của Chúa.
3. Tôi sẽ nắm giữ một bí quyết cầu nguyện.
4. Tôi sẽ tìm được sức mạnh của mình trong Thánh Thể.
5. Tôi sẽ có được một sự khôn ngoan: khoa học Thánh Giá.
6. Tôi sẽ trung thành làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong Giáo Hội và cho Giáo Hội.
7. Tôi sẽ tìm kiếm sự bình an mà thế gian không thể cho tôi được.
8. Tôi sẽ thực hiện một cuộc cách mạng bằng việc canh tân trong Chúa Thánh Thần.
9. Tôi sẽ nói một ngôn ngữ, mang một đồng phục: bác ái.
10. Tôi sẽ chỉ có một tình yêu đặc biệt: Mẹ Maria (Cha Tôi..tập IV tr. 56).
Thuật lãnh đạo
Bất cứ ai có dịp tiếp xúc với Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đều nhận thấy nơi ngài tư chất của một người lãnh đạo chân chính. Điều này càng được thấy rõ nơi những thành quả nơi công việc mục vụ của ngài trong thời gian làm giám mục giáo phận Nha Trang (1967-1975) và Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình (1998-2002). Hơn nữa, ngài còn chứng thực là bậc thày dạy thuật lãnh đạo qua việc vạch ra thập đại bại và thập đại thắng như những quy luật căn bản dẫn đến thất bại hay thành công trong vai trò lãnh đạo như sau.
Thập đại bại:
1. Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán, chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến.
2. Băn khoăn, bi quan, khiến cho người nghe cũng đâm hoang mang.
3. Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện, không hòa mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc địa phương.
4. Đa nghi với mọi người, mang bệnh “do dự mãn tính”, sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng.
5. Tự mình ôm đồm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, phiền toái, không phân biệt đâu là chính yếu, đâu là phụ thuộc.
6. Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng. Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công vô ơn với kẻ thành tâm giúp mình.
7. Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời: “xông pha cứu trợ người thắng trận”; suy thì rút lui nhẹ nhàng, không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác.
8. Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.
9. Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.
10. Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế.
Thập đại thắng:
1. Khiêm tốn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, uyển chuyển, linh động, lắng nghe ý kiến mọi người, rồi suy nghĩ, lượng giá.
2. Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố.
3. Có thuật dùng người, chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của kẻ khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, và nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích.
4. Tín nhiệm cộng sự viên: xem, xét, làm. Quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được.
5. Chia sẻ trách nhiệm với những cố vấn, chuyên viên, cộng sự viên. Luôn học hỏi, trau giồi thêm khả năng.
6. Nói ít, làm nhiều, luôn luôn trọng kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc hành động, chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì nhẫn nại, không bao giờ thất vọng.
7. Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mạng, can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công, cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện chọn điều khó cho mình và để cái dễ cho cộng sự viên.
8. Truớc mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch, sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê, sợ tâng bốc, thích nghe nói thẳng, nói thật.
9. Chỉ tìm phục vụ, quên mình vì đại cuộc, xác tín mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm ý Chúa, giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng, chuẩn bị tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.
10. Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, biết cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa, bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai có Chúa lo (Cha Tôi…tập IV tr. 53-55).
Thập đại bệnh
Để canh tân đời sống đức tin trong gia đình, xã hội và Giáo Hội, mỗi người cần nhận ra những tật bệnh tâm linh, những điểm tiêu cực, những thói xấu của mình để sám hối và sửa đổi; nhờ đó các liên hệ tình người sẽ trở nên tốt hơn. Đức HồngY Phanxicô Xaviê đã vạch ra 10 điểm tiêu cực sau, và gọi đó là “thập đại bệnh”. Đây là những căn nguyên khiến dung mạo khả ái của Chúa Kitô bị che khuất, lu mờ hay biến dạng nơi các Kitô hữu.
1. Bệnh quá khứ cục bộ
2. Bệnh tiêu cực bi quan
3. Bệnh phô trương chiến thắng
4. Bệnh cá nhân chủ nghĩa
5. Bệnh lười biếng tránh né
6. Bệnh chuẩn mực trần tục
7. Bệnh đợi chờ phép lạ
8. Bệnh tùy hứng vô định
9. Bệnh sống vô trách nhiệm
10. Bệnh bè phái chia rẽ (Cha Tôi…tập IV tr. 98-103).
Đời sống linh mục
Đức Hồng Y Phanxicô luôn dành ưu tiên mục vụ cho linh mục và giới trẻ, vì ngài ý thức rằng tương lai của thế giới và Giáo Hội phần lớn tùy thuộc vào hai thành phần này. Chính ngài đã có một ý thức sâu xa về sự cao quý và cần thiết của ơn gọi và sứ mạng linh mục, cũng như đã sống ơn gọi mục tử cách triệt để. Chính ngài đã từng xác tín: “Nhà tạm tốt đẹp nhất, hào quang sáng chói nhất, chân đèn rực rỡ nhất, thánh đường uy nghi nhất, là LINH MỤC” (Đường Hy Vọng #352).
Điểm quan trọng nhất
Khi được Đức Ông Hiền hỏi về đời sống linh mục, ngài đã trả lời như sau: “Điểm quan trọng nhất trong đời sống linh mục là sự thánh thiện. Linh mục thánh thiện dễ giúp người khác nhận ra Chúa hơn là sự thông minh hay khôn ngoan xử thế. Vì thế, linh mục trên hết phải là người cầu nguyện. Sự liên kết mật thiết với Chúa sẽ giúp người linh mục hoạt động tông đồ đúng như ý Chúa muốn trong bất cứ hoàn cảnh nào” (Cha Tôi…tập I tr. 35).
Điều này đã được ngài xác định trong Đường Hy Vọng: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động. Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. ” (# 119-120). Ngài còn nhấn mạnh: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (# 122). Và ngài đặt ngay trong lời tựa chương sách về cầu nguyện câu dí dỏm này: “Cầu nguyện nghề của tôi”.
Đức Ông Hiền nói thêm là ngài đã liên kết sự cầu nguyện với sự hy sinh như hai mặt của một bàn tay. Không biết hy sinh, sự cầu nguyện sẽ trở thành nhạt nhẽo, nhàm chán, khô khan, nguội lạnh. Không sống cầu nguyện, hy sinh sẽ dẫn đến phô trương, kiêu hãnh, kể công (Cha Tôi…tập I tr. 35).
Ba điều cốt yếu
Đức Hồng Y Phanxicô còn chỉ ra ba điều cốt yếu trong đời sống linh mục:
1. Sống yêu thương. Vì yêu thương có thể chiến thắng tất cả.
2. Yêu thương không loại trừ ai. Ngay cả những người chống đối mình.
3. Và hãy lập đi lập lại mỗi ngày với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa” (Cha Tôi…tập I tr. 42).
Mười hai điểm hy vọng cho đời sống linh mục của thế kỷ XXI
Dựa trên kinh nghiệm sống của chính ngài, kèm với những suy tư của Cha Ray Webb, Đức Hồng Y đã vạch ra mười hai điểm hy vọng cho các linh mục của thế kỷ XXI như sau:
1. Chuyên tâm cầu nguyện để được Chúa hướng dẫn.
2. Chú trọng đến việc rao giảng và phụng vụ bí tích.
3. Yêu thương tất cả mọi người.
4. Đào sâu việc học hỏi Lời Chúa.
5. Sống và giúp người khác sống đức tin.
6. Luôn gần gũi và hợp tác chặt chẽ với giáo dân của mình.
7. Quan tâm đến những người nghèo khổ, không tiếng nói và vấn đề công bằng xã hội.
8. Biết xử dụng đúng những khả năng của người giáo dân.
9. Là con người vui vẻ hạnh phúc.
10. Cập nhật hóa kiến thức của mình để phục vụ tốt.
11. Gương mẫu trong đời sống thiêng liêng và nhân bản.
12. Quyết tâm xây dựng sự hiệp nhất (Cha Tôi…tập IV tr. 116).
Mười Điều Răn của Linh Mục
Vào tháng 3-2001, Đức Hồng Y đã tặng Đức Ông Hiền bản “Mười Điều Răn của Linh Mục” do Hội Đồng Giám Mục Đức soạn từ năm 1993 để suy niệm dịp Thứ Năm Tuần Thánh. Chắc hẳn ngài cũng muốn tặng tất cả các linh mục khác bản văn này để giúp họ sống trọn vẹn ơn gọi linh mục cao quý Chúa đã trao ban. Bản văn ấy như sau:
1. Những gì tôi sống trong tư cách là một linh mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm.
2. Những gì Đức Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.
3. Những gì tôi với anh em linh mục cùng sống, thì quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.
4. Những gì tôi sống cho kinh nguyện và Lời Chúa, thì quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài.
5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của những người cộng tác, thì quan trọng hơn tất cả những công việc tôi làm cho lợi ích của riêng mình.
6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống, thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.
7. Hoạt động cùng với người cộng tác, thì quan trọng hơn là làm một mình, cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hành động riêng rẽ.
8. Hy sinh thập giá bên trong, thì quan trọng hơn những thành quả đạt được bên ngoài.
9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, Giáo Phận và Giáo Hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.
10. Làm chứng về đức tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn làm thỏa mãn thị hiếu của họ (Cha Tôi…tập IV tr. 190-191).
Tám Mối Phúc Thật cho chính trị gia Công Giáo
Để khuyến khích giáo dân đem đạo vào đời, góp phần cải thiện xã hội và thế giới cách tích cực trong các lãnh vực trần thế, Đức Hồng Y Phanxicô đã đưa ra Tám Mối Phúc Thật cho các chính trị gia Công Giáo, chứa đầy tinh thần PhúcÂm như sau:
1. Phúc cho chính trị gia nào có được sự hiểu biết sâu sắc và lương tâm ngay thẳng về vai trò chính trị của mình.
2. Phúc cho chính trị gia nào được mọi người tin cậy.
3. Phúc cho chính trị gia nào chỉ biết phục vụ cho công ích, chứ không tìm lợi lộc riêng cho cá nhân mình.
4. Phúc cho chính trị gia nào giữ được chữ tín của mình.
5. Phúc cho chính trị gia nào biết thực hiện sự hiệp nhất dựa vào Chúa Giêsu.
6. Phúc cho chính trị gia nào biết thực hiện sự thay đổi tận căn.
7. Phúc cho chính trị gia nào biết lắng nghe.
8. Phúc cho chính trị nào không biết sợ hãi.
Ngài còn chỉ ra mười nhân đức các chính trị gia chân chính cần phải có để bổ túc cho Tám Mối Phúc Thật trên đây:
1. Cổ võ văn hóa sự thật
2. Can đảm với chính mình
3. Chuẩn bị người thừa kế
4. Khiêm nhường
5. Thành thật
6. Tự do, không sợ hãi
7. Phục vụ mọi người
8. Khí cụ hòa bình, yêu thương, tha thứ và hòa giải
9. Có cái nhìn đúng đắn về mọi lãnh vực
10. Trung thành với Giáo Hội, với Đức Thánh Cha vàTổ Quốc (Cha Tôi…tập IV tr, 204-206).
Một đời yêu thương
Trong hồi ký về Đức Hồng Y Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền, người con thiêng liêng thân thương của ngài, đã ghi lại bài suy niệm “Thời gian cô đọng” của Đức Hồng Y đã tặng ngài làm qùa Giáng Sinh Năm Thánh 2000 như sau:
Con cảm nhận, có thể chủ quan hoặc khách quan tuỳ mỗi lúc khác nhau trong đời người, là thời gian có thời lượng khác nhau
-giờ hạnh phúc, người ta muốn giữ mãi hạnh phúc đừng trôi qua.
-giờ hấp hối, những người thân yêu muốn níu kéo lại thời gian, và xem mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của người sắp ra đi rất là quan trọng.
-giờ đau khổ, thời gian như ngừng lại, nặng nề như không muốn trôi.
-giờ phút yêu thương, ấm áp, vui vẻ, sung sướng, sẵn sàng chấp nhận mọi sự cách nhiệt tình,
Lạy Chúa, con muốn sống những giây phút đang trôi qua,
làm cho nó đầy lòng mến, có một tỉ trọng tối đa,
như các Thánh trên trời sống trong sự vĩnh cửu.
Mỗi giây phút của họ đầy tràn lòng mến,
như vĩnh cửu là hạnh phúc không lời nào diễn tả được.
Con cần biến đổi tỉ trọng của thời gian trong đời sống con tốt lên mãi.
Không phải chiều dài của thời gian là quan trọng,
nhưng Chúa sẽ xét về tỉ trọng thời gian con sống:
Chúa không hỏi con đã sống bao nhiêu năm,
nhưng Chúa sẽ xét những ngày con sống có tràn đầy lòng mến không.
Và Đức Ông Hiền nhận xét: “Đây không phải chỉ là một lời khuyên, một nguyên tắc để sống, nhưng còn phản ảnh trung thực chính cuộc đời tràn đầy yêu thương của ngài dành cho mọi người, kể cả những người chống phá hoặc vu khống ngài. Cuộc đời của ngài thật sự tràn đầy lòng mến: mến Chúa, yêu thương con người, và yêu mến Giáo Hội thiết tha…Tất cả vì Chúa. Tất cả vì Giáo Hội. Tất cả vì yêu thương hiệp nhất. Ngài đã sống như vậy và không ngừng khuyên bảo, khuyến khích con cái thiêng liêng, cũng như những người cộng tác, thân quen với ngài, cùng hành động theo ý hướng đó” (Cha Tôi…tập IV tr. 157, 160).
Đức Ông Hiền cũng đã ghi lại trong hồi ký một lá thơ của Đức Hồng Y viết cho một bạn trẻ đau khổ vì bị hiểu lầm và chống đối khi đang làm việc hăng say cho một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam. Đức Ông cho rằng lá thư này đã cho phản ảnh phần nào chính cuộc sống và cách cư xử siêu nhiên của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê. Chắc chắn lá thư này sẽ đem lại an ủi và khích lệ lớn lao cho tất cả những ai muốn dấn thân xây dựng yêu thương hiệp nhất trong các cộng đoàn.
Lá thư quý giá ấy như sau:
Thăm con,
Cha nhận thư con, Cha trả lời kẻo con mong. Trong mọi sự, phải lấy mấy tiêu chuẩn sau đây mà chọn:
1. Tôi làm hoàn toàn vì Chúa, hay là có phần vì tự ái, vì cá nhân mình?
2. Công việc, thái độ mình làm trong hoàn cảnh cụ thể, có phục vụ sự hiệp nhất hay sẽ gây ra chia rẽ?
3. Có nhằm lợi ích lâu dài cho việc chung của Hội Thánh, cho cộng đoàn không?
…Trong chuyến đi vừa qua, Cha đã nhắn nhủ tha thíêt nhất về sự hiệp nhất. Nhưng hình như không thấm vào đâu. Những chuyện chương trình, tổ chức..tuy là cần, nhưng không quan trọng. Cốt lõi là làm đẹp lòng Chúa và xây dựng cộng đoàn mới quan trọng…
Ma quỷ nó thấy việc Chúa thành công thì nó tìm cách quấy phá. Việc chung là “việc của Chúa”, nhưng cái tài của ma quỷ là tung hoả mù và tạo sự chia rẽ nội bộ. Qua các chuyến đi của Cha, ma quỷ phá nhiều lắm. Cha đã được nhiều thư, nghe nhiều điện thoại, của những người trong nội bộ, đủ hạng tố nhau. Khuyên Cha cảnh giác, biết hoài nghi người này, người nọ, xa lánh xứ nọ, nhóm kia, đề phòng bị lợi dụng…Có thể những người đó đều có thiện chí. Nhưng nếu Cha nghe tất cả, thì cộng đoàn sẽ tan và không ai làm việc được nữa, vì ai cũng bị tố. Riêng bản thân Cha, nếu tin tất cả 100%, thì Cha sẽ không đi đâu nữa hết, vì sẽ chán ngán lắm và không còn tin ai.
Nhưng vì yêu thương, yêu Chúa thương người, Cha cứ làm thinh vui vẻ và chấp nhận. Xin con đọc kỹ Chương 29 của Đường Hy Vọng nói về Gian Khổ (Tránh đau khổ, con đừng mong làm Thánh).
Khi nhiều hạng người chống đối Cha, trục xuất Cha…Cha vẫn chấp nhận và yêu thương mọi người. Có người ra mặt, có người nghĩ khác làm khác, nói lại càng khác. Nhưng không sao, cứ để Chúa lo. Không có mình cũng chẳng sao. Mình chỉ như một gợn sóng khi một cục đá rơi xuống nước, rồi đâu vào đấy.
Nghĩ như vậy rồi “tươi cười” như Cha nói trong Thập Đại Thành Công (Ta phải nhìn lên Chúa, nhìn chính mình, nhìn mọi người và mỉm cười).
Chúc (con) vui vẻ và bình tĩnh. “Tất cả vì Chúa” rồi sẽ bình an. Cha cầu nguyện cho con.
Cha
+Thuận.
Với mấy lời “Không sao, cứ để Chúa lo” của Đức Hồng Y trong lá thư trên đã khiến Đức Ông Hiền nhận thấy nơi Đức Hồng Y một lối sống đạo đơn sơ nhưng cương quyết và đầy tràn lòng mến như đã gặp thấy nơi Mẹ Têrêsa Calcutta, một lối sống được Mẹ đúc kết lại trong bài “Sống Đạo” như sau:
Đạo không phải là một chủ thuyết, để dựa vào đó mà chỉ trích chống đối nhau, hay bảo vệ lập trường riêng tư của mình.
Đạo là sống theo Phúc Âm Chúa Giêsu cách trọn vẹn.
Thế gian này có người không phân biệt phải trái, phi lý, vụ lợi:
Không can gì, cứ yêu thương họ.
Nếu bạn làm tốt, họ bảo rằng bạn nhằm mục đích ích kỷ:
Không can gì, cứ làm điều tốt.
Bạn thực hiện chương trình, bạn sẽ gặp nhiều người bạn giả dối và kẻ thù đích thực:
Không can gì, cứ thực hiện.
Sự thanh liêm và trung thực làm cho bạn dễ bị tấn công:
Không can gì, cứ thành thực và thanh liêm,
Công nghiệp bạn xây dựng trong nhiều năm sẽ bị phá tan trong một ngày:
Không can gì, cứ xây dựng.
Người được bạn giúp đỡ sẽ phản bội bạn:
Không can gì, cứ tiếp tục giúp đỡ.
Bạn đem những gì đẹp nhất của đời bạn cho thiên hạ, họ sẽ đưa chân đá đuổi bạn:
Không can gì, hãy cho mọi người những gì tốt nhất.
Hai ngàn năm trước đây, Chúa Giêsu đã làm như vậy (Cha Tôi…tập IV tr. 160-164).
Sau khi ôn lại cuộc đời và giáo huấn của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và đọc bài “Sống Đạo” của Mẹ Têrêsa Calcutta, tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu muốn nói với tôi: “Con hãy đi và làm như vậy” (Lc 10: 37).
(Sept. 5-9. 2008)
PS: Bài này đã được đăng trong mục Trong Lòng Hội Thánh trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hai số tháng 10&11, 2008. Nay trong những ngày chuẩn bị bầu cử tại Hoa Kỳ, xin chia sẻ với than hữu Thanhlinh.net để tập suy tư và hành động theo gương Đức Hồng Y khả ái của chúng ta. HP (Oct. 20, 2020).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn