Bây giờ chúng ta cùng xem xét một số đặc tính của đức tin. Có nhiều cách nói về các đặc tính của đức tin. Ở đây, tôi muốn trình bày các đặc tính đó theo các cặp nghịch lý, để vừa dễ nhớ vừa cho thấy rằng đức tin là mầu nhiệm mà chỉ ngôn ngữ nghịch lý mới diễn tả khá chân thực được. Vậy trong bài này, ta cùng tìm hiểu ba đặc tính kép có phần nghịch lý của đức tin: 1) đức tin là ơn ban cách nhưng không, nhưng cũng cần được cầu xin, học hỏi cũng như cần được sống, trau dồi, luyện tập; 2) đức tin là hành vi cá vị nhưng cũng là hành vi mang tính Giáo hội; 3) đức tin rất xác quyết, rất chắc chắn, nhưng cũng bao hàm đêm tối.
Cặp đặc tính thứ nhất là Đức tin là ơn ban, nhưng cũng cần sự cộng tác của con người.
Như trên đã nói, nghĩa thứ nhất của đức tin là tâm tình tín thác vào TC. Tuy nhiên, kinh nghiệm nội tâm này không dễ có và cũng không do ta muốn là có được. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm mình cầu nguyện rất nhiều, tham dự Thánh Lễ đều đặn, đọc nhiều kinh, nhưng vẫn không cảm thấy gần Chúa; nhiều khi ta muốn phó thác cho Chúa, nhưng không được, những khó khăn cuộc sống vẫn ám ảnh ta khiến ta lo lắng; nhiều khi ta muốn làm điều tốt, nhưng lực bất tòng tâm, v.v.
Những kinh nghiệm đó cho thấy đức tin thực sự là một ơn ban. Không phải ta cứ muốn hay luyện tập là có thể tin vào Thiên Chúa được, mà cần Ngài ban ân sủng ta mới có thể yêu mến, tín thác và sống theo Ý Ngài. Giáo lý của GH khẳng định đức tin là ơn TC ban cách nhưng không, tức đức tin có được không do công sức hay công trạng của ta. Chính TC làm cho ta có thể tin vào Ngài; nếu Ngài không ban ơn, ta không thể tin vào Ngài.
Mặt khác, điều này không có nghĩa là ta được miễn trách nhiệm phải cầu xin, gìn giữ và nuôi dưỡng đức tin. Đức tin là ơn TC ban, nhưng vẫn là hành vi của ta. TC không tin thay ta, để đến nỗi ta có thể ngồi không chẳng làm gì. Con người vẫn có sự chủ động nào đó trong hành vi tin của mình. Sự chủ động này thể hiện qua sự khao khát, cầu nguyện, học hỏi và sống đức tin. TC thường chỉ ban ơn đức tin cho ai tích cực cộng tác với ơn đó; và ngay cả khi Ngài ban mà ta không gìn giữ thì ơn đó cũng có thể hao mòn và mất đi.
Hệ luận rút ra từ đặc tính này của đức tin là tín hữu luôn phải cố gắng hết sức duy trì và nuôi dưỡng ơn đức tin bằng việc cầu nguyện, học hỏi và sống đức tin, nhưng không bao giờ được nghĩ rằng do công sức của mình mà mình có đức tin và nhờ đó mà mình hơn người khác.
Đức tin là hành vi nhân linh có nghĩa là khi tin, con người phải có đầy đủ sự hiểu biết, ý thức và tự do; con người phải biết sự dụng trí khôn và không bị ai ép buộc khi tin, nếu không thì đó không được kể là hành vi tin. Đức tin là hành vi cá vị, tức là không ai có thể tin thay người khác, mỗi người phải tự đi vào tương quan mật thiết với TC và vâng phục các điều Ngài dạy bảo.
Đức tin Kito giáo luôn là một hành vi nhân linh, thế nên, GH chỉ xem một người thực sự có đức tin khi người đó đến tuổi khôn và có thể sử dụng tự do của mình. Điển hình là việc khai tâm và gia nhập Kito giáo chỉ thực sự hoàn thành khi các em nhỏ đến tuổi khôn, lúc mà các em có thể lãnh nhận bí tích thêm sức và Mình Thánh Chúa.
Vì là hành vi cá vị, nên khi tuyên xưng đức tin, chúng ta luôn nói “Tôi tin”; Kinh Tin Kính cũng như các công thức tuyên xưng đức tin của GH không mở đầu bằng câu “chúng tôi tin”.
Nhưng mặt khác, đức tin luôn là hành vi mang tính cộng đồng ở trong Giáo Hội cả về nguồn gốc, phương tiện, diễn tả và nội dung. Về nguồn gốc, đức tin mà mỗi người có được đều do TC ban ngang qua cộng đoàn GH; không ai tự rửa tội cho mình được, mà phải được GH rửa tội qua thừa tác viên của GH. Về các phương tiện nuôi dưỡng đức tin, chúng ta đều nhờ đến các phương tiện trong GH và của GH như Kinh Thánh, Thánh Truyền, các bí tích, v.v. Về việc tuyên xưng đức tin, mỗi người đều phải tự mình tuyên xưng đức tin, nhưng ta làm điều đó chung với nhau, trong cộng đoàn, theo cùng một thể thức. Về nội dung, đức tin mà mỗi người chúng ta tuyên xưng có cùng nội dung với nhau. Ví dụ: chúng ta đều đọc chung một Kinh Tin Kính vào lúc sau bài giảng, chứ không thể mỗi người tuyên xưng một kiểu và bất kỳ lúc nào trong Thánh Lễ cũng được.
Hệ luận của đặc tính này của đức tin là tín hữu cần đào sâu tâm tình nội tâm cá vị của mình trong tương quan với TC, nhưng đồng thời cũng phải dựa vào những hướng dẫn, quy định của GH khi tuyên xưng hay diễn tả đức tin.
Đây là kinh nghiệm của tổ phục Abraham khi KT mô tả ông xác tín vào lời TC kêu gọi ông ra đi; nhưng ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm chung của mọi tín hữu: chúng ta tin chắc có TC, rằng Ngài yêu thương chúng ta, rằng CG ngự trong BTTT, nhưng không thể lý giải cho chính mình cũng như cho người khác tại sao mình lại xác tín được như vậy. Tại sao lại như thế? Chúng ta cùng tìm hiểu cặp đặc tính nghịch lý này của đức tin.
Vì TC là Đấng trung tín, vĩnh hằng, là đá tảng, nên khi tín thác vào Ngài, ta có được kinh nghiệm về sự an toàn, chắc chắn mà không thụ tạo nào có thể mang lại cho ta. TC cũng là Đấng chân thật, nên những điều Ngài truyền dạy mang đến cho ta những chân lý vững vàng chắc chắn mà không khoa học trần thế nào có thể mang lại cho ta. Trong khi khoa học có thể khám phá những chân lý cụ thể ở tầm mức thế tục, đức tin giúp ta nhận ra những chân lý toàn diện ở tầm mức siêu việt; những chân lý thiết yếu và nền tảng, thực sự quan trọng cho ta mà nếu không có đức tin thì trí óc ta không thể khám phá hay nhận ra hoặc chỉ có thể nhận ra cách mơ hồ, giả định và đầy hoài nghi.
Nhưng mặt khác, sự chắc chắn của chân lý của đức tin khác với sự chắc chắn rõ ràng của chân lý khoa học vốn chỉ là một dạng của chân lý toàn diện và đích thực. Chân lý khoa học có thể được đo lường, kiểm chứng, chứng minh rõ ràng bằng các phương tiện trần thế, phù hợp với quy luật của lý trí. Nhưng chân lý đức tin thì không thể đo lường, kiểm chứng, chứng minh theo cùng một cách thế như vậy. Thế nên, tín hữu luôn sống trong một sự căng thẳng lành mạnh giữa sự chắc chắn ở tầm mức siêu việt và sự không kiểm chứng được ở tầm mức trần thế; sự căng thẳng này thuộc về bản chất của đức tin. Bởi nếu chân lý đức tin mà có thể kiểm chứng cách khoa học được, thì nó không còn là chân lý đức tin nữa, mà rơi trở lại xuống tầm mức trần thế. Như vậy, bản chất của điều ta tin là chắc chắn, nhưng lại không kiểm chứng được, nên bao hàm một chiều kích “mơ hồ”, đêm tối nào đó.
Vừa chắc chắn, vừa mơ hồ? Một cách cụ thể, điều này diễn ra thế nào trong tâm tưởng tín hữu? Khi tin, tín hữu cảm nghiệm thấy sự chắc chắn, vững vàng, xác tín vào điều mình tin là chân thực nhưng lại không giải thích được, cũng không thể trình bày cách thuyết phục để làm cho người khác có được cảm nghiệm như mình; mà chỉ có thể cho thấy sự xác tín đó qua cuộc sống, qua những lựa chọn hiện sinh của mình; tức là tín hữu chỉ có thể làm chứng ta cho đức tin bằng đời sống, chứ kg thể chứng minh đức tin bằng lý lẽ khoa học.
Một trong những hệ luận của đặc tính này của đức tin là tín hữu tuy xác tín TC yêu thương, chăm sóc mình, không được giả định cách rõ ràng chắc chắn về những ơn cụ thể mà TC sẽ ban, như thể lên kế hoạch cho TC phải hành động theo ý riêng của ta vậy. Mà phải phó thác hoàn toàn cho Ngài, và không đòi hỏi Ngài phải hành xử theo những gì ta mong đợi.
Tóm lại, trong bài này chúng ta đã tìm hiểu một số đặc tính của đức tin, sắp xếp theo ba cặp nghịch lý nhưng bổ túc cho nhau. Những đặc tính này cho thấy đức tin luôn là mầu nhiệm mà ta không thể mô tả rốt ráo được.
Chúng ta đã kết thúc loạt bài về mạc khải và đức tin. Ở bài sau, chúng ta sẽ tìm hiểu các phương thế lưu truyền mạc khải và đức tin, tức là Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn