G. Trần Đức Anh, O.P.
Tuy nước Ý đã được nới lỏng sự phong tỏa, được tự do di chuyển trong mỗi miền, nhưng chưa được đi từ miền này sang miền khác, và biên giới giữa Ý và các nước khác vẫn còn bị đóng, nên không có các tín hữu hành hương và du khách đến tham dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh cha.
Ngoài ra, tuy có sự giảm bớt tại một số nơi, nhưng nói chung đại dịch Covid-19 vẫn tiếp đe dọa tại nhiều nơi trên thế giới. Trong một tuần qua, có thêm 550.000 người bị nhiễm coronavirus và hiện có hơn 4 triệu 950.000 bệnh nhân. Có thêm 27.000 người thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân lên hơn 325.000, tính đến chiều ngày 19/5 vừa qua.
Như thường lệ, không có tín hữu hiện diện trực tiếp tại buổi tiếp kiến, ngoài tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ Khanh đảm phận việc thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính, hai giám chức phụ giúp ngài, cũng như một vài nhân viên kỹ thuật thu hình.
Trong phần tôn vinh Lời Chúa mở đầu, tám linh mục thông dịch đã lần lượt đọc đoạn thánh vịnh thứ 8 (4-5.10):
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?...
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu”.
Trong phần huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài giáo lý thứ ba về sự cầu nguyện, bài này có chủ đề là: “Mầu nhiệm sáng tạo”. Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
“Chúng ta tiếp tục giáo lý về sự cầu nguyện, bằng cách suy tư về mầu nhiệm sáng tạo. Cuộc sống, nguyên sự kiện chúng ta hiện hữu, cũng mở rộng tâm hồn ta cho việc cầu nguyện.
“Trang đầu tiên của Kinh thánh giống như một bài đại thánh ca cảm tạ. Trình thuật về sự sáng tạo được bố cục qua những điệp khúc liên tục tái khẳng định mọi sự hiện hữu là điều tốt lành và đẹp đẽ. Thiên Chúa, dùng lời nói, kêu gọi vạn vật đi vào sự sống và mỗi vật được hiện hữu. Bằng lời nói, Chúa tách biệt ánh sáng ra khỏi bóng tối, làm cho ngày và đêm luân chuyển nhau, làm cho các mùa tiếp nối nhau, mở ra một bức tranh màu với nhiều loại thực vật và động vật khác nhau. Trong rừng cây sum xuê ấy, mau lẹ đẩy lui tình trạng hỗn mang, con người xuất hiện sau cùng. Và sự xuất hiện ấy tạo nên hân hoan tột độ, gia tăng sự mãn nguyện và vui mừng: “Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài làm, và đó là những điều rất tốt” (St 1,31).
Vẻ đẹp và mầu nhiệm sáng tạo làm nảy sinh nơi tâm hồn con người động lực đầu tiên, khơi dậy kinh nguyện (Xc SGLCG 2566). Và thánh vịnh thứ 8 tuyên xưng rằng: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (vv.4-5). Người cầu nguyện chiêm ngắn mầu nhiệm cuộc sống quanh mình, và thấy trời đầy sao ở trên mình - và bầu trời mà khoa vật lý thiên văn ngày nay tỏ cho chúng ta thấy tất cả sự mênh mông của nó - và con người tự hỏi đâu là kế hoạch yêu thương phải có đằng sau công trình hùng vĩ như thế! Và trong không gian vô tận ấy, con người là gì? “Hầu như chẳng là gì cả”, như một thánh vịnh khác đã nói (Xc 89,48): một hữu thể sinh ra, một hữu thể chết đi, một thụ tạo rất mong manh. Thế mà trong toàn thể vũ trụ, con người là thụ tạo duy nhất ý thức về bao nhiêu vẻ đẹp.
Đức Thánh cha nhận xét rằng:
“Kinh nguyện của con người gắn liền với tâm tình ngỡ ngàng, ngưỡng mộ. Chiều kích cao lớn của con người thật là vô cùng bé nhỏ so với những chiều kích của vũ trụ. Những chinh phục lớn nhất của con người dường như chẳng đáng kể gì... Nhưng con người không phải là hư vô. Trong kinh nguyện, có khẳng định một tâm tình cảm thương mạnh mẽ. Không có gì tình cờ hiện hữu: bí quyết của vũ trụ hệ tại cái nhìn từ nhân mà một vị gặp thấy trong đôi mắt chúng ta. Thánh vịnh quả quyết rằng chúng ta được dựng nên chỉ kém thần minh một chút, chúng ta được quang vinh và vinh dự (Xc 8,6). Tương quan với Thiên Chúa là sự cao cả của con người: là sự “đăng quang” của con người. Tự bản chất, chúng ta chẳng là gì cả, nhưng do ơn gọi chúng ta là con cái của Đại Vương!”
Đó là một kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua. Nếu những thăng trầm của cuộc sống, với tất cả những cay đắng của nó, đôi khi bóp nghẹt ơn cầu nguyện trong chúng ta, thì chỉ cần chiêm ngắm bầu trời đầy sao, lúc hoàng hôn, một bông hoa... để khơi dậy tia sáng của lòng biết ơn. Kinh nghiệm này có lẽ ở nơi căn cội trang đầu tiên của Kinh thánh.
Khi đại trình thuật của Kinh thánh được thảo ra, dân Israel chưa trải qua những ngày hạnh phúc. Một kẻ thù quyền năng chiếm đất của họ; nhiều người bị lưu đày và giờ đây họ làm nô lệ ở miền Mesopotamia. Chẳng còn tổ quốc, đền thờ, đời sống xã hội và tôn giáo, chẳng còn gì.
Nhưng chính từ đại trình thuật về sự sáng tạo, có người bắt đầu tìm lại được những động lực để cảm tạ, chúc tụng Thiên Chúa vì cuộc sống. Kinh nguyện là sức mạnh đầu tiên mang lại hy vọng. Vì người cầu nguyện bảo tồn những chân lý căn bản; đó là những người lập lại, trước tiên cho bản thân rồi cho mọi người khác, rằng cuộc sống này, mặc dù có tất cả những cơ cực và thử thách, mặc dù có những ngày khó khăn, nhưng cũng đầy ơn phúc để tỏ ra kinh ngạc. Và cuộc sống như thế luôn luôn phải được bênh vực và bảo vệ.
Những người nam nữ cầu nguyện biết rằng niềm hy vọng mạnh hơn là sự nản chí. Họ tin rằng tình thương mạnh hơn sự chết, và một ngày kia sẽ chiến thắng, cho dù chúng ta không biết khi nào và theo thể thức nào. Những người nam nữ cầu nguyện mang trên khuôn mặt những phản ánh của các tia sáng: vì cả trong những ngày đen tối nhất, mặt trời vẫn không ngừng chiếu sáng họ.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng:
“Tất cả chúng ta là những người mang niềm vui. Cuộc sống này là một hồng ân Chúa ban cho chúng ta: nó quá ngắn ngủi không thể tiêu hao nó trong sầu muộn. Chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, luôn hài lòng nguyên sự kiện ta được sống. Chúng ta là những con cái của một Đại Vương, có khả năng đọc được chữ ký của Ngài trong mọi thụ tạo.”
Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.
Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm tất cả mọi người Ba Lan. Trong những ngày này, chúng ta kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Gioan Phaolô II. Là một mục tử có niềm tin mạnh mẽ trong kinh nguyện, ngài ưa phó thác Giáo hội và toàn nhân loại cho Thiên Chúa. Khi chọn khẩu hiệu giám mục “Totus Tuus”, toàn thân con thuộc về Mẹ, ngài cũng chứng tỏ rằng trong những lúc khó khăn, chúng ta phải hướng về Mẹ Thiên Chúa, Đấng có thể phù giúp và chuyển cầu cho chúng ta. Ước gì cuộc sống của thánh nhân, được xây dựng trên kinh nguyện sâu xa, nồng nhiệt và tín thác, là mẫu gương cho các tín hữu Kitô ngày nay. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em.
Sau cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi chào thăm tất cả các tín hữu nói tiếng Ý. Lễ Chúa Lên Trời nay đã đến gần, mang lại cho tôi cơ hội để nhắn nhủ tất cả anh chị em hãy trở thành những chứng nhân quảng đại của Chúa Kitô Phục Sinh, với ý thức rõ ràng Ngài luôn ở với chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên đường.
“Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, những người già, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Chúa Giêsu Kitô, khi lên trời, đã để lại một sứ điệp và một chương trình cho toàn thể Giáo hội: “Các con hãy đi và giảng dạy muôn dân... dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 26,19-20). Ước gì việc làm cho lời cứu độ của Chúa Kitô được biết đến và làm chứng về lời Chúa trong đời sống thường nhật, trở thành lý tưởng và là quyết tâm của anh chị em...
Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha ban cho mọi người.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn