Đức Thánh cha: Thiên Chúa luôn hướng dẫn và đồng hành với chúng ta

Thứ sáu - 05/06/2020 21:02

Đức Thánh cha: Thiên Chúa luôn hướng dẫn và đồng hành với chúng ta

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến trực tuyến từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa. | Vatican Media

Sáng thứ Tư, 03/6/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến trực tuyến lần thứ mười ba, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Từ hôm 03/6, tại nước Ý, sau gần ba tháng bị hạn chế vì đại dịch Covid-19, dân chúng được đi lại tự do trên toàn quốc, thay vì bị giới hạn trong mỗi miền. Nhưng biên giới giữa Ý và các nước khác vẫn chưa được mở ra nên Ý và đặc biệt là Roma, vẫn chưa có du khách và tín hữu hành hương từ nước ngoài. Vì thế, các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh cha ngày thứ Tư vẫn chưa trở lại tình trạng như trước đại dịch và buổi tiếp kiến chung của ngài vẫn diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Như thường lệ, tại nơi tiếp kiến chỉ có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ Khanh đảm phận việc thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính, hai giám chức phụ giúp ngài, cũng như một vài nhân viên kỹ thuật thu hình.

Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua đoạn sách trích từ đoạn 15 sách Sáng thế (15.1.3-6), ghi lại lời Chúa phán với Abraham trong thị kiến, qua đó Ngài hứa bảo vệ và làm cho dòng dõi ông đông đảo như sao trên trời. Ông đã tin vào Lời Chúa và Ngài coi ông là người công chính.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Tiếp đến, Đức Thánh cha đã trình bày bài giáo lý thứ năm về cầu nguyện, và diễn giải kinh nguyện của tổ phụ Abraham.

Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Có một tiếng nói bất ngờ vang lên trong cuộc sống của Abraham. Một tiếng nói mời gọi ông hãy lên đường, nghe có vẻ không hợp lý: một tiếng nói thúc giục ông hãy rời bỏ quê hương, bỏ những căn cội của gia đình ông, để đi về một tương lai mới, khác biệt. Và tất cả dựa trên một lời hứa mà ông chỉ cần tín thác. Và tín thác nơi một lời hứa không phải là dễ dàng, cần phải có can đảm.

Kinh thánh không nói gì về quá khứ của tổ phụ đầu tiên. Diễn tiến những sự việc khiến ta giả thiết rằng ông đã từng thờ lạy các thần minh khác; có lẽ ông là một người khôn ngoan, quen ngắm trời và các tinh tú. Và Chúa hứa với ông rằng dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời.

Tổ phụ Abraham tín thác nơi Lời Chúa

Abraham ra đi. Lắng nghe tiếng Thiên Chúa và tín thác nơi lời Ngài. Và với cuộc khởi hành của ông, nảy sinh một cách thức mới quan niệm về tương quan với Thiên Chúa; chính vì lý do đó, tổ phụ Abraham hiện diện trong các đại truyền thống linh đạo Do thái, Kitô và Hồi giáo như một người hoàn hảo của Thiên Chúa, có khả năng tùng phục Chúa, cả khi ý muốn của Chúa tỏ ra khó khăn, nếu không muốn nói là không thể hiểu nổi.

Vì thế, Abraham là người của Lời Chúa. Khi Thiên Chúa phán, con người trở thành người đón nhận Lời Chúa và cuộc sống của họ trở thành nơi mà Lời Chúa muốn nhập thể vào. Đó là điều rất mới mẻ trong hành trình tôn giáo của con người: cuộc sống của tín hữu bắt đầu được thai nghén như ơn gọi, như nơi thể hiện một lời hứa; và con người chuyển động trong thế giới không phải dưới sức nặng của một ẩn ngữ, nhưng với sức mạnh của lời hứa, một ngày kia sẽ được thành tựu.

Cách thức cầu nguyện của Abraham

Đức Thánh cha nhận xét rằng:

“Khi đọc sách Sáng thế, chúng ta khám phá thấy cách thức Abraham đã sống kinh nguyện trong niềm trung thành liên lỷ với Lời Chúa, Lời này xuất hiện theo định kỳ dọc theo hành trình của ông. Nói vắn tắt, chúng ta có thể khẳng định rằng trong cuộc sống của Abraham, niềm tin trở thành lịch sử: Thiên Chúa không còn được thấy trong các hiện tượng vũ trụ mà thôi, như một vị Thiên Chúa xa xăm, có thể gây kinh sợ. Thiên Chúa của Abraham trở thành “Thiên Chúa của tôi”, Thiên Chúa của lịch sử bản thân tôi, hướng dẫn bước đường của tôi, không bỏ rơi tôi; Thiên Chúa của những ngày đời tôi, đồng hành với những phiêu lưu của tôi; Thiên Chúa Quan Phòng.

Cảm nghiệm của triết gia Blaise Pascal

Kinh nguyện này của Abraham cũng được chứng tỏ nơi một trong những văn bản đặc sắc nhất về lịch sử linh đạo, đó là cuốn “Hồi ký” (Memoriale) của Blaise Pascal. Văn bản đó thế này: “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob, không phải của các triết gia và những nhà thông thái. Chắc chắn, chắc chắn. Tâm tình. Vui mừng. An bình. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô”. Những lời này được viết trên một mảnh giấy da bé nhỏ và người ta tìm thấy sau khi Pascal qua đời, và mảnh giấy da ấy được khâu bên trong áo của triết gia, những lời ấy không diễn tả suy tư trí thức mà một nhà hiền triết có thể quan niệm về Thiên Chúa, nhưng là cảm thức sinh động, được cảm nghiệm, về sự hiện diện của Chúa. Thậm chí Pascal ghi chú lúc chính xác khi ông cảm thấy được thực tại ấy, mà sau cùng ông đã gặp được, đó là buổi tối ngày 23 tháng 11 năm 1654.

Kinh nguyện qua hành động

“Kinh nguyện của Abraham biểu lộ trước tiên bằng hành động: là một người thinh lặng, tại mỗi giai đoạn trong hành trình, ông đều dựng một bàn thờ cho Chúa” (SGLHTCG, 2570). Abraham không xây dựng một đền thờ, nhưng rải trên đường đi những tảng đá nhắc nhớ Chúa đi qua. Một vị Thiên Chúa gây ngạc nhiên, như khi Chúa viếng thăm ông dưới hình ba người khách, mà ông và bà Sara ân cần đón tiếp và ba người khách ấy loan báo ông sẽ sinh con trai là Isaac (Xc. St 18,1-15).

Abraham sống thân mật và tín thác nơi Thiên Chúa

Vì thế, Abraham trở thành người nhà của Thiên Chúa, có khả năng thảo luận với Ngài, nhưng luôn luôn trung thành. Cho đến thử thách tột cùng, khi Thiên Chúa yêu cầu ông sát tế chính Isaac, con của ông. Tại đây, Abraham sống đức tin như một thảm kịch, như lần mò bước đi trong đêm tối, dưới bầu trời lần này thiếu sao. Chính Thiên Chúa đã chặn tay của Abraham đang sẵn sàng sát tế con, vì Chúa đã thấy sự sẵn sàng thực sự hoàn toàn của ông (Xc. St 22,1-19). Abraham đã 100 tuổi và vợ ông 90 tuổi, hơn kém. Và họ đã tin, đã tín thác nơi Thiên Chúa. Sara vợ ông đã thụ thai ở tuổi đó.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy học từ Abraham cách thức cầu nguyện trong tin tưởng: lắng nghe, tiến bước, đối thoại và thậm chí thảo luận, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận Lời Thiên Chúa và mang ra thực hành”.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu Ba Lan. Đặc biệt, tôi bày tỏ sự gần gũi các bạn trẻ đang họp nhau tham dự buổi canh thức cầu nguyện và ngợi khen trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ giới trẻ lần thứ 24, của giới trẻ Lednica 2000. Lần này, ít bạn trẻ được đích thân gặp nhau cạnh các giếng rửa tội ở Ba Lan, nhưng rất nhiều người trẻ tham dự cuộc gặp gỡ này qua các phương tiện truyền thông. Tất cả các bạn hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Thánh Linh linh hoạt sự hăng say của đức tin và trở thành những chứng nhân về niềm vui của những người cố gắng sống trong ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh. Xin thánh Gioan Phaolô II, bổn mạng các cuộc gặp gỡ này, vị mà chúng ta đang mừng kỷ niệm sinh nhật thứ 100, chúc lành cho các bạn. Các bạn hãy chọn khẩu hiệu của thánh nhân “Totus tuus” Toàn thân con thuộc về Mẹ, và giống như ngài, các bạn hãy sống tuổi trẻ bằng cách phó thác cho Chúa Kitô và Mẹ Ngài, để can đảm và mạnh dạn tiến bước về những chân trời tương lai: các bạn hãy mang phúc lành cho cha mẹ các bạn. Hãy làm điều đó như một cử chỉ yêu thương, khiêm tốn và biết ơn thảo hiếu vì hồng ân sự sống và đức tin của cha mẹ. Tôi hiệp với kinh nguyện của các bạn và xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho các bạn!”

Sau cùng, ngỏ lời chào các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Lễ Chúa Ba Ngôi sắp tới dẫn đưa chúng ta về mầu nhiệm đời sống thân mật của Thiên Chúa, duy nhất và ba ngôi, trung tâm đức tin Kitô, và thúc đẩy chúng ta tìm thấy trong tình yêu Thiên Chúa ơn an ủi và an bình nội tâm của chúng ta.”

“Tôi nghĩ đến những người già, các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy phó thác cho Chúa Thánh Linh, “là Chúa và là Đấng ban sự sống” và hãy cởi mở đối với tình yêu Chúa nhờ đó anh chị em có thể biến đổi cuộc sống của anh chị em, gia đình và các cộng đoàn của anh chị em.”

Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây