Đức Thánh cha: Kinh nguyện vun trồng hoa trái tái sinh

Thứ sáu - 29/05/2020 07:12

Đức Thánh cha: Kinh nguyện vun trồng hoa trái tái sinh

Đức Thánh cha Phanxicô | Vatican Media

Sáng thứ Tư, 27/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến trực tuyến lần thứ 12, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Tình hình đại dịch Covid-19 tại nước Ý có phần tươi sáng hơn. Số người bị lây nhiễm virus và số người chết xuống đến mức tối thiểu, nhưng việc đi lại giữa các miền còn bị cấm tới ngày 3/6 tới đây và biên giới giữa Ý và các nước khác vẫn còn bị đóng, nên Roma không có du khách và tín hữu hành hương. Vì thế, các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh cha ngày thứ tư và cả thánh lễ ngài cử hàng sáng ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 31/5 tới đây, tại Đền thờ thánh Phêrô vẫn tiếp tục không có giáo dân tham dự.

Nói chung, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp đe dọa tại nhiều nơi trên thế giới. Trong một tuần qua, có thêm 734.000 người bị nhiễm coronavirus và hiện có hơn 5 triệu 584.000 bệnh nhân. Có thêm 27.000 người thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân lên hơn 352.000, tính đến chiều ngày 26/5 vừa qua. Số bệnh nhân tại Mỹ châu Latinh vượt quá con số tại Âu châu.

Như thường lệ, tại nơi tiếp kiến trực tuyến chỉ có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ khanh đảm phận việc thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính. Hai giám chức phụ giúp Đức Thánh cha cũng như một vài nhân viên kỹ thuật thu hình.

Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua thánh vịnh thứ 17 (1-5), ghi lại kinh nguyện của Vua Đavít:

“Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải, lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa. “Con xin được Thánh Nhan soi xét, vì mắt Ngài thấy rõ điều chính trực. Chúa có xét lòng con, thăm con giữa đêm trường, có thử con bằng lửa, cũng chẳng thấy điều gian.

Con chẳng theo thói đời buông những lời sai trái. Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy, tránh xa đường lối kẻ bạo tàn, dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.”

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Tiếp đến, Đức Thánh cha trình bày bài giáo lý thứ tư về cầu nguyện, nói về kinh nguyện của những người lành. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay để nói về kinh nguyện của những người công chính.

Ý định của Thiên Chúa đối với nhân loại thật là tốt lành, nhưng trong đời sống thường nhật, chúng ta thấy có sự ác hiện diện. Các chương đầu tiên của sách Sáng thế mô tả sự bành trướng từ từ của tội lỗi trong cuộc sống con người. Adong và Evà (Xc. St 3,1-7) nghi ngờ ý hướng nhân từ của Thiên Chúa. Họ nghĩ Chúa là một thần minh ghen tị, ngăn cản hạnh phúc của họ. Từ đó nảy sinh sự nổi loạn: họ không còn tin tưởng nơi một Đấng Tạo Hóa quảng đại, mong muốn hạnh phúc cho họ. Tâm hồn họ, chiều theo cám dỗ của ma quỷ, mơ ước được toàn năng: “Nếu chúng ta ăn trái cây này, chúng ta sẽ trở nên như Thiên Chúa” (Xc v.5). Nhưng kinh nghiệm đi theo chiều hướng ngược lại: mắt họ mở ra và họ thấy mình trần trụi (v.7).

Sự ác bành trướng nơi loài người

Đức Thánh cha nhận xét rằng:

“Sự ác càng trở nên mạnh mẽ hơn với thế hệ thứ hai của loài người: đó là vụ Cain và Abel (Xc. St 4,1-16). Cain ghen với em mình; mặc dù chính anh ta là con trưởng, nhưng Cain coi Abel như đối thủ, một người âm mưu chiếm đoạt quyền thượng của anh ta. Sự ác xuất hiện trong tâm hồn Cain và hắn không thể cầm hãm nó. Và thế là câu chuyện về tình huynh đệ đầu tiên kết thúc bằng một cuộc giết người.

Trong dòng dõi Cain có những nghề thủ công và nghệ thuật được phát triển, nhưng cũng có cả bạo lực nữa, được biểu lộ qua bài ca đau thương của Lamec, giống như một bài ca thù hận: “Tôi đã giết một người vì một vết thương của tôi và giết một đứa trẻ vì sây sát của tôi [...] Cain sẽ bị báo thù 7 lần, nhưng Lamec sẽ được phục thù 77 lần” (St 4,23-24). Và thế là sự ác lan rộng như vết dầu loang, đến độ chiếm toàn bức tranh: “Chúa thấy rằng sự gian ác của loài người lan tràn trên trái đất và mỗi ý định trong tâm hồn con người không là gì khác hơn là điều ác, mãi mãi” (St 6.5). Những bích họa lớn về đại hồng thủy (Chương 6-7) và tháp Babel (chương 11) cho thấy cần có một sự bắt đầu lại, như một công trình tạo dựng mới, sẽ được viên mãn trong Chúa Kitô.

Sự hiện diện của những người công chính

Tuy nhiên, trong những trang đầu tiên của Kinh thánh, cũng có một câu chuyện khác được viết lên, kém nổi bật, khiêm tốn và đạo đức hơn, diễn tả sự phục hồi niềm hy vọng. Tuy hầu như tất cả mọi người đều cư xử một cách tàn bạo, biến căm thù và chinh phục thành động lực lớn của cuộc nhân sinh, nhưng cũng có những người có khả năng chân thành cầu khẩn Thiên Chúa, viết lên vận mệnh con người một cách khác.

Abel đã dâng tiến Thiên Chúa một hy lễ các của đầu mùa. Sau khi Abel chết, Adong và Eva có một người con thứ ba là Set, từ đó sinh ra Enos, có nghĩa là “phàm nhân hay chết”, và người ta nói: “Thời đó người ta bắt đầu cầu khẩn danh Chúa” (4,26). Rồi Enoc xuất hiện, là nhân vật “đồng hành với Thiên Chúa” và đã được cất lên trời (Xc. 5,22.24). Và sau cùng là chuyện ông Noe, người công chính, “cùng đi với Thiên Chúa” (6,9), và Thiên Chúa có ý định xóa bỏ nhân loại (Xc. 6,7-8).

Hiệu năng của kinh nguyện

Đức Thánh cha giải thích rằng:

“Khi đọc những câu chuyện ấy, ta có cảm tưởng kinh nguyện là bờ đê, là nơi nương náu của con người, trước làn sóng tràn đầy sự ác gia tăng trên thế giới. Nhìn cho kỹ, chúng ta cũng cầu nguyện để được cứu thoát khỏi chính mình. Những người cầu nguyện trong những trang đầu tiên của Kinh thánh là những người kiến tạo hòa bình; thực vậy, kinh nguyện, khi chân thành, giải thoát khỏi những bản năng bạo lực và là một cái nhìn hướng về Thiên Chúa, để Ngài tái chăm sóc tâm hồn con người. Ta đọc trong Sách Giáo Lý: “Phẩm tính ấy của kinh nguyện là điều được nhiều người công chính trong mọi tôn giáo sống thực” (CCC 2599). Kinh nguyện vun trồng những mảnh vườn tái sinh, tại những nơi mà oán thù của con người chỉ có thể làm cho sa mạc lan rộng.

Đó là lý do tại sao chủ quyền của Thiên Chúa tiến qua những người nam nữ ấy, họ thường bị hiểu lầm và bị gạt ra ngoài lề trong thế giới. Nhưng thế giới sống và tăng trưởng là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa mà những tôi tớ của Ngài lôi kéo xuống nhờ kinh nguyện của họ. Đó là một loạt người không ồn ào, ít khi được nói đến trong thời sự, nhưng rất quan trọng để trả lại niềm tín thác cho thế giới!

Câu chuyện của Đức Thánh cha

Đức Thánh cha kể lại rằng: “Tôi nhớ chuyện một người, một thủ tướng quan trọng, không phải thời nay. Ông ta vô thần, không có cảm thức tôn giáo trong tâm hồn. Nhưng khi còn nhỏ ông vẫn nghe bà nội cầu nguyện, và điều đó còn lại trong tâm hồn ông. Và trong một lúc khó khăn của cuộc sống, kỷ niệm ấy hồi lại trong tâm hồn và ông nói: “Bà vẫn cầu nguyện...” vì thế ông cũng bắt đầu cầu nguyện, như bà nội của ông đã làm và qua đó ông tìm được Chúa Giêsu. Cầu nguyện là một sợi dây của cuộc sống. Bao nhiêu người nam nữ đã cầu nguyện. Cầu nguyện gieo rắc sự sống. Vì thế, một điều rất quan trọng là dạy các trẻ em cầu nguyện, dạy các em làm điều thiện, làm dấu thánh giá là kinh nguyện đầu tiên. Sau đó, có thể em quên đi, đi theo con đường khác, nhưng những điều ấy vẫn còn lại trong tâm hồn, vì đó là một hạt giống sự sống, hạt giống cuộc đối thoại với Thiên Chúa.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Con đường của Thiên Chúa trong lịch sử Thiên Chúa, tiến qua những người công chính ấy: tiến qua “nhóm nhỏ còn lại” của nhân loại, những người không chiều theo luật của kẻ mạnh, nhưng đã xin Thiên Chúa thực hiện những phép lạ của Ngài, nhất là biến đổi tâm hồn bằng đá của chúng ta thành những con tim bằng thịt (Xc. Ez 36,26).

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm tất cả các tín hữu Ba Lan, nối với chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta đang sống tuần cửu nhật chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: chúng ta hãy cầu khẩn sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong chúng ta, để nhờ các hồng ân rất cần thiết của Ngài, chúng ta được giúp tiến bước trong đời sống Kitô. Trong thời kỳ khó khăn này, chúng ta hãy cầu nguyện với những lời của thánh Gioan Phaolô II đã nói tại Varsava: “Xin Thần Trí của Chúa ngự xuống và canh tân mặt đất! Canh tân bộ mặt của phần đất này!” (02 tháng 6 năm 1979). Tôi chân thành ban phép lành cho anh chị em.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói rằng: “Thứ Sáu, 29/5 tới đây, chúng ta kính nhớ thánh Phaolô VI Giáo hoàng. Ước gì tấm gương của vị Giám mục Roma này, đã đạt tới đỉnh thánh thiện, khích lệ mỗi người quảng đại gắn bó với các lý tưởng Tin mừng.”

“Tôi chào thăm những người cao niên, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Trong bầu không khí chuẩn bị Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp tới, tôi nhắn nhủ anh chị em luôn ngoan ngoãn đối với tác động của Chúa Thánh Linh, để cuộc sống của anh chị em luôn được sưởi ấm và soi sáng nhờ tình yêu mà Chúa Thánh Linh đổ vào tâm hồn anh chị em. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em”.

Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây