G. Trần Đức Anh, O.P.
Đây là lần thứ hai, Đức Thánh cha đến Bari, thành phố cảng có 325.000 dân, cách Roma khoảng 400 cây số. Lần đầu, cách đây 1 năm rưỡi, 07/07/2018, nhân Ngày Suy Tư và cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông cùng với các vị Thượng phụ và Tổng giám mục Công giáo và Chính thống. Lần này, Đức Thánh cha gặp gỡ các giám mục Công giáo và cử hành thánh lễ cho 40.000 tín hữu.
Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh cha tại Bari, là cuộc gặp gỡ lúc 8 giờ rưỡi sáng với các giám mục Địa Trung Hải, tại Vương Cung Thánh đường thánh Nicola. Hiện diện tại đây, cũng có Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương và số giám mục Italia.
Sau lời chào mừng của Đức Hồng y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia, đã có bài tham luận của Đức Hồng y Vinko Puljic, Tổng giám mục Sarajevo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bosni Erzegovine, và Đức Tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông tòa Tòa Thượng phụ Công giáo la tinh Jerusalem.
Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhắc lại tầm quan trọng của miền Địa Trung Hải ngày nay về nhiều phương diện, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Cũng như xưa kia, Chúa Giêsu đã hoạt động trong một bối cảnh đa tạp về văn hóa và tín ngưỡng, ngày nay chúng ta cũng ở trong một bối cảnh đa diện và nhiều hình thái, bị xâu xé vì những chia rẽ và chênh lệch, làm gia tăng sự bất ổn. Chính trong bối cảnh đó, chúng ta được kêu gọi làm chứng về hiệp nhất và hòa bình. Chúng ta thi hành sứ mạng này, đi từ niềm tin và với tư cách là thành phần Giáo hội. Chúng ta tự hỏi, như những môn đệ của Chúa, chúng ta có thể đóng góp gì cho tất cả mọi người nam nữ vùng Địa Trung Hải”.
Đức Thánh cha nhắc đến những gia sản phong phú mà các cộng đồng Kitô tại miền này sở hữu, về phương diện tín ngưỡng, cũng như gia sản nghệ thuật, văn hóa, đồng thời ngài nhắc đến bối cảnh của miền Địa Trung Hải ngày nay đang bị vây bủa vì bao nhiêu cái lò bất an và chiến tranh, ở Trung Đông cũng như tại các nước Bắc Phi, giữa các nhóm chủng tộc và văn hóa khác nhau, không kể cuộc xung đột chưa được giải quyết giữa người Israel và Palestine.
Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha đặc biệt lên án chiến tranh đang hút mất bao nhiêu tài nguyên, lẽ ra phải được sử dụng để nâng đỡ gia đình, đáp ứng các nhu cầu y tế và giáo dục. Ngài nói: “Thật là một điên rồ, vì chiến tranh tàn phá nhà cửa, cầu cống, công xưởng, nhà thương, giết hại bao nhiêu người, tiêu diệt các nguồn tài nguyên, thay vì kiến tạo những tương quan nhân bản và kinh tế. Nhưng chúng ta không thể cam chịu sự điên rồ ấy. Không có con đường nào khác ngoài việc xây dựng hòa bình...”
“Việc xây dựng hòa bình mà Giáo hội và mọi tổ chức dân sự đều luôn phải cảm thấy như một ưu tiên, nó có một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được, đó là công lý. Công lý bị chà đạp tại nơi mà những nhu cầu của con người bị cố tình không biết đến, và khi những lợi lộc kinh tế phe phái trổi vượt trên các quyền lợi của cá nhân và cộng đoàn. Ngoài ra, công lý bị cản trở vì thứ văn hóa gạt bỏ, coi con người như đồ vật, tạo nên và gia tăng sự chênh lệch...”
Đức Thánh cha cũng nêu câu hỏi: “Một xã hội ngày càng đạt được những thành quả mới về kỹ thuật có ích gì, nếu người ta ngày càng thiếu liên đới đối với những người túng thiếu? Qua việc loan báo Tin Mừng, chúng ta thông truyền tiêu chuẩn hành động mới, theo đó không có những người rốt cùng, và chúng ta cố gắng để Giáo hội là dấu chỉ mối quan tâm ưu tiên dành cho những người bé nhỏ, nghèo khó, vì “những chi thế dường như yếu nhất, là cần thiết nhất” (1 Cr 12,22), và “nếu một chi thể đau, thì toàn thể các chi thể cùng chịu đau” (1 Cr 12,26).
Đức Thánh cha đặc biệt mời gọi quan tâm đến những người di dân và tị nạn ở vùng Địa Trung Hải, trốn chạy chiến tranh hoặc bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng với con người. Số người này tăng nhanh vì sự gia tăng các cuộc xung đột và những điều kiện khí hậu, môi trường bi thảm hơn tại nhiều vùng rộng lớn hơn” ... Ngài cảnh giác chống lại thái độ dửng dưng, và thậm chí phủ nhận đối với những người di dân và tị nạn. Thái độ này đã bị lên án trong nhiều dụ ngôn của Tin Mừng, thái độ của những người khép kín trong sự giàu sang và tự mãn của mình, không nhận thấy những người đang kêu cầu được giúp đỡ trong tình trạng túng thiếu của họ”.
Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi các vị lãnh đạo tôn giáo lên tiếng thỉnh cầu các chính phủ bảo vệ các nhóm dân thiểu số và bênh vực tự do tôn giáo. Ngài nói: “Sự bách hại mà nhiều cộng đồng Kitô và những người khác phải chịu, là một vết thương xâu xé tâm hồn chúng ta và không thể để cho chúng ta dửng dưng”.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn