https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/10/05-The-Miracle-Of-Your-Eyes.mp3
Nếu bạn thường xuyên đọc những câu chuyện về bài học cuộc sống, chắc bạn biết rõ câu chuyện “bán cho con một giờ của bố.” Tôi đã từng nghe và suy nghĩ nhiều về câu chuyện ấy. Tôi cảm được nhiều điều về những nhân vật, những chọn lựa và cả hệ quả mà mỗi thành viên “tương tự” như trong câu chuyện kia sẽ nhận lại.
Tôi thương cho cố gắng của người cha. Tôi biết rằng bởi mong muốn những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình và cách đặc biệt để có điều kiện tốt hơn cho con cái, ông đã làm việc thật nhiều. Tuy nhiên, có lẽ vì chưa sắp xếp đúng bậc thang các giá trị, chưa hiểu hết nỗi lòng của người con với bao mong chờ hay tâm lý lứa tuổi và cả những tác động từ các bạn đồng trang lứa mà ông đã làm tổn thương đứa con yêu của mình.
Tôi cảm phục những cố gắng của người con. Để có tiền “mua” một giờ của bố, em đã dành giụm và dùng những khoảng trống thời gian của mình để tìm kiếm, gom góp chút tiền bé nhỏ. Tôi thực sự quý mến những tình cảm mà em vẫn dành cho bố. Tôi thương em thật nhiều. Em dành cho bố tình cảm của một người con thực thụ. Em cố gắng và muốn cộng tác phần mình để có được một giờ của bố. Với em, điều em cần nơi gia đình trước hết không phải là tiền bạc hay những tiện nghi vật chất. Em có thể có ít tiền hơn hay bỏ đi chút tiền mình có, nhưng là người trẻ em cần nhiều tình cảm, cần sự quan tâm để trưởng thành.
Tôi biết rằng đây chẳng phải là những câu chuyện xa vời; những câu chuyện này vẫn diễn ra quanh tôi mỗi ngày. Nơi quê hương tôi vẫn biết bao đứa trẻ cũng đang cố gắng để “mua một giờ của bố.” Chúng không những muốn “mua một giờ của bố,” mà có khi chỉ đơn giản là “mua một lần gặp bố.” Bởi không như người con trong câu chuyện, nơi quê tôi nhiều bố mẹ trẻ vì nhu cầu kinh tế đã rời xa quê hương, gửi lại người con của mình cho ông bà hay người thân. Nhiều bạn trong các em còn chưa đủ lớn để nhận thức về bố mẹ mình.
Theo nghiên cứu của Spitz và Ribble, có một hiệu ứng gọi là “hiệu ứng nhà dưỡng nhi.” Qua nghiên cứu này, các nhà tâm lý cho thấy nếu đứa trẻ bị tách khỏi mẹ quá sớm, em sẽ rất kém phát triển, chậm nói, trầm cảm; và khi những nỗ lực để “kết nối” với mẹ không được đáp ứng, em sẽ buông bỏ. Em lặng lẽ và ít giao tiếp hơn. Đây là điều khiến nhiều vũ nuôi và cả bố mẹ chúng nghĩ rằng các em đã ngoan ngoãn, sẵn sàng đón nhận sự thay thể của họ với mẹ của em. Tuy nhiên, đây không phải là ngoan ngoãn đón nhận, nhưng là dấu chỉ của sự thất vọng và chấp nhận bỏ cuộc.
Đọc những dòng chia sẻ trên facebook, tôi thấy nhiều bố mẹ trẻ thường chia sẻ nỗi niềm về con cái. Tôi biết, tất cả những điều các bạn làm là để cầu mong những điều tốt đẹp cho chúng. Tôi biết các bạn muốn dành sức trẻ của mình để gom góp. Các bạn nghĩ về tương lai, về những nhu cầu mà người con cần được đáp ứng khi nó trưởng thành. Thế nhưng, các bạn à, để có tương lai các bạn cần xây đắp từ hiện tại. Nếu các bạn muốn cho con cái mình một tương lai hạnh phúc, sao các bạn không nỗ lực để chính hôm nay nó hạnh phúc. Sao hôm nay các bạn không dành thời gian, không cho nó đủ tình cảm để phát triển quân bình. Có thể vì điều kiện kinh tế, nhưng không phải bố mẹ nào xa con cũng vì kinh tế quá khó khăn. Các bạn vì con để hi sinh. Nếu nghiêm túc cho các bạn chọn lựa, giữa công việc làm ăn thuận lợi nhưng con cái thiếu quân bình về tình cảm; và giữa nhiều khó khăn trong công việc nhưng có thời gian chăm sóc con cái, các bạn sẽ chọn điều gì? Nếu các bạn biết khi không được chăm sóc đúng mức, con cái các bạn sẽ không thể trưởng thành thực sự, các bạn có chấp nhận đổi chúng lấy thuận lợi trong công việc hôm nay không? Mục đích những hi sinh của các bạn chắc chắn là vì con cái. Thế nhưng, khi tách chúng khỏi bố mẹ, dù người thay thế là ai cũng rất khó nếu không muốn nói là không thể bù đắp được. Vũ nuôi chỉ chăm em vì công việc; ông bà hay người thân chăm cháu vì yêu thương nhưng phần khác cũng sợ mất lòng với bố mẹ chúng. Họ sợ cháu khóc, sợ không vừa lòng chúng… Đó là chưa kể đến việc khi bố mẹ và con cái mỗi người một phương, vì nhớ và có khi chỉ để nhìn thấy hay nghe tiếng chúng, các em sẽ buộc tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Chúng chưa phát triển đủ để sử dụng các phương tiện này một cách an toàn. Nơi quê tôi, khi sống xa cách bố mẹ quá sớm và được bố mẹ bù đắp bằng tiền bạc cùng các phương tiện, nhiều bạn trẻ đã sa vào các tệ nạn. Chúng tìm thú vui và mong được thỏa mãn nơi các thú vui ấy.
Các bạn à, tôi biết khi “bám” vào quê hương, các bạn thật khó để có một công việc ổn định. Nhưng tôi nghĩ rằng, sự hi sinh của các bạn sẽ ý nghĩa hơn khi các bạn chấp nhận khó khăn trong công việc, vất vả trong những vấn đề về an sinh xã hội nhưng các bạn có thể gần gũi và giáo dục con cái tốt hơn. Các bạn hãy nghĩ xem, những năm qua con bạn cùng ai mừng lễ Giáng sinh; và sẽ bao cái tết “đoàn viên” nữa con bạn sẽ được cảm nhận tình thân thực sự? Hi vọng rằng sẽ chẳng bao bao lâu nữa, những bạn trẻ quê tôi sẽ được hưởng niềm vui sum vầy cùng bố mẹ, để các em được giáo dục và phát triển tốt hơn. Và chỉ như thế, Giáo hội và xã hội mới sống tốt sứ vụ của mình.
Phạm Xuân
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)