https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/10/12-Tired-Pond.mp3 (Truyện ngắn – món quà nhỏ xin gửi tặng các Soeurs đã nghỉ hưu)
1.
-“Xin mời Soeur Mariae Agnes Lý Thị Sáu”
Từ phía cuối nhà nguyện, người nữ tu trẻ cầm chiếc micro đưa sát miệng dì Sáu, dì cố lấy hơi để đáp lại:
-“Thưa! Con có mặt!”
Rồi chị nữ tu trẻ từ từ đẩy chiếc xe lăn với người nữ tu già ngồi gọn trên xe, mặc trên mình chiếc tu phục đã cũ sờn vì lâu năm, đội trên đầu vòng hoa màu hồng rất đẹp, hai tay cầm ngọn nến đang được thắp sáng lung linh, xe từ từ được đưa lên sát cung thánh, chung hàng với những chị em nữ tu lớn tuổi khác.
Đến lượt dì Sáu lặp lại lời khấn, nhân dịp kỷ niệm sáu mươi năm khấn Dòng, vì đôi mắt của dì đã lòa, không còn thấy rõ nữa, chị nữ tu trẻ kề sát tai, đọc từng câu, dì Sáu lặp lại răm rắp; giọng điệu run run, nhưng đầy sự hăng hái…
2.
Dì Sáu vào Dòng từ hồi mười ba tuổi. Thích đi tu từ tấm bé, nên khi thấy các dì phước về giúp họ đạo, cô bé mười ba tuổi lúc ấy ngỏ lời với cha mẹ, cha mẹ dắt cô tới gặp cha và các dì; thế là trong năm ấy cô chính thức bước vào đệ tử viện, vừa tìm hiểu, vừa đi học cho xong giai đoạn còn dang dở.
Nhiệt huyết chảy trong cô gái mười ba lúc ấy mạnh mẽ lắm, và nhiệt huyết ấy kéo dài trong tâm hồn người nữ tu ấy đến nay đã tám mươi tuổi mà vẫn chưa nguôi. Khi còn là đệ tử, cô thích chiếc áo dài trắng nguyên tuyền, đeo trên cổ dây Thánh Giá bằng sợi dây chỉ. Mỗi sáng cô dậy thật sớm, chuẩn bị tươm tất mọi sự để mặc trên mình chiếc áo dài ấy, với cô chiếc áo dài là bộ tu phục đầu đời. Quàng dây Thánh Giá vào cổ, cô nhận ra tình yêu mình dành cho Chúa Giê-su thật nhỏ bé, chưa xứng với những gì Người đã làm cho mình.
Ngoài ra, cô bé Sáu ngày xưa cũng hăng hái trong những việc chung của cộng đoàn. Từ những việc lớn đến việc âm thầm không tên, vì lợi thế nhỏ tuổi và dễ bảo, nên các chị lớn làm gì cũng kêu bé Sáu đi làm cùng, nhất là các chị bảo: “Có bé Sáu, mọi người vui hẳn lên!”. Dần lớn lên trong lớp đệ tử, cô được Dòng cho học may, tham gia lớp giữ trẻ mầm non, lúc đó cô mới biết Chúa cho mình có khả năng may rất đẹp. Dần dà bề trên tin tưởng giao cho cô đệ tử trẻ cả căn nhà may đồ sộ lúc các nữ tu lớn có việc bận, và khả năng sinh hoạt với các trẻ em mầm non làm cho cô thêm dễ thương và yêu đời biết chừng nào.
Ơn gọi của Sáu cứ thế mà đi lên mỗi ngày, thêm sống trong Dòng, thêm yêu đời và hạnh phúc. Ngay cả những khó khăn thách đố đến, cô vẫn giải quyết chúng cách nhanh gọn để dành thời giờ cho những chuyện chính đáng và hợp lý hơn.
3.
-“Con gọi chị Sáu lên mẹ biểu!” Mẹ bề trên nhờ một em đệ tử nhỏ chạy gọi Sáu.
Cánh cửa phòng vang lên tiếng gõ, mẹ bề trên mời vào, Sáu mở cửa bước vào cúi đầu chào mẹ.
-“Sáu! Con có thư gia đình gửi lên! Con cầm lại ghế ngồi đọc đi!”
Cô bước tới lấy hai tay nhận thư từ mẹ bề trên. Phong thư vẫn nguyên vẹn, chưa bị tháo ra. Theo nguyên tắc mẹ bề trên có quyền đọc trước khi trao cho Sáu, nhưng mẹ đã không làm như thế. Cô cầm thư lại chiếc ghế đặt ngay góc tường, đọc ngoài bao thư có ghi tên người gửi là Nguyễn Thị Mai, đúng là mẹ của cô. Cô hồi hộp mở cẩn thận, nét chữ run run do mẹ viết có nội dung như sau:
“Sáu con,
Má viết thư báo con đặng hay tin ba con bị bịnh nặng khó lành. Con tranh thủ xin dì bề trên cho con về thăm ba, chắc là lần cuối …. Về nhanh nghen con!
Má,
Mai”
Sáu nhét thư vào bao, thần người ra một chút rồi thở dài. Mẹ bề trên hỏi:
-“Có chuyện gì hả con?”
-“Dạ ba con…. Má con biểu con xin mẹ cho con về thăm nhà vài hôm, vì ba đang bệnh nặng”
Vẻ mặt ưu tư của Sáu khiến mẹ bề trên lo lắng, vì từ ngày nhập cộng đoàn tới lúc này, đây là lần đầu tiên thấy Sáu ưu tư như vậy. Ngay lập tức đề nghị ấy được mẹ bề trên đồng ý.
Đọc lại ngày gửi, bức thư Sáu đang cầm đã được gửi từ mấy tháng, hôm nay mới tới nơi, Sáu mẩm trong bụng không biết sự thật còn như trong thư được bao nhiêu phần. Nhưng trước mắt cứ về. Y như rằng, về tới nhà, người ta đã làm xong mồ mả cho ba, Sáu chỉ kịp ra nhang khói rồi lặng lẽ đọc kinh cho ông mà thôi. Cô gái trẻ vẫn với chiếc áo dài trắng, đội vành tang trắng đứng khóc ba một mình ngoài đất thánh. Lát sau, Mai trở về nhà với má.
Hỏi thăm sức khỏe của má, Mai mới biết vì sao ba lại mất cách đột ngột như vậy. Suốt thời gian Sáu vắng nhà, rất nhiều biến cố đã xảy ra với gia đình, nhất là lo xong đám cưới cho hai anh chị lớn, gia đình mắc một ít nợ, nhưng không trả được nên tiền nợ theo thời gian cứ dồn lên. Ba vì thương anh chị mới ra lập gia đình riêng, cũng khó khăn không kém, nên ông cứ âm thầm chịu hết nợ nần đến độ kiệt sức, dù vậy ông vẫn không mở lời than với con cái một tiếng. Thêm nữa, trong một lần ông đi thăm ruộng, trượt chân té xuống ruộng, phần bả vai đập vào chỗ nào đó mà bầm tím, đau quá trời. Chạy thầy chạy thuốc, nhưng ông quyết không than van, cuối cùng vết thương ấy khiến ông bị liệt nửa bên, không làm việc được nữa. Ôm lo lắng một mình rồi suy sụp mà chết. Cuối cùng, Sáu đã hiểu sự tình về cái chết của ba. Cô ôm má mà khóc.
Mấy ngày được về thăm nhà, Sáu tranh thủ cận kề chăm sóc cho má, mấy hôm gần trở lại Dòng, cô nói:
-“Má ơi! Sắp tới con vô nhà tập, sẽ không được liên lạc với má nữa! Hết hai năm con sẽ trở về thăm má! Má ráng giữ gìn sức khỏe nha! Ráng khỏe đợi con về.”
Bà Mai ho lên vài tiếng rồi bật khóc. Bà quay sang ôm đứa con gái yêu của bà đã mấy năm trời nó chưa về thăm nhà một lần. Nhìn con gái lúc ra đi còn nhỏ xíu, giờ gần ra vóc dáng một nữ tu trẻ, bà mỉm cười trong nước mắt:
-“Con ráng đi tu đàng hoàng, đừng lo cho má! Ba con đã xong rồi, còn má tự lo được. Nhớ tu đàng hoàng nghen con! Con hạnh phúc là ba má hạnh phúc. Đừng phụ lòng ba má.”
Những ngày cuối ở với má đối với Sáu thật là khung trời hạnh phúc. Bà Mai qua đời khi Sáu xong nhà tập năm thứ nhất, nghe dì giáo báo tin, cô âm thầm cầu nguyện và khóc nhớ mẹ tại tập viện. Cả ba và mẹ qua đời, Sáu đều xa nhà cả.
5.
Năm hai mươi tuổi, ngày soeur Mariae Agnes Lý Thị Sáu được tuyên khấn lần đầu sau hai năm nhà tập, không còn ba mẹ tới dự lễ, chỉ có hai anh chị lớn tới dự đại diện gia đình. Soeur được Dòng đặt thêm tên thánh Agnes, trong Dòng hay gọi là soeur Mariae Agnes thay cho tên thật, nhưng mỗi lần đi phục vụ ở đâu, soeur vẫn thích được gọi bằng cái tên thật, cái tên ba má đặt cho, mọi người hay gọi là dì Sáu.
Sáu mươi năm trong Dòng kể từ ngày khấn đầu, dì Sáu đã rong ruổi trong nhiều sứ mạng, đến nhiều nơi để phục vụ. Đến với các họ đạo xa xôi tận đất mũi Cà Mau, hay sang tận những vùng đất biên giới để truyền giáo và giúp đỡ những cảnh đời khó khăn. Dù bất cứ hoàn cảnh sống nào, bước chân của dì không hề chùn lại. Đi tới đâu, dì cũng dạy người dân nghề may vá, hướng dẫn phương pháp sư phạm mầm non và mở những điểm mẫu giáo tại gia để chăm sóc những em nhỏ, nhất là những em ở vùng biên giới. Ngoài ra, dì còn học chút ít về nghề y tá để chữa bệnh, cấp thuốc cho dân nghèo nữa. Mọi người vẫn cứ yêu mến dì và đặt cho biệt danh “dì Sáu vui vẻ”, vì đi tới đâu dì cũng mang niềm vui đến hết mọi người.
Tài sản mà dì sở hữu trong mỗi chuyến đi thường chỉ là chiếc túi dệt bằng thổ cẩm nhỏ, do một người đồng bào X-tiêng tặng. Trong chiếc túi ấy chỉ có vài dụng cụ hỗ trợ y tế cần thiết như: thuốc cảm, thuốc đau bụng, dầu gió, gạt, cồn, bông và những thứ khác để chữa thương cho trẻ em và người già mà dì gặp trên đường. Ngoài ra là những viên kẹo để sẵn trong túi, vì dì giải thích: “Trẻ con thích kẹo lắm! Có kẹo sẽ dễ nói chuyện với các em hơn”. Còn những gì dì mang cho mình là bộ đồ đang mặc, cái áo khoác và nón tai bèo đội đầu. Tài sản người nữ tu chỉ có vậy mỗi khi bước chân ra đi phục vụ những anh chị em ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.
6.
Trong dịp quay về tĩnh tâm năm tại nhà chính, dì Sáu gặp và chào mẹ bề trên đương nhiệm khi được mẹ gọi vào văn phòng:
-“Con chào mẹ! Mẹ vẫn khoẻ chứ?”
Mẹ bề trên vui vẻ chào đón dì Sáu:
-“Cám ơn soeur, tôi khỏe lắm! Soeur dạo này ốm quá, có ăn uống điều độ không vậy? Chịu khó giữ sức khỏe nha soeur!”
-“Con cám ơn mẹ! Con vẫn khỏe lắm! Vì công việc truyền giáo con đang đảm trách đòi hỏi đi nhiều, nên có lẽ vậy mà con ốm xuống, nhưng vẫn khỏe lắm. Mẹ đừng lo!”
-“Tôi có ý định này muốn nói với soeur, sắp tới công việc các cộng đoàn ở các tỉnh mở xưởng may, Dòng cần một người có kinh nghiệm giúp đào tạo, duy trì và hướng dẫn các xưởng này. Tôi xét thấy soeur hoàn toàn đủ năng lực ấy, xin soeur giúp việc này.”
Dì Sáu cúi đầu đáp: “Dạ!” rõ ràng với mẹ bề trên, thái độ vâng phục tuyệt đối. Dì hoàn toàn sẵn sàng cho bất cứ sứ mạng nào, bất cứ nơi đâu. Bởi lẽ dì quan niệm rằng: “Còn làm việc được thì bất kể việc gì hữu ích cho Dòng, Xã hội và Giáo hội thì dì đều làm hết”.
Bài sai cho các soeur được mẹ bề trên công bố vào ngày cuối kết thúc tĩnh tâm, dì Sáu được sai về công tác như bề trên đã nói. Người nữ tu ở độ tuổi ngũ tuần hân hoan trong sứ mạng trước mắt.
7.
Những công nhân của xưởng may là tốp nam nữ trẻ từ các tỉnh gửi về. Dì Sáu được mọi người gọi là ngoại Sáu, vì cái tuổi đã lớn nhưng yêu thương và chăm sóc cho anh chị em công nhân chẳng khác gì người bà chăm sóc cháu. Cứ mỗi lần ngoại Sáu nhìn các bạn trẻ, ngoại nhớ lại hòi còn ở với ba má, được ba má chăm sóc, dạy dỗ; nay ngoại Sáu cũng lấy tình thương ấy mà đối đãi với hết thảy mọi người, bất kể quen lạ ra sao.
Thấm thoắt ngoại điều hành xưởng may gần hai mươi năm, ở cái tuổi gần tám mươi mà ngoại vẫn nhạy và khéo léo chẳng thua gì các cháu công nhân trẻ. Phong thái làm việc vẫn như xưa, dù có chậm đôi chút do tuổi tác. Ngoại Sáu giờ già hơn, làn da nhăn nheo và nhiều nốt đồi mồi, riêng dáng đi vẫn thẳng lưng, khoan thai và vững chắc. Sau mỗi giờ làm, các bạn công nhân trước đây còn trẻ, nay đã vào tuổi trung niên cứ xúm xít bên ngoại Sáu sau những giờ tan ca như những đứa cháu ruột thịt. Có người đã lập gia đình riêng, con cháu đề huề vẫn quay lại thăm ngoại Sáu, đặc biệt bà vẫn nhớ về những người mình từng gặp gỡ, vẫn cười tươi phúc hậu.
8.
Nhà Dòng đã nhận ra đến lúc ngoại Sáu cần nghỉ ngơi, vẫn phong thái tôn trọng bề trên, dù bề trên đương nhiệm nhỏ hơn ngoại nhiều tuổi.
-“Ngoại Sáu chuyến này về nhà Dòng với các soeur trẻ nhé! Các soeur trẻ nói cần ngoại truyền lửa, chứ tuổi trẻ bây giờ cứ ỉu ỉu xìu xìu thế nào ấy!”
Ngoại cười, vành môi móm xọm, giọng run run:
-“Dạ! Mẹ bề trên muốn sao cũng được. Con ở đâu cũng là nhà mà. Miễn còn còn thấy chị em, còn được phục vụ là con vui rồi”.
Trở về nhà chính, vài tháng sau ngoại Sáu bị tai biến do trợt té, dù không quá nặng nhưng sức của ngoại không đủ để hồi phục nữa. Cơn tai biến nhẹ khiến ngoại không tự đi được, đôi tay run nhiều, và hai tai không nghe rõ như thường lệ. Đôi mắt sau đợt tai biến cũng mờ dần và không tinh tường như trước đó nữa. Ngày ngày, chị em trẻ thay nhau ở với ngoại, nhất là những em đệ tử mới vô tìm hiểu Dòng, cách xa ngoại mấy chục năm, vẫn quý mến vì lối sống đơn sơ, giản dị của ngoại. Ngoại không đòi bất cứ vật chất gì cho mình, cả trong ăn uống lẫn nhu cầu của tuổi già. Các em cho ngoại cái gì thì ngoại nhận cái đó. Một yêu cầu duy nhất mà ngoại đề nghị với các em là lần hạt mân côi với ngoại, và ngoại dặn: “Chừng nào ngoại mệt thì con kề sát tai đọc ngoại nghe nghen con!”
9.
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, Con là nữ tu Mariae Agnes Lý Thị Sáu, trước nhan thánh Thiên Chúa, con xin lặp lại lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục…”.
Giọng người nữ tu già vẫn vang lên từng đợt sau lời nhắc của người nữ tu trẻ. Hôm nay lặp lại lời khấn, kỷ niệm sáu mươi năm khấn Dòng, ngoại Sáu không còn người thân nào dự lễ của mình nữa; nhưng trong tâm thức người nữ tu ấy thánh lễ hôm nay đặc biệt lắm, vì vẫn có sự hiện diện thiêng liêng của ba má, các anh chị, các cháu, chị em trong Dòng mà có người đã về với Chúa trước, những người ngoại từng gặp gỡ và phục vụ suốt sáu mươi năm qua, và nơi đó có chính ngoại – người hiền thê trọn đời của Đức Ki-tô.
Little Stream