Tính dục con người và sự trưởng thành tình cảm nơi các ứng viên linh mục độc thân
Thứ năm - 10/12/2020 18:40
Tính dục con người và sự trưởng thành tình cảm nơi các ứng viên linh mục độc thân
Credit: wideonet/Shutterstock
TÍNH DỤC CON NGƯỜI VÀ SỰ TRƯỞNG THÀNH TÌNH CẢM NƠI CÁC ỨNG VIÊN LINH MỤC ĐỘC THÂN
Tác giả: Lm. Peter Lechner, s.P.
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Doanh, s.P.
Biên tập: Lm. Giuse Phạm Văn Trọng
I/ Thiên Chúa – Đấng tạo nên năng lực tính dục của con người
Con người được mời gọi hiểu biết và trân trọng năng lực tính dục vốn được Thiên Chúa tạo dựng nơi chúng ta:
Theo sách Sáng thế, Ađam đã đặt tên cho tất cả các động vật, nhưng vào cuối ngày ông cảm thấy đơn độc, vì không có ai giống như ông: “Con người ở một mình không tốt.” Vì thế, Thiên Chúa đã dựng nên Evà, và Ađam cảm thấy hài lòng.
Chính trong tính dục là nam và là nữ, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài.
(1) Người đàn ông sẽ rời bỏ cha mẹ, kết hợp với vợ mình, và cả hai trở nên một (về thể lý, tâm lý, tâm linh)
(2) Mệnh lệnh của Thiên Chúa cho loài người: phát triển và sinh sôi nảy nở
Có một điều hầu như không thể định nghĩa được, đó là sức lôi cuốn huyền nhiệm trào dâng giữa người nam và người nữ: tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu. Loài người được tạo dựng là để yêu. Tình yêu con người bao gồm thể xác và tâm lý-tâm linh. Thuở đầu, tình yêu mang đậm tính thể lý, nhưng theo thời gian nó trở nên tâm linh nhiều hơn.
Tất cả mọi sự Thiên Chúa tạo dựng nên đều tốt đẹp. Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả tất cả những điều này: tội lỗi.
II/ Tội nguyên tổ làm tổn thương bản tính thụ tạo, bao gồm tính dục
Người nam và người nữ đầu tiên đã phạm vào tội chống lại Thiên Chúa. Điều này đã dẫn đến sự đổ vỡ các tương quan nơi thụ tạo, bao gồm:
(1) Thiên Chúa và con người (Ađam và Evà lẩn tránh Thiên Chúa),
(2) Con người và toàn thể thụ tạo (con người sẽ phải đổ mồ hôi canh tác, và đất đai sẽ sinh sôi gai góc cùng cỏ dại.)
(3) Con người và những bản năng tự nhiên (Tôi thuộc về xác thịt… Điều tôi đang làm, tôi không hiểu … Điều tốt tôi muốn làm, tôi không làm, nhưng lại làm điều dữ mà tôi không muốn. (Rm 7,14-19)
(4) Người nam và người nữ (Ngươi sẽ thèm khát chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi).
Do tội nguyên tổ, ước muốn tính dục căn bản trở nên khó kiểm soát. Nó hướng đến sự thỏa mãn bản thân, và khi được nuông chiều, nó gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng:
(1) đối với tình yêu có trách nhiệm và
(2) đối với con cái/nuôi nấng, giáo dục, và hướng dẫn.
III/ Ơn cứu chuộc và sự phục hồi của tính dục con người
Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta và toàn thể thụ tạo, bao gồm tính dục con người. Ngài đã phục hồi và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Hôn nhân trở nên dấu chỉ của mối hiệp thông giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Hôn nhân Kitô giáo là hình ảnh tình yêu trao hiến của Chúa Kitô cho vị hôn thê yêu quý của Người là Giáo hội.
Tình yêu trao hiến của Chúa Kitô dành cho Giáo hội là một dấu chỉ và là sự trợ giúp cho tình yêu mà người chồng và người vợ trao ban cho nhau.
Bằng cách này, ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân – vốn là phương dược chữa lành cho sự “cô đơn” cố hữu của con người – được nâng lên một tầm mức mới. Người nam và người nữ kết hiệp với nhau không chỉ trong mối tương quan nhân vị và truyền sinh, mà còn giúp nhau đến với Thiên Chúa qua việc trao ban cho nhau tình yêu mà Chúa Kitô đã trao hiến.
IV/ Trưởng thành tình cảm – Một cách thức mới
Khi cứu chuộc và phục hồi con người cũng như các thụ tạo khác, bao gồm cả tính dục của con người, Đức Kitô cũng đã tặng ban một cách thức mới để con người trao dâng tình yêu và không còn ở một mình.
Nhưng đâu là cách thức mới để con người “không ở một mình” nhưng yêu thương, ngoài hôn nhân, và là một phần của công trình tạo dựng mới của Thiên Chúa? Đó là sự trinh trắng/độc thân thánh hiến nơi mà thụ nhân gắn kết trọn vẹn và trực tiếp với Thiên Chúa, và được dành chỉ cho Thiên Chúa và sứ vụ của Người mà thôi.
(1) “Sự gắn kết trực tiếp và trọn vẹn với Chúa Kitô và … sứ vụ của Người”
Điều này chỉ có thể được thực hiện bởi một ân sủng đặc biệt. Chúa Kitô phải kêu gọi chúng ta, ban cho chúng ta sự hiểu biết sâu xa về lòng cảm mến, ước muốn và tình yêu đối với điều này.
Bất cứ linh mục nào đang sống trung thành với đời sống độc thân, đều có cảm nghiệm sâu xa về việc khát khao gắn bó cách trực tiếp và trọn vẹn với Chúa Kitô và sứ vụ của Người.
(2) “Sự gắn kết trực tiếp và trọn vẹn với Chúa Kitô và … sứ vụ của Người”
Sự kiên trung trong đời sống độc thân khiết tịnh sẽ phụ thuộc vào việc thường xuyên nối kết với hấp lực nội tâm hướng tới ơn gọi và vào sự tự do chọn lựa sống trung thành với nó – nhất là khi chúng ta bị cám dỗ chiều theo những xu hướng dục vọng.
(3) Ơn gọi hướng tới đời sống độc thân thánh hiến
Sự thông phần của linh mục vào sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng đã giữ độc thân suốt đời, “càng hoàn thiện bao nhiêu, thì thừa tác viên chức thánh sẽ càng được tự do khỏi những ràng buộc của xác thịt bấy nhiêu.”
(4) “Gắn kết trọn vẹn và trực tiếp vào Thiên Chúa, và chỉ quan tâm tới Người và sứ vụ của Người.”
“Sứ vụ của Người” = tình yêu của Chúa Kitô đối với Chúa Cha, và Sứ vụ cứu chuộc của Người đối với hết thảy mọi người.
Lời mời gọi/ sự lôi cuốn/ sự dấn thân này cần phải là trung tâm điểm của đời sống độc thân khiết tịnh trọn đời.
Wong Maye-E/AP Photo
V/ Hướng đến một sự trưởng thành tình cảm theo Huấn quyền Hội Thánh
1. Sự hòa hợp trong ơn gọi độc thân linh mục và tính dục con người:
Sự hòa hợp giữa ơn gọi độc thân linh mục và tính dục của con người đòi hỏi một nhận thức đúng về tính dục.
- Theo nghĩa (1) những khuynh hướng tính dục nam (sinh lý và tâm lý), tính dục và ơn gọi độc thân linh mục được hòa hợp qua việc hy sinh những khuynh hướng tính dục cho một tình yêu cao cả hơn, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
- Theo nghĩa (2) tính cách nam nhi hay tính cách đàn ông (như kiểu giống loại) và những phẩm tính tâm lý–tâm linh của giống loại, tính dục và ơn gọi độc thân linh mục được hòa hợp qua sự phát triển trưởng thành.
Sự hòa hợp của tính dục con người vào ơn gọi của đời sống độc thân linh mục, được nói tới như (và là một phần của) “sự trưởng thành tình cảm.”
2. Sự trưởng thành tình cảm theo Huấn quyền Hội Thánh Công giáo
Những tài liệu gần đây của Giáo hội đã sử dụng cụm từ “sự trưởng thành tình cảm” khi nói về việc đào tạo dành cho đời sống độc thân khiết tịnh. Sự biểu đạt này có nguồn gốc từ tiếng Latin “Maturitas Affectiva.” Theo đó,
- Thuật ngữ “Affectiva” (tình cảm) ám chỉ những cảm xúc.
- Thuật ngữ “Maturitas Affectiva” (Sự trưởng thành tình cảm) ám chỉ sự trưởng thành của đức khiết tịnh, nhưng cũng bao gồm cả sự phát triển chín muồi của tất cả những cảm xúc, dưới sự hướng dẫn của lý trí, của sự thành tín trong ơn gọi, của ân sủng và lối sống kiên định.
3. Ý nghĩa của sự trưởng thành tình cảm trong những tài liệu gần đây của Giáo hội
(1) Optatam Totius của Đức Phaolô VI (#10) bàn về sự trưởng thành tình cảm qua các thuật ngữ “cần lớn lên trong sự trưởng thành cao cả hơn, trong việc làm chủ lý trí và thể xác và đạt tới một kiểu mẫu hòa hợp trong đó chủ thể khước từ hôn nhân để sống trọn đức khiết tịnh” (số 10).
(2) Pastores Dabo Vobis của Đức Gioan Phaolô II dành nhiều số để nói đến sự trưởng thành tình cảm cần có đối với ơn gọi sống độc thân linh mục:
Pastores Dabo Vobis số 43 nhấn mạnh đến một tình yêu chân thành và trách nhiệm trong tương quan với người khác: Điều quan trọng đặc biệt ở đây là khả năng liên hệ với những người khác. Trong hoàn cảnh này, sự trưởng thành tình cảm – vốn là kết quả của một nền giáo dục thấm đậm tình yêu chân chính và có trách nhiệm – là yếu tố quan trọng và quyết định trong việc đào tạo các ứng viên cho thánh chức linh mục. (số 43)
Pastores Dabo Vobis số 44 cũng khẳng định tình yêu này là dấu chỉ của sự trưởng thành tình cảm nơi những ai sống ơn gọi độc thân linh mục: “Sự trưởng thành tình cảm hàm ý rằng tình yêu đóng vai trò trọng điểm trong đời sống con người. Thực ra, ‘con người không thể sống thiếu vắng tình yêu.’” (số 44).
Pastores Dabo Vobis số 44: “Tình yêu dành cho Chúa Kitô, khi đổ tràn vào hành vi hiến thân cho tha nhân, sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất để đạt tới sự trưởng thành tình cảm.”
Pastores Dabo Vobis số 44: “Vì đặc sủng của đời sống độc thân, ngay cả khi nó là thực và tự chứng thực, có thể giữ cho tình cảm và xung lực bản năng khỏi bị tác động, nên các ứng viên cho thánh chức linh mục cần có sự trưởng thành về mặt tình cảm…”
4. Hai câu hỏi thực hành liên quan đến việc hy sinh những khuynh hướng hay xung năng tính dục:
- Phải chăng đây là một sự thăng hoa?
- Phải chăng những xung năng sẽ trở nên yếu đi cho tới khi chúng ta dấn vào chúng?
(1) Thay vì nói độc thân là hy sinh các xung năng sinh dục, chúng ta có thể nói đời sống độc thân đang hướng năng lượng tính dục vào con đường thiêng liêng hay không?
Theo quan điểm của thuyết Freud, một vài cá nhân tin rằng năng lượng tính dục vẫn luôn hoạt động và vẫn còn nguyên vẹn trong đời sống độc thân - nó được dùng hoặc “được hướng” tới một hình thức khác để hỗ trợ cho lời khấn khiết tịnh.
Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng trong hôn nhân, chúng ta làm điều này bằng cách sử dụng xung năng tính dục cho mục đích cao hơn của tình yêu hôn nhân Kitô giáo. Nhưng trong đời sống độc thân vì Nước Thiên Chúa, chúng ta kết hiệp “trực tiếp” với Chúa Kitô và các “sứ vụ” của Người. Động lực cho điều này không đến từ tính dục mà đến từ ân sủng và sự hy sinh khoái cảm đến từ xung năng tính dục.
(2) Nếu chúng ta không dấn vào những đòi hỏi dữ dội của dục vọng, thì chúng có tiếp tục hoạt động cho đến khi chúng bất khả chịu đựng và chúng ta chẳng thể chống cự được nữa không?
Chúng ta có nhiều xung năng khác nhau. Một số là xung năng điều tiết, được kiểm soát chủ yếu bởi các quy trình sinh học mà con người không ý thức kiểm soát, chẳng hạn như xung năng làm dịu cơn khát, ăn, ngủ, thở. Chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu này.
Những xung năng khác là những xung năng phi điều tiết. Nếu không được đáp ứng, chúng sẽ dần giảm bớt và theo thời gian sẽ biến mất. Những xung năng này bao gồm hành vi tính dục, sợ hãi, hung hăng, lo lắng, v.v…
VI/ Những đề xuất thực tiễn cho chương trình đào tạo đời sống độc thân
1. Huấn luyện sự hy sinh lành mạnh nơi tính dục
Thăng tiến đức khiết tịnh qua đó những khuynh hướng dục vọng được hiến dâng theo một cách thức lành mạnh.
(1) Hiểu và trân trọng quà tặng tính dục.
(2) Hiểu những rối loạn trong chúng ta do tội nguyên tổ gây nên.
(3) Hiểu biết cách khách quan về chính mình và về bản chất của những cơn cám dỗ dục vọng (Cẩn thận thực hiện điều này cách khách quan, với phương thức mà qua đó không đưa chúng ta vào cám dỗ!).
(4) Gợi nhớ những điểm xác tín giúp chúng ta tránh xa cám dỗ.
(5) Cầu nguyện nhằm giúp có được ân sủng sống khiết tịnh. Ân sủng luôn luôn cần thiết!
(6) Thường xuyên làm mới lại quyết định tự do của chúng ta đối với việc sống khiết tịnh và kiên trì với nó.
2. Huấn luyện sự trưởng thành tình cảm
8 giai đoạn phát triển tâm lý của Erik Erikson cung cấp các chỉ dẫn hữu ích cho sự phát triển về mặt trưởng thành tình cảm theo phương diện tự nhiên và ân sủng (gratia perficit naturam, ân sủng kiện toàn tự nhiên).
Sự phát triển này khởi đi từ khả năng căn bản là tin tưởng vào người khác (basic trust) và vào bản thân (autonomy – tự lập), vốn được phát triển ở giai đoạn ấu thơ.
Nó tiếp tục qua sự phát huy việc sử dụng ý chí tự do một cách thích hợp, việc sử dụng các năng lực và tài năng (initiative - chủ động) một cách khéo léo, và sự phát huy khả năng kiên định trong những gì chúng ta khởi sự (Industry - siêng năng).
Điều này đưa chúng ta tới giai đoạn quan trọng là xác định căn tính (identity) của mình (trong trường hợp của chủng sinh và linh mục thì đó chính là việc ý thức và đón nhận ý nghĩa của đời sống linh mục, dựa trên ơn gọi và các khả năng / giới hạn tự nhiên của chúng ta).
Rồi, từ nền tảng này, chúng ta có thể yêu thương / chia sẻ thân thiết (intimacy) với người khác theo cách thức phù hợp với ơn gọi và vai trò của chúng ta trong cuộc sống (đó là một linh mục tận tâm và tràn đầy tình thương, theo hình ảnh của Chúa Kitô).
Điều này dẫn đến sự tác sinh (generativity) hoặc giúp đỡ người khác, đặc biệt là trong sự phát triển của họ trong tư cách là con cái Thiên Chúa.
Trong giai đoạn sau cùng của sự phát triển (trưởng thành tình cảm), chúng ta được hòa hợp về mặt ơn gọi, cảm xúc, hành vi, niềm tin, v.v... tất cả đều quyện lại với nhau (Integration - hòa hợp/toàn diện)
(1) Basic Trust (Tín thác) – vào bản thân và người khác, cũng như vào Thiên Chúa
(2) Autonomy (Tự chủ) – khả năng đưa ra những quyết định mang tính xây dựng, trong sự hài hòa
(3) Initiative (Chủ động) – khả năng khởi xướng những nỗ lực và những dự phóng mới mẻ
(4) Industry (Siêng năng) – khả năng kiên trì hoàn thành điều được khởi xướng
(5) Identity (Căn tính) – chấp nhận bản thân [tính cách nhất quán, con cái Thiên Chúa, ơn gọi
(6) Intimacy (Thân thiết) – khả năng chia sẻ bản thân và những gì chúng ta có với người khác
(7) Generativity (Tác sinh) - đóng góp với người khác, với thế hệ tương lai
(8) Integration (Hòa hợp) - mọi tính cách và ơn gọi tương tác trong sự hài hòa.
WHĐ (9.12.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 120 (Tháng 9 & 10 năm 2020)
x. ĐGH Phaolô VI, Sacerdotalis Caelibatus
x. Sacerdotalis Caelibatus, 21
x. Erik Erikson, 8 giai đoạn phát triển tâm lý