https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/11/01-Beatrix.mp3 1.
-“Dì ghi lại những gì tui đọc nhé!”
Cha Thiên nằm trên chiếc giường gỗ, tay chân bất động, hai giọt nước mắt gần như sắp ứa ra, nhưng cha lại cố nén lại nên làm cho đôi mắt đỏ ngầu như những tia máu. Vị nữ tu trẻ run run cầm cây viết và xấp giấy A4, được đặt trên một chiếc bàn gỗ nhỏ cạnh giường mà cha đang nằm. Sơ ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, thấp hơn chiếc bàn, ghé đôi tai gần bên cha Thiên, để nghe cha nói thật rõ và ghi lại.
-“Cha ơi! Con đã chuẩn bị rồi, cha đọc đi nhé!”
Sự hồi hộp và căng thẳng hiện rõ trên nét mặt người nữ tu, cha Thiên như muốn chắc chắn, nên cố lấy vài hơi liên tục rồi nói:
-“Dì đã gạch hàng sẵn chưa? Để viết cho ngay ngắn, thẳng thớm. Tui sợ …”
Cha ngưng nói, vì nước mắt sắp trào. Vị nữ tu trẻ biết ý, liền trả lời:
-“Dạ rồi cha ơi! Con chuẩn bị tươm tất rồi!”
2.
Cha Thiên năm nay đã gần tám mươi lăm tuổi. Cái tuổi mà những người bạn linh mục cùng thời đã ra đi trước để về với Chúa. Người gần nhất là cha Lộc mới qua đời cách đây vài tháng. Sau những cơn bệnh liên tục mới đây, khiến sức khỏe cha suy sụp thấy rõ, Đức Giám Mục giáo phận cho thuyên chuyển cha về nhà hưu dưỡng để được chăm sóc chu đáo hơn, vì ở môi trường họ đạo ít ai quan tâm tới sức khỏe của cha đúng cách. Thấm thoắt, vậy mà cha về nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận đã gần mười năm.
Cha chịu chức linh mục từ lúc khá trẻ, mới ba mươi tuổi đã chập chững làm cha phó và tập sự với các cha sở trong việc trông coi họ đạo. Là một linh mục có năng lực, cha được cử đi học ở nước ngoài sau hơn chục năm mục vụ họ đạo, việc học nuốt thêm hơn chục năm của cha, sau đó trở về Việt Nam với tấm bằng trong tay khi tuổi gần năm mươi. Công việc của cha khi về lại Việt Nam là làm giáo sư giảng dạy tại Đại Chủng Viện, đồng thời trông coi một họ đạo nhỏ gần Đại Chủng Viện.
Công việc của một giáo sư không hề nhẹ nhàng, cộng thêm những lo lắng cho đoàn chiên, dù chỉ là một họ đạo nhỏ với vài trăm dân, nhưng cũng khiến cha gặp nhiều thử thách. Có những ngày dạy học một buổi, mục vụ họ đạo một buổi, tối ngồi xem lại bài đã soạn, thậm chí nửa đêm cha còn đi xức dầu bệnh nhân cho con chiên trong họ đạo nữa. Đó là chưa kể tới những dịp lễ đặc biệt như Giáng Sinh, Phục Sinh, mùa Vọng, mùa Chay và những dịp lễ đặc biệt khác, vì đã làm một cha xứ thì không thể bỏ bê việc tổ chức chương trình thiêng liêng vào những dịp lễ như thế.
Dù áp lực công việc không hề ít, nhưng đặc biệt mà ai cũng phải thừa nhận là cha không bao giờ cáu gắt hay khó chịu. Chỉ vài năm đảm nhận công việc họ đạo và dạy học, người của cha gầy còm, đen đủi vì phải chạy việc nhiều, nhất là trong khâu thăm viếng con chiên trong họ đạo. Chỉ vài trăm hộ gia đình, nhưng để thăm cho hết và hiểu hoàn cảnh từng gia đình một là cả một công trình vĩ đại, vậy mà cha làm được.
Chúa thương lòng nhiệt thành của cha, nên ban cho cuộc đời mục tử của cha ít bệnh tật. Suốt ngần ấy năm quần quật bước ra cánh đồng sứ mạng, chưa lần nào cha nhập viên, hay bị một chứng bệnh gì to tát, mà chỉ cảm sốt và vài liều thuốc có thể giúp cha lấy lại tinh thần phấn chấn ngay lập tức. Nhiều giáo dân và nhiều thầy trong Đại Chủng Viện nhìn cha mà phải nể phục vì sức mạnh phi thường như thế.
3.
-“Ông cố tới thăm nhà con! Con cám ơn ông cố!”
Một giáo dân vui mừng cám ơn cha sau chuyến ghé thăm nhà, cha dúi vào tay người phụ nữ vài chục ngàn và nhắn:
-“Con mua ít gạo cho mẹ và con của con ăn. Sáng giờ bà cháu chắc đói meo rồi!”
Người phụ nữ trung niên cầm số tiền, nhìn theo chiếc xe dream của cha Thiên đang chạy xa dần, tay níu chặt số tiền và tay kia dụi nước mắt.
Dường như Chúa ban cho cha khả năng nhạy bén lạ thường trước những hoàn cảnh khó khăn của giáo dân. Chỉ cần cầm xe và chạy ngang gia đình nào đó, cha sẽ cảm nhận được gia đình nào đang có chuyện cần giúp, và đa phần trực giác của cha là đúng. Có lần cha tâm sự rằng:
-“Hồi nhỏ, ba mẹ cha cũng cãi nhau suốt ngày, thậm chí có hôm còn đánh nhau túi bụi. Cha lúc đó chỉ là đứa bé nên chưa biết phải làm gì, đành núp vô góc nhìn ba mẹ cãi và đánh nhau. Rồi có hôm ba của cha giận cá chém thớt, lôi cả cậu con trai ra mà đánh cho đỡ tức. Từ đó, trong cha có một nỗi sợ vô hình về những cuộc cãi vã trong gia đình. Nên mỗi lần thấy ba đi nhậu về, chớm chớm qua vài câu nói sốc là cậu bé Thiên cầm tay mẹ chạy đi ra ngoài sau ruộng, để tránh cơn giận của ba. Nhờ đó, mà mẹ con tránh được bao nhiêu rắc rối”.
Khi hỏi cha dấu hiệu nào để biết gia đình người ta có chuyện chẳng lành, cha nói:
-“Muốn biết nhà nào ăn ở có ngăn nắp, trật tự hay không, thì xuống nhà bếp và nhà vệ sinh mà xem là biết. Còn muốn biết nhà nào xảy ra chuyện chẳng lành, thì dòm vô trước cửa nhà, sẽ thấy cảm giác lạnh lẽo đến lạ thường xuất hiện ngay trước cửa nhà của họ. Cha không tin chuyện khí âm, khí dương gì đâu, nhưng tự khắc cảm giác ấy lại đến như hồi nhỏ cha đoán mỗi lần ba lên cơn muốn đánh mẹ vậy!”
Càng nghe cha nói, càng bái phục vì sự nhạy bén lạ thường ấy. Nhờ đó mà mỗi lần cha xách xe lên đường, thì luôn cầm theo bánh, gạo, hoặc tiền, hoặc bất cứ gì nhà xứ có, để biếu cho những gia đình như thế. Có hôm từ Đại Chủng Viện dạy học về, được các thầy biếu vài cái bánh, cha cũng ghé ngang nhà ai đó để cho họ chứ không mang về nhà xứ. Đồng thời, chính sự nhạy bén ấy đã giúp bao nhiêu gia đình khỏi bạo hành, cụ thể là mỗi lần có ông chồng nào muốn lên cơn đánh vợ và con, thì cha đã ghé vào nhà trước đó, người đàn ông thấy cha thì e dè rồi lẩn vào buồng mà ngủ, chứ chẳng dám lên cơn nữa.
4.
Lo cho người khác thì vậy, còn bữa ăn của cha thì chỉ có mỗi con cá chiên hoặc miếng thịt kho trong cái niêu nho nhỏ, cha ăn mấy hôm liền. Có khi về thấy cơm còn ít, mà nhớ lại đàn gà và mấy con cá chưa có gì ăn, cha đành nấu gói mì và ăn cho no bụng, rồi đổ cơm ra sân cho gà, xuống ao cho cá, miệng vẫn không quên nói tiếu lâm:
-“Người không ăn thì cá ăn thay nhé! Lần sau sẽ nấu nhiều hơn cho chúng mày! Ăn cho mập nha!”
Mấy con cá vẫy đuôi mừng rỡ ăn phần cơm, những chú cá mập trắng, chúng đâu biết chủ của chúng vừa ăn xong một bữa mì gói vì nhường bữa cho chúng. Để khi chúng đủ lớn, sẽ là món quà cha dành tặng cho các gia đình nghèo trong dịp lễ đặc biệt như tết chẳng hạn.
Cha không có người nấu ăn riêng, mọi chuyện trong nhà đều do cha tự làm. Giáo dân trong họ đạo đòi thuê một người nấu ăn, cha nói:
-“Tui đi suốt ngày. Sáng dạy học quá trưa nên ăn cơm với mấy thầy rồi mới về! Chiều đi thăm giáo dân và dâng Thánh Lễ. Tối soạn bài rồi tấn mùng đi ngủ sớm. Thuê bà bếp nấu cho bà bếp ăn hay sao?” Nói rồi cha cười khoái chí. Bà con đành lắc đầu chịu thua trước lí luận của cha.
Cha giám đốc Đại Chủng Viện thấy cha ở một mình, muốn gửi các thầy tới giúp năm và giúp tháng hè, cha luôn hoan nghênh chào đón, và hướng dẫn tận tình cho các thầy mới tập sự. Từ ngày có các thầy, cha ăn cơm ở nhà nhiều hơn, bữa ăn được các thầy chăm lo đầy đủ hơn, nhờ đó mà cha lên cân đôi chút. Nhưng cứ mỗi lần gặp cha giám đốc, cha lại nhắn:
-“Cha ơi! Nếu thực lòng muốn các thầy tới họ đạo, chỗ tui, tập sự thì tui hoan nghênh lắm! Nhưng nếu vì cha thấy tội nghiệp tui vì ở một mình, thấy việc ở với tui mà ảnh hưởng tới việc học của các thầy, thì cha làm ơn rút các thầy giùm tui nhé! Việc học của các thầy quan trọng hơn, vì có học tốt, học vững thì mới làm linh mục tương lai tốt được, đừng ép mấy thầy làm việc quá sớm mà lêu lỏng việc học.”
5.
Ngót nghét đã hơn hai mươi năm coi xứ, và làm giáo sư thâm niên của Đại Chủng Viện. Khi linh tính báo cho cha biết sức khỏe của mình không còn tốt được bao lâu nữa, cha đã gửi đơn lên Đức Giám Mục xin về hưu. Lời thỉnh cầu ấy đã được chấp nhận, nhà hưu trở thành ngôi nhà mới của cha, nơi mà cha được quan tâm chăm sóc kỹ hơn về sức khỏe, và cũng có thời gian để cha nghỉ ngơi sau những năm dài học tập và làm việc liên tục.
Từ ngày về nhà hưu, nhiều cha trẻ, mà trước đây là học trò của cha tại Đại Chủng Viện đều tới thăm hỏi sức khỏe thầy mình khi có dịp đi ngang nhà hưu. Những giáo dân ở họ đạo mà cha từng giúp, cách riêng là các gia đình nhờ cha mà vượt qua khó khăn, bất hòa nay cũng hay lui tới thăm hỏi. Cuộc sống của cha khi về hưu vẫn vui vẻ và bình an.
Cha vẫn thường cầu nguyện với Chúa rằng:
-“Lạy Chúa! Những thành quả mà con được nhận lãnh không phải do con làm được, mà là do Chúa đã ban cho con. Xin cho con từ hôm nay đến hồi xuôi tay nhắm mắt, chớ khi nào tự hào, kiêu hãnh mà giành công của Chúa!”.
Về với cuộc sống mới, cha vẫn yêu lao động, yêu việc vườn tược. Cha hay nhờ các nữ tu, các thầy hoặc các nhân viên phục vụ tại nhà hưu có ghé chợ thì mua giúp cha những hạt giống hoa này hoa kia, giống rau này rau kia để cha trồng. Nhờ cha mà khung viên nhà hưu, trước đây chỉ bạc màu nắng, giờ đây có những mảng xanh, giúp tâm hồn các cha nghỉ hưu, cũng như những ai đến nơi đây cũng thấy trẻ lại.
Cha Thiên vẫn yêu viết lách. Những suy tư của cha giờ đây không về những mảng trừu tượng, khó hiểu như hồi làm giáo sư, mà chủ yếu là về tâm lý tuổi già, cái chết và nỗi đau thân xác. Vừa là những cảm nghiệm, cũng là những suy tư quý báu qua kinh nghiệm thực tế của bản thân cha.
6.
-“Dì ghi giùm tui nhé!
Tôi là linh mục Gioan Maria Vianney Nguyễn Thành Thiên,
Tôi xin tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương và bảo vệ tôi bình an suốt 85 năm làm người của mình.
Tôi xin cám ơn Đức Giám Mục và các vị cố Giám Mục đã yêu thương và quan tâm tôi cách đặc biệt, tin tưởng và trao cho tôi có cơ hội được học tập và gửi tôi đi làm việc trong cánh đồng của Chúa.
Tôi xin cám ơn những người bạn linh mục của tôi, những con người đã kề vai sát cánh bên tôi trong những tháng ngày sống đời tu, và nâng đỡ tôi trong những ngày tôi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tôi xin cám ơn các cha, các thầy là học trò của tôi, đã nhớ và đến viếng thăm tôi suốt khoảng thời gian tôi về nhà hưu dưỡng.
Tôi xin cám ơn những con chiên đáng quý của tôi, những người giáo dân nghèo, đơn sơ, dễ mến, gần gũi, hiền hòa, thân thiện, mọi người là kho báu mà Thiên Chúa trao cho tôi, và khi ra đi, tôi xin khắc tên mọi người trong trái tim tôi.
Tôi xin cám ơn quý Dì, quý thầy và quý nhân viên đã tận tình lo lắng, chăm sóc cho tôi suốt khoảng thời gian tôi về nghỉ hưu tại nhà hưu này.
Tôi xin lỗi tất cả mọi người vì những thiết sót, lỗi phạm mà tôi đã khiến mọi người phiền lòng. Nhân vì lòng thương xót, xin mọi người tha thứ cho tôi.
Tôi xin… Tôi xin…”
Cha Thiên ngập ngừng đôi chút như cố ngắt ngang dòng cảm xúc đang chảy tràn trong cha. Cha bặm đôi môi, vẫn gồng khiến đôi mắt đỏ ngầu lên, và không để nước mắt chảy ra. Người nữ tu lặng đôi chút, hồi sau thấy cha bình tĩnh hơn, liền hỏi nhẹ nhàng:
-“Cha ơi! Cha muốn ghi gì nữa không?”
-“À! Còn! Dì ghi dòng cuối giùm tôi:
Tôi ra đi với đôi bàn tay trắng, nhưng thực ra tôi giàu có vô ngần, tất cả mọi người là tài sản mà tôi đã có, đang có và mãi có. Tôi sẽ dâng món quà ấy lên trước Thiên Chúa và xin Người ban ơn cho anh chị em hết thảy.”
Nhịp thở của cha yếu dần, chậm dần, tiếng máy đo nhịp tim réo liên tục, chừng vài phút sau, cha tắt thở nhẹ nhàng.
7.
Tiếng chuông nhà nguyện đã vang lên, báo hiệu sự ra đi của cha Thiên. Tin cha qua đời được loan đi toàn giáo phận.
Thánh Lễ an táng hôm ấy, bức di ngôn của cha Thiên được vị nữ tu trẻ, người đã trực tiếp ghi lại những dòng ấy, đọc lên cho cộng đoàn trong nước mắt. Trong đoàn người dự lễ an táng hôm ấy, người ta hiểu ra rằng họ là món quà, là tài sản mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại này, là món quà mà khi sống người ta ghi khắc, và khi chết họ sẽ mang theo mãi mãi!
Little Stream