Mạnh mà YẾU, yếu mà lại MẠNH !
Lửa Mới
“Nếu có tự hào, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi.
Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.”
St. Paul (2Cr 12, 5.10)
Tôi là người hay lo lắng, bối rối, tự ti mặc cảm với nhiều điều khi so sánh với người khác… Tại sao tôi lại là người yếu mà người khác lại mạnh, tại sao tôi nghèo mà người khác lại giàu, tại sao người khác hay mà tôi lại dở, tại sao người khác được mà tôi lại không? Tại sao, tại sao…? Vô vàn câu hỏi bao hàm những sự so sánh ‘mạnh-yếu’, ‘giàu-nghèo’, ‘hay-dở’ lắm lúc làm tôi chới với, đứng không vững trước lời khen tiếng chê của người đời. Cứ thế tôi loay hoay mãi nơi những giới hạn của chính mình. Đây là một lối mòn mà tôi phải khổ sở khi phải đối diện với nó trong suốt cuộc đời. Làm sao để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này? Khi nào tôi là mạnh, khi nào tôi yếu? Cuộc đời chẳng nhẽ cứ phải mệt mỏi gồng mình để đọ sức hơn thua, mạnh yếu mãi sao?…
Nghịch lý tính hai mặt của cuộc sống
Sinh ra trong cuộc trần thì ai cũng được cả hai mặt, có người mạnh về mặt này mà lại yếu về mặt kia. Chẳng ai hoàn toàn yếu đến nỗi không có mặt mạnh nào, cũng chẳng ai hoàn thiện đến nỗi chẳng có mặt yếu nào. Một người được coi là mạnh hay yếu thì luôn đi kèm với một đặc tính nào đó chứ không thể nói ‘mạnh’ hay ‘yếu’ một cách chung chung. Về mặt con người, người ta thường nói người mạnh là người bên ngoài có cơ thể khỏe mạnh với sức lực dẻo giai, bên trong có tinh thần kiên vững chịu đựng trước mọi nghịch cảnh. Về mặt gia cảnh, người được coi là mạnh thế hơn khi anh được sinh ra trong một gia đình quyền thế, giàu có, được mọi người kính nể. Về mặt tài năng, thế mạnh của anh được thể hiện ở một năng khiếu nào đó vượt trội, giỏi hơn so với người chung quanh…
Nói như thế, mạnh hay yếu cũng luôn được nhìn trong một cảnh huống và luôn được so với ai đó hay đối tượng nào đó nhất định. Anh có vẻ mạnh thế ở đây và bây giờ nhưng ở hoàn cảnh hay vào lúc khác thế mạnh của anh lại không được hữu dụng nữa, có khi thế mạnh nó lại trở thành thế yếu. Những việc nặng thì người có sức lực lại có thế mạnh, nhưng nơi những việc cần sự khéo léo thì sức mạnh lại là một trở ngại.
Hơn nữa, đã là con người thì “tốt thì luôn khoe mà xấu thì luôn che”. Khi nhìn vào người khác phần lớn tôi chỉ nhìn thấy và ao ước mặt trội của họ mà thôi còn cái giá họ phải trả giá đằng sau thì tôi lại ít để ý đến. Sự giàu có là điều nhiều người mong ước, nhưng ít ai thấy được đằng sau đó là những nỗi lo lắng, mất ăn mất ngủ khi phải lo giữ của và tác hại của “nhàn cư vi bất thiện”. Trong khi một người nghèo đơn sơ thì được an nhàn thảnh thơi, và câu nói “đói mà sạch, rách mà thơm” lại trở nên có giá trị. Cũng thế, mấy ai hiểu được đằng sau vinh quang của một người đẹp, nổi tiếng lại là sự trống vắng cô đơn, mệt mỏi khi phải đối diện với nhiều tương quan không mong muốn và mất tự do về sự bảo mật đời sống riêng tư…; trong khi một người bình dân giản dị lại được tự do, bình an, vui vẻ…
Nhìn chung mọi sự trên đời luôn có tính hai mặt của nó, nhưng phần lớn ai cũng thích nhìn vào mặt phải hơn mặt trái. Thêm vào đó, không phải tôi không được những điều tôi muốn nhưng ở chỗ tôi có đủ sức để chịu đựng mặt trái của những “tác dụng phụ” có thể xảy ra không? Trớ trêu hơn, điều mà tôi cho là yếu hèn, nghèo nàn lại là điều mà những người nổi tiếng, giàu có mong ước mà không được. Thế nên trên đời này, tôi chẳng thể đánh giá được ai hơn ai cả, vội vàng đoán xét cái trước mắt là một sai lầm lớn!
Hoàn hảo là cộng hợp những điều có vẻ không hoàn hảo
Cái khó là ai cũng muốn mình được hoàn hảo và mong muốn có được tất cả. Thực tế cuộc sống thì chẳng bao giờ như vậy. Điều lạ lùng là sự hoàn hảo của cuộc sống là sự cộng hợp từ những cái có vẻ không hoàn hảo theo cách thế “tương trợ lẫn nhau”. Ví như trong một thân thể có các bộ phận khác nhau với các chức năng khác nhau thì mới làm lên tổng thể là con người. Trong một gia đình, một xã hội cũng vậy, mỗi người đều có vai trò, khả năng riêng thì mới tạo nên một cộng thể đa dạng và tốt đẹp…
Tôi đã từng nghĩ giả thử nếu ai cũng hoàn hảo cả thì thế giới quả là “chán lắm” vì mỗi người là một hòn đảo chẳng ai cần đến ai. Nghĩ là vậy, nhưng khi đối diện với những tương tác giữa con người với nhau tôi lại thấy thật khó để có được sự hòa hợp tốt đẹp như tôi mong muốn. Nghịch lý là ở chỗ đó, tuy nhiên giá trị cuộc sống không hẳn ở vẻ bề ngoài nhưng còn ở giá trị tinh thần nữa. Cái hoàn hảo hơn của cuộc đời không phải đến từ sự dễ dàng và thuận lợi nhưng ở sự nỗ lực dựng xây và thích ứng với mọi cảnh huống cuộc sống. Vượt qua giới hạn mới là sự hoàn hảo hơn sự không có khuyết điểm nào, sự đau thương mất mát có thể xảy ra nhưng ở đó lại trổ sinh lòng kiên nhẫn và tình thương. Đó chẳng phải là điều kỳ diệu hơn sao!
Tất cả đều là quà tặng
Nhìn lại mình, những gì tôi có được chẳng phải tự mình mà có nhưng tất cả đều là quà tặng và ơn huệ. Tôi đi vào cuộc đời này với hai bàn tay trắng, với cả tấm thân này cũng chẳng phải tự mình hình thành nên; và khi tôi rời bước ra đi cũng là như vậy. Tôi đã từng tự hào về những nỗ lực của tôi về các mặt khác nhau nhưng nhìn lại chẳng phải do tự sức tôi mà có thể làm được điều gì nếu không có các phương tiện hỗ trợ. Điều này ví như một người nông dân tự hào về vụ mùa của mình nhưng chẳng bao giờ nghĩ rằng nếu không có đất, có nước, không gian thời tiết, và ngay cả hạt giống cũng như sức khỏe thì cũng chẳng thể làm được gì. Cũng vậy, người ta thường so sánh nhau điều này điều kia nhưng khi không có “ánh sáng mặt trời” chiếu sáng thì ai cũng “tối như nhau”mà thôi!
Tôi thường cho mình nổi nang, hơn hẳn người khác về vẻ đẹp ư? Chỉ một cơn gió thoảng thôi cũng làm tôi ủ rũ héo tàn! Tôi tự mãn về tài năng mình ư? Chỉ cần một chút chấn động nơi một nơ-ron thần kinh thôi cũng đủ làm tôi kiệt quệ. Tưởng đã an phận nơi gia tài vốn liếng của mình, nhưng “hỡi ôi” chỉ trong một đêm thôi mở mắt ra thì đã “tay trắng trắng tay”, lại thêm nợ nần, tù tội… Tuổi già và bệnh nan y là một sự “hốt hoảng” cho tôi khi nhận ra những điều cả đời mình tìm kiếm lại trở nên vô nghĩa và chóng tan như “sương buổi sớm”. Sự thật là như vậy, cuộc đời “lên voi rồi lại xuống chó”, tôi chẳng bao giờ làm chủ được điều gì mà tôi cho là “mạnh”, là “có”. Nghĩ cũng thật buồn cười vì tôi cứ hay so đo những điều “được cho mượn”, những điều không phải của mình hoàn toàn!
Tôi thường than trách ông Trời không ban cho tôi những điều như tôi muốn. Nhưng tôi đâu biết rằng ông Trời vốn chẳng thiên vị ai và tôi đã có đủ những điều tôi cần rồi. Nghĩ là như vậy nhưng tôi cũng chẳng chịu tin vì tôi luôn muốn những điều người khác có mà tôi chưa có và cứ “đứng núi này trông núi nọ” mà không biết mình muốn gì nữa. Tôi cũng như những đứa bé cứ thích vòi quà mẹ cho được cái này cái kia nhưng mẹ thường nói rằng: “có những điều mẹ sẽ cho ngay nếu thấy con cần, còn những điều không thích hợp cho con lúc này thì mẹ chưa thể cho vì nó sẽ gây hại cho con”. Thuốc bổ là tốt nhưng nếu dùng quá liều thì “lợi bất cập hại”. Điều này cũng như cho con quá nhiều tiền trong khi nó không biết dùng tiền cho mục đích chính đáng. Nếu cho nó tài năng mà nó dùng tài năng để gây hại cho người khác thì chẳng nên chút nào. Vì thế, không phải tôi không nhận được gì nhưng ở chỗ là tôi có đủ khả năng để nhận và sinh ích chung hay không mà thôi!
So sánh khập khiễng là mầm mống đỗ vỡ và đau khổ
Tôi thường hay nhắc nhở mình rằng: “Nhìn lên thì mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì không ai bằng mình”. Biết là nên nhìn xuống trước, nhưng tôi cũng phải nhìn lên để bắt chước cái hay của người khác chứ! Nghĩ là vậy nhưng cái mệt mỏi là: phần lớn tôi thích nhìn vào cái hay, cái đẹp của người khác rồi sinh lòng ghen tỵ và muốn vượt thắng người khác để tự hào về mình, hơn là vì lý do hoàn thiện chính mình. Ý hướng thì tốt nhưng động cơ bên trong lại chẳng lành mạnh chút nào. Thời gian sẽ cho thấy rằng dù có đạt được những điều người khác có thì những cái đạt được đó rồi cũng chẳng đi đến đâu mà lại càng làm cho tôi bất an và thêm sinh lòng ghen tỵ hay kiêu hãnh. Trong thời đại hôm nay, có rất nhiều nhu cầu cảm thấy là rất “cần” nhưng không “thiết” thực, nên “có đó rồi để xếp xó” là như vậy!
Thêm vào đó, khi tôi cố tỏ vẻ ra mình là người mạnh và hơn người thì tôi đang là người yếu lắm lắm! Cứ như thế là tôi đang trên đà đi xuống vì tôi không cần cố gắng nữa. Một người mạnh thì chẳng bao giờ muốn tỏ ra như thế trước mặt người khác thì mình mới là mạnh. Cái “mạnh” cái “có” thường đi kèm với sự kiêu hãnh và tự mãn. Khi như vậy, tôi thường có xu hướng “coi trời bằng vung, coi người khác như rơm rác” và trở nên “cứng đầu cứng cổ” chẳng ai nói được. Sự tự mãn như thế được đồng nghĩa với sự “khó ưa”, hay nói mạnh hơn là “chảnh”, “thấy là ghét”… Thật sự, nếu có được mọi sự tôi ao ước mà trở nên một kẻ đáng ghét thì tôi chẳng muốn chút nào!
Thật ra thì ai cũng yếu như nhau cả thôi nhưng ai cũng muốn đến với người khác bằng điểm mạnh. Sở dĩ như thế, cách nào đó là để tôi che lấp điểm yếu mình và chèn ép người khác xuống mà thôi. Khinh chê, chỉ trích người khác cũng là cách tinh tế để tôi tỏ ra là mình hơn người. Nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình ”. Cũng vì sự so sánh và cạnh tranh không lành mạnh mà nảy sinh ra biết bao lòng thù hận, ghen ghét, tự ái và đỗ vỡ nơi thâm tâm chính mình, trong gia đình và ngoài xã hội. Mỗi người đều sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau nên không ai có thể lấy mình làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Mọi sự bực mình, tức giận phần lớn xảy đến cho tôi đều xuất phát từ việc lấy mình làm “khuôn mẫu” như thế…
Vượt lên trên “mạnh-yếu” để sống thật với những điều bình thường
Yếu đuối thì ai cũng có và không dễ ngày một ngày hai lại có thể khắc phục được. Dầu vậy, người can đảm nhận mình yếu là người đang mạnh lên vì biết mình đang ở đâu và sẽ phải cố gắng vươn lên thế nào. Tôi có ra sao thì cứ thể hiện mình như vậy thì mới là người mạnh thật sự chứ không tự lừa dối và ảo tưởng về mình. Thật ra chẳng cần phải so sánh thì tôi mới tốt lên nhưng động lực chính là tôi “chấp nhận mình như mình là” và vui với điều đó như vậy cũng là một nỗ lực lớn lắm rồi.
Nếu có so sánh thì tôi chỉ nên so sánh mình với mình ngày hôm qua. Bắt đầu từ nơi mình đứng, chứ không bắt đầu từ chỗ đứng của người khác vì họ cũng đang phải nỗ lực như tôi mà thôi. Nhìn gương sáng người khác là để tôi cố gắng hơn từng bước một chứ không phải để bằng ai cả hay so sánh hơn thua. Bổn phận của tôi hôm nay thì tôi cứ làm và nỗ lực hết mình trong những điều nhỏ bé bình thường, vì niềm vui thực thường đến từ đó. Cuộc sống quả thật có những điều bình thường nhưng không tầm thường chút nào!
Suy cho cùng, ‘mạnh’ hay ‘yếu’, ‘có’ hay ‘không có’ đó chỉ là “nhất thời” theo cách nhìn chủ quan của mỗi người trong dòng đời đầy biến chuyển. Người mạnh thật sự không phải là người hoàn hảo hay tỏ ra mình mạnh nhưng ở chỗ là chấp nhận và sống vui cách tự nhiên với những điểm yếu của mình và người khác. Những cái tôi cho là yếu đó lại trở nên sức mạnh và hữu ích cho tôi “để tôi không tự mãn về điều gì cả”.
“Cái túi ham muốn” của con người là vô hạn nên chẳng thể có điều gì hữu hạn mà lại có thể làm no thỏa “cái túi không đáy” đó. Điều quan trọng là tôi phải được tự do với những gì tôi có chứ không phải là tôi ‘có’ hay ‘không có’ cái gì hay ‘mạnh’ hay ‘yếu’ ở điểm nào. Cái gì đến thì nó sẽ đến, điều gì đi thì nó phải đi. Không giới hạn mình vào bất cứ điều gì hữu hạn thì tôi sẽ trở nên vô hạn. Hay nói đúng hơn “không có gì cả nhưng lại có tất cả”…
Có lẽ, đã đến lúc người ta sẽ không còn so sánh với nhau về địa vị sang-hèn, giàu-nghèo, hay-dở, hơn-thua, mạnh-yếu hay ai đúng hơn ai nữa nhưng ở chỗ là xem đằng sau những “thăng trầm” đó chính mình có thực sự “Vui, Bình an và Thanh thản không?” từ trong sâu thẳm tâm hồn!
KHỎE, không phải là nhấc lên Mạnh, mà là để xuống Nhẹ
KÍNH, không phải là đối với Trên, mà là xử với Dưới
ÐẸP, không phải là hút Người Vào, mà là giữ người Ở Lại
XẤU, không phải tại Gương Mặt, mà ở tại Cách Sống
KHÉO, không phải tạo điều To, mà là làm điều Nhỏ
HAY, không phải là Ngạc Nhiên, mà là sự Thú Vị
BUỒN, không phải vì Bên Ngoài, mà ẩn ở Bên Trong
(Đức Đạt Lai Lạt Ma)
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn