https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/11/01-Moments-Of-Fantasy.mp3 - Xóm dưới có một cậu bé thật đáng thương. Cậu bị động kinh từ hồi nhỏ, căn bệnh làm cho cậu trở nên không bình thường như những đứa trẻ khác. Nhiều lúc đang chơi với các bạn cậu lên cơn động kinh, co quắp cả người, sùi bọt mép rồi đơ người ra trên đất, mấy đứa nhỏ thấy sợ quá chạy trốn hết, còn mỗi cậu lăn lóc trên sân. May thay có người hàng xóm tốt bụng chạy tới đỡ cậu lên rồi đưa về nhà với bà Chín. Tệ hơn, có lần cậu té xuống sông, vô đám lửa, cũng may được cứu kịp nên cậu thoát chết.
Chẳng biết tên thật của cậu là gì, chỉ biết mọi người hay gọi cậu là “thằng Khùng” con bà Chín Gái. Hình như chưa ai hỏi bà Chín về tên đứa con duy nhất của bà. Mà bà Chín cũng chẳng bao giờ giải thích về cái tên của con trai bà.
Từ lúc tôi bắt đầu có trí khôn, hình như tôi chưa bao giờ thấy Ông Chín. Chỉ thấy mỗi hai mẹ con sống trong căn nhà lụp xụp tạm bợ. Căn nhà ấy cũng chẳng phải của mẹ con bà, mà do xã cấp cho vì thấy hoàn cảnh hai mẹ con quá nghèo khổ.
- Nghe kể lại, gia đình bà Chín trước đây không lâm cảnh khó khăn như vậy. Bà vẫn có một căn nhà cấp 4 vốn của cha mẹ để lại. Nhưng từ hồi có thằng Khùng, nó cứ bệnh tật triền miên, rồi thêm cái bệnh động kinh nghiệt ngã, khiến vật dụng trong nhà bà Chín lần lượt đội nón ra đi. Cuối cùng căn nhà và miếng đất cha mẹ cho bà cũng ra đi không ngày quay lại, đó là lần thằng Khùng lên cơn sốt co giật, bà bồng nó vào nhập viện.
Bác sĩ rầy bà Chín to tiếng:
- “Trời! Sao bà để con ra nông nỗi này mới đưa tới bệnh viện. Đã bị bệnh động kinh, thêm sốt hơn 40 độ. Lỡ nó chết hay di chứng về sau thì sao?”
- “Bác sĩ ráng cứu con tui. Tui trả tiền cho bác sĩ mà! Bác làm ơn! Bán nhà tui cũng chịu! Tui lạy bác!”.
Đôi mắt vô hồn của bà Chín cứ nhìn chăm chăm vào phòng cấp cứu, vốn đã bị lớp kính mờ che khuất. Bà nhìn chăm chăm rồi khóc…
Lời bác sĩ quả thật không sai. Sau biến cố đó, nó trở nên không bình thường trong cách nói chuyện, tiếng nói vốn đã ú ớ nay lại càng khó nghe, thêm nửa người bên trái cứ thi thoảng lại giật nhẹ như có luồng điện chạy qua. Bà Năm đã phải chi trả biết bao nhiêu tiền cho chuyến bệnh viện đó, cộng với số nợ cộng dồn trước đó, miếng đất nhà bà cũng bay vào tay chủ nợ.
- Dù mới ở tuổi 60, nhưng vì gánh nặng gia đình và lo lắng quá sức, nhìn bà Chín chẳng khác gì cụ bà 80 tuổi. Dáng người gầy nhom, méo mó từ khuôn mặt cho tới dáng đi. Tuy vậy. bà thương thằng Khùng khủng khiếp. Chẳng có gì có thể ngăn được tình thương bà dành cho nó.
Ban ngày, bà đi làm mướn cho bà con lối xóm. Ai cũng thương bà nên hay gọi bà đến làm giúp, nhưng thực chất họ muốn giúp đỡ mẹ con bà nhiều hơn như thế. Có được miếng gì ngon, bà vội vàng chạy về đút cho thằng Khùng ăn, không quên dỗ dành nó: “Ăn đi con, ăn còn nóng cho ngon. Ăn cho khoẻ rồi sống với mẹ nha con”.
Lũ trẻ trong xóm cứ hay tranh thủ lúc bà Chín đi làm, là xúm quanh thằng Khùng rồi chọc tới tấp. Nó ngồi khóc tức tưởi mà chẳng làm được gì, có hôm nó khóc rồi nằm lăn ra lên cơn co giật khủng khiếp, rồi lũ nhỏ chạy trốn biệt tích, mặc thằng Khùng nằm giật một mình ngoài sân. Bà Chín về thấy con vậy rồi bồng nó vô nhà, lau mình cho nó rồi mặc vào bộ đồ sạch sẽ.
Có hôm bà về tới sân nhà, tận mắt chứng kiến lũ nhỏ trêu chọc thằng Khùng, trong khi nó đang mếu máo khóc. Bà vội chạy lại ôm con, rồi dỗ con. Lũ trẻ đã thế còn làm tới, nấp ngoài bờ rào mà hét:
- “Thằng Khùng! Thằng Khùng! Thằng Khùng”
Bà Chín thét lên với đám nhỏ:
- “Nó khùng nó cũng là con tao, sao tụi mày chửi nó. Con tao có khùng tao nuôi, đâu để tụi mày nuôi dùm ngày nào. Đi! Đi đi! Đi!”.
Bà xua lũ trẻ, chúng rút đi với vẻ mặt khiêu khích. Bà Chín lại đưa con vào nhà rồi mẹ con ôm nhau khóc nứt nở.
- Rồi Bà Chín cũng ra đi. Mấy ngày trước bà bị sốt, nằm li bì, chẳng nhấc người dậy nổi. Thằng Khùng thấy vậy cứ quấn quít bên bà chẳng rời. Nó nhìn bà rồi thi thoảng vuốt gò má ốm nhom, nhăn nheo của bà. Nó chắc chắn không biết mẹ nó bị bệnh cũng không biết phải đi mua thuốc, kiếm đồ ăn, phải đắp mền hay lau mình, nó chỉ ngồi, ngây ra với khuôn mặt khờ dại, nó cười với bà Chín.
Mấy hôm không thấy bà Chín ra ngoài đi làm. Cũng chẳng thấy thằng Khùng ra sân chơi với lũ trẻ. Bà con sinh nghi có chuyện, rủ nhau tới thăm bà Chín. Trước mắt họ là một căn nhà lụp xụp, hôi hám vì mấy hôm bà không dọn dẹp, quét tước gì. Bà Chín nằm trên giường hước lên từng tiếng một như thể rất mệt, thằng Khùng ngồi bên cạnh nắm tay bà, chẳng động tĩnh gì trước cơn mệt của mẹ nó.
Bà con nháo nhào lên, kêu nhau định đưa bà đi bác sĩ. Nhưng bà đưa tay vẫy vẫy, ngăn lại. Hình như bà biết chuyến đi cuối cùng của đời mình sắp khởi hành, bà chỉ hước từng hồi một rồi dần lịm xuống.
- Bà Chín đã chết, bà con xúm lại lo đám ma cho bà. Thằng Khùng cứ ngồi cạnh mẹ như thế, chẳng rời. Nó cũng chẳng khóc. Lúc thay đồ cho bà chuẩn bị liệm, người ta thấy một tờ lịch cũ bà để dưới chiếu, nét chữ run run bằng viết chì, nội dung thư như sau:
“Bà con ơi,
Thằng Khùng không phải con ruột của tui. Tui là phụ nữ không có chồng. Nhớ có lần tui đi chợ thì thấy có đứa nhỏ người ta quăng dưới bụi tre. Tui lượm nó về nuôi.
Tui xin bà con, sau khi tui chết, giúp tui nuôi giùm thằng Khùng. Gần 20 năm qua tui đùm bọc, nâng niu nó như con ruột của tui, bởi tui thương nó. Tui bệnh tật nhưng không lo bằng lo cho nó. Tui sợ nó mồ côi.
Tui tha thiết xin bà con, cưu mang thằng Khùng giùm tui. Cám ơn bà con nhiều lắm”.
Chuyện vỡ lỡ ra, mọi người chẳng nói được với nhau câu gì.
- Lúc đặt thi hài bà Chín vô quan tài, thằng Khùng la toáng lên, níu tay bà Chín lại. Nó la lên thành từng tiếng: “Ẹ!…Ẹ!…” (Mẹ! Mẹ!). Người ta ngăn nó lại, nó khóc sướt mướt, vùng vẫy đòi lại bà Chín. Lúc người ta đóng nắp quan tài, nó lăn ra, lên cơn động kinh khủng khiếp, giật liên hồi, đầu nó đạp xuống nền gạch, máu chảy tung toé trên sàn nhà.
Người ta giữ thằng Khùng cố định lại trên nền nhà! Nhưng cơn co giật của nó càng lúc càng dữ dội, mấy người đàn ông lực lưỡng nhảy vô đè nó xuống sàn, nhưng vẫn không kìm lại được. Loay hoay gần nửa tiếng, thằng Khùng lịm xuống bên vũng máu đầu của nó, loang ra mùi máu khắp cả gian phòng.
Thằng Khùng cũng đi theo bà Chín. Nó chết vì mất quá nhiều máu, vết thương quá sâu và không có cách nào cầm lại được. Bà con vừa khóc vừa thương nó, nhưng cũng mừng cho nó, vì nó đã thoát khỏi bệnh tật và đau đớn vốn đã hành hạ nó suốt bấy nhiêu năm qua.
- Quan tài hai mẹ con đặt song song với nhau. Chuyện bà Chín và đứa con của bà khiến mọi người cảm phục. Họ tới thắp cho bà nén nhang, rồi cùng đóng góp lo cho đám tang hai mẹ con hoàn tất.
Mộ bà Chín Gái với thằng Khùng được đặt cạnh nhau. Bà con vẫn tới thăm mộ mẹ con bà Chín, không vì thương hại, nhưng họ nhìn bà Chín như tượng đài về tấm lòng nhân hậu của người mẹ, đáng để những người làm mẹ trong xóm noi theo.
Little Stream