Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật XV thường niên năm C

Thứ năm - 11/07/2019 23:34

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN C

Lc 10,25-37

  1. Người thông luật là người giỏi về điều gì? Ông có nể Đức Giêsu không? Có người nào hỏi câu hỏi giống ông ta không? Xem Lc 18,18. Thay vì trả lời câu hỏi của ông, Đức Giêsu đã làm gì?
  2. Đọc Lc 10,27. Câu trả lời của ông có giống với các sách Đệ nhị luật 6,5 và Lêvi 19,18 không? Bạn có để ý đến từ nào trong câu trả lời của ông không?
  3. Đối với người Do-thái, ai được coi là người thân cận?
  4. Lc 10,25 và Lc 10,28 có gì giống nhau?
  5. Nạn nhân bị cướp có thể là người nước nào? Thầy tư tế và thầy Lêvi là người nước nào? Người Samari có được người Do-thái coi là người thân cận không?
  6. Theo bạn, tại sao hai thầy này trông thấy nhưng lại tránh qua bên kia mà đi?
  7. Đọc Lc 10,33-35. Theo bạn, người Samari đã cho nạn nhân điều gì quý nhất của mình?
  8. Câu hỏi của Đức Giêsu ở Lc 10,36 có khác với câu hỏi của người thông luật ở Lc 10,29 không?
  9. Bài Phúc âm này có mấy động từ làm?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn có gặp thấy trong Giáo hội những kitô hữu có tâm hồn của người Samari nhân hậu không? Bạn có bao giờ là người Samari nhân hậu chưa?

 

PHẦN TRẢ LỜI

  1. “Người thông luật” (nomikós) là người thông thạo về Luật và chuyên giải thích Luật trong Kinh Thánh. Luca hay dùng từ này (Lc 7,30; 10,25; 11,45.46.52.53; 14,3). Nhưng Luca còn dùng một từ khác, đó là “kinh sư” (grammateús) để chỉ người giỏi về Luật (Lc 5,21; 6,7; 9,22; 11,53). Ý nghĩa hai từ này không khác biệt mấy. Trong bài Tin Mừng này, ông thông luật đứng lên để hỏi với ý định thử Đức Giêsu (Lc 10,25), sau đó ông còn hỏi thêm để chứng tỏ là mình có lý (Lc 10,29). Những điều đó cho thấy ông không thật sự trong sáng. Câu hỏi của ông rất giống với câu hỏi của một người khác sau này (Lc 18,18). Đức Giêsu đã không trả lời ông, nhưng đặt câu hỏi ngược lại để chính ông đưa ra câu trả lời dựa trên hiểu biết chuyên môn của ông về Kinh Thánh (x. Lc 10,26).
  2. Câu trả lời của người thông luật (Lc 10,27) nối kết hai câu trong Kinh Thánh: Đệ nhị luật 6,5 và Lêvi 19,18, bằng liên từ “và”. Tuy nhiên, ông này đã thêm vào cụm từ “hết trí khôn ngươi.” Nguyên văn câu Lc 10,27 có thể được dịch như sau: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với trọn cả trái tim ngươi, và với trọn cả linh hồn ngươi, và với trọn cả sức lực ngươi, và với trọn cả trí khôn ngươi, người thân cận như chính mình.” Chỉ có một động từ yêu mến, hướng đến Chúa và người thân cận. “Trọn cả” được lặp lại nhiều lần cho thấy phải yêu bằng toàn bộ mọi khả năng của con người mình.
  3. Dựa trên Lv 19,17-18, nhiều người Do-thái cho rằng “người thân cận” là người đồng bào của mình, cùng là người Do-thái như mình. Dù Lv 19,33-34 dạy phải yêu như chính mình cả những người nước ngoài sống trên đất Do-thái, nhưng nhiều người Do-thái chỉ coi người đồng đạo với mình mới là “người thân cận” thật sự: chỉ người dân ngoại nào trở lại đạo Do-thái mới được coi là “người thân cận.” Như thế nói chung, đối với phần đông người Do-thái, người đồng bào hay đồng đạo với mình mới là “người thân cận,” người mình phải yêu mến.
  4. Lc 10,25 và Lc 10,28 cùng có động từ “làm.” Ông này đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì. Sau khi khen ông trả lời đúng, Đức Giêsu mời ông hãy làm như ông vừa nói. Biết đúng cần làm đúng nữa.
  5. Không rõ nạn nhân bị cướp là người nước nào. Đức Giêsu chỉ nói “một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô” (Lc 10,30). Ba người gặp nạn nhân trên đường có thể cũng không biết anh là ai, vì trước mắt họ là một người bị lột sạch và đầy thương tích. Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người Do-thái phục vụ Đền Thờ Giêrusalem. Giữa người Do-thái và người Samari có mối hiềm khích sâu xa. Dù gốc người Samari là Do-thái, nhưng họ bị người Do-thái đối xử như dân ngoại, chứ không như người thân cận.
  6. Hai thầy tư tế và Lêvi tuy trông thấy nạn nhân nhưng đã cố tình tránh qua bên kia mà đi. Có thể vì nhiều lý do: vì họ không rõ đây có phải là một “người thân cận” không, hay đây là một người tội lỗi gian ác (x. Huấn ca 12,1-7); vì thầy tư tế sợ bị ô uế nếu đụng đến xác người chết (Dân số 19,11-19; Lêvi 21,1-3); hay vì họ sợ bị dính dáng vào một công việc phức tạp mang lại nhiều rủi ro và đòi hỏi nhiều thời giờ, công sức.
  7. Khi thấy nạn nhân, người Samari không tránh đi như hai người kia, nhưng anh “chạnh lòng thương.” Chính tình thương đã khiến anh dừng lại và bắt đầu làm công tác cấp cứu cho nạn nhân bất chấp người này là ai, và lo liệu mọi chuyện sau đó (Lc 10,33-35). Chính tình thương đã khiến anh hy sinh thời giờ, công sức và tiền bạc, cũng như chấp nhận mọi nguy hiểm rủi ro nếu chẳng may nạn nhân đã chết rồi hay những tên cướp còn lảng vảng đâu đây. Tình thương hay tình yêu là món quà quý anh tặng cho nạn nhân.
  8. Người thông luật hỏi Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Đức Giêsu hỏi ngược lại ông: “Ai là người thân cận với người bị cướp?” (Lc 10,36). Ông đã trả lời đúng: khi ta thương xót ai thì ta biến kẻ đó thành người thân cận với mình. Không phải vì người đó là người thân cận với tôi nên tôi giúp; nhưng vì tôi giúp một người mà người đó thành người thân cận với tôi, và tôi trở thành thân cận với người ấy. Thương yêu bằng những hành động cụ thể là cách làm cho chúng ta có nhiều người thân cận với mình.
  9. Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay có 4 động từ “làm”, nhấn mạnh đến yêu thương bằng hành động cụ thể, ở Lc 10,25.28. Ở Lc 10,37 có thêm hai động từ làm, vì “thực thi” chính là “làm.”

 

 

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây