Tin Mừng Luca 10,38 chỉ nói là Đức Giêsu vào “một làng kia”. Dựa trên Gioan 11,1.18, ta biết làng đó có tên là Bêtania, một ngôi làng rất gần Giêrusalem, cách 15 dặm, khoảng gần 3 km, về phía đông. Có tác giả cho rằng Luca không muốn nói rõ tên ngôi làng ở đây là vì trong cuộc hành trình dài của Đức Giêsu lên Giêrusalem (Lc 9,51 – 19,27), đoạn Tin Mừng này (Lc 10,38-42) nằm ở giai đoạn đầu. Lúc đó hẳn Đức Giêsu còn xa Giêrusalem lắm.
So sánh cách tiếp đãi của hai chị em ở Lc 10,38-42 và ở Ga 11,1-40, ta thấy có đôi nét tương đồng. Trong Gioan, Mácta là người “ra đón” Đức Giêsu, còn Maria thì “ngồi ở nhà” (Ga 11,20.30). Trong Luca, Mácta cũng là người “đón Ngài vào nhà,” còn Maria là người “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời của Ngài” (Lc 10,38-39). Trong Gioan, khi gặp Đức Giêsu, Maria đã “sụp xuống dưới chân của Ngài” (Ga 11,32). Nói chung, cả Luca lẫn Gioan đều cho thấy Mácta là người chị, năng động, đảm đang (Ga 11,20.28), nói chuyện nhiều với Đức Giêsu (Lc 10,40; Ga 11,21-27.39-40). Còn cô em Maria thì ít nói hơn, nhưng tương quan với Đức Giêsu có phần thân thiết sâu lắng hơn (x. Lc 10,39; Ga 11,32-33).
Đức Giêsu đi cùng với các môn đệ của mình, không rõ số người. Ngài đang trên con đường rao giảng Tin Mừng cho các thành phố, làng mạc. Khi cố ý ghé vào làng Bêtania để nghỉ chân, Đức Giêsu biết mình sẽ gặp được một mái nhà với những người thân quen ở đó. Quả thực, chị Mácta, hầu chắc là chủ nhà, đã niềm nở đón Ngài vào nhà (Lc 10,38). Vì Đức Giêsu là vị khách quý đến bất ngờ, nên chị Mácta bị bối rối trước nhiều phận vụ phải làm (pollên diakonian), cụ thể là việc đãi một bữa ăn tươm tất cho nhóm khách (Lc 10,40). Lòng hiếu khách của Mácta là điều không thể chối cãi (x. Lc 10,7-8).
Trong khi cô chị Mácta tất bật với việc đón và đãi khách, thì cô em Maria lại an bình tiếp vị khách quý trong tư thế của người môn đệ: cô ngồi dưới chân của Chúa Giêsu để lắng nghe lời của Ngài (Lc 10,39). Thành ngữ “ngồi dưới chân ai” có nghĩa là làm học trò hay môn đệ của người đó. Phaolô nói mình đã được giáo dục “dưới chân ông Ga-ma-li-ên” (Cv 22,3). Maria ngồi rất gần, dưới chân Thầy Giêsu như một môn đệ, điều này được coi là chuyện lạ vào thời xưa, vì môn đệ thường là nam giới. Maria đã tiếp Chúa bằng việc ngồi gần bên và nghe lời Ngài nói.
Luca 10,40 là một lời phàn nàn của chị Mácta về cô em, khi chị thấy trước mắt quá nhiều việc phải làm mà cô em lại ngồi không. Chị không nói thẳng với em nhưng trách Chúa Giêsu đã không quan tâm đến việc chị phải phục vụ một mình. Chị mong Chúa bảo cô em xuống bếp để phụ giúp chị, vì đó mới đúng là chỗ của cô ấy. Qua lời phàn nàn này, ta thấy tuy chị Mácta là người có lòng quý mến đối với Chúa Giêsu và mong thết đãi Ngài cách xứng đáng, nhưng chị chưa cảm được niềm vui của Chúa khi có người lắng nghe mình. Không phải vất vả để có bữa ăn ngon mới là phục vụ. Ngồi nghe Chúa nói cũng là một cách phục vụ có giá trị cao. Mácta nên chấp nhận cách phục vụ của Maria hơn là bắt cô em phải làm việc như mình.
Cả hai chị em đều quý mến Chúa, nhưng theo những cách khác nhau. Mácta muốn phục vụ Chúa bằng bữa cơm ngon, còn Maria muốn phục vụ Chúa bằng việc ngồi nghe Ngài dạy dỗ, chia sẻ. Một bên năng động hơn, một bên trầm lắng riêng tư hơn. Nhưng trái với Maria, Mácta có vẻ lo lắng và mất bình an.
Câu trả lời của Chúa Giêsu ở Lc 10,41 là một bất ngờ cho chị Mácta. Chúa trách chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá mà quên đi một chuyện cần thiết, đó là phần tốt hơn mà Maria đã chọn. Và Chúa từ chối đưa Maria xuống phụ bếp cho Mácta khi nói: “Phần tốt ấy sẽ không bị lấy đi.” Chúa tôn trọng chọn lựa đúng đắn của Maria.
Có thể có ba “cái nhìn” về cầu nguyện trong bài Tin Mừng này: Cầu nguyện là ngồi nghe Chúa nói; Cầu nguyện là một chuyện duy nhất cần thiết; Cầu nguyện là chọn phần tốt hơn (hay phần tốt nhất).
Bài Tin mừng tuần trước nói về chuyện yêu mến người thân cận được thể hiện qua việc làm cụ thể của người Samari (Lc 10,29-37). Bài Tin Mừng tuần này về chuyện yêu mến Chúa Giêsu được thể hiện qua việc phục vụ tận tụy của Mácta và nhất là qua việc có tương quan thân thiết với Ngài nhờ lắng nghe như Maria. Cả hai bài Tin Mừng không đối nghịch nhưng bổ sung cho nhau.