Thánh ANPHONG Tuổi trẻ trong sáng
Thứ bảy - 15/07/2023 09:52
Thánh ANPHONG
Tuổi trẻ trong sáng
Khi nói đến thánh Anphong Maria Li-gô-ri-ô, chúng ta thường nghĩ rằng sau khi từ bỏ nghề luật sư, dâng kiếm quý tộc cho Đức Mẹ và từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, thì lúc ấy Ngài mới tu tỉnh, tập tành nhân đức và nên thánh thiện. Thật sự không hoàn toàn như vậy. Tiểu sử cho thấy tuổi trẻ của Ngài thật trong sáng, Anphong là một thanh niên có nhiều đức tính nhân văn và đời sống đạo đức đặc biệt giữa những người trẻ thành đạt thời ấy.
1.Gia tộc giàu có
Vương quốc Napoli thời Anphong bằng ¼ nước Ý bây giờ. Dòng họ Li-gô-ri-ô theo đuổi nghề binh đao từ nhiều thế hệ và thuộc hàng quý tộc lâu đời. Cha là Don Giuseppe, mẹ là Donna Anna. Bên ngoại của Anphong có nhiều người đi tu và nhập hàng giáo sĩ. Ông bà sinh lần lượt 8 người con, 4 trai 4 gái mà Anphong là anh cả. Một đứa con trai để nối dõi và nối nghiệp là điều thoả mãn cho gia đình. Bố Anphong giữ đạo chân thành, nhưng vẫn chú trọng tìm danh lợi như những người quý tộc. Ông thường vắng nhà vì lo công việc làm ăn, việc nhà và giáo dục con cái do bà mẹ.
2.Phúc đức tại mẫu
Mẹ Anphong là Donna Anna rất ý thức bổn phận làm mẹ, không để ai khác dạy dỗ con cái về bổn phận của người tin Chúa. Mỗi sáng, bà chúc lành cho con cái, và thúc giục chúng sốt sắng cầu nguyện với Chúa; mỗi tối, bà tập họp con cái và dạy giáo lý sơ đẳng cho chúng, cùng con cái lần hạt Mân côi, đọc kinh cầu các thánh. Bà cẩn thận không cho con cái đi chơi với bạn bè đồng lứa. Mỗi tuần, bà hướng dẫn chúng theo bà đến nhà thờ. Bà xưng tội hàng tuần với cha linh hướng của mình.
Anphong, sau này làm giám mục, đã tiết lộ về mẹ của mình: “Mọi điều tốt lành mà tôi đã làm được, hoặc tôi đã không làm điều gì càn dở, đó là nhờ mẹ tôi”. Bà là một phụ nữ chuyên chăm cầu nguyện, nhân hậu với người nghèo khó, nghiêm khắc với chính mình: đeo xiềng xích, ăn chay, đánh tội. Bà không đi đến rạp hát hay ngồi tán gẫu với bạn bè. Bà luôn ở nhà, suy niệm về Chúa và sống nội tâm. Bà chăm lo giáo dục con cái và chu toàn bổn phận làm vợ. Bà đọc các giờ kinh phụng vụ mỗi này như một nữ tu. Anphong có một người mẹ thật tuyệt vời. Chính từ lòng người mẹ mà Anphong đã thấm nhiễm vào da thịt ngọn lửa yêu mến nồng cháy đối với Đức Giê-su Ki-tô, và lòng tin tưởng con thảo với Đức Trinh nữ Ma-ri-a. Mẹ của Anphong đã nói về con của mình: “Một tâm hồn dễ dạy, một trí óc chân thành, đúng là một đám đất tốt để gieo mầm Thiên Chúa. Trên hết tất cả, đứa bé thích cầu nguyện… Khi đến giờ làm một việc sùng kính nào dâng Đức Mẹ, khỏi cần phải gọi nó. Nó không bao giờ bỏ các việc đạo đức mà nó đã quyết định” (Tannoia).
3.Khiêm tốn và đơn giản
Ông bố Giuseppe đặt tham vọng đặc biệt vào Anphong, quyết tâm phải làm cho đứa con trở nên niềm hãnh diện của gia đình và dòng họ. Mọi điều kiện giáo dục tốt nhất được sắp xếp để Anphong phát triển các năng khiếu, thâu nhận kiến thức và trở thành nhân tài. Học ở trường chưa đủ, còn có thầy dạy riêng ở nhà. Các môn học đầy đủ: ngữ pháp, văn chương, thi phú, tiếng la tinh, Tây ban nha và tiếng Ý, Pháp văn, toán, triết lý, vũ trụ học, hôi hoạ, kiến trúc, âm nhạc. Các thầy dạy đều nhất trí nể phục sự thông minh tuyệt vời và ý chí học tập của Anphong.
Năm năm miệt mài nghiền ngẫm bộ luật dân sự La mã, bộ Corpus Juris Civilis, cọng thêm bộ luật Giáo hội, bộ Corpus Juris Canonici. Dầu vậy, Anphong không bỏ lễ ngày nào và chàng vẫn ao ước dâng hiến tất cả cho Mẹ Maria. Cậu xem như một cực hình khi phải theo gia đình đi đến chốn ăn chơi đài các của các nhà quý tộc. Ngược lại, anh thích gặp gỡ những tâm hồn bình dân và giữ lòng khiêm tốn. Không bao giờ ký tên vào các bức hoạ nổi tiếng của mình. Ngoài ra, Anphong còn là bậc thầy về âm nhạc của Ý thời đó.
4.Trí thông minh tuyệt vời
Mới 16 tuổi, Anphong đã trở thành một nhà trí thức thông hiểu nhiều vấn đề đạo đời. Anphong đã vượt qua những thử thách và sau buổi trình bày luận án, toàn ban giám khảo đồng thanh tuyên bố cậu được đăng quang Tiến sĩ về cả luật đời luật đạo (in utroque Jure), với lời phê tối ưu “summo cum honore maximisque laudibus et admiratione” (danh dự tột đỉnh, với những lời khen ngợi và thán phục cao nhất). Cả Napoli chấn động khi thấy chàng trai trẻ còn non choẹt trong phẩm phục trạng sư, bước lên toà nhà pháp lý để theo dõi các vụ kiện lớn của cả nước. Anphong có quyền tham dự vào Thượng Hội Đồng tối cao “Sacro Real Consiglio di Sancta Chiara” (Giống Tối Cao Pháp Viện).
Mặc dầu tuổi còn trẻ, Anphong là một vị trạng sư xuất chúng về mọi mặt: kiến thức rộng, trí tuệ sáng suốt, trình bày các vấn đề khúc chiết. Từ năm 1725 đến 1723, Anphong chưa thua vụ kiện nào.
5.Lương tâm nghề nghiệp
Trong nghề nghiệp, Anphong thanh liêm tuyệt đối, rất ghét cãi cọ, từ khước mọi vụ việc mờ ám, không dùng tài hùng biện, mưu kế hay thủ đoạn, nhưng chan hoà nhân ái và vô vị lợi, dùng những lý chứng chính xác để thuyết phục quan toà lẫn địch thủ. Anphong đã đề ra cho mình 12 điều phải ghi nhớ khi hành nghề:
1/Không bao giờ bênh vực cho một thứ bất công nào, khiến đánh mất lương tâm và thanh danh.
2/Không dùng đến mánh lới phi pháp hoặc bất công để biện hộ, dầu là thân chủ bị hàm oan.
3/Không đòi thù lao quá mức, hoặc bày vẽ thêm; nếu không luật sư phải hoàn lại.
4/Coi quyền lợi của thân chủ như quyền lợi của mình.
5/Nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ để có lập luận chắc chắn.
6/Phải đền bù cho thân chủ nếu vì lơ là, cẩu thả gây thiệt hại cho thân chủ.
7/Luật sư phải cầu xin Thiên Chúa bênh vực và che chở công lý.
8/Nếu ôm đồm nhiều vụ kiện quá sức mình, biện hộ không đến nơi đến chốn, là làm điều sai quấy.
9/Công bằng và thanh liêm là bạn đồng hành không thể rời xa người luật sư.
10/Luật sư cẩu thả để thua kiện, phải bù lại mọi tổn thất cho thân chủ.
11/Khi bào chữa phải nói điều có thật, không được giấu giếm sự thật, phải tôn trọng địch thủ.
12/Đức tính luật sư cần có: chuyên cần, chân thật, trung tín và công bằng.
Một luật sư kỳ cựu và nổi tiếng tên là Baldassare Cito, chủ tịch của “Sacro Real Consiglio” đã phát biểu về luật sư Anphong: “Ngài thập toàn. Không có một cử chỉ, một thái độ, một tiếng nói nào đáng trách cả. Nếu tôi nói ngược lại là lộng ngôn, dám xúc phạm đến một đấng thánh”.
Những điều trên cho thấy Anphong là một giáo dân trẻ, nhưng rất có lương tâm nghề nghiêp, công bằng nhưng cũng bác ái.
6.Buông bỏ duyên tình
Cô Têrêxa là con gái của Don Francesco de Liguori và Donna Virginia Raitano. Cả hai đều thuộc hoàng tộc, thừa tự nhiều tài sản lớn, lại có họ xa với cha của Anphong là Don Giuseppe. Hai bên quyết định làm đám cưới cho đôi trẻ. Nhưng Anphong một mực từ chối. Anphong đã gợi ý cho Têrêxa chọn con đường dâng hiến và Têrêxa de Liguori dâng mình vào dòng kín lúc 15 tuổi, sau khi đã làm giấy khước từ tài sản thừa kế và nhượng lại cho cậu em là Cesare.
Ông Giuseppe rất thất vọng trước quyết định này nhưng không đầu hàng. Ông lại tìm cho Anphong một mối khác. Nhưng Anphong đã tìm mọi cách để từ chối khéo. Chính Anphong kể lại : « Lần kia, môt cô ca sĩ đến sát bên chiếc đàn clavecin tôi đang biểu diễn, áp mặt cô sát vào mặt tôi. Tôi quay ngoắt sang bên kia. Nàng chạy sang bên kia. Tôi lại quay sang bên này, và cứ rượt đuổi nhau như vậy. Cuối cùng nàng tức tối, nhạo báng tôi : cái anh Paglietta này (lọ nồi), bộ anh mắc phải bùa chắc ! », rồi cô bỏ đi.
Anphong có lần nói với cha linh hồn Villani va Di Costanzo: « Bố con dẫn con tới, các cô đến cầu hôn con xem cũng xinh đẹp lắm; nhưng nhờ ơn Chúa, con chẳng bao giờ phạm một tội nhẹ ». Anphong rất để ý đến tội lỗi đức khiết tịnh và chàng tìm mọi cách để gìn giữ. Khi đi ngủ, Anphong đút hai tay vào một cái túi cạc tông, phòng tránh những cử chỉ làm hoen ố sự khiết tịnh. Trong bài nhập đề cuốn ‘Viếng Mình Thánh Chúa’, Anphong thú nhận : « Hãy tin tôi đi : ở đó tất cả đều là cuồng loạn, tiệc tùng, rạp hát, phòng trà, chơi giỡn, do của cải mà thế gian ban cho. Nhưng cũng toàn là gai góc và cay đắng. Hãy tin một kẻ đã từng trải các việc đó để khỏi phải than khóc ».
Đêm Phục sinh 4 tháng tư năm 1722, Anphong nói lời vĩnh biệt cuối cùng với thế gian và các vui thú của nó, kể cả rạp hát với tiếng nhạc trầm bổng du dương. Dưới chân thập tự giá, chàng thanh niên 26 tuổi thề hứa sống độc thân, cốt để yêu mến một mình Thiên Chúa, chỉ còn lui tới với những kẻ tật nguyền và Chúa Thánh Thể. « Hỡi thế gian, ngươi có thể hiến ban cho ta tất cả, nhưng tất cả đều vô tích sự… Hỡi thế gian cuồng say điên đảo, hỡi những lạc thú tội lỗi, các ngươi sẽ không chiếm đoạt được trái tim ta: đã có một của cải khác ràng buộc nó mất rồi ».
Sau tuần thánh năm 1723, Anphong nhường quyền trưởng nam lại cho em út là Ercole. Sau vụ kiện tiếng tăm Amatrice mà chàng thất bại do mưu gian của bên bị, Anphong rời bỏ pháp đình, quỳ trước tượng đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, rút gươm quý tộc đặt dưới chân Đức Mẹ (29/8/1973) và dứt khoát quay về với Chúa.
Với tuổi trẻ trong sáng như thế Anphong đã dâng hiến trọn cả cuộc đời để phụng sự Chúa và Giáo hội. Ngài đã để lại tài sản quý giá là kho kiến thức về thần học, luân lý và giáo luật, đặc biệt những người con ưu tú Dòng Chúa Cứu Thế.
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
(tháng 7/23).
Th.Rey-Mermet, Le Saint du siècle de Lumière, Saint Alfonse de Liguori.
Một loại đan cổ của Ý, gần giống đàn Piano.
Sau này vụ án Amatrice được xét xử lại, và toà tuyên bố lập luận của Anphong là chính xác và thắng cuộc. Trước đó vụ xử đã bị thế lực chi phối, dùng mưu gian.