Chân dung Chúa Giêsu. Rembrandt. 1640. Gemäldegalerie Berlin.
“Napoléon Bonaparte, hoàng đế của nước Pháp và là một trong những thiên tài quân sự vĩ đại nhất từng sống, kết luận rằng Chúa Giêsu không phải là một con người đơn thuần. Có lần Napoléon đang thảo luận với các cố vấn đáng tin cậy nhất về các vị hoàng đế khác nhau và đế chế của họ thì tên Chúa Giêsu chợt xuất hiện. Trước sự ngạc nhiên của các tướng lĩnh, Napoléon thốt lên:
Tôi biết người trần; và tôi nói với bạn rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là người trần. Những trí óc non nớt nhìn thấy sự tương đồng giữa Chúa Kitô và những người sáng lập ra đế chế, cũng như các vị thần của các tôn giáo khác. Sự tương đồng đó không tồn tại…. Mọi thứ trong Chúa Kitô khiến tôi kinh ngạc. Thần khí của Ngài bao trùm tôi, và ý muốn của Ngài khiến tôi bối rối. Giữa Ngài và bất cứ ai khác trên thế gian, không thể có một thuật ngữ nào có thể so sánh được. Ngài thực sự là một hữu thể của chính Ngài. Ý tưởng và tình cảm của Ngài, sự thật mà Ngài công bố, cách ngài thuyết phục, không thể giải thích được bởi con người hay bản chất của sự việc… Tôi càng tiếp cận, tôi càng xem xét kỹ lưỡng hơn, mọi thứ đều vượt trên tôi — mọi thứ vẫn vĩ đại nhưng là thứ vĩ đại chế ngự tất cả… Người ta tuyệt không thể tìm thấy nơi nào khác, ngoài một mình Ngài, sự bắt chước hay gương mẫu về cuộc đời của Ngài… Tôi tìm kiếm trong lịch sử một điều tương tự như Chúa Giêsu Kitô, nhưng vô vọng … Chẳng lịch sử hay nhân loại, chẳng thời đại hay thiên nhiên nào có thể cung cấp cho tôi điều gì có thể sánh ví hoặc giải thích được với điều này. Mọi thứ ở đây đều phi thường”.[1]
Sự phi thường của Chúa Giêsu mà hoàng đế Napoléon chân nhận lại mang nét hiền lành và khiêm nhường vô cùng, như chính Chúa đã nói và mời gọi:
“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).
Đọc lời trên của Chúa Giêu, bạn cảm thấy như thế nào?
Có thể nói đó là một trong những lời của Chúa Giêsu nói trong các Tin Mừng được mọi người đón nhận nhiều nhất.
Lời đó như là một “gạch nối” kết hiệp Chúa Giêsu với mỗi người trong chúng ta.
Lời đó là một lời mời của Chúa dành cho mỗi chúng ta, lời mời ta là học trò nhỏ, đơn sơ chạy đến với Chúa và mở lòng, để Chúa hướng dẫn ta trở nên giống Chúa qua hai nét thật đẹp trên dung mạo của Chúa: Hiền lành và khiêm nhường.
Nhưng bài học hiền lành và khiêm nhường giống Chúa khó như thế nào?
Cái khó sẽ trở nên “mềm” hơn, khi chúng ta thật sự dành thời gian và để tâm trí hướng về Chúa Giêsu và chiêm ngắm hai nét thật đẹp này trong cuộc sống của Chúa ở dương thế. Vì thế, xin mời bạn cùng tôi chiêm ngắm chân dung hiền lành và khiêm nhường của Chúa qua những trang Tin Mừng.
Hiền lành và khiêm nhường, hai nét đẹp tỏa sáng từ dung mạo của Chúa Giêsu.
Nét hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu trải dài trong cuộc sống dương thế của Chúa. Các Phúc Âm đều diễn tả về điều này. Thánh Mátthêu đã dựa vào tiên tri Isaia (42,2-3), để diễn tả một cách sống động về hình ảnh Người Tôi Trung hiền lành và khiêm nhường: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,18-20). Là Người Tôi Trung, Chúa Giêsu đã đón nhận một sứ mạng lớn lao. Sứ mạng này Ngài thực hiện với tinh thần hiền lành và khiêm nhường.
Đọc lại toàn bộ Bài Giảng Trên Núi trong Phúc Âm thánh Mát-thêu, những gì Chúa Giêsu loan báo và mời gọi, đều mang tinh thần hiền lành và khiêm nhường. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,21-26). Không giết người, không giận hờn, không mắng chửi người khác, và luôn sống tinh thần tha thứ. Tất cả những điều Chúa nói đều thuộc về bản chất của người hiền lành và khiêm nhường.
Không chỉ dừng nơi đó, Chúa Giêsu còn chỉ ra cách thức ứng xử cần thiết đối với kẻ thù: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42). Không chống cự người ác, không ứng xử theo kiểu đời “mắt đền mắt, răng đền răng”, ngược lại luôn nhường nhịn và đôi khi cần hy sinh, dù cho phải bị thiệt thòi. Đó chính là tinh thần hiền lành của Chúa.
Chúa còn đi xa hơn nữa, khi Ngài nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù. Một tinh thần trái ngược với cuộc đời luôn cố gắng để trả đũa, luôn tìm cách để trả thù cho hả giận.
Chỉ đọc lại một số điều đó, chúng ta đã thấy tinh thần hiền lành mà Chúa mời gọi thật là một thách đố lớn. Chắc chắn, thật khó để thực hiện. Với sức con người, có lẽ chúng ta không bao giờ có thể sống trọn vẹn tinh thần hiền lành và khiêm nhường. Tuy nhiên, chúng ta có Chúa đã đi trước chúng ta. Tất cả những gì Ngài giảng dạy đều được Ngài thực hiện trong cuộc sống.
Lời giảng và đời sống của Đấng Hiền Lành không bao giờ mâu thuẫn với nhau. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên đường thương khó và ngắm nhìn Ngài bị đóng đinh trên Thánh Giá, chúng ta thấy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường đâu chống cự lại sự bắt bớ, đâu tìm vũ lực để trả đũa bạo lực. Chúa đã nói rõ ràng với người môn đệ đã dùng gươm để chống cự lại nhóm người đi bắt Chúa: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,51).
Khi bị kết án một cách bất công, Chúa đâu có biện minh và bào chữa. Người im lặng trước những lời kết án bất nhân, sự im lặng của con chiên hiền lành bị đem đi giết. Đọc lại cuộc thương khó của Chúa trong các Phúc Âm, chúng ta thấy rằng, Chúa rất ít khi nói. Đúng hơn, Ngài chỉ nói những gì cần nói. Thật vậy, sự im lặng là một trong những nét đặc biệt trong cuộc thương khó của Chúa.
Trong bối cảnh Chúa chịu đóng đinh đau đớn trên Thánh Giá, các thánh sử đã thuật lại bảy di ngôn của Chúa. Di ngôn đầu tiên được Lu-ca nhắc tới: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm” (Lc 23,34). Chúa nói lời này trong bối cảnh quân lính dẫn Chúa Giêsu tới Đồi Sọ, và chúng đóng đinh Ngài vào Thánh Giá. Với Ngài cũng có hai tên gian phi cùng bị đóng đinh, một tên bên trái và một tên bên phải (x.Lc 23,33-34). Chúa Giêsu chẳng có tội tình gì, lại bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, hai tội nhân bị kết án tử. Điều này diễn tả về sự nhục nhã hết sức mà Chúa Giêsu phải chịu, nhưng đó là số phận của Người Tôi Trung “đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12).
Nếu chúng ta lắng nghe cả bài thương khó của Luca, sẽ thấy Chúa đã nhắc lại sấm ngôn này cho các môn đệ, khi ở trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ôliu: “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Thánh Kinh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất” (Lc 22,37).
Chúa Giêsu bị liệt vào hàng phạm pháp. Nhưng tội gì? Không ai tìm thấy tội tình gì nơi Ngài để kết án được. Là nạn nhân của sự thù hằn của những người có thế giá trong xã hội và tôn giáo thời đó, Chúa đã bị đẩy vào mảnh đất đầy sỉ nhục và phải đón nhận án tử từ đám đông dân chúng, với sự hậu thuẫn và xúi giục của nhóm người có thế giá. Một mạng lưới bất nhân đã được dệt lên, để bắt cho được kẻ thù không đội trời chung, dù kẻ thù đó là một người vô tội, hiền lành, khiêm nhường và tốt lành. Theo lẽ thường tình, Con Người hiền lành này cần được trân trọng và yêu quý, nhưng thực tế trên đồi sọ hoàn toàn khác hẳn.
Thập giá trên đồi sọ, Chúa Giêsu bị đóng đinh treo lơ lửng trên đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương của nhân loại. Là Đấng hiền lành và khiêm nhường, Ngài sẵn sàng đón nhận tất cả. Sự đón nhận của tình yêu và lời xin vâng. Vâng theo ý Cha một cách triệt để, đến nỗi bằng lòng chết đi và chết trên cây thập tự. Cái chết trên cây thập tự là một cái chết nhục nhã, chỉ dành cho những kẻ gây ra tội ác. Cái chết đó không ai muốn chọn cả. Còn Chúa, dù biết là đau đớn, nhục nhã và bất công, nhưng Chúa vẫn không chạy chốn thập giá trên đồi cao kia. Chân tay Ngài sẵn sàng dang ra, để người ta đóng đinh Ngài trên thập giá, thập giá đứng sừng sững trên đồi cao. Trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường lên tiếng: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm. Đó là lời cầu nguyện của Ngài tương hợp hoàn toàn với lời Ngài dạy dỗ hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện của Chúa xin Cha trên trời tha thứ cho những kẻ ngược đãi Chúa, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ. Đó chính là lôgic của Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng đang sống tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Lôgic này ngược hẳn với tất cả mọi lôgic của cuộc đời. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của loài người. May thay!
Một lời khác của Chúa Giêsu trên Thánh Giá cũng nêu bật được tinh thần hiền lành và khiêm nhường của Ngài. “Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng” (Lc 23,43).
Lời này nằm trong mạch văn nói về hai người gian phi cùng bị đóng đinh với Chúa, một trong hai người truyền thống gọi là latro poenitens – kẻ trộm ăn năn, và người Công Giáo còn gọi là người trộm lành (x.Lc 23,39-43). Trong bối cảnh đó, người tử tội bên trái đã lên tiếng sỉ nhục và thách thức Chúa: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23,39).
Còn người tử tội thứ hai là người trộm lành có thái độ hoàn toàn khác. Trước hết anh ta lên tiếng mắng người trộm ở bên trái kia: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23,40-41). Sau đó, với tâm tình kính sợ Thiên Chúa, cùng lòng thống hối ăn năn, anh trộm lành đã xin Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Ở đây, chúng ta có thể hỏi tại sao người trộm lành lại nhắc đến Nước hay Vương Quốc của Ngài? Phải chăng anh ta thốt lên như vậy, bởi vì anh ta tin vào cái bảng mà người ta treo trên Thập giá của Chúa Giêsu: “Đây là Vua người Do Thái” (Lc 23,38).
Những hàng chữ đó với các người bắt bớ Chúa là bản án dành cho Chúa mang đầy tính giễu cợt và sỉ nhục, nhưng với người trộm lành có đôi mắt sáng, tấm bảng đó diễn tả một sự thật mà con người có nhận ra hay không, thì sự thật vẫn thế. Sự thật nêu bật quyền Vương Đế của Chúa Giêsu, vị Vua trên hết các Vua, vị Vua hiền lành và khiêm nhường trong lòng. “Rõ ràng người trộm lành tại cây thập giá đã nhận ra rằng, người bất lực kia là Vua thật, vị Vua mà dân Ítraen đang trông đợi, và ở kế bên anh Ngài không chỉ đứng trên thập giá, mà Ngài còn đứng trong vinh quang nữa”.
Thật vậy, con người có muốn giễu cợt hay con người muốn công nhận sự thật về Vương Đế của Chúa Giêsu, thì lời của con người không bao giờ vượt trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Cuộc chơi con người đưa ra luôn nằm ở trong vũ trụ và sự kiểm soát của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường, là Vua người Do Thái, những hàng chữ này đã được chính con người, dù với dụng ý xấu xa, công bố cách công khai trên thập giá, để tất cả mọi người đều thấy. Thật tuyệt vời! “Chúa Giêsu đã được nâng cao. Thánh Giá là ngôi Vua của Chúa, và từ ngôi Vua là Thánh Giá đó, Chúa kéo thế giới lại với Ngài. Từ nơi này, nơi mà Ngài tự hiến dâng chính mình, từ nơi này, nơi tình yêu thực sự của Thiên Chúa hiện diện, Chúa đang trị vì như vị Vua đích thật. Ngài trị vì theo cách thức của Ngài, cách thức đó Philatô và những nhân vật thế giá trong Thượng Hội Đồng không thể hiểu được”.
Đó là cách thức của vị Vua hiền lành, khiêm nhường và tràn đầy tình yêu. Ngài sẵn sàng mở lời với những người trông cậy vào Ngài: “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng”. Câu trả lời của Chúa vượt xa điều anh trộm lành cầu xin. Lời của Chúa nói với người trộm lành mở cho anh một cuộc sống mới, cuộc sống ở cùng Chúa. Đó là một hồng ân rất tuyệt vời. Từ thân phận bất xứng của kẻ tội lỗi, anh được Chúa hiền lành tha thứ và dọn cho anh một chỗ ở bên Ngài. Tâm tình này liên hệ đến hình ảnh của người Mục Tử nhân lành trong Thánh Kinh, và đặc biệt nơi Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường, Ngài mở ra cho các Kitô hữu, trong đó có bạn và tôi một con đường tình yêu.
Con đường sống trong tình yêu của người Kitô hữu là con đường được Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường yêu thương ấp ủ, chính Ngài khi đã tìm lại chiên lạc lối, thì sẽ đưa chiên của Ngài đến một nơi thật tuyệt vời, với đồng cỏ xanh tươi, với dòng nước trong lành, để bồi bổ và để tận hưởng niềm vui của tình yêu, niềm vui của niềm tin vào Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhường và là Mục Tử nhân hậu, như Thánh Vịnh gia diễn tả:
“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23,2-3a).
Được Chúa hiền lành cho nằm nghỉ êm ấm trên đồng cỏ xanh, và được Ngài cho uống dòng nước trong lành, thì còn gì tuyệt vời hơn. Nơi đó chính là mảnh đất hứa, nơi đó con cái Chúa được lòng nhân hậu và tình thương của Ngài ấp ủ, nơi đó con cái Chúa tận hưởng tình yêu được ở trong nhà Cha, ở trong đền Ngài mãi mãi. Đó chính là hạnh phúc mà Thánh Vịnh gia nhận ra, và kể lại cho mọi người kinh nghiệm về hạnh phúc được ở cùng Chúa:
“Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23,6).
Cả một cuộc đời được tình thương Chúa ấp ủ. Ngày tháng năm dài được sống trong đền Chúa. Đó là hạnh phúc thiên đàng mà có lẽ ai ai cũng ao ước. Dù cuộc đời hôm nay có rao bán nhiều thứ hạnh phúc khác nhau, hạnh phúc hưởng thụ vật chất với một đời sống tiện nghi sung túc, hưởng thụ thoả mãn những lạc thú của cuộc đời, hạnh phúc đạt được những danh vọng và quyền lực đưa con người lên đỉnh cao, trở thành trung tâm điểm của cuộc sống, thì những thứ hạnh phúc đó không bao giờ tồn tại vĩnh viễn được. Những thứ hạnh phúc đó mỏng manh như phận người mỏng dòn, những hạnh phúc đó mau chóng tàn phai như đời người có thể sáng nở tươi nhưng tối tàn phai mà chẳng ngờ được. Những thứ hạnh phúc con người tự tạo nên đều giới hạn như đời người nhiều lắm là 100 cái xuân xanh.
Cuối cùng, chỉ có hạnh phúc được ở cùng Chúa, được sống trong vòng tay ấp ủ của Người Mục Tử nhân hậu, được ở kề bên lòng Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhường, mới tồn tại vĩnh viễn. Và không có sức mạnh nào, kể cả cái chết có thể lấy mất đi hạnh phúc đó. Vì thế, người trộm lành được diễm phúc đón nhận hạnh phúc cao quý này, đó là hồng ân tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện mà Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường, đã ban tặng cho anh. Hiệp với người trộm lành hạnh phúc, chúng ta có thể mượn lời của Thánh Vịnh gia thốt lên rằng:
“Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa,
chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời” (Tv 73,28).
Ở với Chúa, ở kề bên Chúa và được ở trong Thiên Đàng với Chúa, đó là hạnh phúc tuyệt đỉnh mà Đấng hiền lành khiêm nhường và đầy lòng nhân hậu tặng ban. Lời của Chúa Giêsu nói với anh trộm lành xa lạ thật là đẹp biết bao. Đó là sứ điệp hiền lành, nhân hậu và tràn đầy ơn cứu rỗi của Ngài muốn gởi tới tất cả những ai, dù quá khứ của họ thế nào, nếu họ biết khiêm tốn, ăn năn và hướng về Chúa để cầu xin, thì đều được Chúa đón nhận. Và để khám phá sâu hơn về tinh thần hiền lành khiêm nhường và nhân hậu của Chúa, chúng ta lật tiếp các trang Tin Mừng.
Trong các trang Tin Mừng, chúng ta nhận ra được tinh thần hiền lành, lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Giê-ru rất rõ nét, như trong những cuộc gặp gỡ của Ngài với những người tội lỗi. Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành mà Lu-ca nhắc đến là một điển hình (x.Lc 7,36-50). Một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt giữa lòng nhân từ hay tha thứ của Chúa với thân phận tội lỗi, nhưng chất chứa lòng ăn năn sâu thẳm của người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ khác là giữa Đức Kitô và người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gio-an diễn tả thật đặc sắc (x.Ga 8,2-11). Người ta đưa một phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình đến với Chúa, để gài bẫy Ngài, bằng cách bắt Ngài phải kết án tử chị ta. Phần tiếp của câu chuyện, mọi người Kitô hữu đều biết. Có một nét thật đặc biệt: Người lớn tuổi nhất phải bỏ đi sớm nhất, khi Chúa nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng, câu chuyện có một lời kết rất tuyệt vời của Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường, nói với người phụ nữ tội lỗi: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Với tinh thần hiền lành khiêm nhường và lòng nhân từ, Chúa Giêsu đã lên tiếng tha thứ và đem lại sức sống mới cho một phận người tội lỗi. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc.
Khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng hiền lành khiêm nhường và đầy nhân hậu trải dài trong các trang Tin Mừng. Mỗi lời Ngài nói, mỗi việc Ngài làm, và mỗi cuộc gặp gỡ với người khác đều nêu bật tinh thần nhân hậu, hiền lành và khiêm nhường và phục vụ trong yêu thương của Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi nhìn Chúa Giêsu chúng ta thấy Chúa đã chọn con đường khiêm hạ và phục vụ. Đúng ra, chính bản thân Chúa là con đường ấy… Con đường của Chúa là con đường bác ái. Vì thế chúng ta thấy bác ái không phải chỉ là ban cấp sự giúp đỡ, nhưng là sự chọn lựa một lối sống; là con đường khiêm hạ và liên đới. Sự khiêm hạ của Chúa Ki-tô không phải là để dạy đời, không phải là một tình cảm, nhưng đó là điều chân thực: Chúa muốn trở nên bé nhỏ, ở với những người hèn mọn, với những người bị loại trừ, ở với chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng chúng ta cần để ý, đây không phải là một ý thức hệ! Nhưng là một lối hiện hữu và sống, đi từ tình yêu, từ trái tim của Thiên Chúa Cha… Nhưng nhìn ngắm Chúa mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải theo Chúa nữa. Và đó là khía cạnh thứ hai. Chúa Giêsu không đến để trình diễn cho người ta thấy. Chúa Giêsu là đường và con đường là để bước theo”.
Bước theo Ngài để học hỏi, để sống với Ngài và như Ngài là Đấng hiền lành và khiêm nhường: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Vậy chúng ta nên học hai điều này nơi Chúa Giêsu như thế nào?
Tinh thần hiền lành khiêm nhường và phục vụ trong yêu thương của Chúa là một bài học cần thiết cho đời sống Đức Tin và thiêng liêng. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi bài học này có khó không? Tôi xin thành thật: Nếu chỉ với sức người thì không chỉ khó, mà không thể thực hiện được. Nhưng nếu được Chúa hướng dẫn và ban ơn, bạn và tôi có thể đón nhận và sống động được bài học này trên hành trình cuộc sống cách cụ thể, như một vài nét chấm phá sau:
Xin Chúa soi sáng hướng dẫn. Để bắt đầu đón nhận bài học và tập sống lời mời gọi của Chúa, chúng ta khiêm tốn cầu xin Chúa Giêsu soi sáng hướng dẫn từng bước chân chúng ta. Thánh John Henry Newman cũng có lời cầu nguyện thật đẹp với tất cả sự thành thật của trái tim ngài nói với trái tim Chúa:
“Lạy Chúa, trước đây con đã không luôn ý thức cầu xin Chúa,
giờ đây con ý thức và con xin Chúa:
Xin hãy dẫn bước con!
Trước đây con thường hay xem xét đường đi và
chọn đường nào mà con thích.
Nhưng giờ đây lạy Chúa,
xin hãy dẫn bước con!”
Được Chúa bước vào đường đời, được Chúa soi sáng các giao động cuộc sống là từng công việc, từng cuộc gặp gỡ và mọi hoạt động. Đó là phúc lành thật lớn.
Phúc lành Chúa ban càng lớn, lòng người lại càng nên khiêm nhường và hiền lành tựa nương vào Chúa.
Chúa chính là điểm tựa. Chân nhận đời người nhiều thử thách và phận người mong manh yếu đuối, nên ta tìm đến Chúa là điểm tựa, ta tựa vào Chúa và xin Chúa đừng để chúng ta bị trượt ngã trong những lúc gặp thử thách và cám dỗ, đặc biệt cám dỗ kiêu ngạo tự cho mình là mạnh mẽ và chỉ cậy dựa vào sức mình.
Xin Chúa giúp chúng ta trở nên hiền lành, bằng cách chúng ta luôn giữ vững niềm tin tưởng rằng, chúng ta luôn được ẩn náu trong cung lòng của Chúa, luôn được tựa vào điểm tựa vững chắc nhất là chính Chúa, ngay cả những lúc thê thảm nhất của cuộc đời. Chúng ta được phép tín thác hoàn toàn vào lòng lân tuất yêu thương vô bờ của Đức Kitô.
Im lặng và nhường nhịn. Kết hiệp với Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, trong những cuộc họp, đối thoại hay tranh luận chúng ta không luôn luôn muốn mình là người có tiếng nói, và nói cả lời cuối cùng để kết thúc cuộc họp, đối thoại hay tranh luận. Chúng ta cần tập chấp nhận người khác điều khiển buổi họp và tiếng nói của họ là tiếng nói cuối cùng. Chúng ta có thể học im lặng trong một điểm nào đó, và thực sự khiêm nhường cũng như nhường quyền điều khiển cho người khác. Chúng ta sẽ chẳng mất gì, nếu anh chị em thắng cuộc.
Xấu xa không thể trả bằng xấu xa. Ở đây, không chỉ là những hành động xấu xa bạo lực làm tổn hại thân xác, mà còn cả những sự xấu xa nhỏ nhoi khác mà chúng ta cũng hay gặp phải. Nhiều khi chúng ta tức giận chỉ vì một lời nói, một thái độ nhỏ làm tổn thương, hay một sự nghi ngờ của người khác. Và rồi, chúng ta cứ đeo bám những cái nhỏ nhoi đó, dù rằng đôi khi chúng chẳng muốn bám theo đuôi chúng ta. Với thời gian chúng ta đau khổ, vì chúng ta để những thứ đó ảnh hưởng trên bản thân và tâm hồn. Và chúng ta chỉ muốn đỡ đau bằng cách trả thù lại. Hành động này thật là tổn hại cho sức khỏe tinh thần và thân xác. Nó cũng không tương hợp với tinh thần hiền lành của Kitô giáo. Nó làm cho tâm hồn chúng ta bị đau đớn, làm cho tinh thần chúng ta ra nặng nề. Trong đầu chúng ta những tư tưởng tiêu cực chế ngự, và cản trở chúng ta trong việc cầu nguyện. Như vậy, những tiêu cực nhỏ nhoi này, cũng như ảnh hưởng xấu của chúng đang làm chủ chúng ta, chúng đem lại nhiều chướng ngại vật trong tương quan của chúng ta với Chúa và với người khác.
Ôn hòa không chấp cứ. Cần chú ý thanh thoát hơn, ôn hòa hơn và hiền lành hơn. Đừng chấp cứ những chuyện nhỏ nhoi, đừng để những hành động, lời nói hay điều gièm pha tiêu cực của người khác ảnh hưởng trên chúng ta. Mạnh hơn nữa, chúng ta đừng để cho người khác có quyền trên mình. Chúng ta thử suy nghĩ coi, khi họ nói hay làm những hành động xấu xong, sau đó họ đi mất. Còn chúng ta ở lại một mình ôm ấp một nỗi đau, nỗi đau triền miên làm mất đi niềm vui sống. Mà đau như vậy đâu có đáng gì. Chỉ có một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng có quyền trên chúng ta.
Chú tâm đến người nhỏ bé, bất hạnh và đau yếu. Với Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, chúng ta tập luôn chú ý đến người nhỏ bé, bất hạnh và yếu đuối. Đó là những cụ già không còn sức lực để tự lo cho mình; những anh chị em vì bất cứ lý do nào đó bị mất thăng bằng về tâm lý và sống cô đơn, sợ hãi trong xã hội; những anh chị em mà cuộc đời gọi là “mát” và “điên”; những anh chị em và đặc biệt các em bé bị bỏ rơi hay tệ hơn nữa bị rao bán giữa chợ đời; những trẻ vị thành niên bị lạm dụng về sức lao động hay thê thảm hơn về lạm dụng về tình dục.
Tránh thói cao ngạo cậy vào sức mạnh bản thân, ngược lại luôn cậy vào Chúa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống tinh thần hiền lành, nghĩa là chúng ta hiền nhưng không ngồi lì một chỗ, mà ngược lại hiền lành để sống tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Trong tinh thần đó, chúng ta không bao giờ chỉ cậy dựa vào sức mình. Cần phải tin tưởng vào Chúa Giêsu, người mục tử hiền lành nhân hậu đã đi theo những con chiên đau yếu và bị bỏ rơi, và Ngài đã đi đến tận những nơi mà con chiên đau khổ nhất. Nơi đó chính là Thánh Giá. Đứng trước Thánh Giá Chúa, chúng ta ý thức cầu xin Chúa giúp chúng ta biết luôn chạy đến với Chúa, để học và sống cùng Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nhờ đó chúng ta được đón nhận đất hứa Chúa ban, nơi có đồng cỏ xanh tươi và chúng ta được phép nằm nghỉ ngơi, nơi có dòng nước trong lành và chúng ta được uống thoả thuê.
Trung tâm điểm là Chúa chứ không phải ta. Cuối cùng, tinh thần hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy chỉ có thể sống động, khi ta ý thức sống từ bỏ chính bản thân mình, nghĩa là ta nói không với khuynh hướng “cho mình là trung tâm thế giới”. Khuynh hướng này lan vào cả đời sống thiêng liêng, và dễ dàng đẩy chúng ta vào lối sống “say mê bản thân” trong đời sống thiêng liêng và trên hành trình Đức Tin. Cụ thể, người say mê bản thân trong đời sống thiêng liêng sẽ “dùng” Thiên Chúa và “dùng” mọi người xung quanh để phục vụ cho “cái lợi” của mình. Bên ngoài, luôn tỏ ra đạo đức, tham dự đủ mọi nghi lễ, ăn chay hãm mình, cầu nguyện cùng việc làm bố thí , nhưng khi bố thí thì người khác cần phải biết đến để học hỏi và bắt trước. Cái vẻ tốt lành và cái vỏ đạo đức bên ngoài được chải chuốt đâu ra đó. Rồi Chúa cần phải ban cho họ ơn này ơn kia, để họ đạo đức hơn người khác. Và người khác, dù là ai đi nữa, cần phải nghe lời họ hướng dẫn, vì Chúa đã ban cho họ khả năng và ân ban riêng đó. Người say mê bản thân trong đời sống Đức Tin luôn tự cho mình là quan trọng, không có mình “chợ họp không thể đông người” được. Người say mê bản thân trong đời sống thiêng liêng luôn tự cho mình có khả năng xét đoán người khác, và rồi vô hình chung người khác trở thành bàn đạp để họ tiến lên. Một kiểu kiêu ngạo thiêng liêng ẩn núp đàng sau vỏ bọc đạo đức.
Đức Thánh Cha Phanxicô, khi còn là hồng y, đã coi đó là “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội”. Sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài đã biến tính trần tục thiêng liêng thành một trong những chủ đề chính của giáo huấn của mình. Từ những bài giảng cho đến những Tông huấn, ngài không ngừng cảnh giác chống lại thói say mê bản thân của người đạo đức, dù là giáo dân hay giáo sĩ. Ngài gọi thói say mê bản thân là “bệnh ung thư”, “bệnh phong cùi”, một “con sâu gặm nhấm hủy hoại từ từ”, một “hiểm họa” to lớn cho Giáo hội, “một sự bại hoại” trong đời sống thiêng liêng, một “cám dỗ nguy hiểm”, một đe dọa “nguy hiểm hơn, vì tinh vi hơn là sự bội giáo”, vì cuối cùng họ không còn đi tìm vinh quang Thiên Chúa, mà đi tìm vinh quang nhân loại, vinh quang cho chính bản thân.[2]
Vì thế, mặc lấy tinh thần hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu, người Kitô hữu mạnh mẽ và kiên quyết nói không với khuynh hướng say mê bản thân, khuynh hướng có vẻ thiêng liêng nhưng lại rất trần tục này, để luôn hướng về Chúa, để Chúa lớn lên và ta phải nhỏ lại.
Mặc lấy tinh thần hiền lành và khiêm nhường của Chúa là một hành trình luôn mở, không bao giờ đóng lại, vì mỗi chặng đường ta đều được mời gọi trở nên và trở nên khiêm nhường hiền lành hơn nữa, trở nên giống Chúa Giêsu hơn nữa. Vì vậy, chắc chắn bạn sẽ có những nét chấm phá khác giúp mọi người cùng sống tinh thần hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu.
Thay cho lời kết là những lời của một số thánh nhân cùng một câu chuyện.
“Hỡi tro bụi, ngươi hãy xấu hổ vì sự kiêu ngạo của ngươi. Thiên Chúa hạ mình xuống, còn ngươi, ngươi lại đưa mình lên” (Thánh Bênađô).
“Tính kiêu căng phá hủy mọi sự. Theo gương Đức Kitô là chìa khóa mở cửa cho đức hiền lành và tấm lòng khiêm hạ” (Thánh Têrêsa Cancútta).
“Chúng ta không nên khôn ngoan và khéo léo theo kiểu người đời, nhưng đúng hơn phải đơn sơ khiêm tốn và trong sạch. Đừng bao giờ muốn mình hơn người khác, nhưng đúng hơn, vì Thiên Chúa, chúng ta phải là những tôi tớ phục vụ mọi người. Hết thảy những ai làm như vậy và kiên vững đến cùng, thì Thần Khí Chúa sẽ ngự trên họ và cư ngụ trong họ. Họ sẽ là con cái Cha trên trời, vì thi hành công việc của Người. Họ là bạn đời, là anh em, là những người mẹ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Thánh Phanxicô Assisi).
“Bước đầu của tất cả sự thánh thiện là khiêm nhường thú nhận rằng nếu không có Chúa chúng ta không thể làm được gì, nhưng với Người, trong Người và nhờ Người, mọi sự đều có thể” (Thánh Têrêsa Hài Đồng).
Khi nói về những vị thánh đã học được gương của Chúa Giêsu, ta nhớ tới câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII: Tên thật ngài Roncalli, trước khi làm giáo hoàng, ngài là khâm sứ ở Bungari và Thổ. Trong khi thi hành công vụ, ngài nhận được một bức thư của một linh mục chỉ trích ngài đủ mọi thứ. Ngài đọc thư và không nói gì. Sau đó ngài làm Hồng Y, rồi làm Giáo Hoàng (1958).
Một lần nọ vị linh mục đó cùng với giáo dân sang Rôma để yết kiến Đức Giáo Hoàng. Vị linh mục này kể lại buổi yết kiến này: trong khi đứng chờ, đầu óc của ngài cứ nghĩ tới bức thư đó và vừa hối hận vừa lo sợ. Thời gian lâu rồi chắc Đức Thánh Cha đã quên.
Khi vị linh mục đến gần Đức Thánh Cha, không ngờ ngài kéo lá thư trong cuốn sách kinh ra.
Cha hoảng sợ, chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi?
Nhưng Đức Giáo Hoàng ôn tồn nói: “Con đừng sợ, Cha cám ơn Con. Cha để lá thư trong sách để mỗi ngày đọc và xét mình. Hầu dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại và tránh những lầm lỡ có thể xảy ra trong tương lai. Mỗi lần như thế Cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.
Các thánh thật hiền lành và khiêm tốn như Chúa Giêsu!
Xin Chúa giúp cho bạn và tôi mỗi ngày học và tập sống hiền lành và khiêm tốn giống Chúa Giêsu!
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
[1] Trích từ tác phẩm “The greates Words ever spoken” của tác giả Steven K. Scott. Bản tiếng Việt do các thầy chủng sinh khóa XIX Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội chuyển ngữ với tựa đề “Những lời tuyệt vời nhất từng được nói ra”.
[2] Trích từ bài của Charles Wright. “Tính trần tục thiêng liêng, một sự tự say mê bản thân của người Kitô hữu”.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn