An Lê
Thầy Phêrô Tabichi đã có mặt tại Buenos Aires, Thủ đô Argentina như một phần của sáng kiến được tổ chức bởi Tổng giáo phận Buenos Aires.
Trong thời gian ở Argentina, thầy đã chia sẻ câu chuyện và hành trình dẫn đến giải thưởng. Trước khi giành được giải thưởng, Tabichi đã thường xuyên quyên góp 80% tiền lương của mình để giúp đỡ những người học nghèo hơn.
Vào tháng 3 năm nay, Thầy Phêrô Tabichi đã được trao Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu Varkey Foundation, tại một buổi lễ được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
“Tôi rất vinh dự khi được đến Argentina. Tôi rất biết ơn khi có thể chia sẻ câu chuyện của tôi với các bạn và cũng mong muốn học hỏi từ các bạn”, thầy Tabichi nói tại thủ đô của Argentina. Vị tu sĩ dòng Phanxicô này chia sẻ với những người Argentina chủ nhà rằng giải thưởng giáo viên giỏi nhất này không phải chỉ dành cho bản thân thầy nhưng còn là cho tất cả các giáo viên theo đuổi ơn gọi cao quý này.
“Chúng ta phải công nhận và trân trọng giá trị của sự phục vụ mà các giáo viên đã cung cấp; và trên hết, chúng ta phải ưu tiên cho giáo dục”, thầy Tabichi nói.
Thầy Tabichi là giáo viên dạy toán và khoa học tại trường cấp 2 Keriko ở Kenya.
“Tôi xuất thân từ một gia đình khiêm tốn. Bố tôi cũng là một giáo viên. Chúng tôi đã trải qua rất nhiêu thử thách như một gia đình. Việc đầu tiên là phải đi bộ tám cây số mỗi ngày để đến trường. Mặc dù vậy, tôi vẫn có được một nền giáo dục tốt và thậm chí được học đại học”, thầy nói.
Thầy chia sẻ thêm rằng lúc ban đầu khi trở thành giáo viên, thầy chọn làm việc ở một trường tư và mọi thứ ở đó tốt và dễ dàng đối với mình.
“Lúc đầu, tôi làm việc tại một trưởng tư và có tất cả các phương tiện và cơ sở vật chất hiện đại. Điều này rất thuận tiện cho tôi vì nó cho phép tôi làm tất cả công việc của mình trên máy tính, với những cuốn sách hay, các tài liệu giảng dạy và các dụng cụ hỗ trợ khác…. Nhưng tôi đã cảm thấy khó chịu khi thực tế là có rất nhiều giáo viên ở nước tôi không có được những tiện nghi như tôi”, thầy nói.
Cuối cùng, thầy quyết định chuyển đến làm việc tại ngôi trường hiện tại của mình, Trường cấp 2 Keriko, ở làng Pwani. Nó nằm trong một vùng khô cằn của Thung lũng Rạn nứt Kenya. Trường chỉ có một máy tính để bàn, Internet chậm và tỷ lệ giữa học viên - giáo viên là 58:1.
Các học viên trong trường của Thầy Tabachi phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Sống trong một khu vực dễ bị hạn hán, nhiều người đi học mà không có thức ăn. Những tệ nan như lạm dụng ma túy, mang thai ở tuổi vị thành niên, bỏ học sớm, kết hôn sớm ở trẻ em và tự tử là phổ biến. Gần như tất cả những người học viên của anh đều xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp và gần một phần ba trong số họ là trẻ mồ côi hoặc cha mẹ đơn thân.
Người giáo viên từng đoạt giải thưởng này cho biết việc đầu tiên họ làm vào buổi sáng là cho học sinh ăn.
“Tại Keriko, các giáo viên thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng và phong phú. Bạn phải sáng tạo để đáp ứng với tất cả các thử thách và giúp đỡ các học viên, những người đến với sự buồn chán và đôi khi đau khổ.
Nói về sự căng thẳng, Thầy Tabichi giải thích rằng đây là một vấn đề cũng ảnh hưởng đến các giáo viên tại trường của mình vì chỉ có bảy giáo viên cho 700 học sinh.
“Chúng tôi dạy, lên kế hoạch, sửa bài cho học sinh, làm việc, chuẩn bị mọi hoạt động với mong muốn làm thay đổi xã hội của chúng tôi”, Thầy Tabichi nói.
Tuy nhiên, tại trường cấp hai Keriko này, số lượng ghi danh đã tăng gấp đôi, và ngày càng nhiều học viên chuẩn bị vào cao đẳng và đại học. Đặc biệt là các học viên nữ, đang biểu hiện rất tốt.
Khi được trao giải thưởng là “Giáo viên giỏi nhất thế giới”, Thầy Tabichi tuyên bố: “Được nhìn thấy học viên của tôi tiến bộ về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin là niềm vui lớn nhất của tôi trong giảng dạy; khi họ trở nên mạnh mẽ, sáng tạo và làm việc hiệu quả trong xã hội. Tôi rất hài lòng vì tôi đóng vai trò là người thúc đẩy họ tiến đến vận mệnh lớn nhất của họ và là chìa khóa mở ra tiềm năng của họ cách hăng hái nhất.” (Vatican News, 16 July 2019)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn