G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong tập viện của các dòng tu, các tập sinh thường học tập về linh đạo và luật dòng, cũng như cầu nguyện, nhưng trong năm nhà tập của dòng Đức Bà Truyền giáo ở Ấn độ, các tập sinh còn phải học thêm một môn, đó là kỹ năng giết rắn độc.
Tại bang Bihar ở miền bắc Ấn, mỗi năm có khoảng 4.500 người chết vì bị rắn độc cắn. Khi các nữ tu dòng Đức Bà truyền giáo đến Ấn Độ trong thập niên 1990 với mục đích giáo dục các thiếu nữ, các chị nhận thấy Chúa kêu gọi các chị thi hành thêm một sứ mạng khác, đó là thành lập một bệnh xá để cứu chữa những người bị rắn độc cắn.
Chị Crescencia Sun kể lại với phái viên hãng tin Công Giáo Mỹ CNA: “Thoạt đầu chúng tôi không nghĩ đến việc mở một bệnh xá chữa người bị rắn cắn, nhưng vì dân chúng bị rắn cắn nhiều quá ... và nhiều người có nguy cơ chết vì tai nạn này, nên chúng tôi huấn luyện các nữ tu làm sao để cứu giúp các nạn nhân, vì các chị thường là y tá”.
Trong mùa hè nóng bức, mỗi ngày bệnh xá của các nữ tu chữa trị từ 40 đến 50 người bị rắn cắn, và cứu sống hàng ngàn người mỗi năm.
Chị Crescencia Sun cũng được mời trình bày chứng từ hôm 16/10/2019 tại diễn đàn “Phụ nữ trên những tuyến đầu” (Women on the Frontlines) do Đại sứ quán Mỹ cạnh Tòa Thánh tổ chức, nhắm trình bày công việc của các nữ tu tại một số nơi nguy hiểm nhất thế giới. Chị Sun cho biết tại khu vực của các chị, “nhiều người bị rắn cắn, đủ thứ rắn độc...”. Thoạt đầu công việc tại bệnh xá chữa rắn cắn đòi chị phải cố gắng rất nhiều về tâm lý. Chị kể: “3 tháng đầu tiên ở tại đó, tôi thấy rất nhiều người sắp chết vì rắn cắn. Tôi rất buồn và tự nhủ: có lẽ công việc này không phải là sứ mạng của tôi... Nhưng rồi, khi thấy dân chúng tiếp tục kéo đến, tôi cảm thấy can đảm và cầu nguyện với Chúa: Lạy Chúa, nếu đây là điều Chúa muốn con làm, xin Chúa ban cho con can đảm và sức mạnh”.
Ngoài việc chữa các bệnh nhân bị rắn cắn, các nữ tu còn giúp họ về cách phòng ngừa, giải thích cho dân chúng ở các làng mạc chung quanh về nguy hiểm và cách thức bảo vệ cho mình khỏi bị rắn cắn. Chị Sun giải thích rằng: “Người Ấn giáo thờ rắn, nên họ không giết rắn, dù họ bị rắn cắn. Vì thế, trong mùa hè, chúng tôi làm việc 7 ngày trong một tuần, 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ngày cũng như đêm”.
Vì nghèo, nên nhiều bệnh nhân mà các chị thấy là những người sống trong những túp lều làm bằng tre với cỏ, với một loại sàn bằng bùn, có thể thu hút các loại bò sát có nọc độc, đặc biệt vào mùa hè và mùa mưa.
“Có nhiều người kể với chúng tôi: khi họ thức dậy ban sáng, và từ giười đặt chân xuống nền nhà, thì họ bị rắn cắn”.
Để giúp họ giữ an toàn, các nữ tu cũng huấn luyện các loại chó biết phát hiện sự hiện diện của rắn.
Chị Sun cũng kể rằng: “Tôi rất sợ rắn, nhưng khi ở Bangalore trong nhà tập, để trở thành nữ tu, trong vùng ấy chúng tôi cũng có nhiều loại rắn, kể cả rắn hổ mang. Cũng nhờ đó tôi học cách đối phó và thậm chí giết cả một số rắn, vì thế khi tôi đến đây, tôi cũng đã được chuẩn bị phần nào”.
Trong năm 2018, các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo đã chữa trị hơn 6 ngàn người bị rắn cắn tại bệnh xá này ở Kanti, bang Bihar. Chị Sun nói: “Tôi tin rằng Chúa dùng các nữ tu như dụng cụ và các phép lạ đã xảy ra vì Chúa chữa lành”.
Tại diễn đàn hôm 16/10/2019 ở Roma, Bà Đại Sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh, Callista Gingrich, nói: “Các nữ tu thuộc vào số những người đối tác hữu hiệu và sinh động nhất chúng ta có trên những tuyến đầu trong các cộng đoàn yếu thế trên thế giới. Các nữ tu thường là những tia sáng hy vọng cuối cùng cho hàng triệu người không có tiếng nói, nếu không có các chị. Các chị phục vụ những người di tản và tuyệt vọng, nhiều khi có nguy cơ tới chính bản thân, tại những nơi mà các chính phủ thất bại và các tổ chức nhân đạo gặp khó khăn trong các hoạt động”. (CNA 16-10-2019)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn