Bài viết có ý bàn đến sự tham gia hoặc gia nhập của các tu sĩ vào một dòng tu mới đang được khởi sự hay đang được thành lập thuộc luật giáo phận, trong khi tu sĩ này vẫn đang phải tuân giữ lời khấn hay cam kết trong một hội dòng, một tu hội đời hay một tu đoàn đời sống tông đồ.
Các tu sĩ có thể được nhờ đi “giúp” một vị sáng lập đang muốn thành lập một tu hội mới.
Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là, khi đi giúp như vậy, các tu sĩ này có thể được đặt làm “bề trên” (superiore) hay “người điều hành” (moderatore) tu hội mới đang được thành lập, đang ở giai đoạn hiệp hội công hay không.
CHUYỂN TU SĨ ĐẾN DÒNG TU ĐANG ĐƯỢC THÀNH LẬP
Bài viết có ý bàn đến sự tham gia hoặc gia nhập của các tu sĩ vào một dòng tu mới đang được khởi sự hay đang được thành lập thuộc luật giáo phận, trong khi tu sĩ này vẫn đang phải tuân giữ lời khấn hay cam kết trong một hội dòng, một tu hội đời hay một tu đoàn đời sống tông đồ.
Chữ “dòng tu”, trong bài này, xin được nói chung cho các cộng đoàn tu trì khác nhau: hội dòng (istituta religiosa), tu hội đời (istituta saecularia) và tu đoàn đời sống tông đồ (societas vitae apostolicae). Chữ “tu sĩ”, xin nói chung ở đây là những thành viên của các cộng đoàn tu trì nói trên. Một số vấn đề Giáo luật có liên quan cần được xem xét ở đây.
1. TIẾN TRÌNH PHẢI THEO ĐỂ LẬP DÒNG
Theo chỉ dẫn của Tòa Thánh hiện nay, việc thành lập một dòng tu (hội dòng, một tu hội đời hay một tu đoàn đời sống tông đồ) cần phải trải qua các giai đoạn hiệp hội.
(Xin xem bài “Hướng Dẫn Thành Lập Tu Hội Của Tòa Thánh”, trên trang http://giaoluatconggiao.com/doi-song-thanh-hien/huong-dan-thanh-lap-tu-hoi-dsth-tu-doan-td-cua-toa-thanh-jb-le-ngoc-dung-87.html).
1.1. Hiệp hội tư các tín hữu
Khởi sự đầu tiên, các cá nhân thành lập nhóm nhỏ ít nhất là 3 thành viên, tình nguyện sống chung với nhau, xin sự chuẩn nhận của Giám Mục Giáo phận, với mục đích để thiết lập một tu hội đời sống thánh hiến. Thời gian sống chung nên ít là 2 năm.
Sau khi đã chứng tỏ được một sự bền vững nào đó (thường là 5 năm liên tục trong đời sống chung cộng đoàn), với những dấu hiệu tích cực, nhóm có thể xin chuẩn nhận là một hiệp hội tư bởi Giám Mục Giáo phận.
2.2. Hiệp hội công các tín hữu
Nếu đã có những đánh giá tích cực và có sự tăng triển thành viên (sau 5 năm) có thể xin Giám Mục Giáo phận thành lập một hiệp hội công các tín hữu (Association publique de fidèles).
Thẩm quyền thành lập hiệp hội công là Đức Giám Mục Giáo phận. Ngài phải ra một sắc lệnh thành lập. Trong Sắc lệnh thành lập hiệp hội, quan trọng là phải thêm vào câu sau: «với mục đích nhắm đến thành lập hội dòng / tu hội đời / tu đoàn đời sống tông đồ thuộc luật giáo phận».
Theo như mục đích đã được nêu trong sắc lệnh, những thành viên phải sống như là những thành viên của một dòng tu. Ngay từ đầu, cơ cấu pháp lý của hiệp hội công này dựa theo những điều luật trong bộ Giáo Luật dành cho hiệp hội và cho từng loại dòng tu muốn lập.
Điều trên có nghĩa là, các thành viên, tuy đang ở giai đoạn hiệp hội, phải tiến đến nếp sống như một thành viên của tu hội được nhắm đến: sống cộng đoàn, mang tu phục, được huấn luyện, tuyên khấn… Các quy định về Bề trên, ban lãnh đạo, công nghị, giai đoạn thỉnh sinh, nhà tập, khấn hứa tạm thời vĩnh viễn… đều phải dần dần được ấn định.
c- Lập dòng
Dưới đây là một vài điều kiện quan trọng trong hướng dẫn của Toà Thánh để xác nhận một hiệp hội đã có đủ trưởng thành và để có thể được thành lập mội dòng tu. Đoạn hướng dẫn của Tòa Thánh sau đây dành cho việc lập một tu đoàn tông đồ, nhưng cũng tương tự cho các thể loại tu khác:
“Khi nào hiệp hội đã chứng tỏ được một cách cụ thể khả năng phát triển thánh thiện và bền vững, sau một giai đoạn lâu dài trải nghiệm, Giám Mục giáo phận nơi có trụ sở chính có thể tiến hành thành lập tu đoàn tông đồ, sau khi đã tham khảo Tông Tòa (đ. 579). Để thực hiện điều này, đòi hỏi rằng hiệp hội phải đạt được ít nhất 40 thành viên, mà phần lớn họ đã gia nhập vĩnh viễn (và, trong trường hợp một hội dòng giáo sĩ, phải có đủ số linh mục).
(Xem: http://giaoluatconggiao.com/doi-song-thanh-hien/huong-dan-thanh-lap-tu-hoi-dsth-tu-doan-td-cua-toa-thanh-jb-le-ngoc-dung-87.html).
Nên phân biệt:
Người sáng lập (founder, fondatore) dòng tu, tức là người có sáng kiến khởi đầu, đề ra được linh đạo, đặc sủng cho dòng, đã quy tụ được nhóm và giúp tiến triển thành một dòng. Người sáng lập không có tư cách pháp lý để thành lập dòng tu, nếu người này không là nhà chức trách có thẩm quyền thành lập.
Người thiết lập hay thành lập (ereggere, stablish) dòng tu, được Giáo Luật quy định là những Đấng có thẩm quyền thiết lập để một dòng tu trở thành một pháp nhân công trong Giáo Hội.
Các thẩm quyền thiết lập hay thành lập hiệp hội công theo quy định của điều 312§1 là Toà Thánh, Hội Đồng Giám Mục, Giám Mục Giáo phận:
Điều 312§1. Nhà chức trách có thẩm quyền thành lập các hiệp hội công là:
10 Toà Thánh, đối với các hiệp hội toàn cầu và quốc tế;
20 Hội Đồng Giám Mục trong địa hạt của mình, đối với các hiệp hội quốc gia, tức là các hiệp hội được thành lập để hoạt động trong toàn quốc;
30Giám Mục Giáo phận trong địa hạt mình, đối với các hiệp hội thuộc Giáo phận, chứ không phải vị Giám quản Giáo phận, đừng kể những hiệp hội mà quyền thành lập đã được đặc ân Toà Thánh dành cho những người khác.
Như vậy, đối với dòng tu theo luật giáo phận, Đức Giám mục giáo phận là vị có thẩm quyền thành lập một hiệp hội công. Và sau đó, khi hiệp hội tiến triển và đủ trưởng thành, Giám mục sẽ ra sắc lệnh lập một dòng tu. Khi đó dòng tu mới thực sự là một pháp nhân công trong Giáo Hội.
2. PHÂN BIỆT THỂ LOẠI DÒNG TU
Giáo luật phân làm 2 loại dòng tu:
a- Tu hội đời sống thánh hiến, có 2 hình thức:
- Hội dòng (Istituta religiosa)
- Tu hội đời (Istituta saecularia)
b- Tu đoàn đời sống tông đồ (Societas Vitae Apostolicae).
2.1. Hội dòng (Istituta religiosa)
Hội dòng (Istituta religiosa, religious institute) hay còn gọi là dòng (đ. 607-709). So với các thể loại tu khác, hội dòng có những đặc điểm:
- Có lời khấn dòng công (public) giữ ba lời khuyên Phúc Âm (đ. 607§2);
- Sống chung huynh đệ cộng đoàn (đ. 607§2);
- Xa cách thế gian (đ. 607§3);
- Mặc tu phục, ngoại trừ tu sĩ giáo sĩ của một số dòng (đ. 669).
Ví dụ: Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Mến Thánh Giá. Các đan viện (monasterium) cũng được Giáo Luật đặt trong mục hội dòng; ví dụ: Đan viện Châu Sơn Đơn Dương, Đan viện/Dòng Kín Carmen Nha Trang.
Các tu sĩ hội dòng thường sống thành những cộng đoàn hay những nhà ở nhiều nơi, có hoạt động xã hội bên ngoài nhiều hay ít tùy theo linh đạo. Trong khi đó, các đan sĩ lại sinh hoạt chủ yếu trong một vài đan viện của mình, tu theo lối chiêm niệm (contemplative), họ cầu nguyện và lao động mỗi ngày.
2.2. Tu hội đời (Istituta saecularia)
Tu hội đời (Istituta saecularia, secular institute), (đ. 710-730). Về từ ngữ, chữ secular, có nghĩa là thế gian, trần thế, đời... Các tu sĩ muốn nên thánh giữa đời, giữa trần thế. Trong khi đó hội dòng lại dùng chữ religious để nói lên sự liên hệ tin tưởng, thân mật hơn với Chúa Giêsu Kitô, vị hôn phu, trong một môi trường cách biệt với thế gian hơn.
Tu hội đời có những đặc điểm:
- Không có lời khấn công, chỉ khấn tư hay cam kết giữ ba lời khuyên Phúc Âm (đ. 712);
- Sống hoặc một mình, hoặc mỗi người trong gia đình mình, hoặc sống như anh chị em trong một nhóm (đ. 714).
- Sống trong những điều kiện bình thường của trần thế, giữa đời (đ. 714);
- Không mặc tu phục
Ví dụ: Tu hội Chúa Giêsu, Tu Hội Nô Tì Thiên Chúa.
2.3. Tu đoàn đời sống tông đồ (Societas Vitae Apostolicae).
Tu đoàn đời sống tông đồ (Societas Vitae Apostolicae, Society of apostolic life), (đ. 731-755), cũng thường được gọi tắt là tu đoàn tông đồ. Tu đoàn đời sống tông đồ có những đặc điểm:
- Không có lời khấn công; có thể có hay không lời khấn tư hay cam kết giữ ba lời khuyên Phúc Âm (đ. 731);
- Sống chung huynh đệ cộng đoàn (đ. 731);
- Thường mặc tu phục, được quy định bởi hiến pháp riêng, tuy Giáo luật không buộc.
Ví dụ: Tu đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Tu đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.
Cũng nên lưu ý là, trong tiếng Việt, không có sự thống nhất về các từ ngữ được dùng để chỉ các tu hội, tu đoàn nên dễ gây lẫn lộn và đôi khi khó xác định được một dòng tu có bản chất pháp lý là gì hay thuộc thể loại nào. Ví dụ như cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, thường được gọi là “dòng” Vinh Sơn hay Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn, nhưng bản chất pháp lý của cộng đoàn này lại là một “Tu đoàn đời sống Tông Đồ”. Hiệp hội các tín hữu Phan- sinh tại thế, tuy không thuộc vào dòng tu, những cũng thường được gọi là “dòng” Ba Phan-sinh tại thế.
Ngay cả trong ngôn ngữ ngoại quốc cũng dễ gây sự lẫn lộn. Dòng Ngôi Lời được ghi là “Societas Verbi Divini”, “Society of the Divine Word” thì dễ tưởng là một tu đoàn đời sống tông đồ (Society of apostolic life), nhưng bản chất lại là một hội dòng (Religious institute). Một cách tương tự, Dòng Tên được ghi là “Sociestas Iesu”, “society of Jesus”. Vì vậy, cần phải lưu ý để xác định rõ bản chất pháp lý của một cộng đoàn tu trì, là: hội dòng, tu hội đời hay tu đoàn tông đồ. Mỗi khi soạn thảo hiến pháp hay khi giới thiệu về cộng đoàn dòng tu, nên lưu ý xác định bản chất pháp lý của mình.
3. CHUYỂN DÒNG
Các vị sáng lập dòng rất cần có số lượng thành viên và những người để giúp tổ chức, điều hành và đào tạo lúc ban đầu. Câu hỏi được đặt ra là: Theo Giáo luật, một tu sĩ từ một dòng này có được “chuyển” qua một dòng khác đang khởi sự hay đang được thành lập không?
Ví dụ
Một Giám Mục muốn thành lập một hội dòng nữ Đa Minh A, các nữ tu của dòng Đa Minh B hay các nữ tu của một dòng Mến Thánh Giá nào đó, hay một tu đoàn tông đồ nào đó, có thể từ bỏ dòng mình để chuyển qua dòng Đa Minh A mới khởi sự hay đang được thành lập không?
Để trả lời, cần phải dựa vào quy định của Giáo luật về việc “chuyển” dòng tu: hội dòng, tu hội đời và tu đoàn đời sống tông đồ.
Điều cần lưu ý trước tiên cần biết là “thẩm quyền” nào mới có thể cho chuyển. Nguyên tắc tổng quát của Giáo Luật là: Nếu chuyển cùng thể loại, như từ một “hội dòng” này sang một “hội dòng” khác thì thẩm quyền thuộc về hội dòng, nhưng nếu chuyển không cùng thể loại thì thẩm quyền thuộc về Tòa Thánh. Sau đây là một số điều luật liên quan cho thấy rõ hơn:
3.1. Chuyển cùng thể loại
Điều 684 triệt 1 và 2 quy định chuyển cùng thể loại hội dòng:
§1. Một thành viên đã khấn trọn đời không thể chuyển từ hội dòng mình sang một hội dòng khác, trừ khi có phép của vị điều hành tổng quyền của mỗi tu hội, và được sự chấp thuận của ban cố vấn của mỗi vị.
§2. Sau khi đã mãn thời gian thử luyện ít là ba năm, thành viên có thể được nhận cho khấn trọn đời trong tu hội mới. Tuy nhiên, nếu đương sự từ chối việc tuyên khấn này, hoặc không được các bề trên có thẩm quyền chấp nhận cho khấn, thì đương sự phải trở về tu hội đầu tiên, trừ khi đã được đặc ân hồi tục.
Điều 684 triệt 3 quy định về chuyển cùng thể loại đan viện tự trị:
§3. Để một tu sĩ có thể chuyển từ một đan viện tự trị này sang một đan viện tự trị khác của cùng tu hội, hoặc của cùng liên minh hoặc của cùng liên hiệp, điều kiện cần và đủ là sự chấp thuận của bề trên cấp cao của mỗi đan viện, cũng như sự chấp thuận của công nghị đan viện tiếp nhận, miễn là vẫn giữ nguyên những điều kiện khác do luật riêng quy định; không đòi buộc phải khấn lại.
Như vậy, việc chuyển cùng thể loại như: “hội dòng” sang “hội dòng” thì thuộc quyền nội bộ của hai hội dòng, không phải xin phép Giám mục giáo phận hay Tòa Thánh. Điều này cũng tương tự cho việc chuyển từ tu hội đời qua tu hội đời (đ. 730) và từ tu đoàn tông đồ qua tu đoàn tông đồ (đ. 744§1).
3.2. Chuyển khác thể loại
Điều 684 triệt 5 quy định về sự chuyển khác thể loại:
§5. Để chuyển (một thành viên hội dòng) sang một tu hội đời hay một tu đoàn tông đồ, cũng như để chuyển từ một tu hội đời hay từ một tu đoàn tông đồ sang một hội dòng, thì phải có phép của Toà Thánh và phải tuân theo các chỉ thị của Toà Thánh.
Những điều quy định về chuyển khác thể loại cũng tương tự, được thấy ở điều 730 cho tu hội đời, và điều 744§2 cho tu đoàn tông đồ.
Việc chuyển khác thể loại dòng tu, như vậy, thuộc quyền Toà Thánh, chứ không thuộc quyền Giám Mục giáo phận, mặc dù dòng tu thuộc luật giáo phận.
Lý do được thấy là các lời khấn và bản chất pháp lý của mỗi thể loại tu rất khác biệt nhau. Hội dòng có lời khấn công nhưng tu đoàn tông đồ lại không có lời khấn, hoặc một số tu đoàn khác chỉ có lời khấn tư, mặc dù cả hai đều có tu phục và có đời sống chung. Tu hội đời lại rất khác biệt, không có đời sống chung, không mặc tu phục, lời khấn khó nghèo không bao hàm việc từ bỏ quyền sở hữu và sử dụng tài sản vật chất.
4. TU SĨ CHUYỂN ĐẾN MỘT DÒNG TU ĐANG THÀNH LẬP
Những cách chuyển tu sĩ đến một dòng tu mới có thể làm như sau:
4.1. Xin phép Tòa Thánh
Một dòng tu mới khởi sự hay đang được thành lập ở giai đoạn là một hiệp hội công hay tư có tư cách pháp lý khác hẳn với một dòng tu đã được thành lập. Việc chuyển dòng đương nhiên là phải xin phép Tòa Thánh, theo quy định của điều 684 triệt 5 nói trên.
4.2. Đón nhận những thành viên không bị ràng buộc bởi lời khấn vĩnh viễn
Điều 684 về việc chuyển nói trên chỉ chi phối những tu sĩ đang bị ràng buộc bởi lời khấn hay cam kết vĩnh viễn trong một hội dòng, đan viện, tu hội đời hay tu đoàn tông đồ đã được “thành lập hữu hiệu” theo Giáo luật.
Vậy, những thành viên của những cộng đoàn tu trì nào mà chưa được “thành lập hữu hiệu” thành một hội dòng, đan viện, tu hội đời hay tu đoàn tông đồ, bởi Đức Giám Mục giáo phận hoặc bởi Tòa Thánh hay bởi thẩm quyền nào khác của Giáo Hội, thì không kể thành viên đó là đang bị ràng buộc với lời khấn hay cam kết vĩnh viễn, mà điều 684 nói đến.
Những lời khấn hứa hay cam kết của những thành viên đó chỉ có tính cách tư, bên ngoài một dòng tu, có thể được miễn chuẩn khi có lý do chính đáng, bởi Đấng Bản quyền địa phương và cha sở đối với tất cả những người thuộc quyền mình (đ. 1195,10).
Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay có những cộng đoàn, tuy đã được gọi là “dòng”, “tu hội”, “tu đoàn” nhưng có thể chỉ ở trong giai đoạn đang được thành lập, chứ chưa được thành lập hữu hiệu theo Giáo luật. Vị sáng lập của họ, nay có thể còn sống hay đã qua đời, hoặc có thể là đang là bề trên, hoặc có thể đã xuất ra khỏi cộng đoàn. Những thành viên của cộng đoàn này có thể xin miễn chuẩn lời khấn tư để gia nhập vào dòng mới khác đang được thành lập, dù cộng đoàn cũ của họ có thể đang còn hoạt động hay đã suy tàn.
Làm sao biết được dòng tu đó đã được thành lập hữu hiệu theo Giáo Luật hay chưa?
Theo nguyên tắc chung, việc thiết lập một pháp nhân công phải được thực hiện bằng một sắc lệnh của đấng có thẩm quyền theo Giáo luật và quy chế hay hiến pháp phải được phê chuẩn trên văn bản. Những hiệp hội công hay dòng tu nào mà không có sắc lệnh thành lập và không có quy chế hay hiến pháp được phê chuẩn thì được coi là chưa được thành lập hữu hiệu.
Thẩm quyền xác nhận là có được thành lập hay chưa thuộc Đấng Bản quyền, sau khi đã thẩm tra kỹ lưỡng.
Thư của bộ Phúc-Âm-hoá các Dân tộc, ngày 1-6-2016 (Prot. N. 2301/16) có thêm một yếu tố pháp lý mới cho điều 579: "Sắc lệnh thiết lập một Tu hội thánh hiến mới được ban hành mà không tuân thủ những chỉ dẫn của điều khoản (đ. 579) sẽ bị coi là vô hiệu".
Trước đây, theo nguyên tắc của điều 579, nếu Giám Mục giáo phận thành lập một Tu hội mà không tham khảo ý kiến Tông Tòa thì sắc lệnh thành lập của ngài bị bất hợp luật (illicit) nhưng không bị vô hiệu (invalid), nhưng từ nay, kể từ ngày 1-6-2016, sẽ bị vô hiệu.
4.3. Đón nhận những tu sĩ đã xuất hay hồi tục
Những tu sĩ đã hồi tục, hoặc do chấm dứt lời khấn tạm hoặc do được miễn chuẩn lời khấn, thì không bị cản trở bởi lời khấn khi nhập vào hội dòng khác đang được thành lập.
5. TU SĨ GIÚP THÀNH LẬP
Các tu sĩ có thể được nhờ đi “giúp” một vị sáng lập đang muốn thành lập một tu hội mới.
Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là, khi đi giúp như vậy, các tu sĩ này có thể được đặt làm “bề trên” (superiore) hay “người điều hành” (moderatore) tu hội mới đang được thành lập, đang ở giai đoạn hiệp hội công hay không.
Điều cần được nhận biết trước tiên: Tu sĩ này vẫn là thành viên của tu hội cũ mà họ đang bị ràng buộc bởi lời khấn. Họ phải tuân giữ hiến pháp và vâng phục bề trên riêng của mình; họ mất quyền bầu cử và ứng cử (đ. 687). Sự đi giúp này, được áp dụng theo như chế độ sống ngoại vi, cần có phép của vị điều hành tổng quyền, với sự chấp thuận của ban cố vấn nếu sống ngoại vi dưới 3 năm, và cần có phép của Đấng Bản quyền nếu trên 3 năm, đối với dòng thuộc luật giáo phận (đ. 686).
Về việc có được đặt làm bề trên hay người điều hành của một hiệp hội hay không thì cần phải phân biệt.
5.1. Hiệp hội tín hữu bình thường
Đối với một hiệp hội tín hữu bình thường, được lập với mục đích thiêng liêng nào đó như truyền giáo, cầu nguyện, làm việc từ thiện bác ái tông đồ..., mà không có mục đích tiến tới thành lập một dòng tu:
Tu sĩ có thể là thành viên của hiệp hội, theo quy tắc của điều 307§3:
Điều 307§3. Những thành viên của các hội dòng có thể ghi danh gia nhập các hiệp hội chiếu theo quy tắc của luật riêng, với sự ưng thuận của Bề Trên mình.
Tu sĩ cũng có thể được bầu hoặc đặt làm người điều hành bởi Giám mục giáo phận đối với hiệp hội công thuộc giáo phận, theo quy tắc của điều 307§1.
Điều 317
§1. Nếu quy chế không dự liệu cách khác, thì việc chuẩn y vị điều hành hiệp hội công do chính hiệp hội bầu lên, hoặc bổ nhiệm người đã được đề cử, hoặc chỉ định theo quyền riêng thuộc về nhà chức trách Giáo Hội được nói đến ở điều 312§1; chính nhà chức trách Giáo Hội ấy bổ nhiệm vị tuyên uý hoặc trợ uý, sau khi đã tham khảo ý kiến của các thành viên cấp cao của hiệp hội khi thấy thuận tiện.
Vị tu sĩ cũng có thể thành lập một hiệp hội nào đó, theo quy tắc của điều 317§2:
Điều 317§2
Quy tắc ở §1 cũng có giá trị đối với các hiệp hội do những thành viên của các hội dòng thành lập ngoài các nhà thờ hay nhà riêng của hội dòng, nhờ đặc ân Toà Thánh; còn các hiệp hội do những thành viên của các hội dòng thành lập tại các nhà thờ hay tại nhà riêng của hội dòng, thì việc bổ nhiệm hay chuẩn y vị điều hành và vị tuyên uý thuộc về Bề Trên hội dòng chiếu theo quy tắc của các quy chế.
5.2. Hiệp hội công để lập dòng tu
Tuy nhiên, đối với hiệp hội công, được lập với mục đích để tiến tới thành lập một dòng tu, thì vị tu sĩ đang bị lời khấn ràng buộc trong dòng khác chỉ có thể được đặt làm làm bề trên hay vị điều hành một cách “tạm thời”.
Được đặt làm bề trên hay người điều hành một cách “tạm thời”, có nghĩa là được đặt trong thời gian ban đầu mà dòng mới đang hình thành, nghĩa là, ở giai đoạn một hiệp hội, đang khởi công thiết lập cơ cấu pháp lý giống như của một dòng tu: Sống cộng đoàn, bắt đầu có tập sinh, khấn tạm, khấn vĩnh viễn, bề trên hay người điều hành, mặc tu phục...
Khi khởi công thiết lập cơ cấu ấy, cần phải có người lãnh đạo và huấn luyện ban đầu, vì chưa có nhiều thành viên đã khấn hay cam kết tạm hay vĩnh viễn, để có thể được chọn hay được đặt vào vị trí lãnh đạo hay người điều hành chính thức của hiệp hội công.
5.3. Lý giải theo Giáo luật
a- Về lời khấn
Trừ khi được chuyển chính thức, một thành viên đang bị ràng buộc bởi lời khấn hay cam kết trong một tu hội hay tu đoàn tông đồ, không thể nhập nhà tập hữu hiệu ở một dòng hay hiệp hội khác:
Điều 643§1,30
§1 Việc thâu nhận những người sau đây vào tập viện sẽ vô hiệu:
30 Người đang còn liên kết với một tu hội thánh hiến bằng mối ràng buộc thánh hay đã nhập tịch vào một tu đoàn tông đồ, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 684;
Khi thực hiện nhà tập vô hiệu, những lời khấn hay cam kết sau đó đều vô hiệu (đ. 656,20; đ. 658,20).
b- Bề trên phải là thành viên
Trong cơ cấu dòng tu, phải là thành viên mới được bổ nhiệm hay được bầu vào chức vụ bề trên một cách hữu hiệu:
Điều 623
Để được bổ nhiệm hay được bầu vào chức vụ bề trên cách hữu hiệu, các thành viên của hội dòng, sau khi tuyên khấn trọn đời hay vĩnh viễn, buộc phải có một thời gian xứng hợp do luật riêng ấn định, hoặc nếu là bề trên cấp cao, thì do hiến pháp
Ngay cả đối với vị giám tập, Giáo luật cũng quy định phải là thành viên:
Điều 651§1: Vị giáo tập phải là thành viên của tu hội, đã tuyên khấn trọn đời và được chỉ định hợp pháp.
5.4. Hệ luận
Vì vậy, một tu sĩ đang bị lời khấn ràng buộc trong một dòng khác thì chỉ có thể được đặt làm làm bề trên hay vị điều hành một cách “tạm thời”; hoặc đặt làm giám tập “tạm thời” cho một hiệp hội công đang tiến lên để thành lập một dòng tu. Thiết nghĩ nên dùng với danh xưng: cha/thầy/sơ “Phụ trách”, cha/thầy/sơ “Điều hành”, cha/thầy/sơ “Giáo”, và được hiểu những người tạm thời lãnh đạo hoặc huấn luyện trong thời gian ban đầu khi hiệp hội đang ở giai đoạn ban đầu.
Đến một mức phát triển nào đó, hiệp hội cần phải có một vị bề trên hay vị điều hành và vị giám tập là thành viên, đã khấn hay cam kết vĩnh viễn trong hiệp hội. Điều này quả là cần thiết để chứng tỏ sự trưởng thành và phát triển bền vững của hiệp hội.
Cũng dễ hiểu là Tòa Thánh khó mà có thể chấp nhận một hiệp hội công được tiến đến thành lập dòng tu, ngay cả khi hiệp đã có đủ điều kiện là 40 thành viên và đa số đã khấn hay cam kết vĩnh viễn, trong khi đó lại không đủ sức để có được một vị bề trên, ban cố vấn, và một vị giám tập là thành viên của hiệp hội.
6. NHỮNG ĐIỂM GIÁO LUẬT LIÊN QUAN
6.1. Hiệp hội công có tính bền vững
Hiệp hội công do Đức Giám mục giáo phận thành lập (đ. 312,30) có tư cách là pháp nhân công (đ. 116). Một pháp nhân, tự bản chất là vĩnh viễn, chỉ bị chấm dứt nếu bị nhà chức trách có thẩm quyền chính thức bãi bỏ, hoặc đã ngưng hoạt động từ một trăm năm (đ. 120#2).
a- Không là thử nghiệm
Khi Hội Thánh dự trù hiệp hội công, với tính bền vững, áp dụng cho giai đoạn trước khi thành lập dòng, cũng có ý bảo tồn hiệp hội, cho dù bị suy yếu, và để tránh một sự thử nghiệm.
Vì thật là khó chấp nhận, nếu nhà sáng lập một dòng tu, tự do lập ra một giai đoạn thử nghiệm. Vị ấy có thể định là 5 năm hay 10 năm thử nghiệm, để rồi sau đó xem có thể lập được dòng tu hay không.
Thử hỏi, nếu sau 5 năm hay 10 năm đó lỡ bị thất bại, dòng tu không lập được, phải giải thể, thì các thành viên thử nghiệm đó sẽ đi về đâu, nhất là các thành viên nữ, lúc đó đã nhiều tuổi? Quả là bất công khi đem cuộc đời người khác vào một cuộc thử nghiệm!
Tòa Thánh đã ngăn ngừa và không cho phép sự thử nghiệm này, bằng cách đặt giai đoạn hiệp hội công đi trước giai đoạn lập dòng. Trong giai đoạn hiệp hội công, được Giáo luật quy định là bền vững, các thành viên vẫn có thể sống như một tu sĩ suốt đời: sống chung huynh đệ, mặc tu phục, giữ lời khấn .... Nếu như sau này hiệp hội có suy yếu, hoặc không tiến lên được thành dòng tu, thì các thành viên vẫn mãi mãi là của một cộng đoàn tu trì, được công nhận theo quy định Giáo luật.
b- Không bị giải thể hay chuyển đổi
Về sự giải thể hiệp hội, Giáo luật chỉ cho phép Giám Mục Giáo phận giải thể các hiệp hội do chính ngài thành lập khi có những lý do nghiêm trọng (đ. 320§2). Như vậy, các vị Giám mục kế nhiệm không có quyền giải thể, cũng không có quyền thay đổi những gì liên quan đến bản chất của hiệp hội.
Ví dụ, một linh mục muốn sáng lập một tu hội đời và đã được Giám mục giáo phận chấp thuận ra sắc lệnh thành lập một hiệp hội công tiến tới thành lập một tu hội đời. Sau một thời gian vị linh mục sáng lập đó lại thay đổi ý định, muốn thành lập một tu đoàn tông đồ thay vì tu hội đời. Vị Giám mục kế nhiệm không thể chấp nhận cho việc thay đổi theo ý định đó, vì thay đổi này là thay đổi bản chất của hiệp hội, hay có thể hiểu như là việc giải thể một hiệp hội cũ và thành lập một hiệp hội mới.
Ngay cả Giám mục mà chính ngài đã ra sắc lệnh thành lập nhưng sau đó lại muốn thay đổi, hay ngài chấp nhận cho thay đổi theo ý muốn của vị sáng lập, thì tuy ngài có quyền thay đổi, nhưng cần có những lý do rất nghiêm trọng, tương tự như trong việc giải thể một hiệp hội, và sau đó thành lập hiệp hội mới khác.
Sự thay đổi về hiệp hội đó, đối với những hiệp hội tu trì thì lại càng khó hơn, hầu như là không được, vì liên quan đến quyền tự do của người đã khấn hay đã cam kết trong hiệp hội công. Nếu như chỉ có một số ít thành viên không muốn thay đổi thì cũng không được phép thay đổi, vì việc thay đổi này liên quan đến chính bản thân họ. Điều 119 số 3 quy định rằng đối với các hành vi hiệp đoàn, trừ khi luật hay quy chế đã dự liệu cách khác, thì: Nếu vấn đề liên quan đến tất cả mọi người cũng như từng người, thì phải được mọi người chấp thuận.
Trong ví dụ trên, nếu một người đã cam kết vĩnh viễn trong một tu hội đời đã không chấp thuận thay đổi sang tu đoàn tông đồ, thì không ai, ngay cả tập thể, lại có quyền buộc người ấy phải thay đổi, vì điều thay đổi này liên quan đến chính người ấy hay quyền của người ấy.
Nên biết, một pháp nhân ngay cả khi còn một người, nó vẫn tồn tại, trừ khi quy chế quy định cách khác (đ. 120§2). Mà một khi pháp nhân còn tồn tại thì tài sản vẫn thuộc pháp nhân ấy.
Khi vị sáng lập pháp nhân cũ, muốn thay đổi, lập một pháp nhân mới khác, thì vị này không có quyền chuyển tài sản hay cơ sở vật chất từ pháp nhân cũ cho pháp nhân mới, dù cho một số lớn các thành viên đã từ bỏ pháp nhân cũ và chuyển qua pháp nhân mới.
Trong ví dụ trên, vị linh mục sáng lập ra tu hội đời, nay lại muốn lập một tu đoàn tông đồ, ngài không thể chuyển tài sản, cơ sở vật chất của hiệp hội cũ (tu hội đời) sang hiệp hội mới (tu đoàn tông đồ), mặc dù đa số các thành viên đã chuyển sang hiệp hội mới.
6.2. Lập dòng từ các tu sĩ nhưng không còn ràng buộc bởi lời khấn hay cam kết
Vị sáng lập một dòng tu mới, có thể thu nhận những người đã đi tu, nhưng không bị hay không còn ràng buộc bởi lời khấn hay cam kết. Họ có thể thuộc vào những diện được kể như sau:
- Những người vì một lý do nào đó, đã xuất ra khỏi một dòng tu, lời khấn đã chấm dứt, nhưng nay vẫn muốn tiếp tục tu trì ở dòng khác. Tuy nhiên do tuổi cũng đã khá cao hoặc vì lý do nào đó, khó được tiếp nhận vào một dòng tu lớn đã được thiết lập từ lâu. Một dòng tu nhỏ mới, đang được thành lập có thể tiếp nhận họ.
- Những thành viên của một cộng đoàn, tuy đã được coi là một dòng tu, nhưng theo pháp lý dòng tu đó thực sự chưa được thành lập hữu hiệu bởi sắc lệnh và phê chuẩn hiến pháp của Giám mục giáo phận.
Thực tế cho thấy, có một số cộng đoàn, tuy đã được một giám mục hay linh mục sáng lập, và đã có sinh hoạt như một dòng tu, nhưng thực sự chưa được thành lập hữu hiệu theo Giáo luật. Nay, vị sáng lập đó đã qua đời và nếu được giáo quyền điều tra xác minh là dòng tu này đã chưa được thành lập hữu hiệu theo Giáo luật, thì các thành viên có thể xin Giám mục giáo phận thành lập hiệp hội công cho cộng đoàn mình để tiến lên lập một dòng tu theo mục đích của vị sáng lập; hoặc họ có thể xuất ra khỏi cộng đoàn này để gia nhập vào một hiệp hội công khác đang được thành lập.
Khi nhập vào một dòng mới, dù dòng đang ở giai đoạn hiệp hội, cũng cần phải trải qua giai đoạn thử luyện, chứ không được cho khấn hay cam kết ngay.
6.3. Ổn định trật tư dòng tu
Sự chuyển dòng cùng thể loại, ta thấy, không phải là dễ dàng dù thuộc quyền nội bộ dòng tu, vì phải có phép của vị điều hành tổng quyền của mỗi tu hội, và được sự chấp thuận của ban cố vấn của mỗi vị; phải được thử luyện ít là ba năm thì mới có thể được nhận cho khấn trọn đời trong tu hội mới (đ. 684§1&2).
Sự chuyển đổi dòng tu khác thể loại, lại khó hơn, là phải xin phép Tòa Thánh.
Những điều này cho thấy Hội Thánh tôn trọng sự khấn hứa hay cam kết của các tu sĩ. Hội Thánh cũng muốn giữ sự ổn định và trật tự của các dòng tu, có ý không cho phép:
- Một tu sĩ của một hội dòng, đang bị ràng buộc bởi lời khấn, có xung khắc hay bất mãn với các thành viên khác hoặc ban lãnh đạo. Do có ảnh hưởng hay uy thế lớn, người này tự ý lôi kéo một số thành viên trẻ khác ra để lập một hiệp hội, một dòng khác.
- Một vị đang muốn sáng lập dòng tu, đang thiếu nhiều thành viên, tiếp nhận một hay nhiều tu sĩ ở một dòng khác sang làm thành viên cho hiệp hội mình một cách dễ dàng.
Nguồn: giaoluatconggiao.com