BẢN DỊCH VIỆT NGỮ VÀ BÌNH GIẢI 21 ĐIỀU LUẬT MỚI VỀ TỐ TỤNG HÔN NHÂN (Đ. 1671-1691) - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 22/06/2019 19:09
BẢN DICH VIỆT NGỮ VÀ BÌNH GIẢI 21 ĐIỀU LUẬT MỚI VỀ TỐ TỤNG HÔN NHÂN (Đ. 1671-1691) - JB. Lê Ngọc Dũng
Bản dịch Việt ngữ và bình giải 21 điều luật tố tụng hôn nhân mới (đ.1671-1691) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ban hành trong Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus.

DỊCH VIỆT NGỮ VÀ BÌNH GIẢI 21 ĐIỀU LUẬT 
ĐGH Phanxicô ban hành trong Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus

============================
 
Trong bộ Giáo Luật 1983, những điều luật này thuộc:
QUYỂN 7
TỐ TỤNG
PHẦN III
VÀI TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT
ĐỀ MỤC 1
TỐ TỤNG HÔN NHÂN
CHƯƠNG 1
NHỮNG VỤ ÁN TUYÊN BỐ
HÔN NHÂN BẤT THÀNH
 
 ========================
TIẾT 1
TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN
Art. 1 - De foro competenti et de tribunalibus
Can. 1671 
§ 1. Causae matrimoniales baptizatorum iure proprio ad iudicem ecclesiasticum spectant.
§ 2. Causae de effectibus matrimonii mere civilibus pertinent ad civilem magistratum, nisi ius particulare statuat easdem causas, si incidenter et accessorie agantur, posse a iudice ecclesiastico cognosci ac definiri.
Điều 1671
§1. Do luật riêng, các vụ án hôn nhân của những người đã được Rửa Tội, thuộc quyền thẩm phán Giáo Hội.
§2. Các vụ án liên quan đến những hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân thuộc quyền thẩm phán dân sự, trừ khi luật địa phương ấn định rằng thẩm phán Giáo Hội có thể cứu xét và giải quyết chính các vụ án đó, nếu các vụ án ấy được giải quyết như là vấn đề phụ và tùy tòng.
 
 
 
Điều 1671 tổng hợp những quy định của hai điều 1671 và 1672 cũ.
Luật khẳng định thẩm quyền Giáo Hội trên vụ án hôn nhân của người được Rửa Tội. Thẩm quyền này không chỉ chi phối trên người Công Giáo Latinh (đ.1), hoặc chi phối trên những hôn nhân mà ít nhất trong đó có một người thuộc Công Giáo (đ. 1059), mà còn mở rộng thêm trên những Kitô hữu khác không hiệp thông với Công Giáo như người theo đạo Chính Thống, Tin Lành… nhưng đã được Rửa Tội thành sự. Nên lưu ý, điều 1671§1 xác định về “quyền thẩm phán” chứ không có ý nói bộ Giáo Luật “chi phối” cả những Kitô hữu ngoài Công Giáo.
Còn đối với hôn nhân của hai người lương, Giáo Hội có nhận thẩm xét không? Khi không ai trong hai vợ chồng chịu phép Rửa tội, họ không thuộc sự chi phối của Giáo Luật và Giáo Hội cũng không nhận xét xử vì không có thẩm quyền trực tiếp trên họ. Tuy nhiên, Giáo Hội không chối từ những ai đi tìm thiện ích từ Hội Thánh. Cũng như tôn trọng quyền xin được học giáo lý, xin Rửa Tội của người lương, Giáo Hội cũng không chối từ việc người lương tìm sự giải gỡ ngăn trở dây hôn nhân đã có từ trước để kết hôn với người Công Giáo.
Việc tòa án Giáo Hội nhận đơn xin tiêu hôn những người lương cũng là phù hợp với quy định của điều 1476: “Bất cứ ai, đã được rửa tội hay không, đều có thể khởi tố, còn bên bị kiện cách hợp pháp phải trả lời”. Điều 1674§1 cũng xác định những người có năng cách kháng nghị hôn nhân là những người phối ngẫu, mà không đặt điều kiện là họ đã được rửa tội hay không.
Điều 1671§2 tôn trọng thẩm quyền dân sự đối với các hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân như: phân chia tài sản, cấp dưỡng con cái…, trừ khi luật riêng của địa phương có ấn định cách khác. Luật riêng này có thể thấy ở những quốc gia mà chính quyền dân sự và Giáo Hội địa phương có những hiệp ước với nhau về vấn đề hôn nhân. Tuy nhiên các hiệu quả đó chỉ được giải quyết như vấn đề phụ hay tùy tòng chứ không như vấn đề chính của vụ án.
Can. 1672 
In causis de matrimonii nullitate, quae non sint Sedi Apostolicae reservatae, competentia sunt: 
1° tribunal loci in quo matrimonium celebratum est; 
2° tribunal loci in quo alterutra vel utraque pars domicilium vel quasi-domicilium habet; 
3° tribunal loci in quo de facto colligendae sunt pleraeque probationes.
Điều 1672
Đối với những vụ án về sự bất thành của hôn nhân mà Tông Tòa không dành riêng cho mình, thì các tòa án có thẩm quyền là:
10 Tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;
20 Tòa án tại nơi mà một hoặc cả hai bên có cư sở hay bán cư sở;
30 Tòa án tại nơi mà trong thực tế phải thu thập được phần lớn các chứng cứ.
 
 
Điều 1672 quy định về thẩm quyền tòa án, được đổi mới so với điều 1673 cũ. Thẩm quyền tòa án được mở rộng hơn, do giảm bớt đi những hạn chế liên quan đến quyền của Đại Diện tư pháp nơi bị đơn có cư sở. Theo luật mới này, thẩm phán nơi nguyên đơn không phải xin phép Đại Diện tư pháp bên bị đơn nữa. Từ nay tòa án địa phương nơi nguyên đơn hay bị đơn đều có quyền nhận đơn, miễn là họ có cư sở hay bán cư sở tại đó.
Theo luật, cư sở hay bán cư sở thủ đắc được do ý định ở hoặc do thời gian cư ngụ. Luật quy định thời gian cư ngụ là 3 tháng cho bán cư sở và 5 năm cho cư sở (đ. 102). Ý định thuộc bên trong tâm hồn nhưng cũng có thể có những dấu chỉ rằng người đó sẽ tạm trú hay sẽ cư ngụ lâu dài. Ví dụ như người đến một nơi có ý định cư ngụ trên 5 năm, biểu hiện bằng việc mua nhà mới. Người này tuy mới sống được vài tháng, chưa đủ 5 năm, nhưng cũng đã thủ đắc được cư sở tại đó, do có ý định.
Việc có được cư sở hay bán cư sở là kiểu thủ đắc tự động theo luật chứ không theo kiểu được ban phát bởi giáo quyền. Nó thường bị hiểu lầm là phải có sự đăng ký nhập tịch vào một giáo xứ hay giáo phận, hoặc phải trình diện với cha sở để ghi vào sổ sách. Một người, nếu đã được thủ đắc cư sở hay bán cư sở theo quy tắc luật, thì người ấy có những quyền lợi và nghĩa vụ mà luật chỉ định. Vì vậy, ngay cả khi tạm trú đã được ba tháng trong một giáo xứ hay giáo phận, người ấy thủ đắc được bán cư sở và tòa án giáo phận đó có thẩm quyền xử vụ án hôn nhân của người này.[1]
Điều 1672 số 3 quy định tòa án giáo phận của nơi mà trong thực tế phải thu thập được phần lớn các chứng cứ. Nơi đó có thể là nơi mà cha mẹ và bà con của các bên đang ở, là nơi có nhiều nhân chứng, mặc dù đôi bạn đó cư ngụ và kết hôn ở những giáo phận khác.
Luật mới, điều 1672, đưa ra ba điều kiện về thẩm quyền của tòa án xét xử. Ba thẩm quyền này thì ngang nhau. Người xin kháng nghị hôn nhân có quyền nộp đơn ở bất cứ ở thẩm quyển nào để được xét xử, miễn là vẫn hết sức duy trì nguyên tắc “gần gũi” giữa thẩm phán và các bên để giảm thiểu chi phí.[2]
Theo nguyên tắc luật, trong trường hợp có hai tòa án cùng nhận xử cùng một vụ hôn nhân, do hai bên đều nộp đơn ở hai tòa án khác nhau, ví dụ như chồng nộp đơn tòa án ở giáo phận A mà vợ nộp đơn ở giáo phận B, thì hôn nhân của họ chỉ được xét xử trong một tòa án mà thôi (đ. 1414). Khi có nhiều tòa án có thẩm quyền cùng nhận đơn thì tòa nào đã triệu tập các bên trước thì tòa ấy có quyền xét xử vụ án (đ. 1415).
Sau khi kết thúc vụ án với một thời gian bất kể bao lâu, nếu thấy có một nền tảng nào đó có thể giải quyết cho họ, tòa án cũng có thẩm quyền xét xử lại vụ án. Điều này dựa trên nguyên tắc: vụ án liên quan đến tình trạng nhân thân, như kết hôn, chức thánh, khấn dòng…, thì không bao giờ thành vấn đề quyết tụng (đ.1643), nghĩa là, vụ án không coi như đã hoàn toàn xử xong, hoặc không bị coi như đã được quyết định hoàn toàn xong, hoặc không bị coi là không còn quyền khiếu nại (đ.1641, 1642).
Trong trường hợp khi thẩm phán nhận xử vụ án mà không có danh nghĩa nào trong ba danh nghĩa theo điều 1672 này thì thẩm phán được coi là vô thẩm quyền. Tuy nhiên, đây chỉ là vô thẩm quyền tương đối. Bản án xử bởi thẩm phán vô thẩm quyền tương đối thì vẫn có giá trị (đ. 1407§2). Khi xử bởi thẩm phán vô thẩm quyền tuyệt đối thì bản không có giá trị (đ. 1406). Sự “vô thẩm quyền tuyệt đối” được nhận biết khi có luật quy định một cách “minh nhiên” là như vậy (xem thêm điều 10 về luật bãi hiệu hay bãi năng). Ví dụ như điều 1440, minh nhiên quy định “… thì thẩm phán tuyệt đối vô thẩm quyền”. Hoặc điều 1406 nói: “…, các thẩm phán khác tuyệt đối không có thẩm quyền”.
Khi nhận được xử bởi thẩm phán vô thẩm quyền tương đối, tức là thẩm phán không có được danh nghĩa nào trong ba danh nghĩa mà điều 1672 đã quy định, thì bị đơn có thể khước biện để phản đối. Tuy nhiên, khước biện phải được giải quyết trước giai đoạn đối tụng (đ. 1459§2), nghĩa là trước giai đoạn thiết lập thể thức nghi vấn. Nếu khước biện này đưa ra sau đó hoặc vào lúc kháng án thì không được nhận xét xử.
Can. 1673 
§ 1. In unaquaque dioecesi iudex primae instantiae pro causis nullitatis matrimonii iure expresse non exceptis est Episcopus dioecesanus, qui iudicialem potestatem exercere potest per se ipse vel per alios, ad normam iuris.
§ 2. Episcopus pro sua dioecesi tribunal dioecesanum constituat pro causis nullitatis matrimonii, salva facultate ipsius Episcopi accedendi ad aliud dioecesanum vel interdioecesanum vicinius tribunal.
§ 3. Causae de matrimonii nullitate collegio trium iudicum reservantur. Eidem praeesse debet iudex clericus, reliqui iudices etiam laici esse possunt.
§ 4. Episcopus Moderator, si tribunal collegiale constitui nequeat in dioecesi vel in viciniore tribunali ad normam § 2 electo, causas unico iudici clerico committat qui, ubi fieri possit, duos assessores probatae vitae, peritos in scientiis iuridicis vel humanis, ab Episcopo ad hoc munus approbatos, sibi asciscat; eidem iudici unico, nisi aliud constet, ea competunt quae collegio, praesidi vel ponenti tribuuntur.
§ 5. Tribunal secundae instantiae ad validitatem semper collegiale esse debet, iuxta praescriptum praecedentis § 3.
§ 6. A tribunali primae instantiae appellatur ad tribunal metropolitanum secundae instantiae, salvis praescriptis cann. 1438-1439 et 1444.
 
Điều 1673
§1. Trong mỗi giáo phận và cho những vụ án bất thành của hôn nhân mà không bị luật minh nhiên loại trừ, thẩm phán của tòa án cấp một là Giám Mục giáo phận, ngài có thể đích thân hay nhờ những người khác thi hành quyền xét xử, chiếu theo qui tắc của luật.
§2. Trong giáo phận Giám Mục phải thiết lập tòa án giáo phận để xử những vụ án bất thành của hôn nhân miễn là vẫn giữ nguyên năng quyền của Giám Mục đó được xúc tiến tại một tòa án giáo phận lân cận hoặc liên giáo phận.
§3. Những vụ án về sự bất thành của hôn nhân phải được dành cho hiệp đoàn gồm ba thẩm phán. Chánh án tòa hiệp đoàn phải là giáo sĩ; những vị còn lại cũng có thể là giáo dân.
§ 4. Giám mục có trách nhiệm, nếu không thể thiết lập tòa án hiệp đoàn trong giáo phận hay trong giáo phận lân cận được chọn theo quy tắc của §2, phải ủy thác những vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời hai hội thẩm có đời sống liêm khiết, thành thạo trong khoa luật pháp hay nhân văn, được Giám Mục chuẩn nhận cho nhiệm vụ này; vị thẩm phán duy nhất có thẩm quyền thi hành những chức năng dành cho hiệp đoàn, cho vị chánh án hay cho báo cáo viên, trừ khi rõ ràng là trái ngược.
§ 5. Để được hữu hiệu, tòa án cấp hai luôn luôn phải là hiệp đoàn, theo như quy định của §3 nói trên.
§6. Việc kháng án được thực hiện từ tòa án cấp một lên tòa án cấp hai của Tổng Giám Mục giáo tỉnh, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của những điều 1438-1439 và 1444.
 

Điều 1673§1 xác định quyền tư pháp riêng, trọn vẹn của Giám Mục giáo phận trong Giáo Hội địa phương. Ngài có thể đích thân xét xử vụ án hoặc nhờ những người khác thi hành quyền xét xử (Đại Diện tư pháp, các thẩm phán).
Tuy nhiên, khi sử dụng quyền tư pháp, Giám Mục cũng phải theo những quy tắc của luật tố tụng thì bản án mới có giá trị. Nếu Giám Mục, hoặc vị đại diện ngài như cha Tổng Đại Diện, hoặc một linh mục được ủy nhiệm, đứng ra xét xử vụ án vô hiệu hôn nhân theo một thủ tục nào đó tùy ý, hoặc theo thủ tục hành pháp thì bản án không có hiệu lực. Ví dụ Đức Giám Mục ủy thác một vụ án vô hiệu hôn nhân cho cha Tổng Đại Diện. Sau khi điều tra, cha Tổng Đại Diện ra sắc lệnh hay ra bản án tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Bản tuyên bố này không có hiệu lực, vì ít nhất trong thủ tục đã không có sự tham dự của bảo hệ viên, người đưa ra ý kiến bảo vệ cho dây hôn phối, chống lại sự tháo gỡ.
Luật mới có nói đến thủ tục tư pháp (không phải là hành pháp) ngắn gọn hơn trước Giám Mục (đ.1683-1687). Điều này không có nghĩa là bây giờ Giáo luật mới ban cho Giám Mục quyền tư pháp hay quyền thẩm phán. Giám Mục giáo phận, do chính chức vụ của ngài, đã có quyền xét xử tư pháp. Trong các vụ án thông thường ngài ủy thác cho Đại Diện tư pháp và các thẩm phán xét xử. Tuy nhiên, đối với thủ tục mới ngắn gọn, được xử bởi một thẩm phán trong thời gian rất ngắn có thể bị lạm dụng hay luật bị lơi lỏng, luật có ý buộc Giám Mục phải đứng ra làm thẩm phán để bảo đảm cho vụ án được xét xử đúng đắn, nghiêm chỉnh.
Điều 1673§2 quy định một điều mới là ban cho Giám mục “năng quyền” (facoltà, faculty) xúc tiến (accelere) vụ án vô hiệu hôn nhân tại giáo phận khác. Trong khi đó, theo nguyên tắc chung của tố tụng, một tòa án chỉ có quyền được yêu cầu tòa án khác giúp thẩm vấn (đ. 1418). Theo luật mới riêng cho vụ án vô hiệu hôn nhân, khi Giám Mục không thể thiết lập tòa án trong giáo phận thì ngài có năng quyền liên hệ với tòa giáo phận bên cạnh hay liên giáo phận để tiến hành vụ án. Và vì ngài có năng quyền nên tòa án giáo phận khác cũng phải tôn trọng để tiến hành xét xử giúp. Trong trường hợp này Giám Mục giáo phận cần viết một sắc lệnh (văn thư) ủy thác thẩm quyền mình cho tòa án giáo phận hay liên giáo phận ở lân cận để xử giúp vụ án. Sự ủy quyền này có thể là quyền tổng quát cho nhiều vụ án hoặc cho từng vụ án.[3]
Tuy nhiên, Tòa Thánh vẫn đòi hỏi, nếu trong các giáo phận không có tòa án riêng, Giám Mục phải lo liệu càng sớm càng tốt để đào tạo những nhân sự có khả năng làm việc trong tòa án, kể cả qua những khóa đào tạo thường xuyên và liên tục.[4]
Những nhân sự có khả năng này có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán không, trong khi điều 1421§3 có quy định: “Các thẩm phán phải có thanh danh và có bằng tiến sĩ hay ít nhất là cử nhân giáo luật”? Đã có lầm tưởng rằng, chỉ có những người có văn bằng bằng tiến sĩ hay ít nhất là cử nhân giáo luật mới được bổ nhiệm làm thẩm phán. Hệ quả sự hiểu lầm này là có những Giáo phận không dám thiết lập tòa án hôn phối vì không có nhân sự có văn bằng như luật đòi hỏi.
Thực ra, quy định của điều 1421§3 nói trên không là một điều bắt buộc. Nó chỉ là một đòi hỏi, một sự cần thiết, hay một điều nên có. Động từ "phải có" được dịch từ chữ sint trong câu văn Latin là một động từ ở bàng thái cách hay giả định cách (subjunctive mood), không biểu tỏ một sự xác định hay bắt buộc.
Tuy nhiên, quy định có bằng tiến sĩ hay ít nhất là cử nhân giáo luật lại là điều bắt buộc đối với chức vụ Đại diện tư pháp hay phó Đại diện tư pháp. Điều 1420§4 quy định: "Đại diện tư pháp cũng như các phó đại diện tư pháp phải là tư tế có thanh danh có bằng tiến sĩ hay ít nhất cử nhân Giáo luật, và không dưới ba mươi tuổi". Động từ "phải là" được dịch từ chữ esse debent trong câu văn Latin ở thể chỉ định cách (indicative mood), biểu tỏ một sự bắt buộc. Sự vi phạm quy định này là lỗi luật. Tuy vậy, nếu có vi phạm thì cũng không làm cho sự bổ nhiệm vào chức vụ này vô hiệu, do đây không là một luật bãi hiệu hay bãi năng (đ.10).
Điều 1673§3 vẫn giữ nguyên quy định tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán để xử vụ án vô hiệu hôn nhân (đ.1425§1,1,b). Tuy nhiên luật có đổi mới là cho phép Giám Mục có quyền đặt hai thẩm phán còn lại là giáo dân. Trước đây, theo luật cũ, thì HĐGM mới có quyền đó (đ. 1421).
Vị chánh án không buộc phải là Đại Diện Tư pháp, nhưng có thể là một thẩm phán giáo sỹ, điều khiển vụ án. Trong trường hợp giáo phận có nhiều hơn 3 thẩm phán, có thể luân phiên xử từng hiệp đoàn 3 thẩm phán cho mỗi vụ, trong đó có một thẩm phán giáo sỹ được cử làm chánh án.
Trong các thủ tục khởi sự vụ án, Đại Diện tư pháp phải thiết lập tòa án hiệp đoàn với tên những thẩm phán (đ.1676§3) được ghi trong sắc lệnh thiết lập thể thức nghi vấn. Điều này cũng có ý là cho các bên biết để họ có thể thực hiện quyền khước biện, chống lại thẩm phán nào vô thẩm quyền (ví dụ thẩm phán có cùng huyết tộc hay thân thiết với một bên kiện, xem đ. 1448).
Điều 1673§4 cho phép Giám Mục giáo phận, khi không thể lập tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán, được quyền thiết lập tòa án một thẩm phán duy nhất để xét xử vụ án vô hiệu hôn nhân. Thẩm phán này phải là giáo sĩ, không được là giáo dân, được chỉ định tổng quát chung cho tất cả các vụ án hoặc riêng cho từng vụ án một. Nếu có thể được, ngài bổ nhiệm thêm hai hội thẩm (assessor) để phụ giúp.
Cũng nên phân biệt, theo nguyên tắc của tố tụng chung cho các loại vụ án, thì khi không thể thiết lập tòa án hiệp đoàn, Hội Đồng Giám Mục mới có thẩm quyền cho phép Giám Mục lập tòa án một thẩm phán giáo sĩ duy nhất ở cấp I, và có thể bổ nhiệm thêm một hội thẩm (assessor) và một dự thẩm (auditor) phụ giúp (đ.1425§4). Thẩm quyền được thiết lập một thẩm phán duy nhất của Giám Mục theo luật mới chỉ áp dụng cho vụ án vô hiệu hôn nhân mà thôi. Còn đối với các vụ án khác mà luật quy định phải xử với tòa án hiệp đoàn thì không áp dụng được. Ví dụ, vụ án về dây ràng buộc do chức thánh, hoặc vụ án phạt sa thải ra khỏi hàng giáo sĩ, hoặc tuyên bố hay tuyên kết vạ tuyệt thông, thì phải được xử bởi tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán (đ. 1425).
Nhiệm vụ của hội thẩm không được Giáo Luật định rõ là gì. Theo luật tòa án dân sự thông thường thì hội thẩm không là thẩm phán nhưng là người có chuyên môn, có thể giúp thẩm phán thẩm vấn, thu thập chứng cứ và có thể quyết định một số thủ tục. Hội thẩm có thể giúp góp ý kiến về vụ án nhưng không có vai trò quyết định bản án như thẩm phán. Hội thẩm có thể là giáo sĩ hay giáo dân.
Điều 1673§5 buộc tòa án cấp hai xử vụ án hôn nhân phải là tòa án hiệp đoàn, cho dù cấp I đã được xử bởi một thẩm phán duy nhất. Nếu không xử bởi tòa án hiệp đoàn, sự xét xử ở cấp II là không hữu hiệu hay vô giá trị (null). Thẩm phán duy nhất mà xử cấp kháng án thì được coi là thẩm phán vô thẩm quyền tuyệt đối.
Điều 1673§6 quy định việc kháng án được thực hiện từ tòa án cấp một lên tòa án cấp hai của Tổng Giám Mục giáo tỉnh. Các tòa kháng án, như Tòa Tổng Giám Mục phải tổ chức được tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán.
Để giải quyết vấn đề Tòa Tổng Giám Mục giáo tỉnh không đủ nhân sự để tổ chức được tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán, HĐGM có thể thiết lập một hay nhiều tòa cấp II với sự chuẩn y của Tông Tòa để xử kháng án cho nhiều tòa án giáo phận khác nhau trong nhiều giáo tỉnh (đ. 1439§2).
Tổng Giám Mục, cũng có thể với sự đồng ý của các Giám mục trong giáo tỉnh, xin Tông Tòa được chỉ định một tòa án khác trong hay ngoài giáo tỉnh, cách cố định, đảm nhận xét xử kháng án cấp II cho các vụ án trong các giáo phận thuộc giáo tỉnh.
Từ một tòa án cấp I liên giáo phận, được thiết lập bởi nhiều Giám Mục với sự chuẩn y của Tông Tòa (đ. 1423), kháng án lên tòa cấp II được HĐGM thiết lập với sự chuẩn y của Tông Tòa, trừ khi các giáo phận này đều ở trong cùng một tổng giáo phận (đ. 1439§1).
Từ tòa Tổng Giám Mục giáo tỉnh kháng án lên tòa mà Tổng Giám Mục chỉ định cách cố định với sự chuẩn y của Tông Tòa (đ. 1438§2).
Về thẩm quyền của tòa cấp II, phải theo nguyên tắc của điều 1438 và 1439. Nếu không theo, thẩm phán tuyệt đối vô thẩm quyền (đ. 1440). Bản án do thẩm phán đó sẽ không có giá trị.
 
TIẾT 2
QUYỀN KHÁNG NGHỊ HÔN NHÂN
Art. 2 - De iure impugnandi matrimonium
Can. 1674 
§ 1. Habiles sunt ad matrimonium impugnandum: 
1° coniuges; 
2° promotor iustitiae, cum nullitas iam divulgata est, si matrimonium convalidari nequeat aut non expediat.
§ 2. Matrimonium quod, utroque coniuge vivente, non fuit accusatum, post mortem alterutrius vel utriusque coniugis accusari non potest, nisi quaestio de validitate sit praeiudicialis ad aliam solvendam controversiam sive in foro canonico sive in foro civili.
§ 3. Si autem coniux moriatur pendente causa, servetur can. 1518.
 
Điều 1674
§1. Những người có năng cách kháng nghị hôn nhân là:
10 những người phối ngẫu;
20 công tố viên, khi sự bất thành của hôn nhân đã trở thành công khai, nếu hôn nhân không thể thành sự hóa, hoặc không thích hợp nếu thành sự hóa.[5]
§ 2. Hôn nhân nào đã không bị kháng nghị khi hai người phối ngẫu còn sống, thì cũng không thể kháng nghị khi một trong hai bên hay cả hai đã chết, trừ khi vấn đề thành sự của hôn nhân là vấn đề tiên quyết để giải quyết một cuộc tranh tụng khác hoặc ở tòa án Giáo Hội hoặc ở tòa án dân sự.[6]
§ 3. Nhưng nếu một người phối ngẫu chết trong khi vụ án chưa ngã ngũ, thì phải giữ điều 1518.
 
 
Điều 1674§1 quy định chỉ có người vợ hay người chồng đã kết hôn với nhau và công tố viên mới có quyền thỉnh cầu tòa án xử vụ án vô hiệu của hôn nhân.
Một người lương (không được rửa tội) hay tân tòng có thể kháng nghị hôn nhân của mình trước tòa án Giáo Hội không? -Thông thường Giáo Hội không xét xử hôn nhân giữa hai người lương. Tuy nhiên, nếu người ấy xin, vì lý do liên quan đến hôn nhân Công Giáo sau đó thì Tòa án Giáo Hội vẫn nhận xét xử.[7] Ví dụ như trường hợp một người lương đã có vợ người lương và họ đã ly dị, anh ta có thể xin tòa án Giáo Hội công bố sự bất thành hôn nhân của mình, để có thể tiến tới kết hôn hay thành sự hóa hôn nhân với người nữ Công Giáo với miễn chuẩn khác đạo.
 Điều 1674 quy định công tố viên có năng cách kháng nghị một hôn nhân khi sự bất thành đã trở thành công khai (nullitas iam divulgata est). Chữ “công khai” (divulgata) này thì khác ý nghĩa với chữ “công khai” (publicum) trong khái niệm ngăn trở công khai (impedimentum publicum). Một ngăn trở công khai có nghĩa là ngăn trở có thể chứng minh ở tòa ngoài, nghĩa là, có thể chỉ có một vài người biết và có thể chứng minh. Nếu không thể chứng minh ở tòa ngoài, ngăn trở đó gọi là kín ẩn (occultum). Trong khi đó, sự bất thành đã trở thành công khai (divulgata) có nghĩa là đã được loan truyền cho nhiều người biết. Vì vậy, nếu chỉ có một số ít người biết và có thể chứng minh một hôn nhân vô hiệu cũng chưa đủ điều kiện để công tố viên kháng nghị hôn nhân đó.
Cũng chú ý là luật chỉ đưa ra một quyền hay năng cách chứ không đòi buộc công tố viên phải kháng nghị hôn nhân. Vì vậy, chỉ nên thực hiện kháng nghị hôn nhân khi công tố viên thấy có hại đến công ích. Đôi khi có trường hợp hôn nhân đã được cử hành bình thường và mọi người tưởng là đã thành sự. Đôi vợ chồng vẫn giữ đạo, chịu các bí tích như bình thường. Nhưng sau đó, có loan tuyền cho biết đôi này có ngăn trở khiến hôn nhân không thành sự, ví dụ như một bên đã có dây hôn phối, hoặc có mối liên hệ huyết tộc. Nếu để tình trạng như vậy, giáo dân thấy đôi này sống nghịch lại với Giáo luật, gây nguy hại cho công ích, công tố viên nên kháng nghị hôn nhân, để buộc họ phải chia tay. Nếu họ không chịu chia tay, sống rối hôn nhân, họ phải chịu chế tài bởi luật là không được rước lễ (đ. 915).
Khi nào thì hôn nhân có thể hoặc không thể thành sự hóa (thành sự hóa đơn thuần, đ. 1156-1160; hoặc điều trị tại căn, đ. 1161-1165)?
Có thể thành sự hóa nếu hôn nhân bị thiếu thể thức Giáo Luật hay vướng ngăn trở tiêu hôn mà theo nguyên tắc luật là ngăn trở đó có thể được miễn chuẩn. Hôn nhân đó có thể được thành sự hóa đơn thuần bằng việc miễn chuẩn ngăn trở và làm lại sự ưng thuận kết hôn; hoặc có thể được điều trị tại căn, bao hàm việc chuẩn ngăn trở và thể thức mà không làm lại sự ưng thuận kết hôn (đ. 1161-1165). Ví dụ hôn nhân đã bị vô hiệu do có ngăn trở dị giáo và thiếu thể thức giáo luật, do chỉ có kết hôn dân sự.
Không thể thành sự hóa nếu như hôn nhân bị vướng ngăn trở mà ngăn trở đó theo luật quy định là không thể được miễn chuẩn. Ví dụ như ngăn trở: dây hôn phối, họ máu hàng dọc, thì không thể được miễn chuẩn để được thành sự hóa hôn nhân.
Không thích hợp nếu thành sự hóa có ý nghĩa như thế nào?
Đó là trường hợp mà theo quy tắc của luật thì có thể được thành sự hóa nhưng không thích hợp vì chưa đủ điều kiện mục vụ tốt hay chưa đáp ứng đủ yêu cầu của giáo luật để thành sự hóa. Hãy thử xét đến vấn đề miễn chuẩn và điều trị tại căn hôn phối. Để được miễn chuẩn thì phải có lý do chính đáng. Nếu Đấng Bản Quyền nhận thấy là không có đủ lý do chính đáng để miễn chuẩn thì ngài có thể từ chối (đ.90). Để được điều trị tại căn thì phải biết chắc là đôi bên muốn duy trì đời sống vợ chồng. Nếu thấy không chắc chắc là họ muốn duy trì đời sống vợ chồng thì không cho điều trị tại căn (đ. 1161§3).
 
TIẾT 3
KHỞI SỰ VÀ THẨM CỨU VỤ ÁN[8]
Art. 3 - De causae introductione et instructione
Can. 1675. 
Iudex, antequam causam acceptet, certior fieri debet matrimonium irreparabiliter pessum ivisse, ita ut coniugalis convictus restitui nequeat.
 
Điều 1675.
Trước khi nhận xét xử vụ án, thẩm phán phải chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng.
 
Điều 1675 đổi mới quy định của điều 1676 cũ. Theo luật cũ, trước khi nhận đơn, nếu có hy vọng đạt kết quả tốt, thẩm phán phải khuyên nhủ vợ chồng tái lập đời sống chung nếu có thể được. Theo đó, tuy hôn nhân đã đỗ vỡ và nếu vợ chồng có thể tái lập đời sống chung mà một bên vẫn không chịu nghe theo lời khuyên nhủ, thì hôn nhân cũng có thể được nhận xử. Luật mới quy định một cách rõ ràng hơn, là chỉ nhận xét xử vụ án khi chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng. Luật mới có ý bảo trì đời sống hôn nhân cách mạnh mẽ hơn.
Cũng nên phân biệt là luật không quy định khi hôn nhân tan vỡ tới mức độ hoàn toàn mới được nhận xử, nhưng chỉ quy định tới một cách thức mà (in modo che, such that), hoặc đến nỗi mà, không thể tái lập đời sống chung.
Một số hoàn cảnh khách quan không thể tái lập đời sống chung được thấy như: một trong hai vợ chồng đã tái hôn; xa cách địa lý như ở một quốc gia khác; khác biệt quá sức về tính tình hay cách sống được thể hiện qua những tật xấu (rượu chè, cờ bạc, rối loạn nhân cách…); bị thiếu sự phán đoán trầm trọng về nghĩa vụ trao ban cho nhau (đ. 1095,2; bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân (đ.1095,3); bị sốc tâm lý không thể tha thứ tội ngoại tình hay loạn luân nên không thể tái lập đời sống chung…
Can. 1676 
§ 1. Recepto libello, Vicarius iudicialis si aestimet eum aliquo fundamento niti, eum admittat et, decreto ad calcem ipsius libelli apposito, praecipiat ut exemplar notificetur defensori vinculi et, nisi libellus ab utraque parte subscriptus fuerit, parti conventae, eidem dato termino quindecim dierum ad suam mentem de petitione aperiendam.
§ 2. Praefato termino transacto, altera parte, si et quatenus, iterum monita ad suam mentem ostendendam, audito vinculi defensore, Vicarius iudicialis suo decreto dubii formulam determinet et decernat utrum causa processu ordinario an processu breviore ad mentem cann. 1683-1687 pertractanda sit. Quod decretum partibus et vinculi defensori statim notificetur.
§ 3. Si causa ordinario processu tractanda est, Vicarius iudicialis, eodem decreto, constitutionem iudicum collegii vel iudicis unici cum duobus assessoribus iuxta can. 1673, § 4 disponat.
§ 4. Si autem processus brevior statutus est, Vicarius iudicialis agat ad normam can. 1685.
§ 5. Formula dubii determinare debet quo capite vel quibus capitibus nuptiarum validitas impugnetur.
 
Điều 1676
§1. Sau khi nhận đơn thỉnh cầu (libellus), nếu xét thấy đơn có một nền tảng nào đó, thì Đại Diện tư pháp phải chấp đơn và, bằng một sắc lệnh đính kèm ở cuối chính đơn này, truyền gửi một bản sao để thông báo cho bảo hệ viên và, nếu đơn không được cả hai bên ký tên, thì thông báo cho bị đơn và cho người ấy thời hạn mười lăm ngày để bày tỏ ý kiến của mình về điều thỉnh cầu.
§2. Quá thời hạn nêu trên, sau khi đã nhắc nhở một lần nữa cho bên kia bày tỏ ý kiến nếu thấy thích hợp, và sau khi đã nghe ý kiến của bảo hệ viên, Đại Diện tư pháp phải ra sắc lệnh xác định thể thức nghi vấn và quyết định vụ án phải được xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục ngắn gọn hơn theo những điều 1683-1687. Sắc lệnh này phải lập tức được thông báo cho các bên và cho bảo hệ viên.
§3. Nếu định xử vụ án theo thủ tục thông thường, Đại Diện Tư Pháp, cũng với sắc lệnh đó, thu xếp việc thiết lập thẩm phán đoàn hoặc một thẩm phán duy nhất với hai hội thẩm theo quy định của điều 1673§4.
§4. Tuy nhiên, nếu định xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, Đại Diện Tư Pháp tiến hành chiếu theo qui tắc của điều 1685.
§5. Thể thức nghi vấn phải xác định xem hôn nhân thành sự bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào.
 
 
Điều 1676§1 quy định Đại Diện tư pháp phải chấp đơn nếu xét đơn thấy, ngoài vấn đề thẩm quyền của tòa án và quyền kháng nghị hôn nhân, có nền tảng nào đó, nghĩa là, thấy có những sự kiện nào đó cách sơ khởi rằng vụ án có lý do mà theo nguyên tắc luật nó có thể khiến hôn nhân vô hiệu. Ví dụ như bị sợ hãi (đ.1103), lầm lẫn (đ. 1097), thiếu phán đoán (đ. 1095,20), simulatio (đ. 1101§2)… khi kết hôn.
Trong thực tế Việt Nam, vì người tín hữu còn không hiểu biết nhiều về lý do có thể khiến hôn nhân vô hiệu, khi tư vấn, thẩm phán cần hỏi về hôn nhân của họ trong nhiều khía cạnh hay sự kiện khác nhau, thì mới có thể giúp họ để tìm ra những lý do, làm nền tảng cho việc đệ đơn và chấp đơn. Việc giúp này không có nghĩa là giúp họ làm việc xấu, là chống lại sự bất khả phân ly của một hôn nhân hữu hiệu, nhưng là giúp họ chứng minh cho một hôn nhân vô hiệu mà nay họ là một nạn nhân. Bản nguyên tắc áp  dụng tự sắc Mitis Iudex, khoản 2, hướng dẫn thực hiện “việc điều tra tiền-tư-pháp hay mục vụ, bao gồm việc tiếp đón trong khung cảnh giáo xứ hay giáo phận những tín hữu đã ly thân hay ly dị mà có nghi ngờ hay xác tín hôn nhân của họ bất thành, là nhằm để biết tình trạng hôn phối của họ và để thu thập những yếu tố hữu ích cho việc tiến hành tố tụng hôn nhân nếu cần, hoặc theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục ngắn gọn. Việc điều tra sơ khởi này được thực hiện theo chương trình mục vụ hôn nhân đồng nhất trong giáo phận”.
Điều 1676§1 quy định Đại Diện tư pháp phải ra sắc lệnh đính kèm ở cuối chính cái đơn thỉnh cầu và, truyền lệnh gởi bản copy cho bảo hệ viên. Do đó, trong mẫu đơn thỉnh cầu (libellus) do tòa án soạn thảo, nên có phần dành riêng cho tòa án ở cuối đơn xin, có ghi sẵn lệnh truyền của Đại Diện tư pháp và chỗ ký tên. Trong trường hợp, nếu là đơn do nguyên đơn tự biên soạn, và nếu có bất tiện nếu buộc nguyên đơn phải viết lại đơn theo mẫu, thì Đại Diện tư pháp cũng có thể chấp đơn đó và viết tay lệnh này vào cuối đơn xin và ký tên.
Đại Diện tư pháp cũng phải ra một sắc lệnh chấp đơn, trong đó có lệnh triệu tập bên bị đơn, nếu bị đơn đã không cùng ký đơn (đ. 1507, 1508). Bản sao của đơn thỉnh cầu được đính kèm với sắc lệnh đó như điều 1508 §2 đã có quy định: Đơn khởi tố phải đính kèm với lệnh triệu tập, trừ khi vì những lý do quan trọng, thẩm phán nhận thấy không cần cho bị cáo biết điều đó, trước khi người này cung khai tại tòa.
Triệu tập bị đơn để làm gì? - Triệu tập ở giai đoạn đầu được hiểu là việc thẩm phán gọi đến hiện diện ở tòa án để trình bày ý kiến của mình về việc khiếu nại hay tố cáo của nguyên đơn, hoặc không gọi đến tòa án nhưng yêu cầu có ý kiến hay trả lời bằng văn bản. Triệu tập có mục đích là để cho hai bên cùng với thẩm phán thỏa thuận với nhau để xác định đối tượng chính yếu mà họ tranh tụng. Vì vậy, triệu tập có mục đích là nối kết các ý kiến tranh chấp để thiết lập đối tượng cho việc xét xử tòa án.
Theo ngôn từ của tố tụng, khi thẩm phán ra sắc lệnh ấn định thể thức nghi vấn, tức là thẩm phán thực hiện việc “đối tụng”, nghĩa là, thẩm phán ấn định những đối tượng chính yếu, được gọi là những tiêu điểm (termini)[9], hay chủ đề, hay đối tượng, của việc tranh tụng. Việc ấn định này phải được rút ra từ những lời thỉnh cầu và những phúc đáp của các bên (đ. 1513).
Triệu tập ở giai đoạn này không có nghĩa là gọi đến để thẩm vấn. Phần thẩm vấn hay thu thập chứng cứ sẽ được thực hiện ở giai đoạn kế tiếp, sau khi đã thiết lập được đối tượng tranh tụng.
Trong lệnh triệu tập, thẩm phán cho bị đơn biết về đơn và lý do kháng nghị hôn nhân của nguyên đơn; cho phép bên bị đơn có ý kiến với thời hạn là 15 ngày.
Mãn thời hạn này, hoặc nếu bị đơn không quan tâm hay không muốn đưa ra ý kiến, thì không chờ mãn thời hạn, thẩm phán dựa vào ý kiến của nguyên đơn để thiết lập đối tượng vụ án, được diễn tả bằng một thể thức nghi vấn. Ví dụ nghi vấn: “Có chắc chắn hôn nhân của anh A và chị B cử hành ngày… tại…. là vô hiệu, do anh A bị sợ hãi nghiêm trọng nên đành kết hôn với chị B để giải thoát không, chiếu theo điều 1103?”.
Sau khi đã xác định được thể thức nghi vấn, Đại Diện tư pháp quyết định vụ án phải được xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục ngắn gọn hơn theo những điều 1683-1687.
Nếu định xử vụ án theo thủ tục thông thường, thì trong cùng sắc lệnh thiết lập thể thức nghi vấn, Đại Diện tư pháp phải xác định là xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục ngắn gọn hơn và ấn định việc thiết lập tòa án với hiệp đoàn thẩm phán hoặc với một thẩm phán duy nhất. Danh sách các các thẩm phán bảo hệ viên và lục sự tham gia vụ án phải được ghi trong sắc lệnh. Sắc lệnh phải được thông báo cho các bên và bảo hệ viên.
Nếu vụ án được định xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, sau khi thiết lập thể thức nghi vấn, thì tiến hành theo điều 1685.
Điều 1676§5 quy định thể thức nghi vấn phải xác định xem hôn nhân thành sự bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào. Có nhiều lý do, được chia làm ba loại, có thể làm cho hôn nhân bị hủy tiêu: ngăn trở tiêu hôn (đ. 1083-1094), thiếu thể thức (đ.1108…) và hà tỳ ưng thuận (đ. 1095-1107). Thể thức nghi vấn, vì vậy, có thể nêu ra một lý do hoặc vài ba lý do tiêu hôn. Ví dụ đưa ra nghi vấn tiêu hôn với hai lý do: 1-sợ hãi nghiêm trọng (1103); 2-thiếu phán đoán nghiêm trọng. Chỉ cần một trong các lý do tiêu hôn được thẩm phán xác nhận là đã thực sự xảy ra thì bản án sẽ xác nhận sự vô hiệu của hôn nhân.
Thời hạn ra sắc lệnh triệu tập là trong vòng 20 ngày, sau khi nhận đơn (đ. 1507§2).
Nếu lệnh triệu tập bị đơn không được thực hiện hoặc không được thông báo cách hợp lệ, các án từ đều vô hiệu (đ.1511), do quyền bào chữa của bị đơn đã bị vi phạm.
Bị đơn nào từ chối không nhận giấy triệu tập, thì coi như đã được triệu tập cách hợp lệ (đ. 1510).
Vì vậy, ngay khi nhận đơn, thẩm phán liên lạc với bị đơn qua điện thoại, nếu bị đơn từ chối hay không quan tâm đến vụ án hoặc không có ý kiến gì cả thì cũng coi như đã được triệu tập. Thẩm phán không cần gởi sắc lệnh triệu tập cho bị đơn nữa. Khoản 13 của Quy Tắc hướng dẫn: “Nếu một bên đã tuyên bố từ chối không nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ án, thì được hiểu là đã từ chối không nhận tờ sao bản án. Trong trường hợp này, có thể chỉ trao cho người ấy phần quyết định của bản án”.
Trong thực tế, khi bị đơn là người lương hay là người tân tòng mà không có đức tin thì họ thường đã tái hôn và không quan tâm gì đến vụ án. Đại Diện tư pháp nên ghi chú sự không quan tâm và lý do vào cuối đơn thỉnh cầu, bên dưới lệnh truyền gởi bản sao cho bảo hệ viên. Khi vụ án kết thúc, có thể trao hay không cần trao phần quyết định của bản án cho bị đơn.
Trong trường hợp không tìm ra được địa chỉ hay số điện thoại của bị đơn thì phải xử lý làm sao, trong khi thỉnh cầu đơn buộc phải có địa chỉ của bị đơn, theo điều 1504? - Dignitas Connubii, Art. 13. 6 có quy định: “sau khi điều tra kỹ lưỡng mà không biết bị đơn ở đâu thì điều này phải được ghi nhận bằng văn bản trong hồ sơ vụ án”. Vì vậy, nên buộc nguyên đơn làm một văn bản trình bày hoàn cảnh lý do không tìm ra được địa chỉ hay số điện thoại bị đơn và ký nhận. Sau đó, thẩm phán xác nhận sự vắng mặt của bị đơn trong vụ án dựa trên lý do mà nguyên đơn đưa ra, và tiếp tục tiến hành vụ án. Nếu sau khi vụ án đã kết thúc, bị đơn xuất hiện và muốn kháng án, thì đương sự vẫn có tố quyền xin tiêu hủy bản án (đ. 1511).
Can. 1677 
§ 1. Defensori vinculi, partium patronis et, si in iudicio sit, etiam promotori iustitiae ius est: 1° examini partium, testium et peritorum adesse, salvo praescripto can. 1559; 2° acta iudicialia, etsi nondum publicata, invisere et documenta a partibus producta recognoscere.
§ 2. Examini, de quo in § 1, n. 1, partes assistere nequeunt.
 

Điều 1677
§1. Bảo hệ viên, các luật sư của các bên và cả công tố viên, nếu các vị này tham gia tố tụng, đều có quyền:
10 có mặt trong lúc thẩm vấn các bên, các người làm chứng và các giám định viên, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1559;
20 xem các án từ tư pháp, ngay cả khi những án từ đó chưa được công bố, và nghiên cứu các tài liệu do các bên cung cấp.
§2. Các bên không được tham dự cuộc thẩm vấn được nói đến ở 1,10.
 
 
Cách thức xử án trong Giáo Hội có khác với cách thức của xã hội dân sự. Đó là không xử án trong một buổi họp tại tòa án gồm đầy đủ các thành phần như: Các thẩm phán, Công Tố viên, Bảo Hệ viên, Hội Thẩm, Luật sư… các bên trong vụ kiện, nhân chứng …. Cũng không có sự tranh biện và dẫn chứng công khai giữa các bên tại tòa. Tiến trình vụ án Giáo Hội được diễn ra âm thầm theo từng giai đoạn. Giai đoạn thu thập chứng cứ thường phải được chấm dứt và sau đó đến giai đoạn công bố án từ (hồ sơ vụ án) để bảo hệ viên, công tố viên, luật sư và các bên có ý kiến hoặc đề nghị lấy thêm chứng cớ. Tiếp theo sau sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ là giai đoạn nghị án của các thẩm phán để có phán quyết cho vụ án. Một số trường hợp riêng biệt có thể xử theo lối khẩu biện (đ. 1656-1670), gần giống như cách thức tòa án xã hội dân sự, nhưng chúng phải được luật cho phép (đ. 1656§2). Các vụ án vô hiệu hôn nhân bị cấm xử theo lối khẩu biện (đ. 1691).
Trong vụ án hôn phối, điều 1677 quy định bảo hệ viên, các luật sư của các bên và cả công tố viên, nếu các vị này tham gia tố tụng, đều có quyền hiện diện trong lúc thẩm vấn và được xem các án từ, tức là được xem hồ sơ vụ án, ngay cả trước khi án từ được công bố.
Thẩm vấn viên phải thẩm vấn riêng biệt các bên và các nhân chứng từng người một. Các vị tham gia tố tụng nói trên có thể được tham dự để nghe thẩm vấn. Các bên không được phép nghe hay tham dự các cuộc thẩm vấn của bên kia hay của nhân chứng. Tuy nhiên, trong thủ tục ngắn gọn hơn, các bên được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia và các nhân chứng, trừ khi vì những hoàn cảnh nào đó, thẩm cứu viên xét phải tiến hành cách khác.[10]
Can. 1678 
§ 1. In causis de matrimonii nullitate, confessio iudicialis et partium declarationes, testibus forte de ipsarum partium credibilitate sustentae, vim plenae probationis habere possunt, a iudice aestimandam perpensis omnibus indiciis et adminiculis, nisi alia accedant elementa quae eas infirment.
§ 2. In iisdem causis, depositio unius testis plenam fidem facere potest, si agatur de teste qualificato qui deponat de rebus ex officio gestis, aut rerum et personarum adiuncta id suadeant.
§ 3. In causis de impotentia vel de consensus defectu propter mentis morbum vel anomaliam naturae psychicae iudex unius periti vel plurium opera utatur, nisi ex adiunctis inutilis evidenter appareat; in ceteris causis servetur praescriptum can. 1574.
§ 4. Quoties in instructione causae dubium valde probabile emerserit de non secuta matrimonii consummatione, tribunal potest, auditis partibus, causam nullitatis suspendere, instructionem complere pro dispensatione super rato, ac tandem acta transmittere ad Sedem Apostolicam una cum petitione dispensationis ab alterutro vel utroque coniuge et cum voto tribunalis et Episcopi.
 
Điều 1678
§1 Trong những vụ án hôn nhân bất thành, lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, mà sự đáng tin của họ cũng có thể được cũng cố bởi các nhân chứng, có thể được thẩm phán đánh giá là có hiệu lực chứng minh đầy đủ, sau khi vị này đã cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố cũng cố, miễn là không có những yếu tố khác phủ định chúng.
§2. Trong những vụ án này, lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn, nếu đó là một nhân chứng có phẩm cách cung khai về những điều được thực hiện theo chức vụ của mình, hoặc những sự kiện về người và sự việc gợi lên điều ấy.
§3. Trong những vụ án về sự bất lực hay về hà tì ưng thuận do bệnh tâm thần hoặc do những bất thường thuộc bản chất tâm lý, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết; còn trong những vụ án khác, phải giữ những quy định của điều 1574.
§4. Mỗi khi thẩm cứu vụ án mà thấy có một nghi vấn rất hữu lý về hôn nhân bất hoàn hợp, sau khi nghe ý kiến các bên, tòa án có thể đình hoãn vụ án về sự bất thành, bổ túc việc thẩm cứu để xin miễn chuẩn hôn nhân thành nhận, và sau đó chuyển những án từ đến Tông Tòa, kèm theo đơn xin miễn chuẩn của một hay của hai người phối ngẫu, cùng với ý kiến của Tòa án và của Giám Mục.
 
 
Điều 1678 nêu ra những yếu tố cần thiết để giúp thẩm phán đánh giá sự xác thực của những lời tự thú tư pháp và của lời khai của các bên, của các nhân chứng khi thẩm vấn thu thập các chứng cứ.
Lời tự thú tư pháp được điều 1535 định nghĩa: “Lời tự thú tư pháp là lời thú nhận rằng một sự kiện liên quan đến chính đối tượng của vụ án đi ngược lại quyền lợi riêng mình, do một bên nói miệng hoặc viết trên giấy tờ, hoặc tự ý do thẩm phán hỏi cung, trước mặt thẩm phán có thẩm quyền”. Vì lời tự thú đi ngược lại quyền lợi riêng mình, và nếu nó không liên quan đến công ích, thì miễn chuẩn cho các đương sự khác khỏi phải trưng dẫn chứng cớ (đ.1536§1).
Điều 1678 mới này đặt chung vào một điều khoản lời tự thú tư pháp và lời khai các bên. Lời khai các bên, vì vậy được luật mới đẩy mạnh giá trị tin tưởng hơn,[11] do lời khai nhân chứng để giúp xác thực của lời khai của các bên trong vụ án là điều không bắt buộc phải có. Nếu có được các nhân chứng cũng cố sự xác thực thì càng tốt nhưng trong những trường hợp khó khăn khiến không có nhân chứng thì lời khai hay lời tự thú tư pháp cũng có thể là đủ để chứng minh, miễn là thẩm phán đã thẩm định theo những quy tắc luật.
Luật quy định điều cần thiết để đánh giá sự thật là thẩm phán phải cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố mà thấy chúng giúp cũng cố sự xác thực và miễn là không thấy có những yếu tố nào khác phủ nhận chúng, nghĩa là không thấy có những điều sai lạc, bất hợp lý, bất tương hợp giữa các sự kiện… . Chú ý là những yếu tố “phủ nhận chúng” nói trong quy tắc luật này không có ý nghĩa phủ nhận một cách mạnh mẽ như “bác bỏ”, “phi bác”… Bản Latin dùng chữ eas infirment có nghĩa là làm chúng yếu đi (weeken them). Vì vậy, khi thấy có những yếu tố phủ định nào đó, như thấy điều gì chưa hợp lý, hồ nghi tích cực thì thẩm phán không được phép xác định được giá trị chứng minh đến mức “đầy đủ” của lời khai.
Ở một cực, nếu một thẩm phán tự quy định rằng: lời khai là có giá trị chứng minh đầy đủ chỉ khi nào thấy có những sự kiện khác phủ nhận ngược lại một cách mạnh mẽ hay rõ ràng, thì thẩm phán này đã lơi lỏng hay dễ dãi trong việc xác nhận giá trị chứng minh của lời khai. Ở cực khác, nếu một thẩm phán tự quy định rằng: lời khai là có giá trị chứng minh đầy đủ chỉ khi nào không còn một hồ nghi nào cả, dù là tiêu cực hay mơ hồ, thì thẩm phán này đã quá nghiêm khắc, đòi hỏi vượt quá yêu cầu của luật.
Luật quy định “có giá trị chứng minh đầy đủ” cũng hàm nghĩa rằng việc thiếu các nhân chứng cũng có thể chấp nhận được. Điều có thể được bổ xung cho sự đánh giá sự thật là việc nại đến các nhân chứng. Tuy nhiên, đừng hiểu lầm là việc nại đến nhân chứng như một điều bắt buộc phải có để đánh giá lời khai hay tự thú của các bên là đúng sự thật hoặc là có hiệu lực chứng minh đầy đủ. Do đó, trong một vụ án hôn nhân, nếu có khó khăn, không thể tìm ra nhân chứng nào cả, chỉ có các lời khai của các bên, thì thẩm phán cũng có thể chấp nhận thụ lý vụ án và có thể tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân sau khi đã thẩm xét theo những quy tắc của luật, xác nhận được giá trị chứng minh đầy đủ của lời khai của các bên.
Điều 1678 triệt 2 nói đến lời khai của nhân chứng. Trong vụ án thì cần đến các nhân chứng (đ. 1679), tuy không cần quá nhiều (đ. 1553). Tuy nhiên điều 1678 triệt 2 lại muốn nói đến giá trị đáng tin của “một nhân chứng duy nhất”. Vấn đề được nêu ra là nếu chỉ có một nhân chứng duy nhất mà thôi thì dựa vào những yếu tố nào để xác thực lời khai là đúng sự thực hoàn toàn hay để tin tưởng hoàn toàn. Điều này cũng hàm ý, khi thiếu nhân chứng thì cũng chấp nhận chỉ có một nhân chứng để giúp nhận ra sự thật trong vụ án.
Nhân chứng đó phải là có phẩm cách. Theo Tremblay (1983) nhân chứng có phẩm cách có 5 đặc điểm:
  1. Có địa vị hoặc vai trò trong một cộng đoàn;
  2. Biết các chi tiết của vấn đề đang xem xét;
  3. Sẵn sàng cộng tác;
  4. Có khả năng biện chứng, nghĩa là khả năng giao tiếp đúng đắn và phối hợp
  5. Công bằng, không thiên vị.
Điều kế tiếp cần thiết là người ấy cung khai về những sự việc được thực hiện theo chức vụ của mình. Ví dụ cha sở cho biết về chi tiết việc cử hành hôn phối; bác sĩ cho biết về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân …
Ngoài ra, nếu đó là một nhân chứng không thực hiện theo chức vụ của mình, thì sự hợp lý giữa những sự kiện hay hoàn cảnh về người và sự việc và của nhân chứng có phẩm cách cũng khiến thẩm phán thấy rằng lời khai đủ đáng tin.
Khi so sánh hai điều khoản về lời khai của hai bên và lời khai của nhân chứng duy nhất thì chúng ta thấy có một chút khác biệt trong kiểu nói rất tinh tế của Giáo luật. Đối với lời khai của các bên, luật dùng kiểu nói: “có hiệu lực chứng minh đầy đủ”, nhưng đối với lời khai của nhân chứng thì lại nói: “có thể đáng tin hoàn toàn”.
Đối với các bên, họ cần chứng minh cho sự hữu hiệu hay vô hiệu của hôn nhân. Phần lớn các vụ án hôn phối, sự vô hiệu là do hà tỳ ưng thuận. Sự ưng thuận lại là một hành vi bên trong tâm trí, có tính chủ quan và riêng tư mà những người khác khó có thể biết được. Lời khai của các bên có thể diễn tả được những điều bên trong tâm tư này và vì vậy có thể chứng tỏ được những điều mình khẳng định về sự ưng thuận kết hôn.
Tuy nhiên, các nhân chứng có thể chứng kiến, nghe nói về hôn nhân của người khác và họ có thể có những chứng thực đáng tin. Họ có thể đáng tin hoàn toàn, nhưng lại không chứng minh được hoàn toàn trong vụ án vô hiệu do sự hà tỳ ưng thuận. Lý do là họ khó có thể hiểu thấu được ý muốn, tâm tư của người kết hôn. Do đó luật không nói lời chứng là có giá trị chứng minh đầy đủ nhưng chỉ nói nó đáng tin và ngay cả là đáng tin hoàn toàn.
Ví dụ người đi dự đám cưới làm chứng rằng cô dâu rất vui vẻ không có gì là bị ép buộc hay sợ hãi khi kết hôn. Cô dâu lại cho biết cô bị cha mẹ ép buộc nên sợ quá đành kết hôn. Tuy nhiên cô cố dấu nỗi buồn bên trong, gượng ép vui vẻ bên ngoài. Sự kiện bên ngoài mà nhân chứng nghe thấy có thể không phản ảnh đúng với sự ưng thuận bên trong của các bên. Lời khai của cô dâu có thể có giá trị chứng tỏ đầy đủ nếu như thẩm phán đã đánh giá theo những yêu cầu của luật nêu ra, tức là xem xét tất cả những dấu chỉ, những yếu tố giúp cũng cố sự xác thực của lời khai của cô và cũng không thấy có những yếu tố nào phủ nhận chống lại lời khai đó.
Nếu so sánh quy định của triệt 2 này với nguyên quy tắc của điều 1573, chung cho các loại vụ án, thì trong vụ án hôn nhân, lời khai của một nhân chứng duy nhất được dễ dàng đón nhận là đáng tin hơn, được diễn tả qua lối nói tích cực: “Trong những vụ án này, lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn, nếu đó là…”. Còn trong các vụ án khác thì theo quy tắc của điều 1573, theo chiều hướng tiêu cực: “Lời khai của một nhân chứng duy nhất không thể đáng tin hoàn toàn, trừ khi người đó là…”.
Triệt 3 quy định phải có sự giám định của chuyên viên đối với các vụ án hà tỳ ưng thuận vì bệnh tâm thần hay vụ án bị bất lực giao hợp. Tuy nhiên, nếu thẩm phán thấy rõ là không cần thiết thì có thể miễn sự giám định.
Triệt 4 giữ nguyên điều 1681 cũ, về việc có thể đình hoãn vụ án về sự bất thành, bổ túc việc thẩm cứu để xin miễn chuẩn hôn nhân thành nhận (ratum). Hôn nhân này được hiểu là hôn nhân mới được cử hành hữu hiệu nhưng chưa hoàn hợp (non- consumatum). Luật đưa ra một khả năng giải quyết khác và để tùy các bên lựa chọn. Do đó cần có ý kiến các bên. Riêng thẩm phán, nếu thấy trước rằng hôn nhân không đủ lý do tiêu hôn thì nên khuyên đưa vụ án lên Tông Tòa để xin miễn chuẩn hôn nhân chưa hoàn hợp. Nếu thấy có lý do mà có thể giải quyết bằng bản án xác nhận hôn nhân vô hiệu thì nên tiếp tục xử vụ án tại tòa án địa phương để cho thuận lợi hơn.
Theo khái niệm mới của sự hôn nhân hoàn hợp in humano modo (trong cách thức nhân bản) thì yếu tố tinh thần (nhận thức của lý trí và ý muốn tự do) rất quan trọng trong việc thẩm định hành vi giao hợp vợ chồng là đã được hoàn thành hữu hiệu không. Sự không hoàn hợp vì thiếu tính nhân bản theo bộ luật 1983 liên quan rất nhiều đến ý muốn tự do kết hôn (bị cưỡng ép, lầm lẫn…). Vì thế, trong trường hợp hôn nhân chưa hoàn hợp, rất dễ tìm thấy những yếu tố hà tỳ ưng thuận để xử hôn nhân vô hiệu.
 
Tiết 4
BẢN ÁN, NHỮNG KHÁNG NGHỊ VÀ THI HÀNH
Art. 4 - De sententia, de eiusdem impugnationibus et exsecutione
Can. 1679
 Sententia, quae matrimonii nullitatem primum declaravit, elapsis terminis a cann. 1630-1633 ordinatis, fit exsecutiva.
 
Điều 1679
Bản án lần đầu tiên tuyên bố hôn nhân là bất thành, khi mãn các thời hạn được ấn định trong những điều 1630-1633, có hiệu lực thi hành.
 
Bản án cấp một không có hiệu lực ngay khi được tuyên bố nhưng chỉ sau khi không có kháng án. Điều 1630 quy định thời hạn kháng án là 15 ngày hữu dụng, kể từ lúc nhận thông báo. Quá thời hạn đó, bản án có hiệu lực thi hành. Nếu bản án là phủ nhận(negative) sự bất thành của hôn nhân, thì không ai trong hai bên được phép tiến tới một hôn nhân mới khác. Nếu bản án là xác nhận (affirmative) sự bất thành của hôn nhân, thì các bên được phép tiến tới một hôn nhân mới khác hoặc thành sự hóa hôn nhân mình đang có.
Đây là một đổi mới rất quan trọng của tự sắc Mitis Iudex của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc đơn giản hóa thủ tục tòa án hôn phối. Sự vô hiệu hôn phối không còn phải trãi qua hai cấp xét xử. Điều đổi mới này giúp vượt qua khó khăn của sự không thể tổ chức được tòa án cấp II ở một số Tổng Giáo phận và hạn chế được sự kéo dài thời gian và công sức của một vụ án.
Can. 1680 
§ 1. Integrum manet parti, quae se gravatam putet, itemque promotori iustitiae et defensori vinculi querelam nullitatis sententiae vel appellationem contra eandem sententiam interponere ad mentem cann. 1619-1640.
§ 2. Terminis iure statutis ad appellationem eiusque prosecutionem elapsis atque actis iudicialibus a tribunali superioris instantiae receptis, constituatur collegium iudicum, designetur vinculi defensor et partes moneantur ut animadversiones, intra terminum praestitutum, proponant; quo termino transacto, si appellatio mere dilatoria evidenter appareat, tribunal collegiale, suo decreto, sententiam prioris instantiae confirmet.
§ 3. Si appellatio admissa est, eodem modo quo in prima instantia, congrua congruis referendo, procedendum est.
§ 4. Si in gradu appellationis novum nullitatis matrimonii caput afferatur, tribunal potest, tamquam in prima instantia, illud admittere et de eo iudicare.
Điều 1680
§1. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên, đều có tố quyền xin tiêu hủy bản án hoặc kháng cáo chống lại bản án đó theo những điều 1619-1640.
§2. Mãn thời hạn luật ấn định cho việc kháng cáo và tiến hành kháng cáo, tòa án cấp trên sau khi đã nhận được các án từ tư pháp, phải thiết lập tòa án hiệp đoàn, chỉ định bảo hệ viên và nhắc nhở các bên bày tỏ ý kiến trong một thời hạn quy định; mãn thời hạn đó, nếu kháng cáo rõ ràng chỉ là trì hoãn, thì tòa án hiệp đoàn xác nhận bản án của tòa án cấp một bằng sắc lệnh.
§3. Nếu việc kháng cáo được chấp nhận, phải tiến hành cùng cách thức giống như ở tòa cấp một, với những thích nghi cần thiết.
§4. Nếu ở cấp kháng cáo người ta đưa ra một lý do mới khiến hôn nhân bất thành, thì tòa án có thể chấp nhận lý do đó và xét xử như ở tòa án cấp một.
 
 
Việc kháng nghị bản án (impugnazione della sentenza) từ sơ cấp lên cấp hai được thực hiện dưới hai quyền: quyền kháng tố xin tiêu hủy bản án (querela di nulità contro la sentenza) và quyền kháng cáo (appello).
Với tố quyền xin tiêu hủy bản án (diritto della querela di nulità contro la sentenza), các bên có quyền nêu lên những hà tỳ hoặc vi phạm luật tố tụng của tòa án hay của bên kia để xin tòa án tiêu hủy bán án. Để có khả năng được chấp nhận, những hà tỳ hoặc vi phạm luật tố tụng được nêu lên khiếu nại phải được luật quy định là làm cho án từ vô hiệu hoặc bản án vô hiệu. Điều 1620 kể ra những trường hợp khiến bản án vô hiệu như sau:
10 Bản án được ban hành do một thẩm phán tuyệt đối vô thẩm quyền;
20 Bản án được ban hành do một người không có quyền xét xử trong toà án đã giải quyết vụ án;
30 Thẩm phán đã ban hành bản án do tác dụng của bạo lực hay do sợ hãi nghiêm trọng;
40 Việc xử án đã được tiến hành mà không có đơn thỉnh nguyện tư pháp, như đã nói ở điều 1501, hoặc không chống lại một bị cáo nào hết;
50 bản án được ban hành giữa các bên mà ít nhất là một bên không có tư cách ra hầu toà;
60 người nào đó đã hành động nhân danh một người khác mà không được uỷ quyền hợp pháp;
70 quyền biện hộ của bên này hoặc của bên kia đã bị từ chối;
80 sự tranh tụng đã không được phân xử, dù chỉ là một phần (CIS 1892 ; CIO 1303).
Tố quyền tiêu huỷ nói ở điều 1620 này có thể được nêu lên theo cách khước biện, tức là được nêu lên để khiếu tố trong khi vụ án còn đang ở giai đoạn xét xử (chưa tuyên án). Nó được phép nêu lên vào bất cứ giai đoạn nào trong thời gian xét xử (đ.1459#2). Còn nếu bản án đã được tuyên bố thì được phép khiếu tố trước thẩm phán đã tuyên án trong vòng mười năm kể từ ngày công bố bản án (đ. 1621).
Bản án bị vô hiệu trong những trường hợp của điều 1620 nói trên được coi là vô hiệu tới mức độ là hoàn toàn, không thể sửa chữa được. Còn ở mức độ vô hiệu mà có thể sửa chửa được thì điều 1622 nêu lên với những trường hợp sau:
10 Bản án được ban hành do một số không hợp lệ của các thẩm phán, trái với những quy định của điều 1425 §1.
20 Bản án không viện dẫn các lý lẽ hay lý do quyết định;
30 Bản án thiếu những chữ ký mà luật đòi phải có;
40 Bản án không ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi ban hành;
50 Bản án dựa trên một án từ tư pháp vô hiệu, và sự vô hiệu đó không được sửa chữa chiếu theo quy tắc của điều 1619;
60 Bản án được ban hành chống lại một đương sự vắng mặt cách hợp pháp, chiếu theo điều 1593 §2 (CIS 1894 ; CIO 1304).
Cũng tương tự như những trường hợp của điều 1620, tố quyền tiêu huỷ nói ở điều 1622 này có thể được nêu lên theo cách khước biện vào bất cứ giai đoạn nào trong thời gian xét xử. Còn nếu bản án đã được tuyên bố thì được phép khiếu tố trước thẩm phán đã tuyên án trong vòng ba tháng kể từ ngày công bố bản án (đ. 1623).
Tuy nhiên, nếu sau khi bản án đã tuyên bố mà kháng án với những lý do về thủ tục xử án hay nhân sự tòa án mà lý do này lại không được luật quy định là có khả năng tiêu hủy bản án, như điều 1620 và 1622 đã nêu trên, thì thẩm phán tòa kháng án phải khước từ. Sự khước từ, đơn giản là do những khiếu nại loại này chỉ cho phép được nêu lên như những khước biện trong khi vụ án còn đang trong tiến trình xét xử và phải được giải quyết trước giai đoạn đối tụng hoặc phải giải quyết sớm hết sức nếu xuất hiện sau đối tụng. Nó không được phép nêu ra sau khi bản án đã được ban hành.
Những khước biện mà không có khả năng làm tiêu hủy bản án được nêu trên, gọi là những khước biện trì hoãn (eccezioni dilatorie, đ. 1459#2). Được gọi là trì hoãn vì chúng phải được giải quyết xong trước vấn đề chính của vụ án, và vì vậy, làm cho vụ án bị trì hoãn hay kéo dài thêm thời gian. Trong các vụ kiện dân sự, bên bị cáo có thể nêu ra những khước biện để chống lại bên nguyên cáo. Nếu khước biện được chấp nhận, vụ án sẽ được hoãn lại hoặc có khi được hủy bỏ bởi thẩm phán hoặc bởi bên nguyên cáo (do nản chí hoặc dự đoán thấy không thành công trong vụ kiện), có lợi cho bên bị cáo.
Nếu những khước biện được nêu ra sau khi bản án được tuyên bố thì việc kháng nghị bản án như vậy thì chỉ là một loại kháng cáo trì hoãn. Khi thấy rõ kháng cáo chỉ là trì hoãn, thẩm phán hiệp đoàn tòa kháng án phải khước từ xét xử và ra sắc lệnh xác nhận bản án cấp một.
Có thể kể một số khước biện trì hoãn (nêu lên trước khi tuyên án) hay kháng cáo trì hoãn (nêu lên sau khi tuyên án) với những lý do như sau:
  • Thẩm phán có một vài lợi ích cá nhân vì có họ máu, hay có tương giao thân mật, hoặc có hận thù dai dẵng với một bên (đ. 1448#1);
  • Bản thẩm vấn đã không có chữ ký của người khai;
  • Bên kia có có tội lỗi luân lý: rượu chè, cờ bạc, vô trách nhiệm…
Những lý do nêu trên, tuy là những khiếm khuyết về nhân sự hay về thủ tục hay cách xét xử nhưng, theo luật định, không có khả năng làm tiêu hủy bản án. Chúng ta cũng thấy rõ những khiếu tố như vậy không có một lý do gì mà lại có thể làm thay đổi được bản án, vốn được viết dựa trên những lý lẽ pháp lý và sự kiện xảy ra trong đời sống hôn nhân của các bên. Không lẽ, một bản án “Negative” lại được sửa chửa thành “Affirmative” chỉ vì thẩm phán có họ máu với một bên? Trong trường hợp có họ máu hay hà tỳ về luật như vậy, thì phải khiếu nại trước khi bản án được ban hành. Khi đó, thẩm phán liên hệ có thể rút lui hay không rút lui ra khỏi vụ án là còn tùy trường hợp cụ thể.
Đối với những kháng nghị bản án khác, mà không chỉ là kháng cáo trì hoãn thì tòa kháng án có thể nhận. Vậy thì cần phải đặt vấn đề: khi một kháng cáo (appello) hợp luật được đệ trình, thì căn cứ vào những gì để chấp nhận xử hay chối từ.
Điều 1680#1 (đ. 1628) chỉ nói đơn giản là bên nào cảm thấy bị thiệt hại đều có quyền kháng cáo. Và điều 1634#1 quy định thêm:
Để tiến hành việc kháng cáo, điều kiện cần và đủ là đương sự phải nại tới thẩm phán thượng cấp để xin duyệt lại bản án đã bị chống đối, kèm theo một bản sao của bản án này và nêu rõ những lý do kháng cáo.
Luật chỉ quy định là nêu rõ lý do kháng cáo mà không nói rõ là lý do đó là như thế nào (ngoại trừ lý do mà trong phần tố quyền tiêu hủy bán án đã nói). Luật không giới hạn lý do là phải nêu lên là phải có: lý do nghiêm trọng, chứng cứ mới, nghi vấn mới …Vì vậy, việc chấp nhận hay khước từ đơn kháng cáo là tùy theo nhận định của thẩm phán đối với lý do được nêu ra. Thẩm phán, tương tự như việc chấp đơn ở tòa cấp một, khi thấy đơn kháng cáo có một nền tảng nào đó thì có thể chấp đơn. Nếu không, thì nên bác đơn. Một nền tảng nào đó, có thể hiểu là những điều mà thẩm phán cảm thấy sơ khởi là có cơ sở để thay đổi bán án. Có thể kể như: Sự phán định của cấp một quá khắc khe hay quá dễ dãi; hồ nghi chứng cớ có sự dối trá; thẩm tra của cấp một chưa đủ, kháng cáo nêu lên một chứng cớ mới quan trọng có thể làm thay đổi bản án, một lý do tiêu hôn mới được nêu ra …
Về tiến trình kháng án, đơn không nộp thẳng lên tòa cấp hai nhưng phải được nộp cho tòa án đã ban hành bản án trong thời hạn nhất định là 15 ngày hữu dụng (đ. 1630). Sau khi nộp đơn, việc kháng án chuyển qua giai đoạn tiến hành kháng án. Trong giai đoạn này tòa đã ra bản án phải lo liệu để chuyển đơn và bản sao hồ sơ lên tòa kháng án (đ. 1634§3), trong đó, bản sao của bản án không thể thiếu. Tòa kháng án sẽ xem xét hồ sơ và tùy theo thủ tục quy định đề nhận hay bác đơn kháng án hoặc đòi hỏi thêm những điều cần thiết để chu toàn thủ tục. Thời hạn cho việc tiến hành này là một tháng (đ. 1633).
Điều 1680§2 quy định: tòa kháng cáo sau khi đã nhận được hồ sơ vụ án từ cấp dưới gởi đến, phải thiết lập tòa án hiệp đoàn, chỉ định bảo hệ viên và nhắc nhở các bên bày tỏ ý kiến trong một thời hạn quy định. Nếu nếu kháng cáo rõ ràng chỉ là trì hoãn, thì tòa án hiệp đoàn giải quyết nhanh chóng bằng một sắc lệnh xác nhận bản án của tòa án cấp một, để chấm dứt vụ án.
Nếu việc kháng án được chấp nhận, thì tòa kháng án phải tiến hành xử án cùng cách thức giống như ở tòa cấp một, tức là cũng phải tiến hành các giai đoạn chấp đơn, triệu tập, thiết lập thể thức nghi vấn, thu thập chứng cứ, công bố án từ, nhận ý kiến của bảo hệ viên và luật sư và ban hành bản án. Cũng có thể có những thích nghi cho thích hợp. Tuy nhiên, phải lưu ý đến những điều kiện thủ tục đòi phải giữ để các án từ hữu hiệu, nếu không bản án sẽ vô giá trị.
Nếu ở cấp kháng án người ta đưa ra một lý do mới khiến hôn nhân bất thành, thì tòa án có thể chấp nhận lý do đó để thiết lập một thể thức nghi vấn tiêu hôn mới hoàn toàn hoặc bổ xung thêm cho nghi vấn cũ, vì luật cho phép xét xử theo một hay những lý do tiêu hôn. Về thủ tục, thì tòa kháng cáo vẫn phải xử theo thủ tục của tòa cấp một, như đã nói trên.
Can. 1681
Si sententia exsecutiva prolata sit, potest quovis tempore ad tribunal tertii gradus pro nova causae propositione ad normam can. 1644 provocari, novis iisque gravibus probationibus vel argumentis intra peremptorium terminum triginta dierum a proposita impugnatione allatis.
 
Điều 1681
Nếu một bản án đã có hiệu lực thi hành, có thể thượng cầu toà án cấp ba bất kỳ lúc nào để xin xử lại vụ án chiếu theo quy tắc của điều 1644, bằng cách trưng ra những chứng cứ mới hay những lý do mới và quan trọng trong thời hạn nhất định là ba mươi ngày, kể từ ngày nộp đơn kháng án.
 
 
Thượng cầu lên cấp ba để xin xử lại (nova causae propositione) thì không còn bị hạn định thời gian, có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên người thượng cầu phải trưng ra được những chứng cứ mới hay những lý do mới và quan trọng trong vòng 30 ngày kể từ lúc nộp đơn. Những chứng cứ hay lý do mới phải có tầm mức quan trọng, nghĩa là, có thể đảo ngược bản án. Ví dụ, có những bằng chứng cho thấy một bên hay nhân chứng đã man khai một điều quan trọng, hoặc sự kiện mới cho thấy thẩm phán đã sai lầm trầm trọng trong thủ tục hay trong án lý.
Trong khi đó, kháng cáo ở cấp hai tuy phải thực hiện trong thời hạn 15 ngày hữu dụng, nhưng không đòi phải trưng ra những chứng cứ mới hay những lý do mới và quan trọng, chỉ đòi nêu ra lý do kháng án (đ. 1634) và kháng án không phải chỉ là trì hoãn (đ. 1680§2).
Can. 1682 
§ 1. Postquam sententia, quae matrimonii nullitatem declaraverit, facta est exsecutiva, partes quarum matrimonium declaratum est nullum, possunt novas nuptias contrahere, nisi vetito ipsi sententiae apposito vel ab Ordinario loci statuto id prohibeatur.
§ 2. Statim ac sententia facta est exsecutiva, Vicarius iudicialis debet eandem notificare Ordinario loci in quo matrimonium celebratum est. Is autem curare debet ut quam primum de decreta nullitate matrimonii et de vetitis forte statutis in matrimoniorum et baptizatorum libris mentio fiat.
Điều 1682
§1. Sau khi bản án tuyên bố hôn nhân bất thành có hiệu lực thi hành, thì những người mà hôn nhân của họ được tuyên bố là bất thành có thể tái hôn, trừ khi lệnh cấm tái hôn được ấn định thêm bởi chính bản án hoặc bởi Đấng Bản Quyền địa phương. 
§2. Ngay sau khi bản án có hiệu lực thi hành, vị Đại Diện Tư pháp phải thông báo bản án đó cho Đấng Bản Quyền địa phương nơi hôn nhân đã được cử hành. Vị này phải lo liệu, sớm hết sức, ghi chú việc công bố hôn nhân không thành và những lệnh cấm kèm theo, nếu có, vào sổ hôn phối và sổ rửa tội.
 
 
Điều 1682§1 quy định về hiệu lực của bản án. Khi bản án xác nhận (affirmative) sự vô hiệu của hôn nhân, tức là xác nhận giữa hai bên không hề có sự kết hôn hữu hiệu, hay không hề có dây ràng buộc hôn phối, họ không bị ngăn trở dây hôn phối, và có quyền được kết hôn mới.
Đôi khi bản án có thể có kèm theo lệnh cấm hôn hoặc lệnh này được Đấng Bản Quyền địa phương ban hành. Trong vụ án hôn phối, lệnh cấm hôn thường được áp dụng trong một số trường hợp, đối với người thiếu khả năng kết hôn theo điều 1095, số 2&3 hoặc đối với người lừa gạt (đ. 1098). Theo quy tắc của điều 1077, lệnh cấm hôn phải được ban hành có hạn chế trong một thời gian mà thôi, vì một lý do nghiêm trọng và bao lâu lý do ấy còn kéo dài.
Một bản án do tòa án giáo phận khi có hiệu lực ban hành thì không thể bị phủ nhận, cho dù được ban hành tại một Tòa án bất cứ ở quốc gia nào hoặc có sự hoài nghi về sự xét xử của tòa án đó. Để phủ nhận hay chống lại một bản án thì phải thực hiện theo thủ tục pháp lý quy định. Đó là kháng tố chống lại sự hữu hiệu của bản án (querela di nullità della sentenza).
Điều 1682§2 quy định bổn phận phải gởi giấy thông báo cho việc ghi chú vào sổ rửa tội và hôn phối. Gởi cho Đấng Bản Quyền địa phương nào cũng là một vấn đề được đặt ra. Luật chỉ quy định là cho Đấng Bản Quyền nơi hôn nhân đã được cử hành, không nói là gởi cho Đấng Bản Quyền nơi các bên có cư sở hay bán cư sở. Theo quy đinh như vậy, nếu hôn nhân đã được cử hành tại giáo phận, nơi tòa án xét xử, thì Giám Mục có thể ủy thác cho đại Diện Tư pháp lo liệu việc thông báo đến các cha sở để ghi sổ. Nếu hôn nhân đã được cử hành tại giáo phận khác, thì thẩm phán phải thông báo bản án cho Đấng Bản Quyền ở giáo phận đó, để ngài lo liệu việc ghi sổ.
 
Tiết 5
TỐ TỤNG HÔN NHÂN NGẮN GỌN HƠN TRƯỚC GIÁM MỤC
Art. 5 - De processu matrimoniali breviore coram Episcopo
Can. 1683
 Ipsi Episcopo dioecesano competit iudicare causas de matrimonii nullitate processu breviore quoties:
 petitio ab utroque coniuge vel ab alterutro, altero consentiente, proponatur;
 recurrant rerum personarumque adiuncta, testimoniis vel instrumentis suffulta, quae accuratiorem disquisitionem aut investigationem non exigant, et nullitatem manifestam reddant.
Điều 1683
Chính Giám Mục giáo phận có thẩm quyền xét xử những vụ án hôn nhân bất thành với thủ tục ngắn gọn hơn mỗi khi:
 Đơn thỉnh cầu được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên, với sự đồng ý của bên kia;
2° Những sự kiện về người và về sự việc, được xác thực bởi các chứng cứ hoặc tài liệu mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ.[12]
 
 
Điều 1683 quy định hai điều kiện phải hội đủ để được xử theo thủ tục ngắn gọn hơn.
a- Đơn thỉnh cầu phải được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên với sự đồng ý của bên kia. 
Nếu như đơn xin đã có chữ ký của cả hai bên thì được hiểu là do cả hai bên đệ trình. Nếu chỉ có một chữ ký của nguyên đơn thì Đại Diện tư pháp có thể hỏi thêm ý kiến bên bị đơn. Vấn đề chính là cả hai bên phải đồng ý được xử vụ án. Luật đòi phải được cả hai người phối ngẫu đệ trình là do vấn đề bảo vệ quyền lợi của bên bị đơn.
Tòa án có chức năng bảo vệ công lý nên luôn luôn phải tôn trọng quyền lợi của cả hai bên và cho họ có quyền biện hộ. Một vụ án được xử thì luôn luôn phải có sự tham gia của bị đơn. Ít nhất họ phải được triệu tập, nghĩa là được thông báo rằng bên nguyên đơn đã đệ đơn xin tiêu hôn và được tham gia ý kiến vào vụ án. Khi được xử theo thủ tục ngắn gọn hơn thì vấn đề quyền lợi của các bên phải được bảo đảm hơn và sự sẵn sàng cho vụ án được bình ổn và tiến triển là điều cần thiết. Vì vậy điều kiện được đặt ra là phải có sự đồng ý xin tiêu hôn của cả hai bên.
b- Những sự kiện về người và về sự việc, được xác thực bởi các chứng cứ hoặc tài liệu mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ (đ. 1683,20).
Đây là yêu cầu khác biệt chính yếu để được xử theo thủ tục ngắn gọn. Ngay từ lúc bắt đầu nhận hồ sơ vụ án, vị Đại Diện tư pháp phải thấy sơ khởi rằng sự bất thành của hôn nhân có thể xác nhận được nhờ qua các chứng cứ hay tài liệu tương đối đã đầy đủ, mà không cần phải điều tra kỹ lưỡng hơn.
Nên chú ý là điều 1683,2còn minh định rằng các sự kiện về người và sự việc đó phải làm cho sự vô hiệu được biểu lộ ra hay được sáng tỏ. Lý do là vì có những sự kiện không có khả năng cho thấy được sự vô hiệu, cho dù được các tài liệu hay chứng cớ đầy đủ, ví dụ sự kiện đơn thuần là ngoại tình, ly dị, bị mẹ cha mẹ chồng bạc đãi, sống không hợp với nhau...
Ví dụ 1: sự kiện một người đã bị bệnh tâm thần khi kết hôn, (a) đã có những chứng cứ và tài liệu chứng tỏ anh đã có bệnh và được điều trị bệnh trước và sau kết hôn. (b) Bệnh tâm thần làm cho kết ước hôn nhân vô hiệu chiếu theo điều 1095,30.
Ví dụ 2: Hôn nhân bị thiếu thể thức do linh mục chứng hôn thiếu năng quyền chứng hôn. (a) Có chứng cớ là linh mục đó không phải là cha sở và ngài cũng không được ủy quyền chứng hôn. (b)Thiếu năng quyền mà chứng hôn thì hôn nhân vô hiệu, chiếu theo điều 1108§1.
 Có những sự kiện cũng có thể có (a) được các chứng cứ hoặc tài liệu xác nhận, mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, nhưng nếu những sự kiện đó không làm cho sự vô hiệu của hôn nhân được sáng tỏ thì cũng không được xử được xử theo thủ tục ngắn gọn, và ngay cả không đủ nền tảng để được xử với thủ tục thông thường.
Ví dụ: ngoại tình, có được những chứng cứ rõ ràng đầy đủ, nhưng tự nó lại không làm cho hôn nhân vô hiệu; thiếu đức tin, tự nó không làm cho hôn nhân vô hiệu, cho dù có được những chứng cứ rõ ràng đầy đủ; phá thai, tuy có được những chứng cứ rõ ràng, nhưng sự kiện phá thai tự nó, lại không làm cho hôn nhân vô hiệu.
THĐGM có ra quy tắc hướng dẫn, số 14§1, được ghi như sau:
Trong số những sự kiện về người hay sự việc có thể cho phép tiến hành vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành qua tố tụng ngắn gọn theo các điều 1683-1687, được kể ví dụ như là: thiếu đức tin khiến phát sinh sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí, cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi, thực hiện phá thai cốt để ngăn cản việc sinh con, thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian tiếp theo ngay sau đó, gian ý (doloso) dấu diếm vô sinh hay mắc một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hay đã có con từ một quan hệ trước hay tù tội, nguyên nhân kết hôn hoàn toàn xa lạ với đời sống vợ chồng hay chủ yếu do người phụ nữ đã lỡ mang thai, bạo lực thể lý buộc bên kia phải ưng thuận kết hôn, thiếu sử dụng trí khôn có giấy chứng nhận của bác sĩ, v.v…[13]
Những ví dụ về sự kiện mà có thể xử theo thủ tục ngắn gọn mà THĐGM nêu trên khá gây ngạc nhiên cho nhiều người. Một số người hiểu lầm đây là những luật mới quy định về sự vô hiệu của hôn nhân. Nghĩa là, tưởng rằng thiếu đức tin, phá thai … theo luật mới là có thể làm cho hôn nhân vô hiệu. Một số người khác lại nghĩ rằng đây là những hoàn cảnh được quy định để xử theo thủ tục ngắn gọn.
Tòa Thượng thẩm Roma, trong tập "Sussidio Applicativo del Motu pr. Mitis Iudex Dominus Iesus” xuất bản tháng 1 năm 2016, xác định những sự kiện về người và sự việc mà Nguyên tắc số 14 nêu ra không phải là những luật mới về tiêu hôn, nhưng chúng là những yếu tố liên quan mật thiết đến sự ưng thuận hôn nhân, mà có thể chứng tỏ cách dễ dàng từ những chứng cứ hay tài liệu.[14]
a- Thiếu đức tin khiến phát sinh sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí;
Sự thiếu đức tin có làm cho bí tích hôn nhân vô hiệu không? Đã có nhiều lần trong Giáo Hội, người ta đã từng nêu lên vấn đề này. Người ta lý luận: khi cử hành một Bí Tích mà không có đức tin thì Bí Tích đó không hữu hiệu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong diễn văn hằng năm trước các thẩm phán của tòa Thượng Thẩm Roma, ngày 22-1-2016 vừa qua đã tái khẳng định: “Phải xác định rõ ràng là phẩm chất đức tin không là một điều kiện cốt yếu cho sự ưng thuận hôn nhân”. Sự ưng thuận hôn nhân “theo giáo thuyết lâu đời, bị hà tỳ chỉ trong phạm vi tự nhiên”.
Tuy nhiên, sự thiếu đức tin lại được chú trọng trong các vụ án vô hiệu hôn nhân. Lý do là sự "thiếu đức tin" có thể là nguồn phát sinh sự "giả hình" trong kết ước hôn nhân hoặc sự lầm lẫn chi phối vào ý chí.
Kết hôn Simulatio (giả hình) là khái niệm thường được đề cập đến trong án lệ hôn nhân. Nó hệ tại bởi sự có ý không muốn tuân giữ theo đúng những điều chính yếu của kết ước hôn nhân. Chẳng hạn như khi kết ước thì thề chung thủy một vợ một chồng suốt đời bất khả phân ly mà lại có ý giữ lại cho mình quyền hay khả thể sẽ có thể quan hệ xác thịt với người thứ hai hoặc khả thể sẽ ly dị. Hoặc như kết hôn mà lại có ý không sinh con gì cả; hoặc thề yêu thương nhau và tôn trọng nhau suốt đời mà lại chỉ có ý lợi dụng tiền bạc. Một sự ưng thuận kết hôn "giả hình" như vậy làm cho sự ưng thuận thành vô hiệu. Giáo Luật điều 1101§2 quy định: "Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành”.
Yếu tố chính yếu, hoặc đặc tính chính yếu của hôn nhân, có thể kể như: sự sinh sản giáo dục con cái (bonum prolis), sự đơn nhất chung thủy (bonum fidei), sự bất khả phân ly, sự hiệp thông trao ban cho nhau trong cuộc sống hay thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum). Khi kết hôn mà đã có ý tích cực loại trừ hay không tôn trọng những yếu tố này thì kết hôn vô hiệu.
Các nhà Giáo luật đều đã lưu ý rằng một người đã sống trong một nền văn hóa, tôn giáo mà chủ trương cho ly dị tái hôn, đa thê, thì người đó khó có thể chấp nhận lề luật của Công Giáo, và vì vậy họ dễ kết hôn giả hình. Đối với người Công Giáo có đức tin thì dễ suy đoán rằng họ tôn trọng Giáo Luật và ít khi kết hôn giả hình, nhưng đối với người không có đức tin thì sự giả hình dễ xảy ra hơn.
Mặt khác, có những trường hợp thiếu đức tin lại bao gồm sự thiếu hiểu biết về chính hôn nhân. Sự thiếu hiểu biết này, theo luật không nhất thiết loại trừ ưng sự thuận (đ. 1100), nhưng nếu nó chi phối vào ý chí thì ưng thuận có thể bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu (đ. 1099). Tòa Thượng thẩm Roma đã chiếu theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giải thích thêm về điều này như sau:
Sự bỏ hay mất đức tin Kitô giáo (scristianizzazione) của xã hội ngày nay dẫn đến một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về chính hôn nhân, đến nỗi chi phối vào ý chí. Sự khủng hoảng hôn nhân, vì vậy, trong từ căn gốc, không gì khác hơn là khủng hoảng sự hiểu biết được khai sáng bởi đức tin.[15] Sự đào tạo con người và văn hóa nhân bản chịu một ảnh hưởng mạnh mẽ đôi khi nhất định của não trạng thế gian;[16] của một niềm tin đóng kín trong thuyết chủ thể, đóng kín trong nội tại của lý lẽ và cảm giác,[17]biểu lộ sự khiếm khuyết là không thể có được sự hiểu biết đúng đắn về thiết chế hôn nhân và những bổn phận thiết yếu của nó.
Điều này cũng thường được gắn thêm một hạ tầng của sự yếu đuối mỏng manh về tâm lý và luân lý của người kết hôn. Cách riêng, một số người trẻ hoặc thiếu trưởng thành có thể đi xuống chỗ nhận biết hôn nhân thuần túy là một ân huệ tình yêu. Nó thúc đẩy người kết ước hôn nhân tới một sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận, nghĩa là tới sự duy trì một não trạng riêng về sự kết hợp vĩnh viễn đó, hoặc sự loại trừ nó. [18]
b- Cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi
Cuộc chung sống vợ chồng quá ngắn ngủi là một sự kiện rất quan trọng biểu hiện cho nhiều lý do tiêu hôn khác nhau.[19] Nó có thể là:
- Bị ép buộc, sợ hãi nên đành kết hôn. Hôn nhân vô hiệu theo quy tắc của điều 1103 về sợ hãi. Vì miễn cưỡng kết hôn, không có tình yêu, cuộc sống trở nên nặng nề, có nhiều xung đột nên dễ dàng chia tay sau thời gian ngắn.
- Loại trừ chính hôn nhân. Một người có thể đã không muốn kết hôn, nhưng đã kết hôn để đạt được một lợi ích khác, xa lạ với đời sống hôn nhân, ví dụ như kết hôn chỉ để được đi nước ngoài và sau đó thì ly dị. Hôn nhân vô hiệu theo quy tắc của điều 1101#2 về sự loại trừ chính hôn nhân hay kết hôn “giả hình” (simulatio).
- Thiếu phán đoán hoặc bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân. Hôn nhân trong trường hợp này là vô hiệu theo quy tắc của điều 1095. Đời sống hôn nhân bền vững nhờ có sự hiệp thông với nhau và chu toàn nghĩa vụ trao ban cho nhau. Khi không thể thực hiện nghĩa vụ đối với nhau do thiếu khả năng, như người có bệnh đồng tính, rối loạn tình dục, tâm lý bất thường … thì hôn nhân cũng dễ dàng tan vỡ sau thời gian ngắn.
- Kết hôn do lầm lẫn hay lừa gạt… cũng dễ dẫn tới sự chia tay rất sớm sau kết hôn.
c- Thực hiện phá thai để ngăn ngừa việc sinh con
Việc phá thai tự nó không làm cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên nếu sự phá thai được thấy như một sự cố ý loại trừ sự sinh sản, hay thiện ích con cái. Đây là một loại kết hôn giả hình theo quy tắc của điều 1101#2. Ngoài ra, việc duy trì ngừa thai liên tục cố ý loại trừ sự sinh con vĩnh viễn với người vợ hay chồng đang chung sống cũng làm cho kết ước hôn nhân vô hiệu.
Phá thai là một tội rất nặng trong luân lý Kitô giáo. Nó có thể biểu lộ một sự thiếu đức tin nơi phạm nhân. Như đã nói trên, sự thiếu đức tin lại có thể là nguồn phát sinh sự kết hôn giả hình.[20]
d- Thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian tiếp theo ngay sau đó
   Một người vẫn còn tiếp tục liên hệ với người tình cũ ngay cả sau khi kết hôn với người khác thì người đó đã loại trừ sự chung thủy hay đơn nhất một vợ một chồng của hôn nhân. Nếu kết ước hôn nhân chính thức với một người làm vợ nhưng đồng thời vẫn quan hệ với một người tình như một vợ thứ hai trong bóng tối, thì sự kiện đó biểu hiện cho sự kết ước không thật lòng, có ý loại trừ sự đơn nhất chung thủy. Hôn nhân, vì vậy, vô hiệu chiếu theo quy tắc của điều 1101#2.
e- Gian ý (dolus) dấu diếm vô sinh hay mắc một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng hay đã có con từ một quan hệ trước hay tù tội
   Đây là một trường hợp kết hôn vô hiệu bởi lầm lẫn do lừa gạt, chiếu theo quy tắc của điều 1098: Người kết hôn do bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để mình ưng thuận và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành.
Sự lầm lẫn do bên kia dấu diếm một điều mà có thể gây xáo trộn đời sống vợ chồng như: vô sinh, có con riêng, bệnh truyền nhiễm, tù tội, nợ nần nghiêm trọng … được coi là có gian ý hay lừa dối khi kết hôn. Theo giáo thuyết Công Giáo, khi kết hôn, đôi bạn sống hiệp thông với nhau trọn đời. Họ chung chia cả vận mệnh vui buồn, hiện sinh của đời sống. Bởi vậy khi có những trở ngại cho sự hiệp thông này, người kết hôn có bổn phận phải nói cho bên kia biết trước khi kết hôn. Nếu không cho người bạn sắp kết hôn biết, thì được coi là gian ý hay lừa gạt để được ưng nhận kết hôn và sự ưng thuận của bên lầm lẫn là bị hà tỳ. Vì vậy, kết hôn vô hiệu do sự lầm lẫn theo quy tắc của điều 1098.
g- Nguyên nhân kết hôn hoàn toàn xa lạ với đời sống vợ chồng
Hôn nhân tự bản chất là cuộc sống hiệp thông hướng đến thiện ích của đôi bạn và sinh sản giáo dục con cái. Mục đích hôn nhân phải đi theo đúng hướng này. Nếu kết hôn vì mục đích hoàn toàn xa lạ như để lợi dụng xác thịt, tiền bạc, danh lợi… thì kết hôn vô hiệu, chiếu theo quy tắc của điều 1101#2 về giả hình hoặc điều 1095,20 về sự thiếu phán đoán.
h- Chủ yếu do người phụ nữ đã lỡ mang thai
Lỡ mang thai nên người nữ có thể đành phải kết hôn với người mình không muốn kết hôn; hoặc có thể là người nam vì trách nhiệm, không muốn bỏ rơi đứa con mình cho người mẹ ngoại đạo nên miễn cưỡng kết hôn. Những trường hợp này có thể biểu hiện một sự hà tỳ trong tự do ưng thuận kết hôn do sợ hãi theo quy tắc của điều 1103.
i- Bạo lực thể lý buộc bên kia phải ưng thuận kết hôn
Trường hợp này khá rõ là kết hôn vô hiệu, chiếu theo điều 1103 về bạo lực và sợ hãi. Bạo lực thể lý cũng có thể được chứng tỏ qua các tài liệu, như giấy chứng thương y khoa, biên bản của an ninh.[21]
k- Thiếu sử dụng trí khôn có giấy chứng nhận của bác sĩ
Trường hợp này khá rõ là kết hôn vô hiệu, chiếu theo quy tắc của điều 1095 về thiếu khả năng kết hôn. Trong trường hợp có bệnh hay bất thường về tâm trí, thông thường phải nhờ đến các chuyên gia giám định và được xử theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, nếu có các tài liệu chứng minh (giấy của viện tâm thần, của trai giam, toa thuốc) cùng với những chỉ dẫn khác mà không có hồ nghi tích cực nào về sự vô hiệu hôn nhân thì có thể được xử theo thủ tục ngắn gọn.[22]
Ghi chú
Các trường hợp nói trên được bản Quy Tắc nêu ra như những ví dụ cho việc chấp nhận xử theo thủ tục ngắn gọn trước Giám Mục. Tuy nhiên, chúng cũng là những trường hợp mà bình thường vẫn được xử theo lối thông thường. Điểm khác biệt chính yếu là khi nhận xử ngắn gọn, những chứng cứ hay tài liệu xác thực cho đối tượng xử án tương đối đầy đủ mà không cần phải điều tra kỹ lưỡng thêm. Về mặt án lý, tức là những lý thuyết giúp xác nhận sự vô hiệu thì không có gì khác nhau giữa lối xử ngắn gọn và lối xử thông thường.
Can. 1684
 Libellus quo processus brevior introducitur, praeter ea quae in can. 1504 recensentur, debet: 
1° facta quibus petitio innititur breviter, integre et perspicue exponere; 
2° probationes, quae statim a iudice colligi possint, indicare; 
3° documenta quibus petitio innititur in adnexo exhibere.
 
Điều 1684
Đơn thỉnh cầu được xét xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, ngoài những điều được liệt kê ở điều 1504, phải:
1° trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu;
2° chỉ ra các chứng cứ mà thẩm phán có thể thu thập được ngay;
3° đính kèm những tài liệu làm căn cứ cho thỉnh cầu.
 
 
 
Điều 1684 nói những điều cần phải có trong đơn khi xin được xét xử theo thủ tục ngắn gọn hơn. Đơn phải hội đủ những điểm liệt kê ở điều 1504 về đơn khởi tố nói chung:
  1. Khởi tố trước thẩm phán nào, yêu cầu điều gì, với ai;
  2. Chỉ rõ là căn cứ vào luật nào, sự kiện nào, chứng cớ nào, ít là sơ lược để chứng tỏ điều mình viện dẫn;
  3. Chữ ký của nguyên đơn hay người đại diện, ngày ký, địa chỉ nhận các án từ.
  4. Ghi rõ cư sở hay bán cư sở bị đơn.
Trong đơn xin để được xử ngắn gọn, điều 1684,10 có quy định thêm cho điều số 2 của điều 1504 nói trên. Đó là phải trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu. Điều 1684,20 lại đưa ra thêm một yêu cầu mới: nêu ra các chứng cứ mà thẩm phán có thể thu thập được ngay. Điều 1684,30 đòi đính kèm những tài liệu làm căn cứ cho thỉnh cầu.
Thông thường, trong thực tế cụ thể, để được xử ngắn gọn, nguyên đơn phải gặp gỡ trao đổi với thẩm phán trước để thẩm phán thấy rằng họ có lý do cần thiết phải xử ngắn gọn và phải cho thấy là có các chứng cứ tương đối đầy đủ, có thể thu thập được ngay.
Việc quyết định chấp nhận xử theo thủ tục ngắn gọn hơn ngoài việc cần phải dựa theo những quy tắc luật định về thủ tục còn phải tuân theo những tiêu chuẩn mục vụ của Giám Mục đề ra.[23]
Can. 1685
 Vicarius iudicialis, eodem decreto quo dubii formulam determinat, instructore et assessore nominatis, ad sessionem non ultra triginta dies iuxta can. 1686 celebrandam omnes citet qui in ea interesse debent.
 
Điều 1685
Vị Đại diện tư pháp, bằng cùng một sắc lệnh, phải ấn định thể thức nghi vấn, chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai phải tham dự cho một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.
 
 
Điều 1685 quy định rằng, sau khi nhận đơn, vị Đại diện tư pháp, trong bằng cùng một sắc lệnh thực hiện các việc:
- Xác định thể thức nghi vấn. Vì những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu đã được trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng, và cũng có sự đồng ý của bên bị đơn, nên thẩm phán có thể ấn định ngay thể thức nghi vấn mà không cần phải triệu tập bị đơn để hỏi ý kiến.
- Chỉ định thẩm cứu viên (istructor) và hội thẩm (assessor). Thẩm cứu viên tức là người phụ trách tiến hành vụ án, thu thập các chứng cứ (như một dự thẩm, auditor) và sau đó chuyển chúng lên cho thẩm phán. Hội thẩm có thể được chỉ định để giúp những công việc của thẩm cứu viên. Vị Đại diện tư pháp cũng có thể chỉ định chính mình làm thẩm cứu viên.[24]
Vụ án ngắn gọn có thể được tiến hành với tối thiểu 4 vị: Đại Diện tư pháp giữ nhiệm vụ thẩm cứu viên; bảo hệ viên có nhiệm vụ đưa ra ý kiến bảo vệ dây hôn phối; lục sự giữ vai trò thư ký, công chứng và soạn thảo một số văn bản; và Giám Mục với nhiệm vụ Thẩm Phán.
-Triệu tập tất cả những ai tham dự vào một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686, gồm hai công đoạn: 1- thu thập chứng cứ; 2- ý kiến can thiệp của bảo hệ viên và luật sư nếu có. Những người được triệu tập tức là những người được thông báo để tham gia vào giai đoạn thẩm cứu vụ án và cho ý kiến. Người phải được thông báo là bảo hệ viên; hội thẩm, luật sư nếu có; các bên; các nhân chứng.
Đại Diện tư pháp có thể tự đặt mình làm thẩm cứu viên, tuy nhiên nếu là tòa án liên giáo phận, hết sức có thể chỉ định thẩm cứu viên ở tại giáo phận gốc của vụ án.[25]
Thẩm cứu viên có thể được chọn là giáo sỹ hoặc giáo dân nổi bật về hạnh kiểm tốt, về khôn ngoan và đạo lý (đ. 1428#2).
Các hội thẩm phải được Giám Mục chuẩn nhận đảm nhận nhiệm vụ này, có thể là giáo sỹ hay giáo dân có đời sống liêm khiết (đ. 1424).[26]
Luật ấn định thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ lúc ra sắc lệnh, phải tiến hành giai đoạn thu thập chứng cứ theo nguyên tắc điều 1686. Quy tắc hướng dẫn khoản 17 quy định: Khi ra lệnh triệu tập, các bên phải được thông báo để, ít là ba ngày trước khi bắt đầu giai đoạn thẩm vấn, có thể đệ trình những lý chứng mà dựa vào đó các các bên hay các nhân chứng được thẩm vấn, trừ khi những điểm này đã được đính kèm vào thỉnh nguyện đơn.
Việc thẩm vấn được thực hiện riêng từng người một, và chỉ có hội thẩm, bảo hệ viên, công tố viên, luật sư … mới có quyền tham dự thẩm vấn (đ. 1677). Tuy nhiên, trong thủ tục ngắn gọn, các bên được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia và các nhân chứng, trừ khi vì những hoàn cảnh nào đó, thẩm cứu viên xét phải tiến hành cách khác.[27]
Thẩm cứu viên phải tiến hành cách khác, nghĩa là không cho bên này được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia hoặc các nhân chứng. Vì nếu ngược lại, cho họ tham dự thì dễ xảy ra sự bất đồng ý kiến hoặc kình cải lẫn nhau khi họ nghe nêu ra các khuyết điểm của mình (bạo lực, cờ bạc, rượu chè, thiếu phán đoán, tâm lý bất thường, gian dối …). Hoặc, nếu như trường hợp họ đồng thuận với nhau để khai gian dối thì thẩm phán khó có thể kiểm chứng được. Vì vậy, việc cho phép một bên nghe lời khai của bên kia hay nhân chứng cần được hạn chế.
Các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng phải được công chứng viên ghi lại bằng văn bản, nhưng một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.[28]
Can. 1686
 Instructor una sessione, quatenus fieri possit, probationes colligat et terminum quindecim dierum statuat ad animadversiones pro vinculo et defensiones pro partibus, si quae habeantur, exhibendas.
Điều 1686
Thẩm cứu viên, phải cố gắng hết sức thu thập các chứng cứ chỉ trong một giai đoạn, và phải ấn định thời hạn mười lăm ngày để trình bản các ý kiến bảo vệ dây hôn phối và bản biện hộ của các bên, nếu có.
 
Điều 1686 quy định thẩm cứu viên, hết sức có thể, phải thu thập các chứng cớ trong một thời hạn hay một giai đoạn (sessione). Vì thủ tục ngắn gọn có mục đích tự nó là nhanh gọn, và các chứng cứ cũng đã sẵn sàng, không cần điều tra kỹ lưỡng thêm, nên các cuộc thẩm vấn cần được thực hiện không nhiều, không kéo dài.[29]
Kế tiếp sau đó là giai đoạn trình ý kiến của bảo hệ viên và bản biện hộ của các bên (hay do luật sư) nếu có. Thời hạn cho trình ý kiến này tối đa là 15 ngày. Khi bản ý kiến đã được trình thì có thể đệ trình hồ sơ vụ án lên Giám Mục để xem xét và giải quyết vụ án, không cần đợi cho hết thời hạn 15 ngày.
Can. 1687 
§ 1. Actis receptis, Episcopus dioecesanus, collatis consiliis cum instructore et assessore, perpensisque animadversionibus defensoris vinculi et, si quae habeantur, defensionibus partium, si moralem certitudinem de matrimonii nullitate adipiscitur, sententiam ferat. Secus causam ad ordinarium tramitem remittat.
§ 2. Integer sententiae textus, motivis expressis, quam citius partibus notificetur.
§ 3. Adversus sententiam Episcopi appellatio datur ad Metropolitam vel ad Rotam Romanam; si autem sententia ab ipso Metropolita lata sit, appellatio datur ad antiquiorem suffraganeum; et adversus sententiam alius Episcopi qui auctoritatem superiorem infra Romanum Pontificem non habet, appellatio datur ad Episcopum ab eodem stabiliter selectum.
§ 4. Si appellatio mere dilatoria evidenter appareat, Metropolita vel Episcopus de quo in § 3, vel Decanus Rotae Romanae, eam a limine decreto suo reiciat; si autem admissa fuerit, causa ad ordinarium tramitem in altero gradu remittatur.
 
Điều 1687
§1. Sau khi nhận được các án từ, Giám Mục Giáo phận tham khảo ý kiến của thẩm cứu viên và hội thẩm, cân nhắc các ý kiến của bảo hệ viên cũng như những biện hộ nếu có của các bên, và nếu thấy đạt đến sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản án. Nếu không thấy, ngài đưa vụ án về lại thủ tục thông thường.[30]
§2. Toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên.
§3. Để chống lại bản án của Giám Mục thì được kháng án lên tòa án của Tổng Giám mục giáo tỉnh hay lên Tòa Thượng Thẩm Roma; nếu bản án do Tổng Giám mục giáo tỉnh ban hành, thì được kháng án lên tòa án của Giám Mục cao niên hơn trong giáo tỉnh; và chống lại bản án của một Giám Mục mà không có bề trên nào dưới Đức Giáo Hoàng Roma, thì được kháng án tòa án của Giám Mục đã được ngài chỉ định cách cố định.
§4. Nếu rõ ràng chỉ là kháng án trì hoãn, Tổng Giám Mục giáo tỉnh hay Giám Mục nói ở §3, hoặc Niên Trưởng tòa Thượng Thẩm Roma, phải ra sắc lệnh khước từ ngay từ đầu; ngược lại, nếu kháng án được chấp nhận, thì gửi trả vụ án về xử ở cấp hai theo thủ tục thông thường.
 
 
Điều 1687§1 quy định, Giám Mục giáo phận tham khảo ý kiến của thẩm cứu viên và hội thẩm, cân nhắc các ý kiến của bảo hệ viên cũng như những biện hộ nếu có của các bên, và nếu thấy đạt đến sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản án. Nếu thấy không chắc chắn ngài trả về cho Đại Diện Tư pháp để xử theo thủ tục thông thường.
Sự chắc chắn luân lý (la certezza morale, moral certitude) là gì?
-Trong Giáo Luật, khái niệm này được thấy ở điều 1608: thẩm phán buộc phải có sự chắc chắn luân lý khi tuyên ánNó cũng được thấy ở điều 1707§2: Giám mục phải có sự chắc chắc luân lý về cái chết của người phối ngẫu khi tuyên bố nó.
Một chắc chắn vật lý (physical certitude) đạt được do lý trí dựa trên những luật tự nhiên, bất biến. Ví dụ chắc chắn rằng nước sôi ở 1000C ở điều kiện bình thường. Sự chắc chắn như vậy được coi là hoàn toàn hay tuyệt đối. Sự chắc chắn luân lý (moral certitude) thì không được chắc chắn như vậy, vì không dựa trên những luật tự nhiên, bất biến nhưng dựa trên những quy luật nhân văn, có thể thay đổi. Sự chắc chắn luân lý cũng được giải thích khác nhau tùy theo lãnh vực thần học, hay triết lý, pháp lý… nhưng có điểm chung là nó không là sự chắc chắc tuyệt đối như chắc chắc vật lý hay toán học.
Sự chắc chắn luân lý đã được Đức Pio XII nói đến trong diễn văn cho tòa Rota Romana ngày 1-10-1942. Ngài cho biết sự chắc chắn tuyệt đối (certezza assoluta) và sự chuẩn chắc chắn (quasi-certezza) là như hai cực của chắc chắn luân lý. Nghĩa là, chắc chắc luân lý có được không đòi có chứng minh không thể chối cải được (tuyệt đối) nhưng cũng không dễ dàng đạt được bởi chỉ dựa vào một vài sự kiện. Ngài nói: “Nó (chắc chắn luân lý), trong bình diện tích cực, được xác định từ sự loại trừ tất cả mọi nghi ngờ có căn cứ hay hữu lý và, xét như vậy, thì nó được phân biệt một cách chính yếu với sự chuẩn chắc chắc (quasi-certezza); và rồi trong bình diện tiêu cực, nó cho phép tồn tại thuần túy khả thể có sự mâu thuẩn, và qua đó nó được phân biệt với chắc chắc tuyệt đối (Essa, nel lato positivo, è caratterizzata da ciò, che esclude ogni fondato o ragionevole dubbio e, così considerata, si distingue essenzialmente dalla menzionata quasi-certezza; dal lato poi negativo, lascia sussistere la possibilità assoluta del contrario, e con ciò si differenzia dall'assoluta certezza)”. Nghĩa là, trong sự chắc chắc tuyệt đối, thì tuyệt đối không được có khả thể nào là có sự mâu thuẩn hay nghịch lý, nhưng trong sự chắc chắn luân lý thì vẫn có thể có sự mâu thuẩn hay nghịch lý, xét ở mức độ thuần túy là khả thể. Sự chắc chắn luân lý chỉ đòi hỏi là không có sự nghi ngờ hay mâu thuẩn, nhưng chỉ ở mức độ thông thường chứ không ở mức độ tuyệt đối hoàn toàn là không có.
Bản quy tắc hướng dẫn khoản 12 cũng nói: Để đạt được sự chắc chắn luân lý cần thiết theo luật, thì sự trỗi vượt đáng kể của những chứng cớ và những dấu chỉ vẫn chưa đủ, mà còn phải hoàn toàn loại trừ bất cứ hoài nghi thận trọng tích cực nào là có thể sai lầm về luật cũng như về sự kiện, tuy vậy không loại trừ cái thuần túy khả thể có sự mâu thuẫn (ancorché non sia esclusa la mera possibilità del contrario)”.[31]
Theo những hướng dẫn trên, một sự chắc chắc luân lý đạt được phải do sự phán đoán của chủ thể, sau khi đã cứu xét những sự kiện trong nhiều tình tiết của nó, thấy có sự hữu lý hữu cơ giữa chúng mà không thấy có sự vô lý hay một chút nghi ngờ tích cực nào. Tuy nhiên, đạt được một chắc chắc luân lý không là phải đạt được một chắc chắc tới mức tuyệt đối, không còn một khả thể sai lầm nào.
Ví dụ như trong vụ án tiêu hôn do bất lực không thể giao hợp, lời khai của một hay hai bên mà thẩm phán nhận thấy đúng thật, được hoàn cảnh, lời khai của nhân chứng đáng tin cũng cố, và không thấy có một chút nghi ngờ hay mâu thuẩn nào, thì đủ để thẩm phán đạt được sự chắc chắc luân lý. Tuy nhiên, nếu thẩm phán đòi thêm bác sĩ pháp y đáng tin chứng nhận rằng người nữ phải còn trinh để cho xác thực rằng họ đã bất lực giao hợp, thì lúc đó thẩm phán đòi phải có sự chắc chắn tuyệt đối (certezza assoluta).
Sự chắc chắn tuyệt đối là cực điểm của chắc chắn luân lý. Trong vụ án vô hiệu hôn phối, không đòi thẩm phán phải có sự chắc chắc tuyệt đối đó. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào một số sự kiện rời rạc, chưa đủ sự đồng nhất hữu lý giữa chúng và còn có những hồ nghi tích cực, thì đó chưa là có sự chắc chắn luân lý.
Điều 1687§2 quy định, toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên. Đây là quy định dành cho thủ tục ngắn gọn. Trong thủ tục xử thông thường không có quy định là phải thông báo toàn bộ bản án. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.[32]
Bản án, được ký bởi Giám Mục với xác nhận của công chứng viên, phải trình bày vắn tắt và mạch lạc những lý do dẫn đến quyết định, và thường phải được thông báo cho các bên trong thời hạn một tháng kể từ ngày ra quyết định.[33]
Điều 1687§3 quy định về khả năng kháng án trong thủ tục xử ngắn gọn. Hầu như bản án là xác nhận sự vô hiệu hôn nhân, vì khi không có được sự chắc chắn luân lý về sự vô hiệu thì thẩm phán Giám Mục đã trả vụ án về xử theo lối thông thường (đ.1687§1). Vậy nếu bản án là xác nhận hôn nhân bất thành thì người kháng án thường chỉ có thể là bảo hệ viên. Vị này, do sự khôn ngoan của mình, nếu thấy có sự vi phạm luật tố tụng hoặc thấy sự vô hiệu hôn nhân chưa được sáng tỏ, thì có thể kháng án. Đối với các bên thì khó có sự kháng án. Vì, ngay từ đầu khi nhận đơn, cả hai bên ký đơn hoặc đồng ý làm đơn. Điều này được giả thiết là cả hai bên đều muốn hôn nhân này được tuyên bố là vô hiệu. Nói chung, ít khi có sự kháng án khi vụ án được xử theo thủ tục ngắn gọn.
 
TIẾT 6
TỐ TỤNG DỰA TRÊN TÀI LIỆU
Art. 6 - De processu documentali
Can. 1688
 Recepta petitione ad normam can. 1676 proposita, Episcopus dioecesanus vel Vicarius iudicialis vel Iudex designatus potest, praetermissis sollemnitatibus ordinarii processus sed citatis partibus et cum interventu defensoris vinculi, matrimonii nullitatem sententia declarare, si ex documento, quod nulli contradictioni vel exceptioni sit obnoxium, certo constet de exsistentia impedimenti dirimentis vel de defectu legitimae formae, dummodo pari certitudine pateat dispensationem datam non esse, aut de defectu validi mandati procuratoris.
 
Điều 1688.
Sau khi đã nhận một đơn thỉnh cầu chiếu theo quy tắc của điều 1676, Giám Mục giáo phận hay Đại Diện tư pháp hoặc vị thẩm phán được chỉ định, bỏ qua những thể thức của tố tụng thông thường, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án, nếu có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu.[34]
 
 
Điều 1688 này giữ nguyên quy định của điều 1686 cũ.
Tố tụng dựa trên tài liệu cũng là một tố tụng có tính đơn giản và ngắn gọn, đã được áp dụng từ trước đây.
Thủ tục được coi là đơn giản và ngắn gọn vì:
- được xử với một thẩm phán chứ không bởi hiệp đoàn ba thẩm phán;
- bỏ qua một số thủ tục thông thường;
- tuyên bố ngay hôn nhân bất thành. (Trước đây cũng không cần đưa lên cấp hai để xác nhận bản án).
Về điều kiện: phải có tài liệu chân thực chứng minh sự bất thành của hôn nhân (vì có tài liệu đủ để chứng minh sự vô hiệu nên thủ tục được rút ngắn).
Tuy nhiên, thủ tục xử theo tài liệu chỉ dùng để xử vụ án với lý do có ngăn trở tiêu hôn, thiếu thể thức (forma canonica), kết hôn qua người đại diện (đ. 1105). Thủ tục này không áp dụng cho lý do hà tỳ ưng thuận, như trong trường hợp hôn nhân vô hiệu do thiếu trưởng thành, sợ hãi, lầm lẫn... Trong khi đó, thủ tục ngắn gọn trước Giám Mục thì áp dụng cho tất cả các lý do trên miễn là có sự đồng ý của hai bên và có chứng cứ đầy đủ, mà không cần thẩm cứu nhiều thêm.
Can. 1689 
§ 1. Adversus hanc declarationem defensor vinculi, si prudenter existimaverit vel vitia de quibus in can. 1688 vel dispensationis defectum non esse certa, appellare debet ad iudicem secundae instantiae, ad quem acta sunt transmittenda quique scripto monendus est agi de processu documentali.
§ 2. Integrum manet parti, quae se gravatam putet, ius appellandi.
 
Điều 1689
§1. Nếu bảo hệ viên, nhận định cách khôn ngoan rằng những thiếu sót được nói ở điều 1688 hoặc việc thiếu phép chuẩn là điều không chắc chắn, thì phải kháng án lên thẩm phán của tòa án cấp hai; các án từ phải được chuyển lên thẩm phán tòa án cấp hai, và phải thông báo bằng văn bản cho vị này biết đó là một tố tụng dựa trên tài liệu.
§2. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hai, thì bên đó có toàn quyền kháng án.
 
 
Điều 1689 giữ nguyên quy định của điều 1687 cũ.
Bảo hệ viên, do sự khôn ngoan của mình, nếu thấy có sự thiếu sót nào đó hoặc thấy các tài liệu là không chắc chắn thì phải kháng án lên tòa cấp hai và phải thông báo bằng văn bản cho biết đó là một tố tụng dựa trên tài liệu.
Bên cảm thấy mình bị thiệt hại cũng có quyền kháng án.
Can. 1690
 Iudex alterius instantiae, cum interventu defensoris vinculi et auditis partibus, decernet eodem modo, de quo in can. 1688, utrum sententia sit confirmanda, an potius procedendum in causa sit iuxta ordinarium tramitem iuris; quo in casu eam remittit ad tribunal primae instantiae.
 
Điều 1690
Với sự can thiệp của bảo hệ viên và sau khi nghe các bên, thẩm phán tòa án cấp hai phải quyết định cũng một cách thức nói đến ở điều 1688, xem có phải xác nhận bản án hay không hoặc có phải giải quyết vụ án theo cách thông thường của luật hay không, trong trường hợp này, thẩm phán gởi trả vụ án về tòa án cấp một.
 
 
Điều 1690 giữ nguyên quy định của điều 1688 cũ.
Ở tòa cấp hai, thẩm phán cũng xử theo thủ tục tài liệu. Nếu xét thấy thủ tục theo điều 1688 đã được tuân giữ đầy đủ và tài liệu được trưng ra là chắc chắn đúng thực thì thẩm phán sẽ xác nhận sự vô hiệu của hôn nhân; nếu không thì trả về cấp một để xử theo thủ tục thông thường.
 
TIẾT 7
NHỮNG QUY TẮC TỔNG QUÁT
Art. 7 - Normae generales
 
Can. 1691
§ 1. In sententia partes moneantur de obligationibus moralibus vel etiam civilibus, quibus forte teneantur, altera erga alteram et erga prolem, ad sustentationem et educationem praestandam.
§ 2. Causae ad matrimonii nullitatem declarandam, processu contentioso orali, de quo in cann. 1656-1670, tractari nequeunt.
§ 3. In ceteris quae ad rationem procedendi attinent, applicandi sunt, nisi rei natura obstet, canones de iudiciis in genere et de iudicio contentioso ordinario, servatis specialibus normis circa causas de statu personarum et causas ad bonum publicum spectantes.
Điều 1691
§1. Trong bản án, phải nhắc nhở cho các bên biết những nghĩa vụ luân lý hay cả những nghĩa vụ dân sự mà bên này phải có đối với bên kia và đối với con cái họ trong việc cấp dưỡng và giáo dục.
§2. Không được áp dụng việc xử án hộ sự khẩu biện cho những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành được nói đến ở những điều 1656-1670.
§3. Trong những vấn đề khác liên quan đến thủ tục, phải áp dụng những điều luật về những việc xử án nói chung và về việc xử án hộ sự thông thường, trừ khi bản chất sự việc không cho phép, miễn là vẫn giữ nguyên những quy tắc đặc biệt liên quan đến những vụ án về tình trạng nhân thân và những vụ án có dính dáng tới công ích.
 
 
Điều 1691 giữ nguyên quy định của điều 1689, 1690 và 1691 cũ.
 Xử án hộ sự khẩu biện (đ. 1656-1670) chỉ áp dụng cho một số trường hợp mà luật cho phép, bị cấm đối với vụ án hôn nhân. Trong thủ tục xét xử này có buổi họp để đưa ra các chứng cứ và bàn luận, với sự hiện diện của thẩm phán, các vị tham gia vụ kiện như công tố viên, bảo hệ viên … luật sư và các bên tương tự như vụ án dân sự thông thường.
Những luật về thủ tục cho vụ án vô hiệu của hôn nhân được Giáo Luật dành ra một phần riêng. Tuy nhiên thẩm phán cũng phải tuân theo những luật chung về tố tụng hộ sự, trừ khi bản chất sự việc không cho phép. Thẩm phán cần phân định để có thể uyển chuyển việc áp dụng thủ tục chung vào vụ án hôn phối (đơn giản hơn, loại trừ những điều không cần thiết) do bản chất của vụ án vô hiệu hôn phối có nhiều khác biệt với những vụ án hộ sự, thường là kiện tụng nhau về quyền lợi, hay vụ án hình sự.
Việc cấm xử án hộ sự khẩu biện (đ. 1656-1670) là một ví dụ cho thấy vụ án hôn phối không đặt tầm quan trọng trên sự tranh cải lẫn nhau như trong xử án thông thường. Bản chất hoặc đối tượng vụ án vô hiệu hôn phối là tìm ra sự thật của sự vô hiệu của kết hôn. Điều này liên quan đến thủ tục về các lời khai và chứng cứ. Có những thủ tục liên quan thẩm phán có thể áp dụng một cách đơn giản hơn miễn là giúp tìm ra sự thật. Trong khi đó các vụ án hộ sự khác và hình sự, những thủ tục này cần áp dụng chặc chẻ hơn.
Tình trạng kết hôn của một người chính là một tình trạng nhân thân. Vì vậy, cũng cần phải tôn trọng những quy tắc đặc biệt liên quan đến những vụ án về tình trạng nhân thân. Một trong những nguyên tắc là tình trạng nhân thân thì không bao giờ trở thành vấn đề quyết tụng (đ.1643), nghĩa là, vụ án không coi như đã hoàn toàn xử xong, hoặc không coi như đã được quyết định hoàn toàn chấm dứt, không còn khả năng khiếu nại hay xin xử lại (đ.1641, 1642).
 
 
===================================================
 
PHẦN III
VÀI TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT
ĐỀ MỤC 1
TỐ TỤNG HÔN NHÂN
CHƯƠNG 1
NHỮNG VỤ ÁN TUYÊN BỐ
HÔN NHÂN BẤT THÀNH
TIẾT 1
TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN

Điều 1671
§1. Do luật riêng, các vụ án hôn nhân của những người đã được Rửa Tội, thuộc quyền thẩm phán Giáo Hội.
§2. Các vụ án liên quan đến những hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân thuộc quyền thẩm phán dân sự, trừ khi luật địa phương ấn định rằng thẩm phán Giáo Hội có thể cứu xét và giải quyết chính các vụ án đó, nếu các vụ án ấy được giải quyết như là vấn đề phụ và tùy tòng.
 
Điều 1672
Đối với những vụ án về sự bất thành của hôn nhân mà Tông Tòa không dành riêng cho mình, thì các tòa án có thẩm quyền là:
10 Tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;
20 Tòa án tại nơi mà một hoặc cả hai bên có cư sở hay bán cư sở;
 
Điều 1673
§1. Trong mỗi giáo phận và cho những vụ án bất thành của hôn nhân mà không bị luật minh nhiên loại trừ, thẩm phán của tòa án cấp một là Giám Mục giáo phận, ngài có thể đích thân hay nhờ những người khác thi hành quyền xét xử, chiếu theo qui tắc của luật.
§2. Trong giáo phận Giám Mục phải thiết lập tòa án giáo phận để xử những vụ án bất thành của hôn nhân miễn là vẫn giữ nguyên năng quyền của Giám Mục đó được xúc tiến tại một tòa án giáo phận lân cận hoặc liên giáo phận.
§3. Những vụ án về sự bất thành của hôn nhân phải được dành cho hiệp đoàn gồm ba thẩm phán. Chánh án tòa hiệp đoàn phải là giáo sĩ; những vị còn lại cũng có thể là giáo dân.
§ 4. Giám mục có trách nhiệm, nếu không thể thiết lập tòa án hiệp đoàn trong giáo phận hay trong giáo phận lân cận được chọn theo quy tắc của §2, phải ủy thác những vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất, và nơi nào có thể được, vị này phải mời hai hội thẩm có đời sống liêm khiết, thành thạo trong khoa luật pháp hay nhân văn, được Giám Mục chuẩn nhận cho nhiệm vụ này; vị thẩm phán duy nhất có thẩm quyền thi hành những chức năng dành cho hiệp đoàn, cho vị chánh án hay cho báo cáo viên, trừ khi rõ ràng là trái ngược.
§ 5. Để được hữu hiệu, tòa án cấp hai luôn luôn phải là hiệp đoàn, theo như quy định của §3 nói trên.
§6. Việc kháng án được thực hiện từ tòa án cấp một lên tòa án cấp hai của Tổng Giám Mục giáo tỉnh, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của những điều 1438-1439 và 1444.
.
TIẾT 2
QUYỀN KHÁNG NGHỊ HÔN NHÂN

 
Điều 1674
§1. Những người có năng cách kháng nghị hôn nhân là:
10 những người phối ngẫu;
20 công tố viên, khi sự bất thành của hôn nhân đã trở thành công khai, nếu hôn nhân không thể thành sự hóa, hoặc không thích hợp nếu thành sự hóa.
§ 2. Hôn nhân nào đã không bị kháng nghị khi hai người phối ngẫu còn sống, thì cũng không thể kháng nghị khi một trong hai bên hay cả hai đã chết, trừ khi vấn đề thành sự của hôn nhân là vấn đề tiên quyết để giải quyết một cuộc tranh tụng khác hoặc ở tòa án Giáo Hội hoặc ở tòa án dân sự.
§ 3. Nhưng nếu một người phối ngẫu chết trong khi vụ án chưa ngã ngũ, thì phải giữ điều 1518.
 
TIẾT 3
KHỞI SỰ VÀ THẨM CỨU VỤ ÁN

Điều 1675.
Trước khi nhận xét xử vụ án, thẩm phán phải chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng.
 
Điều 1676
§1. Sau khi nhận đơn thỉnh cầu (libellus), nếu xét thấy đơn có một nền tảng nào đó, thì Đại Diện tư pháp phải chấp đơn và, bằng một sắc lệnh đính kèm ở cuối chính đơn này, truyền gửi một bản sao để thông báo cho bảo hệ viên và, nếu đơn không được cả hai bên ký tên, thì thông báo cho bị đơn và cho người ấy thời hạn mười lăm ngày để bày tỏ ý kiến của mình về điều thỉnh cầu.
§2. Quá thời hạn nêu trên, sau khi đã nhắc nhở một lần nữa cho bên kia bày tỏ ý kiến nếu thấy thích hợp, và sau khi đã nghe ý kiến của bảo hệ viên, Đại Diện tư pháp phải ra sắc lệnh xác định thể thức nghi vấn và quyết định vụ án phải được xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục ngắn gọn hơn theo những điều 1683-1687. Sắc lệnh này phải lập tức được thông báo cho các bên và cho bảo hệ viên.
§3. Nếu định xử vụ án theo thủ tục thông thường, Đại Diện Tư Pháp, cũng với sắc lệnh đó, thu xếp việc thiết lập thẩm phán đoàn hoặc một thẩm phán duy nhất với hai hội thẩm theo quy định của điều 1673§4.
§4. Tuy nhiên, nếu định xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, Đại Diện Tư Pháp tiến hành chiếu theo qui tắc của điều 1685.
§5. Thể thức nghi vấn phải xác định xem hôn nhân thành sự bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào.
 
Điều 1677
§1. Bảo hệ viên, các luật sư của các bên và cả công tố viên, nếu các vị này tham gia tố tụng, đều có quyền:
10 có mặt trong lúc thẩm vấn các bên, các người làm chứng và các giám định viên, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1559;
20 xem các án từ tư pháp, ngay cả khi những án từ đó chưa được công bố, và nghiên cứu các tài liệu do các bên cung cấp.
§2. Các bên không được tham dự cuộc thẩm vấn được nói đến ở 1,10.
 
Điều 1678
§1 Trong những vụ án hôn nhân bất thành, lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, mà sự đáng tin của họ cũng có thể được cũng cố bởi các nhân chứng, có thể được thẩm phán đánh giá là có hiệu lực chứng minh đầy đủ, sau khi vị này đã cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố cũng cố, miễn là không có những yếu tố khác phủ định chúng.
§2. Trong những vụ án này, lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn, nếu đó là một nhân chứng có phẩm cách cung khai về những điều được thực hiện theo chức vụ của mình, hoặc những sự kiện về người và sự việc gợi lên điều ấy.
§3. Trong những vụ án về sự bất lực hay về hà tì ưng thuận do bệnh tâm thần hoặc do những bất thường thuộc bản chất tâm lý, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết; còn trong những vụ án khác, phải giữ những quy định của điều 1574.
§4. Mỗi khi thẩm cứu vụ án mà thấy có một nghi vấn rất hữu lý về hôn nhân bất hoàn hợp, sau khi nghe ý kiến các bên, tòa án có thể đình hoãn vụ án về sự bất thành, bổ túc việc thẩm cứu để xin miễn chuẩn hôn nhân thành nhận, và sau đó chuyển những án từ đến Tông Tòa, kèm theo đơn xin miễn chuẩn của một hay của hai người phối ngẫu, cùng với ý kiến của Tòa án và của Giám Mục.
 
Tiết 4
BẢN ÁN, NHỮNG KHÁNG NGHỊ VÀ THI HÀNH

 
Điều 1679
Bản án lần đầu tiên tuyên bố hôn nhân là bất thành, khi mãn các thời hạn được ấn định trong những điều 1630-1633, có hiệu lực thi hành.
 
Điều 1680
§1. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên, đều có tố quyền xin tiêu hủy bản án hoặc kháng cáo chống lại bản án đó theo những điều 1619-1640.
§2. Mãn thời hạn luật ấn định cho việc kháng cáo và tiến hành kháng cáo, tòa án cấp trên sau khi đã nhận được các án từ tư pháp, phải thiết lập tòa án hiệp đoàn, chỉ định bảo hệ viên và nhắc nhở các bên bày tỏ ý kiến trong một thời hạn quy định; mãn thời hạn đó, nếu kháng cáo rõ ràng chỉ là trì hoãn, thì tòa án hiệp đoàn xác nhận bản án của tòa án cấp một bằng sắc lệnh.
§3. Nếu việc kháng cáo được chấp nhận, phải tiến hành cùng cách thức giống như ở tòa cấp một, với những thích nghi cần thiết.
§4. Nếu ở cấp kháng cáo người ta đưa ra một lý do mới khiến hôn nhân bất thành, thì tòa án có thể chấp nhận lý do đó và xét xử như ở tòa án cấp một.
 
Điều 1681
Nếu một bản án đã có hiệu lực thi hành, có thể thượng cầu toà án cấp ba bất kỳ lúc nào để xin xử lại vụ án chiếu theo quy tắc của điều 1644, bằng cách trưng ra những chứng cứ mới hay những lý do mới và quan trọng trong thời hạn nhất định là ba mươi ngày, kể từ ngày nộp đơn kháng án.
 
Điều 1682
§1. Sau khi bản án tuyên bố hôn nhân bất thành có hiệu lực thi hành, thì những người mà hôn nhân của họ được tuyên bố là bất thành có thể tái hôn, trừ khi lệnh cấm tái hôn được ấn định thêm bởi chính bản án hoặc bởi Đấng Bản Quyền địa phương.
§2. Ngay sau khi bản án có hiệu lực thi hành, vị Đại Diện Tư pháp phải thông báo bản án đó cho Đấng Bản Quyền địa phương nơi hôn nhân đã được cử hành. Vị này phải quan tâm, sớm hết sức, ghi chú việc công bố hôn nhân không thành và những lệnh cấm kèm theo, nếu có, vào sổ hôn phối và sổ rửa tội.
 
Tiết 5
TỐ TỤNG HÔN NHÂN NGẮN GỌN HƠN TRƯỚC GIÁM MỤC

 
Điều 1683
Chính Giám Mục giáo phận có thẩm quyền xét xử những vụ án hôn nhân bất thành với thủ tục ngắn gọn hơn mỗi khi:
1° Đơn thỉnh cầu được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên, với sự đồng ý của bên kia;
2° Những sự kiện về người và về sự việc, được xác thực bởi các chứng cứ hoặc tài liệu mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ.
 
Điều 1684
Đơn thỉnh cầu được xét xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, ngoài những điều được liệt kê ở điều 1504, phải:
1° trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu;
2° chỉ ra các chứng cứ mà thẩm phán có thể thu thập được ngay;
3° đính kèm những tài liệu làm căn cứ cho thỉnh cầu.
 
Điều 1685
Vị Đại diện tư pháp, bằng cùng một sắc lệnh, phải ấn định thể thức nghi vấn, chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai phải tham dự cho một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.
 
Điều 1686
Thẩm cứu viên, phải cố gắng hết sức thu thập các chứng cứ chỉ trong một giai đoạn, và phải ấn định thời hạn mười lăm ngày để trình bản các ý kiến bảo vệ dây hôn phối và bản biện hộ của các bên, nếu có.
 
Điều 1687
§1. Sau khi nhận được các án từ, Giám Mục Giáo phận tham khảo ý kiến của thẩm cứu viên và hội thẩm, cân nhắc các ý kiến của bảo hệ viên cũng như những biện hộ nếu có của các bên, và nếu thấy đạt đến sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản án. Nếu không thấy, ngài đưa vụ án về lại thủ tục thông thường.
§2. Toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên.
§3. Để chống lại bản án của Giám Mục thì được kháng án lên tòa án của Tổng Giám mục giáo tỉnh hay lên Tòa Thượng Thẩm Roma; nếu bản án do Tổng Giám mục giáo tỉnh ban hành, thì được kháng án lên tòa án của Giám Mục cao niên hơn trong giáo tỉnh; và chống lại bản án của một Giám Mục mà không có bề trên nào dưới Đức Giáo Hoàng Roma, thì được kháng án tòa án của Giám Mục đã được ngài chỉ định cách cố định.
§4. Nếu rõ ràng chỉ là kháng án trì hoãn, Tổng Giám Mục giáo tỉnh hay Giám Mục nói ở §3, hoặc Niên Trưởng tòa Thượng Thẩm Roma, phải ra sắc lệnh khước từ ngay từ đầu; ngược lại, nếu kháng án được chấp nhận, thì gửi trả vụ án về xử ở cấp hai theo thủ tục thông thường.
 
TIẾT 6
TỐ TỤNG DỰA TRÊN TÀI LIỆU

Điều 1688
Sau khi đã nhận một đơn thỉnh cầu chiếu theo quy tắc của điều 1676, Giám Mục giáo phận hay Đại Diện tư pháp hoặc vị thẩm phán được chỉ định, bỏ qua những thể thức của tố tụng thông thường, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án, nếu có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu.
 
Điều 1689
§1. Nếu bảo hệ viên, nhận định cách khôn ngoan rằng những thiếu sót được nói ở điều 1688 hoặc việc thiếu phép chuẩn là điều không chắc chắn, thì phải kháng án lên thẩm phán của tòa án cấp hai; các án từ phải được chuyển lên thẩm phán tòa án cấp hai, và phải thông báo bằng văn bản cho vị này biết đó là một tố tụng dựa trên tài liệu.
§2. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hai, thì bên đó có toàn quyền kháng án.
 
Điều 1690
Với sự can thiệp của bảo hệ viên và sau khi nghe các bên, thẩm phán tòa án cấp hai phải quyết định cũng một cách thức nói đến ở điều 1688, xem có phải xác nhận bản án hay không hoặc có phải giải quyết vụ án theo cách thông thường của luật hay không, trong trường hợp này, thẩm phán gởi trả vụ án về tòa án cấp một.
 
TIẾT 7
NHỮNG QUY TẮC TỔNG QUÁT

Điều 1691
§1. Trong bản án, phải nhắc nhở cho các bên biết những nghĩa vụ luân lý hay cả những nghĩa vụ dân sự mà bên này phải có đối với bên kia và đối với con cái họ trong việc cấp dưỡng và giáo dục.
§2. Không được áp dụng việc xử án hộ sự khẩu biện cho những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành được nói đến ở những điều 1656-1670.
§3. Trong những vấn đề khác liên quan đến thủ tục, phải áp dụng những điều luật về những việc xử án nói chung và về việc xử án hộ sự thông thường, trừ khi bản chất sự việc không cho phép, miễn là vẫn giữ nguyên những quy tắc đặc biệt liên quan đến những vụ án về tình trạng nhân thân và những vụ án có dính dáng tới công ích.
 
Làm tại Roma, Đền Thánh Phêrô, ngày 15 thánh 8, lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 2015, năm thứ ba Giáo Hoàng.
Phanxicô
 
================================
 
 
Chuyển dịch Việt ngữ và bình giải do Lm. JB Lê Ngọc Dũng
Đại Diện Tư Pháp Gp. Nha Trang
Tái chỉnh sửa ngày 23-3-2016
 

[1] Một người thủ đắc cư sở hay bán cư sở được xác định theo luật sẽ có những quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng theo luật định. Nó không có nghĩa là người này đương nhiên được hưởng những công ích do giáo dân đã tạo dựng nên, ví dụ như vấn đề quỹ chung, nghĩa trang ...
[2] Cf. MI. Regole procedurali, art. 17; TRIBUNALE APOSTOLICO DELLA ROTA ROMANA, Sussidio applicative del Motu pr. Mitis Iudex Dominus IesusCittà del Vaticano, gennaio 2016, 23 (Ghi chú tắc là MI, Sussidio applicative, 23).
[3] Cf. MI, Sussidio applicativo, 18.
[4] Cf. MI, Regole procuderali, 18#1.
[5] Đổi chữ “có lợi” (expediat , opportuno, expedient) của bản dịch 2007 thành chữ “thích hợp”., vì chữ  có lợi  mang sắc thái chủ quan và không rõ ràng.
[6] Đổi chữ “tố cáo” (accusari, accuse) trong bản dịch 2007 thành chữ “kháng nghị” cho phù hợp với bản chất tố tụng hôn nhân và với đề mục “Quyền kháng nghị hôn nhân” được viết ở tiết 2.
[7] Xem bình giải điều 1671.
[8] Dùng chữ “khởi sự” thay cho “khởi tố” của bản dịch 2007, vì chữ “khởi tố” không hợp với bản chất vụ án vô hiệu hôn nhân. Mặt khác, tiết 3 này quy định nhiều thủ tục cho tiến trình ban đầu vụ án, không chỉ có việc nộp đơn khởi tố hay khởi kiện.
[9] Đổi chữ những “giới hạn” (termini) trong bản dịch 2007, ở điều 1513, bằng chữ những “tiêu điểm” cho đúng đắn hơn.
[10] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§1.
[11] Cf. MI. Sussidio Applicativo, 27.
[12] Bản dịch này giữ nguyên cấu trúc hai mệnh để chính theo thứ tự và đi song song, được diễn tả bởi hai động từ exigant và reddant. Nếu chuyển dịch sang hai mệnh đề chính phụ hoặc đảo lộn thứ tự, ý nghĩa chính xác của luật có thể bị suy giảm.
[13] MI, Regole procedurali, art. 14§1.
[14] Cf. MI, Sussidio applicativo, 32.
[15] Cf. FRANCESCO, Allocuzione alla Rota Romana, 23 gennaio 2015.
[16] Cf. FRANCESCO, Esort. Ap. Evangela gaudium, n. 93.
[17] Cf. Ibidem, n. 94.
[18] Cf. MI, Sussidio applicativo, 33.
[19] Cf. MI, Sussidio applicativo, 34.
[20] Cf. MI, Sussidio applicativo, 34.
[21] Cf. MI, Sussidio applicativo, 35.
[22] Cf. MI, Sussidio applicativo, 35.
[23] Cf. MI, Sussidio applicativo, 12.
[24] Cf. MI, Regole proceduralim, art. 16.
[25] Cf. MI, Sussidio applicativo, 58; MI, Regole procedurali, art. 16
[26] Cf. MI, Sussidio applicativo, 38.
[27] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§1.
[28] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§2.
[29] Cf. MI, Sussidio applicativo, 39.
[30] Đổi chữ “xác tín luân lý” (moralem certitudinem, certezza morale, moral certitude) trong bản dịch 2007, điều 1608 và 1707, thành chữ “chắc chắc luân lý”, vì đòi hỏi của pháp lý là sự chắc chắc chứ không phải là sự xác tín hay sự tin tưởng.
 
[31] MI, Regole procedurali, art. 12.
[32] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§1.
[33] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§2.
[34] Đổi thứ tự các mệnh đề trong bản dịch năm 2007. Bản này đã tách rời một mệnh đề ra thành một câu: “Trong những vụ án này, những thể thức pháp lý của một vụ án thông thường được bỏ qua, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên”. Sự tách rời ra như vậy sẽ gây hiểu lầm là trong vụ án tài liệu, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên, tất cả những thủ tục khác thì được bỏ qua. Bản dịch mới này không tách ra nhưng vẫn giữ mệnh đề ở vị trí như nguyên bản Latinh, vì sự bỏ qua thủ tục chỉ gồm có một số trong phạm vi liên hệ, chứ không tất cả.
 
Lm JB. Lê Ngọc Dũng

Nguồn tin: giaophannhatrang.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây