VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG – BẢN SẮC RIÊNG BIỆT
Có thể nói văn hóa truyền thống là linh hồn là cốt lỗi làm nên bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc. Cách riêng đối với anh chị em đồng bào Raglay và K’ho, văn hóa truyền thống không chỉ là những tập quán, nghi lễ hay phong tục mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp giữ gìn và phát huy các giá trị của tổ tiên qua bao thế hệ. Vì thế những người lớn tuổi trong làng đã mong muốn được truyền lại các nét đẹp văn hóa cho tầng lớp con cháu, ước mong các con các cháu sẽ là những người sẽ giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc. Vào ngày 11/1/2025, Ban Caritas Phan Thiết đã tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa đặc sắc tập trung vào việc chia sẻ và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của 5 cộng đồng dân tộc: Sông Phan, Suối Máu, Phan Lâm, Boon Thớp và Kalip. Đây là cơ hội để các nhóm cộng đồng cùng tìm hiểu, khám phá, và trân trọng những giá trị truyền thống độc đáo của nhau, đồng thời tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng.
Trong không khí rộn ràng của buổi giao lưu văn hóa, năm cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số: Suối Máu, Sông Phan, Phan Lâm, Boon Thớp và Kalip, đã tụ họp để chia sẻ những nghi lễ, cách đánh cồng chiêng và phong tục truyền thống quý báu của mình. Đây không chỉ là dịp để mọi người giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa của dân tộc mình mà còn là cơ hội để kết nối, học hỏi và nối kết tình người với nhau.
- Âm vang cồng chiêng – Linh hồn của núi rừng
Tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã, trầm hùng như tiếng lòng của núi rừng. Mỗi dân tộc có một cách đánh riêng, nhưng tất cả đều mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gắn liền với đời sống tín ngưỡng và lễ hội. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng và sự kính trọng đối với các vị thần linh.
Dì Ca – thành viên của nhóm bảo tồn văn hóa đã hỏi các em thiếu nhi: “Các con có muốn học đánh cồng chiêng không?”. Nếu muốn học thì tới bà chỉ cho đánh. Những câu hỏi có vẻ như rất đơn giản, nhưng đó là tất cả thao thức của các Dì lớn tuổi trong làng, muốn có thế hệ trẻ tiếp nối để tiếng cồng chiêng được tiếp tục vang lên.
- Rượu cần – Hương vị truyền thống gắn kết
Trong buổi giao lưu hôm nay, rượu cần là món không thể thiếu, các già làng đã chia sẻ cách làm rượu cần – loại rượu đặc trưng của anh chị em dân tộc thiểu số. Rượu cần không chỉ là thức uống mà còn là biểu tượng của sự hiếu khách và tinh thần đoàn kết. Từ việc chọn nguyên liệu, lên men đến cách thưởng thức, mỗi công đoạn đều thể hiện sự khéo léo và tấm lòng của người làm.
- Ẩm thực truyền thống – Hương vị quê hương
Phần chia sẻ - giao lưu ẩm thực, những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như rau đắng rừng nấu canh, canh bùi, các loại rau rừng giã và ăn với mè đen, cơm lam, măng rừng….Mỗi món ăn đều được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, gần gũi với đời sống của bà con. Đây không chỉ là sự thể hiện của tay nghề nấu nướng mà còn là cách gìn giữ cách chế biến truyền thống đã truyền qua nhiều thế hệ.
- Giã gạo – Công việc và niềm vui
Hình ảnh người nông dân cùng giã gạo trong những chiếc cối bằng gỗ lớn, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số. Tiếng chày giã gạo vang lên đều đặn, tạo nên một bức tranh sinh hoạt vừa bình dị, vừa sinh động. Điều đặc biệt hơn cả, những hạt lúa mà mọi người cùng nhau giã để nấu ăn, là những hạt gạo sinh thái thơm ngon và dinh dưỡng, không phân thuốc hóa học – đã được một nhóm nông dân cùng với Quý Sơ Caritas vất vả nghiên cứu và trồng với mục đích giúp bà con nông dân không còn bị “nợ” từ việc đầu tư phân thuốc hóa học và hướng đến bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho nông dân.
- Điệu múa truyền thống – Linh hồn của văn hóa
Những điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đã làm say đắm lòng người do các em thiếu nhi từ các cộng đồng thể hiện. Tất cả đều phản ánh nét đẹp tâm hồn và đời sống của người dân miền núi.
- Ước mong thế hệ trẻ tiếp nối ngọn lửa truyền thống
Các già làng, bậc cha mẹ không giấu được niềm tự hào khi kể lại những câu chuyện về văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, trong ánh mắt họ cũng ẩn chứa một nỗi niềm: ước mong thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa ấy. Họ hy vọng những phong tục như đánh cồng chiêng, làm rượu cần, giã gạo hay các điệu múa truyền thống sẽ không chỉ tồn tại mà còn lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống hiện đại.
“Truyền thống là hồn cốt của dân tộc,” một vị già làng chia sẻ: “Chúng tôi mong các bạn trẻ không chỉ học mà còn yêu và sống với văn hóa, để văn hóa của ông bà tổ tiên luôn được thắp sáng.”
Buổi giao lưu khép lại trong tiếng cười rộn rã và những cái bắt tay thật chặt. Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu văn hóa mà còn là lời nhắc nhở mỗi người hãy tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu mà cha ông đã để lại. Với sự tiếp nối của thế hệ trẻ, ngọn lửa văn hóa truyền thống sẽ mãi bừng sáng giữa núi rừng đại ngàn, hòa vào dòng chảy của thời đại hôm nay.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho mọi công việc và cố gắng của chúng con và bà con nông dân.
Nt. Matta Ant. Vân Anh
xem hình