Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯỜNG HUẤN THÁNG 05/2024:
NGƯỜI TRẺ & TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN: XÂY DỰNG GIÁO HỘI TƯƠNG LAI
Bài 1: VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI – Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Trong bối cảnh Giáo hội hiện đại, giới trẻ không chỉ là nguồn lực của tương lai mà còn là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của đời sống Giáo hội ngày nay. Sự tham gia của họ mang đến sự tươi mới, đổi mới và tiếp năng lượng cho cộng đồng tín hữu, đồng thời đóng góp vào việc duy trì và phát triển các giá trị tâm linh truyền thống trong kỷ nguyên số.
Trước hết, người trẻ đóng góp vào sự sống động của Giáo Hội. Giới trẻ mang lại sức sống mới cho Giáo hội thông qua sự nhiệt tình và khả năng thích ứng với thời đại. Họ tham gia vào các hoạt động của Giáo hội với tâm thế sẵn sàng học hỏi và đóng góp, từ các sinh hoạt cộng đoàn đến các sáng kiến truyền giáo và từ thiện xã hội. Sự kết nối giữa giới trẻ và Giáo hội không chỉ qua các hoạt động truyền thống mà còn thông qua công nghệ và mạng xã hội, giúp lan tỏa giáo lý và tăng cường sự gắn kết cộng đồng.
Kế đến, người trẻ cũng là nguồn cảm hứng cho các sáng kiến đổi mới trong Giáo hội. Họ mang đến cái nhìn mới mẻ và phương pháp tiếp cận độc đáo trong việc giải quyết các vấn đề và thách thức mà Giáo hội đang đối mặt, như việc hòa nhập công nghệ trong giáo dục đức tin, phát triển các ứng dụng di động cho hoạt động giáo lý, và sử dụng mạng xã hội để tăng cường sự tương tác giữa các thành viên trong Giáo hội.
Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều tiềm năng, giới trẻ cũng đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển và thể hiện đức tin trong một xã hội ngày càng đa dạng và thế tục. Giáo hội cần phải tạo điều kiện cho họ để phát huy khả năng này, thông qua việc cung cấp giáo dục và đào tạo, tạo môi trường cho họ được lắng nghe, được thấu hiểu và được khuyến khích phát triển các tài năng cá nhân cũng như đức tin của mình.
Vì thế cho nên, người trẻ cần được hỗ trợ và phát triển lãnh đạo. Đó là một trong những vai trò quan trọng nhất của giới trẻ là sự phát triển lãnh đạo trong tương lai của Giáo hội. Giáo hội cần hỗ trợ giới trẻ thông qua các chương trình đào tạo lãnh đạo, tạo cơ hội cho họ tham gia vào quản lý và hoạch định trong Giáo hội, từ đó giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho các vai trò lãnh đạo trong tương lai, không chỉ trong bối cảnh Giáo hội mà còn trong cộng đồng và xã hội.
Tóm lại, người trẻ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và thích ứng của Giáo hội trong thời đại mới. Vai trò của họ không chỉ dừng lại ở việc kế thừa, mà còn là những người đổi mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Giáo hội. Việc tạo điều kiện và khuyến khích giới trẻ tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội là yếu tố then chốt để Giáo hội không chỉ duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Hồi tâm
- Là một người có trách nhiệm trong Giáo xứ, anh chị em có thể làm gì để tạo dựng một môi trường cổ võ và hỗ trợ người trẻ tham gia vào đời sống Giáo Hội? Có thể làm gì để hỗ trợ người trẻ đối diện các thách thức khi sống đức tin trong xã hội hiện đại?
- Người trẻ có thể tham gia như thế nào vào đời sống giáo xứ? Giáo xứ có sáng kiến hoặc chương trình gì nhằm phát triển khả năng lãnh đạo của người trẻ?
- Giáo xứ có thể làm gì để tiếng nói của người trẻ được lắng nghe? Làm thế nào bạn có thể cải thiện quá trình người trẻ được lắng nghe và đóng góp tích cực vào việc tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho những vấn đề chung của giáo xứ?
Bài 2: NUÔI DƯỠNG Ý THỨC SỨ MỆNH NƠI NGƯỜI TRẺ - Lm. Antôn Hà Văn Minh
Ngỏ lời với các bạn trẻ tại Denver, Hoa Kỳ, tháng 7 năm 1993, ngài đã mạnh mẽ kêu gọi: “Các con đừng sợ, hãy đi đến mọi ngõ phố, mọi nơi công cộng, giống như các tông đồ đầu tiên để loan báo Đức Kitô và Tin Mừng cứu độ cho mọi nơi. Đừng xấu hổ vì Tin Mừng. Đây là lúc phải rao giảng trên mái nhà… chính các con là những người hãy lên đường đến với mọi nơi và mời gọi mọi người đến dự bữa tiệc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân Ngài”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngần ngại mời gọi các bạn trẻ lên đường loan báo Tin Mừng, vì hơn bao giờ hết, các bạn trẻ phải mạnh dạn ghé vai vào gánh vác công việc tông đồ, nói như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các bạn trẻ là “chủ thể tích cực, tham gia vào việc Phúc âm hóa và đổi mới xã hội”[1]. Giáo hội, sau Công Đồng Vatican II đã không ngừng không ngừng mời gọi các bạn trẻ dấn thân mang Tin Mừng Đức Kitô chiếu giải trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Thiết tha kêu gọi các bạn trẻ dấn thân phục vụ cho Tin Mừng, vì “Giáo hội nhìn thấy nơi giới trẻ con đường hướng về tương lai đang đợi mình, và Giáo hội nhận ra nơi giới trẻ hình ảnh và lời nhắn nhủ về sự tươi trẻ mà Thần Khí của Đức Kitô dùng để không ngừng làm phong phú Giáo hội”[2] Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã khẳng định “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có mọi lý do để đặt sự tín nhiệm vào giới trẻ Kitô giáo: Giới trẻ sẽ không làm cho Giáo hội thất vọng nếu Giáo hội có đủ những người lớn tuổi hơn có khả năng hiểu giới trẻ, yêu giới trẻ, hướng dẫn giới trẻ và mở ra cho giới trẻ tương lai bởi thông truyền cho giới trẻ sự trung tín hoàn toàn với Sự Thật luôn tồn tại”[3]
Khi mời gọi các bạn trẻ đảm nhận công việc loan báo tin Mừng như là chủ thể, Giáo Hội ý thức rằng Một số người trẻ có một khát vọng về Thiên Chúa, mặc dù không phải là tất cả những phác hoạ về Thiên Chúa đã được mặc khải. Một số bạn trẻ khác mơ ước về tình huynh đệ, một điều không phải là không quan trọng. Nhiều bạn trẻ có một khát vọng thực sự muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến điều gì đó cho đời. Còn một số khác thì lại nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật, hay muốn sống hoà điệu với thiên nhiên, cũng có bạn trẻ chỉ quan tâm lớn về truyền thông, ngoài ra có bạn nuôi dưỡng một khát vọng sâu xa muốn sống đời mình cách khác biệt. Đó là những khởi điểm thật sự, những nguồn lực nội tại đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận một lời thúc đẩy, soi sáng và khích lệ[4].
1. Cổ võ việc thường xuyên tiếp cận Lời Chúa
Từ khởi điểm khát vọng nơi các bạn trẻ, Giáo hội muốn khơi gợi các bạn trẻ hướng tới khát vọng về một cuộc gặp gỡ với Giêsu, từ đó các bạn sẽ cảm nhận nhu cầu tông đồ mà các bạn cần phải dấn thân. Con đường hướng các bạn trẻ đến gặp Chúa Giêsu chính là Lời Chúa được ghi lại trong cuốn Kinh Thánh, nói như Thánh Giêrônimô: “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”[5], vì Lời trong Kinh Thánh là Lời Tình yêu của Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại, Lời Tình yêu đó đã được cụ thể hóa nơi con người Đức Giêsu Kitô. Vì thế, con đường dẫn đến gặp Đức Kitô các cá vị không gì hơn chính là Lời Chúa.
Giữa một xã hội ồn ào và bon chen này, các bạn trẻ chắc chắn cũng bị lôi cuốn vào thế giới đầy náo nhiệt này, và ý thức việc tông đồ có lẽ cũng không còn là được quan tâm. Bởi đó hơn bao giờ hết, các bạn trẻ cần được khơi gợi lại tâm thức tông đồ qua việc khích lệ các bạn đến với Lời Chúa. Đức Thánh cha Phanxicô trong thông điệp “ánh sáng Đức tin” đã khẳng định: “Lời đầu tiên mà Thiên Chúa nói với chúng ta nơi Đức Giêsu, không phải là một lời nói suông, song đây chính là ‘Ngôi Lời’ hằng sống”[6].
Nhưng làm sao các bạn trẻ có thể tìm một Đức Kitô sống động qua lời? Chắc chắn, điều cần thiết là cần hướng dẫn các bạn cầu nguyện và suy gẫm về Lời Chúa. Đức Phanxicô đã dạy: “Không có trang nào của Tin Mừng mà không có chỗ cho chúng ta. Đối với những người Kitô hữu chúng ta, suy gẫm là một cách để gặp gỡ Chúa Giêsu. Và bằng cách này, chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể tìm thấy chính mình. Đây không phải là sự co cụm lại nơi chính mình nhưng là đến với Chúa Giê-su và từ Người chúng ta gặp chính mình được chữa lành, được sống lại, được củng cố nhờ ơn của Chúa Giêsu. Và gặp gỡ Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế của tất cả chúng ta, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.”[7]
Chính khi gặp gỡ được Đức Kitô, nhiệt khí làm tông đồ nơi các bạn trẻ sẽ bùng lên, và chắc chắn sự dấn thân của các bạn trẻ sẽ mang lại nhiều hoa trái. Do đó tổ chức gặp gỡ Lời Chúa và hướng dẫn cầu nguyện với Lời Chúa dành cho bạn trẻ là phương thế cấp bách cần được thực hiện trong việc canh tân mục vụ của Giáo xứ.
2. Khuyến khích lãnh nhận Bí tích Thánh Thể
Không thể có ý thức tông đồ nếu các bạn trẻ không thường xuyên tiếp cận các Bí tích . Đức Phanxicô đã nói: Để truyền thông sự sung mãn mà chúng ta có được qua việc gặp gỡ đức Kitô “ có một công cụ đặc biệt bao gồm toàn thể con người, thân xác và tinh thần, đời sống nội tâm và những liên hệ. Công cụ ấy là các Bí Tích, được cử hành trong phụng vụ của Hội Thánh”[8], và đặc biệt, nhiệt tình Tông đồ sẽ được nuôi dưỡng qua Bí tích Thánh Thể, vì đây là lương thực quý báu cho đức tin: một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô thực sự hiện diện trong hành động tối cao của tình yêu, món quà ban sự sống của chính mình[9]
Quả thật, tự bản chất, Bí tích Thánh Thể đòi được thông truyền cho mọi người. “Điều mà thế giới cần chính là tình yêu Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Chính vì thế, Thánh Thể không chỉ là nguồn suối và chóp đỉnh đời sống của Hội Thánh; Thánh Thể cũng là nguồn suối và chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh: “Một Hội Thánh thật sự sống Thánh Thể là một Hội Thánh truyền giáo”. Chính chúng ta có bổn phận phải nói cho anh chị em chúng ta với niềm xác tín: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,3). Thực tế, chẳng có gì đẹp hơn việc gặp gỡ Đức Kitô và thông truyền Đức Kitô cho mọi người.[10]
Việc khích lệ các bạn trẻ siêng năng lãnh nhận Thánh Thể, là cách thế nuôi dưỡng ý thức tông đồ tốt nhất, bởi nói như Đức Bênêđictô XVI: “sự kinh ngạc thích thú trước hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng chúng ta trong Đức Kitô in sâu vào đời sống chúng ta một sự năng động mới, thúc đẩy chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Chúng ta chỉ trở nên những chứng nhân khi có một Đấng khác tỏ hiện và thông truyền qua hành động, lời nói và thái độ của chúng ta”[11].
3. Khích lệ các bạn trẻ tham gia vào chương mục vụ giới trẻ
Để nuôi dưỡng ý thức công việc tông đồ của các bạn trẻ, một điều không thể bỏ qua, chính là làm cho các bạn trẻ nhận ra chính các bạn là chủ thể tích cực của công việc Loan báo Tin Mừng, vì giới trẻ thuộc về Giáo Hội Và Giáo Hội thuộc về giới trẻ sứ mạng của Giáo Hội cũng là sứ mạng của các bạn trẻ . Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: Đừng coi giới trẻ chỉ như đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội mà thôi : thực sự, giới trẻ đáng được và phải được khuyến khích trở thành những chủ thể tích cực, tham gia vào việc Phúc-âm-hóa và đổi mới xã hội”[12].
Bởi đó phải cần phải kiến tạo một cuộc đối thoại giữa các bạn trẻ với Giáo hội, cụ thể là Giáo Hội địa phương hay cộng đoàn Giáo xứ, chúng ta nên biết: “Giáo Hội có rất nhiều điều để nói với giới trẻ và giới trẻ có rất nhiều điều để nói với Giáo Hội. Cuộc đối thoại hỗ tương này phải được thực hiện một cách thật thân tình, trong sáng và can đảm, nó sẽ cổ võ việc gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ, sẽ là nguồn mạch phát sinh sự phong phú và tươi trẻ cho Giáo Hội cũng như cho xã hội”[13]. Các vị chủ chăn cần giúp cho người trẻ nhận ra nhu cầu cấp bách của công việc loan báo Tin Mừng để người trẻ “đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nữa trong các chương trình mục vụ.”[14]. Nói cách khác, “chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo.”[15] (số 203). Nói như Đức Phanxicô: “Mục vụ giới trẻ cần được linh động hơn và mời người trẻ đến với các sự kiện mà nơi đó, người trẻ không chỉ có cơ hội để học hỏi, nhưng còn để chia sẻ cuộc sống, liên hoan, hát múa, nghe những câu chuyện thực của các chứng từ và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong cộng đoàn”[16].
Chắc chắn các bạn trẻ luôn khao khát được đồng hành với Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng, các bạn cần một sự đồng cảm và sự khích lệ từ Giáo Hội, các bạn cần có một cuộc đối thoại để từ đó các bạn cảm nhận được sự gặp gỡ của các con tim nảy sinh từ một tình yêu, từ con tim này mọi người thể hiện tình liên đới biết tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ vui buồn với nhau và tình huynh đệ được đề cao. Đẻ từ cuộc đối thoại này, các bạn sẽ khám phá rằng, việc dấn thân làm tông đồ không là một cảm hứng từ nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhưng đây chính là một lời đáp trả yêu thương với Đấng đã đến gặp các bạn qua Lời Chúa, qua Thánh Thể. Vì thế, các vị chủ chăn cần “tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống. Có thể làm điều này bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chí là sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan[17].
Bài 3: NUÔI DƯỠNG CẢM THỨC THUỘC VỀ GIÁO HỘI NƠI NGƯỜI TRẺ - Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Trong bối cảnh hiện đại, một trong những thách thức lớn nhất mà Giáo hội phải đối mặt là làm thế nào để nuôi dưỡng cảm thức thuộc về đối với người trẻ. Sự tham gia và cảm thức thuộc về không chỉ đơn thuần là sự hiện diện thường xuyên tại các hoạt động Giáo hội, mà còn bao hàm việc cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, có tiếng nói và ảnh hưởng trong cộng đoàn. Để đạt được điều này, Giáo hội cần phát triển các phương pháp tiếp cận toàn diện, đồng cảm và linh hoạt để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của giới trẻ.
Một cách tổng quát, Giáo Hội cần tạo dựng môi trường gần gũi với người trẻ, làm cho người trẻ dễ tiếp cận. Giáo hội cần tạo ra một môi trường mở, nơi mọi người trẻ cảm thấy được chào đón, được trân trọng và có giá trị. Điều này bao gồm việc tôn trọng sự đa dạng của họ, từ khác biệt cá nhân cho đến các nền tảng văn hóa và kinh nghiệm sống khác nhau. Việc áp dụng một thái độ bao dung và không phán xét sẽ giúp họ cảm thấy an toàn và được chấp nhận, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn trong các hoạt động của Giáo hội.
Bên cạnh đó, Giáo hội cần nỗ lực cập nhật và làm mới các chương trình giáo dục đức tin để phù hợp với ngôn ngữ, phong cách sống và cách thức tư duy của giới trẻ hiện nay. Các khóa học hay buổi học không chỉ nên giảng dạy về lý thuyết mà còn phải kết nối với thực tế cuộc sống và những vấn đề mà người trẻ quan tâm. Việc sử dụng công nghệ, truyền thông mạng xã hội và các phương tiện hiện đại khác trong việc giảng dạy sẽ giúp họ cảm thấy đức tin có liên quan mật thiết tới đời sống của chính họ.
Thêm vào đó, Giáo hội cần khuyến khích sự tham gia của người trẻ không chỉ như là người nhận mà còn là những người đóng góp chủ động cho cộng đồng. Việc này có thể thực hiện thông qua việc mời gọi họ tham gia vào các nhóm lãnh đạo, các dự án phục vụ cộng đồng, và các vai trò quyết định trong các sáng kiến của Giáo hội. Bên cạnh đó, việc thiết lập các mối quan hệ đồng hành, nơi các linh mục và giáo dân có nhiều kinh nghiệm hơn chia sẻ và hỗ trợ người trẻ, sẽ giúp họ cảm thấy mình là một phần không thể tách rời của Giáo hội.
Sau cùng, Giáo hội cần thừa nhận và tôn trọng tiếng nói của người trẻ như một phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển chính sách của mình. Người trẻ cần được lắng nghe và những ý kiến của họ phải được coi trọng khi Giáo hội đưa ra các quyết định quan trọng. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy được quan tâm mà còn thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao đóng góp của họ.
Tóm lại, nuôi dưỡng cảm thức thuộc về Giáo hội nơi người trẻ là một nhiệm vụ không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển bền vững của Giáo hội trong tương lai. Bằng cách thực hiện các bước trên, Giáo hội không chỉ giữ chân được người trẻ mà còn truyền cảm hứng và trang bị cho họ để trở thành những tín hữu trưởng thành, đóng góp tích cực cho Giáo hội và xã hội.
Hồi tâm
- Giáo xứ có thể tạo dựng môi trường thế nào để người trẻ cảm thấy được trân trọng và có giá trị trong Giáo hội? Có thể thực hiện những việc cụ thể nào hơn nhằm khuyến khích người trẻ tham gia vào đời sống giáo xứ?
- Chương trình giáo dục đức tin hiện tại của Giáo xứ có đang được cập nhật để phù hợp với ngôn ngữ, phong cách sống và cách thức tư duy của giới trẻ không? Bạn có nhận thức được sự cần thiết trong việc tích hợp công nghệ và mạng xã hội vào quá trình giảng dạy không?
- Bạn đã làm gì để khuyến khích và hỗ trợ người trẻ không chỉ là người nhận mà còn là những người đóng góp chủ động trong cộng đồng? Bạn có cung cấp cơ hội để họ tham gia vào các vai trò lãnh đạo và quyết định trong Giáo xứ không? Làm thế nào bạn có thể tăng cường việc này để thực sự thừa nhận và tôn trọng tiếng nói của họ trong quá trình hình thành và phát triển chính sách của Giáo hội?
Bài 4: NGƯỜI TRẺ TU DƯỠNG NHÂN ĐỨC: SỐNG TINH THẦN LÃNH ĐẠO NHƯ GIÊSU - Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Trong hành trình tu dưỡng nhân đức và phát triển tinh thần lãnh đạo, người trẻ trong Giáo hội có thể tìm thấy một mẫu mực vô cùng cao cả và thiết thực trong chính cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô. Lấy gương mặt của Ngài làm chuẩn mực, người trẻ không chỉ học cách sống nhân đức mà còn phát triển được tâm hồn lãnh đạo nhằm phục vụ và yêu thương tha nhân.
1. Nhân đức của sự khiêm nhường và phục vụ. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về tầm quan trọng của nhân đức khiêm nhường và sự phục vụ không mệt mỏi. Ngài không chỉ là lãnh đạo tối cao mà còn là người phục vụ mọi người, từ những hành động nhỏ nhất như rửa chân cho các môn đệ. Người trẻ học được rằng, để trở thành một nhà lãnh đạo giống như Chúa Giêsu, họ cần phải biết đặt lợi ích của người khác lên trước, đồng thời thực hiện các hành động phục vụ một cách khiêm tốn và tận tâm.
2. Tinh thần lãnh đạo như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thể hiện tinh thần lãnh đạo thông qua việc kiên định với sứ mệnh của mình dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Sự kiên nhẫn, lòng kiên trì, và khả năng giữ vững mục tiêu trong mọi thử thách là những bài học quý giá mà người trẻ cần phải học hỏi để nuôi dưỡng tinh thần lãnh đạo của mình. Việc bắt chước những phẩm chất này giúp họ phát triển được khả năng dẫn dắt và gánh vác trách nhiệm trong cộng đồng và Giáo hội.
3. Sự liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa. Một yếu tố quan trọng khác trong cuộc sống của Chúa Giêsu là mối liên kết chặt chẽ và sâu sắc với Thiên Chúa Cha. Người trẻ được khích lệ phát triển một mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa thông qua đời sống cầu nguyện và thiêng liêng, điều này sẽ là nền tảng vững chắc cho sự lớn mạnh trong đức tin và nhân đức. Tương tự, sự lắng nghe và tuân theo ý Chúa sẽ dẫn dắt họ trở thành những nhà lãnh đạo có đạo đức và tầm nhìn sâu rộng.
4. Tính cách thử thách và kiên cường. Trong cuộc đời và sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu đã vượt qua nhiều thử thách lớn, từ sự cám dỗ trong sa mạc cho đến thử thách cuối cùng trên thập giá. Từ đó, người trẻ học được rằng mọi thử thách và khó khăn đều có thể được vượt qua bằng niềm tin và sự trung thành với Thiên Chúa. Sự kiên cường và lòng dũng cảm là những đức tính cần thiết cho một nhà lãnh đạo tốt, giúp họ không chỉ dẫn dắt mà còn truyền cảm hứng cho người khác.
Kết luận, để nuôi dưỡng nhân đức và phát triển tinh thần lãnh đạo giống như Chúa Giêsu, người trẻ cần rèn luyện tính khiêm nhường, phục vụ, sự kiên trì, và mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Qua đó, họ không chỉ phát triển bản thân mà còn có thể góp phần xây dựng một Giáo hội và xã hội tốt đẹp hơn.
Hồi tâm
- Là một người có trách nhiệm trong Giáo hội, bạn làm gì để khuyến khích và hỗ trợ người trẻ trong hành trình tu dưỡng nhân đức và phát triển tinh thần lãnh đạo? Bạn có cung cấp những tấm gương mẫu mực như Chúa Giêsu để họ noi theo, và tạo ra những cơ hội để họ thực hành những bài học này trong cuộc sống thực không?
- Trong nỗ lực của mình để hỗ trợ người trẻ, bạn tạo điều kiện thế nào để họ có thể phát triển một mối quan hệ sâu sắc và mật thiết với Thiên Chúa? Bạn có khuyến khích họ tham gia vào đời sống cầu nguyện và các hoạt động thiêng liêng giúp họ lắng nghe và hiểu rõ hơn về ý Chúa không?
- Bạn làm thế nào để giúp người trẻ nhận ra và vượt qua các thử thách trong hành trình đức tin và lãnh đạo của họ, tương tự như những thách thức mà Chúa Giêsu đã đối diện? Bạn giúp họ học cách kiên cường và dũng cảm để không chỉ đối mặt với khó khăn mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho người khác trong cộng đồng không?
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici) Số 46.
[2] Nt.
[3] Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Tông huấn Hãy Vui Mừng trong Chúa (Gaudete in Domino, 1975) , số 6.
[4] X. Đức Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống (Christus Vivit) số 84
[5] T. Giêrônimô, Comm. in Is., Prol.: PL 24, 17.
[6] Đức Phanxicô, Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei) số 15.
[7] Đức Phanxicô, suy gẫm – cách thế cầu nguyện giúp chúng ta gặp Chúa Giê-su và tìm thấy chính mình,đề tài của bài giáo lý được Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày trong buổi tiếp kiến chung được truyền trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông tòa vào sáng thứ Tư 28-4-2021. Nguồn: Vatican News
[8] Đức Phanxicô, Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin (Lumen Fidei) số 40.
[9] X. nt
[10] Đức Bênêđictô XVI, Tông Huấn Bí tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis), số 84
[11] Nt.
[12] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici) Số 46
[13] Nt.
[14] Đức Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống (Christus Vivit) số 202.
[15] Nt, số 203
[16] Nt số 204
[17] Nt, số 2014
Nguồn tin: hdgmvietnam.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn