Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh.

Thứ sáu - 10/01/2020 07:11

Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh.

"Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang".

 

LỜI CHÚA: Ga 3, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục.

Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!"

Gioan trả lời rằng: "Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

 

 

Suy Niệm 1: Mọi người đều đến với ông

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình

tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.

Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa.

Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria,

Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa

cho những người đến với ông.

Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau,

được làm bởi hai người khác nhau.

Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này.

Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn.

Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó

và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui:

“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).

Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng,

người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26),

bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.

Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.

Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu,

Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa..

Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:

Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28).

Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể,

vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c.29).

Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).

Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).

Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng.

Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.

Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa,

thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình,

sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.

Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy,

niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c.29).

Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông.

Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Gioan làm chứng lần cuối

“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.

Thật vậy, ảnh hưởng của Chúa Giêsu càng lớn, thì vai trò của Gioan càng lu mờ. Ba Phúc âm Nhất lãm đã làm nổi bật sự kiện ấy khi đặt sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chấm dứt vai trò của Gioan Tẩy Giả.

Gioan đã diễn tả vai trò tiền hô của mình qua câu nói bất hủ: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thay vì ghen tức, buồn phiền, Gioan đã vui mừng đóng trọn vai phụ của mình. Như một quản trò trong tiệc cưới, Gioan đã khơi dậy niềm vui và hướng mọi người đến với Tan Lang là Đức Kitô.

Ngày nay, người Kitô hữu cũng tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả. Phương châm hành động của họ là: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu lôi kéo chúng ta vào tội lỗi, nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của chúng ta, để nhờ đó Chúa Kitô đước lớn lên trong chúng ta.

Nguyện cho ánh sáng và sức sống của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn và cuộc sống chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm mức viên mãn của chính Ngài.

 

Suy Niệm 3: LỚN LÊN VÀ NHỎ LẠI NHƯ THẾ NÀO?

Đoạn kết Tin Mừng hôm nay được khép lại với câu nói có hậu của Gioan Tiền Hô: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”. Nói là kết, nhưng nó lại mở ra cho một tương lai và hy vọng mới.

 “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”, đã trở thành một phương châm sống cho vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế.

Giữa lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã đứng đúng vị trí của mình là tiền hô, kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì vậy, ông đã thẳng thắn tuyên bố: tôi không phải là Đấng Kitô, Đấng ấy đến sau tôi, tôi không đáng cởi giây dép cho Người! Khi Đấng ấy đến, Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần... và “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại” vì "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi" (x. Mt 3,3).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”.

Để cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn sàng sống cho người khác.

Tôi phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang...

Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo gương sáng của Gioan Tiền Hô khi xưa, luôn sống theo tinh thần đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ, để Chúa được lướn lên, còn chúng con thì nhỏ lại. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

 SUY NIỆM

1. Chân dung thánh Gioan Tẩy Giả

Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhiều lần ngang qua các Tin Mừng, lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả. Bởi vì, sứ điệp và cuộc đời của thánh nhân có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.

Thật vậy, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay thánh hiến, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô.

Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.

Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.

2. « Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi »

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan nói mình một cách khiêm tốn :

Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (c. 30)

Và sự khiêm tốn đích thật không phải là hạ mình xuống thấp hơn điều mình là, nhưng là sống đúng với điều mình là trong sự thật, đối với Đức Ki-tô và qua đó, với những người khác, trong đó các anh em, chị em và những người chúng ta được sai đến phục vụ. Và sự thật về thánh Gioan, và cũng là sự thật về chúng ta, đó là : ngài không phải là Đức Ki-tô, nhưng là người được sai đi trước mặt Người, phép rửa của ngài (vì thế, ngài có tên là « John The Baptist » – Gioan Baotixita hay Gioan Tẩy Giả, nghĩa là « Gioan, Người làm phép thanh tẩy ») là để giúp người ta chuẩn bị con đường, là chính tâm hồn của cuộc đời của mình, để Đức Ki-tô đi qua, nghĩa là để cho Người tái sinh bằng phép rửa do Người thực hiện trong Thánh Thần (x. Lc 3, 15-16.21-22, trong phụng vụ Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa).

Theo gương của thánh Gioan, và nhất là Đức Maria, Mẹ của chúng ta, chúng ta được mời gọi nhận mình trong sự thật, là tôi tớ, là nữ tì cho sứ mạng của Đức Ki-tô, chứ không phải là chủ nhân hay là trung tâm. Hình ảnh chàng rể và bạn của chàng rể mà thánh Gioan dùng để diễn tả tương quan sự thật giữa ngài và Đức Ki-tô thật là đẹp và hay, vì thế phải đánh động chúng ta.

Và chính tương quan trong sự thật này đã mang lại bình an và niềm vui cho thánh Gioan và cho tất cả chúng ta hôm nay, thay thì sự bực dọc, tức giận, bất an hay lo lắng. Và niềm vui của thánh Gioan đã đạt đến mức trọn vẹn; và chắc chắn là vừa sâu xa và vừa bền vững.

Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn (c. 29)

3. Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban »

Nhưng tại sao, thánh Gioan lại có được sự khiêm tốn đích thật mang lại niềm vui lớn lao như thế. Đó là vì ngài có được kinh nghiệm nền tảng này :

Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. (c. 27)

Đó chính là kinh nghiệm về ân huệ Thiên Chúa ban, và ơn huệ lớn nhất và căn bản nhất chính là ơn huệ sự sống. Thực vậy, hơn ai hết, sự sinh ra của Gioan là một ân huệ nhưng không tuyệt đối của Thiên Chúa (x. các bài Tin Mừng của Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh về sự sinh ra của thánh Gioan, trong Lc 1, 5-80).

Và sự sống của chúng ta cũng vậy, tuy không được cha mẹ sinh ra cách lạ lùng như Gioan, nhưng sự sống của chúng ta, cũng là một ơn huệ nhưng không tuyệt đối Thiên Chúa ban, như lời nguyện Thánh Vịnh đã xác tín và muốn chia sẻ niềm xác tín này cho chúng ta :

Tạng phủ con, chính Ngài đã tạo dựng,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa vì con, tác phẩm lạ lùng, đã được dựng nên,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!

(Tv 139, 13-14)

Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, “sự sống dồi dào” rồi. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống; vì thế, khi ban cho chúng ta sự sống này, Ngài mời gọi chúng ta hướng tới sự sống mới, tới sáng tạo mới; và khi chúng ta khát khao, Người sẽ trao ban. “Sự sống mới” không phải là sự sống “ăn no mặc ấm”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết, là chính Chúa. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10) nơi Bí Tích Thánh Thể.

Thật vậy, nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực:

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống.

(Ga 6, 51)

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(Tv 136)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Niềm vui của tôi giờ đây được trọn vẹn – SN song ngữ ngày 11.01.2019

 

Saturday (January 12): “This joy of mine is now full”

Scripture: John 3:22-30

22 After this Jesus and his disciples went into the land of Judea; there he remained with them and baptized. 23 John also was baptizing at Aenon near Salim, because there was much water there; and people came and were baptized. 24 For John had not yet been put in prison. 25 Now a discussion arose between John’s disciples and a Jew over purifying. 26 And they came to John, and said to him, “Rabbi, he who was with you beyond the Jordan, to whom you bore witness, here he is, baptizing, and all are going to him.” 27 John answered, “No one can receive anything except what is given him from heaven. 28 You yourselves bear me witness, that I said, I am not the Christ, but I have been sent before him. 29 He who has the bride is the bridegroom; the friend of the bridegroom, who stands and hears him, rejoices greatly at the bridegroom’s voice; therefore this joy of mine is now full. 30 He must increase, but I must decrease.”

Thứ Bảy    12-1           Niềm vui của tôi giờ đây được trọn vẹn

 

Ga 3,22-30

22 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa.23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa.24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy.26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

Meditation: 

Do you know the joy of the Lord? When some friends of John the Baptist complain that all the people are now going to Jesus, John in his characteristic humility exclaimed that he was not the Messiah but only the messenger sent to prepare his way. John describes the Messiah as the Bridegroom and himself as the friend of the Bridegroom. The image of the groom delighting in his bride and the joy of the wedding feast is used in the Bible as a sign or symbol of God’s covenant love and joy in being united with his people, whom he calls his bride. As the bridegroom rejoices over the bride, so shall your God rejoice over you (Isaiah 62:5). 

 

 

Through the gift of the Holy Spirit John recognized that Jesus was the anointed Messiah, sent from the Father in heaven to reunite his people to himself. John acted as the groom’s best man in arranging the marriage and in making preparations for the marriage feast. John and his disciples now rejoice that the Bridegroom has come to make his bride, the people of God, ready for the marriage feast. The New Testament tells us that Christ’s blood which was shed upon the cross as the atoning sacrifice for our sins, seals us in a new covenant between God and his people. The Book of Revelation depicts the final fulfillment and consummation of this new covenant relationship at the marriage feast of the “Lamb and his Bride”  in the New Jerusalem (see Revelations 21-22). Do you look with joyful anticipation to the consummation of God’s plan for his people at the end of the ages?

“Lord Jesus, may I never forget the love you have poured out for me when you shed your blood upon the Cross of Calvary for my sins and for my salvation. May your love always grow in me and your hope fill me with joy as I wait for your return in glory when all of your people will be fully united with you at your heavenly banquet feast in the New Jerusalem.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết niềm vui của Chúa không? Khi vài người bạn của Gioan tẩy giả phàn nàn về tất cả mọi người giờ đây đến với Ðức Giêsu, Gioan trong sự khiêm tốn đặc biệt của mình đã tuyên bố rằng ông không phải là Đấng Mêsia, nhưng chỉ là sứ giả được sai tới để dọn đường cho Ngài. Gioan mô tả Đấng Mêsia là Chàng rể và ông là bạn của Chàng rể. Hình ảnh chàng rể vui sướng về cô dâu và niềm vui của tiệc cưới được dùng trong Kinh thánh như một biểu tượng về tình yêu giao ước và niềm vui của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất với dân của Người, những người mà Người gọi là nàng dâu của mình. Như chàng rể vui mừng về nàng dâu thế nào, thì Thiên Chúa cũng vui mừng trên các ngươi như vậy (Is 62,5).

Ngang qua hồng ân của Chúa Thánh Thần, Gioan đã nhận ra rằng Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia được xức dầu, được Cha trên trời sai tới để tái hiệp dân của Người với chính mình. Gioan hành xử như người phụ rể trong việc chuẩn bị đám cưới và tiệc cưới. Gioan và các môn đệ của ông giờ đây vui mừng vì Chàng rể đã đến đón cô dâu, dân của Thiên Chúa, sẵn sàng cho bữa tiệc cưới. Tân ước nói với chúng ta rằng máu của Ðức Kitô đã đỗ ra trên thập giá làm của lễ đền bù cho những tội lỗi của chúng ta, nhìn nhận chúng ta trong giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân Người. Sách Khải Huyền mô tả sự hoàn thành cuối cùng và đích điểm của mối quan hệ giao ước mới này nơi bữa tiệc cưới của “Con Chiên và Nàng Dâu” của Người trong thành Giêrusalem mới (Kh 21,22). Bạn có mong đợi sự hoàn thành phấn khởi tới đích điểm của kế hoạch Thiên Chúa dành cho dân Người ở ngày tận thế không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con không bao giờ quên tình yêu Chúa đã đổ trên con khi Chúa đổ máu mình ra trên thập giá ở đồi Canvê vì những tội lỗi của con và vì phần rỗi của con. Xin cho tình yêu của Chúa luôn luôn lớn lên trong con và niềm hy vọng của Chúa lấp đầy con với niềm vui khi con chờ đợi ngày trở lại của Chúa trong vinh quang, khi tất cả dân Chúa sẽ hiệp nhất trọn vẹn với Chúa nơi bàn tiệc nước trời trong thành Giêrusalem mới.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây