Thứ Ba tuần 1 thường niên.
"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".
LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28
(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi, và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.
Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người".
Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Suy Niệm 1: Đấng thánh của Thiên Chúa
Suy niệm:
Trong Tin Mừng theo thánh Máccô,
ta không thấy có những bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan.
Nhưng bù lại Máccô đã kể khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.
Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay
là hội đường vùng Caphácnaum vào một ngày sabát.
Theo Máccô, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ từ đây.
Chúng ta cần xem Ngài đã sống ngày sabát như thế nào.
Trước hết Ngài đã vào hội đường và giảng dạy.
Thánh Máccô không kể lại nội dung của bài giảng,
chỉ cho biết là người ta sửng sốt khi nghe Ngài
vì cách giảng đầy uy quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).
Phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ.
Ở đây có một người đàn ông bị thần ô uế ám.
Trước sự hiện diện của Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên :
“Ông Giêsu Nadarét, ông đến tiêu diệt chúng tôi ư?
Tôi biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).
Sự hiện diện của Đấng Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ,
vì ô uế và thánh thiện không đội trời chung.
và Đấng thánh thiện có khả năng triệt phá thần ô uế.
Lời của Đức Giêsu bây giờ là lời trừ quỷ, lời quát mắng,
lời ra lệnh đầy uy quyền, lời khiến thần ô uế phải tuân theo.
“Câm đi, hãy xuất khỏi người này !”
Thần ô uế đã nhập vào và làm người ấy bị tha hóa,
bị mất tự do, bị chi phối và sai khiến như một nô lệ.
Lời Đức Giêsu là lời giải phóng để anh ấy được thật sự là mình,
được giải thoát khỏi tình trạng ô uế.
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm,
từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.
Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần,
bầu khí ô uế của sex thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Xin Đức Giêsu trả lại cho ta sự trong sạch nơi cái nhìn,
sự trong trắng nơi trái tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy Niệm 2: Ðấng có uy quyền
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường và chữa lành một người bị quỷ ám.
Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt giam, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng dạy trong Hội đường một cách công khai. Ngài giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa, chứ không như các Tiên tri trong Cựu Ước là những người được Thiên Chúa ủy thác cho; Ngài cũng không giảng dạy như các kinh sư Do thái là những người chỉ giải thích Kinh thánh và chất lên vai người dân gánh nặng của những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài. Giáo huấn của Chúa Giêsu là một cuộc giải phóng, một việc loan Tin Mừng cứu rồi, cách riêng cho những người nghèo khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội. Dân chúng nghe Chúa đều nhận thấy có sự khác biệt sâu xa giữa giáolý của Chúa và những lời giảng dạy của các kinh sư Do thái.
Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền trên quỷ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. "Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải vâng theo". Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng; trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: "Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?" Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ ước một Vị Cứu Tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến để giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.
Thánh Phêrô đã mời gọi các người đồng hương của ngài: "Thưa đồng bào Israel, xin hãy lắng nghe Chúa Giêsu Nazaret, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em như chính anh em đã biết điều đó".
Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Giáo Hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hóa và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo Hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước Trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Trong đám cử tọa
Lập tức trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi có can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta (Mc. 1, 23-26).
Ngày nay đâu đâu người ta cũng nghe vang lên những lời quảng cáo rùm beng cao rao cho thông điệp của mình. Và quảng cáo nào thì cũng tìm cách nói hay nói tốt cho mình là muốn phục vụ hạnh phúc mọi người. Nghe rồi, có những cái thu phục được lòng tin tưởng của ta, có những cái lại khiến ta ngờ vực. Nhưng là tín hữu xét cho cùng, chúng ta có Lời Chúa trong Phúc âm làm kim chỉ nam, và ta coi đó là chuẩn mực để đo lường phải trái, thực hư. Ta nhìn nhận rằng Lời Chúa là chân lý và uy quyền. Thế nên mỗi ngày ta tụ họp nhau để siêng năng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Nhưng…
Vấn đề ai là kẻ chân chính đích thực
Trong đám cử tọa, có một người đã biết rõ Chúa Giêsu là ai: “Tôi biết ông là ai rồi”. Anh ta biết rõ Chúa Giêsu là người có uy quyền và ảnh hưởng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng cách anh tuyên xưng lại sai lạc; anh biết rõ Người, nhưng anh không phục tùng Người. Anh bài xích, anh đối đầu với Người: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”
Con người Giêsu này luôn đặt ra vấn đề ai là kẻ chân chính đích thực, và nhất là Người thường đặt ra cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi tuyên xưng Thiên Chúa là đấng thánh, mỗi khi chúng tôi hát bài ca Thánh, Thánh, Thánh. Giờ đây chúng ta cũng đang là người trong đám cử tọa … Liệu Chúa sẽ bảo ta câm đi hay sẽ chấp nhận lời ta ca tụng Người?
Những đòi hỏi của sự thánh thiện
Khi Mô-sê được Thiên Chúa tỏ cho ông biết sự thánh thiện của Người, tác giả sách Xuất Hành ghi nhận như sau: “Mô-sê lấy khăn che mặt, vì ông không dám nhìn Chúa” (Xh. 3, 6). Còn tác giả Thánh vịnh khi đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, ai sẽ được cư ngụ nơi nhà Chúa?”, liền trả lời rằng: “Chính là người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay… Người không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận …” (Tv. 15).
Bởi thế ta không thể đến với Thiên Chúa thánh thiện, nếu như ta không tỏ lòng thần phục và kính sợ Người, hay những hành động của ta không được ngay thẳng.
Chúa Giêsu nghĩ gì về lời kinh ca ngợi của tôi?
Nếu Chúa Giêsu có bảo người bị quỷ ám ấy câm đi, thì không phải vì những lời anh ta nói có chi sai lạc, mà bởi vì những lời nói ấy không đi đôi với tâm tình của anh. Ta không thể mở miệng cao rao Thiên Chúa thánh thiện, mà lại là kẻ bài xích Người, hoặc ca bài Thánh Thánh Thánh mà lại chẳng thần phục suy tôn Người. Cũng không thể lấy câu hỏi này: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can chi đến ông?”, mà thay thế cho lời kinh Lạy Cha ta vẫn thường đọc: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”.
Suy Niệm 4: GIÁ TRỊ CỦA LỜI CHÚA (Mc 1, 21-28)
Ngày nay, rất nhiều người ham mê đọc sách, nào là sách: kiếm hiệp, truyện tranh, tiểu thuyết, nấu ăn, xã giao... lại có những người thích đọc báo, hết báo này rồi lại đến báo khác, cũng có nhiều người mê xem phim ảnh, lướt web...
Họ thi nhau kể thao thao bất tuyệt những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn “rất new”; và “hot” mới đọc được đây đó.
Thế nhưng, Lời Chúa là lời Hằng Sống, lời Quyền Năng, lời Biến Đổi thì lại chẳng mấy người để ý tới... Hoặc có để ý thì cũng chẳng mấy chốc Lời Chúa đã đi vào dĩ vãng vì họ không yêu mến và giữ Lời Chúa trong lòng.
Phải chăng chúng ta cũng không khác gì những người đương thời với Đức Giêsu, họ thấy những việc Chúa làm, Lời Chúa nói có uy lực, quyền năng thì trầm trồ khen ngợi, nhưng khi bảo hãy thi hành những gì Chúa dạy thì họ viện đủ mọi lý chứng để khước từ.
Mong sao, mỗi người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy niệm Lời Chúa, hầu đem ra thực hành trong cuộc sống. Có thế, chúng ta mới thực sự là người tin và đi theo Chúa, nếu không, chúng ta chẳng khác gì xác không hồn, hay tin và theo Chúa trong sổ Rửa Tội, còn trong thực tế thì không có chất Kitô gì cả!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết được giá trị của Lời Chúa, nhất là biết đón nhận Lời Chúa như lương thực cho linh hồn, để chúng con có đủ sức chống trả trước cám dỗ của Ma Quỷ. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
Đọc lại đời mình hay một giai đoạn sống dưới ánh sáng của Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta thấy mình còn nhiều thiếu sót trong việc nghe và sống Lời Chúa. Và đó chính là nguyên nhân sâu xa làm chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ, như vô ơn, nghi ngờ, không tín thác, ham muốn, kêu trách, ghen tị và bạo lực trong tâm hồn, lời nói, việc làm…
Xin Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những năng động xấu, những thần ô uế bằng Lời của Ngài.
1. Lời của Người có uy quyền
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mở đầu và kết thúc với kinh nghiệm sửng sốt của người nghe, về sự kiện Lời của Đức Giê-su có uy quyền:
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (c. 22)
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. (c. 27)
Đức Giê-su vẫn tiếp tục giảng dạy qua trung gian Giáo Hội trong Thánh Lễ, trong các buổi cử hành phụng vụ và nhất là trong những lần tĩnh tâm, vì trong thời gian này, chúng ta được nuôi sống bằng Lời Chúa một cách cụ thể và thực sự hơn bất cứ điều gì khác.
Chắc chắn chúng ta đã từng có kinh nghiệm này: « Lời của Người có uy quyền ». Xin cho kinh nghiệm thiêng liêng này trở nên sâu đậm và không thể phai nhòa đối với chúng ta.
2. Sự Dữ mạnh hơn con người
Chúng ta hãy hình dung ra người bị quỷ thần ô uế nhập trong hội đường. Ngày nay, hầu như chúng ta không còn thấy sự kiện con người bị quỉ ám nữa. Thỉnh thoảng chúng ta còn nghe kể lại trường hợp hay trường hợp kia, nhưng đa số là chỉ nghe kể lại thôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ma quỉ, thần xấu, thần ô uế không còn nữa, hay không hoạt động nữa. Bằng chứng là tâm hồn của chúng ta, môi trường sống của chúng ta vẫn bị chi phối bởi Ma Quỉ và những gì thuộc về Ma Quỉ: đó là lòng ham muốn, ghen tị, giận dữ, thù ghét, buồn bực, nghi ngờ, đóng kín, tuyệt vọng, bóng tối và cả sự chết chóc nữa[1]. Trong những năng động xấu này, một đàng con người có phần trách nhiệm, nhưng đàng khác, chúng lại mạnh hơn con người. Như thánh Phao-lô nói:
Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (Rm 7, 19-20)
3. Lời Chúa mạnh hơn Sự Dữ
Trong bài Tin Mừng, chính ma quỷ lên tiếng chứ không phải người bị quỉ ám, người này không làm chủ được mình nữa. Hơn nữa, dường như ma quỷ còn muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su :
Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông
mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? (c. 24)
Nói cách khác, ma quỉ như muốn nói với Đức Giê-su: « nước giếng không phạm nước sông »! Nhưng Đức Giê-su là Ánh Sáng, là Chân Lý, là Sự Sống tuyệt đối; vì thế Bóng Tối, Lừa Dối và Sự Chết tất yếu phải tiêu tan. Hình ảnh ánh sáng đẩy lùi một cách tự nhiên bóng tối minh họa rất cụ thể cuộc chiến này. Sự Dữ mạnh hơn con người, nhưng Lời của Đức Giê-su, « Đấng Thánh của Thiên Chúa », thì mạnh hơn Sự Dữ; như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta :
Đức Giê-su quát mắng nó
« Câm đi, hãy xuất khỏi người này!’ »
Thần ô uế lay mạnh người ấy,
thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (c. 25)
Lời của Đức Giê-su vẫn luôn được ban cho chúng ta hằng ngày, để giải thoát chúng ta khỏi mọi ác thần, để làm cho chúng ta trở nên tự do, hiền lành, bình an và tín thác. Chúng ta hãy kiên nhẫn đón nhận Lời Chúa vào trong lòng chúng ta, vào trong gia đình, vào trong giáo xứ, trong cộng đoàn, để chúng ta cũng có thể làm chứng rằng :
Thế nghĩa là gì? Lời giảng thì mới mẻ,
người dạy lại có uy quyền.
Người ra lệnh cho cả các thần ô uế
và chúng phải tuân lệnh. (c. 27)
* * *
Khi nhìn lại bản thân chúng ta, chúng ta thấy mình thật yếu kém, đã từng để cho Sự dữ và những năng động của Sự Dữ ám chúng ta, nhập vào người chúng ta và thúc đẩy chúng ta hành động.
Nhưng Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta bình an và tin tưởng hơn, bởi vì, nếu chúng ta yếu đuối và bất lực, thì Lời Chúa có sức mạnh đẩy lùi Sự Dữ ra khỏi nội tâm và cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta được tái sinh trong tương quan mới của Nước Trời, làm con Thiên Chúa và làm anh chị em của nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Có thể đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE của ĐTC Phan xi cô, về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (19/03/2018), chương năm: CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC và PHÂN ĐỊNH, số 158-175.
Tuesday (January 14): Jesus taught with authority
Scripture: Mark 1:21-28 21 And they went into Capernaum; and immediately on the Sabbath he entered the synagogue and taught. 22 And they were astonished at his teaching, for he taught them as one who had authority, and not as the scribes. 23 And immediately there was in their synagogue a man with an unclean spirit; 24 and he cried out, “What have you to do with us, Jesus of Nazareth? Have you come to destroy us? I know who you are, the Holy One of God.” 25 But Jesus rebuked him, saying, “Be silent, and come out of him!” 26 And the unclean spirit, convulsing him and crying with a loud voice, came out of him. 27 And they were all amazed, so that they questioned among themselves, saying, “What is this? A new teaching! With authority he commands even the unclean spirits, and they obey him.” 28 And at once his fame spread everywhere throughout all the surrounding region of Galilee.
|
Thứ Ba 14-1 Đức Giêsu dạy với uy quyền
Mc 1,21-28 21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! “26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! “28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
|
Meditation:
Do you believe that God’s word has power to set you free and to transform your life? When Jesus taught he spoke with authority. He spoke the word of God as no one had spoken it before. When the Rabbis taught they supported their statements with quotes from other authorities. The prophets spoke with delegated authority – “Thus says the Lord.” When Jesus spoke he needed no authorities to back his statements. He was authority incarnate – the Word of God made flesh. When he spoke, God spoke. When he commanded even the demons obeyed. Faith works through love and abounds in hope Augustine of Hippo (354-430 AD) remarked that “faith is mighty, but without love it profits nothing. The devils confessed Christ, but lacking charity it availed nothing. They said, ‘What have we to do with you’ (Mark 1:24)? They confessed a sort of faith, but without love. Hence they were devils.” Faith is powerful, but without love it profits nothing (1 Corinthians 13). Scripture tells us that true faith works through love (Galatians 5:6) and abounds in hope (Romans 15:13). Our faith is made perfect in love because love orients us to the supreme good which is God himself as well as the good of our neighbor who is created in the image and likeness of God (Genesis 1:26,27). Hope anchors our faith in the promises of God and purifies our desires for the things which will last for eternity. That is why the word of Christ has power to set us free from all that would keep us bound up in sin, deception, and despair. Bede the venerable abbot of an English monastery (672-735) contrasted the power and authority of Jesus’ word with the word of the devil: “The devil, because he had deceived Eve with his tongue, is punished by the tongue, that he might not speak” [Homilies on the Gospels 1.8]. Faith must be nourished with the Word of God Faith is both a free gift of God and the free assent of our will to the whole truth that God has revealed. To live, grow, and persevere in the faith to the end, we must nourish it with the word of God. The Lord gives us his Holy Spirit to enlighten our minds that we may grow in his truth and in the knowledge of his great love for each of us. If we approach God’s word with trust and submission, and with an eagerness to do what the Lord desires for us, then we are in a much better position to learn what God wants to teach us through his word. Are you eager to be taught by the Lord and to conform your mind, heart, attitude, and intentions according to his word of truth, goodness, and love? “Lord Jesus, your word is power and life. May I never doubt your love and mercy, and the power of your word that sets us free, and brings healing and restoration to body, mind, heart, and spirit.”
|
Suy niệm:
Bạn có tin rằng lời Thiên Chúa có quyền lực để giải thoát bạn và biến đổi cuộc đời bạn không? Khi Đức Giêsu giảng dạy, Người nói với sự uy quyền. Người nói lời Thiên Chúa chứ không giống như những người nói trước đó. Khi các thầy Rabbi giảng dạy, họ củng cố cho lời nói của mình với những câu trích dẫn từ những người có uy quyền khác. Các ngôn sứ nói với quyền được ủy thác – “Thiên Chúa phán như vậy”. Khi Đức Giêsu nói, Người không cần bất cứ uy quyền nào củng cố cho lời nói của mình. Vì Người chính là Ngôi lời đầy uy quyền, Ngôi lời của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Khi Người nói, tức là Thiên Chúa nói. Khi Người ra lệnh, thì cả ma quỷ cũng phải vâng nghe. Đức tin hoạt động qua tình yêu và ở trong đức cậy Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) ghi nhận rằng “Đức tin rất mạnh mẽ, nhưng nếu không có đức mến, nó chẳng được lợi lộc gì. Ma quỷ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, nhưng thiếu lòng mến nên nó chẳng được ích lợi gì. Chúng nói: ‘Chúng tôi phải làm gì với ông (Mc 1,24)?’ Chúng tuyên xưng một thứ đức tin không có lòng mến. Vì vậy, chúng là ma quỷ”. Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng Đức tin thì mạnh mẽ – nó có thể dời núi, nhưng nếu không có lòng mến, nó chẳng ích lợi gì (1Cor 13). Đức tin chân thật hành động nhờ đức ái (Gl 5,6) và chan chứa hy vọng (Rm 15,13). Đức tin của chúng ta được hoàn hảo trong đức mến, bởi vì tình yêu quy hướng chúng ta đến Đấng tốt lành vô cùng là chính Thiên Chúa, cũng như đến sự lợi ích của tha nhân, những người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa (St 1,26-27). Niềm hy vọng níu chặt đức tin của chúng ta trong những lời hứa của Chúa và thanh tẩy những ước muốn của chúng ta về những điều sẽ tồn tại cho sự sống đời đời. Đó là lý do tại sao lời của Đức Giêsu Kitô có quyền lực giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì gài bẫy chúng ta trong tội lỗi, sự dối trá, và tuyệt vọng. Bede, Tu viện trưởng đạo đức của một Tu viện ở Anh quốc (672-735 AD) đã đối chiếu uy quyền của lời Đức Giêsu với lời của ma quỷ: “Ma quỷ, vì đã lừa dối bà Eva với miệng lưỡi của nó, bị phạt không thể nói được” (Trích các bài giảng các sách Tin mừng 1,8).
Đức tin phải được nuôi dưỡng bằng lời Chúa Đức tin vừa là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, vừa là sự chấp thuận vô điều kiện của ý chí chúng ta trước toàn bộ chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải. Để sống, lớn lên, và kiên vững trong đức tin đến phút cuối cùng, chúng ta phải nuôi dưỡng nó bằng lời Thiên Chúa. Đức Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Người để soi sáng tâm trí chúng ta để chúng ta có thể lớn lên trong chân lý của Người và trong sự hiểu biết tình yêu cao cả của Người dành cho mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta đến với lời Chúa một cách vâng phục, với lòng khao khát thực hiện mọi điều Thiên Chúa mong muốn, thì chúng ta đang ở trong vị trí tốt nhất để học hỏi những gì Thiên Chúa muốn dạy chúng ta qua lời của Người. Bạn có hăm hở để Đức Chúa dạy bảo và điều chỉnh cuộc sống của bạn theo lời của Người không? Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa là sức mạnh và là sự sống. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót cứu rỗi của Chúa và quyền năng của lời Chúa để đem lại sự chữa lành, tha thứ, và giải thoát cho những ai tiếp nhận nó.
|
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn