Thứ Sáu tuần 1 thường niên – Thánh Antôn, viện phụ. Lễ nhớ.
"Con Người có quyền tha tội dưới đất".
* Thánh Antôn là tổ phụ của các đan sĩ Ai Cập. Người chào đời quãng năm 250.
Sau khi song thân qua đời, đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo rồi hãy đến theo tôi”, người rút lui vào sa mạc sống đời khổ chế và đền tội. Nhiều bạn hữu đã đến theo người, sống nếp sống khắc khổ để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Người cũng có công nâng đỡ các tín hữu trong thời kỳ hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô bách hại đạo, người cũng trợ giúp thánh Athanaxiô đối phó với phái Ariô. Người qua đời năm 356.
LỜI CHÚA: Mc 2, 1-12
Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ.
Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con được tha".
Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: "Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: "Tội lỗi con được tha" hay nói: "Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". - Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà".
Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".
Suy Niệm 1: Thấy họ có lòng tin
Suy niệm:
Bối cảnh của bài Tin Mừng là căn nhà của ông Simon ở Caphácnaum.
Đức Giêsu đang được hết sức ái mộ bởi đám đông dân chúng.
Biết ngài trở về, họ tụ tập lại đông đến nỗi cửa cũng chẳng còn lối vào.
Chính vì thế khi bốn người bạn khiêng anh bất toại tới,
họ không biết làm sao mà vào được trong nhà để gặp Đức Giêsu.
Dù sao cũng có một tình cảm nào đó giữa năm người này.
Rất có thể họ là một nhóm bạn quen biết nhau và muốn giúp nhau.
Cả năm người đều tin rằng đến với Đức Giêsu là có hy vọng khỏi bệnh.
Họ đã hẹn nhau vào một ngày nhất định để lên đường.
Tình bạn được biểu lộ qua việc vất vả khiêng người bất toại.
Khi không vào được nhà, chắc cả năm người đều bối rối.
Về ư? hay chờ đợi? hay cứ liều gạt đám đông mà vào?
Hay còn một giải pháp nào khác tốt hơn?
Thời nay chúng ta khó hiểu được chuyện dỡ mái nhà mà vào.
Nhưng mái nhà của người Palestine thời ấy cũng khá đơn sơ,
chỉ gồm những thanh xà đặt trên các tường đá, rồi lợp tranh lên trên.
Nhóm năm người đã chọn giải pháp này, sau khi đã bàn bạc và nhất trí.
Kế đến là chuyện phân công.
Phải xin phép chủ nhà, phải leo lên dỡ mái bằng thang và làm một lỗ hổng,
phải kéo anh bất toại với chõng lên và hạ xuống ngay tại chỗ Đức Giêsu ngồi.
Tất cả công việc này cần nhiều sức mạnh và sự khéo léo,
nhất là cần lòng tin và tình bạn.
Hẳn Đức Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này.
Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở.
Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và khác thường.
Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm người.
Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm trí.
Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Đức Giêsu coi là là khiếm nhã.
Đức Giêsu đã thấy được lòng tin này và ngài đã chữa lành (c. 5).
Con đường trở về nhà của năm người thật là vui và nhẹ nhàng.
Người ta có thề đi ngang hàng với nhau, chứ không phải khiêng nhau nữa.
Nhìn nhóm người trên, tôi tự đặt cho mình vài câu hỏi.
Khi tôi bất toại, có người bạn nào giúp tôi không?
Tôi có khiêm nhường để cho người khác giúp tôi không?
Tôi có sẵn sàng để người khác đưa tôi đến với Giêsu không?
Tôi có chấp nhận vất vả để giúp một người bạn đang gặp khó khăn không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy Niệm 2: Chữa người bất toại
Một điểm trong phép lạ chữa người bất toại được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu không nói ngay: "Ta chữa lành cho con", nhưng Ngài nói với người bất toại: "Con đã được tha tội rồi".
Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng: "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng". Nhưng Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc thấu tư tưởng thầm kín của họ. Ngài bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?" Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: "Trong hai điều: một là bảo người bất toại: "Con đã được tha tội", hai là bảo: "Ðứng dậy, vác chõng mà đi", điều nào dễ hơn". Thật ra, hai điều này đều khó, và Chúa Giêsu quả quyết: "Ðể các ông biết: ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội, Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà", lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ để chứng minh Ngài có quyền tha tội, vì Ngài là Thiên Chúa. Như những người chống đối Chúa, ngày nay cũng có nhiều người không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa trao cho các Tông đồ, và qua các ngài cho Giáo Hội. Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong Bí tích sám hối và hòa giải. Nhờ Bí tích này, tội nhân sau khi lãnh Bí tích rửa tội được ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Từ ít lâu nay, có một cơn khủng hoảng đối với Bí tích giải tội: nhiều người không còn lãnh nhận Bí tích giải tội, không còn quý trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức về tội lỗi: có thể họ cần được Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ, nhưng không thấy cần được Thiên Chúa tha cho những tội đã phạm.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở về với tác vụ chính của Chúa Giêsu ngay từ đầu: tác vụ tha tội, hòa giải con người với Thiên Chúa. Ước gì chúng ta luôn ý thức về tội lỗi và quý trọng ơn tha thứ qua Bí tích giải tội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Trước tiên, phải tha thứ
Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, và thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc. 2, 3-5)
Thường ta đến cầu nguyện với Chúa, mà lòng nặng trĩu những tâm tư; ta có những nỗi khổ của riêng mình, mà còn mang theo những đớn đau của kẻ khác nữa. Ta muốn phô bày tất cả với Chúa… Ta muốn thả tất cả xuống trước mặt Chúa như người xưa đã làm cho người bại liệt nọ vậy.
Hôm ấy người ta đã khiêng đến một người bại liệt. Vấn đề coi như nan giải, vì dân chúng quá đông, đứng bít cả cửa. Nên người ta đã khéo léo tìm cách rỡ mái nhà để thả được người bại liệt xuống và đặt anh nằm trước mặt Chúa Giêsu. Nhưng kìa Chúa Giêsu lại nói với người ấy rằng: “Này con, con đã được tha tội rồi!”
Có những người nghĩ thầm trong bụng
Khi nghe Chúa nói như vậy, người ta sửng sốt và tỏ ra cứng cỏi. Họ lý luận về hai khía cạnh: ông ta tự coi mình là Thiên Chúa, khi nói lời tha tội. Đó là một thái độ tụ kiêu, ngạo ngược. Sau nữa, cho dù có như thế đi chăng, nói rằng sự tha tội có thể chữa lành bệnh tật, thì quả là một kỳ vọng còn phi lý hơn nữa!
Điều mà các kinh sư xưa nghĩ tưởng, thì nhiều người chúng ta hôm nay cũng suy nghĩ như vậy khi nghe Giáo hội giảng dạy. Phải chăng Giáo hội có thể lấy quyền Thiên Chúa mà tha tội - và nếu có đi chăng, thì làm sao chứng minh được rằng ơn tha tội đem lại một tác động hiệu nghiệm thực? Giải đáp trước nhất cho vấn đề của chúng ta phải chăng là ơn tha thứ?
Phải, tiên vàn phải được ơn tha thứ!
Người ta sẽ có thể giải thích rộng rãi về tầm quan trọng của ơn tha thứ. Tôi chỉ muốn đè cập đến vấn đề này cách dơn giản bằng cách phân biệt ơn tha thứ và ơn chữa lành. Sự khác biệt này càng rõ nét tùy theo tương quan giữa những người liên hệ. Xin đưa ra một thí dụ: một ông bác sĩ có thể chữa trị cái chân của một con bệnh mà không cần phải yêu mến, ngay cả chuyện trò với người ấy. Cũng thế, mỗi người chúng ta có thể tiếp cận người khác theo chức năng hay nghề nghiệp, có thể tham gia vào xã hội hoàn toàn theo những quy tắc luật lệ của môn khoa học hay ngành nghề mình đã theo đuổi. Nhưng con người có những nhu cầu mà nhiều kiến thức chuyên môn sẽ không có thể thỏa mãn được như giữ được niềm tin trong cuộc sống, mặc dầu con người có những yếu đuối và giới hạn; tin theo nghĩa thông thường …
Thực vậy, Thiên Chúa có thể ban ơn tha thứ cho con người thế nào thì chúng ta cũng có thể nhân danh Người mà chuyển giao ơn ấy như vậy, hầu nối kết con người với vận mệnh của mình. Ơn tha thứ khiến cho con người được Thiên Chúa doái nhìn và xót thuơng bù đắp cho những thiếu thốn của con người.
Vậy thì, trưỡc tiên là tha thứ, một người có thể sống trong một thân xác bại liệt, nhưng không thể sống thiếu tình thương.
Suy Niệm 4: Quyền năng của Chúa Giêsu (Mc 2,1-12)
Đã có lần Đức Giêsu phải than phiền vì dân chúng cứng tin vào Ngài, nhất là khi Ngài trở về quê hương. Chính sự khô cứng làm cho lòng họ trở nên trai đá, vì thế, họ không những không tin vào quyền năng của Đức Giêsu, mà họ còn vấp ngã vì Ngài nữa.
Hôm nay, lại một lần nữa, họ nghi ngờ vì Đức Giêsu lấy quyền của Thiên Chúa để chữa lành bệnh tật và tha tội.
Chuyện xảy ra là: có một người bị bại liệt, và người ta khiêng đến với Đức Giêsu để xin Ngài chữa lành. Thấy lòng tin mãnh liệt của những người khiêng cáng và của chính người bại liệt, Đức Giêsu đã ra tay cứu chữa bệnh tật thể xác và giải phóng hệ lụy phần hồn: “Tội con đã được tha rồi”; “Hãy đứng dậy, vác chõng mà về”. Thật là vui mừng và hạnh phúc! Từ nay, anh ta được tung tăng chạy nhảy trên chính đôi chân của mình. Cũng từ nay, anh không bị người đời dè bửu, khinh khi và gán cho mình tội lỗi nên mới bị phạt như vậy nữa!
Cuộc đời của chúng ta nhiều khi không bị đau bệnh phần xác như người bại liệt trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng chắc chắn trong tâm hồn, nhiều khi chúng ta cũng mắc phải những căn bệnh bại liệt:
Bại liệt khi chúng ta khinh thường và rẻ rúng những người nghèo, bệnh tật, ốm đau;
Bại liệt khi chúng ta có những ánh mắt phân biệt, ghen tỵ với anh chị em mình;
Bại liệt khi chúng ta thiếu sự liên đới, tình huynh đệ và vô trách nhiệm;
Bại liệt khi chúng ta thờ ơ với Chúa, nguội lạnh với đời sống đạo...
Những lúc như thế, chúng ta hãy xin Chúa đến với mình, xin Ngài đụng chạm và chữa lành, để chúng ta được lành sạch.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là kẻ có tội, xin cho chúng con năng đến với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải để chúng con được Chúa chữa lành. Amen.
Ngọc Biển
A- Phân tích (Hạt giống...)
Văn thể của đoạn này là “câu nói trong khung”, nghĩa là tác giả tuy kể một câu chuyện nhưng chuyện đó chỉ là một cái khung để làm nổi bật một câu nói của Chúa Giêsu. Câu nói quan trọng đó là c.5 “tội lỗi con được tha”. Chính câu nói này và cuộc tranh luận về nó mới là trọng tâm. Chuyện chữa người bất toại chỉ là một cơ hội, một cái khung.
Chi tiết văn phạm đáng chú ý: Động từ ở thể thụ động (được tha), hiểu ngầm kẻ tha tội là Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tha tội rồi, trước khi anh này phải dâng lễ theo luật buộc (x. Lv 6,17-23).
Quyền tha tội là độc quyền của Thiên Chúa. Bởi vậy các luật sĩ phản ứng ngay “Ông nói phạm thượng”. Chú ý họ dùng động từ “phạm thượng” y như lời cáo trạng trước Thượng Hội Đồng Do thái (x. Mc 14,63-64).
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo lắng chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
2. Thân nhân của người bất toại rất tích cực lo cho anh khỏi bệnh: khiêng đến nơi Chúa Giêsu đang giảng, chen lấn, leo lên mái nhà, gở mái, thòng dây xuống... Ước gì ai cũng biết tích cực lo chữa bệnh linh hồn cho thân nhân mình như vậy.
3. Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:
- Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con ?
- Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.
- Chắc cha phải nói ngược lại mới được.
- Không. Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
- Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.
- Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalêna đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
- Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con ?
- Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.
Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi:
- Cha khóc à ? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá ?
- Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.
Thánh nhân biết rõ phép Giải tội không phải là che dấu tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra. (Trích “Phúc”)
4. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. (Mc 2,5)
“Căn nhà bỗng nhiên bị bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh ‘Ba ơi cứu con’. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hoả giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên: ‘Ba đây, đừng sợ. Nhảy xuống đi’. Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu”.
Tương tự như thế, niềm tin vào Chúa khiến người bại liệt được chữa lành. Niềm tin cũng đem lại ơn tha thứ cho biết bao tội nhân. Vâng niềm tin đã làm cho cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa. Xin cho con biết gieo mình vào bàn tay Ngài giữa cuộc sống bao nỗi băn khoăn khắc khoải, để cuộc sống được an vui và hạnh phúc hơn. (Ephata)
Câu chuyện
Ngày 6/11/1997, sáng nay các dì kể chuyện. Có một người đàn bà sinh con ngay trong đêm bão. Nhà sập rồi, đành ra bụi trúc mà sinh.
Cơn bão Linda hay còn gọi là bão số 5 đã vào vùng đất cực Nam của quê mẹ - đất Việt vào tháng 11 năm 1997 đã gây nên bao cái chết của đồng bào, phá hủy của cải, nhà cửa và mùa màng. Nhưng dù cho bão tố nổi lên như thế, vẫn không cản được bước chân tìm kiếm sự sinh tồn cho con mình của một người mẹ, biểu tượng cho sự tìm kiếm sinh tồn của nhân loại. Hình ảnh những bước đi tìm được sinh tồn cho con của người mẹ gợi nhớ cho chúng ta hình ảnh người bị bại liệt trong Tin Mừng, trước bão tố bệnh tật, anh trở nên bại liệt, nằm bất động không thể làm gì được…
Suy niệm
Người bại liệt nằm bất động không thể làm gì được, nhưng từ trong đáy sâu thẳm niềm tin vào Đấng Mêssia, anh làm mọi cách, qua sự giúp đỡ của những người bạn đi tìm sự sống cho chính mình. Anh tin vào Đấng Mêssia, người có thể chữa lành anh, trả lại cho anh sự sống. Chính trong niềm tin đó, qua sự giúp đỡ của anh em bạn bè mang anh trên băng ca, cất bước tìm kiếm gặp Ngài. Anh và họ như chung niềm tin nơi quyền năng của Đấng nhân danh Chúa đến và cùng nhau bước đi tìm Ngài.
Đến nơi Đấng Mêssia đang giảng dạy, vì dân chúng xô lấn tới nghe Ngài đông quá đến nỗi đường vào nhà bị tắc nghẽn, họ gây trở ngại nghiêm trọng cho bất cứ ai ở ngoài muốn gặp Chúa, trong đó có bốn người khiêng một anh liệt đến. Không thể vào nhà gặp Đấng Mêssia, họ liền nghĩ đến một cách là thả người đau bệnh từ trần nhà xuống trước mặt Chúa Giêsu. Ngài “Thấy lòng tin của họ”:
Đó là những bước đi của đức tin, nhìn vào từng bước đi này, chúng ta càng quả quyết những gì thánh Giacôbê xác tín: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Chúa Giêsu nói với anh: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”, đó là lời tha thứ nhưng cũng là lời chữa lành khi Người nói tiếp: “Hãy trỗi dậy vác chõng mà đi”. Việc Đức Kitô gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh. Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt lớn hơn những người khác. Ngài chỉ muốn khẳng định rằng anh trong tư cách là con người cũng là một tội nhân như bao người khác và tội cũng là một căn bệnh, một căn bệnh của linh hồn. Cả bệnh phần xác và bệnh phần hồn, là những biểu hiện khác nhau của căn bệnh nơi nhân loại. Đức Giêsu nói với một người bại liệt: “Anh đã được khỏi. Đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn hơn” (Ga 5,14). Ngài tha tội và chữa bệnh bại liệt của tâm hồn, anh được giải phóng cả hồn lẫn xác, anh đứng dậy, vác chõng đi về nhà, anh được tự do, và hết bị trói buộc: Trói buộc vào chõng với cơn bệnh bại liệt và trói buộc vào tội vì là tội nhân.
Chúng ta trong kinh nghiệm bản thân, đã từng mang ít nhiều những bệnh tật thể xác và mang những bất toại của tâm hồn trong thân phận của sự yếu đuối, tội lỗi, đó là sự bại liệt của con người. Như anh bại liệt, chúng ta hãy vững tin trong sâu thẳm và làm những bước đi cố gắng của niềm tin.
Ý lực sống
“Nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn