Thứ Bảy tuần 16 thường niên.

Thứ sáu - 22/07/2022 04:42

Thứ Bảy tuần 16 thường niên.

"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".

 

Lời Chúa: Mt 13, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Đầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ".

Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

 

 

Suy Niệm 1: Đừng nhổ cỏ lùng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?

Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng.

Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt.

Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông.

cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện.

Bởi đâu mà có cỏ lùng, có người xấu?

Bởi đâu mà ở nơi ta tưởng là trong ngần

lại bất ngờ có dấu hiệu của sự vẩn đục?

Có tác động xấu xa nào của Thần Dữ đẩy đưa?

Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?

Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?

Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không?

Ngài có muốn chúng tôi xây dựng một Giáo Hội toàn bích,

một xã hội chỉ gồm toàn những người tốt không?

Lắm khi chúng ta nóng nảy như Gioan và Giacôbê,

đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.

Ðừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, lại làm hư rễ lúa.

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

Như thế Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa.

Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn.

Ngài nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được.

Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt.

Chính vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi.

Chờ đợi vì tin vào sự hoán cải của con người.

Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ.

Chờ đợi vì nuôi một niềm hy vọng lớn lao.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở nơi sự chờ đợi.

Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.

Trong thế giới và Giáo Hội không có hai hạng người:

hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở nơi tim mỗi người.

Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt,

giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan.

Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi,

tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt.

Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi.

Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần,

để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt.

Kitô hữu không dung túng sự dữ,

họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương.

Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân.

Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù,

vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu,

tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng

nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa

trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

 

Suy Niệm 2: Tình yêu và lòng khan dung

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tình yêu thương của Thiên Chúa thật lớn lao. Luôn có sáng kiến. Luôn đi bước trước. Và luôn trung tín. Chúa đã có sáng kiến và đi bước trước khi tuyển chọn Áp-ra-ham. Chúa vẫn trung tín khi giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập. Chúa có sáng kiến đi bước trước khi ban Lề Luật cho dân. Giao ước ký kết trên núi Xi-nai là bằng chứng tình yêu. Cũng là để chính thức xác nhận Ít-ra-en là dân riêng của Chúa. Đó là một giao ước một chiều. Hoàn toàn có lợi cho dân Ít-ra-en. Thấy tất cả những việc Chúa làm, dân Ít-ra-en không ngần ngại ký kết và đoan hứa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (năm lẻ).

Tuy nhiên dân Chúa luôn phản bội. Chúa vẫn trung tín. Lòng trung tín của Chúa đã biến thành lòng khoan dung. Luôn tha thứ. Luôn kiên nhẫn đợi chờ người dân hoán cải. Đó chính là ý nghĩa dụ ngôn “Lúa đồng và cỏ dại”. Lịch sử dân Do thái cũng là lịch sử mỗi người chúng ta. Chúng ta ký kết giao ước với Chúa. Nhưng Chúa luôn trung tín. Còn chúng ta luôn phản bội. Nhưng Chúa vẫn khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ. Như ông chủ không nhổ ngay cỏ lùng. Sợ làm hư lúa: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Người khắc nghiệt thì bắt lầm hơn bỏ sót. Còn Chúa khoan dung thì bỏ sót hơn bắt lầm. Kiên nhẫn chờ đến mùa gặt. Bấy giờ mới phân biệt rạch ròi giữa cỏ và lúa. Chưa đến mùa thì còn hi vọng con người sẽ hoán cải. Chúa sẽ chờ cho đến ngày cùng tháng tận. Khi không còn có thời gian nữa mới thôi. Lòng Chúa khoan dung biết bao.

Vì thế Chúa luôn mời gọi ta sám hối ăn năn. Ăn ăn sám hối để sống với Chúa bằng tình yêu chân thật. Không phải chỉ giữ đạo bằng hình thức bề ngoài. Coi giao ước như một bùa hộ mệnh. Nhưng tâm hồn xa cách Chúa. Đừng tưởng ở trong Giáo hội cho có danh hiệu là đủ. Nhưng cần phải có đời sống thực sự tốt đẹp. Mới xứng đáng ở trong Nhà Chúa. “Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bằng với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân, thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời” (năm chẵn).

Lạy Chúa, nếu Chúa chấp tội, nào ai được cứu thoát. Xin ban ơn cho con biết ăn năn sám hối. Và xin thương thân phận yếu hèn của chúng con.

 

Suy Niệm 3: Cỏ lùng và lúa

Chứng kiến những tiêu cực trong Giáo Hội xét như là một cơ cấu, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào cơn cám dỗ nổi loạn và tìm những giải pháp cực đoan. Chúng ta muốn rời bỏ Giáo Hội, vì chúng ta không muốn thấy những tệ đoan trong Giáo Hội. Như dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay gợi lên, chúng ta không muốn để cho cỏ lùng được mọc lên bên cạnh lúa tốt, chúng ta muốn phân cách rạch ròi người lành với kẻ dữ.

Truyện thánh Jean d'Arc vào thế kỷ 15 có thể đem lại cho chúng ta bài học thích đáng. Cảm nhận được tiếng gọi đặc biệt của Chúa, cô gái quê 13 tuổi đã đứng lên lãnh đạo quân đội Pháp chống lại cuộc xâm lăng của nước Anh. Nhưng cô bị người Anh bắt giữ và đem ra xử tử như một người lạc giáo. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó cấu kết với thế quyền để tiêu diệt cô; họ tìm đủ cách để đe dọa và thị oai cô gái; họ buộc cô phải đặt tay trên Phúc Âm và thề rằng cô chỉ nói sự thật mà thôi. Một viên thẩm phán của tòa án tôn giáo lúc bấy giờ đặt câu hỏi: "Cô có nghĩ rằng cô đang ở trong tình trạng sạch tội không?". Cô gái trả lời: "Nếu tôi không ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa cho tôi được sạch tội; còn nếu tôi đang ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa giữ tôi luôn ở trong tình trạng ấy".

Không bắt bẻ được cô gái, các viên chức của tòa án tôn giáo gồm 1 Hồng y, 6 Giám mục, trên 30 nhà thần học, 7 bác sĩ, hàng trăm nguyên cáo cảm thấy tức tối vô cùng. Họ bảo rằng họ là Giáo Hội, còn cô chỉ là một thứ cỏ lùng. Jean d'Arc trả lời: "Ðối với tôi, ở đâu có Chúa Kitô, thì ở đó có Giáo Hội, không thể có mâu thuẫn giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài".

Tuy không chứng minh được sự lạc giáo của cô gái, tòa án tôn giáo lúc bấy giờ vẫn kết án tử hình cô và ra lệnh thiêu sống cô. Hai mươi lăm năm sau, một tòa án của Giáo Hội đã đảo lộn phán quyết của tòa án tôn giáo nói trên, và năm 1920, Jean d'Arc đã được Giáo Hội tôn phong hiển thánh và được đặt làm quan thày của Nước Pháp. Thánh nữ Jean d'Arc đã hiểu được thế nào là cỏ lùng trong cánh đồng Giáo Hội.

Giáo Hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi, đó là ý nghĩa của dụ ngôn mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và Suy Niệm hôm nay. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì trở nên thánh thiện hơn; các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta; còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta. Người Pháp thường nói: "Ðể hiểu mọi sự, thì cần phải tha thứ mọi sự". Chúng ta luôn được mời gọi để nhìn Giáo Hội như một đoàn người đang lữ hành, trong đoàn người này, có người đang cố gắng tiến đến gần Chúa, có kẻ lại xa rời Ngài.

Làm người Kitô hữu chính là nhập cuộc vào đoàn người lữ hành ấy với cố gắng, với thiện cảm và nhất là với cảm thông. Những kẻ cuồng tín cũng giống như một vụ cháy rừng. Lửa bốc cháy và tiêu diệt cả những mầm non: lửa cần thiết cho cuộc sống, nhưng lửa cần phải được làm chủ và sử dụng vào mục đích. Yêu mến Giáo Hội là luôn thức tỉnh để nhận ra những tiêu cực và tệ đoan trong Giáo Hội. Ðó là sự thức tỉnh của thánh Phanxicô Assisiô thời Trung cổ. Thế nhưng, con đường canh tân mà thánh nhân đã chọn không phải là nổi loạn hoặc lìa bỏ Giáo Hội, mà là canh tân chính bản thân bằng cuộc sống hy sinh, từ bỏ, và nhất là cảm thông. Ðó là cách thế tốt nhất để đương đầu với cỏ lùng chen lẫn lúa tốt trong cánh đồng Giáo Hội.

Nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên đường của các thánh, đó là con đường của yêu thương, cảm thông và tha thứ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Rửa Sạch Tội Lỗi

Qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những gì có thể cứu chuộc con người, nhưng ơn cứu độ đó không thể phát sinh hiệu năng, nếu mỗi chúng ta không mở lòng ra để đón nhận. Chúa Giêsu đã đến và giải thoát con người, Ngài cũng ban cho con người biết bao phương thức để con người duy trì và thăng hoa tình trạng ân sủng của mình. Vậy, tại sao tội lỗi vẫn ngập tràn? Thưa, đó là tự do của con người, chúng ta không thể trách Chúa là không cứu con người khỏi tình trạng tội lỗi, nhưng hãy tự trách mình sao không muốn đứng dậy để đưa tay cho Chúa và Chúa sẽ dẫn ta thoát ra khỏi vũng bùn đen của tội lỗi.

Thế giới quanh ta có biết bao những cơ hội, phương tiện giúp chúng ta sống và thăng tiến, nhưng nếu chúng ta không muốn thì cơ hội vẫn chỉ là cơ hội như một chuyện tình cờ, một biến cố chợt đến và chợt đi, mọi sự vẫn hoàn nguyên. Cần phải có nỗ lực của bản thân thì mới thoát khỏi những gì là xấu xa, hèn kém, khi đó mọi vật, mọi sự trên thế giới quanh ta mới phát huy tính năng của nó, để giúp ta thăng tiến bản thân cũng như cuộc sống của mình và anh chị em chung quanh. Chúng ta hãy dùng sức mạnh và tình yêu của Chúa để rửa sạch tội lỗi, sự thánh thiêng sẽ lộ rõ trên khuôn mặt tràn đầy ân sủng. Như hạt giống đức tin đã được gieo vãi trong lòng con người cứ âm thầm mọc lên, nó không thể trổ hoa và kết hạt tốt nếu chúng ta không để ý chăm sóc vun trồng.

Nhìn lại tình trạng tội lỗi của con người dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta không thể không thốt ra lời tạ ơn vì tình thương và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với con người. Ngài luôn kiên nhẫn, chờ đợi và mời gọi con người hãy trở về với Ngài để sống sung mãn trong ân sủng, cho dẫu con người cứ giả điếc làm ngơ. Thiên Chúa luôn ở với con người. Tiếng gọi thì thầm của Ngài sẽ có lúc vọng lên nơi thẳm sâu tâm hồn của mỗi người, khơi dậy và làm bừng lên ngọn lửa yêu mến Ngài đã gieo trong lòng ta. Ðó là ước mơ và thao thức của Ngài. Chớ gì đừng có một ai trong chúng ta tạo ra bất cứ một ranh giới cản trở hay khó khăn nào để chôn chặt Lời Chúa. "Hãy để cho cả hai mọc lên", với sự tin tưởng và sức mạnh của Lời Chúa, chúng ta hãy để cho Lời Người thấm nhập và hoán cải tâm hồn mình và thế giới chúng ta đang sống, và đừng hỏi vì sao thế giới vẫn ngập tràn tội ác, nhưng hãy tự hỏi: Tôi có thể làm gì với những điều tôi đang có tại đây và ngay trong lúc này, để ơn cứu độ và tình thương của Chúa được lan rộng và lớn lên trong tâm hồn tôi cũng như anh chị em quanh tôi?

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn hân hoan ra đi gieo rắc Lời Chúa một cách quảng đại như Chúa đã nêu gương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Bao giờ mới hết sự ác.

Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” (Mt. 13, 24-25)

Ông chủ và các người đầy tớ đã không cảnh giác chăng? Nhưng, ngay cả thời buổi này, ai đòi phải tính đến chuyện canh chừng cho thuở ruộng vừa mới gieo vãi chăng? Chẳng có gì để cho người ta ăn trộm cả… Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện, mọc chung, lớn lên cùng lúc với cây lúa, nhưng không làm cho lúa chết. “Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” Cứ sự thường người ta đều muốn phải nhổ cỏ, phải diệt cỏ xấu để bảo vệ cho lúa tốt. Nhưng ông chủ lại bảo “Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” Phải biết kiên nhẫn và đợi chờ…

Sự ác

Một khi điều xấu được gieo rắc rồi, thì người xấu không phải ở đó mà chờ đợi. Thực vậy, điều xấu sẽ mau chóng phổ biến. Thực vậy điều xấu sẽ chẳng giấu mặt ẩn mình, ai nấy sẽ dễ dàng nhận ra được cái xấu. Một cách nào đó, sự xấu còn dương dương tự đắc là sẽ thắng thế, nên sẽ trà trộn với cái tốt.

Còn sự thiện …

Ông chủ biết rõ rằng điều tốt ông gieo cũng sẽ lớn lên. Ông có cả một thời gian là quá trình lịch sử nhân loại để thực hiện điều này. Điều ta cần lưu ý là trong dụ ngôn, Chúa không bảo sự ác sẽ lấn lướt và thay thế cho sự thiện. Trái lại, đến ngày tận thế kẻ lành, điều tốt sẽ nắm phần chiến thắng.

Thế nhưng chẳng lễ ta sẽ phải đợi cho đến ngày tận thế, ngày chấm dứt cuộc sống này thì sự ác mới không xuất hiện, và những sự xấu xa của nhân loại mới chấm dứt chăng?

Không, thời gian này cũng chính là thời kỳ gặt lúa rồi đó. Chúng ta đang sống trong những thời điểm cuối cùng, không phải cuối cùng của trần gian, mà theo ngôn ngữ của thơ gởi tín hữu Do-thái, thì đó là thời điểm của Phục Sinh.

Nếu mỗi ngày và trải dài cuộc sống ta đều nhìn thấy sự ác, điều xấu và dễ dàng nhận ra điều tốt, điềuxấu, thì bổn phận của mỗi người chúng ta phải góp nhặt lấy cho thật nhiều điều tốt việc lành, chứ không phải là những điều xấu việc xấu. Ta đừng viện cớ mình không biết hoặc đổ lỗi cho những tập tục của xã hội hay nhún vai phân bua! tôi biết làm sao hơn? quyền chọn lựa là của ta. Ta chọn sự thiện hay sự ác, chọn làm người lành hay kẻ dữ.

J.M

 

Suy Niệm 6: Lúa và cỏ lùng mọc cùng lúc

Xem lại CN 16 TN A

Sự bất nhân và không bao dung đã là cha đẻ sinh ra tính ích kỷ, óc bè phái nơi con người. Thật thế, con người luôn tìm dịp để trả thù nhau... Chính vì sự hẹp hòi này mà cái ác đã thắng cái thiện, sự tội đã thắng lẽ công chính! Vì thế, dù đối phương có tốt thế nào, thì trước con mắt của những kẻ muốn trả thù, họ đều là xấu xa.

Quan điểm này hoàn toàn ngược lại ý hướng và mục đích của Thiên Chúa qua hình ảnh ông chủ trong dụ ngôn cỏ lùng hôm nay.

Câu chuyện khởi đi từ việc gia nhân thắc mắc xem tại sao có cỏ lùng trong ruộng??? Tuy nhiên, ông chủ đã khẳng định rõ rằng: đó là do kẻ thù gieo trộm vào nên mới có! Sau đó, gia nhân đã không kiên trì nổi, nên xin ông chủ cho họ đi nhổ cỏ lùng kẻo nó lấn át lúa! Tuy nhiên, ông chủ đã không đồng ý và đưa ra lý do: "Đừng! Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".

Qua dụ ngôn trên, chúng ta thấy toát lên lòng nhân từ, bao dung và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài luôn yêu thương người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì thế, đã có lần chính Đức Giêsu tuyên bố: “Ngài đến để cứu chuộc những người tội lỗi chứ không phải những người công chính”.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha... chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năm thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt... Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, để mọi người được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Thái độ đón nhận của chúng ta

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng mỗi người. Hạt giống ấy đạt kết quả ra sao là tùy thuộc vào thái độ đón nhận của chúng ta. Để sinh hoa trái dồi dào, chúng ta hãy cộng tác tích cực làm cho hạt giống nảy mầm và phát triển phong phú.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhọc công vỡ đất và gieo hạt vào hồn con. Hạt giống là Lời Chúa và chính Chúa. Chúa giao cho con quyền coi sóc thửa ruộng hồn mình. Ngày qua ngày, con ao ước trở thành thửa ruộng tốt, một thửa ruộng không có gai góc sỏi đá và những con đường mòn dọc ngang chai cứng. Nhưng thực tế thì khác. Đã có lúc con phí phạm đánh mất ơn Chúa, đã có lần con làm ngơ, bịt tai trước lời mời gọi yêu thương. Lần này qua lần khác, tâm hồn con dần dần trở nên chai cứng, khiến hạt giống Nước Trời èo uột, khô héo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ điều đó. Nhưng lòng quảng đại của Chúa vẫn ban phát cách rộng rãi và lòng nhân từ Chúa vẫn kiên tâm chờ đợi con đáp lời. Con xin dâng lời cảm tạ vì Chúa vẫn một lòng thương con. Tâm hồn con càng tội lỗi, thửa ruộng con càng chai lỳ, Chúa càng ban ơn dồi dào phong phú, con tin chắc rằng không bao giờ Chúa rút lại tình yêu thương ấy.

Xin Chúa giúp con biết săn sóc tâm hồn đã được Chúa cứu chuộc và thánh hóa. Xin đừng để con bóp nghẹt ơn Chúa, bóp nghẹt tình yêu Chúa đang triển nở trong con. Xin Chúa giúp con biết chăm sóc thửa ruộng hồn mình bằng cách nhổ đi những cỏ dại tội lỗi, đốt cháy đi những rơm rác của thói hư tật xấu, để có thể sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong. Amen.

Ghi nhớ: “Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả”.

 

Suy Niệm 8: Dụ ngôn cỏ lùng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói đến Giáo hội ở trần gian lúc nào cũng tồn tại hai hạng người lành – dữ và hai thế lực thiện – ác lẫn lộn. Thái độ của ông chủ trong bài Tin Mừng khi biết trong ruộng lúa của mình có cỏ lùng là cứ để cho lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt. Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi những người còn yếu đuối, để cho họ được cứu độ.

2. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi của người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha... chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năn thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt... Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi người chúng ta.

3. Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng hề biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành cỏ lùng; nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn hảo. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.

Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.

4. Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ ăn năn sám hối để được tha thứ.

5. Bài dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng dạy ta bài học sau đây: mùa gặt, ngày tận thế là thời gian chín mùi để có thể kết án ai là cỏ lùng và tuyên dương ai là lúa tốt thực sự. Sự vội vàng xét đoán người thiện kẻ ác có nguy cơ khiến lúa tốt lại bị coi là cả lùng, cỏ lùng bị nhầm là lúa tốt. Hơn nữa, chính Chúa mới là chủ để đưa ra lời phán quyết chung thẩm. Trước mùa gặt cánh chung ấy, Chúa dạy chúng ta sống nhân từ, nhẫn nại giữa tình trạng lúa tốt xen lẫn cỏ lùng, người tốt kẻ xấu ở chung với nhau, ngay cả trong lòng một hội được gọi là Hội thánh của Ngài. Trong lĩnh vực tự nhiên, lúa tốt  vẫn là lúa tốt, cỏ lùng mãi là cỏ lùng; thế nhưng, nơi cánh đồng tâm hồn con người thì không như vậy: người xấu có thể hoán cải trở thành bậc thánh nhân, và coi chừng người đang là tốt đây có thể biến chất mà thành kẻ tội lỗi (5 phút Lời Chúa).

6. Giáo hội là thân thể Đức Kitô. Giáo hội hiện diện trong trần thế như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung của Đức Kitô. Sự kiên nhẫn và bao dung ấy được thể hiện qua cuộc sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ của người Kitô hữu đối với mọi người, nhất là những người không cùng niềm tin và quan điểm với mình. Qua cuộc sống như thế, người Kitô hữu làm chứng rằng Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương là ơn gọi đích thực của con người.

7. Truyện: Cải tà qui chính.

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà qui chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma túy và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chicô ngủ đã, anh mới quì gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: “Tôi bầy tỏ với Chúa những gì có trong tim tôi... Tôi nói với Ngài  những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng... Tôi cảm thấy dường như  có thể khóc được... đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: “Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: “Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ  quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: “Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

 

Suy Niệm 9: Lúa tốt và cỏ lùng

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng:

1. Vấn đề: Với lời rao giảng của Chúa Giêsu, Nước Trời đã bắt đầu thành lập. Vậy thì có nên để cho Nước Ma quỷ tiếp tục tồn tại không? Tại sao kẻ ác vẫn còn sống mãi bên cạnh người lành và làm hại người lành? Sao không giải quyết dứt khoát cho sớm đi?

2. Giải đáp: Chúa Giêsu trả lời qua dụ ngôn này rằng không nên nóng vội mà đòi cho cuộc thẩm phán diễn ra trước hạn kỳ mà Thiên Chúa đã định. Hiện tại cứ phải kiên nhẫn mà chờ, trong niềm xác tín rằng thế nào rồi cũng có Thẩm phán và khi đó số phận kẻ lành người dữ sẽ được  phân định rõ ràng.

3. Ý nghĩa:  Dụ ngôn này vừa mời gọi kiên nhẫn vừa mời gọi khiêm nhường.

- Kiên nhẫn: chờ cho đến kỳ hạn Chúa định.

- Khiêm nhường: trong khi chờ đợi Thiên Chúa xét xử ai là kẻ lành ai là người dữ, mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành ai là dữ, ai là lúa tốt ai là cỏ dại. Mỗi người hãy chỉ lo một việc cần thiết thôi là lo trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.

4. Lạc quan: Thái độ của ông chủ ruộng thật là lạc quan.

. Khi tôi tớ đến báo động là có cỏ dại, ông khỏi cần suy nghĩ mà trả lời ngay rằng "kẻ thù đã gieo" (c 27-28).

. Tôi tớ hoảng sợ xin đi nhổ cỏ lùng, ông bảo "Đừng".

Ông chủ rất bình tâm chẳng chút ngạc nhiên và chẳng hề lo sợ, vì ông lạc quan tin vào khả năng của giống lúa, nó chẳng thế nào chịu thua sức mạnh của cỏ dại được.

B.... nẩy mầm.

1. Thế gian hiện tại có người tốt và kẻ xấu lẫn lộn. Ngay trong con người tôi cũng có khuynh hướng tốt và khuynh hướng xấu đồng tồn tại. Tôi không nên có thái độ của những người tôi tớ trong dụ ngôn này, là khó chịu, tức bực. Nên có thái độ như ông chủ: bình tĩnh chấp nhận thực trạng, tích cực bồi dưỡng những yếu tố tốt và khắc phục những yếu tố xấu, lạc quan tin tưởng vào sức mạnh của cái tốt.

2. Tôi cũng không nên sốt ruột dành quyền của Chúa mà “nhổ cỏ” những người mà tôi coi là xấu.

3. Tôi nghĩ về những cái tốt và xấu trong con người tôi, nhất là nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa không vội trừng phạt những cái xấu của tôi. Một mặt tôi cám ơn Chúa đã thương cho tôi thời gian chứ không vội xét xử tôi, mặt khác tôi hứa sẽ tận dụng thời gian và cơ hội Chúa ban để dần dần tu sửa con người của mình.

4. Giáo Hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh nhưng cũng có một số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì có thể trở thành thánh thiện hơn. Các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta. ("Mỗi ngày một tin vui")

5. “Cứ để cả hai cùng lớn lên tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30)

Trong lúc mọi người bận bịu ngoài vườn nho, kẻ trộm đã lẻn vào nhà mà chẳng ai hay. Khi có người biết được và tri hô lên thì bọn bất lương đã bỏ đi mất dạng sau khi đã vơ vét một số tiền lớn.

Thực là nỗi đau cho gia đình Mazarello. Cha mẹ nàng hầu như tuyệt vọng. Mazarello tìm lời ngọt ngào an ủi song thân. Nhưng thỉnh thoảng lòng căm hờn đối với bọn bất lương lại bừng cháy và những lời kết án được thốt lên. Mazarello đã ngăn cản: “Không! Chúng ta không có quyền kết án họ. Tốt hơn, chúng ta hãy cầu xin Chúa đánh động tâm hồn họ và khiến họ ăn năn trở lại. Chỉ vì dốt nát, nếu không họ đã chẳng làm điều  đồi bại như thế”

Đức Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung. Ngài cũng mời gọi người kitô hữu sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ đối với mọi người. Nhưng đã bao lần, tôi ý thức được điều đó?

Lạy Chúa, xin mở rộng cõi lòng của những người trẻ chúng con, để chúng con biết yêu thương thông cảm và luôn biết thứ tha. (Hosanna)

 

Suy Niệm 10: Ruộng lúa có cỏ lùng

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Nghe dụ ngôn cỏ lùng nầy, ai trong chúng ta cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói đến tình trạng của Nước Trời hay nói cụ thể hơn, đó là Giáo Hội của Chúa ở trần gian. Giáo Hội này bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu.

Chúng ta hãy nghe một mẩu chuyện nhỏ sau đây:

Susan giơ tay về phía những trẻ bụi đời đang phá phách trên đường phố, nói với người bạn của mình: "Đã hai ngàn năm từ khi Chúa Giêsu đến thế gian, nhưng thế gian vẫn đầy dẫy những người xấu. Ngài chẳng thay đổi được gì".

Người bạn của Susan nhìn qua bên trái, bên phải thấy những trẻ mặt mày lem luốc, liền nói: "Xà bông đã phát minh từ hai ngàn năm nay, vậy mà vẫn còn đầy dẫy những khuôn mặt dơ bẩn".

Vâng! Thế giới xưa cũng như hôm nay luôn hiện hữu một thực tại chẳng mấy hoàn hảo, còn pha trộn cả tốt lẫn xấu. Đòi hỏi một thế giới hoàn toàn tốt đẹp tuyệt đối là một đòi hỏi không tưởng. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu nói đến một ruộng lúa có cỏ lùng. Nói thế, Ngài không cấm chúng ta nghĩ đến một số các loại cỏ dại khác hoặc là những cây lúa không trổ bông, hoặc chỉ là những bông lúa lép. Việc đó cho chúng ta thấy trong Giáo Hội của Chúa chẳng thiếu gì những Kitô hữu, chỉ có tên trong sổ rửa tội, có lẽ chưa đến mức độ đã trở thành "Cỏ lùng" nhưng họ là những "Cây vả không sinh trái".  Những con người như thế cũng đâu khác gì cỏ lùng trong ruộng lúa. Nhưng đây mới chỉ là giai đoạn của Nước Chúa trên trần gian.

Chính vì thế mà khi kể dụ ngôn cỏ lùng và lúa, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy tất cả rồi sẽ tới ngày kết thúc cuối cùng. Chúa dùng hình ảnh một mùa gặt để diễn ta ngày sự thật này. Trong ngày ấy, Ngài sẽ làm công việc phân định dứt khoát, sẽ không tình trạng lẫn lộn cỏ lùng với lúa tốt, người lành và kẻ dữ. Mọi sự rồi sẽ được phân định rõ ràng. Người lành sẽ được hưởng hạnh phúc ngàn thu, kẻ dữ sẽ bị quăng vào lửa đời đời.

2. Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ như thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng thể biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành có lùng, nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn toàn. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.

Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.

Chúng ta cần học lấy bài học cảm thông, kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa. Vinh quang, thành tựu tốt đẹp chỉ đến sau những nỗ lực cố gắng để vươn lên!

Xin được kết thúc bằng một câu chuyện.

Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác tại một xưởng dệt. Công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày dệt một phần được trao phó. Việc làm xem ra độc điệu và vô nghĩa. Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:

- Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ  thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.

Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:

- Con ơi! Làm sao con thấy được công trình nghệ thuật chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi những gì con đang thấy chỉ là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một điểm nhỏ trong công trình mà thôi.

Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của ba vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, chính là hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất, giờ đây hiện lên như một kỳ công.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và với tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh.

Amen. (Rabboni)
 

Reform your ways and your deeds – The WAU 23.7.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – July 2022

Saturday Julye 23th 2022
Meditation: Jeremiah 7, 1-11

 

Reform your ways and your deeds. (Jeremiah 7:3)

Picture someone crying out, “Repent!” at the door of the local Catholic church. “It isn’t Lent,” you might think. “Who is this stranger to tell me to change my life?”

The Jews in Jerusalem probably felt equally disturbed when the prophet Jeremiah stood in front of the Temple and told them to repent. They probably felt even more disturbed when they heard Jeremiah predict that if they didn’t change, God’s presence would depart and leave them exposed to destruction and invasion.

Jeremiah’s message was twofold: “Reform your deeds” and “Reform your ways.”

Yes, our behavior—our deeds—matters. What we do, how we speak to our family, and whether we love our neighbor—all these things draw us closer or divide us, both from one another and from God.

But if we were to examine our behavior, we would begin to see our ways as well. We would learn what was going on inside our hearts. God wants to address this “heart level” just as much as he wants to address our behavior. We may try to stop doing the wrong things, but unless we change our hearts, true change will remain elusive.

That’s where repentance and the Sacrament of Reconciliation come in. When you examine your conscience, God asks you to examine your actions and your motivations and desires. You might see that your motivation is good but that your “action” was not a good reflection of what you intended. Or you might realize that your motivation isn’t as pure as you thought. Either way, as you confess, God’s grace is there to heal you and change you. Instead of leaving you, he’ll come into your heart even more deeply!

So turn to the Lord. Ask him to help you examine your heart. He knows which motives need to be renewed, and he is ready to help you make that happen.

Remember, repentance and reform take time. God is infinitely patient. If you work with him, both your deeds and your ways will change!

“Thank you, Lord, for your patience and your love for me!”

Thứ Bảy tuần XVI Thường Niên
ngày 23.7.2022

Suy niệm: Gr 7, 1-11

 

Hãy sửa đổi những đường lối và việc làm của ngươi (Gr 7,3)

Hãy hình dung một người nào đó đang kêu lên, “Hãy sám hối!” trước cửa nhà thờ Công giáo địa phương. Bạn có thể nghĩ “Đó không phải là Mùa Chay”. “Người lạ này là ai mà bảo tôi thay đổi cuộc đời mình?”

Những người Do Thái ở Giêrusalem có lẽ cũng cảm thấy băn khoăn không kém khi tiên tri Giêrêmia đứng trước Đền thờ và bảo họ hãy sám hối. Họ có lẽ còn cảm thấy băn khoăn hơn khi nghe Giêrêmia dự đoán rằng nếu họ không thay đổi, sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ ra đi và khiến họ phải chịu sự hủy diệt và xâm lược.

Thông điệp của Giêrêmia gồm có hai phần: “Hãy sửa đổi những việc làm của bạn” và “Hãy sửa đổi đường lối của bạn”.

Vâng, hành vi của chúng ta – những việc làm của chúng ta – rất quan trọng. Những gì chúng ta làm, cách chúng ta nói chuyện với gia đình và liệu chúng ta có yêu thương người lân cận hay không – tất cả những điều này kéo chúng ta lại gần hơn hoặc chia rẽ chúng ta, cả với nhau và với Thiên Chúa.

Nhưng nếu chúng ta xem xét hành vi của mình, chúng ta cũng sẽ bắt đầu nhận ra những đường lối của mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu những gì đang diễn ra bên trong tâm hồn của chúng ta. Thiên Chúa muốn nói với “mức độ trái tim” này cũng giống như Ngài muốn nói với hành vi của chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng ngừng làm những điều sai trái, nhưng trừ khi chúng ta thay lòng đổi dạ, sự thay đổi thực sự sẽ vẫn khó nắm bắt.

Đó là nơi xuất hiện sự ăn năn và Bí tích Hòa giải. Khi bạn xét mình, Thiên Chúa yêu cầu bạn kiểm tra hành động cũng như động cơ và ước muốn của bạn. Bạn có thể thấy rằng động lực của bạn là tốt nhưng “hành động” của bạn không phản ánh tốt những gì bạn dự định. Hoặc bạn có thể nhận ra rằng động cơ của bạn không thuần túy như bạn nghĩ. Dù bằng cách nào, như bạn thú nhận, ân sủng của Thiên Chúa ở đó để chữa lành và thay đổi bạn. Thay vì rời xa bạn, Ngài sẽ đi vào tâm hồn bạn sâu xa hơn nữa!

Vì vậy, hãy hướng về Chúa. Hãy xin Ngài giúp bạn xem xét tâm hồn của bạn. Ngài biết động cơ nào cần được đổi mới và sẵn sàng giúp bạn biến điều đó thành hiện thực.

Hãy nhớ rằng, ăn năn và sửa đổi cần có thời gian. Thiên Chúa kiên nhẫn vô cùng. Nếu bạn làm việc với Ngài, cả việc làm và cách làm của bạn sẽ thay đổi!

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì sự kiên nhẫn và tình yêu của Chúa dành cho con!

* * *

Mt 13,24-30
Hãy để chúng cùng lớn lên

Fr. Manuel SÁNCHEZ Sánchez – Evangeli.net

Hôm nay, chúng ta sẽ suy gẫm về một dụ ngôn đề cập đến cuộc sống cộng đồng, nơi có cả điều thiện và điều ác, Tin mừng và tội lỗi, liên tục lẫn lộn. Giải quyết tình huống này như người đầy tớ gợi ý có vẻ là cách tiếp cận hợp lý: “Ông có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ không?” (Mt 13,28). Nhưng sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là vô hạn, và Ngài chờ đợi đến giây phút cuối cùng – như một người cha nhân hậu – chờ đợi khả năng thay đổi: “Cứ để chúng cùng nhau lớn lên cho đến khi thu hoạch” (Mt 13,30).

Có thể là một thực tế mơ hồ và tầm thường, nhưng đó là nơi Nước Thiên Chúa phát triển. Nó liên quan đến cảm giác được kêu gọi khám phá các dấu chỉ của Nước Thiên Chúa để chúng ta có thể thúc đẩy nó, trong khi chúng ta cố gắng tránh bất cứ điều gì khiến chúng ta trở thành tầm thường. Tuy nhiên, sống trong sự hỗn hợp giữa thiện và ác không nên cản trở cũng như không cản trở sự thăng tiến của đời sống tâm linh của chúng ta; vì nếu không, chúng ta nên biến lúa mì của mình thành cỏ dại. “Thưa ông, đó không phải là hạt giống tốt mà ông đã gieo trên ruộng của mình sao? Vậy cỏ dại đến từ đâu?” (Mt 13,27). Chúng ta không thể phát triển theo bất kỳ cách nào khác, cũng như không thể tìm kiếm Nước Trời ở bất cứ nơi nào khác ngoài xã hội mà chúng ta được ban cho để sinh sống. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Nước Thiên Chúa phát triển trong đó.

Tin mừng mời gọi chúng ta không nên dựa vào sự “chính thống”, để vượt qua những khía cạnh hiện có của chủ nghĩa khắt khe và sự bè phái cuồng tín của cộng đồng Kitô hữu. Trong tất cả các hoạt động tập thể, cho dù chúng có ý nghĩa lành mạnh đến đâu, chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy loại thái độ này. Dựa vào lý tưởng, tất cả chúng ta đều cảm thấy bị cám dỗ khi nghĩ rằng mình là những người may mắn đã đạt được sự hoàn hảo, trong khi phần còn lại vẫn còn rất xa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chứng minh rằng tất cả chúng ta, không có ngoại lệ, vẫn đang trên đường của mình.

Do đó, chúng ta hãy cảnh giác để ngăn chặn ma quỷ lẻn vào chúng ta, đó là điều thường xảy ra khi chúng ta quá thích ứng với thế giới này. Thánh Angela Thánh Giá nói, “chúng ta không được lắng nghe tiếng nói của thế gian nói rằng có những người làm điều này hoặc điều kia; chúng ta tuân theo cách của riêng mình, không phát minh ra bất kỳ biến thể nào, và luôn làm theo cách của chúng ta để làm những điều đó, giống như những kho báu ẩn giấu; vì chúng sẽ mở cửa Thiên đàng cho chúng ta”. Hãy để Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta chỉ tuân theo tình yêu.

 

The good seed – Song ngữ 23.7.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Saturday (July 23)

Guarding the good seed of God’s word in our heart

Scripture:  Matthew 13:24-30 

24 Another parable he put before them, saying, “The kingdom of heaven may be compared to a man who sowed good seed in his field; 25 but while men were sleeping, his enemy came and sowed weeds among the wheat, and went away. 26 So when the plants came up and bore grain, then the weeds appeared also. 27 And the servants of the householder came and said to him, ‘Sir, did you not sow good seed in your field? How then has it weeds?’ 28 He said to them, `An enemy has done this.’ The servants said to him, `Then do you want us to go and gather them?’ 29 But he said, `No; lest in gathering the weeds you root up the wheat along with them. 30 Let both grow together until the harvest; and at harvest time I will tell the reapers, Gather the weeds first and bind them in bundles to be burned, but gather the wheat into my barn.'”

Thứ Bảy ngày 23.7.2022              

 

Hãy canh phòng hạt giống tốt lời Chúa trong lòng

Mt 13,24-30

24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Meditation: What can malicious weed-sowing tell us about the kingdom of God? The image Jesus uses here is a common everyday example of planting, harvesting, and sorting the good fruit from the bad. Weeds can spoil and even kill a good harvest if they are not separated and destroyed at the proper time. Uprooting them too early, though, can destroy the good plants in the process.

 

Guard God’s implanted word in your heart

Just as nature teaches us patience, so God’s patience also teaches us to guard the word which he has planted in our hearts and to beware of the destructive force of sin and deception which can destroy it. God’s word brings life, but Satan, the father of lies, seeks to destroy the good seed which God plants in the hearts of those who listen to his word.

God’s judgment is not hasty, but it does come. And in the end, God will reward each person according to what he or she has sown and reaped in this life. In that day God will separate the evil from the good. Do you allow God’s word to take deep root in your heart?

“Lord Jesus, may your word take deep root in my heart and may I bear good fruit for your glory. May I hunger for your righteousness now that I may also look forward to the day of judgment with joy rather than with dismay.”

Suy niệm: Việc gieo cỏ dại cách thâm độc có thể nói với chúng ta điều gì về nước Thiên Chúa? Hình ảnh Đức Giêsu sử dụng ở đây rất quen thuộc hằng ngày về việc trồng cấy, thu hoạch, và lựa chọn trái tốt và trái xấu. Cỏ dại có thể làm hư hoại và thậm chí giết chết một mùa gặt tốt, nếu chúng không được nhổ đi và tiêu hủy đúng lúc. Tuy nhiên, nhổ chúng quá sớm có thể tiêu diệt những cây lúa tốt trong khi làm việc.

Gìn giữ lời Chúa đã ghi khắc vào lòng bạn

Giống như tự nhiên dạy chúng ta phải kiên nhẫn, thì sự kiên nhẫn của Thiên Chúa cũng dạy chúng ta phải tỉnh thức trước lời Người đã trồng vào tâm hồn chúng ta và coi chừng sức mạnh phá hủy của tội lỗi và sự dữ, có thể tiêu diệt nó. Lời Chúa đem lại sự sống, nhưng Satan, cha những kẻ dối trá, tìm cách phá hủy hạt giống tốt mà Thiên Chúa trồng vào các tâm hồn của những ai biết lắng nghe lời Người.

Sự phán xét của Thiên Chúa không vội vã, nhưng nó sẽ đến. Và đến ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ Ba Ngôi thưởng cho mỗi người tùy theo những gì họ đã gieo và gặt trong cuộc đời này. Trong ngày đó, Thiên Chúa sẽ tách rời kẻ xấu ra khỏi người tốt. Bạn có để cho lời Chúa ăn rễ sâu trong tâm hồn bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì lời Chúa ăn rễ sâu trong tâm hồn con để con có thể sinh ra trái tốt cho vinh quang của Chúa. Chớ gì con khao khát sự công chính của Chúa bây giờ để con có thể mong đợi ngày xét xử với niềm vui hơn là lo sợ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây