Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh.
"Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy".
Lời Chúa: Ga 13, 16-20
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".
SUY NIỆM 1: Thật phúc cho anh em
Suy niệm :
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu nguyện :
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Củng cố đức tin
Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, "Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa".
Bản văn Phúc Âm thánh Gioan dùng từ "Ta là Ðấng Ta Là", từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài "Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta". Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, "Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta".
Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: "Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ". Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn can đảm theo Chúa cho đến cùng trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Chỗ cho đức khiêm nhường
Chúng ta không còn nghe nói đến những nhân đức Kitô giáo nữa hay cả đến những nhân đức thường nữa. Tất cả mang tiếng xấu. Chúng không còn chỗ trong văn hóa của chúng ta. Thời nay sống khiêm nhường khó biết bao! Hãy nhìn xem: Để được thăng cấp, phải tự đặt giá trị của mình nổi lên. Mọi kiểu đánh giá đều được đặt trên sự cạnh tranh và tham vọng. Người ta còn tính rằng để sống, cần phải đè nén và hạ bệ người khác để cho mình lên. Làm sao sống khiêm tốn trong một thế giới văn minh tôn sùng minh tinh, thần tượng, siêu sao, thị trường, thời trang …
Chúa nói đến đức này bằng hành động và giải thích. Bằng hành động: Trước lễ vượt qua, Người rửa chân cho các môn đệ. Đức Giêsu đã làm tôi tớ, Người có mục đích sẵn sàng phục vụ người khác. Nhưng chúng ta lại quên cử chỉ của Đức Giêsu ngay sau lễ chiều thứ năm tuần thánh. Chúng ta đã mừng lễ rất tốt, nhưng chúng ta trước và sau lễ chẳng sống chút gì với Thánh lễ.
Bằng lời nói, Đức Giêsu lưu ý chúng ta đến đức khiêm nhường: “Tôi tớ không lớn hơn chủ. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai bảo”.
Điều đó kêu mời chúng ta phải lãnh lấy sứ điệp Tin mừng với hết lòng khiêm nhường: “Thầy nói điều đó, anh em hãy thực hành thì thật có phúc cho anh em”. Thánh Phao-lô đã nhắc lại lời khuyên đó và nói: “Anh em đừng cưu mang những thứ học thuyết tân kỳ theo sở thích, anh em hãy chỉ rao giảng Đức Giêsu và Đức Giêsu chịu đóng đinh”.
Đức khiêm nhường được Phúc âm trình bày cho chúng ta trong lễ hôm nay: Ngay sau khi Đức Giêsu trao bánh cho Giu-đa, Giu-đa liền ra đi phản bội Người. Đây là tột đỉnh của đức khiêm nhường. Chúa đã ban bánh cho ăn, được ăn rồi Giu-đa vẫn đi phản bội. Chúng ta nhớ rằng sự phản bội luôn rình mò chúng ta, chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận những yếu đuối nơi mình và nơi người khác. Nhờ thế khiêm nhường trở nên bác ái.
C.G
SUY NIỆM 4: Tiếp nối sứ mệnh của Chúa
Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để giảng dạy cho mọi người con đường cứu rỗi, và khi đã hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên trần gian này, Chúa Giêsu sai các môn đệ Ngài đi loan báo Tin mừng cứu rỗi cho mọi tạo vật. Sự chính thống đó được Chúa Giêsu quả quyết như chúng ta có thể đọc thấy trong Tin mừng hôm nay: “Thày bảo thật các con, ai đón nhận kẻ Thày sai là đón nhận Thày, và ai đón nhận Thày là đón nhận Đấng đã sai Thày”.
Trong văn mạch của Phúc âm, trước khi nói những lời trên, Chúa Giêsu đã làm gương cho các Tông đồ của Ngài: Ngài rửa chân họ và sau đó khi trở lại bàn ăn, Ngài nói với họ: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai không trọng hơn kẻ đã sai mình”. Thật là đơn giản, nhưng là một sự đơn giản đòi hỏi: đời sống truyền giáo của Giáo Hội phải rập khuôn với cuộc đời của Chúa Giêsu, với tấm gương Ngài đã sống và đã giảng dạy. Giáo Hội phải biết phục vụ trong khiêm tốn, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.
Là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta đều là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu bằng đời sống yêu thương và Phục vụ, trở nên muối và ánh sáng cho thế gian.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: GIỚI THIỆU CHÚA CÁCH TRUNG THỰC (Ga 13, 16 – 20)
Trong nghề thuốc hay võ thuật, những thần y hay tổ sư thường lưu nghề bí truyền cho một ai đó, để đến khi họ có khuất núi thì vẫn còn có người lưu danh hậu thế nhờ lưu truyền lại gia bảo của cha ông.
Với Đức Giêsu cũng vậy! Sau hành trình loan báo Tin Mừng, trước khi về trời, Ngài cũng truyền cho các môn sinh của mình: “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”. Đây chính là lệnh truyền, gia bảo cho Giáo Hội tới muôn đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu như muốn khẳng định rằng: nếu là người môn đệ chân chính, sẽ nói lời của chính Thiên Chúa, và như thế thì: “A i đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".
Muốn làm được điều đó để cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải mặc lấy chính tâm tình của Đức Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi phục vụ con người cách vô vị lợi trong sự khiêm tốn...
Có thế chúng ta mới lưu lại cho người đương thời và hậu thế gia tài quý giá là chính Đức Giêsu, nhờ đó, con người hôm nay và mai sau mới nhận ra Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống ngang qua đời sống và hành vi của chính chúng ta.
Mong sao mỗi người chúng ta biết được điều đó để thi hành, ngõ hầu trở thành người có phúc như Đức Giêsu đã nói: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”. Ngược lại, chúng ta đừng như Giuđa, kẻ phản thầy mà hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo một cách đau đớn: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với Chúa và sứ điệp của Chúa. Xin cho chúng con biết loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của chính mình, để cuộc đời và sứ vụ của chúng con chính là hiện thân cách sống động như chính Chúa đang trực tiếp hành động. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM:
1. Thực hành và mối phúc (c. 16-17)
Sau khi rửa chân cho các môn đệ (c. 3-5) và giải thích ý nghĩa (c. 12-15), Đức Giê-su nói:
Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.
Anh em đã biết những điều đó,
nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! (c. 16-17)
Nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu ngay rằng để hưởng mối phúc của Ngài, chúng ta được mời gọi, trong mọi sự, sống tương quan chủ/tớ và tương quan người sai đi/người được sai đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nối kết lời nói này của Đức Giê-su với hành vi rửa chân Ngài vừa thực hiện và lời giải thích, chúng ta sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn. Thật vậy, ngay sau khi rửa chân cho các Tông Đồ, Người nói:
Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (c. 12-14)
Như thế, đây mới là việc thực hành mang lại mối phúc mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta: trong các mối tương quan gia đình, xã hội và Giáo Hội, sự khác biệt “người trên kẻ dưới” là không thể tránh được, nhưng chúng ta được mời gọi “rửa chân cho nhau”, và nhất là người trên “rửa chân” cho kẻ dưới, chủ nhân “rửa chân” cho tôi tớ, người sai đi “rửa chân” cho người được sai đi, như chính Thầy Đức Giê-su, vốn là Đức Chúa của chúng ta, đã “rửa chân” cho từng người chúng ta.
2. Mầu nhiệm Thập Giá (c. 18-19)
Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su còn đi xa hơn hành vi rửa chân, nghĩa là Người sẽ để cho mình bị phản bội và bị nộp. Hay đúng hơn, hành vi rửa chân diễn tả “tình yêu đến cùng” mà Người sẽ hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá.
Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan về việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ được đánh dấu rõ nét từ đầu đến cuối bởi hành vi phản bội:
Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội (Mc 14, 10; Mt 26, 14-15); và chính Đức Giê-su cũng có những lời than vãn (than vãn chứ không phải chúc dữ) về Giu-đa: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24b). Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa: “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22, 3); “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”; và “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” Ga 13, 2 và 27).
Nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn, người phụ nữ nói với Thiên Chúa, đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10).
Do đó, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, vì sự phản bội của Giu-đa mà Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử và bị hành hình. Không phải hoàn toàn như thế, bởi vì Người đã biết và dự báo từ trước cuộc Thương Khó, và ngay cả sự phản bội của Giuđa, Ngài cũng biết rõ. Các bài Tin Mừng trong Tuần Thánh đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Vấn đề là Ngài cứ để cho tuần tự xảy ra tất cả những gì sẽ dẫn ngài đến cái chết. Tại sao vậy ?
Điều xấu là do con người làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng Người dùng chính điều dữ này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó, nhưng không phải để lên án Giuđa và lên án mình, nhưng như thánh Gioan nói, chính là để nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội của chúng ta.
Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 27 và Mt 26, 50) và chính khi, Giu-đa ra đi thực hiện hành vi phản bội, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31). Những gì xảy ra trong lịch sử cứu độ đạt tới cao điểm ở đây: Thiên Chúa Ba Ngôi dùng chính hành vi phản bội, cũng như dùng chính tội lỗi của chúng ta, dùng chính hành động của Sa-tan, để “hiển dung”.
* * *
Đức Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho từng người chúng ta; nhưng có người lại “giơ gót đạp Ngài”. Cả hành vi này, Ngài cũng đón nhận trong bình an và bao dung, ngang qua cái chết trên Thập Giá (x. Mt 26, 50). Đó chỉ có có thể là sự khôn ngoan và sức mạnh thần linh, mời gọi chúng ta nhận ra Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu:
Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này,
trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra,
anh em tin là Thầy Hằng Hữu. (c. 19)
3. Hiệp thông trọn vẹn (c. 20)
Trong đời sống xã hội, cũng như trong đời sống đức tin và ơn gọi, sự phân cấp là không thể không có, Đức Giê-su không phá bỏ, nhưng thay đổi những tương quan này ở chiều sâu. Chẳng hạn, Ngài nói, chúng ta chỉ có một Cha và một Thầy, còn chúng ta đều là anh chị em của nhau. Thực vậy, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Ki-tô phục sinh làm cho chúng ta trở nên Con của Cha, giống như Ngài là Con của Cha, trở nên “anh chị em” của ngài và “anh chị em” của nhau, vì tất cả chúng ta đều có cùng một Cha. Điều này có nghĩa là, cho dù chúng ta xưng hô như thế nào, tương quan ruột thịt như thế nào, chúng ta đều được mời gọi sống tình “huynh đệ” dưới mắt Chúa Cha và theo gương Đức Giê-su.
Như thế, tuy có sự khác biệt, chúng ta được mời gọi sống không phân biệt, vì tình yêu dâng hiến Đức Ki-tô dành cho từng người chúng ta; như thánh Phaolô nói: trong Đức Ki-tô, không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, đàn ông hay phụ nữ, tự do hay nô lệ. Nghĩa là, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông “huynh đệ” để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, như chính Ngài muốn hiệp thông trọn vẹn với chúng ta:
Thật, Thầy bảo thật anh em:
ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (c. 20)
Lời này của Đức Giêsu diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn giữa môn đệ, Thầy và Cha. Sự hiệp thông này là kết quả của cử chỉ rửa chân nhiệm mầu, và cũng là kết quả của nhiệm tích Thánh Thể. Đó là chính là mối phúc mà Đức Ki-tô muốn ban tặng nhưng không cho chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Thursday (May 6): “The one who receives me”
Scripture: John 13:16-20 16 Truly, truly, I say to you, a servant is not greater than his master; nor is he who is sent greater than he who sent him. 17 If you know these things, blessed are you if you do them. 18 I am not speaking of you all; I know whom I have chosen; it is that the scripture may be fulfilled, `He who ate my bread has lifted his heel against me.’ 19 I tell you this now, before it takes place, that when it does take place you may believe that I am he. 20 Truly, truly, I say to you, he who receives any one whom I send receives me; and he who receives me receives him who sent me.” |
Thứ Năm 6-5 Nếu ai đón nhận Thầy
Ga 13,16-20 16 Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” |
Meditation:
How do you treat those who cause you grief or harm, especially those who are close to you in some way? In his last supper discourse, Jesus addressed the issue of fidelity and disloyalty in relationships. Jesus knew beforehand that one of his own disciples would betray him. Such knowledge could have easily led Jesus to distance himself from such a person and to protect himself from harm’s way. Instead, Jesus expresses his love, affection, and loyalty to those who were his own, even to the one he knew would “stab him in the back” when he got the opportunity. Jesus used a quotation from Psalm 4:9 which describes an act of treachery by one’s closest friend. In the culture of Jesus’ day, to eat bread with someone was a gesture of friendship and trust. Jesus extends such friendship to Judas right at the moment when Judas is conspiring to betray his master. The expression lift his heel against me reinforces the brute nature of this act of violent rejection. Love and loyalty that endure to the end Jesus loved his disciples to the end and proved his faithfulness to them even to death on the cross. Through his death and resurrection Jesus opened a new way of relationship and friendship with God. Jesus tells his disciples that if they accept him they also accept the Father who sent him. This principle extends to all who belong to Christ and who speak in his name. To accept the Lord’s messenger is to accept Jesus himself. The great honor and the great responsibility a Christian has is to stand in the world for Jesus Christ. As his disciples and ambassadors (2 Corinthians 5:20), we are called to speak for him and to act on his behalf. Are you ready to stand for Jesus at the cross of humiliation, rejection, opposition, and suffering? “Eternal God, who are the light of the minds that know you, the joy of the hearts that love you, and the strength of the wills that serve you; grant us so to know you, that we may truly love you, and so to love you that we may fully serve you, whom to serve is perfect freedom, in Jesus our Lord.” (Prayer of Saint Augustine) |
Suy niệm:
Bạn đối xử với những người đã gây cho bạn đau khổ hay buồn phiền như thế nào, đặc biệt đối với những người có thể có mối quan hệ bạn bè hay ruột thịt của bạn? Trong bài diễn từ cuối cùng, Đức Giêsu nói về lòng trung thành và sự bất trung trong những mối quan hệ. Đức Giêsu biết trước rằng một người trong số các môn đệ của mình sẽ phản bội Ngài. Sự nhận thức như vậy dễ dàng dẫn Đức Giêsu tới chỗ xa tránh người đó và bảo vệ mình khỏi con đường nguy hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu bày tỏ tình thương và lòng trung thành của mình đối với những người thuộc về mình, thậm chí đối với kẻ mà Người biết sẽ “đâm sau lưng mình” khi hắn có cơ hội. Đức Giêsu đã trích dẫn câu Thánh vịnh 4,9, mô tả hành động phản bội bởi người bạn thân thiết nhất. Trong văn hóa vào thời Đức Giêsu, ăn uống với ai là một cử chỉ của tình bằng hữu và sự tin cậy. Đức Giêsu dành mối tình bằng hữu như vậy đối với Giuđa, ngay khi Giuđa đang âm mưu phản bội Thầy mình, lời diễn tả giơ gót đạp con nói lên bản chất dã man của hành động thô bạo này. Tình yêu và lòng trung tín tồn tại muôn đời Đức Giêsu yêu thương các môn đệ cho đến cùng và chứng tỏ lòng trung thành của mình đối với họ, thậm chí chết trên thập giá. Ngang qua cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Giêsu đã mở ra con đường mới của mối quan hệ và tình bằng hữu với Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng nếu họ tiếp nhận Ngài, họ cũng tiếp nhận Cha, Đấng đã sai Người. Quy luật này cũng dành cho tất cả những ai thuộc về Đức Kitô và những ai nói nhân danh Người. Đón nhận sứ điệp của Chúa là đón nhận chính Đức Giêsu. Vinh dự và trách nhiệm lớn nhất của người tín hữu là làm chứng cho thế giới về Đức Giêsu Kitô. Giống như các môn đệ, chúng ta được mời gọi để nói cho Người và hành động cho Ngài. Bạn có sẵn sàng làm chứng cho Đức Giêsu ở thánh giá của sự chống đối và thù địch không?
Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng là ánh sáng của những tâm trí hiểu biết Chúa, là niềm vui của những tâm hồn yêu mến Chúa, và là sức mạnh của những ý chí phụng sự Chúa. Xin ban cho con điều đó để hiểu biết Chúa, để chúng con có thể thật sự yêu mến Chúa, và yêu mến Chúa đến nỗi chúng con có thể hoàn toàn phụng sự Chúa, Đấng đáng được phụng sự với sự hoàn toàn tự nguyện. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Augustine) |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn