Thứ sáu đầu tháng, tuần 22 thường niên.
“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.
Lời Chúa: Lc 5, 33-39
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn'”.
Suy Niệm 5: Chàng rể ở với họ
Suy niệm :
Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Suy Niệm 2: Kim chỉ nam của cuộc sống
Theo sách Giảng Viên: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để khóc lóc, một thời để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy". Trong Tin Mừng hôm nay khi giải thích về lý do tại sao Ngài và các môn đệ của Ngài không ăn chay, có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn lặp lại lời dạy của sách Giảng Viên: "Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Có một thời không ăn chay và một thời để ăn chay". Thời gian của Giáo Hội là thời gian vừa ăn chay vừa không ăn chay. Ðúng hơn, thời gian của Giáo Hội là thời gian của cử hành.
Khi chúng ta nói về cử hành, chúng ta thường dễ nghĩ đến lễ lạc, trong đó chúng ta có thể quên đi những khó khăn của cuộc sống và hòa mình vào đàn ca múa nhảy, ăn uống, cười vui. Thật ra, trong ý nghĩa Kitô giáo, cử hành hoàn toàn xa lạ với bầu khí ấy. Trong Kitô giáo, cử hành chỉ có thể có được khi chúng ta ý thức một cách sâu xa rằng sự sống và cái chết là hai thực tại không bao giờ tách lìa nhau. Cử hành chỉ thực sự đến khi nào tình yêu và nỗi lo sợ, niềm vui và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười, có thể hiện hữu chung với nhau. Cử hành chỉ có thể đến khi nào chúng ta ý thức được rằng sự sống là điều quí giá vô cùng. Và sự sống quí giá không những vì nó có thể được thấy, được sờ, được cảm nghiệm, mà còn ngay cả khi nó mất. Khi chúng ta cử hành một đám cưới, chúng ta cử hành sự kết hợp và chia tay cùng một lúc; khi chúng ta cử hành cái chết, chúng ta cử hành một tình bạn đã mất nhưng đồng thời cũng cử hành một sự tự do và có được. Có thể có nước mắt sau đám cưới và những nụ cười đám tang. Thật thế, chúng ta có thể làm cho những nỗi buồn cũng như niềm vui của chúng ta trở thành một phần của cuộc cử hành cuộc sống với ý thức sâu xa rằng sống và chết không phải là hai điều đối nghịch nhau mà là bạn hữu thân tình với nhau trong mỗi một phút giây của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta chào đời, chúng ta được tự do để hít thở khí trời, nhưng chúng ta lại đánh mất sự an toàn trong lòng mẹ. Khi chúng ta đi học, chúng ta được tự do để đi vào một xã hội rộng lớn hơn nhưng lại đánh mất một chỗ đặc biệt trong gia đình chúng ta. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta tìm được một người bạn đường nhưng lại đánh mất mối liên kết đặc biệt với cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta tìm được công ăn việc làm, chúng ta có được sự độc lập để làm ra tiền, nhưng lại đánh mất khung cảnh vô tư của trường học. Khi chúng ta có con cái, chúng ta khám phá ra một thế giới mới, nhưng lại đánh mất đi một phần tự do đi lại. Khi chúng ta được thăng cấp trong công việc, chúng ta trở nên quan trọng hơn trước mắt người khác nhưng lại đánh mất những cơ may khác. Khi chúng ta về hưu, cuối cùng chúng ta có cơ may làm điều chúng ta muốn nhưng lại đánh mất niềm vui trong công việc. Khi chúng ta có thể cử hành sự sống trong mọi giây phút quyết liệt, trong đó cái được và cái mất quyện lấy vào nhau, lúc ấy chúng ta có thể cử hành ngay cả cái chết của chúng ta, bởi vì chúng ta đã học được từ cuộc sống rằng ai mất sẽ tìm thấy.
Trong mọi sự, lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê 4,4 đáng được chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống: "Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa ở gần chúng ta".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Mỗi thời mỗi khác
Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó họ mới ăn chay.” (Lc. 5, 33-35)
Mỗi thời mỗi khác!
Câu nói đó xưa như trái đất. Những luật sĩ và biệt phái hình như quên đi khi họ trách các môn đệ của Đức Kitô không ăn chay như môn đệ của Gio-an và không cầu nguyện như họ.
Mỗi thời mỗi khác, có thời để vui, có thời để hy sinh. Có thời để làm việc, có thời để nghỉ ngơi. Người ta đến đám cưới không phải để khóc! Đức Giêsu nói: lúc này là tiệc cưới của tôi. Vậy phải vui mừng. Buồn sẽ đến lúc tôi ra đi các ông sẽ không bao giờ tìm thấy tôi.
Mỗi thời mỗi khác. Có thời cho quần áo mới. Nhưng quần áo mới không luôn mới. Chúng đẹp khi mới dùng. Dùng lâu, chúng sẽ thành đồ phế thải. Chúng rách khó vá, nên không ai lấy vải mới vá vào áo rách.
Bình cũ không còn có thể chứa được rượu mới, rượu mới sẽ làm bể bình cũ. Đừng quên rằng rượu mới không bao giờ ngon như rượu cũ.
Sự so sánh đó có thể rút ra bài học rất tế nhị. Đức Kitô không muốn xúc phạm đến họ, nhưng Người không ưa những thứ quá khích. Đối với kẻ thù khích bác và cố chấp, họ không thể hiểu được sự khẩn thiết về những đổi mới. Người thử giải thích bằng hình ảnh hôn nhân để thấy sự không thể thích nghi của con người cựu ước với thời tân ước của Ngài. Ngài không chối bỏ họ, nhưng họ có thời của họ. Ngài thiết lập thời tân ước như Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc xưa và nay cho mọi người.
Không phải chỉ có luật sĩ và biệt phái xưa, cả những Kitô hữu ngày nay cũng không biết nhận ra sự cần thiết phải tái sinh lòng mộ đạo theo Thánh Thần Thiên Chúa và công đồng Va-ti-can II hướng dẫn. Không phải tái sinh là chấp vá, nhưng là công việc lâu dài, kiên nhẫn đôi khi phải chịu đau khổ để thêu dệt nên một tấm áo mới không có đường may. Một hy vọng sống lại chan hòa vui mừng.
GF
Suy Niệm 4: TINH THẦN MỚI TRONG LỀ LUẬT MỚI (Lc 5, 33-39)
Trong truyền thống của người Dothái, việc ăn chay luôn mang ý nghĩa là chờ mong Đấng Cứu Thế. Vì vậy, ta thấy các người Pharisêu và Luật Sĩ lên tiếng thắc mắc khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay.
Khi được hỏi, Đức Giêsu đã nói: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”.
Tại sao Đức Giêsu lại nói như vậy? Thưa! Vì Đức Giêsu chính là Tân Lang, Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến và hiện diện với các môn đệ rồi, nên không cần phải ăn chay nữa.
Vì thế, tinh thần của người đi dự tiệc cưới là không được rầu rĩ, thiểu não, mà thay vào đó là thái độ hân hoan vui mừng, để cùng hòa vào với những tiếng đàn ca nhẩy múa trong những ngày diễn ra tiệc cưới.
Như vậy, tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Dothái và người môn đệ. Tiệc cưới cũng làm cho việc ăn chay phải tạm ngưng. Đây là một lựa chọn hợp lý và khôn ngoan. Sự khôn ngoan này lại được cụ thể hóa qua hai ví dụ: vải mới, áo cũ; rượu mới, bầu da cũ.
Ở đời, không bao giờ người ta lại đi lấy vải mới để vá vào áo cũ cả. Cũng không nên rót rượu mới vào bầu da cũ.
Qua những thí dụ này, Đức Giêsu muốn nói đến đặc tính mới của Nước Trời và của Giáo Hội.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình mới là sự hoán cải tận căn chứ không chỉ những thứ bề ngoài. Sẵn sàng biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Dẹp bỏ những cái cũ rích không thể hợp với cái mới trong tinh thần của Thiên Chúa. Đồng thời cần phải có một tinh thần mới, lối sống đạo thực tâm chứ không phải hình thức bề ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm để bỏ qua những thứ không phù hợp với Tin Mừng. Xin cũng cho chúng con biết thể hiện tinh thần mới là bác ái, yêu thương trong khi thi hành sứ vụ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 5: Dứt khoát tận căn
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: "Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta", "Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa", "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chuyện xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn chung bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.
Những người Pharisêu và luật sĩ thấy thế thì khó chịu và trách Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống!
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước:
- Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói: Thời buổi xấu xa quá, chúng tôi không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi.
- Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời của Phúc Âm, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.
- Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay để xin Ngài mau trở lại.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường sầu não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống không vui tươi của chúng ta làm sao hấp hẫn được người khác?
2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.
3. “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ;cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”: Ý của Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với tâm tình của thời Tân ước. Tâm tình của thời Cưu Ước là hoảng sơ, tâm tình của thời Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì: làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa?
4. “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” (Luca 5,33).
Chúa Giêsu ơi! Không thua gì các kinh sư và các biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng đôi mắt dò xét, khắt khe hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ, chứ không được như họ làm. Nên con cảm thấy khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu. (Hosanna)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn