Thứ Sáu tuần 2 thường niên

Thứ năm - 23/01/2020 08:06

Thứ Sáu tuần 2 thường niên – Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".

 

* Thánh nhân sinh tại Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm 1622.

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ.

Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

 

 

Suy Niệm 1: Đến với Người, ở với Người

Suy niệm :

Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.

Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.

Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.

Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.

Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.

Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,

còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.

Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.

Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.

Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.

Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.

Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.

Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.

Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.

Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,

họ như được tách ra khỏi đám đông.

Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,

Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).

Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.

Nhưng đó không phải là điểm dừng.

Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.

Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,

trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.

Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy:

rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.

Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.

Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.

Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.

Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.

Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa

và rơi vào tình trạng nghiện việc.

Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.

Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.

 

Cầu nguyện :

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Giáo Hội là một Mầu Nhiệm

Nếu thời Cựu Ước đã có những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.

Ðiều cơ bản nhất mà chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ tập quyền hay Bô lão trị; Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ một khía cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.

Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai được các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo Hội.

Giáo Hội chính là thân thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và sống giáo huấn của chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế vị các ông. Giáo Hội không phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không thể không chấp nhận quyền bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu không chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và trừng phạt.

Hằng năm, Giáo Hội dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Những kẻ Người muốn

Rồi Người lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc. 3, 13-14)

Để hiểu sâu bài Phúc âm hôm nay, một lần nữa chúng ta còn tìm ra được vài chi tiết khác thánh Maccô muốn làm nổi lên hình ảnh con người Đức Giêsu.

Vì thế, để gây ý thức về tiếng gọi mà mười hai Tông đồ đã nhận được, cũng như về ơn gọi của các ông, thánh Maccô ghi lại rằng: “Người gọi những kẻ Người muốn và Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.”

Những kẻ Người muốn

Có lẽ ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng Chúa Giêsu đã có những sự lựa chọn. Phải chăng Người không đến” kêu gọi những người tội lỗi”? Như thế, theo nguyên tắc, mọi người trong cái nhân loại ốm đau này có lẽ phải được làm tông đồ mới phải!

Người ta giải thích sự Chúa tuyển chọn như sau: lời mời gọi của Chúa diễn ra ỏ hai mức độ, và mỗi người chúng ta đều được gọi hai lần. Tiên vàn là kêu gọi đón nhận đức tin, sám hối, gia nhập Nước Tròi, hưởng ơn cứu độ. Sứ mệnh của Đức Kitô có mục đích tối hậu là làm vang lên tiếng mời gọi của Chúa Cha “Anh em hãy đến!”

Nhưng cũng có tiếng mời gọi khác gởi đến từng người giúp họ xác định vị trí hoạt động, chọn lựa phần đóng góp của mình trong Nhiệm Thể Chúa Kitô: “những người này Chúa đã cho làm tông đồ, những người kia làm tiên tri; người được ơn chữa bệnh, người khác lại được ơn diễn giải”. Chúa Giêsu muốn cho tất cả chúng ta, mỗi người giữ một vị trí nhất định.

“Để các ông ở với Người và đi rao giảng”

Nếu chúng ta muốn hiểu biết chức vụ linh mục, hiểu biết linh mục là gì, phải trở lại hai chức năng được Chúa Giêsu gán cho Nhóm Mười Hai là “ở với Người và được sai đi rao giảng”.

Nhờ bí tích truyền chúc, linh mục được đặt để ở với Chúa Giêsu. Người ta thường đòi hỏi linh mục sống hòa mình với mọi người, ngang tầm với họ, phục vụ họ. Đòi hỏi linh mục cùng tầm vóc với Chúa Giêsu, ở với Người, thiết tưởng lại không phải là điều tốt hơn và chính đáng hơn sao? Linh mục bỏ ra một chút thời giờ trong ngày dể truyện trò với Chúa Giêsu không phải là điều tốt đẹp sao? Hãy truyện trò với Chúa đã, rồi mới đi ra ngoài! Rồi mới giảng giải và hội họp!.

 

Suy Niệm 4: CHÚNG TA ĐƯỢC MỜI GỌI ĐẾN VÀ Ở VỚI THẦY (Mc 3,13-19)

Có nhiều người nhìn bộ dạng bên ngoài “rất cốt tu”, nhưng kỳ thực anh ta không hề nghĩ là sẽ đi tu! Hay nhìn những người trông xem ra có vẻ đơn sơ, chất phác, nông dân thì Chúa lại chọn và gọi để trở thành linh mục, tu sĩ của Ngài.

Như vậy, chỉ cần đưa ra một vài hình ảnh, chúng ta cũng nhận thấy rất rõ rằng: ơn gọi tu trì là một mầu nhiệm, vì Chúa chọn và gọi những ai Ngài muốn.

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chọn nhóm 12 trở thành môn đệ của Ngài, để họ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Qua danh sách 12 môn đệ, chúng ta thấy không ai là trọn vẹn cả. Ai cũng có những khuyết điểm, thiếu xót, đôi khi những lỗi mắc phải trước, trong, và sau khi ở với Đức Giêsu là những lỗi rất nặng.

Nhưng điều quan trọng đối với các ông là: tập trung quy vào Đức Giêsu. Thầy của các ông như là cái tâm trong một vòng tròn. Nhiều khi vì yếu đuối, nên xao nhãng đi xa tâm của vòng tròn, nhưng khi tỉnh lại và ngộ ra sự yếu đuối, tội lỗi của mình, các ông lại tiếp tục nhập vào vòng tròn đó và hướng về Đức Giêsu là tâm điểm, đích đến của cuộc đời. Vì thế, tuy bất toàn, nhưng các ông ở lại với Ngài, Ngài đã huấn luyện và làm cho các ông xứng đáng là kẻ lưới người như lưới cá trên hành trình loan báo Tin Mừng.

Mỗi người chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi bước theo Đức Giêsu để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi mang trong mình những tâm tư của chính Đấng mà chúng ta đi theo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng thi hành những giáo huấn và lời dạy của Đức Giêsu không hay nhiều khi chúng ta chỉ có tên tuổi mà không có chất? Chỉ có phẩm mà không có lượng?

Lạy Chúa Giêsu, được trở thành môn đệ của Chúa là một hồng ân. Tuy nhiên, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết làm cho hồng ân ấy triển nở trong cuộc sống thường ngày của mình qua những hoa trái tốt lành. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM

 

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại cách Đức Giê-su kêu gọi các tông đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ làm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ơn gọi của chính chúng ta, bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi.

1. Người gọi những kẻ Người muốn

Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, ơn gọi của các tông đồ phát xuất từ chính ý muốn của Đức Giê-su:

Khi ấy, Đức Giêsu lên núi và gọi những ai Người muốn. Các ông đến với Người. (Mc 3, 13)

Cũng thế, ơn gọi của chúng ta đến từ chính ý muốn của Chúa: Chúa gọi đích danh từng người chúng ta và chúng ta tự nguyện đáp lại. Cho dù khi đến với Chúa trong một ơn gọi, chúng ta có nhiều động lực hay lí do khác nhau. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian chuẩn bị hay thời gian huấn luyện trong sống Thánh Hiến, chúng ta được mời gọi đặt cuộc đời của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”, nghĩa là chính ý muốn của Chúa. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.

Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời (x. Gl 1, 15 và Eph 1, 4). Xác tín được Chúa gọi, không chỉ một lần là xong, nhưng phải được xác tín lại hằng ngày; chúng ta cần làm mới lại ơn được gọi mỗi ngày, như thể ngày nào chúng ta cũng nghe được tiếng Chúa gọi.

2. Họ là những ai?

Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô nêu đích danh từng người được Đức Giê-su kêu gọi:

Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người. (c. 16-19)

Như thế, Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng đã gọi tên từng người chúng ta một cách đích danh. Và các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn như các ông là, nghĩa là vẫn còn đầy giới hạn, còn bất toàn như chính chúng ta. Vì thế, như các tông đồ và nhất là như tông đồ Phê-rô, ơn gọi của chúng ta đặt nền tảng trên tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Chúa:

Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi… Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ!”  (Lc 5, 8 và 10)

Và con số được gọi là Mười Hai. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.

 3. Người gọi để làm gì?

Nhưng Đức Giê-su gọi những kẻ Người muốn để làm gì? Như bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể lại:

Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỉ. (c. 14-15)

Ở lại với Đức Giê-su và sau đó, được Ngài sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống chúng ta, đó là cầu nguyện và hoạt động. Hai chiều kích này đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của chúng ta (cầu nguyện hằng ngày), trong tháng sống (tĩnh tâm tháng), trong năm sống (tĩnh tâm năm) hay trong một giai đoạn huấn luyện hay hành trình ơn gọi đặc biệt.

Chúng ta vẫn sống hai chiều kích này mỗi ngày, hay nói đúng hơn, hai chiều kích này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là những điều Chúa muốn, và rằng đó là những điều làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, vì đời sống của Chúa cũng được dệt nên bởi hai chiều kích này: “Khi ấy, Đức Giê-su lên núi”; và Ngài lên núi chính là để cầu nguyện, như lời tường thuật của thánh Luca: “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6, 12).

*  *  *

Và để đời sống của chúng ta là một lời rao giảng có năng lực trừ quỉ, và những năng động ma quỉ hủy hoại sự sống của con người (quên ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị, bạo lực, tố cáo, lên án, gian dối, cố chấp, không khoan nhượng…), chúng ta được mời gọi ở lại với Đức Giê-su lâu giờ, để lắng nghe Ngài, học với Ngài, hiểu biết Ngài và yêu mến Ngài. Và hơn thế nữa, trở nên một với Ngài, như Ngài trở nên một với chúng ta mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Đức Giêsu chọn nhóm mười hai để ở với Người – SN Song Ngữ ngày 24.01.2020

 

Friday (January 24): “Jesus appointed twelve to be with him

Scripture: Mark 3:13-19  

13 And he went up on the mountain, and called to him those whom he desired; and they came to him. 4 And he appointed twelve, to be with him, and to be sent out to preach 15 and have authority to cast out demons: 16 Simon whom he surnamed Peter; 17 James the son of Zebedee and John the brother of James, whom he surnamed Boanerges, that is, sons of thunder; 18 Andrew, and Philip, and Bartholomew, and Matthew, and Thomas, and James the son of Alphaeus, and Thaddaeus, and Simon the Cananaean, 19 and Judas Iscariot, who betrayed him. Then he went home.

Thứ Sáu     24-1               Đức Giêsu chọn nhóm mười hai để ở với Người

 

Mc 3,13-19

13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người. Rồi Người trở về nhà.

Meditation:

 

What is God’s call on your life? When Jesus embarked on his mission he chose twelve men for the task of preaching the kingdom of God and healing the sick in the power of that kingdom. In the choice of the twelve, we see a characteristic feature of God’s work: Jesus chose very ordinary people. They were non-professionals, who had no wealth or position. They were chosen from the common people who did ordinary things, had no special education, and no social advantages. Jesus wanted ordinary people who could take an assignment and do it extraordinarily well. He chose these men, not for what they were, but for what they would be capable of becoming under his direction and power.

 

Jesus calls you to serve him – will you say yes today and tomorrow?

When the Lord calls us to serve, we must not shrug back because we think that we have little or nothing to offer. The Lord takes what ordinary people, like us, can offer and uses it for greatness in his kingdom. Do you make your life an offering to the Lord and allow him to use you as he sees fit?

 

“Lord Jesus, fill me with gratitude and generosity for all you have done for me. Take my life and all that I have as an offering of love for you, who are my All.”

Suy niệm:  

 

Ơn gọi của Thiên Chúa dành cho bạn là gì? Khi Đức Giêsu thực hiện sứ mạng, Người đã chọn mười hai người đàn ông dành cho công việc rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật trong quyền năng của nước Chúa. Trong việc chọn lựa nhóm mười hai, chúng ta thấy một nét đặc trưng cụ thể công việc của Chúa: Đức Giêsu chọn lựa những người rất tầm thường. Họ không phải là những nhà chuyên môn, không giàu có hay thế giá. Họ được chọn từ những con người bình thường, làm những công việc bình thường, không có học thức cao, cũng không có uy thế trong xã hội. ĐG muốn những người bình thường có thể nhận lấy sứ mạng và thực hiện nó một cách hết sức phi thường. Người chọn những người này không vì những gì họ có, nhưng vì những gì họ có thể là, dưới sự dẫn dắt và uy quyền của Người.

Đức Giêsu kêu gọi bạn phụng sự Người – Bạn sẽ thưa vâng hôm nay hay ngày mai?

Khi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ, chúng ta không nên lùi bước, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình có ít hoặc chẳng có gì để cho. Chúa đón nhận những gì mà người bình thường, như chúng ta, để có thể dâng hiến và sử dụng chúng cho sự cao quý trong vương quốc của Người. Bạn có biến cuộc sống mình thành một của lễ dâng cho Chúa, và cho phép Người sử dụng bạn như Người muốn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa lấp đầy lòng con với lòng biết ơn và quảng đại đối với tất cả những gì Chúa đã làm cho con. Xin Chúa nhận lấy sự sống của con và tất cả những gì con có như một của lễ tình yêu dành cho Chúa, Đấng là tất cả của con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây