CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ MÙA CHAY 

Thứ năm - 28/03/2024 06:20
 THEO TIN MỪNG THÁNH MATTHEW

CHẶNG THỨ NHẤT: CHÚA GIÊ SU CẦU NGUYỆN TRONG VƯỜN DẦU
    “Bấy giờ Chúa Giêsu đi cùng với các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia để cầu nguyện.” 
    Chúa Giê su luôn cầu nguyện trong những thời khắc quan trọng của đời sống: trước khi bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng, Chúa đã sống trong chay tịnh và cầu nguyện suốt 40 đêm ngày; Chúa cũng đã cầu nguyện thâu đêm trước khi tuyển chọn các tông đồ; khi dân chúng định tôn Người lên làm vua sau khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều và được ăn no nê. Chúa thường xuyên lui vào nơi hoang vắng sau một ngày làm việc hay vào sáng tinh mơ để cầu nguyện. Cầu nguyện của Chúa không xuất phát từ sự thiếu thốn nhu cầu vật chất hay tinh thần như như một đòi hỏi sống còn, một nhịp sống trong mối tương quan thân tình với Chúa Cha. Chúa không cầu nguyện để Cha làm theo ý mình muốn, nhưng để mình luôn làm theo ý Cha muốn. Thật thế, ngay trong lúc khó khăn nhất của cuộc sống, trong vườn dầu và dưới chân thánh giá, Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện. Đó thực sự là một chọn lựa, một trận chiến sinh tử để cuối cùng Chúa chấp nhận cái chết để ý Cha được thành toàn. Chính trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha cho những người đã kết án oan khiên và đóng đinh Ngài trên thánh giá. Như thế, cầu nguyện thành nguồn sống và sức mạnh cho cuôc sống sứ vụ và sự trung tín của Người với Cha
    Lạy Chúa xin dạy chúng con, những người dân Lương Sơn, biết cầu nguyện luôn để khỏi sa vào cơn cám dỗ. Xin giúp chúng con biết cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, trong khi vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại. Đặc biệt trong năm Hội Thánh mời gọi các thành phần tham gia vào các sinh hoạt của Hội Thánh và mừng Kim Khánh thành lập giáo phận, xin giúp chúng con không chỉ dừng lại nơi các hoạt động rầm rộ bên ngoài nhưng biết dừng lại trong thinh lặng nội tâm để nhận ra điều Chúa muốn dạy chúng con phải làm trong thời gian đặc biệt nay. Xin cũng giúp chúng con biết sống ngày chay tịnh hôm nay, không chỉ dừng lại ở việc nhịn ăn nhịn uống cho đến giờ nhưng hướng mọi hoạt động của ngày chay tịnh đến việc tìm kiếm và thực hành thánh ý Chúa trong đời. Amen

CHẶNG THỨ HAI: CHÚA GIÊSU BỊ BẮT VÌ SỰ PHẢN BỘI CỦA GIUĐA
    Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong nhóm 12, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. Kẻ nôp Người đã cho họ một dấu hiệu: Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Chúa Giê su và nói “Rabbi, xin chào Thầy.” Trước đó, bất chấp thái độ níu kéo của Chúa Giê-su, không phải vì sợ cho mình nhưng cho chính Giu-đa, ông vẫn kiên quyết với ý định bán Chúa của ông. Ông đứng dậy rời bỏ giữa chừng bữa tiệc để thực hiện âm mưu bán đứng thầy của mình vì những lợi ích cá nhân. Tiền bạc và những tính toán hơn thiệt đã biến anh thành kẻ phản thầy hại bạn. Đau đớn hơn, anh dùng chính cái hôn - cái mà con người thường dùng để biểu lộ tình yêu, làm dấu chỉ của sự phản bội. Nỗi đau của Chúa Giêsu, bởi đó, càng trở nên bi thảm hơn rất nhiều. Đúng như Đức Thánh Cha trong sứ điệp mùa chay năm 2017 đã nói “tham lam tiền bạc là khởi đầu của mọi tội lỗi.” Tham lam giết chết trái tim của  Giuđa. Đối diện với ánh mắt của Chúa Giêsu, người bạn người thầy chan chứa yêu thương, anh đã trở nên đui mù. 
    Lạy Chúa Giêsu, không ít lần vì tham lam tiền bạc, vì những tính toán cá nhân, chúng con đã phản bội Chúa và niềm tin của mình qua những hành vi gian lận, những lời dối trá trắng trợn; vì tiền bạc và những thú vui của bản thân như dâm ô, rượu chè, cờ bạc, chúng con đã điếc lác trước lời van xin thống thiết và đui mù trước ánh mắt đau thương, tủi hờn và giận dữ của người thân chúng con. Bất chấp những lời khuyên nhủ của Hội Thánh qua các cử hành đức tin, chúng con kiên quyết rời bỏ bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc hiệp thông với Chúa và anh em để hoàn thành ước muôn phàm tục của mình. Xin giúp chúng con, những người dân Lương sơn, dám cởi bỏ những toan tính và thú vui bản thân để trở nên những người môn đệ trung tín của Chúa, người Ki tô hữu xứng danh và những người cha người mẹ khôn ngoan và tài đức và, những đứa con thảo hiếu vâng phục. 

CHẶNG THỨ BA: CHÚA GIÊ SU TRƯỚC THƯỢNG HỘI ĐỒNG TỐI CAO DO THÁI
Sau khi nghe Chúa Giêsu trả lời, vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói “ Hăn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị thấy sao?” Họ đáp: “hắn đáng chết !” Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đánh đấm Người. Có kẻ lại tát Người và nói “Ông Kitô ơi! Hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: Ai đã đánh ông đó.”
    Chúa đã bị kết án tử và bị sỉ nhục cách không thương tiếc bởi những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái và những người dưới quyền họ bởi vì Chúa dám nói lên sự thật về chính mình. Thật nực cười, con người kết án “Thiên Chúa làm người” tội phạm thượng. Càng nực cười hơn, trong khi phủ nhận và kết án Đấng là sự thật là gian dối, con người lại đón nhận và tung hô sự dối trá là sự thật. Ông Michael ,  Gobachov, một tổng thống của Nước Nga, đã cay đắng thốt lên ‘chỉ những kẻ không có não mới tin vào sự thật tốt đẹp của kẻ vô thần. Chúng ta nhất là dạy cho con cái mình, trong những mức độ khác nhau, khi xa rời hay coi thường và  các sinh hoạt đức tin cũng trở thành những người tin vào sự dối trá của con người hơn là sự thật nơi Thiên Chúa và Hội Thánh
Lạy Chúa Giêsu, nhiều lúc trong cuộc đời chúng con vì sợ liên lụy đến mạng sống, quyền lợi và những thứ chóng qua nơi mảnh đất Lương Sơn này; hay như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong sứ điệp mùa chay “vì yêu mến sự phù hoa và khoe khoang,” chúng con đã chà đạp lên sự thật, bóp méo sự thật về Thiên Chúa, anh em và chính bản thân bằng những nói xấu, vu oan, bịa điều đặt chuyện, và những khoe khoang bên ngoài. Cũng như các thượng tế luật sĩ chúng con đưa ra những kết án bất công và gian ác với anh chị em mình, và đôi khi cả những người lãnh đạo Hội Thánh nữa. Và nguy hiểm hơn, khi làm như thế chúng con không hề quan tâm đến những di chứng và tổn thương mà Chúa, Hội Thánh và anh chị em chúng con phải gánh chịu qua dòng thời gian. Xin tha thứ cho chúng con Chúa ơi. Xin giúp chúng con biết tôn trọng sự thật về Thiên Chúa, anh em và chính mình dù cho chúng con phải trả giá như Chúa, để chúng con được sự tự do đích thực của người con Chúa bởi “chỉ có sự thật mới giải phóng anh em.” 

CHẶNG THỨ TƯ: PHÊ RÔ CHỐI THẦY, CHỐI ANH EM VÀ CHÍNH MÌNH
Tin mừng ghi lại 3 lần chối của Phêrô. Lần thứ nhất ông chối chính bản thân mình. Khi nghe một đầy tớ gái khẳng định “cả ông nữa, ông cũng đã ở với Giê su, người Galilê đó phải không?” – Phêrô dù hiểu câu nói của cô gái ấy nhưng đã trả lời “Tôi không biết cô nói gì.” Với lời chối thứ hai “Tôi không biết người ấy (Chúa Giêsu),” Phê rô thực sự đã chối những mối liên hệ của ông với Chúa Giêsu. Chưa hết, trước khẳng định của đám đầy tớ “ông cũng thuộc bọn họ,” Phêrô cũng đã chối anh em của mình “Tôi không biết những người.”Chắc chắn lời chối của Phêrô trước khi làm tan nát trái tim ông, đã làm tan nát trái tim Thiên Chúa và anh em mình. Tội lỗi không đơn thuần là làm một việc xấu và chỉ xúc phạm đến đối tượng mà ta xúc phạm nhưng thực sự là làm đổ vỡ tương quan của ta với Chúa, với Hội Thánh, với tha nhân và chính mình. Một người ngoại tình hay đàn điếm, không chỉ xúc phạm đến Chúa nhưng còn đến lời cam kết đoan hứa của mình với Hội Thánh, với người bạn đời của mình. Người đó còn xúc phạm đến tha nhân khi dùng thân xác họ như một món hàng hóa. Cuối cùng là đẩy con cái mình vào tình trạng dễ bị thương tổn và làm mồi cho bao nhiêu điều xấu của môi trường xung quanh
    Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán rằng “Tôi đến để làm chứng về sự thật ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Trước các thượng tế và luật sĩ, Chúa đã không sợ hãi để nhận mình là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Chính lời tuyên xưng này đã dẫn đến cái chết của Chúa. Lạy Chúa Giê su, chúng con hôm nay không phải chết khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Dầu vậy, nhiều lúc trong cuộc sống, chỉ vì những lợi lộc trần gian, những tính toán hơn thiệt, chúng con sẵn sàng chà đạp lên giới luật của Chúa và Giáo Hội, bán đứng anh chị em và chính phẩm giá của mình. Xin tha thứ cho những yếu hèn, nhát đảm và tội lỗi của chúng con. Xin giúp chúng con can đảm chọn Chúa và vui khi được chịu khổ vì danh Chúa như những chứng nhân của Giáo Hội buổi đầu. Amen

CHẶNG THỨ NĂM: CHUÁ GIÊ SU TRƯỚC TÒA ÁN PHILATO
BẤY GIỜ, Chúa Giê su bị điệu ra trước mặt tổng trấn Philato. Tổng trấn hỏi Người “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông sao?” Chúa Giê su đã không đáp lại lời nào. Và khi được Philato hỏi “các người muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Banaba hay là Giêsu, cũng gọi là Kitô ?” Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà họ đã nôp Người.” Đám đông thưa “Banaba!” Tổng trấn Philato nói tiếp “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây? Mọi người đồng thanh đáp “đóng đinh nó vào thập giá”
    Bản án mà Chúa Giê su đón nhận là bản án của vô ơn, bất công và dối trá. Philato biết Chúa Giêsu vô tội nhưng lại sợ đám đông và sợ mất quyền lợi của mình. Tuy nhiên, Philato đáng trách một, đám đông đáng trách ngàn lần, nhất là hàng ngũ kinh sư và các kỳ lão dân Do Thái thời bấy giờ. Vì ghen tỵ và sợ mất quyền lợi khi đám đông dân chúng chạy theo Chúa Giêsu, họ đã cấu kết và dùng những người làm chứng gian để hãm hại Chúa Giêsu; còn đám đông dân chúng, những người được hưởng bao nhiêu ân huệ từ Chúa, vậy mà, họ quay lại để giết hại Người vì những lợi ích trước mắt. Tệ hại hơn, họ sẵn sàng tha cho kẻ có tội và lên tán tử cho người vô tội
    Laỵ Chúa Giêsu, đã bao lần chúng con thầm lên án Philato và đám đông đã kết án Chúa. Tuy nhiên, chúng con không ngờ rẳng, thấp thoáng trong đám đông đó có khuôn mặt của chúng con. Đó là những lần vì quyền lợi riêng của mình, vì những liên hệ gia đình, họ hàng, phe nhóm, chúng con sẵn sàng bẻ cong công lý để đứng lên bênh vực, bảo vệ cho điều xấu, người ác và những điều bất công tham tàn. Đó là chúng con adua chống lại người khác một cách ngu ngơ mà không biết phân biệt tốt xấu, đúng sai. Rồi lối sống đạo vong ân bội nghĩa khi chúng con chẳng bao giờ hay chỉ cám ơn khi nhận được một ơn lành vật chất nào đó mà quên rằng tất cả những gì tốt đẹp chúng con là do ân huệ Chúa ban. Xin tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con can đảm đứng về phía sự thật dẫu chúng con phải trả giá. Xin giúp chúng biết phân biết tốt  xấu thay vì hùa theo đám đông để chống Chúa, Hội Thánh và tha nhân cách ngu ngốc để đời chúng con sẽ không bao giờ gây nên bất công oan khiên cho người công chính nữa. 

CHẶNG THỨ SÁU: CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN
BẤY GIỜ, Tổng trấn Philato phóng thích tên Banaba cho họ, còn Đức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
    Chúa Giê su chịu đánh đòn. Mỗi người chúng ta đều trải nghiệm hơn một lần mình bị cha mẹ phạt đòn roi. Tuy nhiên trận đòn của chúng ta là kết quả của những sai lỗi, và chắc chắn nó không thấm vào đâu so với trận đòn Chúa Giê su phải chịu. Không chỉ là trận đòn của bất công, mà hơn thế nữa, nó được thực hiện bởi những tên lính khát máu, những đòn roi như những đòn thù trút lên thân mình của Chúa Giêsu. Thân thể Chúa Giêsu không chỉ quằn quại trong đau đớn mà bầm nát và đầm đìa máu me. Theo những khám phá trên tấm khăn liệm được cho đã bọc xác của Chúa Giêsu. Người chết đã bị đánh 120 roi dùng để hành hình của người Roma. Như thế, Chúa Giê su phải chịu hơn 1000 cục chì đáng vào thân thể. Và kết quả Chúa Giê su bị xuất huyết nội trầm trọng và hầu như hôn mê trên hành trình thập giá. Isaiah đã tiên báo “người không còn hình hài để chúng ta nhận ra.”

    Lạy Chúa Giêsu, cái giá phải trả cho tình yêu với Cha và với nhân loại là quá đắt. Tuy nhiên chính tình yêu đã giúp Chúa chiến thắng tất cả. Lạy Chúa Giêsu, không ít lần chúng con cũng nếm đòn thù từ anh chị em chúng con qua  những lời nói xấu, vu oan, giáng họa, đặt điều, bịa chuyện và những hành hạ cả về thể lý lẫn tinh thần. . Xin dạy chúng con, trong những lúc như thế, biết ngước nhìn lên Chúa, để kín múc sức mạnh thần linh, để chúng con có thể vượt qua tất cả trong tình yêu với Chúa và anh chị em. Và chắc chắn cũng không ít lần anh chị em và thậm chí những tác viên của Hội Thánh nếm những đòn thù của chúng con. Xin cho chúng con nhớ lại những nỗi đau chúng con phải chịu để hiểu được phần nào nỗi đau chúng con gây ra cho anh em, nhờ đó chúng con biết sám hối, ăn năn và chừa cải. Lạy Chúa xin thứ tha cho những lỗi phạm của chúng con. Amen

CHẶNG THỨ BẢY: CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI MÃO GAI
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh người. Chúng lột áo người ra, khoác cho người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng “Vạn Tuế Đức Vua Dân Do Thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra , và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá
    Theo tấm khăn liệm thành Turino được cho đã bọc xác của Chúa Giê su, người ta nhận thấy, người đàn ông trước khi chết đã trải qua những hành hạ đau đớn tột cùng về thể xác. Trong đó, các nhà khoa học nhận ra vòng gai đội trên đầu nạn nhân. Những chiếc gai nhọn không chỉ gây chảy máu bên ngoài mà nó còn đâm xuyên qua vỏ não của nạn nhân. Điều này hợp lý với Tin Mừng, nhất là những lần Chúa Giêsu ngã xuống đất, những gai nhọn càng đâm sâu hơn vào đầu của Chúa Giêsu.
    Lạy Chúa Giêsu, vì nhân loại chúng con, Chúa chập nhận nỗi đau cả về thân xác lẫn tinh thần. Chúa muốn chúng con đừng chất lên anh em những nỗi đau Chúa đã phải chịu năm nào. Thế nhưng điều mong ước tốt đẹp của Chúa chưa trở thành hiện thực nơi cuộc sông của chúng con. Như cách nói của người Việt Nam “thừa gió bẻ măng,” chúng con lợi dụng những tình huống khó khăn bi đát của anh em để chất lên họ những gánh nặng mới: vùi dập họ trong đau khổ khi chúng con hợp sức tấn công họ, hay chúng con cho vay nóng với giá cắt cổ khi họ rơi vào cảnh túng quẫn và như thế, họ càng lún sâu trong đau đớn và nợ nần. Thay vì cất đi những vòng gai nhọn trên đầu, trong tim anh chị em  và thậm chí những người thân yêu của mình, chúng con càng ấn sâu những gai nhọn ấy vào tâm trí họ. Chúng con thật gian ác Chúa ơi. Xin gúp chúng con cởi bỏ những gánh nặng và vòng gaioan khiên tủi nhục cho anh chị em chúng con trong khả năng của mình ngay thời gian chay tịnh này và cách đặc biệt trong năm thánh mừng kim khánh giáo phận của chúng con.

CHẶNG THỨ TÁM: CHÚA GIẾ SU NGÃ XUỐNG ĐẤT
Tin Mừng không ghi lại việc Chúa Giê su ngã trên đường vác thánh giá, nhưng những gì Chúa Giê su chịu trước và trong khi vác thánh giá lên đỉnh đồi Golgotha, chắc chắn, khiến Chúa Giê su không thể đứng vững. Những trận đòn suốt đêm bởi những tên lý hình; những áp lực tinh thần và những di chuyển liên tục từ phiên tòa này tới phiên tòa khác; không thể không kể đến cơn đói hành hạ bởi suốt gần một ngày không được ăn uống. Trên thập giá, Chúa Giê su đã kêu lên “Ta Khát.”
    Như vậy, Chúa Giê su ngã xuống đất không chỉ bởi sức nặng của cây thập giá mà còn bởi sự tàn nhẫn của con người và cho cùng đó là tội lỗi của con người. Tội của con người hôm qua, hôm nay và mãi về sau. 
    Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng Gánh Tội trần gian. Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giê su với hai môn đệ thân tín của ông giờ thành hiện thực. Tội đè nặng trên đôi vai của Chúa nhưng trước hết, chính Người đã tự nguyện trong yêu thương để gánh tội cho nhân loại chúng con. Chính lúc ngã xuống trên đất là lúc Chúa trở nên thấp nhất để nâng nhân loại chúng con lên cùng Thiên Chúa. Chúa xuống thấp nhất để chúng con không thể xuống thấp hơn được Người nữa. 
    Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết nghĩ đến những khó khăn Chúa chịu trên đường thánh giá mỗi khi chúng con xúc phạm đến Chúa và anh em, nhờ đó, chúng con biết cải hối ăn năn và quay về bên Chúa. Xin giúp chúng con mỗi khi đau khổ vì những oan khiên tủi nhục, biết ngước nhìn về cuộc khổ nạn của Chúa, để thay vì kêu la oán trách, chúng con vui nhận đón lấy trong tình yêu bởi được tham dự và kết hợp với cuộc thương khó của chính Chúa.

CHẶNG THỨ CHÍN: SIMON VÁC THÁNH GIÁ ĐỠ CHO CHÚA GIÊSU
    Thánh sử Matthew ghi lại “Đang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên lá Simon; chúng bắt ông vác thập giá của Người.”
Sau một đêm đói khát và bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, Chúa Giê su dường như không vác nỗi thánh giá tới nơi để chịu đóng đinh. Nhận thấy điều đó, những người lính tìm kiếm một người để trợ giúp cho tử tội Giêsu. Ai sẽ được chọn để làm điều này? Chắc chắn chẳng ai muốn làm điều này. Bao nhiêu môn đệ của Ngài; những người thân yêu của Ngài, những người được Người thi ân giáng phúc – không ai xuất hiện và tự nguyện vác đỡ thập giá Chúa Giêsu. Cũng có bao nhiêu người đứng hai bên đường để chứng kiến Chúa Giê su vác thập giá nhưng dường như với thái độ bàng quan và có cả sự say máu nữa. Simon Kyrene được chọn. Chúng ta không biết vì lý do gì? Một sự tình cờ ngẫu nhiên chăng? Hay một nét cảm thông khiến anh được chọn? Nhưng dù thế nào đi nữa, anh đã ghé vai vác đỡ thập giá Chúa trong đời. Anh chính là người bạn của Chúa bởi vì người bạn tốt sẽ xuất hiện bên chúng ta trong lúc gian nan khốn khó
    Lạy Chúa Giêsu, chính vì trung tín trong tình yêu, Chúa đã ghé vai gánh lấy tội của chúng con. Chúng con cám ơn Chúa vì tình yêu cao vời của Chúa. Ghé vai gánh tội cho chúng con, chắc Chúa cũng muốn chúng con ghé vai gánh vác trách nhiệm chung với nhau trong đời sống gia đình, giáo họ và giáo xứ. Năm 2024 được chọn để nhắc nhớ các thành phần dân Chúa cùng tham gia xây dựng Hội Thánh. Lời kêu gọi tha thiết của các nhà lãnh đạo Hội Thánh phản ánh một thực tế đáng buồn: sự thờ ơ, vô tâm của người tín hữu trước những nhu cầu và công việc của Hội Thánh. Lạy Chúa, nhìn lại mình, chúng con dường như là những ki-tô hữu vô trách nhiệm trước Hội Thánh địa phương. Chúng con nhìn người khác làm và thậm chí dùng lá phiếu bầu người khác làm thay cho chúng con. Chúng con bắt người khác gánh việc thay cho chúng con. Nhiệm vụ duy nhất của chúng con là đứng bên ngoài chỉ chỏ, phê bình. Thật đáng trách phải không Chúa? Xin ban cho chúng con con tim quảng đại, để chúng con nhanh chân chia sẻ gánh nặng của những người bất hạnh mà chúng con gặp gỡ trong cuộc sông hàng ngày.

CHẶNG THƯ MƯỜI: MẸ MARIA GẶP CHÚA GIÊ SU TRÊN ĐƯỜNG VÁC THẬP GIÁ
Các Tin Mừng không ghi lại việc Chúa Giêsu gặp Mẹ Maria trên hành trình thâp giá. Các Tin Mừng theo thánh Matthew, Macco và đặc biệt Luca, ghi lại sự hiện diện của Đức Maria bên cạnh Chúa Giê su trong những sự kiện quan trọng: Mẹ dâng Chúa Giê su trong đền thờ; Mẹ cùng Chúa Giê su lên đền thờ Giêrusalem dự lễ vượt qua khi Chúa lên 12 tuổi; Mẹ cũng đã xuất hiện trong cuộc sống công khai rao giảng của Chúa Giêsu. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại quang cảnh mẹ Maria hiện diện bên Chúa Giê su trong tiệc cưới Cana, nơi đó, dưới sự hướng dẫn và lời khẩn cầu của Mẹ, Chúa Giê su đã thực hiện phép lạ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ; Gioan cũng là tác giả duy nhất ghi lại hình ảnh thân mẫu Chúa Giê su đứng dưới chân thánh giá để đón nhận lời trăn trối của con mình. Bởi đó, ta thật khó có thể tượng tượng rằng, Đức Maria vắng bóng trong hành trình thập giá của con mình. Truyền thống đặt việc Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu ở chặng thứ 4. 
    Cái gì diễn ra trong cuộc gặp gỡ chúng ta không được biết, nhưng chắn đó phải là khung cảnh vô cùng xúc động của người mẹ tiễn con dấu yêu của mình đến nơi chịu đóng đinh và chết như một tên tử tội. Chắc chắn, mẹ đau đớn “như một lưỡi gươm thấu tâm hồn mẹ,”nhưng mẹ cũng sằn sàng vượt lên trên nỗi đau để khích lệ Giê su hoàn thành con đường cứu thế đầy gai góc của Ngài. Làm như thế, chính mẹ cũng tham dự vào hiến tế của con mình qua việc sống một cách can trường tiếng xin vâng trong ngày truyền tin “xin Chúa hãy thực hiện nơi tôi những gì Thiên Chúa muốn”
    Lạy Mẹ Maria, mẹ đã hiện diện với Chúa Giê su trong hành trình thập tự; Giáo phận Phan Thiết và mỗi chúng con cũng đã trải nghiệm sự đồng hành nâng đỡ của mẹ trong hành trình đức tin của mình, nhất là những lúc chúng con gặp thương đau và thử thách. Bao người đã đến với Chúa và nhận được ơn lành từ Thiên Chúa qua đôi tay từ mẫu của Mẹ. Xin tiếp tục đỡ nâng chúng con, đển với mẹ và nhờ mẹ, chúng con có thể đi trọn con đường thánh giá của mình để đạt tới vinh quang của ngày phục sinh. Xin giúp chúng con cũng biết bắt chước mẹ đồnghành hiện diện nâng đỡ ủi an anh chị em chúng con những khi tang chế, đau khổ, tuyệt vọng…để ít nhất, dù chỉ một chút chia sớt những gì anh chị em chúng con đang gánh chịu

CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT: CHÚA GIÊ SU BỊ ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ
Khi đến nơi gọi là Gôngôtha, chúng cho người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra mà bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Ngài.”
    Hãy tưởng lại trong tâm trí chúng ta khung cảnh khủng khiếp này. Chúa Giêsu bị những người lính đè ngửa ra trên thánh giá – kẻ ghìm chân, người ghì đầu và hai bên tay bị giữ và áp chặt vào thanh gỗ. Rồi, những tiếng vang chan chát của búa đóng vào những cây đinh xen lẫn tiếng gào thét đau đớn của tử tội. Máu tuôn lênh láng từ những vết đinh. Quang cảnh rõ hơn khi thập giá, nơi người tử tội đã bị đóng đinh, được dựng lên. Người bị chết vì đóng đinh bị lột trần trụi như một sự sỉ nhục và cũng là lời cảnh cáo những người khác. Thậm chí thân xác họ còn bị chim trời tấn công như con mồi
    Lạy Chúa Giêsu! Có những cái chết khác nhau nhưng sao Chúa lại chọn cái chết thương đau này. Chúa quá yêu chúng con. Chúa muốn biến hình phạt man rợ nhất của loài người thành dấu chỉ của tình yêu cứu độ. Chúa muốn nói với chúng con rằng: không phải hận thù nhưng chính là tình yêu mới có khả năng chiến thắng và vượt qua tất cả. 
    Lạy Chúa Giê su, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con tôn vinh Chúa vì Chúa đã dùng cái chết trên thập giá để cứu độ chúng con. 

    CHẶNG THỨ MƯỜI HAI: CHÚA GIÊ SU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ
    Tin Mừng theo thánh Matthew ghi lại “tới giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bac-tha-ni,” nghĩa là “lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Đức Giê su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.
Cơn hấp hối và cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá được thánh Matthew trình bày không chỉ là cơn hấp hối của một con người, của một người cha nhân loại bất lực trước cái chết đau thương của người con bất lực trước bản án bất công. Ở đây là cơn hấp hối và cái chết của một vị Thiên Chúa làm người trọn vẹn trong tất cả mọi sự chỉ trừ tội lỗi nhưng vẫn là Thiên Chúa quyền năng có thể tự cứu mình khỏi chết. Tiếng kêu trên thập tự, không chỉ là tiếng kêu của người công chính mà còn là tiếng kêu của người Con Dấu Yêu của Thiên Chúa với Cha của mình. Một người Cha là Thiên Chúa với uy quyền toàn năng toàn tri. Một người cha có thể làm được mọi sự ngay cả những gì là không thể với con người. Đối với Thiên Chúa Cha, đáp lời kêu xin của con mình trong lúc này là quá dễ dàng. Vậy tại sao cả Chúa Cha lại chấp nhận bỏ rơi con mình trong cơn hấp hối và cái chết thương đau như vậy? Tình yêu là chìa khóa để hiểu tất cả thảm kịch Golgotha
    Tình Yêu với Cha và với nhân loại khiến Chúa Giê su dám trút bỏ vinh quang, danh dự, uy quyền của một vị Thiên Chúa, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Thập giá là lúc Chúa Giê su tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa Cha – Đấng yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của mình. Thập giá là biểu hiện tình yêu của Chúa Giê su đối với nhân loại bởi “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”
    Tình yêu Cha với nhân loại và với con Cha khiến Cha phải trao nộp Con Yêu cho trần gian. Cha làm thế để ý của Chúa Giêsu được hoàn tất. Cha làm thế để qua Con, nhân loại được sống và sống dồi dào
    Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn vinh, chúc tụng và cảm tạ Chúa vì cơn hấp hối và cái chết cứu độ hồng phúc của Chúa. Xin dạy chúng con biết yêu, biết sống và chết như Chúa.

    CHẶNG THỨ MƯỜI BA: THÁO XÁC CHÚA GIÊSU XUỐNG KHỎI THÁNH GIÁ
    CHIỀU ĐẾN, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Gio-sép, và cũng là môn đệ Đức Giê su. Ông đến gặp Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ Tổng Trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài Chúa Giê-su cho ông.
Tháo xác Chúa Giê-su xuống để chôn cất cho kịp việc chuẩn bị lễ vượt qua. Vì chết trong tư cách của một tử tội vì phản loạn trên phương diện chính trị, phạm thượng trên phương diện tôn giáo, nên chẳng ai dại dột liên lụy đến xác Chúa Giê-su. Các môn đệ chạy tán loạn khắp nơi. Rất may, vẫn còn đó những môn đệ vô danh, thầm kín can đảm đến gặp Phi-la-tô để xin xác Người về mai táng. Một cái chết đau đớn. Một cuộc tẩm liệm chạy đua theo thời gian. Một cuộc sống lang thang đến độ “con chồn có hang, chim trời có tổ. Còn Con Người không có nơi gối đầu.” Các nhà khoa học khi nghiên cứu về tấm khăn liệm thành Tu-ri-no cũng chỉ ra rằng – người đàn ông được bọc trong khăn được chôn cách vội vàng. Đó là cái giá phải trả của tình yêu mang tên Giê-su. Anh chị em thân mến! Chúng ta từng chứng kiến cái chết của những người vô gia cư; một thi thể trôi dạt trên sống hay bị vùi dập ở đâu đó; có khi một thi thể đắp chiếu bên lề đường vì tại nan giao thông nhưng chưa có thân nhân nhận về; chúng ta cũng cảm thương cho những phận người phải an táng tạm một nơi nào đó khi không có người thân. Là người Công Giáo chúng ta có bao giờ tâm hồn ta xuyến xao, đớn đau và rơi lệ trước cái chết của Chúa không?
    Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con dám chấp nhận liên lụy với Chúa và vì Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin giúp chúng con nhớ lại lời Chúa dạy rằng “phúc cho ai không vấp ngã vì Ta,” và “phúc cho ai vì Ta mà bị vu khống mọi điều xấu xa” bởi khi ấy chúng con sẽ được lãnh phần thưởng là gia nghiệp muôn đời. Cách đặc biệt, xin giúp chúng con biết chung tay giúp đỡ những gia đình tang chế, nhất là những gia đình neo đơn, túng quẫn, xa xôi cần sự giúp đỡ của chúng con. Xin giúp chúng con đừng quên ‘chôn xác kẻ chết” cũng là mối phúc của yêu thương mà Chúa đòi hỏi.

    CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN: MAI TÁNG CHÚA GIÊ-SU TRONG MỒ
    Khi đã nhận thi hài, ông Gio-sép lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mồ mới, đã đục sẵn trong núi đá, rồi ra về. Còn Bà Ma-ri-a Mac-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.
Một đám tang vội vàng không kèn trống cũng chẳng người đưa. Một đám tang không điếu văn, chẳng có tiểu sự ngợi ca dù Người đã làm bao điều kỳ diệu. Một đám tang không có lời từ biệt chia xa. Một đám tang đã buồn nhưng càng buồn hơn vì chỉ có vài người tham dự. Thánh Matthew ghi lại qua ngắn gọn chỉ với vài dòng. Những người đàn ông đến lấy xác trong âm thầm, vội vàng tẩm liệm, tranh thủ mang đi và đặt vội trong huyệt đá mới rồi ra về. Vội đến độ không kịp đào huyệt. Vội đến độ chẳng nán lại để mặc niệm tiếc thương. Chỉ còn những người phụ nữ không có địa vị trong xã hội còn lưu lại chút ít trong tiếc thương. Bóng tối của cái chết và tảng đá lấp lối vào ngôi mộ kết thúc cuộc sống của Giê-su, người làng Na-gia-ret và trong đức tin hôm nay, chúng ta nhận ra, đó là vị Thiên Chúa làm người. Ngài đi vào lũng tối âm u của cái chết để từ nay, trong cái chết ta không cô đơn nữa bới có Người đồng hành, dẫn lối. Trong bóng tối của nấm mồ, quyền lực của tử thần, Chúa Giê-su sẽ vĩnh viễn đánh bại nó để có thể mở cho nhân loại chân trời mới – chân trời đang dần hé lộ và bừng sáng vào ngày phục sinh. 

    Lạy Chúa Giê-su, chiêm ngắm ngôi mồ Chúa được đặt vào, chúng con được mời gọi nghĩ về ngày chúng con được người thân đặt vào trong ngôi mộ của mỗi chúng con. Ngôi mộ ấy có trở thành nơi chuẩn bị cho sự phục sinh vinh quang hay không tùy thuộc vào mối liên hệ của mỗi chúng con với Chúa, với người và với đời. Xin giúp chúng con biết chết đi mỗi ngày trong tình yêu như Chúa, để nhờ đó, cái chết của chúng cón trở thành ngáy sinh nhật của chúng con trên trời. Amen.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây