Lễ nhớ buộc
I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ
Thánh Gioan Thánh Giá qua đời ngày 14 tháng 12 năm 1591, được phong chân phước năm 1675 và phong thánh năm 1726. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên phong tiến sĩ Hội Thánh năm 1926.
Thánh Gioan Thánh Giá tên thật là Juan de Yepes, sinh năm 1542 tại Fontiveros, miền Cổ-Castille (Tây Ban Nha), là con thứ ba của một gia đình quí tộc nghèo. Mẹ ngài là bà Catalina, người Do Thái, và cha ngài là ông Gonzales de Yepes, thuộc dòng dõi quí tộc.
Mồ côi cha từ năm lên 10, Juan học nghề dệt với mẹ, sau đó đi làm nghề săn sóc bệnh nhân ở Medina del Campo. Từ năm 1559 đến 1563, ngài học ở trường trung học của các cha Dòng Tên ở Medina, và năm 1563, khi 21 tuổi, ngài vào Dòng Carmel với tên gọi Gioan Thánh Máthias. Từ 1564 đến 1567, ngài theo học ở đại học Salamanque, là đại học quan trọng nhất của thế giới Kitô giáo thời bấy giờ. Ngài học Kinh Thánh, các Giáo Phụ và thần học kinh viện. Sau khi thụ phong linh mục (1567), ngài gặp Têrêxa Avila và cộng tác với thánh nữ trong việc cải cách dòng Carmel cho tới khi thánh nữ Têrêxa Avila qua đời năm 1582. Được thánh nữ dẫn đưa vào việc canh tân theo ý muốn của thánh nữ cho các nữ tu cũng như các thầy dòng, Thầy Gioan, từ đây gọi là Gioan Thánh Giá, lên đường đi Duruelo, tại đây khai sinh một cộng đoàn mới của các tu sĩ Carmel cải cách (sau này cũng gọi là các tu sĩ Carmel nguyên thuỷ, các tu sĩ không mang giày), khấn hứa tuân giữ luật dòng nguyên thuỷ. Đây là một sự trở về nguồn: suy niệm Kinh Thánh, cầu nguyện chiêm niệm, giữ thinh lặng, sống bác ái và phục vụ Giáo Hội. . .
Từ năm 1569 đến 1572, Gioan Thánh Giá dấn thân cho việc đào tạo các tu sĩ Carmel cải cách, và năm 1571, ngài theo thánh nữ Têrêxa đi lập nhà dòng Alba ở Torme. Từ 1572 đến 1577, ngài làm tuyên uý và cha giải tội cho tu viện Nhập Thể ở Avila, nơi thánh Têrêxa được chọn làm tu viện trưởng. Nhưng Dòng Carmel - phái theo luật rộng - âm mưu quyết liệt chống lại thánh Gioan Thánh Giá và các tu sĩ cải cách. Đêm ngày 2 tháng 12 năm 1577, Gioan bị cưỡng bức ra khỏi tu viện Nhập thể và bị nhốt vào xà lim trong tu viện của phái theo luật rộng ở Toledo.
Bị coi như kẻ phản loạn, bị nhục mạ và đánh đập, Thầy Gioan vẫn giữ được sự thanh thản tâm hồn và đã sáng tác những vần thơ thần bí có bề sâu và vẻ đẹp hiếm có: “Người Yêu tôi, Người ẩn ở đâu ?/ Nếu các bạn may phước gặp được Người / Người mà hồn tôi yêu mến / Hãy nói với Người rằng tôi đau khổ và hao mòn, rằng tôi đang chết. . . “ Nhưng 9 tháng sau (tháng 8 năm 1578), Thầy Gioan trốn thoát được và hay tin cuộc cải cách đã được chấp nhận. Thực vậy, năm 1580, Đức giáo hoàng Grégoire XIII đã thiết lập các tu sĩ không mang giày thành một Tỉnh Dòng độc lập.
Từ 1578 đến 1588, Thầy Gioan làm bề trên ở Andalousie, tu viện phó của tu viện Calvario ở miền nam Tây Ban Nha, giám đốc trường đại học ở Baeza và năm 1581, ngài dự Tổng tu nghị ở Alcala, tại tu nghị này, các tu sĩ cải cách được thiết lập thành một tỉnh riêng, sau đó ngài trở về Avila (tháng 11, 1581), tại đây ngài được gặp Mẹ Têrêxa Avila lần cuối, vì ngày 4 tháng 10 năm 1582, Mẹ Têrêxa qua đời.
Từ 1588 đến 1591, Thầy Gioan Thánh Giá được bổ nhiệm làm thành viên Ban Tham Vấn, thuộc tòa án trọng tài trông coi việc thi hành cuộc cải cách, nhưng Tổng tu nghị Madrid (1591) không giao phó trách nhiệm nào cho ngài. Từ đó ngài bị gạt ra ngoài ngay trong nội bộ công cuộc cải cách mà ngài là người phát động. Ngài bị chính những người trong dòng bỏ rơi, thậm chí bị bách hại, vu khống. Từ Madrid, ngày 6 tháng 7 năm 1591, ngài viết cho Mẹ Marie Nhập thể, tu viện trưởng của các tu sĩ Carmel không mang giày ở Segovia: “Con không cần phải buồn vì những điều xảy đến cho cha, vì nó cũng chẳng gây đau buồn gì cho cha cả… con không cần nghĩ ngợi về điều gì khác, ngoài điều chính yếu này: chính Thiên Chúa sắp đặt mọi sự. Ở đâu không có tình yêu, con hãy mang tình yêu đến đó, và con sẽ đón nhận được tình yêu.” Ngày 10 tháng 8, ngài lui về ẩn dật trong cảnh cô tịch tại Penuela, và bị bệnh sốt kéo dài cho tới cuối đời. Người ta đưa ngài đến tu viện Ubeda để chữa trị, ngài tỏ ra kiệt lực, đau đớn nơi thể xác và tinh thần, nhưng luôn tràn đầy tình thương và an bình. Đêm 13 rạng 14 tháng 12, Thầy Gioan Thánh Giá qua đời thọ 49 tuổi. Ngài xin người ta đọc cho ngài sách Diễm Ca, rồi tắt thở với cây thánh giá trong tay, miệng thì thầm:
“Trong tay Ngài, con phó thác linh hồn con.”
Thế là lời ước mà ngài diễn tả trong các bài thơ của ngài được thể hiện: “Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy, /. . . Hoàn tất đi, nếu người muốn; / Cắt đứt đi đợt tấn công dịu dàng này!” (bài thơ Ngọn lửa bừng cháy). “Ôi đêm tối, ta thích mi hơn là bình minh ! / Ôi đêm tối có sức kết hợp / Người Yêu với người được yêu, / biến đổi người được yêu thành Người Yêu! / . . . Mặt cúi xuống trên Người, / tất cả tan biến hết, tôi trao hiến cho Người” (bài thơ Đêm Tối).
Sản phẩm văn chương của thánh Gioan Thánh Giá gồm những bài thơ và những khảo luận thần bí.
Các bài thơ phần lớn được Thầy Gioan sáng tác trong tù ở Toledo, diễn tả hành trình kinh nghiệm thần bí của ngài, trong đó ngài ca ngợi sự kết hợp tình yêu với Thiên Chúa bằng văn phong trữ tình siêu phàm. Những bài thơ này làm ngài trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Thế Kỷ vàng của Tây Ban Nha. Hãy nhớ lại câu thơ: “Giữa đêm tối, hỡi người yêu, Người ẩn nấp ở đâu ? Và Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy!
Những tác phẩm thần bí lớn của thánh Gioan Thánh Giá chỉ là những bình luận về các bài thơ của ngài. Cả hai tác phẩm Lên Núi Carmel và Đêm Tối đều bình luận về cùng một bài thơ: Giữa màn đêm tối. Quyển Ca Khúc Thiêng Liêng cắt nghĩa bài thơ: Hỡi người yêu, người ẩn nấp ở đâu? Và cuối cùng, cuốn Ngọn Lửa Tình Yêu Bừng Cháy bình luận bốn đoạn thơ của bài Ôi lửa tình yêu, lửa bừng cháy, “Bài ca của linh hồn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa”.
Nhờ những khảo luận tột đỉnh này của kho văn chương Kitô giáo, thánh Gioan Thánh Giá được coi là vị “Tiến sĩ thần bí” tuyệt hảo.
Các lời nguyện của phụng vụ nhấn mạnh một đề tài trọng tâm của đời sống và của linh đạo thánh Gioan Thánh Giá: “lòng yêu mến thánh giá” (Lời Nguyện đầu lễ); “những mầu nhiệm cuộc khổ nạn đấng Cứu Thế” (Lời Nguyện trên lễ vật) và “mầu nhiệm thánh giá” (sau Hiệp lễ). Lời Nguyện đầu lễ cũng nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt của lòng yêu mến thánh giá: “sự bỏ mình hoàn toàn”.
- Chúng ta đọc trong quyển Lên Núi Carmel: “Để tâm hồn tới được sự biến đổi siêu nhiên, rõ ràng nó phải đi vào bóng tối (của đức tin) và gạt bỏ tất cả những gì thuộc bản tính cảm giác và lý trí của nó” (ch. IV, 2). Về tình yêu thập giá, vị Tiến sĩ thần bí diễn giải học thuyết của mình như sau trong cuốn Ca khúc Thiêng liêng (36, 35): “Tâm hồn nào thực sự khao khát khôn ngoan thì cũng thực sự khao khát đi vào sâu hơn nữa trong chiều sâu của thập giá, là đường sự sống; nhưng ít người vào được chỗ này. Mọi người đều muốn vào trong chiều sâu của sự khôn ngoan, sự giàu có và hoan lạc của Thiên Chúa, nhưng ít người muốn vào trong chiều sâu của đau khổ và những đớn đau mà Con Thiên Chúa đã phải chịu: có thể nói nhiều người muốn đạt tới đích mà không phải sử dụng con đường và phương tiện dẫn tới đó.”
- Lời Nguyện sau hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta “luôn luôn sống kết hợp với Đức Kitô, và hoạt động trong Hội Thánh vì phần rỗi anh chị em chúng ta.”
Về sự kết hợp thần linh hay kết hợp với Đức Kitô, thánh Gioan Thánh Giá giải thích ý tưởng ngài như sau: “Trạng thái kết hợp thần linh của linh hồn hệ tại sự biến đổi hoàn toàn ý riêng mình thành ý Chúa, sao cho trong ý riêng của mình không còn điều gì chống lại ý Chúa, nhưng mọi động cơ thúc đẩy ý muốn con người phải hoàn toàn và tuyệt đối là ý Chúa.” (Lên Núi Carmel I, II, 2). “Bởi đó linh hồn này được thanh tẩy, an bình, kiện cường, quân bình, khiến cho nó có thể tràn đầy sự kết hợp này một cách ổn định, mà sự kết hợp này không là gì khác hơn là cuộc hôn nhân giữa linh hồn với Con Thiên Chúa” (Đêm Tối 2, 24, 3). Sự lột xác tuyệt đối này vì thế là một phương tiện cần thiết để đạt tới tình trạng chiêm niệm, đạt tới sự kết hợp cá nhân với Chúa Kitô, Lang Quân của linh hồn. “Nhưng người ta không thể đạt một sự kết hợp như thế nếu không có một sự thanh tịnh to lớn, và sự thanh tịnh này chỉ có được khi có sự cởi bỏ mọi tạo vật và sự hãm mình sống động” (Đêm Tối 2, 24, 4). Điều này được thực hiện trong đức tin (đêm tối), là yếu tố đóng vai trò hàng đầu, nhưng tình yêu là động năng cơ bản và là mục tiêu của hành trình thần bí này.
Về việc cứu rỗi anh chị em mình, thánh Tiến sĩ thích trích dẫn câu của thánh Denis l’Aréopagite: “Công trình thần linh nhất trong các công trình thần linh chính là cộng tác với Thiên Chúa vì phần rỗi các linh hồn.” Và ngài cũng nói: “Lòng thương xót đối với tha nhân tăng trưởng trong linh hồn tỷ lệ với mức độ kết hợp bằng tình yêu của linh hồn với Thiên Chúa. Linh hồn càng yêu mến, nó càng ao ước cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến và kính thờ; và lòng ao ước này càng nồng cháy, linh hồn càng làm hết sức mình vì mục đích này, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng những việc làm trong khả năng của mình.”
Enzo Lodi
Nguồn tin: giaophanlangson.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn