Phụng vụ là một cuộc gặp gỡ

Thứ hai - 11/03/2019 19:18
Có người quan niệm rằng Phụng vụ chỉ là công việc của những người sống đời tu trì. Cũng có người cho rằng Phụng vụ chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân. Thế nhưng, ngay từ những lời mở đầu trong Hiến chế về Phụng vụ thánh, Công đồng Vaticano II đã nhấn mạnh “Nhờ Phụng vụ, nhất là trong hiến lễ tạ ơn mà công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu qua cuộc sống của mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo hội chân chính…”[1].

Không những thế, Phụng vụ còn giúp con người mở ra một tương quan mới với ba chiều kích. Đó là mở ra một cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Cuộc gặp gỡ mang ba chiều kích này không những giúp con người khám phá được thực tại cao siêu mà còn đi sâu vào chính nội tại thâm sâu của lòng mình. Để hiểu rõ ba chiều kích của cuộc gặp gỡ nhờ Phụng vụ, chúng ta hãy đi vào chi tiết.
 
1. Gặp gỡ Thiên Chúa
 
Trong tác phẩm “Tinh thần Phụng vụ”, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger khẳng định “Phụng vụ không chỉ là việc đi lên tới Thiên Chúa nhưng còn kéo Thiên Chúa vào trong thế giới riêng của con người”[2]. Như vậy, Phụng vụ đích thực là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Nói rõ hơn đó là một cuộc đối thoại giữa con người và Thiên Chúa. Ở nơi đó con người dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và cầu xin. Và cũng nơi đó, “Thiên Chúa đã đáp trả lại những lời thân thưa của con người lên tới Người”[3].

Cuộc gặp gỡ này được thấy rõ trong Phụng vụ Giờ kinh và Phụng vụ Thánh lễ. Quả thật, trong Phụng vụ Giờ kinh con người mượn các thánh vịnh của thánh vương Đa-vít để dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, cảm tạ, ngợi khen. Từ những thánh vịnh đó chúng ta bắt gặp một Thiên Chúa toàn năng, toàn tri nhưng cũng hết mực yêu thương con người. Chẳng hạn như thánh vịnh 103 nói về việc chúc tụng Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hậu:
 
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi
Toàn thân tôi hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
Thương chữa lành các bệnh tật ngươi
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt
Bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà...”
 
Không chỉ là lời chúc tụng, cảm tạ trong Phụng vụ Giờ kinh mà trong Phụng vụ Thánh lễ những lời chúc tụng và tạ ơn vẫn luôn tiếp diễn trong mỗi buổi cử hành thánh lễ. Hẳn nhiên, như Kinh Tiền Tụng IV đã viết, Thiên Chúa không cần chúng ta ca tụng Người, nhưng việc chúng ta cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng ta ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Do đó, cuộc gặp gỡ nhờ mối dây Phụng vụ đã mang đến cho con người nhiều lợi ích cao cả mà con người không thể ngờ tới.  

Tuy nhiên cuộc gặp gỡ đích thực nhất giữa Thiên Chúa với con người và đem đến cho con người nhiều lợi ích thiêng liêng nhất đó là cuộc gặp gỡ qua Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, “việc cử hành Thánh Thể chính là đi vào cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô”[4], như chính Người đã phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Như vậy, một khi cử hành Bí tích Thánh Thể “con người đã được chia sẻ sự sống, một sự sống cộng sinh với hai ý nghĩa: sự sống của Đức Kitô trở nên sự sống của con người và sự sống của con người trở thành sự sống của Đức Kitô”[5]. Nói cách khác, việc cử hành Thánh Thể có nghĩa là “đi vào vinh quang của Thiên Chúa đang mở ra ôm lấy cả trời và đất”[6]. Thế nên, đây là một cuộc gặp gỡ trọn vẹn và ý nghĩa nhất. Một cuộc gặp gỡ có thể nói được là diện đối diện khi con người đụng chạm trực tiếp đến thân thể của Đức Kitô.
 
2. Gặp gỡ tha nhân
 
Hiến chế về Phụng vụ thánh số 26 trong Công đồng Vaticano II nói rõ: “Các hoạt động Phụng vụ không phải là các hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội, “Bí tích hiệp nhất”, dân thánh được qui tụ và tổ chức dưới quyền các Giám mục.” Như vậy, Phụng vụ không dành riêng cho một cá nhân nào đó, nhưng cho hết tất cả mọi người. Và Giáo hội thực sự muốn “việc cử hành Phụng vụ phải mang tính chất cộng đoàn hơn là việc cử hành đơn độc và riêng rẽ”[7]. Như vậy chúng ta có thể khẳng định Phụng vụ mang tính chất cộng đoàn: cộng đoàn dòng tu, cộng đoàn giáo xứ… Và cũng chính nơi cộng đoàn đó chúng ta gặp gỡ tha nhân, gặp gỡ những con người bằng xương bằng thịt. Tuy nhiên cuộc gặp gỡ này không như một cuộc gặp gỡ trong buổi hoà nhạc hay một buổi tất niên nào đó, nhưng đó là một cuộc gặp gỡ với mục đích hướng về Thiên Chúa. Ở đó chúng ta cùng gặp gỡ những con người đang họp nhau dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Và hẳn nhiên cuộc gặp gỡ này cũng giúp cho người với người dễ dàng chia sẻ được niềm tin, lòng trông cậy và lòng mến yêu dành cho Thiên Chúa. Thế nên rõ ràng Phụng vụ không đóng khung người Kitô hữu vào một đối tượng riêng biệt nào, nhưng “Phụng vụ giúp tâm hồn người tín hữu mở ra với tất cả anh chị em trong sự viên mãn Thiên Chúa ban”[8].

Không những thế, chúng ta còn gặp thấy một cuộc gặp gỡ thân thương giữa những con người với nhau trong Phụng vụ Thánh lễ khi chúc bình an cho nhau. Cho dù đó là một cái cúi đầu, một cái bắt tay hay một hành động nào khác đi nữa thì đây vẫn là một nghi thức tuyệt đẹp nhất cho tình mến giữa người với người và là một “dấu hiệu diễn tả sự hiệp nhất sâu xa của tất cả con cái Thiên Chúa”[9].

Thiết nghĩ cũng cần phải nói rõ “cộng đoàn tham dự Phụng vụ không phải là cộng đoàn được tuyển chọn theo tiêu chuẩn nhân loại. Bước vào nguyện đường chẳng ai hỏi bạn: “Bạn giàu hay nghèo? Bạn nói tiếng nước nào? Sở thích của bạn là gì? Bạn quan tâm đến chuyện gì nhất?” Nhưng điều kiện cần và đủ để tham dự Phụng vụ nói chung và Phụng vụ Thánh lễ nói riêng đó là theo Đức Kitô, dìm mình vào nước Rửa tội trong sự chết và sự phục sinh của Ngài”[10].

3. Gặp gỡ chính mình
 
Ngoài việc gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân, Phụng vụ còn giúp mỗi người gặp gỡ chính mình. Như đã nói Phụng vụ Giờ kinh mượn các thánh vịnh của thánh vương Đa-vít để dâng lên Thiên Chúa những tâm tình cảm mến. Nơi các thánh vịnh đó ta bắt gặp nỗi lòng của chính mình qua những tâm tình của thánh vương Đa-vít. Đó có thể là nỗi lòng sám hối, ăn năn. Đó cũng có thể là tâm tình biết ơn Thiên Chúa sâu sắc. Tựu chung lại đó là những cảm nghiệm riêng tư mà chúng ta đã trải qua và bắt gặp được nơi Phụng vụ. Ví như Thánh vịnh 65 diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi thánh vương Đa-vít được Thiên Chúa ban cho mọi ân huệ.Và khi đọc thánh vịnh này có thể chúng ta cũng thấy đó chính là tâm tình của mình trong đó:
 
“Phúc thay kẻ được Ngài tuyển chọn
và cho ở tại khuôn viên đền Ngài.
Ân huệ nhà Chúa, chúng con tận hưởng,
lộc thánh đền Ngài, lại được đầy no.
 Ngài công minh đáp lại lời chúng con
bằng những việc lạ lùng kinh hãi,
lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con,
Ngài là niềm hy vọng của toàn cõi đất và hải đảo xa vời.”

 
Bên cạnh đó, Phụng vụ Thánh lễ còn mời gọi mỗi tín hữu nhìn vào tâm khảm của mình để thấy lỗi lầm của mình với Thiên Chúa và với tất cả mọi người. Thế nên, nhờ lời kinh Cáo Mình trong Phụng vụ Thánh lễ, mọi người nhìn thấy mình là một tội nhân mang phận hèn yếu đuối và tỏ lòng ăn năn sám hối[11]: “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”

Tạm kết

Những gì vừa trình bày trên một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Phụng vụ. Phụng vụ không chỉ hướng con người lên Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài, không chỉ hướng con người ra bên ngoài để gặp gỡ tha nhân mà Phụng vụ còn hướng con người vào trong để thấy con người đích thực của chính mình. Và để sống trọn những chiều kích đó không gì khác hơn mỗi người cần phải cử hành Phụng vụ một cách tích cực.
 
 
Antôn Hoàng Phúc, OP.
[1] Công đồng Vaticano II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 2.
[2] Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tinh thần Phụng vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa, OFM & Phạm Thị Huy, OP, Tôn giáo: Hà Nội, 2007, tr. 24.
[3] Daniel de Reynal, Thần học Phụng vụ Giờ kinh, Bd. Học viện Đa Minh, 2017, tr. 23.
[4] Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu, lưu hành nội bộ, 2005, tr. 101.
[5] Jean Marie Lustiger, Thánh lễ (la messe), 1988, tr. 83.
[6] Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tinh thần Phụng vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa, OFM, Phạm Thị Huy, OP, Tôn giáo: Hà Nội, 2007, tr. 56.
[7] Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 27.
[8] Fr. Joseph Nguyễn Văn Hiển, OP., Đời sống Phụng vụ của Giáo hội theo nghi thức Roma (Phần lịch sử Phụng vụ),Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2017, tr. 23.
[9] Dr. Edward Sri, Tìm hiểu Thánh lễ, chuyển ngữ: Trần Công Thượng, Học viện Đa Minh, 2014, tr. 158.
[10] Jean Marie Lustiger, Thánh lễ (la messe), 1988, tr. 8.
[11] Xem Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, Tôn giáo: Hà Nội, 2008, tr. 211.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây