I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ
Lễ kính thánh Stêphanô (tiếng Hi Lạp stephanos=triều thiên) đã được chứng thực là mừng vào ngày 26 tháng 12 bởi sách tử đạo của Nicômêđi (316), sách bài đọc của Giêrusalem (415/417), và sách tử đạo của Syria (411). Đến thế kỷ V, lễ này được truyền sang phương Tây. Tuần bát nhật của lễ đã được mừng từ thế kỷ VIII trong Giáo Hội Rôma, và Giáo Hội này đã đưa câu tưởng nhớ vị thánh tử đạo vào trong lễ qui Rôma: “Xin thương nhận chúng con vào cộng đoàn các thánh tông đồ và tử đạo, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Stêphanô…” Giáo Hội cũng đã dâng kính ngài ngôi thánh đường cổ nhất trên đường Via Latina, vào thời thánh giáo hoàng Lêô Cả. Ở Rôma, có đến ba chục ngôi thánh đường dâng kính vị thánh tử đạo tiên khởi này.
Theo một truyền thống của thế kỷ V, thánh Stêphanô bị ném đá ở ngoài thành Giêrusalem, tại cổng phía bắc thành Đamás. Giám mục Juvénal của Giêrusalem đã cho xây ngay trên nơi thánh Stêphanô tử đạo một vương cung thánh đường, và hài cốt của ngài được đưa về đây vào năm 439. Về sau, hoàng hậu Eudoxie († 460) cho xây dựng lại và mở rộng vương cung thánh đường này để trở thành ngôi đền thờ lớn nhất tại Giêrusalem, với một tu viện lớn rất kiên cố.
Các cuộc khai quật khảo cổ học năm 1882 đã phát hiện những di tích của vương cung thánh đường Byzantin của hoàng hậu Eudoxie, từng bị người Ba Tư phá huỷ năm 614. Tại khu đất này ngày nay là những toà nhà của Trường Kinh Thánh và Khảo Cổ học Pháp.
Ngày lễ kính thánh Stêphanô, chúng ta cầu xin Chúa dạy chúng ta “lòng yêu mến kẻ thù, theo gương thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, là người đã biết cầu xin ơn tha thứ cho chính những kẻ giết mình” (Lời Nguyện đầu lễ).
- Tường thuật cuộc tử đạo của thánh Stêphanô mà chúng ta đọc trong thánh lễ (Cv 6, 8 -7,60) nhấn mạnh sự giống nhau giữa cái chết của Stêphanô người môn đệ với cuộc hi sinh tột đỉnh của người Thầy mình là Đức Giêsu. Là chứng nhân trung thành của Chúa Kitô, ngài không tìm điều gì khác hơn là sống phù hợp với đời sống của Đấng Cứu Thế. Vì thế, lời cầu nguyện của ngài: Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ, làm dội lại âm vang lời cầu xin của Chúa Giê-su: Lạy Cha, xin tha cho họ… Cũng thế, lời cầu nguyện của thánh tử đạo tiên khởi: Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận hồn con, gợi lại lời cầu của Chúa Giêsu: Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha.
Lời Nguyện hiệp lễ làm nổi bật mối tương quan giữa sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng ta, với ngày lễ kính thánh Stêphanô, người làm cho chúng ta hoan hỉ vui mừng. Qua cái chết của ngài, vị tử đạo tiên khởi bước vào sự sống đời đời, vì cửa trời từng bị đóng chặt kể từ tội của con người đầu tiên là Ađam, nay được mở ra nhờ cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, Ađam mới. Chính thế mà thánh Stêphanô, tràn đầy Thánh Thần, đã tuyên bố trước mặt các địch thủ: Này tôi đang thấy trởi mở ra: Con Người đứng bên phải Thiên Chúa (Bài đọc 1). Khi phó thác thần khí mình cho Chúa, thánh tử đạo tiên khởi Stêphanô bước vào sự sống vĩnh cửu và đón nhận phần thưởng của kẻ chiến thắng (xem Ca Nhập lễ).
Thánh Stêphanô, con người đầy ân sủng và quyền năng Thiên Chúa (Cv 6, 8), và hiến mình phục vụ Hội Thánh Giêrusalem, cũng là người tham gia vào việc loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều khích động sự căm thù của đối phương, dẫn đến việc ngài bị bắt và chịu tử hình.
- Trong bài giảng ngày lễ thánh Stêphanô, Đức cha Fulgence de Ruspe ca ngợi đức ái, vì chính đức ái “đã đưa Chúa Kitô xuống trần gian, chính đức ái đã đưa thánh Stêphanô lên trời… Vì tình yêu Thiên Chúa, ngài đã không lùi bước trước sự thù nghịch của người Do Thái; vì tình yêu đồng loại, ngài đã cầu xin cho những kẻ ném đá ngài… Được mạnh mẽ nhờ đức ái, ngài đã chinh phục được Saolô…Vì thế, thưa anh chị em, bởi Đức Kitô đã bắt thang bác ái cho người Kitô hữu chúng ta lên trời, nên anh em hãy can đảm sống trung thành với đức ái tinh tuyền, hãy thực thi đức ái với nhau, và hãy lên trời bằng con đường đức ái” (Kinh Sách).
- Cũng vậy, Thánh thi của Giờ Kinh Sách ca ngợi cùng một nhân đức ấy: “Cao cả thay người thí mạng sống mình, / nhưng người biết tha thứ còn cao cả hơn thế; / tốt lành thay người biết yêu kẻ thù, / nhưng người thí mạng vì kẻ làm hại mình / còn tốt lành hơn thế.” Chính Đức Kitô, là Thầy và Chúa chúng ta, đã nêu gương cho chúng ta.
Enzo Lodi
Nguồn tin: giaophanlangson.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn