Không Ai Biết Trước Ngày Mai

Thứ năm - 08/08/2019 19:02

La-da-rô Antôn Phạm Xuân Tạo

Không ai biết trước ngày mai. Có thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình ở dương gian. Vì thế, việc cần làm hôm nay ta đừng để đến ngày mai.

Tiếp theo

Người ta thường nói rằng: ‘‘Với thời gian, ước muốn chân chính mạnh mẽ có thể đủ sức mài một hòn đá thành một viên ngọc tỏa sáng lung linh. Thời gian cũng sẽ chứng minh một người bình thường trong con mắt bao người có thể một ngày nào đó trở thành vĩ nhân. Và cũng chỉ có thời gian mới chứng minh cho những giá trị chân thật nhất.’’ Bởi vậy người đời mới cho rằng: “Thời gian là một tài sản vô giá’’ – qua thời gian, người ta sẽ hiểu nhau nhiều hơn.

Theo quy luật vần xoay của vũ trụ, thời gian cứ lặng lẽ dần trôi – Còn con, cứ lủi thủi, kiên trì, cố gắng và miệt mài với công việc, mỗi tuần hai lần đến trao Mình Thánh Chúa Ki-tô cho các bệnh nhân Công giáo trong nhà thương St George. Rồi cũng đến ngày các bệnh nhân trong nhà thương St George và con đã hiểu nhau hơn – đã đến lúc ‘người trao’ và ‘kẻ nhận’ rút ngắn khoảng cách giữa trái tim với trái tim, hai bên cởi mở với nhau hơn và rồi bắt đầu có cảm tình với nhau. Thời gian khởi đầu công việc trong nhà thương này con đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng qua thời gian, các bệnh nhân trong nhà thương đã thấy con đến phục vụ họ một cách ‘vô vị lợi’, nên mọi chuyện đã khác. Trước đây các bệnh nhân rất hững hờ, lạnh nhạt với con, còn nay thì chính cũng những con người đó lại rất thân thiện và quý mến con.

Khi đã hiểu nhau và thân thiết với nhau, một vài bệnh nhân đã cho con biết lý do vì sao họ thương con và yêu mến con. Chẳng hạn, có bệnh nhân chân tình chia sẻ: ‘‘Sở dĩ những người trong nhà thương này thương con, có cảm tình với con là vì mỗi lần con đến với họ thì trên môi con đều có một nụ cười tươi – một nụ cười rất đẹp và cực kỳ ấn tượng.’’ À thì ra, lý do người ta yêu thương con không phải bất kỳ lý do nào khác mà chỉ vì con có một nụ cười đẹp rạng rỡ và ấn tượng! Họ nói rằng: ‘‘Họ biết thân xác con chịu đau đớn nhiều lắm, nhất là những ngày thời tiết, khí hậu thay đổi. Nhưng họ thấy một điều lạ lùng là khi nào gặp con họ cũng thấy con cười. Nụ cười của con không phải là kiểu cười bâng quơ, cười đãi bôi, cười nhạt nhẽo, cười vô hồn hay là cười kiểu xã giao, mà trên môi con là một nụ cười chân thật, thánh thiện, đầy hấp lực và vô cùng quyến rũ.’’ À thì ra, cười cũng có nhiều kiểu khác nhau! Sống khá lâu năm rồi nhưng chỉ đến khi nghe người ta khen mình con mới biết: một nụ cười không làm cho con phải mất mát gì cả, nhưng lại ban tặng cho con rất nhiều. Bài học cuộc sống cho con biết: cười vốn ít mà lại lời nhiều thì tại sao con không cười?’’ Rồi nhớ lại người đời thường nói: ‘‘Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ’’, vậy thì dại gì mà con không cười để được ‘nhận’ vào bản thân mình và ‘trao’ cho người khác ‘‘mười thang thuốc bổ’’ ấy?!

Mỗi lần được người ta khen và biết rằng mình được người ta yêu mến vì có nụ cười tươi và cuốn hút, con vừa nửa đùa nửa thật chia sẻ với họ: ‘‘Thưa quý vị! Thực ra, đối với con thì nụ cười vẫn luôn ở trên môi, nhưng cuộc sống của con từ trước đến nay chưa bao giờ là ổn cả. Cuộc sống của con vẫn luôn đầy dẫy những thử thách gian nan. Bởi vậy, có lẽ có người đã thấu hiểu những đắng cay cuộc đời hoặc có khi đang cùng mang tâm trạng như con nên mới làm thơ:

‘’Cười nhiều không phải là vui…

Chẳng qua là để chôn vùi nỗi đau…

Nụ cười không giống như nhau…

Có khi lệ chảy lòng đau vẫn cười…’’

Sống trên cõi này đời thì ai cũng vậy thôi! Đời là bể khổ mà! Sống kiếp nhân sinh niềm vui đôi lúc vẫn có đấy, nhưng đắng cay, nước mắt thì nhiều khi cũng ngập tràn. Đôi lúc trầm ngâm con suy nghĩ về hai lối sống của con người đó là: sống vui và sống buồn. Sống trong tủi hờn, buồn đau cũng là một kiếp sống. Sống trong hân hoan, yêu đời cũng là một kiếp nhân sinh. Người hay khóc lóc, thường hay thở than thì người đó cuối cùng cũng chết và âm thầm trở về lòng đất. Mà một người luôn vui cười, lạc quan rồi người đó cũng chết và đến bến bình an nơi ‘ba tấc đất’ là nhà của mình trong lòng đất. Sống buồn cũng trở về lòng đất mà sống vui rồi cũng trở về lòng đất. Nếu cho ta được chọn lựa một lối sống thì tại sao ta không chọn sống vui? Nếu được chọn lựa thì cớ sao ta phải sống buồn, phải khóc lóc? Tại sao ta không lạc quan yêu đời và cười vui lên để làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn? Tại sao ta không sống vui để còn gieo niềm hy vọng cho những người ta có duyên gặp gỡ? Chính vì cứ nghĩ suy chuyện trong cuộc sống con người nên buồn hay nên vui; và tự chọn cho mình lối sống vui nên trên môi con luôn nở nụ cười tươi rói. Con hoàn toàn không có ý cười tươi để khoe với thiên hạ rằng mình chưa bao giờ đau chưa bao giờ khổ, mà con cười để giúp mình và giúp đời xua tan đi những gì là buồn đau, là muộn phiền, là tối tăm, là cay đắng! Vì đã có lần con đọc được đâu đó có người viết rằng:

“Nụ cười nuôi dưỡng hạnh phúc trong gia đình, gầy dựng thiện ý trong làm ăn, và làm lớn mạnh mối tương giao trong tình bạn, mang đến sự thư giãn những khi ta mỏi mệt, niềm hy vọng những khi tuyệt vọng và ánh sáng xua đi tăm tối khi ta trong muộn phiền. Chắc hẳn cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt, nếu thiếu vắng nụ cười, khiến con người dễ rơi vào khủng hoảng.’’

Nếu những suy tư của con và những lời trên đây là đúng thì tại sao ta lại không sẵn sàng ban tặng một nụ cười tươi khi ta có cơ duyên gặp bất kỳ ai trong cuộc đời?! Nếu nụ cười có giá trị tuyệt vời như thế thì tại sao ta không quảng đại để trao ban nụ cười cho nhau trong những lần ta có ‘duyên’ gặp gỡ?! Hãy cố gắng gạt đi nước mắt buồn đau để trao nhau những nụ cười tươi vì việc đó đâu bị ai cấm cản gì?! Hãy cố gắng làm cho đời vui lên bằng cách trao nhau những nụ cười tươi vì việc đó ai trong chúng ta cũng có khả năng thực hiện chứ khó khăn gì đâu?!

Nụ cười tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại là món quà vô giá, ta không thể dùng quyền thế hay dùng sự giàu sang mà mua được. Nhiều khi con tự hỏi: Thế giới này rồi sẽ ra sao nếu vắng bóng tiếng cười? Con người ta sẽ sống thế nào với nhau khi mỗi người chỉ biết khóc mà không biết cười? Vì nụ cười chứa đựng bao tình cảm đáng quý, đáng trân trọng trong tâm hồn mỗi người. Đó là dấu hiệu của vui mừng, hạnh phúc, cảm thông, chia sẻ. Nụ cười gắn kết người với người, cứu vớt bao kiếp sống trong dòng đời khắc nghiệt, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho chúng ta vững bước trên đường đời. Nụ cười của ta sẽ góp thêm niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống. Nụ cười của ta như liều thuốc tinh thần đem đến cho con người niềm vui và hy vọng. Vậy, hãy tươi cười với nhau, ta sẽ không hao hụt gì đâu, mà trái lại sẽ nhận được rất nhiều!

Một người khi đã phải dùng đến chiếc xe lăn để di chuyển thì được gọi là ‘‘người khuyết tật’’- là người không còn khả năng như một người bình thường. Và khi đã là người khuyết tật thì mọi sinh hoạt của con người đó đều bị hạn chế tùy theo mức độ khuyết tật nặng hay nhẹ. Đối với con, sau 21 lần phẫu thuật con đã mất khả năng rất nhiều, nếu không muốn nói là hết mọi khả năng.

Dù việc đi lại, di chuyển rất khó khăn, nhưng ngày qua ngày, với nụ cười luôn nở trên môi, con đã cố gắng chu toàn bổn phận. Theo lịch trình, mỗi tuần hai lần, ngồi trên chiếc xe lăn điện giống như một ‘‘chú mục đồng’’ cưỡi trên một ‘‘con trâu sắt’’, con mang Chúa đến với các bệnh nhân trong nhà thương St George đều đặn. Sự hiện diện của con và những câu chuyện có vẻ ‘hơi ly kỳ’ được con kể, đã phần nào làm cho các bệnh nhân trong nhà thương này được ‘thức tỉnh’ và dần dần thay đổi. Sau khi thân thiện với con và biết về câu chuyện buồn của con, đa số các bệnh nhân và những người làm việc trong nhà thương này đều cho rằng: con là một ‘’CHỨNG NHÂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA’’. Họ đã nhận ra lòng thương xót của Chúa qua con người con, qua các bệnh tật của con. Có một số bệnh nhân khi ngồi nghe con kể hoặc ngồi chuyện trò với con thì họ thường thắc mắc: ‘’Tại sao ‘ông thầy’ bị như vậy mà tinh thần vẫn luôn lạc quan, yêu đời?’’ Ông thầy đã phải phẫu thuật đến 21 lần, chúng tôi biết ông thầy chịu đau đớn lắm, nhưng sao ông thầy vẫn luôn vui tươi và mỉm cười mỗi khi gặp chúng tôi?’’ Hoàn cảnh ông thầy đơn côi, không cha, không mẹ, không anh chị em ruột thịt, không bà con thân thích ở đây chắc nhiều lúc ông thầy cũng buồn tủi và cảm thấy cô đơn lắm?’’ ‘‘Ông thầy còn khá trẻ mà lại phải ngồi trên xe lăn để di chuyển vậy chắc ông thầy cảm thấy khổ sở và đau lòng lắm?’’ Và một câu hỏi khi được đặt ra đã làm mủi lòng người hỏi và nhói lòng đến cả người được hỏi: ‘’Tại sao ông thầy ngồi xe lăn, di chuyển khó khăn như vậy mà vẫn tình nguyện đến đây mỗi tuần hai lần trao Mình Thánh Chúa Ki-tô cho chúng tôi?’’

Với cương vị là một ‘‘ông thầy’’ lại trong hoàn cảnh éo le của con lúc ấy, thật sự con rất khó trả lời để làm thỏa lòng những người đang chất vấn mình. Tuy con đã phải lần lượt trả lời cho các bệnh nhân về những câu hỏi như thế nhưng con biết rằng có những câu hỏi người ta đặt ra cho mình chỉ có tin vào lòng xót thương của Thiên Chúa qua sự quan phòng nhiệm mầu của Ngài thì người ta mới chấp nhận được thôi! Do đó, tất cả những gì con trả lời cho họ nghe đều xuất phát từ trái tim chân thành của con và cuối cùng thì con cũng ‘chốt’ thêm rằng: ‘‘Thiên Chúa yêu thương con vô cùng, nên Ngài luôn muốn điều tốt cho phần rỗi của con. Có những việc xảy ra lúc này hiện tại con chưa hiểu, nhưng 5 năm sau, 10 năm sau hay 20 năm sau con sẽ hiểu về ý nghĩa nhiệm mầu mà Thiên Chúa đã yêu thương dành cho con bây giờ.’’ Nói như thế một phần thể hiện lòng tin của mình đối với sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời cũng an ủi phần nào về những thử thách, những gian nan, những đau khổ mà mình hiện đang đối diện mỗi ngày. Với một tinh thần cởi mở, kể cho người ta nghe về chuyện riêng tư của mình và lạc quan, phó thác vào sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, nên những ai đã từng được nghe con trả lời thì đều cảm nhận rằng, con là một người đáng thương hơn là đáng ghét!

Người đời hay nói: ‘‘Tiếng lành đồn xa’’, sau thời gian khá dài cộng tác thực thi công việc với nhà thương, hầu như tất cả những người làm việc trong nhà thương St George cũng như các bệnh nhân trong nhà thương này chẳng lạ lẫm gì về tên, tuổi và hoàn cảnh của con – một kẻ què đáng thương ngồi trên chiếc xe lăn luôn có nụ cười thật tươi ấy. Trước đây, con là người xa lạ đối với tất cả mọi người trong nhà thương này. Nhưng sau thời gian hơn một năm, tất cả mọi người trong nhà thương này không chỉ biết con cách qua loa mà thôi, nhưng họ đã biết rất tường tận về con. Trước đây, nhìn thấy con có thể họ chỉ mở miệng chào một tiếng hoặc nhoẻn thêm một nụ cười thân thiện, còn qua một thời gian dài thường xuyên lui – tới với họ nên dần dần mỗi lần gặp gỡ thì họ không chỉ nở nụ cười rồi chào con cách vội vàng, mà họ dừng lại hoặc chậm rãi, gọi con bằng tên ‘’brother Tao’’ rất thân thương.

Nếu nói: ‘‘Thời gian là một tài sản vô giá’’, thì thiết nghĩ ta cũng cần phải thêm: ‘‘Nụ cười cũng là vô giá – không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày của con người.’’ Đối với một người đang ‘’sống đời đơn lẻ’’ như con, gặp ai đó mà người ta ‘quảng đại’ mở miệng chào mình hay còn trao cho mình một nụ cười thân thiện nữa thì cảm thấy ấm lòng và quý hóa lắm! Do đó, mỗi lần nhận lời chào, hay nhận một nụ cười tươi từ các bệnh nhân, lòng con hân hoan vui mừng, rồi nghĩ suy và chợt nhớ lại có ai đó đã từng nói rằng: ‘‘Khi tiếp xúc với tha nhân thì đừng bao giờ cau mày hay nhăn mặt thậm chí khi bạn đang buồn, chắc chắn sẽ có ai đó yêu bạn chỉ vì nụ cười của bạn thôi. Với thế giới bạn chỉ là một cá nhân nhưng đối với một ai đó, bạn là cả thế giới.‘’ Đúng lắm! Chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu và dễ thông cảm cho nhau. Chỉ có những người bệnh mới cần bác sĩ, cần thầy thuốc,… và chỉ có những người ngồi xe lăn mới thấu hiểu được nỗi vất vả và những hạn chế của những ai bị thiếu tay hay cụt chân. Cũng giống như: chỉ có những người đã từng đẻ mới biết được đau đẻ là gì!

Theo thời gian năm tháng, khi đôi bên đã thật sự hiểu nhau và sẵn sàng chia sẻ tâm tình với nhau thì chính các bệnh nhân trong nhà thương St George đã bộc bạch cho con biết rằng: Họ yêu mến và tôn trọng con ngoài NỤ CƯỜI TƯƠI ra không gì khác hơn là sự hiện diện của một con người bằng xương bằng thịt ngồi xe lăn, đang mang trên mình đầy những thương tích. Họ cảm mến con không phải vì con đẹp trai, lành lặn hay tài giỏi mà là vì họ đã được nghe nhiều về ‘‘cuộc khổ nạn’’ của con. Họ biết rằng, đôi chân của con xưa kia lành lặn, khỏe mạnh, đá bóng rất hay, nhưng vì đã từng phải chịu mổ xẻ, rồi phải dùng đến hơn 2 ki-lôgram sắt i-nox để làm đinh chốt, để làm các thanh nẹp, nên giờ con mới bị liệt rồi phải ngồi trên xe lăn như thế! Họ có cảm tình với con cũng chẳng phải vì con có duyên ăn nói, mà là vì họ đã tận mắt thấy một cái sẹo rất to nằm ngay nơi cuống họng của con. Nhìn cái sẹo ‘to tướng’ ấy và nghe lời con kể, họ đã biết rằng, con bị hôn mê bất tỉnh 74 ngày đêm và các bác sĩ phải ‘cắt cổ’ con để dùng ống nhựa, luồn 7 sợi dây của 7 chiếc máy vào trong cơ thể con. Bảy cái máy này có nhiệm vụ giúp cho các bộ phận quan trọng trong cơ thể đã ngưng hoạt động như: tim, gan, phổi, thận, …làm việc trở lại trong suốt thời gian con bị hôn mê bất tỉnh đó.

Những người trong nhà thương này yêu mến con, có thiện cảm với con không vì lý do nào khác, cho bằng việc họ tận mắt chứng kiến con phải ngồi xe lăn di chuyển rất khó khăn; nhìn thấy đôi bàn tay điều khiển xe lăn khó khăn vì trên đôi bàn tay ấy có rất nhiều những vết sẹo lô nhô, lởm chởm. Hơn nữa, những người này đã từng được nghe: trong suốt thời gian 688 ngày nằm trong nhà thương, con đã từng phải trải qua 21 lần phẫu thuật, nên nay thân con chất đầy những vết sẹo dọc – ngang. Họ có thiện cảm với con vì chính sự hiện diện với một thân thể đầy thương tích như con rồi họ tin chắc con đã cảm và đã thực sự chạm đến nỗi đau của từng người trong họ. Con đã từng đau với nỗi đau của họ và con đã từng đau nhiều hơn họ! Có bệnh nhân còn nói với con rằng: ‘‘Hàng ngày cũng có nhiều người đến thăm chúng tôi lắm. Bác sĩ có, y tá có, các linh mục, tu sĩ cũng có và những người đứng đầu các tổ chức, hội đoàn và các chức sắc tôn giáo khác cũng có, nhưng tất cả họ chỉ đến với chúng tôi như kiểu ‘’cưỡi ngựa xem hoa’’ thôi. Vì họ chưa từng là bệnh nhân nên làm sao họ hiểu được cái đau, cái hạn chế, cái khó khăn thường trực nơi chúng tôi? Những người đó còn lành lặn, thân thể còn nguyên vẹn, đã bị mổ xẻ gì đâu để họ hiểu được nỗi đau của những người bị cắt tay, cắt chân, hay bị mổ bụng? Những người này có mở miệng nói lời động viên thì cũng chỉ dùng những lời quen thuộc, sáo ngữ, trống rỗng như trong sách, trên báo mà thôi! Bởi vì họ chưa từng ‘’ăn nhạt’’ nên không thể biết ‘’thương mèo’’ được! Chỉ có những ai đã từng ‘’ăn nhạt’’ rồi mới biết ‘’thương mèo’’ – chỉ những người đã từng trải qua bệnh tật, chỉ những người đã từng chết đi sống lại, chỉ có những người phải chịu mổ xẻ nhiều lần như ‘’ông thầy’’ đây thì mới thấu hiểu được nỗi đau của những người bệnh tật như chúng tôi thôi. Sự hiện diện đều đặn của ông thầy và tinh thần lạc quan của ông thầy đã cảm hóa được chúng tôi. Còn nếu ông thầy là người khỏe mạnh thì dù ông thầy có nói hay đến mấy cũng chẳng bao giờ lay động được lòng chúng tôi đâu!’’ Nghe các bệnh nhân bộc bạch, con mới tin vào lời người ta hay nhắc nhau: ‘‘Người thời nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy’’!

“Vạn sự khởi đầu nan’’ – Như con đã thưa trong các câu chuyện lần trước, thời gian ban đầu của việc mang Mình Thánh Chúa Ki-tô đến cho các bệnh nhân trong nhà thương, con đã gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn không phải do công việc quá nặng nhọc hay ngoài khả năng của mình, mà khó khăn ở đây là vì các bệnh nhân Công giáo trong nhà thương này không muốn đón nhận Mình Thánh Chúa. Thực sự, chứng kiến cảnh người ta ngoảnh ‘mặt làm ngơ’, khước từ việc đón nhận Mình Thánh Chúa, con đã đau lòng thay cho Chúa và con đã có chút chán nản. Cũng đã có những lần con muốn bỏ cuộc, không tiếp tục đưa Mình Thánh Chúa Ki-tô vào cho các bệnh nhân trong nhà thương này nữa. Nhưng sau nhiều lần suy nghĩ và cầu nguyện, con lại tiếp tục công việc vì dẫu một số bệnh nhân Công giáo khước từ việc rước Chúa, nhưng trong đó vẫn còn một số bệnh nhân Công giáo khác đang ngày ngày khát khao và chờ đợi để được đón nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô vào lòng. Cứ thế, tự nhủ lòng và tự động viên mình, con đã tiếp tục công việc. Con đã thầm thưa với Chúa: ‘‘Chúa ơi! Phần con, con sẽ cố gắng hết khả năng của con để mang Mình Thánh Chúa Kitô đến với họ. Còn việc các bệnh nhân Công giáo trong nhà thương này có khao khát và sẵn sàng đón rước Mình Thánh Chúa hay không là việc của họ và nhờ sự tác động của Thần Linh Chúa!’’ Lời nguyện xin tha thiết này cứ được môi miệng con lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là những lúc con chuẩn bị ngồi trên xe lăn, tới nhà thương để trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Con cứ kiên trì cầu nguyện và phó thác mọi sự cho Chúa. Vì con tin tưởng: Chúa có thể làm được mọi sự. Hơn nữa, như người ta thường nói: ‘‘mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’’ – bổn phận mình cứ theo ý ngay lành mà làm, còn việc thành công hay không cứ dâng mọi sự cho Chúa. Và trong những lần cầu nguyện và suy tư về công việc mục vụ, con đã tìm được mấy lời khuyên của ai đó như đang nhắc nhở con từng lời, từng câu và từng chữ qua phương thức làm việc của mình. Lời khuyên đầy chí lý có một sức mạnh nào đó đang dạy con: ‘‘Đừng vội từ bỏ một công việc chỉ vì ta chưa tìm thấy niềm đam mê với chúng, ta hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm của mình, miễn là có thời gian. Kiên trì học hỏi, tìm kiếm các khía cạnh thú vị khác của công việc là phương pháp giúp ta nhanh chóng nhận diện niềm đam mê và cảm thấy hứng thú với công việc. Nếu kết quả không khả quan như ta nghĩ thì chí ít, ta cũng đã trau dồi được những phẩm chất cần thiết, làm bước đệm vững chắc cho tương lai.’’

Quả thật rất đúng! Một công việc chỉ thành công khi ta có thời gian vừa đủ để thực thi và trải nghiệm. Chúng ta biết rằng, thời gian ắt hẳn sẽ không bao giờ là đủ, nhưng nếu sử dụng nó đúng cách, ta sẽ không cần phải hối tiếc khi nhìn lại những gì mình đạt được trong suốt quãng đời đã qua. Và ta nên nhớ rằng, thời gian vốn dĩ chẳng chờ đợi ai, một khi đã đi qua rồi thì chẳng thể nào quay trở lại. Đôi khi, ta biết rõ điều đó nhưng ta lại không cố gắng đủ để dùng thời gian thực thi những việc ta cần làm, hầu mang lại lợi ích cho mình và cho những người khác. ‘‘Không ai biết trước ngày mai!’’ Nên việc gì cần làm hôm nay ta đừng để đến ngày mai!

Nguồn tin: www.danchuaucchau.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây