Sách Sáng thế được cấu trúc như thế nào?

Thứ năm - 29/08/2019 23:22
Giải đáp thắc mắc Cựu Ước của Lm Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh)
 Đáp: Thời tiền sử, St 1-1 
Thời các tổ phụ, 12-36
Chuyện ông Giuse, 37-50
Có nhiều cách thức để lập dàn bài cho cuốn St, nhưng lối chia ba phần như trên có thể là hữu ích hơn là có nhiều chi tiết. Đáng lưu ý là phần lớn nhất trong thời kỳ các tổ phụ là dành nói về tổ phụ Giacóp, bởi vì phần Giacóp hầu như bao gồm cả phần nói về cuộc đời của Giuse. Ixaác được trình bày ngắn gọn, gần như là gương phản chiếu của thân phụ ngài, và chỉ nói rõ trong các chương 26-27. Ngay cả phần akedah nổi tiếng hoặc “dâng Ixaác làm lễ tế” (St 22) dường như là một phần của câu chuyện Ápraham (chương 12-25). 
Một cách thức khác của dàn bài sách St là đi theo các dấu hiệu được truyền thống tư tế để lại: sự xuất hiện của từ ngữtoledoth, hoặc “thế hệ”, là 10 lần. Nó có nhiều chức năng. Nó sẽ giới thiệu một gia phả, đôi khi bằng cách của một sự tóm lược lịch sử, hoặc như sự nối kết của các cá nhân và các thế hệ với nhau (chẳng hạn 5, 1;10, 1;11, 10; 25, 12; 35, 1). Nó cũng được dùng để giới thiệu một phần mới của trình thuật (chẳng hạn 2, 4;6, 9;11, 27; 25, 19; 37, 2). Công thức quen thuộc là : “Đây là gia đình của…”, và chúng dễ được nhận ra. Công thức này chỉ được dùng một vài lần ngoài sách St mà thôi (chẳng hạn Xh 6, 14).
 Hỏi: Nếu lịch sử bắt đầu với việc tạo thành muôn loài, làm sao cha lại gọi các chương đầu của sách St là về thời “tiền sử”?
 Đáp: Thật ra câu hỏi của bạn có nhiều phần. Phần đầu là giả thiết rằng lịch sử khởi đầu với việc tạo thành vũ trụ. Sự khởi đầu của việc tạo thành là sự hiện hữu của nhiều loại sự sống trên trái đất, và chúng ta thực sự không biết gì về các khởi đầu này. Các nhà khoa học nói về nguồn gốc vũ trụ theo thuyết “Vụ nổ lớn” (Big-Bang), và nhiều người xem thuyết này là đáng tôn trọng về mặt khoa học, và ít nhất là hòa hợp với những gì chúng ta biết từ sách St. Nhưng nó là chưa quan trọng; chúng ta không quan tâm so sánh thuyết khoa học với các dữ liệu Kinh thánh. Điều nên được nói là rằng lịch sử chưa bắt đầu ngay sau khi Chúa tạo thành con người. Con người sống và có nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa để lại dấu vết nào về việc này. Lịch sử khởi đầu khi con người lưu lại, bằng viết ra hoặc truyền khẩu, các vụ việc linh động. Các thế hệ sau đó phân tích các ghi chép này hoặc các đồ tạo tác, nhằm xây dựng lịch sử của một thời kỳ. Lẽ tất nhiên, không gì được truyền lại cho chúng ta từ các “khởi đầu” được ghi lại trong St 1-11.
 Thời “tiền sử” là đơn thuần một từ ngữ qui ước được sử dụng bởi các học giả Kinh Thánh, để nói lên bản chất đặc thù của các sự kiện được kể trong St 1-11. Chúng không phải là lịch sử như chúng ta hiểu từ ngữ lịch sử hiện nay. Nói đúng hơn, chúng là sự giải thích của thực tại: bản chất của tương quan giữa Chúa và thế giới, nhất là mọi sinh vật (con người là đỉnh cao nhất), sự thất bại của con người để đáp trả việc Chúa trao ban sự sống, chẳng hạn qua trình thuật trận đại hồng thủy, và câu chuyện tháp Baben. Chính khi trình thuật bắt đầu nói về các thị trấn cổ, và việc Ápraham di cư đến vùng đất Canaan, thì con người bắt đầu đi vào một thời kỳ, vốn phải chịu một sự kiểm soát lịch sử nào đó.
 
Các từ ngữ khác đã được sử dụng để mô tả bản chất của các sự kiện được kể trong St 1-11, chẳng hạn các trình thuật huyền thoại hoặc tưởng tượng. Các từ ngữ này có thể gây sốc cho những ai đã có thành kiến về những gì được kể trong các chương ấy. Thường có một phản ứng: bạn sẽ nói rằng điều được kể ở đây là không có thật, hoặc là không có tính lịch sử. Không phải tất cả đâu; người ta không nói điều ấy. Điều người ta nói là rằng lịch sử và sự thật là không phải các từ ngữ đồng nghĩa. Còn có các loại sự thật khác bên ngoài lịch sử nữa. Chắc chắn đó là điều mà chúng ta đều đồng ý với nhau. Điều gì là “sự thật” của một ẩn dụ, của một dụ ngôn, của một thánh vịnh, của một bài tình ca, của một truyện ngắn? Người ta có thể kể ra nhiều lắm. Phận sự đầu tiên của một người đọc Kinh thánh là biết rõ thể loại văn chương nào mà mình đang đọc. Liệu đó là lịch sử hay là thi ca sáng tạo? Hơn nữa người ta phải xem xét các tiêu chuẩn, mà mình sử dụng, để xếp loại cho lịch sử. Mọi bài viết lịch sử là giải thích, và liệu chúng ta hiểu rõ ý định của tác giả không? Liệu tác giả đang viết châm biếm dưới chiếc áo lịch sử không (người ta nghĩ đến sách Giô-na ‘Gn’)?. Lịch sử là một nghệ thuật vốn phát triển và hoàn thiện đáng kể qua các thế kỷ. Các tiêu chuẩn, vốn được đặt ra để viết lịch sử bởi hội của các sử gia ngày nay, đều không được biết đến ở thời kỳ ban sơ, và chúng ta không chờ mong rằng các tác giả Kinh thánh tuân theo các tiêu chuẩn ấy. Chúng ta phải đọc bản văn như nó được trưng ra, với các hạn chế của thời kỳ soạn thảo ra nó. Các bản Kinh thánh  không nhắm đến cho chúng ta trước tiên, nhưng nhắm cho người đọc ở thời Kinh thánh. Do đó, họ không thể hiểu sứ điệp của Chúa, nếu nó được ghi trong Kinh thánh theo phiên bản King James, hoặc một phiên bản tương đương, phản ảnh các giả định của thời đại chúng ta. Vấn đề này của lịch sử có thể được định nghĩa và thảo luận mãi mãi; cách tiếp cận tốt nhất là đọc bản văn Kinh thánh, khi chưa có các định kiến hiện đại mà chúng ta muốn đưa vào đó. Hoặc nói cách khác, chúng ta phải nhìn nhận các hạn chế của bản văn xưa, nếu chúng có thể được gọi là hạn chế, và chúng ta cho phép bản văn dạy chúng ta mà không áp đặt các tiêu chuẩn của chúng ta về lịch sử lên chúng.
 Một vấn đề vốn có thể cung cấp sự kinh ngạc và mất tin tưởng cho chúng ta là tuổi thọ lâu qua lâu của nhiều người được ghi lại trong các chương của sách St. Có lẽ một trong các “vụ việc” là người sống thọ nhất là ông Methuselah (Mơ-thu-se-lác) với 969 tuổi (St 5, 27). Ông thuộc thế hệ những người sống trước trận đại hồng thủy, và tất cả họ đều sống thọ quá lâu. Người đọc chắc tự hỏi về ý nghĩa của tuổi thọ này. Các con số này trở nên dễ hiểu hơn khi chúng ta khám phá rằng có các danh sách tương tự trong các tài liệu ở Babylone hoặc Sumeria, trong đó có các anh hùng thuộc thời kỳ trước trận đại hồng thủy, và họ cũng sống thọ lâu quá lâu. Người ta có thể nhận thấy trong các dữ liệu Kinh thánh rằng có một sự giảm đáng kể về tuổi thọ của các người được kể tên. Do đó, không có sự giải thích chắc chắn về ý định đàng sau tuổi thọ ấy. Hình như tuổi thọ ấy thuộc về huyền thoại (người thọ nhất trong danh sách Sumeria là 72 ngàn tuổi). Ít nhất người ta có thể nói rằng các gia phả này có chức năng tạo ra đông đảo người trên trái đất trong thời kỳ trước trận đại hồng thủy. Cùng với danh sách các dân nước trong chương 10, chúng giúp tạo ta một sự liên tục nào đó cho trình thuật. Về mặt thần học, đây là một tuyên bố rằng Thiên Chúa tạo dựng cả đất trời, và truyền thống nào cũng đưa ra các gia phả và danh sách theo kiểu ấy.
 Tôi đã nhắc đến trận đại hồng thủy, và có lẽ bạn nghĩ rằng sự kiện này có tính lịch sử trong các chương 6-8. Liệu trận đại hồng thủy này có thực sự xảy ra không? Không đâu, bởi vì sự mô tả này là sự sáng tạo của hai nguồn, nguồn P và nguồn J. Mỗi nguồn có phiên bản riêng về trận đại hồng thủy, và cả hai đặt chung với nhau để  tạo nên một sự thống nhất lỏng lẻo, để nêu ra sự lan tràn tội lỗi trên trái đất (St 6, 5-7, 11-12), và sự trừng phạt mà thế giới đáng hưởng. Chính vì lý do này mà các tác giả sử dụng các trình thuật trận đại hồng thủy, vốn là quá nổi bật trong thế giới cổ xưa.

                                                                                              Nguyễn Trọng Đa dịch
Theo “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”, Manila, St Pauls, 1999, trang 10-13)

                                                                                             Nguồn: giaophanthaibinh.org

Nguồn tin: www.kinhthanhvn.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây