LỄ LÁ KHÔNG LÁ

Chủ nhật - 05/04/2020 17:00
images (5)
images (5)
Giáo hội đang bước vào Tuần Thánh, đỉnh điểm của Năm Phụng Vụ đánh dấu bằng Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đây là thời gian chuyển tiếp giữa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Mọi năm, các tín hữu Công Giáo Việt Nam nô nức chuẩn bị và long trọng cử hành Chúa Nhật Lễ Lá như ngày “khai hội” mở đầu cho một tuần lễ được xem là bận rộn nhất của các cộng đoàn xứ đạo khắp cả nước.
 
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
 
Giáo hội đang bước vào Tuần Thánh, đỉnh điểm của Năm Phụng Vụ đánh dấu bằng Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đây là thời gian chuyển tiếp giữa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Mọi năm, các tín hữu Công Giáo Việt Nam nô nức chuẩn bị và long trọng cử hành Chúa Nhật Lễ Lá như ngày “khai hội” mở đầu cho một tuần lễ được xem là bận rộn nhất của các cộng đoàn xứ đạo khắp cả nước. Năm nay, niềm hân hoan của ngày đại lễ mừng Chúa sống lại dường như có chút gì trì hoãn vì chưng cả nhân loại đang còn khoác trên mình màu tím thê lương của đại dịch Covid-19 và còn đó lời mời gọi sám hối trong chay tịnh và nước mắt. Nếu tinh thần của chay tịnh là hy sinh hãm mình từ bỏ đi một thứ hay một điều gì đó mà bình thường chúng ta vẫn có hay vẫn làm, thì không chỉ Lễ Lá mà Tuần Thánh năm nay sẽ là Tuần Thánh “chay” vì các tín hữu, nhất là anh chị em giáo dân tại Việt Nam, sẽ phải trải qua một Tuần Thánh vắng bóng các nghi lễ tôn giáo rình rang, sầm uất. Cụ thể là ngày hôm nay, ngày khai mạc Tuần Thánh, chúng ta bắt đầu cảm nhận được thế nào là Lễ Lá “chay”. Lễ Lá ngoại lệ so với những năm trước. Trước tình trạng “thiếu thốn” về mặt nghi lễ và sinh hoạt bên ngoài, chúng ta được mời gọi đi sâu vào tâm tình và ý hướng bên trong để nhận ra rằng Tuần Thánh mùa coronavirus không hẳn chỉ là một phương thế ứng phó với hoàn cảnh một cách hoàn toàn thụ động mà đây đích thực là thời gian ân sủng, là thời cơ thuận tiện để chúng ta cùng “vượt qua” với Đức Kitô và bước vào đời sống mới cùng với Đấng Phục Sinh.


Lễ Lá “Chay”
Như đã được tiên đoán, Lễ Lá mùa Coronavirus sẽ là Lễ Lá “chay” theo nghĩa thiếu vắng đi những yếu tố thông thường đáng lẽ sẽ có. Vì tình trạng phong tỏa, ngăn cách, cả mấy tuần lễ qua chúng ta đã không thể đến nhà thờ tham dự Thánh lễ mà chỉ có thể hiệp ý thông công qua các kênh truyền hình trực tuyến và vì thế không có rước lễ thật cũng không có nghi thức chúc bình an trong Thánh Lễ. Hôm nay, ngày Chúa Nhật gắn liền với cái tên thân thương “Lễ Lá” nhưng sẽ là một ngày Chúa nhật Lễ Lá ngoại thường, Lễ Lá không có lá. Căn cứ vào văn thư hướng dẫn của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích thì tại những nơi chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, Nghi Thức Làm Phép và Rước Lá trong Phụng Vụ ngày Lễ Lá sẽ được cử hành hết sức đơn giản và chỉ dành riêng cho các nhà thờ Chánh Tòa mà thôi [Bộ PT & KLCBT, Sắc Lệnh số 154/20]. Cho đến thời điểm này, hầu như cả thế giới đều bị phong tỏa vì dịch bệnh bùng phát quá dữ dội. Do đó, Lễ Lá năm nay phần đông giáo dân sẽ cảm thấy phần nào trống trải, thiếu thốn khi không còn được cầm nhành lá trong tay tham gia đoàn rước và lập lại lời con dân thành Giêrusalem xưa kia khi họ đón Chúa vào thành: “Vạn là vạn tuế, vạn là vạn tuế Con Vua Đavit! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.” Lễ Lá mà lại không có lá. Lễ Lá “chay” là như thế đó.
Tương tự vậy, theo như sự chỉ dẫn của Toàn Thánh, rất nhiều Giáo Phận cũng đã ra thông báo liên quan đến các nghi thức của Tam Nhật Vượt Qua: Sẽ không có nghi thức rửa chân, không có kiệu và chầu Mình Thánh Chúa vào buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Sẽ không có nghi thức hôn kính Thánh Giá dành cho giáo dân trong nghi lễ phụng vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Sẽ không có cử hành nghi thức làm phép lửa mới, làm phép Nến Phục Sinh và các nghi thức còn lại trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh cũng sẽ được cắt giảm tối đa nhằm tránh các hệ quả tiềm ẩn mà dịch coronavirus có thể gây ra cho cộng đồng dân Chúa. Nói tóm lại, Tuần Thánh năm nay sẽ rất khác, rất đặc biệt so với mọi năm. Sẽ không sai nếu chúng ta gọi đó là Tuần Thánh “chay”.    
Lễ Lá Mới
Nếu tinh thần của chay tịnh là hy sinh hãm mình và động lực chính của việc giữ chay là lòng yêu mến, thì hoa trái của chay tịnh chính là ơn đổi mới. Chẳng phải vì thế mà trong ngày khai mạc Mùa Chay Thánh, chúng ta xức tro trên đầu và tha thiết khẩn cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta cố gắng giữ Mùa Chay cho trọn để được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi và để bước vào đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh (x. Sách Lễ Rôma, Lời Nguyện Làm Phép Tro, Mẫu 2). Trước đại dịch khốn khó như hiện nay, chúng ta có thể đón nhận những thách đố và xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày và gửi gắm vào đó tâm tình hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Thế Giới. Nếu được như vậy thì mỗi ngày, từ nơi mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, sẽ có không biết bao nhiêu hy lễ mà cộng đồng nhân loại có thể tiến dâng lên Thiên Chúa nhằm mưu cầu lợi ích cho chính cộng đồng nhân loại chúng ta. Theo ý nghĩa đó, Lễ Lá “chay” năm nay cũng chính là Lễ Lá mới vì bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta sẽ đáp lại lời mời gọi của Chúa để bắt đầu một sống một cuộc sống mới với một cái nhìn mới (x. 2 Cr 5, 17), cái nhìn của con mắt Đức Tin, cái nhìn theo nhãn quan của Thiên Chúa.
Dẫu biết rằng Tuần Thánh đơn sơ “thiếu thốn” các nghi lễ như hiện nay là vì hoàn cảnh bắt buộc chứ không phải do Tòa Thánh hay bản thân chúng ta tự muốn như thế. Cái nhìn phàm tục khiến chúng ta tự dày vò trong khổ sở vì cho rằng thử thách bệnh tật chính là án phạt và là kiếp nạn. Trong khi đó, tiếng Chúa vang vọng qua môi miệng các mục tử nhân lành của Hội Thánh, qua gương sáng của các chứng nhân thời đại nhắc chúng ta rằng tất cả mọi sự xảy đến đều nằm trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa (x. Mt 10, 29). Chúng ta không biết rằng đường lối của Thiên Chúa thì cao vời, “tư tưởng Người thì thâm thúy lắm thay” (x. Tv 92, 6). Các giáo huấn gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như các bài giảng và thư mục vụ của ĐTGM Giuse Tổng Giám Mục Sài Gòn và của nhiều chức sắc khác trên toàn thế giới như đồng thanh kêu gọi chúng ta tận dụng thời gian này để sám hối, để san sẻ yêu thương và củng cố tình thân liên kết trong gia đình, trong cộng đoàn của chúng ta. Là Kitô Hữu, chúng ta được mời gọi để nhìn mọi sự qua lăng kính đức tin, để khám phá ra rằng: “Hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người! Ai kính sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi. Ai tìm kiếm Người chẳng thiếu của gì” (x. Tv 34, 9-11). Tuần Thánh “chay” và Lễ Lá “chay” tuy thiếu về một vài yếu tố bên ngoài nhưng lại đầy đủ ấm áp nhờ sự hiện diện của Chúa trong tim của những kẻ tin Người.
Lễ Lá Ấn Tượng
Trước thực trạng Tuần Thánh mùa dịch hạn chế các lễ hội rước sách tưng bừng, chúng ta được Lời Chúa sáng soi cho biết thiếu thốn bề ngoài không đáng sợ cho bằng thiếu thốn bên trong. Tuần Thánh năm nay rồi sẽ trôi qua. Năm tới mọi sự rồi cũng sẽ trở lại bình thường. Nỗi khát khao một Tuần Thánh nhộn nhịp rổi cũng sẽ được khỏa lấp sau khi mùa dịch qua  đi, nhưng nỗi buồn sẽ không bao giờ vơi nếu đàng sau những cuộc lễ rình rang ấy hoàn toàn vắng bóng một chút tình dành cho Chúa và thiếu đi nỗi đồng cảm dành cho anh chị em thân cận. Lẽ nào chúng ta cứ tiếp tục hững hờ trước nỗi lòng của Chúa chúng ta? “Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13).
Chúng ta hãy để cho bầu khí tĩnh lặng trầm lắng của Lễ Lá “chay” năm nay đưa chúng ta quay về với lòng mình. Ở đó chúng ta có cơ hội nhận diện lại, chăm chút lại “lòng nhân” của chúng ta để Tuần Thánh năm nay sẽ đọng lại như một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên. Đối với các vị mục tử đã nằm xuống trong khi phục vụ các bệnh nhân Covid-19, có cảm nghiệm nào đẹp hơn khi họ được thanh thản ra đi khi biết rằng mình đã chết để đoàn chiên của Chúa được sống. Đối với các ngài, không có gì ý nghĩa hơn, đầy đủ hơn là được trở nên giống Thầy Giêsu, trở nên tấm bánh bẻ ra nuôi sống bao tâm hồn đói khát tình thương và ân sủng. Đối với các nhân viên y tế và thân nhân của các bệnh nhân, làm sao họ có thể quên được những hàng nước mắt nói thay cho vạn lời cám ơn. Trong ngày hôm nay, ngày Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa vào Thành Giêrusalem với một thái độ kiên quyết, không ngại khó không ngại khổ, những anh chị em này đến lượt họ sẽ rơi lệ khi nghe những lời thổn thức của Đức Kitô vang vọng trong phần công bố cuộc thương khó của Chúa: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha mà thôi” (x. Mt 26,39). Đối với nhiều gia đình khác, những ấn tượng khó phai trong thời gian chịu cách ly, phong tỏa bởi dịch bệnh, tuy đơn sơ nhưng cũng rất đẹp. Đó là những khoảng thời gian họ được ngồi cạnh nhau cùng theo dõi Thánh Lễ trực tuyến. “Cha ơi, đã gần 20 năm rồi, nay chúng con mới được tham dự Thánh Lễ mà ngồi gần nhau như thế.” Hay đó là những phút chạnh lòng của bậc làm con, khi chứng kiến đôi tay gầy guộc run rẩy của người mẹ đang cung kính bái lạy thờ phượng Mình Thánh Chúa trước màn hình vô tuyến. “Mẹ con già và yếu đi nhiều rồi, cha ạ!” Phải rồi, làm sao chúng ta có dịp ngồi gần, nghe rõ, và quan sát tường tận những dấu vết thờ gian ghi hằn trên gương mặt và thân thể của những người mà chúng ta vẫn gọi là “người nhà” cho bằng thời cách ly phong tỏa như hiện nay? Há chẳng phải đây là cơ hội vàng, cơ hội tốt Chúa ban cho các gia đình chúng ta hay sao? Cơ hội ấy thật quý giá biết nhường nào khi nó xảy đến ngay trong khung cảnh của phượng thờ và đức tin. Cảm nghiệm này cho thấy “mến Chúa yêu người” là hai giới luật không thể tách rời. Nếu đã “có lòng” với Chúa thì ắt hẳn sẽ “có lòng” với tha nhân. Lễ Lá năm nay chắc chắn sẽ in sâu vào ký ức của những ai biết cử hành với cả một tấm lòng.
Lễ Lá Đích Thực
Khi chúng ta đề cao ý nghĩa độc đáo của Tuần Thánh và Lễ Lá năm nay, một năm đầy biến động và thử thách, chúng ta không có ý phủ nhận giá trị siêu phàm của các nghi lễ phượng thờ, lại càng không dám coi Phụng Vụ Thánh chỉ là những hành vi mang tính hình thức bền ngoài. Chúng ta chỉ có ý cố gắng để tìm hiểu thông điệp Thiên Chúa gửi đến cho mỗi người chúng ta trong mùa dịch bệnh này là gì mà thôi. Nhờ đó chúng ta sẽ ý thức hơn về giá trị cốt lõi của các cử hành phụng vụ đó là tâm tình bên trong. Với điều kiện thực tế trước mắt, chúng ta đang nỗ lực thực hành lời kêu gọi của Ngôn Sứ Gio-en: “Hãy hết lòng trở về với Đức Chúa, hãy xé lòng chớ đừng xé áo” (x. Ge 2, 12-13). và lời mặc khải của Đức Giêsu: “Giờ đã đến, chính là lúc này đây, giờ mà những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (x. Ga 4, 23). Chính Đức Kitô là Sự Thật và có một sự thật không thể chối từ là Đức Kitô đã hiến dâng chính mình để giao hòa thế gian với Chúa Cha (x. Cl 1, 19-20 & 2 Cr 5, 19-20) để đôi bên xích lại gần nhau hơn và để nối kết muôn người nên một (x. Gl 3, 28). Cho nên khi chúng ta cử hành các nghi lễ phụng thờ trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ cử hành trong đức Kitô, với Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.         
Vì ý nghĩa của thực hành chay tịnh là hy sinh, rèn luyện bản thân, là hướng đến tha nhân bằng tấm lòng bác ái cho đi, và để chuẩn bị cho chúng ta đáng lãnh ơn giao hòa Chúa ban nên Lễ Lá không lá và Tuần Thánh “chay” là dịp để chúng ta ơn Chúa biến đổi con người và gia đình chúng ta nên “thụ tạo mới”. Không phải vì thế mà chúng ta lầm lũi bước đi trong đêm dài của đau khổ và tuyệt vọng. Không! Ngược lại, chính vì chúng ta tình nguyện vác thập giá theo chân Chúa lên đồi Gôn-gô-tha nên chúng ta cảm thấy bình an và ánh bình minh của “ngày thứ nhất trong tuần” vẫn chiếu dãi huy hoàng trong tim của chúng ta dù cho thế giới còn u ám vì bệnh tật và chiến tranh.  
“Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt qua ở đâu?” (x. Mt 26,17) Thầy biết chúng con đang nóng lòng được thông phần với Thầy. Xin Thầy “cho chúng con theo” (x. Lc 9, 57).


 

Nguồn tin:  Truyền thông HĐGMVN

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây