NGƯỜI TRẺ CẦN GỐC RỄ
Gốc rễ là cái gì đó ăn sâu vào trong nền văn hóa của một dân tộc. Chẳng hạn những lễ hội của người Việt (cần đổi mới hay dẹp bỏ?). Cội rễ ấy thường tốt lành và giúp cho thế hệ này nối tiếp thế hệ khác phát triển vững bền.
Là người Việt Nam, chưa chắc nhiều người có văn hóa và truyền thống Việt Nam. Đó là những giá trị, là cội rễ của con người nói chung và người Việt nói riêng. Ví dụ: tình yêu, tình người, công bằng, bác ái, tôn trọng, tự do, sự thật, tình bạn, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống gia đình, niềm tin tôn giáo, nhân bản, lịch sự, văn minh... Những mảnh đất màu mỡ ấy cần cho bộ rễ con người bám vào để lớn lên. Hiện có những trào lưu đòi bỏ dần nguồn gốc để hòa chung vào sự phát triển của quốc tế [1]. Đó là một mối nguy cho sự thành đạt của người trẻ.
Gốc rễ là cái gì đó ăn sâu vào trong nền văn hóa của một dân tộc. Chẳng hạn những lễ hội của người Việt (cần đổi mới hay dẹp bỏ?). Cội rễ ấy thường tốt lành và giúp cho thế hệ này nối tiếp thế hệ khác phát triển vững bền. Nền kinh tế thị trường, thế giới phẳng, khiến người ta xem nhẹ những giá trị ngàn đời của cha ông để lại. Trước mối lo lắng này, Tông Huấn “Chúa Kitô sống” dành cả một chương (6) để trò chuyện với người trẻ: cội rễ luôn quan trọng để họ bám vào.
Bạn có kinh nghiệm thấy một cây tươi tốt vươn lớn như thổi, nhưng sẽ sụp đổ sau cơn mưa bão, nếu gốc rễ của nó không ăn sâu vào lòng đất. Từ nơi lòng đất đó, rễ không chỉ hút dưỡng chất, mà còn tạo thế đứng an toàn cho cây. Những bộ rễ nông cạn sẽ dễ dàng khiến cây đổ ngã, chết dần chết mòn. Cũng vậy, từ truyền thống dân tộc, tôn giáo và văn hóa, người trẻ có thể kín múc được biết bao điều, để bước vào đời mà không sợ lạc lõng, chơi vơi. Khi lớn lên, không biết mình là ai, nguồn cội lịch sử dân tộc mình là gì, xem nhẹ truyền thống ngàn đời của ông bà tổ tiên, không ai dám chắc người ấy sống thành công hạnh phúc. Ví dụ, chúng ta quen với câu: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.”
Con người có tự do làm mọi thứ, và nhiều người trẻ cũng tin như thế. Tự do gạt bỏ cả những giá trị ngàn đời là dấu hiệu của người mất gốc. Họ núp trong vỏ bọc của cái gọi là “tôn thờ tuổi trẻ”, chạy theo thời thượng. Có khi xã hội thôi thúc người trẻ “cháy hết mình” nơi những trò vô bổ. Họ chăm chút vẻ đẹp bên ngoài hơn là những giá trị bên trong. Đúng là “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng thời này, “cái đẹp đè bẹp cái nết”. Vẻ bên ngoài luôn hấp dẫn người trẻ đến nỗi nhiều bạn làm mọi thứ để đánh bóng diện mạo của mình. Lúc này, Giáo Hội thực sự muốn nói với người trẻ: “Các người trẻ thân mến, đừng để cho người ta sử dụng tuổi trẻ của các con để quảng bá một cuộc sống hời hợt, lầm lẫn vẻ đẹp với ngoại hình.” (số 183). Hóa ra, chỉ có ai đủ can đảm và có tầm nhìn xa, mới dám kiên nhẫn xây dựng đời mình trên những giá trị tốt lành, không phải vẻ hào nhoáng bên ngoài. Điện thoại mắc tiền, siêu xe, nhà cao cửa rộng, vòng vàng trang sức, v.v... chưa chắc cho thấy người ấy bén rễ sâu trong những giá trị vững bền.
Thật tội nghiệp, những ai đang hòa tan đời mình trong trào lưu của thời đại. Khi đón nhận cái mới, họ dễ dàng từ bỏ cái cũ. Cuối cùng, họ không biết mình là ai. Họ rơi vào cạm bẫy của cái gọi là: xu hướng đồng nhất hóa giới trẻ. Bởi xu hướng ấy muốn “xóa tan những khác biệt về nguồn gốc của các em, để biến các em thành những loại hàng hoá dễ nhào nặn được chế tạo hàng loạt. Vì thế, nó cũng tạo ra một sự hủy diệt văn hóa cũng nghiêm trọng như sự tuyệt chủng của các loài động vật và thực vật.” (số 186) Bạn nghĩ sao về hậu quả này?
Là người Công giáo, chúng ta có nguồn cội là Thiên Chúa, là truyền thống đức tin. Một người trẻ công giáo lớn lên trong tin yêu Thiên Chúa, họ sẽ đủ sức gánh vác cuộc đời. Họ tự tin đối diện với mọi thứ; bởi đơn giản, họ có Thiên Chúa trong tim, có Giáo hội đồng hành, và có những giá trị tôn giáo làm bệ phóng. Từ đó, hy vọng họ bay xa, chạy nhanh mà không mất phương hướng. Theo đó, Đức Giáo Hoàng tha thiết nói với người trẻ rằng: “hãy chăm sóc cho gốc rễ của mình, sức mạnh từ gốc rễ, sẽ giúp các con lớn lên, phát triển và sinh hoa kết quả”. (số186)
Bằng cách nào? Đức Giáo Hoàng gợi ý:
Mối liên hệ với người già. Họ thực sự là chỗ dựa để người trẻ thấy Thiên Chúa đang hoạt động. Chúng ta phải thừa nhận rằng tuổi trẻ muốn làm mọi thứ mà không cần đến người khác. Nhất là, người trẻ có khi xem những người già là thế hệ lạc hậu, quê mùa và bảo thủ. Như Đức Giáo Hoàng nói: “Đôi khi các em có khuynh hướng ít chú ý đến ký ức về quá khứ mà từ đó các em đến, đặc biệt là nhiều món quà mà cha mẹ, ông bà của các em và hành lý văn hóa của xã hội nơi họ sống đã được chuyển trao cho các em.” (số 187)
Chúng ta nhắc nhớ nhau: không nên mất liên lạc với những người lớn tuổi, khôn ngoan trong Giáo Hội, để thu thập kinh nghiệm của họ. Thật tuyệt vời biết bao: “người trẻ có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó... Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ.” (Hc 6,34 và 36). Hoặc, “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu.” (Cn 2,22).
Ước gì chúng ta đi cùng với nhau. Trên hành trình này, “người trẻ và người già cùng nhau bén rễ sâu trong hiện tại, và từ đó, thăm lại quá khứ cùng nhìn đến tương lai: thăm lại quá khứ để học từ lịch sử và chữa lành những vết thương đôi khi ảnh hưởng đến chúng ta; nhìn đến tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành, làm cho những giấc mơ nảy mầm, hồi sinh những lời tiên tri, khiến hy vọng nở hoa. Bằng cách này, cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm tâm hồn nhau, gây hứng khởi cho tâm trí nhau bằng ánh sáng Tin Mừng và ban cho đôi tay chúng ta sức mạnh mới.” (số 199).
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
[1] “Các quốc gia không thuộc Tây phương đã vạch ra rằng ở nước họ việc toàn cầu hóa mang đến cho họ các hình thức thực dân hoá nền văn hóa thật sự, nó nhổ những người trẻ ra khỏi các liên hệ văn hóa và tôn giáo mà từ đó các em đến.” (số 185)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn