Nhà thờ Ngã Sáu như nằm trong cả một quần thể đường phố giao nhau và mảng cây xanh phủ dày vây quanh, khiến nơi đây trở thành nhà thờ có địa thế đẹp nhất vùng Chợ Lớn-Sài Gòn. Nhưng ít ai biết trước kia vị trí này là… đồng mả.
Nhà thờ Ngã Sáu trong khuôn viên cây xanh
Giai đoạn cuối thế kỷ 19, cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đã phát triển rất mạnh, họ có hội quán riêng, bệnh viện riêng như BV Phúc Kiến, BV Triều Châu, nghĩa địa riêng… Ở vùng này, ngoài nhà thờ Cha Tam dành cho người Hoa còn có một ngôi nhà thờ khác dành cho người Việt. Đó là nhà thờ Tổng Lãnh Thiên thần Micae.
Năm 1919, cha Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng về làm cha sở tại nhà thờ Micae. Sau 50 năm xây dựng, nhà thờ đã xuống cấp và hư hỏng rất nhiều, mặt khác lúc này lượng giáo dân người Việt trong khu vực Chợ Lớn đã tăng nhanh. Cha Hướng quyết định xây một ngôi nhà thờ mới to lớn hơn ở một vị trí khác.
Nhà thờ xây trên “cánh đồng mả”
Lô đất dự định mua nằm trong khu vực nghĩa địa của người Hoa, mà người Pháp gọi là Plaine Des Tombeaux Saigon (cánh đồng mả Sài Gòn). Cha Hướng mua khu đất này có thể vì địa thế đẹp nhưng có lẽ lý do lớn nhất là giá rẻ vì là đất nghĩa địa và lúc đó các giáo xứ vốn không có nhiều tiền.
Sau này khi nghĩa địa được giải tỏa, toàn bộ khu đất phủ màu xanh của công viên và những hàng cây xanh tuyệt đẹp, ba con đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh đan chéo nhau vây xung quanh như một hoa thị sáu cánh, cho nên người dân quen miệng gọi đây là nhà thờ Ngã Sáu, dù tên gốc là nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc.
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Hoàng, cho biết: “Quy hoạch châu Âu trước thời hiện đại, giáo đường không có ranh giới tách bạch bằng rào dậu cụ thể, mà chỉ hình dung được nó nằm giữa những con đường bao quanh. Các vùng nông thôn châu Âu, ví dụ nước Pháp, giáo đường là trung tâm của khu vực, tọa lạc giữa đường và quảng trường, không hàng rào hay vật thể khác phân định ranh giới. Các hàng quán, công trình dịch vụ công cộng, công trình giải trí bao quanh, rồi thì xa hơn mới là nhà của cư dân địa phương”.
Không biết vô tình hay hữu ý theo nguyên tắc kiến trúc nói ở trên mà sự không có ranh giới tách bạch khiến nhà thờ Ngã Sáu như nằm trong cả một quần thể đường phố giao nhau và mảng cây xanh phủ dày vây quanh khiến nơi đây trở thành nhà thờ có địa thế đẹp nhất vùng Chợ Lớn và là một trong vài nhà thờ có địa thế đẹp nhất Sài Gòn.
Một góc Nhà thờ Ngã Sáu
Thánh đường nhìn từ cửa chính
Toàn cảnh thánh đường nhìn từ tầng lửng
Tượng nữ thánh Jeanne d’Arc
Vị linh mục tự học kiến trúc
Cha Huỳnh Tịnh Hướng là một người rất đa tài. Chính cha cùng với nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của và một số học giả, linh mục khác đã ra được tờ báo Công giáo đầu tiên là Nam Kỳ Địa phận hồi đầu thế kỷ trước. Trong đó cha Hướng đóng vai trò trị sự tờ báo (tư liệu của PGS-TS Đỗ Quang Hưng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam). Ngoài ra, cha Hướng còn tự học kiến trúc và tự tay cha đã thiết kế nhà thờ Cha Tam với nhiều ẩn chứa triết học Trung Hoa bên trong kiến trúc Tây phương.
Mặc dù nhà thờ Ngã Sáu không lưu lại thông tin về kiến trúc sư thiết kế nhưng chúng tôi tin rằng người thiết kế nhà thờ chính là cha Hướng dựa trên những tư liệu về cuộc đời của cha. Sau khi mất, thi hài của cha Hướng không đặt tại nhà thờ Cha Tam hay nhà thờ Ngã Sáu mà đặt ở nhà thờ Chí Hòa và hiện giờ đã cải táng, đặt tại nhà nguyện thuộc Đại chủng viện thánh Giuse trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1.
Nhà thờ Ngã Sáu có tháp chuông lớn ngay chính giữa, hai bên hai tháp nhỏ bên trong trống không, có lẽ chỉ nhằm mục đích trang trí phụ trợ cho tháp chính, cả ba tháp đều có mái ngói nhọn sơn màu xanh chĩa lên trời theo hình mũi tên. Chân tháp nơi cửa chính vào được ốp đá đen với những gờ răng cưa lớn ở góc tạo cảm giác rất mạnh mẽ. Mặt chính cân bằng giữa phương vị thẳng đứng của cột và cửa sổ cao là lam thông gió phương vị ngang. Hai bên hông có các cửa sổ vòm và lam gió tạo sự thông thoáng, điều này cho thấy sự nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới tới công trình.
Phần cuối cung thánh nhô ra tạo hình kiến trúc chữ thập nhìn từ trên cao. Bên trong có một tầng lửng chạy thành hình chữ U dọc theo giáo đường, nơi đây ngày xưa dành cho ca đoàn và giáo dân khi lễ quá đông, ngày nay chỉ dùng làm nơi đặt hài cốt và cất giữ bàn ghế hoặc các đèn lồng dịp lễ.
Nhà thờ có năm quả chuông, được đúc năm 1930, tức là được lắp lên sau khi khánh thành năm 1928. Mỗi quả chuông đều có tên khác nhau như Paul Vận, I.B. Phòng… Có lẽ là được đặt theo tên các linh mục đương nhiệm hoặc người đã đóng góp tiền làm chuông.
Một số tư liệu cũ ghi rằng nhà thờ được thiết kế theo nghệ thuật Gothic nhưng KTS Nguyễn Minh Hoàng cho rằng nhà thờ là kiến trúc Roman vì căn cứ vào các cửa và mái vòm, hai nửa bán kính vòm cong bằng 1/2 kích thước giữa hai cột tạo ra vòm cong đều, trong khi thức Gothic bán kính hai nửa vòng tròn lớn hơn 1/2 bước cột; lúc đó sẽ tạo ra chóp nhọn, không tròn. Theo KTS Hoàng, “trên trần các đường kẻ chỉ có tính cách trang trí, không giống thực tế của kết cấu”.
Có lẽ việc tạo các đường chỉ đan nhau khiến người ta nhìn có cảm giác vòm nhọn và nhầm lẫn với nghệ thuật Gothic?
Cửa sổ kính màu trên Cung thánh
Nơi kéo chuông trên tháp chuông
Giàn 3 chuông lớn
Những hoa văn chạm khắc và chũ rất đẹp và sắc nét trên quả chuông
Mái lớp ngói vuông nhìn xuống khuôn viên phía dưới
Hàng loạt xe đậu che kín cả nhà thờ
Bí ẩn việc không có tượng thánh bổn mạng trong nhà thờ
Không có nhiều nhà thờ ở Sài Gòn có thánh bổn mạng là thánh nữ. Giáo hội Công giáo có khá nhiều thánh nữ nhưng việc cha Hướng chọn thánh Jeanne d’Arc (người Việt gọi là thánh Giăng-Đa) làm thánh bổn mạng nhà thờ có lẽ cũng không khó hiểu, vì Jeanne d’Arc là nữ thánh anh hùng người Pháp, bà lãnh đạo quân Pháp chống lại sự xâm lược của người Anh trong cuộc chiến 100 năm giữa hai nước, bà bị bắt và hỏa thiêu vì bị kết tội dị giáo khi mới 19 tuổi.
24 năm sau khi mất, bà được Giáo hoàng tuyên vô tội và đến năm 1920 được Giáo hội phong thánh, tức là chỉ hai năm trước khi khởi công xây dựng nhà thờ. Cũng có người cho rằng việc cha Hướng chọn thánh Jeanne d’Arc có thể ẩn ý bên trong vì Việt Nam lúc đó cũng đang bị người Pháp đô hộ. Hình tượng nữ thánh Jeanne d’Arc cũng là hình tượng bất khuất chống lại ngoại bang xâm chiếm…
Năm 1989, cha sở Giuse Bùi Văn Nho mất, cha sở Antôn Huỳnh Thủ Hơn về kế nhiệm, cha rất ngạc nhiên khi thấy nhà thờ không có tượng thánh bổn mạng và càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra pho tượng thánh Jeanne d’Arc khi bị hỏa thiêu được cất trong nhà kho. Dù đã dò hỏi nhưng vẫn không rõ lý do, cha Hơn quyết định mang pho tượng lên đặt ở cung thánh. Do pho tượng trắng hết nên cha cho sơn màu đỏ nơi hình tượng ngọn lửa cháy dưới chân thánh Jeanne d’Arc để nhìn rõ hơn về khoảnh khắc anh hùng cuối cùng của bà.
Đến năm 2005, linh mục Philippe Trần Tấn Binh ở Tây Ninh đến thăm nhà thờ Ngã Sáu và ngỏ ý muốn tặng một pho tượng thánh Jeanne d’Arc. Đây là một pho tượng rất đẹp, mô tả Jeanne d’Arc mặc áo giáp, một tay cầm cờ, một tay ôm kiếm. Cha Hơn đã quyết định đặt pho tượng mới ở cung thánh và đưa pho tượng cũ về đặt tại nhà xứ.
Từ năm 1989 đến nay, nhà thờ Ngã Sáu cũng nhiều lần được sửa chữa, sơn màu vàng rực thay cho màu trắng cũ, mở lại một số cửa sổ cũ bị bít trước đây để sáng và thoáng hơn. Cung thánh được nâng lên xây gạch men, còn nền nhà thờ được thay bằng gạch hoàng hậu (loại gạch men màu vàng có họa tiết hoa văn đẹp) khá cứng để tránh bị mài mòn hay trầy xước khi dịch chuyển bàn ghế.
Được bao quanh bởi công viên đẹp nhưng kèm theo là sự bất an do các đối tượng tệ nạn xã hội thường tụ tập quanh công viên và phóng uế vào góc khuất nhà thờ, cuối cùng nhà thờ phải dựng một hàng rào thấp bao xung quanh để hạn chế. Để chụp ảnh nhà thờ cho đẹp, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian đi lại vì quá nhiều xe hơi lớn nhỏ đã xem nhà thờ như điểm đậu xe tiện lợi, che kín hết cả lối đi. Thỉnh thoảng công an đến phạt hay đuổi xe đi rồi sau đó mọi chuyện lại như cũ.
Có nhiều tranh cãi về màu sắc ngôi nhà thờ. Người nói màu sơn vàng đẹp hơn, có người cho rằng màu trắng cũ dễ thương hơn… Dù khác nhau vậy về một số chi tiết nhưng người ta không thể không thống nhất về địa thế tuyệt đẹp mà nhà thờ Ngã Sáu có được.
Teresa sưu tầm
Nguồn tin: tinvui.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn