Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 4 Thường niên năm B

Thứ năm - 25/01/2024 09:11

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM B

WHĐ (25.01.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 4 Thường niên năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 4 Thường niên năm B:

Đức Phanxicô:

31.01.2021 – Nói và hành động với thẩm quyền của Thiên Chúa

28.01.2018 – Thiên Chúa quyền năng và tốt lành

01.02.2015 – Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống

Đức Bênêđictô XVI:

29.01.2012 – Quyền bính có nghĩa là phục vụ, yêu thương

01.02.2009 – Bí mật Đấng Mêsia

 

Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

Bài Ðọc II: 1Cr 7, 32-35

 

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật ngày 31.01.2021 – Nói và hành động với thẩm quyền của Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Đoạn Tin mừng hôm nay (Mc 1, 21-28), tường thuật lại một ngày tiêu biểu trong sứ vụ của Chúa Giêsu, cụ thể đó là ngày thứ bảy, ngày dành để nghỉ ngơi và cầu nguyện, ngày mọi người đến hội đường. Trong hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đọc và dẫn giải Thánh Kinh. Những người hiện diện bị thu hút bởi cách nói của Ngài. Họ rất ngạc nhiên vì Chúa Giêsu biểu lộ uy quyền của mình khác với các kinh sư (c.22). Ngoài ra, Ngài còn cho thấy mình cũng có quyền trong mọi việc làm. Thật vậy, một người trong hội đường quay sang chống lại Ngài bằng cách chất vấn Ngài với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhận ra ma quỷ, Ngài ra lệnh cho hắn ra khỏi người đàn ông đó và xua đuổi hắn ra ngoài (c. 23-26).

Ở đây chúng ta thấy hai yếu tố đặc trưng trong hành động của Chúa Giêsu: rao giảng và phép lạ chữa lành: rao giảng và chữa lành. Cả hai khía cạnh này đều nổi bật trong Tin mừng của Thánh sử Marcô, nhưng rõ nhất là khía cạnh rao giảng; trừ quỷ được trình bày như để xác nhận thẩm quyền và giáo huấn của Ngài. Chúa Giêsu rao giảng với thẩm quyền của chính mình, như một người sở hữu học thuyết bắt nguồn từ chính mình, không giống như các kinh sư lấy lại truyền thống và luật lệ trước đây. Họ lặp lại từng lời, từng chữ, - như ca sĩ vĩ đại Mina đã hát – Họ chỉ có vậy, chỉ bằng lời. Trái lại, nơi Chúa Giêsu lời nói đầy uy quyền, Chúa có thẩm quyền. Và điều này chạm tới con tim. Giáo huấn của Chúa Giêsu có chính thẩm quyền như Lời Chúa phán. Thật vậy, chỉ với một mệnh lệnh Thiên Chúa dễ dàng giải thoát người bị quỷ ám khỏi kẻ ác và chữa lành cho anh ta. Tại sao vậy? Bởi vì lời của Ngài làm những gì Ngài nói. Vì Ngài là tiên tri sau cùng. Nhưng vì sao tôi nói Chúa Giêsu là vị tiên tri sau cùng? Chúng ta nhớ lại lời hứa của Môsê rằng: “Sau tôi, một thời gian nữa, sẽ xuất hiện một ngôn sứ như tôi” (Đnl 18,15). Môsê công bố Chúa Giêsu là vị tiên tri cuối cùng. Vì thế, Chúa Giêsu nói không với thẩm quyền con người, nhưng với thẩm quyền Thiên Chúa, vì Ngài có quyền của vị tiên tri sau cùng, tức là Con Thiên Chúa, Đấng cứu rỗi chúng ta, chữa lành tất cả chúng ta.

Khía cạnh thứ hai là chữa lành, nó cho thấy lời rao giảng của Chúa Kitô nhằm mục đích đánh bại sự dữ đang hiện diện nơi con người và trên thế gian. Lời Chúa trực diện chống lại vương quốc của satan, khiến nó rơi vào khủng hoảng và buộc phải rút lui khỏi thế gian. Trước mệnh lệnh của Chúa, người đàn ông bị quỷ ám – bị chiếm hữu – được tự do và biến đổi thành một người mới. Hơn nữa lời rao giảng của Chúa Giêsu thuộc về một logic trái ngược với luận lý của thế gian và sự dữ: Lời của Ngài tự biểu lộ sự biến động của một trật tự sai lầm mọi thứ. Ma quỷ hiện diện nơi người bị ám, hắn la lên khi đến gần Chúa Giêsu: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao” (c. 24). Những biểu hiện này ám chỉ toàn bộ tính chất xa lạ giữa Chúa Giêsu và satan: Chúa và satan là cặp đôi hoàn toàn khác biệt, không có điểm chung nào cho cả hai; người này chống lại người kia. Chúa Giêsu, có thẩm quyền, Ngài lôi kéo mọi người bằng thẩm quyền của mình, và Ngài cũng là tiên tri, giải phóng; vị tiên tri như đã hứa là Con Thiên Chúa, là Đấng chữa lành. Chúng ta có nghe những lời đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu không? Anh chị em đừng quên mang theo cuốn Tin mừng trong túi, trong giỏ xách, để đọc hằng ngày, để nghe được những lời đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu. Và tiếp nữa, tất cả chúng ta đều có những vấn đề, đều có tội, có những bất ổn về tâm linh. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tiên tri, là Con Thiên Chúa, Đấng đã được hứa ban để chữa lành chúng con. Xin Chúa chữa lành chúng con. Hãy xin Chúa Giêsu chữa lành mọi tội lỗi và những bệnh tật của chúng ta.

Đức Trinh nữ Maria luôn tuân giữ lời và cử chỉ của Chúa Giêsu trong lòng mình, Mẹ hoàn toàn sẵn sàng và luôn trung thành bước theo Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con biết lắng nghe và bước theo Chúa Giêsu, để trải nghiệm được dấu chỉ của ơn cứu rỗi trong cuộc sống của chúng con.

Nguồn: gpquinhon.org

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật ngày 28.01.2018 – Thiên Chúa quyền năng và tốt lành

Anh chị em thân mến!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) là một phần của trình thuật ở Ca-phác-na-um. Tâm điểm của câu chuyện này là sự kiện trừ quỷ. Qua đó, Chúa Giê-su cho dân thấy Ngài là một ngôn sứ uy quyền trong lời nói và việc làm.

Chúa vào hội đường ở Ca-phác-na-um trong ngày sa-bat và bắt đầu giảng dạy. Mọi người ngạc nhiên về những lời Người giảng dạy, vì những lời ấy không giống như lời dạy của các kinh sư. Vì các kinh sư giảng dạy mà chẳng có uy quyền. Còn Chúa Giê-su, Ngài giảng dạy như đấng có thẩm quyền, như sứ giả của Thiên Chúa, chứ không chỉ dựa vào truyền thống mà thôi. Người ta ngạc nhiên trước Tin Mừng Chúa Giê-su loan báo. Họ nói: Học thuyết thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

Uy quyền của Chúa còn tỏ lộ trong hành động. Lúc ấy, trong hội đường có người bị quỷ ám, nói với Chúa rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-ret, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Đúng là Chúa đến để tiêu diệt ma quỷ, để chiến thắng quỷ ma. Thần dữ biết quyền năng và sự thánh thiện của Chúa. Chúa Giê-su quát mắng nó: “Câm đi và ra khỏi người này!” Những lời ấy của Chúa có đủ sức chiến thắng thần ô uế, và nó đã thét lên rồi xuất khỏi người ấy.

Điều này gây ấn tượng mạnh mẽ lên những người hiện diện. Họ hỏi nhau: Người này là ai vậy, mà ngay cả thần ô uế cũng phải tuân lệnh. Quyền năng của Chúa xác nhận thẩm quyền của lời Người giảng dạy. Người không chỉ nói mà còn làm. Người biểu lộ công trình của Thiên Chúa bằng cả lời nói lẫn việc làm. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giê-su thực thi sứ mạng, bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua việc rao giảng và hàng loạt hành động quan tâm, giúp đỡ người đau bệnh, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi.

Chúa Giê-su là Thầy chúng ta. Người đầy quyền năng trong lời nói việc làm. Chúa ban cho chúng ta ánh sáng chiếu soi con đường nhiều khi bị phủ đầy bóng tối. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt thắng những khó khăn, thử thách, cám dỗ. Chúng ta cứ nghĩ mà xem, ơn Chúa lớn lao dường nào khi chúng ta được biết Thiên Chúa quyền năng và tốt lành đến thế! Chúa Giê-su như người thầy, người bạn dẫn lối chỉ đường chúng ta, quan tâm chúng ta, đặc biệt những khi chúng ta cần Người.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria là người luôn biết lắng nghe, xin giúp chúng con biết thinh lặng để lắng nghe giữa những thông điệp của thế giới, để con biết nhận ra những lời quyền uy nhất. Đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Chúa Giê-su, Đấng đã cứu chúng con khỏi kiếp nô lệ, khỏi tội lỗi, khỏi ác thần.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật ngày 01.02.2015 – Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đoạn sách Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Xc Mc 1,21-28) trình bày Chúa Giêsu với cộng đoàn nhỏ bé các môn đệ của Ngài đi vào Carpharnaum, là thành nơi Phêrô sinh sống và hồi đó là thành lớn nhất ở miền Galilea.

Thánh sử Marcô kể lại rằng vì hôm đó là ngày thứ bẩy nên Chúa Giêsu đi ngay tới Hội đường và bắt đầu giảng dạy (Xc v.21). Điều này làm ta nghĩ đến vị trí tối thượng của Lời Chúa, Lời cần được lắng nghe, đón nhận và loan báo. Khi đến Carphanaum, Chúa Giêsu không hoãn lại việc loan báo Tin Mừng, Ngài không nghĩ đến việc thu xếp chỗ ăn ở cho cộng đoàn bé nhỏ của Ngài, tuy là cần thiết, Chúa không nghĩ đến việc tổ chức trước tiên. Mối quan tâm chính của Ngài là thông truyền lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và dân chúng trong Hội đường có ấn tượng mạnh, vì Chúa Giêsu “giảng dạy họ như một người có uy quyền, chứ không phải như các nhà thông luật” (v.22).

Nhưng “giảng dạy với uy quyền có nghĩa là gì?” Thưa có nghĩa là trong lời nói nhân trần của Chúa Giêsu, người ta cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa, cảm thấy chính thế giá của Thiên Chúa, là Đấng Linh hứng các Sách Thánh. Và một trong những đặc tính của Lời Chúa là thực hiện điều Chúa nói. Vì Lời Chúa tương ứng với ý Chúa. Trái lại, nhiều khi chúng ta nói những lời trống rộng, không có căn cội, hoặc nói những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Chúa tương ứng với sự thật, đồng nhất với ý chí và thực hiện điều Ngài nói. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi rao giảng, đã chứng tỏ ngay uy quyền của Ngài bằng cách giải thoát cho một người bị quỷ ám đang có mặt trong Hội đường lúc ấy (Xc Mc 1,23-26). Chính uy quyền của Chúa Kitô đã khơi dậy phản ứng của Satan, ẩn nấp trong người ấy; và Chúa Giêsu nhận ra ngay tiếng nói của ma quỷ, nên Ngài ”nghiêm nghị truyền lệnh: ”Hãy im đi! Hãy ra khỏi người này!” (v.25). Với nguyên sức mạnh của lời Ngài, Chúa Giêsu giải thoát người ấy khỏi ma quỷ. Và một lần nữa những người hiện diện kinh ngạc nói: ”Ông này truyền lệnh cho cả những thần ô uế và chúng vâng phục Ông!” (v.27).

Tin Mừng là lời sự sống: không đè nén con người, trái lại giải thoát những người nô lệ khỏi bao nhiêu thần dữ của thế gian này: sự ham ố danh vọng, quyến luyến tiền bạc, kiêu ngạo, mê dâm dục.. Tin Mừng thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, biến đổi những xu hướng xấu xa thành quyết tâm làm điều thiện… Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu độ, trở thành thừa sai và sứ giả của Lời Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Tin Mừng hôm nay gợi ý, khi kết thúc bằng cách mở ra một viễn tượng truyền giáo: “Tiếng tăm của Ngài - danh tiếng của Chúa Giêsu - được phổ biến ngay ở các nơi thuộc miền Galilea” (v.28). Đạo lý mới mẻ mà Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền chính là đạo lý mà Giáo Hội mang tới thế giới, cũng với những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa: giáo huấn với uy quyền và hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ và những cử chỉ yêu thương của Giáo Hội truyền giáo.

Anh chị em hãy luôn nhờ rằng Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống, Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để cho mình được Tin Mừng biến đổi. Chính vì thế, tôi xin anh chị em hãy tiếp xúc hằng ngày với Tin Mừng, mang sách Tin Mừng trong túi, trong sắc.. đễ mỗi ngày để đọc một câu, một đoạn Tin Mừng… Đó là sức mạnh biến đổi chúng ta, thay đổi cuộc sống, thay đổi con tim.

Chúng tay hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời và sinh Người cho thế giới, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người chăm chỉ lắng nghe và loan báo một cách có uy tín Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật ngày 29.01.2012 – Quyền bính có nghĩa là phục vụ, yêu thương

Anh chị em thân mến!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu, vào một ngày thứ bẩy, giảng trong Hội đường ở Cafarnaum, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Galilea, nơi Phêrô và anh là Andrea cư ngụ. Sau bài giảng dạy gây cảm phục nơi dân chúng, Chúa Giêsu đã giải thoát một người bị quỉ ô uế ám” (c.23), quỉ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Đức Messia. Chẳng bao lâu, tiếng tăm của Chúa lan rộng khắp vùng, nơi Ngài đi tới để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân đủ loại bằng lời nói và hành động. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét: Chúa “chuyển biến lời nói của Ngài để mưu ích cho người nghe, đi từ những kỳ công đến lời nói và từ giáo huấn về đạo lý của Ngài đến các phép lạ” (Hom. in Matthaeum 25,1: PG 57,328).

Lời Chúa Giêsu nói với con người mở ngay ra con đường dẫn đến ý muốn của Chúa Cha và chân lý về bản thân Ngài. Trái lại, nơi những luật sĩ thì không xảy ra như thế, họ phải cố gắng giải thích những lời Kinh Thánh với vô số những suy tư. Ngoài ra, cùng với hiệu năng của lời nói, Chúa Giêsu liên kết hiệu năng của những dấu hiệu giải thoát khỏi sự ác. Thánh Atanasio nhận xét rằng “truyền khiến cho ma quỉ và trục xuất chúng không phải là công trình của con người, nhưng là của Thiên Chúa”; thực vậy, Chúa “đẩy xa khỏi con người tất cả những bệnh tật đủ loại. Có ai thấy quyền năng của Ngài… mà còn nghi ngờ không biết Ngài có phải là Chúa Con, là Đấng Khôn Ngoan, là Quyền năng của Thiên Chúa?” (Oratio de Incarnatione Verbi 18.19: PG 25,128 BC,129 B). Uy quyền của Chúa không phải là một sức mạnh thiên nhiên. Đó là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa Đấng dựng nên vũ trụ, và khi nhập thể trong Con Duy Nhất của ngài, Ngài xuống trong nhân tính của chúng ta, chữa lành thế giới bị băng hoại vì tội lỗi. Romano Guardini đã viết: “Toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu là một sự diễn đạt quyền năng trong sự khiêm tốn… là quyền bính tối thượng hạ mình xuống dưới hình thức một người tôi tớ” (Il Potere, Brescia 1999, 141.142)

Nhiều khi đối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công. Trái lại, đối với Thiên Chúa, quyền bính có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn, yêu thương; có nghĩa là đi vào trong luận lý của Chúa Giêsu, Đấng đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Xc Ga 13,5), tìm kiếm thiện ích đích thực của con người, chữa lành các vết thương, có khả năng yêu thương đến độ hiến mạng sống mình, vì Ngài là Tình Thương. Trong một lá thư, thánh nữ Catarina thành Siena viết: “Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta cần thấy và biết rằng Thiên Chúa là Tình Thương tột đỉnh và đời đời, và không thể muốn điều gì khác hơn ngoài thiện ích của chúng ta” (Ep. 13 in: Le Lettere, vol.3, Bologna 1999, 206).

Các bạn thân mến, thứ năm tới đây, 2-2, chúng ta sẽ cử hành lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến. Chúng ta hãy tín thác cầu xin Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta luôn kín múc nơi lòng từ bi Chúa, Đấng giải thoát và chữa lành nhân tính của chúng ta, làm cho nó được tràn đầy mọi ân phúc và những điều an lành, nhờ quyền năng của tình yêu Chúa.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật ngày 01.02.2009 – Bí mật Đấng Mêsia

Anh chị em thân mến

Năm nay trong các thánh lễ Chúa nhựt, phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm Tin mừng thánh Marcô. Một đặc trưng của tác phẩm này là “bí mật Mêsia”, nghĩa là ngoài một số ít môn đệ, đức Giêsu không muốn cho ai khác biết mình là đấng Mêsia (vị Thiên sai), đức Kitô Con Thiên Chúa. Vì thế nhiều lần Người đã khuyên các tông đồ, các người bệnh được chữa lành là không được tỏ lộ cho ai biết căn cước của Người. Thí dụ bản văn Tin mừng Chúa nhựt hôm nay (Mc 1,21-28) thuật lại một người bị quỉ ám, đột nhiên la lối: “Này ông Giêsu Nazaret, ông muốn gì? Ông tới đây phá hoại tụi tôi hả? Tôi biết ông là ai rồi: là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Đức Giêsu ra lệnh: “Im đi, hãy ra khỏi người này!” Và thánh sử ghi nhận rằng lập tức tà thần thét rú lên và ra khỏi người đó. Đức Giêsu không những xua đuổi ma quỉ khỏi con người, giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tệ hại, mà còn ngăn cấm ma quỉ không được tiết lộ căn cước của Người. Đức Giêsu nhấn mạnh đến “bí mật” này bởi vì liên quan đến sự thành tựu sứ mạng của Người mang lại ơn cứu độ của chúng ta. Thực vậy Người biết rằng để giải thoát con người khỏi tội lỗi, thì Người cần phải hiến tế mình trên thập giá như là Chiên Vượt qua. Còn ma quỉ thì tìm cách để đánh lạc hướng, bằng cách đưa Người đi theo logic thường tình của một Messia oai phong lẫy lừng. Thập giá của Đức Kitô sẽ là tai họa khủng khiếp cho ma quỉ, và vì thế Đức Giêsu không ngừng dạy dỗ các môn đệ rằng để bước vào vinh quang, Người phải chịu đau khổ nhiều, bị ruồng bỏ, bị kết án, bị đóng đinh trên thập giá (xc Lc 24,26). Sự đau khổ là một thành phần của sứ mạng của Người.

Đức Giêsu đã chịu đau khổ và chết trên thập giá vì yêu thương. Bằng cách đó, Người đã mang lại ý nghĩa cho sự đau khổ của chúng ta, một ý nghĩa mà nhiều người trải qua thời gian đã hiểu và chấp nhận, nhờ đó họ đã cảm thấy an bình sâu xa ngay giữa những thử thách cay đắng về thể lý và luân lý. Các giám mục nước Italia đã chọn đề tài “sức mạnh của sự sống trong đau khổ” làm sứ điệp Ngày bảo vệ sự sống năm nay. Tôi xin kết hơp với lời dạy của các ngài, trong đó bộc lộ mối quan tâm của các mục tử đối với đoàn chiên, và lòng can đảm nói lên sự thật, chẳng hạn như can đảm nói rõ ràng rằng sự trợ tử là một giải pháp sai lầm cho thảm trạng đau khổ. Thực vậy lời giải đáp chân thật không thể nào tìm thấy nơi cái chết, tuy được gọi là “êm dịu”, nhưng ở chỗ bày tỏ tình thương giúp đương đầu với đau khổ và hấp hối một cách xứng hợp với nhân phẩm. Chúng ta hãy tin chắc rằng không giọt nước mắt nào, của người chịu đau khổ hay của người đứng bên cạnh, sẽ chịu mất mát trước mặt Chúa.

Đức Maria đã lưu giữ trong trái tim của người mẹ bí mật của Con mình, đã chia sẻ giớ phút đau đớn của cuộc tử nạn trên thập giá, đã được nâng đỡ nhờ niềm hy vọng vào cuộc Phục sinh. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ những người đang gặp đau khổ, những người mỗi ngày dấn thân để nâng đỡ họ, qua việc phục vụ sự sống qua hết mọi giai đoạn: cha mẹ, nhân viên y tế, linh mục, tu sĩ, các nhà khảo cứu, các người thiện nguyện và nhiều người khác nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người ấy.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Nguồn tin: hdgmvietnam.com

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây