Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc Tế các bệnh nhân.

Thứ năm - 10/02/2022 07:33

Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc Tế các bệnh nhân.

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

 

* Năm 1858, Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội hiện ra với chị Bécnađét Xubiru ở hang Maxabien gần Lộ Đức. Qua người thôn nữ khiêm hạ này, Đức Maria kêu gọi những người tội lỗi ăn năn sám hối.

Biến cố này đã khơi dậy lòng nhiệt thành cầu nguyện và sống bác ái, nhất là công tác phục vụ các bệnh nhân và người nghèo. Các tín hữu đến cầu khẩn Đức Mẹ đã nhận thấy Người là hình ảnh của Hội Thánh ngày mai, hình ảnh tiên báo thành Giêrusalem mới luôn mở rộng đón nhận mọi dân tộc.

 

Lời Chúa: Mc 7, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh.

Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả.

Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

 

 

Suy Niệm 1: Nói được rõ ràng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,

ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,

hơn các em bị câm điếc.

Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,

và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.

Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.

Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,

khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.

Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.

Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,

và sợi dây đó được tháo cởi.

Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.

Nói sao để người khác hiểu được mình,

đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.

Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình

khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh...

Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm

vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:

kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ...

Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.

Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.

Epphatha, xin hãy mở miệng con

để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,

hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.

Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,

thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.

Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình

mà máy đột nhiên mất tiếng.

Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.

Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,

nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,

nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.

Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,

hay lắm khi nghe điều người khác nói

nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.

như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.

Nghe bằng tai, không đủ.

Cần lắng nghe bằng cả trái tim.

Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,

hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.

Epphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,

ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,

để nghe được cái tôi của anh em.

Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,

vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.

Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,

chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,

để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.

Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,

đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,

làm chân tay cho những người què cụt,

làm đôi mắt cho ai phải đui mù,

làm lỗ tai cho những người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,

làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,

để đem cơm cho người đói đang chờ,

và đem nước cho người họng đang khô,

đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

đem áo quần cho người đang trần trụi,

đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,

thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,

đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,

truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,

nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,

đem tự do cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,

đem an hòa cho những ai bất thuận,

đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,

đem ủi an cho người đang sầu khổ,

đem niềm vui cho những ai bất hạnh,

đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,

đem may mắn cho những ai gặp được,

giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,

cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:

giữa biển đời mang con tim núi lửa

với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả

cho mọi người được hạnh phúc yên vui;

còn phần con xin gởi hết nơi Ngài

là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.

Ngài cho con tất cả niềm hy vọng

để tin yêu và vui sống trọn đời. Amen. (NCĐ)

 

Suy Niệm 2: Mở và đóng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người có tương giao. Nhưng không phải tương giao nào cũng tốt. Vì thế tâm hồn cần có cánh cửa để đóng mở hợp lý. Mở ra với những tương giao tốt đẹp làm phong phú bản thân. Đóng lại với những tương giao nguy hiểm để bảo toàn tâm hồn.

Bà E-và không đóng mở hợp lý. Bà mở ra với loài rắn độc nguy hiểm. Bà lắng nghe những lời phỉnh nịnh đường mật. Bà mở sang thế giới tội lỗi. Nên thấy mình thật xấu xa. Khi mở sang thế giới ma quỉ, bà đóng lại tương giao với Thiên Chúa. Đóng lại cánh cửa ân phúc. Cắt đứt mối tình cha con. Và trốn tránh Thiên Chúa. Trốn tránh cả tha nhân bằng che phủ mình đi. Khi còn tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa bà tự do và thành thực. Đến với Chúa và tha nhân làm phong phú và tươi đẹp nên không cần che giấu. Nhưng khi đóng chặt tâm hồn bà chìm trong tội lỗi. Thấy mình thật nghèo nàn nhơ uế. Không dám gặp gỡ. Trốn trong bụi rậm. Không còn chân thực. Nên phải che giấu (năm lẻ).

Đó cũng là trường hợp của Sa-lo-mon.Khi còn tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa và toàn dân ông càng thêm phong phú. Nhưng khi đóng lại với Thiên Chúa ông trở nên nghèo nàn. Càng chiếm hữu thêm dục vọng và tà thần càng thấy trống rỗng, nghèo túng và khô cằn. Ông giống như manh áo rách. Ông đánh mất đất nước. Đánh mất dân chúng (năm chẵn).

Chúa Giê-su đến mở ra cánh cửa tâm hồn. E-pha-ta. Chúa đóng kín cánh cửa xấu xa. Giam kín ma quỉ và dục vọng. Để con người mở ra tiếp xúc với Thiên Chúa và tha nhân. Để lắng nghe và trao đổi. Để làm cho tâm hồn phong phú. Tương giao với Thiên Chúa là tương giao thân tình và quan tâm chăm sóc. Hãy chiêm ngắm Chúa “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Thật là thân tình. Thật là quan tâm chăm sóc. Cảnh tượng này gợi nhớ đến thuở tạo dựng Thiên Chúa nặn nên con người, thổi hơi vào lỗ mũi, ban sự sống cho con người. Hôm nay Chúa Giê-su ban sự sống mới. Sự sống trong tương giao. Con người mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa và đồng loại. Để cho đi và lãnh nhận trong một trao đổi phong phú. Để dứt khoát với thái độ đóng kín vào bản thân đầy nghèo nàn, tù túng và tàn lụi. Để mở ra trong một đời sống mới phong phú, tự do và triển nở.

 

Suy Niệm 3: Hãy mở ra

Michel-Angelo là một trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ nhất, bất hủ vì giá trị nghệ thuật siêu vượt thời gian đã đành, mà còn bất hủ vì sự sống động mà ông đã mặc cho các tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên: "Hãy nói đi".

Quả thật, lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời, là lúc chúng ta muốn biểu lộ sự sống, đồng thời nói lên rằng chúng ta đang sống cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta. Những người câm điếc một phần nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới xung quanh, sự hiện diện của họ dễ bị người khác quên lãng. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người thấp cổ bé miệng, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.

Sống xứng với phẩm giá con người, đó là phải được có tiếng nói. Có lẽ đó cũng là điều mà Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể cũng muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống và cái chết của Ngài. Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.

Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo Hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Ephrata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa; để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa, chính Ngài là lương thực mang lại sự sống đích thực cho chúng ta. Xin cho sự sống ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa và không ngừng yêu thương, liên đới, chia sẻ với mọi người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Với một chút nước miếng

Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh ta. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. (Mc. 7, 32-33)

Các thánh sử thích những phép lạ chữa lành những người câm và điếc; ta đếm được ít nhất sáu câu chuyện được kể lại tỉ mỉ và Chúa Giêsu thì coi những phép lạ ấy như những dấu chỉ về Đấng Thiên sai đã được các ngôn sứ loan báo. Dầu sao đó cũng là những phép lạ nhỏ khi so sánh với những phép lạ về phục sinh và hóa bánh ra nhiều.

Maccô dùng lại chủ đề của Cựu ước vốn coi tật câm, điếc và sự thiếu lòng tin như có liên hệ với nhau. Ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu than phiền về điều người ta có tai mà không nghe. Việc mở tai và tháo cởi cho lưỡi như thế không chỉ đơn thuần là việc chữa khỏi, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, nếu không các thánh sử đã chẳng gán cho một tầm quan trọng như thế trong các sách Phúc âm.

Trình thuật của Maccô hình như bắt nguồn từ nghi thức đầu tiên trong nghi lễ thọ giáo trong đó có việc đặt tay lên mặt, mũi, tai. Theo quan niệm của Kinh thánh, nước miếng được coi như hơi thở đã đông đặc lại nên có đặc tính ám chỉ ơn ban của Thần Khí thực hiện ơn tái tạo trong con người. Tác giả còn giữ tiếng “Eppheta” vì trong phụng vụ phép rửa lúc buổi đầu người ta đã giữ lại lời này.

Nên nhớ rằng ông Mô-sê có tật nói ngọng và Thiên Chúa đã chữa ông khỏi tật và nói: “Giờ đây, ngươi hãy ra đi, Ta ở với môi miệng ngươi và sẽ dạy cho ngươi biết phải nói gì” (Xh. 4, 10-12). Ngôn sứ I-sai-a kể lại việc Chúa kêu gọi ông như sau: “Một trong những thiên thần Xê-ra-phim bay đến với tôi, tay cầm một cục than hồng… cham vào miệng tôi và nói: khi cục than hồng này đã chạm tới môi ngươi, thì lỗi của ngươi được cất khỏi” (Is. 6,6). Giê-rê-mi-a trỏ thành ngôn sứ khi “Thiên Chúa giơ tay ra chạm vào miệng tôi và nói: đây Ta đặt lời Ta trong miệng ngươi.”

Người ta dùng những lối nói như trên để ám chỉ rằng người ngôn sứ không thể tự mình nói Lời-Cứu-độ được, rằng ông phải loan truyền điều ông nhận được từ AI đó.

Nếu Chúa không mở tai tôi, không tháo cởi cho lưỡi tôi, tôi sẽ không biết nghe, lại càng không biết loan báo Lời Chúa. Khi tôi trưởng thành, người ta đưa tôi đi chịu phép rửa tội, lúc ấy vú bõ tôi như đưa đến một người điếc và không có thể nói được; người ta đã xin linh mục nhân danh Chúa đặt tay trên người ấy.Phép lạ chữa người điếc và câm đã được lặp lại và một ngôn sứ khác đã gia nhập Giáo hội vậy.

 

Suy Niệm 5: Hãy biết nhạy bén với những dấu chỉ

Ngày nay, người ta nói nhiều về sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của con người. Họ đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự dửng dưng và vô cảm đang trở thành phổ quát trong xã hội hôm nay.

Nguyên nhân mấu chốt, căn bản có lẽ chính là thiếu sự nhạy bén!

Thật vậy, nếu người ta có một chút nhạy bén thì hẳn họ đã không hờ hững khi thấy một người phải đói lả trong khi mình lại quá dư thừa; hay thiếu trách nhiệm khi xả rác cách bừa bãi trong khi hằng đêm vẫn có những người phải thức trắng để dọn dẹp đường phố; hoặc vô tâm đến mất nhân tính khi cướp đi từng gói mỳ tôm, từng nắm gạo của những người vô gia cư, nghèo khổ, đói khát đang thoi thóp mong chờ chút lương thực cho ấm lòng...! Tệ hơn nữa, đó là nhiều khi chúng ta lại phủi tay đến lạnh lùng trước tấm lòng của những người làm việc tốt, để rồi tung ra những lời nói không thật gây nên một sự hoang mang làm cho người ta bị khổ tâm!

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu ra tay cứu chữa cho một người điếc và nói ngọng được nghe và nói rõ ràng. Đây là niềm vui mừng của người bị bệnh và cũng là niềm vui của những người đã dẫn anh ta đến gặp Đức Giêsu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc lui lại các chương trước thì chúng ta sẽ thấy rõ giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu luôn có sự đối kháng, và họ luôn cho rằng: Đức Giêsu lấy quyền của tướng Quỷ mà trừ Quỷ. Như vậy, họ không hề có chút nhạy bén với điều thiện, mà ngược lại, họ luôn lạnh lùng, vô cảm và vô tâm trước những nghĩa cử tốt lành của Đức Giêsu.

Lối sống và cái nhìn của những người Pharisêu khi xưa có thể cũng chính là quan điểm và lựa chọn của chúng ta! Nhiều khi vì thành kiến cá nhân, mà chúng ta không thể thấy được điều tốt nơi anh chị em mình. Lòng ích kỷ nơi bản thân nó đã làm cho lương tâm bị che khuất, sự thật bị bóp méo, vì thế, hậu quả chính là sự chia rẽ, bất công và không thể nhận ra chân lý.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm tình như đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là luôn biết ca ngợi và chúc tụng những điều tốt đẹp Chúa đã làm chung quanh và cho bản thân chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Đức Kitô là thầy thuốc tuyệt hảo

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Bị khuyết tật về thể lý đã là một đau khổ, nhưng bị khuyết tật về tâm linh lại càng đau khổ hơn. Chỉ có Đức Kitô là thầy thuốc tuyệt hảo sẽ chữa lành mọi khuyết tật thể xác và tâm linh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người bị bệnh câm điếc giao tiếp rất vất vả, khó khăn. Họ chỉ có thể nói và nghe bằng dấu hiệu bàn tay. Còn con, con cám ơn Chúa vì được diễm phúc vẫn là người lành lặn về thể xác. Nhưng lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại câm điếc về cuộc sống thiêng liêng. Vâng, con câm điếc vì chẳng nghe Chúa nói và cũng chẳng biết nói Chúa nghe. Vì mải mê lạc thú trần gian và đi tìm vui chơi giải trí, con chẳng còn giờ đến với Chúa. Tiền bạc danh vọng chi phối con, nên con không còn thiết tha với việc cầu nguyện. Con hững hờ trước việc đọc kinh, các buổi phụng vụ, con dửng dưng với bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

Còn đối với những người chung quanh, nhiều lúc con cũng trở thành một kẻ câm điếc. Bên cạnh con, biết bao người đang cần đến con: cần một nụ cười, một lời thăm hỏi, hay một sự giúp đỡ nào đó. Thế mà vì ích kỷ khép kín, con đã bịt tai ngậm miệng. Con chỉ nghĩ đến con, chỉ lo cho gia đình con.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con đến với Chúa, xin cứu chữa con khỏi căn bệnh trầm trọng đó. Xin Chúa mở tai con, để con lắng nghe tiếng Chúa, để con nghe được những nhu cầu của tha nhân. Xin cho con biết thương xót, biết lo lắng cho những ai ở gần con. Xin cho con biết sống yêu thương.

Xin Chúa dạy con biết lặng thinh khi không nên nói, và xin dạy con biết nói khi không được im lặng. Amen.

Ghi nhớ: “Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

 

Suy Niệm 7: Ephata – Hãy mở ra

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một phụ nữ có người bạn bị điếc. Bà hỏi người bạn muốn gì nhân dịp sinh nhật. Người bạn trả lời: “Nhờ bạn viết thư cho Ann Landers, yêu cầu cho tôi bản kinh cầu nguyện cho người điếc”.

Và ngày sinh nhật của người điếc đó, bà Ann đã gửi tặng lời kinh như bà thỉnh nguyện. Trong đó có lời cầu như sau:

“Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi sung bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn khép kín!”...

Lời kinh trên đây cho chúng ta thấy nỗi khổ của kẻ điếc. Chúng ta thường nghĩ rằng người mù khổ hơn kẻ điếc. Nhưng Helen Keller vừa mù vừa điếc thì cho rằng bị điếc còn khốn hơn bị mù nhiều, vì các cánh cửa cuộc đời bị khóa chặt lại: mở radio vô ích, xem truyền hình chẳng thú vị gì, không thể nói chuyện với ai, và cảm thấy cô đơn chán nản... (Câu chuyện theo Br. Thiện Mỹ, CMC).

Suy niệm

Chúa Giêsu dùng nước miếng để mở môi miệng, tai anh câm điếc, chúng ta cũng thấy cùng một cử chỉ khi Đức Giêsu chữa người mù ở Bétsaiđa trong Tin Mừng Marcô (x. Mc 8,23) và làm cho người mù từ mới sinh được sáng mắt trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 9,6). Tác giả J.Potin nghiên cứu môi trường văn hóa trong Kinh Thánh xác nhận việc chữa lành bằng cử chỉ đụng chạm với nước miếng là: “Những cách thức chữa bệnh này rất thông dụng trong các đền thờ ngoại giáo và vẫn còn thịnh hành trong các môi trường Kitô giáo” (Theo Đức Giêsu Lịch sử đích thực, Centurion, tr.172). Ngài dùng các phương thế bình dân để tỏ bày quyền năng Thiên Chúa.

Thánh Bède le Vénérable nhìn cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho anh chàng câm điếc đã xác tín: “Trong phép lạ này tỏ hiện hai bản tính trong Chúa Giêsu, đó là bản tính con người – Người ngước nhìn lên trời, Người xao xuyến, cầu nguyện. Tiếp theo lời quyền năng Thiên Chúa (Ephata - Hãy mở ra) và Ngài thực hiện cuộc chữa lành” (Theo Commentaire de l’évangile selon saint Marc).

Cuộc sống của chúng ta không chỉ điếc, mù, ngọng, câm về thể lý, như chúng ta thường thấy nơi các anh em khuyết tật với tất cả sự xót thương dành cho họ. Tuy nhiên, nơi con người nói chung tình trạng tự nhiên lúc vừa sinh ra của chúng ta, trải qua đường đời bao nhiêu sóng gió, nghịch cảnh, khiến sự thất vọng rơi vào cõi lòng của con người, khiến cho họ tự nhốt kín mình, một tình trạng cô đơn cách biệt. Đó là tình trạng câm, mù khi con người bị “bít kín” trước những sự việc của Thiên Chúa gợi mở và làm cho tương lai của con người. Còn nữa, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Thật thế, cuộc sống của chúng ta, như Chúa Giêsu đã có lần mắng các tông đồ: “Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc”. Hôm nay trước Ngài, chúng ta phải xin được Đức Giêsu “mở ra” để đón nhận mầu nhiệm nước Trời.

Ephata – Hãy mở ra:

Xin hãy mở miệng con, để con ca ngợi tình thương của Ngài, để con biết hỏi đường với Chúa và với anh em hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ, để con có thể hồn nhiên vén mở khám phá ra thế giới của mình, để con nhìn thấy tương lai, ơn gọi mà Chúa đã dành cho chúng con.

Xin mở mắt con để con biết nhìn kỳ công của Ngài, để con biết rằng Ngài đã thương con, mở mắt con để con biết nhìn vào tương lai với tâm tình xác tín Chúa dẫn con đi.

Xin mở tai con để con nghe lời Ngài - lời sự sống dẫn con đi trên khắp nẻo đường cuộc sống. Mở tai lắng nghe tiếng Chúa qua những giây phút thinh lặng. Chúng con thưa lên với Chúa như Samuel ngày xưa: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10).

Như anh chàng câm điếc được Đức Kitô đến và chữa lành, chúng ta cũng được Ngài đang đến bên cạnh, mời gọi tin và giơ tay chạm đến mỗi người: Ephata - hãy mở ra. Ngài khai thông mọi ngăn cách, cản ngăn vốn làm cho chúng ta ù tai, đau nhức để lắng nghe học hỏi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Ngài mở môi, miệng lưỡi để chúng ta cất lời và tìm lại đời sống cầu nguyện, gắn bó thân tình với Thiên Chúa trong hành trình tiến vào tương lai... Chính lúc đó, tương lai của chúng ta đang mở ra, dù phải đối diện với bao nghịch cảnh, bao khốn khổ.

Ý lực sống: “Bấy giờ mắt kẻ mù sẽ mở, tai người điếc sẽ thông. Bấy giờ què quặt sẽ nhảy nhót tựa hươu nai, lưỡi người câm sẽ reo hò niềm vui. Nước sẽ phun lên trong sa mạc, khe suối tuôn chảy giữa vùng đất hoang vu… đất khô cằn có mạch nước trào ra” (Is 35,6-7a).

 

Suy Niệm 8: Chúa chữa người câm và điếc

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Chúa Giêsu muốn nói đến  bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.

3. Tâm lý người bị câm điếc.

Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bầy hay diễn đạt một lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm, không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.

Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.

3. Chúa Giêsu chữa người câm điếc.

Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh: Ta muốn ngươi được khỏi bệnh! Đức Giêsu lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên: “Epphata”: Hãy mở ra.

Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng: đó là những kết quả anh ta mong đợi.

4. Bệnh câm điếc thiêng liêng.

Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Epphata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa, để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.

5. Tránh sự dửng dưng trong đời sống.

Trong truyện ngắn Máu Cá (tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu kể chuyện một bà mẹ trẻ mất con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất con! Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu không dửng dưng trước đau khổ của con người, Ngài đã chữa lành cho người câm điếc. Lời tán dương của đám đông gợi nhớ lại lời kết luận của sách Sáng thế về công trình sáng tạo (St 1,31). Chúa Giêsu đến để phục hồi sự tốt đẹp của công trình sáng tạo: một thế giới trong đó mọi người tin nhận và sống tư thế con thảo của Cha trên trời, nhìn vào mặt người khác và nhận ra họ là anh em, chị em mình (5 phút Lời Chúa).

6. Hãy biết lắng nghe và chia sẻ.

Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm cho chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta  khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.

7.Truyện: Bức tường Bá Linh.

Ngày 13/08/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người: cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau, nước Đức được thống nhất, thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau.

 

Suy Niệm 9: Ép-pha-ta – hãy mở ra

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Phép lạ này có nhiều ý nghĩa biểu tượng:

- Diễn ra “giữa miền Thập Tỉnh”, nghĩa là miền đất lương dân.

- Nạn nhân là một người câm và điếc, tức là một người mất khả năng tương giao với kẻ khác: người ta nói thì anh không nghe, anh muốn nói cho người ta nghe cũng không được.

- Lúc chữa bệnh, Chúa Giêsu nói: Epphata (Hãy mở ra), tiếng nầy ngày nay được phụng vụ dùng lại trong bí tích Rửa tội. Khi đọc câu đó, Linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người thụ tẩy.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhằm giúp con người được sống sung mãn cương vị làm người của mình, trong đó khả năng tương giao rất quan trọng.

Có những người vì một lý do nào đó nên không “nói” lên được nỗi lòng của mình, và cũng không “nghe” được nỗi lòng của người khác. Có lẽ vì không có người tế nhị biết lắng nghe họ và không khéo léo khuyến khích họ nói.

2. “Có mắt miệng không nhìn không nói; có mũi tai không ngửi không nghe” (Tv 115,5-6). Lời Thánh Vịnh này ám chỉ dân ngoại và những tượng thần của họ, không thấy những kỳ công của Thiên Chúa và không biết ngợi khen Ngài. Nhưng cũng đúng cho tôi nữa, vì nhiều khi tôi cũng như câm điếc đối với Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy phán với miệng và tai con: Epphata.

3. Căn bệnh của anh này làm tôi nghĩ đến căn bệnh của rất nhiều người, nhất là những người sống trong xã hội ích kỷ ngày nay, đó là căn bệnh “đóng cửa”, đóng mắt, đóng tai, đóng tay, đóng lòng. Căn bệnh khiến người ta sống bên cạnh nhau mà không hề để ý tới nhau và quan tâm cho nhau.

4. “Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Epphata”, nghĩa là hãy mở ra. Lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại” (Mc 7,34)

Khi sắm một bộ đồ mới, tôi không biết rằng có nhiều người đang mong bộ đồ cũ của tôi. Khi ngồi uống nước ngoài quán, tôi chẳng ngờ rằng có những người đang chờ tôi đứng lên để họ vét những giọt cuối cùng. Khi đổ thức ăn thừa vào thùng rác, tôi không biết là ngay lúc đó có biết bao con người đang chết dần vì đói.

Lạy Cha, xin hãy mở mắt con để con nhìn thấy những người khốn cùng trong xã hội. Xin hãy mở tay con để con đón nhận họ và nắm lấy tay mọi người (Epphata).
 

Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức

 Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 Ngày 11/02/2022

Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức

Ngày 11 tháng 2
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Buổi sáng ngày 11 tháng 02 năm 1858 tại Lộ Đức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam Nước Pháp, trời lạnh như cắt, cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ tiếng thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.

Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì từ trong hang một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ mỉm cười.

Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh kính mừng bằng ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh mắt chan hoà yêu thương, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ đưa tay làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn..

Ba ngày sau đó, sau khi đã có tiếng xì xầm về tiếng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bức được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em cô. Lần này khi người thiếu nữ áo trắng xuất hiện, cô đã mạnh dạn hô lớn: “nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại”. Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Đây là lần thứ hai người thiếu nữ áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào 18.02 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette diễm phúc được Đức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ của Bà“Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội”.

Từ nơi cô cầu nguyện mỗi khi Đức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.

Đó là nguồn gốc hang Đức Mẹ lộ đức. ngày nay, từng giờ, từng phút khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Đến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nén và quỳ gối cầu nguyện.

Hiện nay, khắp nơi trên thế giới đều có những hang lộ đức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhở biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng mẫu tâm.

II. SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN.

Nhân việc cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXIX vào ngày 11/02/2021, lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức,Đức Thánh Cha Phanxicô có gửi một sứ điệp rất dài và cũng rất hay nhưng ở đây trong giới hạn của một bài suy niệm, tôi chỉ xin trích một ít đoạn quan trọng.

1. Trước Ngài cho biết sở dĩ có sứ điệp hôm nay là để nói lên sự quan tâm đặc biệt của Giáo Hội đến những bệnh nhân và những người trợ giúp cũng như chăm sóc họ ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như trong các gia đình và cộng đoàn nhất là những người đang đau khổ và tiếp tục đau khổ, bởi ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu virus corona, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội.

2. Tiếp đến Đức Thánh Cha lên án lối sống đạo giả hình. Người nói: "Khi đức tin của chúng ta chỉ là những lời nói suông trống rỗng, không quan tâm đến cuộc sống và nhu cầu của người khác, thì nó sẽ không có sự nhất quán giữa kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng và đời sống của chúng ta.

Trước nhu cầu của các anh chị em, Chúa yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe, kiến tạo mối tương quan trực tiếp và cá nhân với người khác, cảm thông và động lòng trắc ẩn, và để cho những đau khổ của họ trở thành đau khổ của chính chúng ta khi chúng ta tìm cách phục vụ họ (x. Lc 10,30-35).

3. Kế tiếp Ngài cho biết: "Bệnh tật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt: nó có khuôn mặt của tất cả những người bệnh, nhưng cũng có khuôn mặt của những người cảm thấy bị phớt lờ, bị loại trừ và làm mồi cho những bất công xã hội đã từ chối các quyền cơ bản của họ (x. Fratelli Tutti, 22). Đầu tư nguồn lực vào việc chăm sóc và trợ giúp người bệnh là một ưu tiên được liên kết với nguyên tắc cơ bản là sức khỏe là công ích hàng đầu.

4. Tình liên đới và tương quan huynh đệ

Ở đây, tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của tình liên đới huynh đệ, được thể hiện cách cụ thể trong phục vụ và có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều hướng đến việc hỗ trợ những người lân cận của chúng ta. “Phục vụ có nghĩa là chăm sóc… cho những người dễ bị tổn thương trong gia đình, trong xã hội và trong người dân của chúng ta” (Bài giảng ở Havana, ngày 20/9/2015). Phục vụ là luôn nhìn vào khuôn mặt của người anh em, đụng chạm vào da thịt họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí trong một số trường hợp, ‘chịu đựng đau khổ của họ’, và tìm cách thăng tiến họ. Phục vụ không bao giờ là ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng nhưng phục vụ con người.”(sđd).

5. Để một cách thế trị liệu có hiệu quả, nó phải có khía cạnh tương quan, vì điều này cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Việc nhấn mạnh khía cạnh này có thể giúp các bác sĩ, y tá, chuyên viên và tình nguyện viên cảm thấy có trách nhiệm đồng hành cùng bệnh nhân trên con đường chữa bệnh dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân (x. Điều lệ mới dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe [2016], 4). Điều này tạo ra một hiệp ước giữa những người cần được chăm sóc và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc đó, một hiệp ước dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, sự cởi mở và sẵn sàng. Điều này sẽ giúp khắc phục thái độ phòng thủ, giúp tôn trọng nhân phẩm của người bệnh, bảo vệ tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với gia đình người bệnh.

6. Cuối cùng Đức Thánh Cha kết luận: "Anh chị em thân mến, giới răn yêu thương mà Chúa Giê-su để lại cho các môn đệ của Người cũng được thực thi cụ thể trong tương quan của chúng ta với bệnh nhân. Một xã hội càng nhân văn hơn thì càng biết chăm sóc cách hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.

Tôi phó dâng các bệnh nhân, các nhân viên y tế và tất cả những người quảng đại trợ giúp các anh chị em đau khổ của chúng ta cho Đức Maria, Mẹ của lòng Thương xót và Sức khỏe của bệnh nhân. Từ hang đá Lộ Đức và từ vô số đền thánh dâng kính Đức Mẹ trên thế giới, xin Mẹ nâng đỡ đức tin và đức cậy của chúng ta và giúp chúng ta chăm sóc cho tha nhân với tình yêu huynh đệ. Tôi chân thành ban phép lành cho từng người và tất cả anh chị em.

Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, 20/12/2020,
Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng

People brought to him a deaf man – Suy niệm theo The WAU ngày 11.02.2022

Friday February 11th 2022
Meditation: Mark 7, 31-37

People brought to him a deaf man. (Mark 7:32)

If you were a movie director filming this scene, you might focus on Jesus and how amazing this miracle was. But a more interesting focus might be the people who brought the man to Jesus. What were they doing just moments before? You can imagine them learning that Jesus was in town. They lead their friend through the crowd, right up to Jesus. One of them gets down on his knees and pleads, “Jesus, I have heard that you can perform great miracles. Please, help our friend.”

A scene like that would highlight the fact that Jesus didn’t just walk up out of the blue and heal this man. His friends brought him to Jesus. Their faith gave them the courage to ask Jesus to heal him. We don’t know how much faith they had. The important thing is that it was enough to ask Jesus for help.

When you hear a miracle story like this, remember that it didn’t happen only because of God’s stupendous power. Certainly God can do incredible things beyond your power even to imagine (Ephesians 3:20). He is the One who heals; your faith doesn’t force his hand. But he does invite you to play a role in those miracles. He invites you to exercise your faith by bringing your needs to him. You don’t need extraordinary faith, just enough to trust the Lord and ask him to act.

Our heavenly Father loves it when we trust him. He wants to give his children good things—and not only good things. Sometimes he wants to give us miracles. So take him at his word! Ask him for the healing of a loved one. Ask him for your own healing. Ask him to intervene in a situation that seems hopeless. And leave the results to him, trusting that he will do what is best.

Most importantly, don’t think that your faith is too weak for God to care about you. Exercise the faith you have and believe that God can work. Keep asking him for what you need. It’s not that he requires your extra prayers to act—but you need them, to stretch your faith and to grow closer to him.

“Lord, I believe you can do the impossible. Please give me the faith to ask for it!” 

Thứ Sáu ngày 11.02.2022
Suy niệm: Mc 7, 31-37

Dân chúng mang đến cho Ngài một kẻ điếc (Mc 7,32)

Nếu bạn là một đạo diễn phim đang quay cảnh này, bạn có thể tập trung vào Chúa Giêsu và phép lạ này kỳ diệu đến mức nào. Nhưng một tiêu điểm thú vị hơn có thể là những người đã đưa người điếc đến với Chúa Giêsu. Họ đã làm gì ngay trước đó? Bạn có thể tưởng tượng họ biết rằng Chúa Giêsu đang ở trong thị trấn. Họ dẫn người bạn của mình qua đám đông, đến ngay với Chúa Giêsu. Một người trong số họ quỳ xuống và cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, con nghe nói rằng Ngài có thể thực hiện những phép lạ vĩ đại. Làm ơn, xin hãy giúp người bạn của chúng con”.

Một cảnh như thế sẽ làm nổi bật sự thật rằng một cách bất ngờ Chúa Giêsu bước ra và chữa lành cho người đàn ông này. Bạn bè của ông đã đưa ông đến với Chúa Giêsu. Đức tin của họ đã cho họ can đảm để xin Chúa Giêsu chữa lành cho anh ta. Chúng ta không biết họ có niềm tin nhiều hay ít. Điều quan trọng là chỉ cần xin Chúa Giêsu giúp đỡ là đủ.

Khi bạn nghe một câu chuyện kỳ ​​diệu như thế này, hãy nhớ rằng điều đó không xảy ra chỉ vì quyền năng tuyệt vời của Thiên Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa có thể làm những điều đáng kinh ngạc ngoài sức tưởng tượng của bạn (Ep 3,20). Ngài là Đấng chữa lành; niềm tin của bạn không ép buộc được Ngài. Nhưng Ngài mời gọi bạn đóng một vai trò trong những điều kỳ diệu đó. Ngài mời bạn thực hiện đức tin của mình bằng cách đem những nhu cầu của bạn đến với Ngài. Bạn không cần có đức tin phi thường, chỉ cần đủ tin cậy vào Chúa và cầu xin Ngài hành động.

 

Cha trên trời của chúng ta yêu thương điều đó khi chúng ta tin cậy vào Ngài. Ngài muốn ban cho con cái mình những điều tốt đẹp – và không chỉ những điều tốt đẹp. Đôi khi Ngài muốn cho chúng ta những điều kỳ diệu. Vì vậy, hãy nghe lời Ngài! Hãy cầu xin Ngài chữa lành cho một người thân yêu. Hãy cầu xin Ngài chữa bệnh cho chính bạn. Hãy cầu xin Ngài can thiệp vào một tình huống tưởng chừng như vô vọng. Và hãy để kết quả cho Ngài, tin tưởng rằng Ngài sẽ làm những gì tốt nhất.

Quan trọng nhất là đừng nghĩ rằng đức tin của bạn quá yếu để Thiên Chúa quan tâm đến bạn. Hãy thực hiện đức tin mà bạn có và tin rằng Thiên Chúa có thể thực hiện. Hãy tiếp tục cầu xin Ngài những gì bạn cần. Không phải Ngài đòi hỏi thêm những lời cầu nguyện của bạn để hành động – mà bạn cần những lời cầu nguyện đó, để kéo dài đức tin của bạn và phát triển gần gũi hơn với Ngài.

Lạy Chúa, con tin rằng Chúa có thể làm được điều không thể. Xin hãy ban cho con niềm tin để cầu xin!

 

He has done all things well – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 11.02.2022

Friday (February 11)
“He has done all things well”

Scripture:  Mark 7:31-37

31 Then he returned from the region of Tyre, and went through Sidon to the Sea of Galilee, through the region of the Decapolis. 32 And they brought to him a man who was deaf and had an impediment in his speech; and they begged him to lay his hand upon him. 33 And taking him aside from the multitude privately, he put his fingers into his ears, and he spat and touched his tongue; 34 and looking up to heaven, he sighed, and said to him, “Ephphatha,” that is, “Be opened.” 35 And his ears were opened, his tongue was released, and he spoke plainly. 36 And he charged them to tell no one; but the more he charged them, the more zealously they proclaimed it. 37 And they were astonished beyond measure, saying, “He has done all things well; he even makes the deaf hear and the mute speak.”

Thứ Sáu ngày 11.02.2022
Người đã làm mọi sự đều tốt đẹp

 Mc 7,31-37

 31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Meditation: How do you expect the Lord Jesus to treat you when you ask for his help? Do you approach with fear and doubt, or with faith and confidence? Jesus never turned anyone aside who approached him with sincerity and trust. And whatever Jesus did, he did well. He demonstrated both the beauty and goodness of God in his actions.

The Lord’s touch awakens faith and brings healing

When Jesus approaches a man who is both deaf and a stutterer, Jesus shows his considerateness for this man’s predicament. Jesus takes him aside privately, not doubt to remove him from embarrassment with a noisy crowd of gawkers (onlookers). Jesus then puts his fingers into the deaf man’s ears and he touches the man’s tongue with his own spittle to physically identify with this man’s infirmity and to awaken faith in him. With a word of command the poor man’s ears were opened, his tongue was released, and he spoke plainly.

What is the significance of Jesus putting his fingers into the man’s ears? Gregory the Great, a church father from the 6th century, comments on this miracle: “The Spirit is called the finger of God. When the Lord puts his fingers into the ears of the deaf mute, he was opening the soul of man to faith through the gifts of the Holy Spirit.”

The transforming power of kindness and compassion

The people’s response to this miracle testifies to Jesus’ great care for others: He has done all things well. No problem or burden was too much for Jesus’ careful consideration. The Lord treats each of us with kindness and compassion and he calls us to treat one another in like manner. The Holy Spirit who dwells within us enables us to love as Jesus loves. Do you show kindness and compassion to your neighbors and do you treat them with considerateness as Jesus did?

“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit and inflame my heart with love and compassion. Make me attentive to the needs of others that I may show them kindness and care. Make me an instrument of your mercy and peace that I may help others find healing and wholeness in you.”

 

Suy niệm:  Bạn mong đợi Chúa đối xử với mình như thế nào khi bạn cầu xin Người trợ giúp? Bạn tới gần Chúa với sự sợ hãi và nghi ngờ, hay với lòng tin tưởng và tự tin? Đức Giêsu không bao giờ loại trừ bất cứ ai đến với Người với lòng thành thật và tin cậy. Và khi Đức Giêsu làm bất cứ điều gì, Người đều làm tốt đẹp. Người minh chứng cả hai phẩm tính nơi Thiên Chúa trong những hành động của mình: vẻ đẹp và tốt lành.

Sự đụng chạm của Chúa đánh thức đức tin và đem lại sự chữa lành

Khi Đức Giêsu đến gần người vừa điếc vừa ngọng, Người bày tỏ sự quan tâm tới tình trạng khó khăn của người đàn ông này. Đức Giêsu đưa anh đến một nơi vắng vẻ, rõ ràng để không làm cho anh ta phải ngượng ngùng vì sự ồn ào của đám đông (người xem). Rồi Đức Giêsu để ngón tay vào tai của anh điếc và Người xức vào lưỡi anh với nước bọt của mình để chia sẻ với sự yếu đuối của anh một cách tự nhiên và đánh thức niềm tin trong anh. Với lời truyền, tai của anh được mở ra, lưỡi của anh được mở ra và anh ta nói được rõ ràng.

Ý nghĩa việc Đức Giêsu đặt tay vào tai của anh điếc là gì? Thánh Gregory Cả, một giáo phụ ở thế kỷ thứ 6, giải thích về phép lạ này như sau: “Chúa Thánh Thần được gọi là ngón tay của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa đặt ngón tay của Người vào tai của người câm điếc, Người đang mở lòng của anh với đức tin, ngang qua hồng ân của Chúa Thánh Thần”.

Sức mạnh biến đổi của lòng tốt lành và trắc ẩn

Sự đáp trả của con người với phép lạ này chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Đức Giêsu dành cho người khác: Mọi việc ông ấy làm đều tốt đẹp. Không một vấn đề hay gánh nặng nào là quá lớn đối với sự quan tâm săn sóc của Đức Giêsu. Thiên Chúa đối xử với mỗi người chúng ta với sự tốt lành và trắc ẩn, và Người cũng kêu mời chúng ta đối xử với nhau giống như vậy. Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta, giúp chúng ta yêu mến như Đức Giêsu yêu mến. Bạn có bày tỏ lòng tốt và trắc ẩn đối với tha nhân và bạn có đối xử với họ bằng sự quan tâm như Đức Giêsu đã làm không?

Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy lòng con Thần Khí của Chúa, và đốt lên trong lòng con ngọn lửa yêu mến và cảm thông. Xin Chúa giúp con biết chú ý đến những nhu cầu của tha nhân, để con có thể bày tỏ lòng tốt và quan tâm đối với họ. Xin Chúa biến con thành khí cụ của lòng thương xót và bình an của Chúa, để con có thể giúp đỡ người khác tìm được sự chữa lành và sung mãn trong Chúa.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây