Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh – THÁNH MATTHIA, Tông Đồ. Lễ kính.
"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ: Thầy gọi các con là bạn hữu".
* Thánh Matthia là người “đã theo Chúa Giêsu, kể từ khi Người chịu phép rửa của ông Gioan cho đến ngày Người thăng thiên”.
Chính vì thế, thánh nhân đã được các Tông Đồ chọn làm người thế chỗ của ông Giuđa, để làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Thánh nhân được kể vào Nhóm Mười Hai, như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại.
Lời Chúa: Ga 15, 9-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.
"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.
"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".
SUY NIỆM 1: Chúa chọn ai
Suy niệm :
Cái chết của anh Giuđa chẳng những là một điều đáng tiếc,
mà còn để lại một khoảng trống trong nhóm Mười Hai.
Nhóm Mười Hai trở thành nhóm Mười Một (Mc 16, 14).
Giuđa đã được tham dự vào công việc phục vụ của nhóm.
Sự ra đi của anh khiến cho chức vụ này cần người bổ sung.
Trong cuộc gặp mặt giữa khoảng một trăm hai mươi anh em,
Phêrô, trưởng nhóm, đã muốn tìm người thay thế (cc. 15-20).
Theo Phêrô đâu là điều kiện để có thể được chọn vào nhóm Mười Hai?
Anh phải là người đã đồng hành với nhóm này
trong suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa họ.
Thời gian đi với nhóm được kể từ lúc ông Gioan làm phép rửa cho Chúa,
cho đến ngày Ngài được phục sinh và được đưa lên trời (c. 21).
Như thế để được nhập vào nhóm Mười Hai,
phải là người có kinh nghiệm sống đời sống của nhóm,
và kinh nghiệm sống với Thầy Giêsu trong suốt sứ vụ của Ngài.
Chỉ ai đã từng có kinh nghiệm đi với nhóm, đói no vất vả với nhóm,
người ấy mới được là thành viên mới của nhóm.
Chỉ ai đã đi sát với Thầy Giêsu, đã lắng nghe bao bài giảng của Thầy,
đã chứng kiến bao việc kỳ diệu Thầy thực hiện,
chỉ ai có kinh nghiệm về việc Thầy bị giết và được phục sinh,
người ấy mới có thể trở nên chứng nhân về sự phục sinh ấy
cùng với cả nhóm anh em (c. 22).
Có hai người được đề cử vì hội đủ điều kiện: Giôxếp và Mátthia.
Khi không biết chọn ai, thì cộng đoàn đã cầu nguyện.
Cầu nguyện cho thấy họ muốn được soi sáng để chọn ý Chúa.
“Xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để kế tục sứ vụ tông đồ” (c. 25).
Họ đã không chọn bằng cách bầu phiếu theo đa số,
nhưng bằng cách rút thăm để tìm người Thiên Chúa chọn.
Cách này là cách truyền thống để tìm ý Chúa trong Do thái giáo (Lv 16, 8).
Matthia đã trúng thăm và trở nên vị tông đồ thứ mười hai.
Khi mừng lễ thánh Matthia, chúng ta mừng lễ một vị tông đồ,
tuy không trực tiếp được Đức Giêsu gọi và chọn,
nhưng đã được chọn gián tiếp qua các tông đồ khác và cộng đoàn.
Thiên Chúa vẫn chọn qua lựa chọn của con người, mãi đến tận thế,
nên Giáo hội vẫn có người được gọi để phục vụ.
Xin cho mọi chọn lựa của chúng ta đều nhắm đến vinh danh Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Chính Thầy đã chọn các con
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy sống trọn vẹn tình yêu, theo mẫu mực tuyệt hảo như Thiên Chúa yêu thương. Ta hãy giữ giới răn của Chúa Giêsu để sống trong tình yêu của Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không có lời mời gọi nào êm dịu và ngọt ngào cho bằng tiếng gọi của tình yêu. Sự ngọt ngào ấy còn tuyệt diệu hơn nữa khi có tiếng gọi của tình yêu từ chính Chúa.
Nhưng lạy Chúa, từ vườn địa đàng, nơi phủ ngập tình yêu của Chúa, tổ tiên loài người đã đánh mất tình yêu. Lòng con người hóa nên chai cứng và thù hận đã bóp nghẹt con tim. Tình trạng ấy đang ảnh hưởng trên đời sống con hôm nay.
Lời Chúa đã đánh thức tình yêu con sống dậy, và hướng dẫn con biết sống trong tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy cần được sống trong đời thường. Tình yêu ấy sẽ biến đổi con thành người sống trong thuận hoà. Tình yêu ấy luôn ẩn dấu trong trái tim để hướng dẫn con sống đời yêu thương cụ thể. Tình yêu ấy lắng đọng trong đôi mắt để con nhìn người khác là anh em. Tình yêu ấy luôn ngập tràn trên môi miệng để con biết nói lời dựng xây, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với kẻ khác. Tình yêu ấy luôn hiện diện trên đôi tay để con biết sẵn sàng cho đi những nghĩa cử cao đẹp. Và tình yêu ấy luôn tiến bước trên đôi chân để con sẵn sàng đi đến với mọi người.
Lạy Chúa, xin dạy con sống tình yêu chia sẻ như Chúa, để đời con tràn đầy niềm vui hạnh phúc, vì “kẻ cho thì có phúc hơn người nhận”. Amen.
Ghi nhớ : “Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.
SUY NIỆM 3: Ở lại trong tình thương của Thầy
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Mẹ Têrêsa, nhà truyền giáo của tình thương bác ái. Mẹ bắt đầu sứ mạng của mình mỗi ngày, trước lúc rạng đông, Mẹ đến trước Thánh Thể Chúa. Trong thinh lặng của sự chiêm ngắm, găp gỡ Thiên Chúa, Mẹ lắng nghe vang dội lời nói của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ta khát”. Lời kêu vang này, được đón nhận trong cõi thâm sâu của tâm hồn, đã thôi thúc Mẹ tiến đi trên các đường phố ở Calcutta, Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới, để đi tìm Chúa Giêsu trong người nghèo, người bị bỏ rơi, người hấp hối sắp chết. Mẹ Têrêsa sống tình yêu, trao ban tình yêu cho những người bất hạnh nhất như lệnh truyền của Chúa Giêsu: Yêu thương anh chị em chung quanh như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Suy niệm
Tình yêu xuất phát từ nguồn mạch là Thiên Chúa Cha như thánh Gioan sau này đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), một tình yêu vô tận và không ngừng trao ban:
Từ Chúa Cha qua Chúa Con như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: Như “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào” (Ga 15,9a). Đức Giêsu nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3,35; 5,20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17; 17,5).
Rồi từ Chúa Con, Đức Giêsu đến môn đệ, như Ngài khẳng định: “Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9b). Người môn sinh khám phá và chiêm nghiệm: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9c).
Chính vì xuất phát nguồn từ nơi Thiên Chúa đến với nhau rồi lan ra giữa các môn đệ với nhau theo tiêu chuẩn mô phạm tình yêu của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Ở lại trong tình yêu và trung tín với lệnh truyền yêu thương của Ngài, môn sinh sẽ được “tràn đầy niềm vui” vì “Ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1Ga 4,16b).
Như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại: Tất cả những gì Ðức Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha. Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Và nhân loại cũng trao cho nhau như Chúa Giêsu truyền: Biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.
Ý lực sống: Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R.Tagore).
SUY NIỆM 4: Ðược sai đi
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Mathia tông đồ. Tuy được gọi là tông đồ, nhưng thánh Mathia không thuộc nhóm Mười Hai Tông Ðồ nguyên thủy của Chúa Giêsu; ngài là người được chọn để thay thế cho kẻ phản bội là Giuđa Iscariốt.
Mathia theo tiếng Hybalai có nghĩa là "được trao ban", Tin Mừng không hề nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu Tông Ðồ.
Tông đồ theo nguyên ngữ có nghĩa là "được sai đi". Thánh Phêrô đã xác định "được sai đi để làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu". Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chính là nền tảng của niềm tin, là chìa khóa mở ra chiếc cầu của ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, giữa thời gian vĩnh cửu. Chính nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh mà các tông đồ đã hoán cải các dân tộc, rửa tội cho kẻ tin và thực thi những phép lạ. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã làm chứng về sự phục sinh của Chúa khắp nơi, từ Palestina đến Hy Lạp, từ Rôma đến Ai Cập và Siri. Các ngài thiết lập các Giáo Hội, các cộng đoàn những kẻ tin Chúa Kitô Phục Sinh. Ðược cộng đoàn ủy thác cho sứ mệnh khi chọn làm tông đồ, thánh Mathia đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa đến cùng. Có nhiều truyền thuyết về nơi hoạt động và cách thế tử đạo của thánh Mathia. Tất cả đều hội tụ vào một điểm nổi bật là ngài đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô.
Ðức tin chúng ta đang có là đức tin được các thánh tông đồ truyền lại. Sợi dây chuyền nối kết chúng ta với các thánh tông đồ tuy vô hình nhưng vô cùng sống động. Với không biết bao nhiêu xương máu, niềm tin và sự phục sinh của Chúa Kitô mà các thánh tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng đã được truyền lại cho chúng ta. Ðây là gia sản quí giá nhất mà chúng ta đã được thụ hưởng, mà chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ với tất cả mọi người. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô gắn liền với cuộc tử nạn của Ngài. Có đi vào cõi chết, Chúa Giêsu mới sống lại. Tiến trình này đã trở thành qui luật cơ bản của niềm tin Kitô giáo. Các thánh tông đồ đã sống qua quy luật ấy cho đến cùng khi dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô. Các ngài xác tín rằng không thể là nhân chứng của sự phục sinh mà không tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ðược rửa tội, nghĩa là, nói như thánh Phaolô: "được mai táng với Chúa Kitô". Ðể cũng được sống lại với Ngài, các tín hữu Kitô tham dự vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Cũng như các thánh tông đồ, các tín hữu Kitô cũng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cái chết từng ngày của họ. Chết đi cho những khuynh hướng thấp hèn của bản thân. Chết đi những gì đi ngược lại những giá trị của Nước Trời. Có chiến đấu và chết đi từng ngày như thế, họ mới cảm nhận được sức sống của Chúa Kitô Phục Sinh bừng lên trong họ và tỏa sáng đến những người chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Tông đồ sau cùng: Matthia
Người ta cho con số 13 là số xui! Đức Ki-tô với 12 tông đồ làm thành số 13! Sau khi Chúa về trời, các ông đề cử chọn một tông đồ thay thế Giuđa cho đủ số 12 tông đồ. Trong nhóm 120 cầu nguyện chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chi có hai vị được chọn. Họ đã theo Đức Giê-su từ khi Chúa chịu phép rửa của Gioan tới khi Chúa lên trời. Thánh Matthia đã được chọn theo kiểu rút thăm của loài người, Ngài đã vinh dự là tông đồ sau cùng, để vào sổ chứng nhân của Đức Ki-tô.
Không phải anh em nhưng chính Thầy chọn anh em.
Sự chọn lựa này làm sáng tỏ Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trong suốt thời gian Chúa Giê-su còn trên đất Israel, Thánh Matthia đã thấy, đã nghe, đã biết giá trị cao cả của Đức Giê-su. Ngay từ giờ phút đầu Ngài đã có mặt ở đó, nhưng Đức Giê-su không chọn Ngài!.... Matthia đã chọn Đức Giê-su như mọi người, đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Giê-su. Ngài đã yêu mến như 12 tông đồ; nhưng không được có địa vị gì. Ngài vẫn có sứ mệnh khá đặc biệt là thay thế Iscariốt, nhưng nhất là sứ mệnh tông đồ sau cùng!
Luôn luôn người ta thấy khó nhọc khi suy nghĩ về ơn kêu gọi: Giữ lời mời gọi của Chúa, khó lòng cự lại, dù ta được tự do trả lời. Đó là một mầu nhiệm. Thực ra Thiên Chúa đã biết rõ ta sẽ nói vâng hay không rồi! hai tình yêu đối diện với nhau rồi!
Vui mừng của tôi...
Thánh Matthia hình như là một trong những người tự hiến thân mà không đặt vấn đề, Ngài không xin gì, chỉ bằng lòng sống với nhau như là bạn thân là tốt rồi. Nhờ đó, Ngài thật sung sướng và vui mừng!
Một người đã yêu thì dù có thể bị khổ sở, cũng không sao. Họ yêu vì có tình yêu đang yêu. Họ cho mà như không cho gì, vì họ yêu trọn vẹn, vì họ tự hiến tất cả.
Thánh Matthia, vị tông đồ trung tín, tình nguyện tự hiến cho bạn thân! một thứ tình yêu quí hiếm luôn luôn, nhưng mãi mãi rất sống động.
J.M
SUY NIỆM 6: LỄ KÍNH THÁNH MATHIA TÔNG ĐỒ
(Lm. Anthony Trung Thành)
Thánh Mathia là người con út trong số 12 Thánh Tông đồ. Ngài được chọn để thế chỗ cho Giuđa Iscariô, được 11 tông đồ và cộng đoàn sơ khai bầu chọn. Cuộc bầu chọn được sách công vụ ghi lại một cách cụ thể như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay (x. Cv 1,15-17.20-26).
1. Việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ
Cuộc bầu chọn có những bước quan trọng sau đây:
Bước thứ nhất, Thánh Phêrô đưa ra điều kiện: Ngài nói: "Vậy phải làm thế này : có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh" (Cv 1, 21-22). Chúng ta thấy, điều kiện mà Thánh Phêrô đưa ra rất rõ ràng. Người được bầu chọn phải là người đã từng theo Đức Giêsu từ khi chịu phép rửa cho tới khi lên trời. Nghĩa là phải hiểu về Giáo huấn và chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm trong suốt ba năm cuộc đời công khai. Đặc biệt, phải chứng kiến cuộc khổ nạn, sự phục sinh và lên trời của Ngài. Bởi vì người Tông đồ cần làm chứng về những điều đó.
Bước thứ hai, cộng đoàn đề cử: Sau khi lĩnh hội được ý của Thánh Phêrô, cộng đoàn đề cử 2 người là ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a.
Bước thứ ba, cầu nguyện: Cộng đoàn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Đây là bước hết sức quan trọng làm cho cuộc bầu chọn này khác với các cuộc bầu chọn thông thường khác. Cuộc bầu chọn này mang tính thần linh. Có Chúa Thánh Thần can thiệp. Chính Chúa Giêsu trước khi chọn các Tông đồ, Ngài cũng đã làm như vậy. Kinh Thánh kể, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm (Mt 10, 1-4; Mc 3,13 -19; Lc 6,12-16).
Bước thứ tư cũng là bước cuối cùng để chọn ra người Tông đồ, đó là rút thăm. Trong thực tế hôm nay, có nhiều cách để bầu chọn người lãnh đạo. Cách đơn giản là giơ tay. Cách thông thường là bỏ phiếu. Nhưng dù sử dụng cách nào đi chăng nữa vẫn có yếu tố con người trong đó. Còn việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ, mặc dầu bằng cách đơn giản nhất là rút thăm, nhưng luôn luôn vẫn có yếu tố thần linh, đó là việc của Chúa chứ không phải việc của con người. Chúng ta liên kết bước thứ tư với ba bước trên sẽ thấy rõ điều đó.
Bài học mà chúng ta rút ra hôm nay: Luôn làm mọi việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt khi chọn lựa những người làm việc cho Chúa và Giáo Hội phải xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Những lúc đó phải nói được như các Tông đồ: “Thánh thần và chúng tôi quyết định” (x. Cv 15, 28).
2. Mọi người đều được Chúa mời gọi làm Tông Đồ
Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con”(Ga 9,16). Thật vậy, trong ba năm cuộc đời công khai, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ. Có khi Ngài chọn cách trực tiếp: Như khi Ngài gặp ông Philipphê và mời gọi ông “Hãy theo Ta” (x. Ga 1,43); Hay khi Ngài gặp ông Lêvi và mời gọi ông “Anh hãy theo Ta” (x. Mc 2,14). Nhưng cũng có khi Ngài mời gọi các Tông đồ đi theo Ngài qua một trung gian nào đó: Ngài mời gọi Nathanael qua trung gian ông Philipphê (x. Ga 1, 45-51); Ngài mời gọi ông Anrê qua trung gian ông Gioan (Ga 1, 35-37); Ngài mời gọi ông Simon Phêrô qua trung gian ông Anrê (x. Ga 1, 40-42). Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người làm việc tông đồ qua nhiều trung gian khác nhau, có thể qua gia đình, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.
Để đón nhận, Giáo hội cũng đưa ra những điều kiện phù hợp với từng ơn gọi, nhất là ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Điều kiện chung của Giáo luật. Điều kiện riêng của các Giáo Phận hay của các dòng tu. Vì vậy, không phải ai cũng đủ điều kiện để làm tông đồ trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ (con số này rất ít). Nhưng mọi người đều được mời gọi chu toàn bổn phận ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Đa số được mời gọi làm tông đồ trong ơn gọi hôn nhân: Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò ban hành giáo, giáo lý viên; Có người được mời gọi làm tông đồ trong vai trò bác sỹ, nhà giáo, công nhân; Có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ ở gia đình, ở nhà thờ nhưng cũng có khi chúng ta được mời gọi làm tông đồ nơi chính mình là việc, nơi trường học, chợ búa…Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nơi, hãy luôn cố gắng toả sáng việc tông đồ để “sinh hoá trái” cho phù hợp với ơn gọi của mình: Hoa trái của đức công bằng; hoa trái của đức yêu thương, bác ái; hoa trái của sự tha thứ… Để làm việc được những việc đó, đồi hỏi người tông đồ phải hy sinh, thậm chí có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để làm chứng cho Chúa thì cũng phải sẵn sàng.
Sau khi được bầu chọn làm Tông đồ, Kinh Thánh không nói gì về Thánh Mathia. Nhưng chắc chắn Ngài đã hết lòng chu toàn bổn phận mà Giáo Hội trao phó, đó là bổn phận loan báo Tin Mừng và đặc biệt Ngài đã hy sinh tính mạng mình để làm chứng cho sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Xin Ngài luôn đồng hành và hướng dẫn công việc tông đồ của mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, Thánh Mathia dầu được chọn sau hết nhưng Ngài đã chu toàn bổn phận như mười một Tông đồ khác, đó là hăng say loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa bằng cái chết. Mọi người chúng con cũng được kêu gọi tiếp tục sứ điệp của Thánh Mathia. Xin cho chúng con, dù trong hoàn cảnh và địa vị nào cũng biết chu toàn bổn phận tông đồ để làm sáng danh Chúa. Amen.
SUY NIỆM 7: Thánh Matthia, vị Tông Đồ “thứ mười ba”
Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại (Ga 15,16)
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Thánh Matthia, vị Tông Đồ “thứ mười ba” được Chúa chọn để thay thế cho Giuđa Iscariốt. Theo sách Công vụ Tông Đồ, Thánh Matthia là môn đệ theo Chúa từ khi Người chịu phép rửa đến ngày Người lìa bỏ các Tông Đồ và được rước lên Trời (x. Cv 1, 21-22). Và sau khi các Tông Đồ cùng với cộng đoàn cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, Thánh Matthia được chọn vào nhóm Mười Hai. Thánh nhân trở thành vị Tông Đồ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo, sẵn sàng hy sinh làm chứng, chịu bách hại và tử đạo trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.
Cuộc đời của Thánh Matthia Tông Đồ minh họa cho lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Chúa có một chương trình thật đặc biệt, một cách chọn gọi rất riêng để trao phó sứ mạng cao cả cho từng Tông Đồ và cho Thánh Matthia. Đáp lại, Thánh nhân đã dùng chính cuộc đời mình để đáp trả tiếng gọi yêu thương của Chúa. Mừng lễ thánh Mathia Tông Đồ, mỗi người được nhắc nhớ đến ơn gọi làm tông đồ và làm Kitô hữu của mình. Quả vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Mỗi ngày, ta được Chúa mời gọi trở nên tông đồ của Người trong môi trường đang sống, trong vai trò và bậc sống của mình. Chúng ta chỉ có thể đáp trả ơn gọi của mình khi biết dùng Lời Chúa dệt nên cuộc đời mình mỗi ngày. Hãy sinh hoa kết trái trong bậc sống và hoàn cảnh của mình. Hãy làm sáng danh Chúa trong gia đình, ngoài xã hội, nơi công sở, trên ruộng nương. Hãy làm chứng cho Tin Mừng bằng chính niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa gọi mỗi ngày. Và nhất là, xin Chúa giúp chúng con luôn sẵn sàng và vững vàng trở nên những chứng nhân của Chúa, như Thánh Matthia Tông Đồ, nhờ luôn kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Phục Sinh. Amen
SUY NIỆM 8: NGƯỜI THỢ GIỜ THỨ MƯỜI MỘT
(hdmtggv.weebly.com)
+ Chúa luôn có cách của Ngài, và cách của Ngài không bao giờ giống ai.
+ Thánh Matthia chính là Tông đồ giờ thứ mười một. Không ai nghĩ ông là sẽ Tông đồ nếu không có sự phản bội của ông Giuđa.
+ Ơn gọi mỗi người một cách, mỗi người một vẻ, không ai giống ai nhưng ai cũng đặc biệt và duy nhất.
+ Chúa luôn CHỌN- GỌI- chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút.
BÀI HỌC:
+ Đức Hồng Y Thuận đã từng nói: “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên những đường cong”.
+ Ông Giuse trong Cựu Ước thì nói: “Thiên Chúa biến sự dữ của anh em làm với tôi thành sự lành”.
+ Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.
+ Trong mọi sự, chúng ta phải nhìn thấy được thánh ý Chúa muốn gì trên cuộc đời của ta? Trên sự việc xảy ra và trên cuộc sống này?
Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã chọn và gọi chúng con. Xin cho chúng con luôn là những người môn đệ trung tín, dù là người thợ giờ thứ mười một. Amen.
SUY NIỆM 9: Thánh Matthia
(Lm Huệ Minh)
Cùng với Giáo Hội, hôm nay ta mừng kính Thánh Mathia tông đồ.
Sau khi Chúa về trời, các Tông Đồ đã tụ họp lại với nhau, cùng nhau cầu nguyện và đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo Tông Đồ Công Vụ (1, 15-26), các tông đồ đã đề nghị phải tìm một người để thay thế cho Giuđa. Đó phải là người đã theo Đức Kitô và làm môn đệ của Ngài.
Tuy Sách Thánh cho biết, người đưa ra ý kiến là thánh Phêrô, nhưng thánh nhân không đơn phương quyết định ai sẽ là người thay thế Giuđa. Thánh nhân đưa ý kiến, nhưng tông đồ đoàn và các môn đệ của Chúa cùng nhau tuyển chọn bằng cách đưa ra người xứng đáng để mọi người quyết định bằng rút thăm sau khi đã cầu nguyện. Trong phòng cầu nguyện lúc đó có tất cả là một trăm hai mươi người, và họ đã chọn ra hai vị có đủ điều kiện là Matthia và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết cả hai vị này đã từng ở với họ và theo Đức Kitô. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng cử và nhập vào nhóm 12 tông đồ của Chúa.
Mathia theo tiếng Hybalai có nghĩa là "được trao ban", Tin Mừng không hề nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu Tông Ðồ.
Khi nhìn lại lịch sử cũng như biến cố chọn Thánh Mathia làm tông đồ, ta thấy có những tiến trình như sau.
Ta thấy, Thánh Phêrô đưa ra điều kiện: Ngài nói: "Vậy phải làm thế này : có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh" (Cv 1, 21-22). Chúng ta thấy, điều kiện mà Thánh Phêrô đưa ra rất rõ ràng. Người được bầu chọn phải là người đã từng theo Đức Giêsu từ khi chịu phép rửa cho tới khi lên trời. Nghĩa là phải hiểu về Giáo huấn và chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm trong suốt ba năm cuộc đời công khai. Đặc biệt, phải chứng kiến cuộc khổ nạn, sự phục sinh và lên trời của Ngài. Bởi vì người Tông đồ cần làm chứng về những điều đó.
Sau đó, ta thấy cộng đoàn đề cử: Sau khi lĩnh hội được ý của Thánh Phêrô, cộng đoàn đề cử 2 người là ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a.
Và kế đến là việc cầu nguyện: Cộng đoàn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng. Đây là bước hết sức quan trọng làm cho cuộc bầu chọn này khác với các cuộc bầu chọn thông thường khác. Cuộc bầu chọn này mang tính thần linh. Có Chúa Thánh Thần can thiệp. Chính Chúa Giêsu trước khi chọn các Tông đồ, Ngài cũng đã làm như vậy. Kinh Thánh kể, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm (Mt 10, 1-4; Mc 3,13 -19; Lc 6,12-16).
Và sau cùng, ta thấy là tiến trình cuối để chọn ra người Tông đồ, đó là rút thăm. Trong thực tế hôm nay, có nhiều cách để bầu chọn người lãnh đạo. Cách đơn giản là giơ tay. Cách thông thường là bỏ phiếu. Nhưng dù sử dụng cách nào đi chăng nữa vẫn có yếu tố con người trong đó. Còn việc bầu chọn Thánh Mathia làm Tông đồ, mặc dầu bằng cách đơn giản nhất là rút thăm, nhưng luôn luôn vẫn có yếu tố thần linh, đó là việc của Chúa chứ không phải việc của con người.
Với tất cả những điều nhìn lại ở trên, ta thấy ta học được bài học là :
Luôn làm mọi việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt khi chọn lựa những người làm việc cho Chúa và Giáo Hội phải xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Những lúc đó phải nói được như các Tông đồ: “Thánh thần và chúng tôi quyết định” (x. Cv 15, 28).
Ắt hẳn, ta còn nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con”(Ga 9,16).
Thật vậy, trong ba năm cuộc đời công khai, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ. Có khi Ngài chọn cách trực tiếp: Như khi Ngài gặp ông Philipphê và mời gọi ông “Hãy theo Ta” (x. Ga 1,43); Hay khi Ngài gặp ông Lêvi và mời gọi ông “Anh hãy theo Ta” (x. Mc 2,14). Nhưng cũng có khi Ngài mời gọi các Tông đồ đi theo Ngài qua một trung gian nào đó: Ngài mời gọi Nathanael qua trung gian ông Philipphê (x. Ga 1, 45-51); Ngài mời gọi ông Anrê qua trung gian ông Gioan (Ga 1, 35-37); Ngài mời gọi ông Simon Phêrô qua trung gian ông Anrê (x. Ga 1, 40-42). Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người làm việc tông đồ qua nhiều trung gian khác nhau, có thể qua gia đình, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.
Cùng với Giáo Hội, ta hân hoan đón nhận một vị Tông Đồ mới, ‘rón rén’ bước vào tông đồ đoàn với cả niềm khiêm tốn. Chúng ta không có thông tin nào khác về Ngài ngoại trừ thông tin về việc bầu chọn.
Trong khi chúng ta cầu nguyện với thánh Matthia và cùng Ngài hân hoan với sự chọn lựa của Thánh Thần, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, cũng như Giuđa xưa, đã khước từ bổn phận mà Giáo Hội giao phó. Khiếm khuyết do bản tính con người…nhưng cũng do tính hời hợt trong việc phục vụ cộng đoàn kitô. Họ thiếu sự kết hiệp với Đức Giêsu mà hôm nay tin mừng Thánh Gioan nhắc đến.
Các thánh tông đồ xác tín rằng không thể là nhân chứng của sự phục sinh mà không tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ðược rửa tội, nghĩa là, nói như thánh Phaolô: "được mai táng với Chúa Kitô". Ðể cũng được sống lại với Ngài, các tín hữu Kitô tham dự vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Cũng như các thánh tông đồ, các tín hữu Kitô cũng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cái chết từng ngày của họ. Chết đi cho những khuynh hướng thấp hèn của bản thân. Chết đi những gì đi ngược lại những giá trị của Nước Trời. Có chiến đấu và chết đi từng ngày như thế, họ mới cảm nhận được sức sống của Chúa Kitô Phục Sinh bừng lên trong họ và tỏa sáng đến những người chung quanh.
Để sinh nhiều hoa trái, các tín hữu, cách đặc biệt những ai được Chúa tuyển chọn để làm người hướng đạo, cần phải mô phỏng cung cách sống của mình theo Đức Giêsu, Đấng đạt đến đỉnh cao tình yêu bằng cách chết cho người tội lỗi. Bổn phận của toàn thể Giáo Hội là cầu nguyện cho hàng linh mục, đặc biệt cho các linh mục của mình và giúp đỡ các ngài sống cuộc sống theo phong cách của những người tận hiến phục vụ, chứ không theo cách thức người đời. Đức Giêsu đă nhấn mạnh điều này: sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Người linh mục càng đầy tràn Thiên Chúa, càng sốt sắng cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, thì càng có khả năng thông ban Đức Kitô cho anh em mình.
Mừng lễ thánh Mathia tông đồ hôm nay để nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta về ơn gọi của mình. Chính Thiên Chúa đã yêu thương và ban cho chúng ta được làm con cái Ngài. Theo gương thánh nhân để lại, chúng ta hãy không ngừng cảm tạ ơn thánh Chúa ban, và hăng say làm chứng cho Tin Mừng Nước Chúa trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
SUY NIỆM 10: Thánh Mát-thia
(Suy niệm Tin Mừng hằng ngày)
Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 15,9-17)
Thánh Camilo Lellis (1550 -1614) đã lập một dòng để giúp các bệnh nhân. Dòng này có lời khấn buộc người tu sĩ phải hoàn toàn dấn thân cho việc cứu chữa các bệnh nhân, bất chấp bệnh truyền nhiễm, vì đó là tiếng gọi của lòng nhân lành Chúa.
Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Lời đó mời gọi chúng ta trở lại với nền tảng đích thực của tình yêu. Tình yêu chân thực không dừng lại ở chữ viết hay trên môi miệng, nhưng là một tình yêu năng động, có sức lan tỏa bằng hành động, như Đức Giêsu đã yêu. Đó là tình yêu hy sinh tự hiến cho con người (xc. Ga 15,13)
Thánh Mathia cũng được Chúa tuyển chọn và mời gọi vào trong nhóm mười một thay thế cho ông Giuđa để làm chứng cho Thiên Chúa. Thánh nhân đã hăng say loan báo Tin Mừng. Ngài đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu biết giá trị cao quý của đức ái, để con say mê thực hành, ngõ hầu được trở nên giống Chúa hơn. Amen.
SUY NIỆM 11: Thánh Matthias, Tông đồ
(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)
Chúa nói: ”Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả của anh em được lâu bền” (Ga 15, 16). Thánh Matthias là một trong trường hợp được chính cộng đoàn do Chúa Thánh Thần tác động, đã chọn Ngài thế chỗ Giuđa Iscariôt kẻ phản bội Chúa Giêsu.
CHÚA TUYỂN CHỌN MATTHIAS
Đọc công vụ tông đồ 1, 15-17. 20-26, ta sẽ nhận ra sự chọn lựa vô cùng quan trọng người thế chân Giuđa sau khi Chúa phục sinh về trời. Bài diễn từ của thánh Phêrô nêu lên những điểm nổi bật để tuyển chọn một người vào số 11 tông đồ. Sau khi giới thiệu hai người Giuse, tức Barsabba, biệt danh là công chính, và ông Matthias, Phêrô và mọi người có mặt cầu nguyện: ”Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn mọi người, xin hãy tỏ ra Chúa chọn ai trong hai người này để nhận chức vụ và tước hiệu tông đồ thay cho Giuđa, kẻ đã hư hỏng mà đi đến nơi của nó” (Cv 1, 25), và họ rút thăm, thăm trúng ông Matthias: ông được kể thêm vào số mười một tông đồ” (Cv 1, 26).
Nhóm 12 là con số đã được mạc khải. Dân Israen mới được xây dựng trên nền tảng của 12 tông đồ. Xưa dân Israen được xây dựng trên 12 chi tộc của Giacóp. Thánh Matthias đã được tuyển chọn vào số 12 vì ông đủ tiêu chuẩn do Phêrô, thủ lãnh các tông đồ đề ra: đã theo Chúa Giêsu, từ khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giorđan đến khi Chúa về trời, để có thể làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu. Môn đệ phải sống với Chúa, nghe Chúa giảng dậy, chứng kiến các phép lạ của Chúa, sống thân tình với Chúa, và phải ăn uống với Chúa sau khi Chúa sống lại, nhờ đó, họ mới có thể mạnh dạn, can đảm làm chứng cho Chúa phục sinh, dẫu có phải hy sinh cả tính mạng để minh chứng cho Thầy chí thánh. Thánh Matthias đã được tuyển chọn thế chân Giuđa, và Ngài đã hoàn thành xuất sắc nhất sứ mạng Chúa trao phó cho Ngài.
LỜI NGUYỆN CẦU
“Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Matthias để bổ sung nhóm mười hai tông đồ. Cúi xin Chúa nhận lời Người cầu thay nguyện giúp cho chúng con, nay đang vui hưởng tình yêu của Chúa, mai sau cũng được kể vào số những người Chúa chọn”. (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Matthias, tông đồ).
SUY NIỆM 12: Matthia, Tông đồ thứ 13
(Nt. Scholastica Vũ Hiền)
Trong ngày lễ thánh Mat-thi-a Tông đồ chúng ta cùng suy chiêm về mầu nhiệm ơn gọi. Không ai trong chúng ta mới sinh ra đã biết trước sau này mình sẽ sống ơn gọi tu trì hay hôn nhân, nhưng Thiên Chúa thì biết và Ngài sẽ cắt đặt cũng như chọn gọi mỗi người theo ý Ngài muốn : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Ơn gọi của thánh Mat-thi-a là bằng chứng minh nhiên cho Lời nói trên.
Mat-thi-a đã đi theo Chúa Giêsu từ những ngày Người còn tại thế, nhưng ông lại không được Chúa gọi trực tiếp như các Tông đồ khác mà qua trung gian Giáo hội dưới quyền điều hành của thánh Phêrô. Tuy nhiên, thánh Phêrô không tự mình đưa ra quyết định tuyển chọn mà ký thác cho Thiên Chúa bằng hình thức bắt thăm. Sách Công vụ thuật lại sự kiện này như sau : “Họ đề cử hai người : ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mat-thi-a. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai” (Cv 1, 23-24). Sau khi cầu nguyện họ bốc thăm và Mat-thi-a đã trúng cử. Sự kiện này nói lên rằng, ơn gọi luôn là sự lựa chọn đến từ Thiên Chúa. Cộng đoàn hay Hội thánh chỉ là trung gian cầu nguyện để thánh ý Chúa được tỏ hiện : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này”.
Các thánh Tông đồ và hôm nay là thánh Mat-thi-a không phải là những người đưa ra quyết định chọn Chúa Giêsu trước, nhưng các ông chỉ nghe và đáp lại sáng kiến của Người. Đức Giêsu đã tuyển chọn các ông, một số thì trực tiếp, số khác như Mat-thi-a gián tiếp qua việc bầu chọn mà Giáo Hội phó thác trong tay Chúa. Suy nghĩ về mầu nhiệm ơn gọi, thực sự không có lời giải đáp nào thỏa đáng cho thắc mắc, tại sao người này được tuyển chọn mà người kia thì không. Đơn giản chỉ vì Chúa gọi đến với Ngài những kẻ Người muốn. Vì thế, từ khi chúng ta bắt đầu xuất hiện trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người đã an bài cho chúng ta mọi ân huệ và điều kiện cần thiết để ta có thể nghe và có khả năng đáp lại lời mời gọi của Chúa qua Hội thánh trần gian.
Ơn gọi là một linh ân tuyệt vời của Đấng luôn khởi sự những điều thiện hảo cho con người. Và khi chọn gọi Ngài cũng nâng những kẻ được tuyển chọn lên hàng thân hữu chẳng vì lý do nào : “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Được trở nên bạn nghĩa thiết, được chia sẻ vinh quang cũng như kế hoạch nhiệm màu Chúa Giêsu đã nghe được từ nơi Chúa Cha. Đức Giêsu còn hứa sẽ yêu các môn đệ cũng bằng tình yêu Chúa Cha đã yêu thương Ngài, chỉ cần họ kiên trì ‘ở lại trong tình thương của Người’ và tuân giữ các điều Thầy đã truyền dạy (Ga 15, 9-11). Chỉ nơi Đức Giêsu các môn đệ mới tìm thấy tình thương thực sự. “Tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Lạy Chúa, giữa những giằng co phải lựa chọn, xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng, để có thể kín múc sức mạnh từ Chúa và can đảm thực thi kế hoạch Ngài an bài cho chúng con. Nhờ lời thánh Mat-thi-a chuyển cầu, xin cho chúng con nên chứng nhân trung thành sẵn sàng làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
SUY NIỆM 13: Ngài đã chọn con
(Nhóm suy niệm BC)
“Không phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con”. Đó là niềm xác tín mà chúng ta đã nghe rất nhiều lần qua các bài hát trong các dịp lễ truyền chức hay khấn dòng, tưởng chừng chỉ áp dụng cho các tu sĩ, giáo sĩ mà thôi, nhưng quả thực câu Thánh Kinh này rất sâu sắc và sát với thực tế kinh nghiệm đời sống đức tin của mỗi người. Điều này càng đúng hơn nữa trong cuộc đời của thánh Mathia, người đã được chọn để thay thế chỗ khuyết của Giuđa, kẻ phản bội trong Nhóm Mười Hai.
“Không phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con”. Trước tiên, chúng ta cảm nhận được điều này khi chúng ta được thành hình trong dạ mẹ. Chúng ta chẳng có quyền được chọn lựa ai sẽ là bố mẹ của mình, nơi nào sẽ là sinh quán của mình và ngày nào sẽ là sinh nhật của mình. Tất cả điều đó Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta như một thụ tạo duy nhất, cá biệt của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn đặt để chúng ta vào một gia đình, dòng họ, dân tộc với những truyền thống riêng biệt. Chính Ngài biết chúng ta trước. Rồi ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, Ngài đặt để chúng ta trong môi trường của một gia đình có đức tin thuộc về một giáo xứ, một giáo phận, một Giáo Hội. Ngài đặt chúng ta vào môi trường đức tin, gieo vào tâm hồn chúng ta những hạt giống đức tin và chờ ngày nó được lớn lên. Chính Ngài đã chọn chúng ta trước.
Khi ta lớn lên biết phán đoán và biện phân, tự chúng ta nhận định, cảm nhận về tình thương của Ngài và đó là lúc chúng ta can đảm đáp lại tiếng Chúa kêu mời sống ơn gọi của mình trong bậc tu trì hay gia đình. Chúng ta có thái độ đáp trả cách này hay cách khác là bởi vì trước đó chúng ta đã cảm nhận được tình yêu của Ngài dành cho. Chính Ngài đã yêu chúng ta trước.
Khi ý thức rõ ràng chính Thiên Chúa đã yêu thương và chọn chúng ta trước khi chúng ta có thể nhận biết và yêu mến Ngài, chúng ta dám hoàn toàn tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa: Ngài đã chuẩn bị mọi thứ cho chúng ta, Ngài biết chúng ta cả sau lẫn trước, Ngài ban cho chúng ta những điều chúng ta cần, Ngài dẫn chúng ta đi qua những lối chúng ta không bao giờ nghĩ tới. Một nhạc sĩ nào đó đã diễn tả thật đẹp về đức tin của người theo Chúa trong bài hát Hãy Theo Thầy: “Đi theo Chúa chẳng cần biết ở đâu, chẳng cần biết làm gì. Dù ở đâu hay làm chi con vẫn đi trong đường Ngài”.
Xác tín đó cho chúng ta một thái độ khiêm tốn nhìn nhận những thành công mà chúng ta đạt được chẳng phải do sức riêng của chúng ta nhưng hoàn toàn là do ơn Chúa đó thôi. Tác giả Thánh Vịnh 127, 1 đã diễn tả thật sâu sắc: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm”. Đồng thời, xác tín về tình yêu đi bước trước và ơn gọi luôn đến từ phía Thiên Chúa cũng cho ta thêm niềm hy vọng, lạc quan trong những đau khổ thất bại mà chúng ta gặp phải. Bởi vì, Thiên Chúa có thể biến những điều tưởng chừng như thất bại đó thành những điều hữu ích cho chúng ta. “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 119, 71).
Lạy Chúa, con tin Ngài đã biết đến con, yêu thương con trước khi con được thành hình trong dạ mẹ, bàn tay Chúa vẫn luôn bao bọc chở che con trên mọi nẻo đường. Xin cho con luôn tín thác vào tình yêu thương Quan Phòng của Chúa, đồng thời cao rao và đáp lại tình yêu đi bước trước của Ngài trong suốt cuộc đời con. Amen.
SUY NIỆM 14: Thánh Matthias, Tông đồ
(Lm. Gioakim Dương Minh Thanh)
Hôm nay giáo Hội mừng lễ thánh Matthia tông đồ, có thể nói đây là vị tông đồ của giờ thứ 11, giờ mà mọi sự hầu như đã kết thúc đã hoàn tất thì Ngài được chọn làm tông đồ. Chúng ta cùng nhau nhìn qua chân dung của Ngài một chút để xem cuộc đời của vị tông đồ giờ thứ 11 nầy như thế nào? Có thể nói được rằng ngày mà Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới sông Giodan thì Matthia đã có mặt, nhưng lúc bấy giờ ai chú ý đến ông. Dưới cặp mắt của thế gian và của Chúa Giêsu nữa hình như không có ai để ý tới ông vì ông không có gì nổi bật. Chỉ biết rằng từ ngày biết được Đức Giêsu thì ông đã là người đi theo Ngài một cách âm thầm, không đòi hỏi, không bon chen điều gì. Ngày Chúa Giêsu chọn 12 Tông đồ thì ông cũng không được chọn, nhưng ông không hề thất vọng. Ông là một người tín hữu như hàng triệu người tín hữu vô danh khác, chưa một lần hưởng được dấu hiệu tình yêu nơi Đức Giêsu như các Tông đồ khác. 3 năm ròng rã theo Chúa, không cầu xin một ân huệ nào chỉ biết đi theo và đi theo một cách kiên trì. Ngày Chúa chết một số môn đệ thất vọng bỏ về, nhưng ông vẫn kiên trì ở lại. Thế rồi khi Phêrô tuyên bố: Chúng tôi cần một người theo Chúa Giêsu từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa cho đến khi Chúa Giêsu vinh thăng để thay thế Giuđa Iscariot. Lúc bình bầu, người ta chú ý đến một người quan trọng tên là Giuse, ông là người nổi tiếng có biệt danh là người công chính, nhưng để cho có sự công bình, người ta cũng nhắc đến tên của một người khác tên là Matthia. Không ai biết gì về ông, ông là một người lu mờ, chỉ có điều người ta chú ý đến ông là ông đã kiên trì theo Chúa từ đầu. Và rồi giữa 2 người, Thiên Chúa đã chọn người có tên là Matthia tầm thường đó. Matthia là gì? Tục danh? Biệt hiệu? Con ai? Thân thế? Sự nghiệp? Không ai biết và cũng chẳng ai để ý, thế mà ông được Thiên Chúa chọn làm tông đồ. Ông chỉ nổi bật khi được chọn và rồi lại tiếp tục rơi vào quên lãng, người ta chỉ biết được Ngài là người thế vào con số 12 đã khuyết. Ngày Chúa Giêsu còn sống, Giuđa được thân mật, được an ủi, được chuyện trò với Chúa và khi cần một người để bị sỉ vả, bị bách hại, bị đánh đập, bị tù đày vì Đức ki tô thì đã có Thánh matthia thế vào. Matthia có lẽ là vị Tông đồ bạc bẽo nhất, một người âm thầm gần như vô tích sự, thế mà Thiên Chúa đã chọn Ngài, Thiên Chúa đã không chọn Yuse justo barsaba biệt danh là người công chính mà lại chọn Matthia. Vì thế mà Thánh Phao lô Tông đồ đã nói: Những gì thế gian cho là điên dại, là hèn kém thì Thiên Chúa đã chọn để biêu nhuốc hạng khôn ngoan.
Thiên Chúa đã chọn Matthia làm tông đồ, mặc dù Ngài không có gì đặc sắc và nổi bật lại là một niềm an ủi và là một sứ diệp mà Thiên Chúa nhắn gởi cho mỗi người chúng ta. Matthia không lừng danh nổi bật với nhiều chứng tích như Phêrô và Phaolô, nhưng Ngài chỉ có một điều là sống tin mừng với lòng kiên trung để hành trình theo Chúa suốt đời. Chúng ta được an ủi rất là nhiều vì qua vị Tông đồ thứ 11 nầy, vì Ngài xuất hiện hầu như mọi việc đã được hoàn tất. Chúa Giêsu nhập thể, chết, sống lại, siêu thăng và sau đó Ngài mới được chọn. Mặc dù muộn màng, là người đến sau nhưng lại được đặt ngang hàng với người đến trước, không phải đồng hàng trong cái hư danh là Tông đồ, nhưng đồng hàng dưới đôi mắt nhân lành của Thiên Chúa. Ngài được chọn làm tông đồ, chúng ta được an ủi vì được chọn trước, chọn sau không quan trọng nhưng quan trọng là có được chấp nhận vào làm vườn nho của Thiên Chúa không?.
Mừng kính Ngài hôm nay, mỗi người trong chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi trở nên Tông đồ của Ngài ngay trong môi trường mình đang sống và trong khả năng hạn hẹp có thể của mình. Hãy trở thành những vị tông đồ âm thầm khiêm nhường như men lẫn trong bột để làm cho cuộc đời dậy men Đức Kitô. Mừng kính Ngài hôm nay, xin Ngài cầu bàu cùng Chúa nâng đỡ cho chúng ta đừng buồn tủi vì nhiều lúc đời mình như chiếc bóng âm thầm, như đi trong đêm đen, ngày nầy qua ngày khác không cảm thấy sự dịu ngọt của Thiên Chúa và còn có cảm giác là Thiên Chúa không để ý đến mình. Mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta có bằng chứng cụ thể để tin rằng, Thiên Chúa không xét đoán theo tài năng và công trạng của chúng ta, nhưng Ngài chỉ xét theo tình yêu của Ngài và quan trọng là lời đáp trả của mỗi người chúng ta. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết hy vọng, tin tưởng và yêu thương trong ân tình của Thiên Chúa. Amen.
SUY NIỆM 15: Thánh Matthias, Tông đồ
Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Mathia là tường thuật của sách Công vụ các tông đồ (Cv 1,15-26). Theo điều kiện mà thánh Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuđa trong nhóm 12. Chúng ta biết thánh Mathia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài đã theo Chúa Giêsu “Khởi từ lúc Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu về trời” (c. 22)
Khi Chúa Giêsu đã về trời, các tông đồ vâng lệnh Chúa trở về Giêrusalem cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Họ gặp nhau lại khoảng 120 người. Lúc ấy Phêrô lên tiếng nhắc lại sự Giuda phản bội và kết luận:
- “Phải chọn lấy thêm một người để cùng chúng tôi làm chứng tá cho sự sống lại của Chúa Giêsu”.
Cộng đoàn đã đề cử hai người xem ra xứng đáng nhất, với vinh dự này là Giuse, gọi là Barsabba biệt danh là Giustô và Matthia. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng cử và nhập vào nhóm 12.
Vị tân tông đồ, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã ra đi rao giảng Phúc âm và hiến phần còn lại cho việc tông đồ, thánh Clementê, thánh Alexandria kể lại rằng: các giáo huấn của thánh Matthia tập chú vào nhu cầu phải hy sinh hãm dẹp xác thịt và những ước muốn lăng loàn. Đó là bài học quan trọng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu và đem ra thực hành.
Nhiều sứ giả cho rằng thánh Matthia đi từ Giuđêa tới tận Ethiopie rao giảng và làm cho vô số người trở lại đạo. Sau ba mươi năm bị bách hại, nỗ lực và thành công, Ngài bị ném đá và bị chặt đầu dưới thời Nerô vào năm 63.
Theo dân Hy lạp, thánh Matthia đã mang Kitô giáo đến miền Cappadôcia rồi bị đóng đinh vào thập giá ở Côlehis. Và xác Ngài được đưa về Giêrusalem. Một phần các xương thánh vẫn còn ở đền thờ Đức Bà cả nơi thánh nhân đã làm nhiều phép lạ.
SUY NIỆM 16: CHÚA CHỌN NGƯỜI CHÚA MUỐN
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16)
Suy niệm: Thánh Mát-thi-a được chọn làm tông đồ muộn màng sau khi Đức Giê-su về trời, mà lại được chọn bằng cách rút thăm, nhưng dù vậy trong lời nguyện của “nghi lễ truyền chức” đó, cộng đoàn đã nài xin Thiên Chúa tuyển chọn người mà Ngài muốn: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ” (Cv 1,24-25). Quả vậy, không ai tự chọn cho mình làm tông đồ nếu như Chúa đã không chọn họ trước. Chúa chọn họ một cách hoàn toàn tự do và theo ý Ngài muốn (Mc 3,13). Điều Chúa mong muốn là những người Chúa chọn được sai đi và mang lại nhiều hoa trái và hoa trái đó tồn tại vững bền.
Mời Bạn: Ơn gọi của mỗi người, dù thuộc bậc giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân đều là ơn ban từ Đấng Khôn Ngoan và Quan Phòng. Chúa không gọi chúng ta vào một bậc sống nào đó để chúng ta sống một cách tầm thường vô nghĩa. Nếu chúng ta hài lòng đón nhận và nhiệt tâm phát triển ơn gọi mình, thì chúng ta đang làm cho ơn gọi của mình sinh hoa kết quả cho Chúa.
Chia sẻ: Bạn cảm nhận hạnh phúc thế nào về ơn gọi của bạn? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Ôn lại quá trình ơn gọi của mình và dâng lời tạ ơn Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã chọn gọi các tông đồ và sai các ngài đi. Nay Chúa cũng chọn gọi chúng con và sai chúng con đi tiếp nối sứ mạng tông đồ. Xin ban cho chúng con niềm xác tín và lòng nhiệt thành để việc tông đồ chúng con sinh hoa kết quả cho Nước Chúa.
Tuesday – Feast of the Apostle Matthias (May 14): Receive the fullness of God’s love and joy
Scripture: John 15:9-17 9 As the Father has loved me, so have I loved you; abide in my love. 10 If you keep my commandments, you will abide in my love, just as I have kept my Father’s commandments and abide in his love. 11 These things I have spoken to you, that my joy may be in you, and that your joy may be full. 12 “This is my commandment, that you love one another as I have loved you.13 Greater love has no man than this, that a man lay down his life for his friends. 14 You are my friends if you do what I command you. 15 No longer do I call you servants, for the servant does not know what his master is doing; but I have called you friends, for all that I have heard from my Father I have made known to you. 16 You did not choose me, but I chose you and appointed you that you should go and bear fruit and that your fruit should abide; so that whatever you ask the Father in my name, he may give it to you. 17 This I command you, to love one another. |
Thứ Ba 14-5/ Lễ thánh Tông đồ Matthia Hãy lãnh nhận trọn vẹn tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa
Ga 15,9-17 9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. |
Meditation:
How can love lead to immeasurable joy? Jesus tells his disciples that he is united with his Father in heaven in a perfect bond of mutual love, honour, and joy in one another. Their love is inseparable and unbreakable. That is why the Son delights in obeying the eternal Father who loves him with infinite love. The Father and Son invite all to join in their eternal bond of love and friendship. How can we enter into that unbreakable bond of love and friendship? Jesus, the Word of God who became flesh for us, shows us the way – keep my word, keep my commandments. If you abide in my word you will know my love and that love will fill you with immense joy – a joy which is unsurpassed, exalted, and unfading (2 Peter 1:3,8). A new command of love Jesus’ commands are not hard or burdensome for those who know his love and mercy. The Lord fills us with his Spirit and transforms our hearts to be like his heart. Paul the Apostle reminds us that “God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit, who has been given to us” (Romans 5:5). Jesus gave his disciples a new commandment – a new way of love and fruitful service which is empowered by his Holy Spirit. We are called to love and serve others just as Jesus has loved us with heartfelt compassion, kindness, and mercy. Jesus proved his love for us by laying down his life for us, even to death on the cross. Our love for God is a response to his exceeding love for us through the gift of his Son, the Lord Jesus Christ. How do we prove our love for God and grow in the knowledge and depth of his unfathomable love? The same way Jesus did – by embracing the way of the cross each and every day. What is the cross in my life? When my will crosses with God’s will, then his will must be done. If we accept God’s way of love, truth, and wisdom, then we will discover the joy and freedom of loving, serving, and be laying down our lives for others, just as Jesus freely laid down his life for each and every one of us. Do you know the joy of being united with the Lord Jesus in a bond of unbreakable love and peace? A Friend of God One of the special marks of favour shown in the Scriptures is to be called the friend of God. God called Abraham his friend (Isaiah 41:8), and God spoke with Moses as a “man speaks with his friend” (Exodus 33:11). Jesus, the Lord and Master, calls the disciples his friends rather than his servants (John 15:15). What does it mean to be a friend of God? Friendship certainly entails a relationship of love which goes beyond mere duty or loyalty. Scripture tells us that “a friend loves at all times; and a brother is born for adversity” (Proverbs 17:17). The distinctive feature of Jesus’ relationship with his disciples was his personal and unconditional love and care for them. He loved his own to the very end (John 13:1). He loved his disciples selflessly and generously because his love was wholly directed to their good. His love was costly and sacrificial – he gave not only the best he had but all that he had. He gave his very own life in order to bring the abundant everlasting life of the eternal Father to those who believed in him. The fire of Christ’s love purifies and transforms us The love of Jesus Christ compels us to give our best not only to God but to our neighbour who is created in the image and likeness of God. God’s love purifies and transforms us into the likeness of Christ. The Lord Jesus promises that those who abide in his love will bear much fruit for the kingdom of God – fruit that will last for eternity as well (John 15:16). If you seek to unite your heart with the heart of Jesus, your life will bear abundant fruit – the fruit which comes from the Holy Spirit who dwells within us – the fruit of love, joy, peace, goodness, and friendship which lasts forever (Galatians 5:22-23). “Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit and make me fruitful in your love, mercy, kindness, and compassion. May there be nothing in my life which keeps me from your love and joy.” |
Suy niệm:
Làm thế nào tình yêu dẫn tới niềm vui bất tận? Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng Người kết hiệp với Cha vĩnh cửu trong mối dây yêu thương, hiệp nhất, và vui mừng tuyệt hảo. Đó là lý do tại sao người Con vui mừng trong việc vâng phục Cha trên trời, Đấng yêu thương Người với tình yêu vô tận. Cha và Con kêu mời tất cả tham dự vào mối dây vĩnh cửu của tình yêu và bằng hữu của Chúa. Làm thế nào chúng ta có thể đi vào mối dây yêu thương và thân thiết bền vững đó? Đức Giêsu, Lời Sự Sống, chỉ cho chúng ta con đường – Hãy giữ lời Ta và các mệnh lệnh của Ta. Nếu anh em ở trong lời Ta, anh em sẽ biết tình yêu của Ta và tình yêu đó sẽ lấp đầy anh em với niềm vui khôn tả – niềm vui bất tận và không phai nhạt (2Pr 1,3.8). Điều răn yêu thương mới Các mệnh lệnh của Đức Giêsu không khó khăn và nặng nề cho những ai biết tình yêu và lòng thương xót của Người. Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Người và biến đổi tâm hồn chúng ta giống như tâm hồn của Người. Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu Thiên Chúa rót vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Đức Giêsu ban cho các môn đệ điều răn mới – cách thức yêu thương mới và sự phục vụ ích lợi được Thánh Thần của Người ban cho. Chúng ta được kêu gọi để yêu thương và phục vụ người khác giống như Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta với sự trắc ẩn, khoan dung, và thương xót chân thành. Đức Giêsu chứng tỏ tình yêu của Người dành cho chúng ta bằng việc hiến mình cho chúng ta, thậm chí chết trên thập giá. Tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa là sự đáp trả lại tình yêu vượt trổi của Người dành cho chúng ta qua ân ban của người Con, Chúa Giêsu Kitô. Làm thế nào để chúng ta minh chứng tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa? Giống cách thức Đức Giêsu đã làm – bằng cách đi theo con đường thánh giá mỗi ngày và mọi ngày. Thánh giá trong cuộc đời tôi là gì? Khi ý tôi đối nghịch với ý Chúa thì ý Chúa phải được thực hiện. Nếu chúng ta đón nhận đường lối yêu thương của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ khám phá ra niềm vui của sự yêu thương, phục vụ, và hiến mình cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mình cho mỗi một người trong chúng ta. Bạn có biết niềm vui được kết hiệp với Chúa Giêsu trong mối dây tình yêu và bình an không chia cắt không? Người bạn của Thiên Chúa Một trong những dấu chỉ đặc biệt của ơn sủng được thể hiện trong Kinh thánh là được kêu gọi làm bạn hữu với Thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi Abraham làm bạn hữu của Người (Is 41,8), và Thiên Chúa nói với Môisen như “nói với bạn mình” (Xh 33,11). Ðức Giêsu, là Chúa và là Thầy, kêu gọi các môn đệ làm bạn hữu thay vì là tôi tớ của Người (Ga 15,15). Là bạn hữu của Thiên Chúa nghĩa là gì? Mối tình bằng hữu chắc chắn đòi hỏi mối quan hệ yêu thương, vượt khỏi những gì chỉ là bổn phận hay trung thành. Kinh thánh nói với chúng ta rằng: Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc, vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em (Cn 17,17).
Đặc điểm mối quan hệ của Ðức Giêsu với các môn đệ chính là tình yêu cá vị và vô điều kiện của Người dành cho họ. Người yêu thương những kẻ thuộc về mình cho đến cùng (Ga 13,1). Người đã yêu thương các môn đệ cách vị tha và quảng đại bởi vì tình yêu của Người hoàn toàn hướng tới lợi ích của người khác. Tình yêu của Người quý giá và là lễ tế – Người không chỉ ban cái tốt nhất mình có, mà còn là tất cả những gì mình có. Người ban chính mạng sống của mình để đem lại sự sống vĩnh cửu của Cha hằng hữu cho những ai tin vào Người.
Ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô thanh tẩy và biến đổi chúng ta
Tình yêu của Đức Giêsu Kitô thúc bách chúng ta dâng hiến điều tốt nhất của mình không chỉ cho Thiên Chúa mà còn cho tha nhân, những người được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa nữa. Tình yêu Thiên Chúa thanh tẩy và biến đổi chúng ta nên giống Đức Kitô. Chúa Giêsu hứa rằng những ai ở trong tình yêu của Người sẽ sinh nhiều hoa trái cho vương quốc của Thiên Chúa –hoa trái sẽ tồn tại đến muôn đời (Ga 15,16). Nếu bạn tìm cách kết hiệp trái tim mình với trái tim Đức Giêsu, bạn sẽ sinh nhiều hoa trái trong cuộc đời – hoa trái niềm vui, bình an, thân thiện, và yêu thương mà tồn tại đến muôn đời (Gl 5,22-23). Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con sinh nhiều hoa trái trong tình yêu, lòng thương xót, khoang dung, và trắc ẩn của Chúa. Chớ gì không có chi trong cuộc đời con ngăn cản con với tình yêu và niềm vui của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn