Thứ Sáu tuần 7 Phục Sinh.
“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”
Lời Chúa: Ga 21, 15-19
Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.
SUY NIỆM 1: Hãy theo Thầy
Suy niệm:
Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ,
một cái hồ mang nhiều tên gọi: hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát.
Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò.
Nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên: Hãy theo Thầy.
Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước
để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nazareth.
Bao lần Thầy trò đi qua cái hồ rộng như biển này.
Sóng gió họ cũng đã gặp, vui buồn họ cũng đã từng.
Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn,
nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình.
Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo.
Có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò.
Ngọn lửa này gợi nhớ đến đống than hồng ở dinh Thượng tế,
nơi Phêrô đã đứng sưởi và đã chối Thầy (Ga 18, 18. 25).
Bây giờ, cũng bên đống than hồng,
Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình.
“Anh có yêu mến Thầy không?”: ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế.
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”: ba lần Phêrô trả lời như thế.
Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu.
Nhưng bây giờ Phêrô khiêm tốn, biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ.
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy”: ba lần Thầy Giêsu đã nói như thế.
Tình yêu dẫn đến sứ mạng chăn dắt đoàn chiên mà Thầy quý chuộng.
Phải yêu Thầy thì mới yêu chiên của Thầy.
Yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng mục tử.
Làm mục tử là tiếp nối công việc của Thầy Giêsu, Mục tử nhân hậu,
nên cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Thầy (cc. 18-19),
chết cho đoàn chiên, chết để tôn vinh Thiên Chúa (c. 19).
“Hãy theo Thầy”, lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại bây giờ.
“Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy.
“Hãy theo Thầy”, sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi Sọ.
“Hãy theo Thầy”, sau những hăng hái nồng nhiệt thuở ban đầu.
“Hãy theo Thầy” để giang tay ra và đến nơi mình không muốn đến.
“Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22, 31-32).
Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu:
Con có mến Thầy không?
Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng,
vì ai trong chúng ta cũng có sứ mạng chăm sóc một nhóm người nào đó.
Xin ơn yêu Giêsu bằng tình yêu thiết thân riêng tư.
Xin ơn theo Ngài vì nghe thấy lời mời gọi vang lên mỗi ngày: Hãy theo Thầy.
Và xin ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: YÊU MẾN HƠN
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Hai người tiền phong. Phê-rô và Phao-lô. Đá Tảng và Trụ Đồng nâng đỡ Giáo hội. Hai tông đồ trưởng. Hai tâm hồn ưu tuyển. Với chỉ một điều kiện: Yêu Mến Hơn.
Chúa Giê-su hỏi Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không”? Đây là lời mời gọi thứ hai. Cách lời mời gọi đầu khoảng 3 năm. Lời mời gọi đầu khi Chúa Giê-su khởi sự đời công khai. Khi Phê-rô còn bồng bột hăng say. Chúa mời gọi ông hãy đi chinh phục: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ lưới người như lưới cá”. Và Phê-rô hăng say đáp trả: “Dù mọi người bỏ Thầy, con quyết không bỏ Thầy”.
Hôm nay lời mời gọi đi vào chiều sâu: Con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không? Chúa cần tình yêu. Tình yêu là đủ. Và Chúa trao nhiệm vụ mới. Không phải đi chinh phục. Nhưng quan tâm chăm sóc đoàn chiên: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Phê-rô thưa lại. Tuy không bồng bột hăng say. Nhưng đầy quyết tâm và sâu lắng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau tất cả những gì đã trải qua, lời đáp trả thật sự sâu lắng, vững chắc, nhưng cũng đầy khiêm tốn. Chúa cũng không úp mở hứa hẹn. Thẳng thắn báo trước cái chết. Nhưng Phê-rô vẫn cương quyết bước theo. Đó chính là tình yêu đã lớn manh. Đã yêu mến hơn.
Thánh Phao-lô cũng đi trên con đường yêu mến hơn. Từ khi được biết Chúa, ngài yêu mến. Đến nỗi cùng chịu đóng đinh với Chúa. Để từ nay không còn sống cho chính mình nữa. Chỉ sống cho Chúa. Để Chúa sống trong ngài. “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách” ngài. Khiến ngài ra đi không ngừng nghỉ. Rao giảng trở thành lẽ sống. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Biết chắc “xiềng xích và Thánh Thần đang chờ đợi”, nhưng ngài luôn hiên ngang tiến bước. Chỉ ước mong được hi sinh cho Chúa và cho anh em: “Tôi hoàn thành nơi thân xác tôi những cực hình còn thiếu sót nơi cuộc khổ nạn của Chúa. Hầu sinh ơn ích cho Giáo hội”.
Hôm nay Chúa đang cần những tâm hồn yêu mến hơn. Chúng ta có quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa không? Hôm nay Chúa cũng muốn hỏi tôi: “Con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không”? Tôi đáp lại thế nào?
SUY NIỆM 3: Cơ hội thứ hai.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi những người trung niên và lớn tuổi được hỏi về những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, họ có hối tiếc gì không, và nếu có cơ hội thứ hai, họ sẽ quyết định như thế nào. Một số người cho biết, họ vẫn làm những gì họ đã chọn lựa. Ngược lại, một số đông cho biết họ đã chọn lựa sai ở một số thời điểm quyết định sự thành bại, và nếu bây giờ có cơ hội thứ hai, họ sẽ chọn lựa khác hẳn.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban cho Phêrô cơ hội thứ hai. Thật thế, trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ: “Tất cả các con sẽ bị vấp ngã vì Ta trong đêm nay”. Nghe thế, Phêrô phản đối và quả quyết: “Cho dù tất cả vấp ngã vì Thày, con sẽ không vấp ngã bao giờ”, nhưng rồi chỉ vài giờ sau đó ông đã nhát đảm chối Thày đến ba lần. Giờ đây, sau khi Phục sinh. Chúa Giêsu đã gặp riêng Phêrô và cho ông cơ hội thứ hai. Chúa hỏi: “Simon, con của Giona, con có mến Ta hơn những người này không?. Phêrô không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: những giọt lệ thống hối chân thành sau khi chối Thày đã không đủ để minh chứng mình yêu mến Thày sao? Nhưng Phêrô đã học được bài học của quá khứ, nhất là bài học khiêm nhường cần thiết để lãnh nhận ơn cứu rỗi mà nhóm Biệt phái không thể lãnh nhận được vì tự cao tự đại. Phêrô đã thưa: “Lạy Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày”. Ba lần hỏi dẫn đến ba câu trả lời cùng một nội dung, nhưng không phải là để bù đắp cho ba lần chối Thày trước đây, mà là một đòi hỏi tiên quyết là tuyên xưng lòng yêu mến. Sau đó, Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội, Phêrô đã sống đến tận cùng cơ hội thứ hai và đã sẵn lòng chết vì niềm tin của mình.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần mà là nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải thành tâm nhìn nhận tội lỗi, xin ơn tha thứ và bắt đầu lại. Do đó mối hiểm nguy là do chúng ta tự định giới hạn cho lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, mà không xin Ngài một cơ hội khác. Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai đã phản bội Thày trong cùng một ngày, nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại, còn Phêrô đã tận dụng cơ hội được ban cho và đã toàn thắng.
Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ra lòng nhân từ vô biên của Chúa, để chúng ta luôn khiêm nhường chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã, và xin Chúa ban cho chúng ta trung thành với ơn Chúa cho đến cùng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Lãnh trọng trách
Mùa phục sinh sắp hoàn tất. Suốt mùa, chúng ta được Đức Kitô giáo huấn. Lời Người rao giảng cho chúng ta mỗi ngày giúp chúng ta gắn bó hơn với Người trong cuộc đời Kitô hữu đã rửa tội và được sống lại.
Sau phần giáo huấn của Đức Kitô, có lẽ chúng ta sẵn sàng gắn bó sâu hơn với Người. Nhận biết như Chúa là luôn luôn tiến sâu nữa. Hôm nay, chúng ta sẵn sàng trả lời những câu hỏi của Đức Giêsu như thánh Phê-rô đã đáp lời Người: “Si-mon, con ông Gio-na, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Anh đã học biết Thầy, Thầy đã giới thiệu anh với Cha Thầy, bây giờ anh biết kế hoạch cứu độ loài người, Thầy yêu anh, Thầy đã tha thứ cho anh: vậy “Anh có mến Thầy không?”
“Thưa Thầy, Thầy biết con mến Thầy”, ba lần Phê-rô đã quyết hứa lòng mộ mến Thầy. Tuy nhiên, Đức Giêsu không dừng lại đây, Người nhấn mạnh Phê-rô phải lãnh trọng trách đối với những người khác: “Để chứng tỏ anh mến Thầy là anh phải yêu mến anh em”. Thánh Gio-an đã quả quyết: “Ai quả quyết mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối?”.
Lãnh trọng trách còn đi xa hơn nữa: mỗi lần gắn bó với ai, luôn luôn hy sinh sức khỏe, tự ái, tự do của mình cho người ấy: “Anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn đến”.
Tình yêu Đức Giêsu luôn luôn kêu gọi ta từ bỏ, hy sinh đến chết. Yêu người khác đến độ trở nên tôi tớ để làm theo ý muốn của họ, đáp lại mọi ước ao của họ. Tình yêu phải chịu lệ thuộc.
Chúng ta đã được Đức Giêsu giáo huấn, được Ngài dẫn vào hiệp thông với Chúa Cha. Chúng ta đã học yêu mến Chúa. Bây giờ chúng ta hãy chọn: chúng ta có biết tự giữ lấy mọi lời đó cho mình không? Tình yêu mến Chúa của chúng ta chỉ là một thứ tình cảm chóng qua hay là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta phục vụ.
CG.
SUY NIỆM 5: Yêu thương vô điều kiện
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ như một người bình thường trên Biển Hồ Tiberia. Ngài giúp cho các môn đệ bắt được nhiều cá và sau khi ăn sáng xong với các môn đệ, Chúa Giêsu liền hỏi ông Phêrô: “Này anh Phêrô, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Chúa hỏi ông Phêrô đến ba lần, điều này khiến ông đau lòng vì nhắc ông nhớ tới việc đã công khai chối Thầy đến ba lần. Và trước mặt Chúa, Phêrô đã khẳng định với Ngài rằng ông yêu mến Ngài hơn các môn đệ khác. Chỉ trong lúc đó Phêrô mới hiểu rằng tình yêu của Thầy đổ tràn lên ông hơn là tình yêu của ông đối với Thầy. Trước đây, Phêrô đã từng hùng hồn tuyên xưng trước các môn đệ khác rằng: “Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Nhưng sau kinh nghiệm cay đắng vì sự phản bội của mình, Phêrô ý thức về sự yếu đuối của mình để hiểu rằng ông phải hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa chứ không ở khả năng của mình, vì thế mà Phêrô đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Chúa Giêsu, trước khi giao phó Giáo Hội của Ngài cho Phêrô chỉ đòi hỏi ở ông duy nhất một điều kiện, đó là tuyệt đối yêu mến Ngài. Chúa không đòi hỏi người môn đệ khả năng xuất chúng để lèo lái Giáo Hội, cũng như trí thông minh phi thường để đối phó với các thử thách mà Ngài chỉ đơn giản hỏi ông: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Thánh Gioan cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đã chọn ông Phêrô làm người đứng đầu Hội Thánh không phải vì ông yêu mến Chúa hơn các môn đệ khác, nhưng vì Chúa Giêsu đã đặt ông đứng đầu Hội Thánh nên ông phải yêu Chúa và yêu các môn đệ nhiều hơn cũng như cần phải trung thành nhiều hơn nữa.
Phêrô hiểu rằng cội nguồn của tình yêu không tới từ ông mà đến từ Chúa khi Ngài hỏi ông: “Anh có mến Thầy không?” Chúa Giêsu chính là cội nguồn của lòng nhân ái và Ngài muốn trao ban tình yêu đó cho Phêrô. Chúa Giêsu không chỉ hỏi ông Phêrô câu hỏi này, nhưng Ngài còn hỏi tất cả chúng ta và Ngài muốn trao ban cho chúng ta món quà quí giá đó. Chúng ta mang trong trái tim ước mơ yêu thương Thiên Chúa nhưng nhiều lúc tình yêu đó hời hợt vì bản chất chúng ta yếu đuối và bất trung, và đôi khi chúng ta lại còn nghi ngờ Ngài. Nhưng chính Chúa đã cho Phêrô và cả chúng ta cơ hội để trả lời Ngài: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yêu Chúa không phải vì chúng con hoàn hảo, mà vì Chúa đã yêu thương chúng con một cách nhưng không. Chúng con là những kẻ bất trung, còn Chúa thì luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Khi Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy”, Ngài loan báo cái chết tử đạo của ông vì đi theo Chúa tức là vác thập giá để theo Ngài, có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn chính mình và hy sinh cả mạng sống mình vì Nước Trời. Chúa Giêsu là người yêu chúng ta trước nhất, Ngài yêu chúng ta một cách vô điều kiện. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hồng ân là được theo Ngài và chịu chết tử đạo để làm vinh danh Ngài như thánh Gioan đã viết trong bài Phúc Âm hôm nay: “Người nói vậy có ý ám chỉ ông Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Ngài đã cho Phêrô hiểu thế nào là một tình yêu hoàn hảo, đó là dâng hiến chính mạng sống của mình cho Thiên Chúa và tha nhân, và biết hướng về tình yêu của Thiên Chúa bằng với tất cả lòng tin cậy. Ðiều đó cũng nhắc nhở với chúng ta là các hoạt động tông đồ trước hết phải đặt nền tảng trên tình yêu gắn bó với Chúa, để sau đó loan truyền tình yêu của Ngài cho những người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện qua việc yêu mến tha nhân, và xin giúp cho chúng con yêu họ một cách cụ thể bằng việc quan tâm đến những niềm vui cũng như nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 6: CÓ YÊU THÌ MỚI CHU TOÀN (Ga 21, 15-19)
Khi nói về tình yêu, nhạc sĩ Nguyễn Duy đã có một bài hát mang tên: “Xin định nghĩa tình yêu”, trong đó có đoạn:
“Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu [...]. Yêu: xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”.
Lời bài hát trên mang đậm chữ “yêu”. Thật vậy, con người nếu không có tình yêu, hỏi rằng chúng ta có thể sống có ý nghĩa được chăng? Thưa không! Chỉ có tình yêu, con người mới làm cho cuộc đời này chan chứa niềm vui, dẫu vẫn còn đó khổ đau, bất hạnh, hiểu lầm...
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao phó quyền chủ chăn cho Phêrô. Biết được vai trò, sứ mạng và những khó khăn mà ông sẽ đón nhận từ mình, nên Đức Giêsu đã cật vấn ông tới ba lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?". Có lẽ Đức Giêsu hỏi ông như thế là vì muốn ông từ nay phải trở nên người trưởng thành thực sự chứ không phải như những lần trước, vừa mới thề sống chết với Thầy, rồi sau đó lại chối Thầy vì sợ liên lụy. Ý thức được điều đó, nên ông đã tỏ ra buồn rầu và xấu hổ.
Tuy nhiên, sứ vụ mà ông sắp đón nhận là một cuộc hành trình đầy cam go, cần phải có tình yêu đủ lớn thì mới có thể chung chia sứ vụ với Thầy được.
Thật vậy, Phêrô đã ý thức điều đó, và ông đã tuyên xưng mạnh mẽ với đầy tràn tình yêu và Thần Khí Thiên Chúa trong mình: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy".
Ngày nay, Chúa cũng trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho các mục tử trong Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài trở nên những mục tử “như lòng Chúa mong ước”. Trở nên những mục tử không chỉ “biết” mà còn “ngửi thấy mùi chiên”.
Bên cạnh đó, trong chức tư tế phổ quát, mỗi người chúng ta cũng đều là mục tử khi được tham dự vào chức tư tế độc nhất của Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội, vì thế, chúng ta cũng không ngừng vươn tới mẫu gương của Đức Giêsu là mục tử nhân lành để noi theo và sống ơn gọi bằng cách chu toàn bổn phận của mình trong lòng mến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho hết mọi thành phần dân Chúa, dù trong vai trò gì, cũng luôn biết lấy tình yêu làm lẽ sống, để qua đó, mỗi người sẽ được sống trong một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 7: Phêrô -- sứ mệnh mục tử
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Cũng như Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao cho sứ mệnh mục tử để chăn dắt đoàn chiên Chúa, mỗi người Kitô hữu cũng được Chúa trao sứ mệnh mục tử trong phạm vi và khả năng của mình. Nhưng trước hết, Chúa đòi phải có lòng yêu mến và sự hy sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã trao cho Thánh Phêrô sứ mệnh mục tử, thay mặt Chúa chăn dắt đoàn chiên, dù trước đó Ngài đã ba lần chối Chúa. Chúa đã cho biết rõ Ngài yếu đuối nhưng Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Chúa chỉ đòi hỏi Ngài lòng yêu mến Chúa, một lòng yêu mến đặc biệt, yêu mến Chúa hơn mọi người, yêu mến đến độ dám hy sinh cả mạng sống.
Ngày nay, Chúa vẫn yêu thương và tin tưởng chúng con. Chúa trao cho mỗi người trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa: là cha xứ đối với giáo xứ, là cha mẹ đối với con cái, là anh chị đối với đàn em, là người trên đối với người dưới, là người giàu đối với người nghèo, là người khoẻ mạnh đối với người yếu đau… Mỗi người chúng con đều có sứ mệnh của người mục tử. Chúa tin tưởng và trao phó sứ mệnh mục tử cho chúng con, dù Chúa biết rõ chúng con đã từng phạm tội, chỉ là kẻ tài hèn sức mọn.
Lạy Chúa, chỉ có lòng yêu mến Chúa thật mới giúp con có đủ khả năng để thay mặt Chúa chăm sóc anh chị em. Xin Chúa đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa nồng nàn để trong mọi hoàn cảnh, con luôn hết lòng chu toàn sứ mệnh ấy. Xin ban thêm lòng yêu mến Chúa cho con, để dù trong lúc khó khăn, con luôn biết hy sinh sức lực, khả năng, thời giờ và ngay cả mạng sống, để phục vụ những người mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”
SUY NIỆM 8: Chăn dắt các chiên của Thầy
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trong thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sau này, giảng lễ gợi hứng từ Tin Mừng Ga 21,15-19, và tập trung vào lời Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).
Đức Hồng y Joseph Ratzinger, suy tư và khai triển tiếng gọi của Chúa Giêsu cho Phêrô “Hãy theo Thầy”, tiếng gọi này nhưng cũng xuyên suốt cuộc đời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đấng kế vị Phêrô, từ khi lãnh tác vụ linh mục giữa thời chiến tranh, tiếp đến sứ vụ Giám mục trong thời kỳ bức màn sắt, cho đến khi lên ngôi Giáo hoàng như lời Chúa uỷ thác: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Suy niệm
Câu hỏi của Thầy Giêsu hỏi Phêrô ba lần liên tiếp: “Con có yêu mến Thầy….?”, sự đáp trả với lòng xác tín của ông cũng ba lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy” và trách nhiệm cũng được trao ba lần qua mệnh lệnh: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy” (x. Ga 21,15-17). Như một sự tín nhiệm của Thầy dành cho Phêrô dù ông là môn đệ đã từng chối Thầy. Sự việc và cuộc đàm đạo của Thầy trò làm nổi bật mối tương quan giữa tình yêu và trách nhiệm qua lời tuyên tín của Phêrô “con yêu mến Thầy” và mệnh lệnh Chúa Giêsu trao phó “chăn dắt các chiên con của Thầy”. Trong ánh sáng Phục sinh, tình yêu làm gia tăng sự trách nhiệm và từ trong tinh thần trách nhiệm, tình yêu đổi mới, thăng tiến nhân loại theo hướng tích cực như lời nguyện ước: “Xin tình yêu làm thay đổi thế giới”. Sự giao thoa và liên hệ giữa lời cầu nguyện với hình ảnh đáp trả tình yêu của Phêrô làm tôi hiểu thêm về lời cầu nguyện và càng hiểu sâu xa hơn ý nghĩa tuyên xưng tình yêu của Phêrô với trách nhiệm được giao.
Khi trao cho Phêrô đảm đương trách nhiệm Giáo hội, lòng ước ao của Thầy nơi ông có một tình yêu mãnh liệt với Thầy thể hiện qua sự tận tụy với anh em mà Phêrô có trách nhiệm chăm sóc. Tình yêu với Thầy qua sứ mạng mà ông gánh vác. Ông đã đảm đương nhiệm vụ cách quảng đại và anh hùng, điều này đã được chứng minh bằng chính cuộc đời của vị thủ lãnh mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn và tiên báo: “Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19). Phêrô đã yêu và vinh danh Thầy qua cái chết trên thập giá nơi đồi Vatican vì tình yêu mà ông đã tuyên xưng.
Trách nhiệm của Phêrô được giao không chỉ là kết quả của lời đáp trả ngắn gọn “con yêu mến Thầy”. Lời tuyên tín và trách nhiệm của Phêrô đã được chuẩn bị suốt hành trình rao giảng của Đức Kitô. Với Tin Mừng Gioan 21,15-19, trách nhiệm được đặt dấu ấn của niềm tin Phục sinh làm sống dậy tình yêu, lòng nhiệt thành và trách nhiệm trong mọi khoảnh khắc của thời gian, có giá trị vĩnh cửu vì được sự chết và phục sinh của Đức Kitô thánh hóa. Thầy Giêsu đã chuẩn bị trước cho Phêrô nhiệm vụ “chăm sóc đoàn chiên” ngay vào giây phút đầu tiên ông gặp gỡ và theo Chúa qua sự giới thiệu của người em là Anrê, chính Chúa đã gieo vào tâm hồn ông ý niệm trách nhiệm: “Anh sẽ được gọi là Phêrô” (Ga 1,42) và “trở nên kẻ chài lưới người” (Lc 5,10). Trách nhiệm “chài lưới người” cũng được Chúa đào tạo cho ông cách tiệm tiến xuyên qua nhân cách của ông: quảng đại nhiệt thành tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Chân thành ý thức bản thân khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8); Ông yếu đuối chối Thầy ba lần khi Đức Giêsu bị bắt (x. Ga 18,17-27).
Phêrô đã tuyên tín tình yêu và lãnh nhận trách nhiệm…
Thế giới hôm nay ở bất cứ chân trời nào cũng đều có nhu cầu của trách nhiệm trong tình yêu: yêu nghề nghiệp vì đó là sứ mệnh được Thầy Giêsu giao; yêu anh em đồng loại làm cho người đảm đương công việc trong trách nhiệm hơn. Tất cả quy tụ về Đức Kitô, Đấng đã truyền cho chúng ta trách nhiệm dấn thân như Người đã nói với Phêrô: “Con hãy theo Thầy” (Ga 21,19), theo Thầy trên mọi nẻo đường của cuộc sống, theo Thầy khi gánh vác trách nhiệm trong công việc mà tôi và bạn đang đảm đương.
Ý lực sống:
“Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15.17).
SUY NIỆM 8: Chúa trao quyền chăn dắt cho Phêrô
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, lần này Chúa hiện ra với các môn đệ tại bờ hồ Tibêriat và trong lần này Chúa trao cho Phêrô được quyền tuyệt đối trong Hội thánh và nói tiên tri về đời sống của ông.
2. Trước khi trao quyền trông coi Giáo hội cho Phêrô, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không”? Câu hỏi được lặp đi lặp lại để Phêrô phải suy nghĩ, lựa chọn và xác định tầm quan trọng của vấn đề. Để thi hành sứ vụ, Phêrô cũng như các môn đệ, phải có lòng yêu mến thiết tha, vì có yêu Thầy tha thiết, thì mới chăm sóc được đoàn chiên của Thầy.
Mỗi người chúng ta được sống trong những môi trường khác nhau, với sứ vụ khác nhau trong công cuộc xây dựng Nước Trời tại thế, chúng ta cũng phải có một tình thương! Vì tình thương xóa bỏ hận thù, là mối dây liên kết mọi điều thiện hảo.
3. Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô tới ba lần như vậy? Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng: Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.
Có những tác giả khác cho rằng: Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phêrô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.
Một số người khác lại cho rằng: Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ”ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phêrô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác,
Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phêrô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.
Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phêrô: giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ: giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (Lm Phạm văn Phượng).
4. Khi thiết lập người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng ba lần chối Chúa. Nếu xét theo cái nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Ngài. Thiên Chúa đi tìm chiên lạc thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi, nhưng quan trọng là: “Này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.
5. “Người nói vậy... Hãy theo Thầy”.
Câu này giải thích ý nghĩa lời của Chúa Giêsu trong câu 18: đó là cuộc tử đạo của Phêrô. Kiểu nói “anh sẽ phải giang tay ra”: có thể ám chỉ đến khổ hình thập giá mà Phêrô sắp phải chịu vào cuối đời
Và Chúa thêm: “Hãy theo Thầy”: Hẳn là Chúa muốn nhắc lại lời trước đây: Khi người bảo Phêrô: “Nơi Thầy đi, nay con không theo được, nhưng sau này con sẽ theo” (Ga 13,16), thì từ nay, Phêrô theo thật, nghĩa là Phêrô cùng chịu chết trên thập giá.
Truyện: Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:
- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
- Không.
- Vậy anh hãy theo ta.
Đó cũng là câu Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).
6. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã trực tiếp ban quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa chính thức trao cho ông quyền thủ lãnh trên Tông đồ đoàn và trên cả Giáo hội của Ngài. Chúng ta là những tín hữu trong Giáo hội, chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận vai trò Chúa ban cho mỗi vị Chủ chăn, và trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa đang lãnh đạo Giáo hội qua những vị đó. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình con thảo mà yêu mến, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.
7. Truyện: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó?
Người ấy trả lời: “Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”.
Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy nên ông xin được chết trên Thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Ông thực hiện đúng lời của Chúa: “Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).
Suy niệm
1. Ơn huệ lương thực (c. 15a)
Trước khi, tường thuật cuộc đối thoại “riêng tư” (x. Ga 21, 20) về tình yêu và sứ mạng của Đức Giê-su và ông Phê-rô, thánh sử Gioan cẩn thận nhắc lại ơn huệ bữa ăn trên bãi biển:
Khi các môn đệ ăn xong. (c. 15a)
Bữa ăn trên bãi biển nhắc nhớ bữa ăn hàng ngày của Đức Giê-su và các môn đệ: “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 25). “Bánh Hằng Ngày”, Chúa ban từ thuở tạo thiên lập địa và trong suốt dòng lịch sử. Cách đặc biệt, “Ơn Huệ Bánh” nhắc nhớ tình yêu đến cùng” của Đức Ki-tô Thánh Thể và Chịu Đóng Đinh.
Như thế, Tình yêu của thánh Phê-rô dành cho Đức Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh, dựa trên tình yêu và lòng thương xót của chính Người.
2. Tình yêu và sứ mạng (c. 15b-17)
a. Tình yêu
Dùng bữa xong, Đức Ki-tô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phê-rô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.
Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, vì sau đó, theo lời kể của thánh sử Gioan: “Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Đức Ki-tô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.
Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Đức Giêsu còn “thâm” hơn khi kín đáo nhắc lại một chuyện khác, một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “dù mọi người sa ngã vì Thầy, con sẽ không sa ngã!”
Ông Phêrô đã hiểu “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Không chỉ là tình yêu đậm đà lúc này, nhưng quá khứ thăng trầm của tình yêu này và tương lai đầy bất trắc của tình yêu này (truyền thuyết Quo vadis).
Tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta có với Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.
Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng tảng đá Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho chúng ta, các linh mục và tu sĩ nam nữ của Giáo Hội. Quên điều này, chúng ta sẽ không thể chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.
Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến hơn là “tuyên xưng đức tin” ở bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.
Trong câu hỏi của Đức Giêsu, Người dủng cả hai động từ “mến” (agapas) và “yêu mến” (phileis). Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, tình yêu người môn đệ dành cho Chúa phải là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu xuất phát từ tình yêu của chính Thiên Chúa, được bày tỏ ra cách viên mãn nơi Đức Ki-tô, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu, không phải để loại trừ nhưng mang lại ý nghĩa, định hướng và làm cho viên mãn mọi tình yêu.
b. Sứ mạng
Sứ mạng: chăm sóc chiên con của Thầy; chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: hãy là mục tử cho chiên của Chúa); và chăm sóc chiên của Thầy. Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”; trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Chúng ta có thể dừng lại để đi vào ý nghĩa của hai động từ: chăm sóc, hãy là mục tử. Cách tốt nhất là chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.
Đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của mình. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thế được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.
3. “Hãy theo Thầy” (c. 18-19)
Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Đức Giê-su nói về số phận của thánh Phê-rô:
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. (c. 18)
Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Đức Ki-tô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phê-rô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua.
Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phê-rô, và mỗi người chúng ta bây giờ là:
“Hãy theo Thầy !” (c. 19)
Chúng ta được mời gọi theo Chúa trong tình yêu tín thác, vì Chúa biết mọi sự (tình yêu và cuộc đời sẽ đến của chúng ta), và Chúa cũng đã trải qua mọi sự, để có thể yêu thương và bao dung chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Friday (May 1): “Do you love Jesus more than these?”
Scripture: John 21:15-19 15 When they had finished breakfast, Jesus said to Simon Peter, “Simon, son of John, do you love me more than these?” He said to him, “Yes, Lord; you know that I love you.” He said to him, “Feed my lambs.” 16 A second time he said to him, “Simon, son of John, do you love me?” He said to him, “Yes, Lord; you know that I love you.” He said to him, “Tend my sheep.” 17 He said to him the third time, “Simon, son of John, do you love me?” Peter was grieved because he said to him the third time, “Do you love me?” And he said to him, “Lord, you know everything; you know that I love you.” Jesus said to him, “Feed my sheep. 18 Truly, truly, I say to you, when you were young, you girded yourself and walked where you would; but when you are old, you will stretch out your hands, and another will gird you and carry you where you do not wish to go.” 19 (This he said to show by what death he was to glorify God.) And after this, he said to him, “Follow me.” |
Thứ Sáu 21.5 Anh có yêu mến Chúa Giêsu hơn những người này không?
Ga 21,15-19 15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.” |
Meditation:
The Lord Jesus asked Simon Peter and he asks each one of us a very personal and profound question – do you love me more than anything else that might be very dear to you? How can the love of Jesus Christ be so attractive and so costly at the same time? Jesus on many occasions spoke to his disciples about the nature of God’s unquenchable love. God is love (1 John 4:16) because he is the creator and source of all that is true love. His love is unconditional, unmerited, and unlimited. We can’t buy it, earn it, demand it. It is a pure gift, freely given, and freely received. God’s love doesn’t change or waver. It endures because it is eternal and timeless. It’s the beginning and the end – the purpose for which God created us and why he wants us to be united with him in a bond of unbreakable love. And it’s the essence of what it means to be a son or daughter of God the eternal Father. Love gives all for the good of others The Lord Jesus shows us that love is a personal choice and a gift freely given – it is the giving of oneself to another person for their sake. Unselfish love is oriented wholly to the good of the other person for their own welfare and benefit. John the Evangelist tells us that “God so loved the world that he gave us his only-begotten Son” (John 3:16) who took on human flesh for our sake and who died upon the cross for our salvation – to set us free from the power of sin so that we might receive abundant everlasting life and peace with God. God’s love heals and transforms our lives and frees us from fear, selfishness, and greed. It draws us to the very heart of God and it compels us to give him the best we have and all we possess – our gifts, our time, our resources, our full allegiance, and our very lives. Paul the Apostle tells us that God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit which has been given us (Romans 5:5). What can quench such love? Certainly fear, sin, pride, indifference, disbelief, and the loss of hope and trust in God’s promises and his mercy towards us. Do you love me more than these? Why did Jesus question Peter’s loyalty and love three times in front of the other apostles? It must have caused Peter great pain and sorrow since he had publicly denied Jesus three times during the night of Jesus’ betrayal and condemnation by the religious authorities who had sought to kill him. Now Peter, full of grief and deep remorse, unequivocally stated that he loved his master and was willing to serve and obey him whatever it might cost. When Jesus asks him “do you love me more than these?” Jesus may have pointed to the boats, fishing nets, and catch of fish from the night’s work. He may have challenged Peter to abandon his work as a fisherman for the task of shepherding the community of God’s people. Jesus may have also pointed to the other disciples and to Peter’s previous boast: “Though they all fall away because of you, I will never fall away” (Matthew 26:33). Peter now makes no boast or comparison but humbly responds: “You know that I love you.” We love because he loved us first The Lord Jesus calls each one of us, even in our own weakness, sins, and failings, to love him above all else. Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) in his Confession wrote: “Late have I loved you, O Beauty so ancient and so new. Late have I loved you! …You shone your Self upon me to drive away from my blindness. You breathed your fragrance upon me… and in astonishment, I drew my breath…now I pant for you! I tasted you, and now I hunger and thirst for you. You touched me! – and I burn to live within your peace” (Confession 10:27). Nothing but our own sinful pride and stubborn wilfulness can keep us from the love of God. He loved us first and our love for him is a response to his exceeding graciousness and mercy towards us. Do you allow God’s love to fill your heart and transform your life? “Lord Jesus, inflame my heart with your love and burn away everything within it that may be unloving, unkind, ungrateful, unholy, and not in accord with your will. May I always love what you love and reject what is contrary to your love and will for my life.” |
Suy niệm: Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô và Người cũng hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi thật riêng tư và sâu sắc – anh có yêu mến Thầy hơn bất cứ điều gì khác có thể anh rất yêu thích không? Làm thế nào tình yêu của Ðức Giêsu Kitô quá hấp dẫn và quá đắt giá cùng một lúc? Vào nhiều dịp, Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ về bản chất của tình yêu bền vững của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16) bởi vì Người là Ðấng Tạo Hóa và là nguồn mạch của tất cả tình yêu đích thật. Tình yêu của Người vô điều kiện, không sánh, và không giới hạn. Chúng ta không thể mua được nó, chiếm hữu nó, yêu cầu nó. Nó là một ân huệ thuần túy, được ban cách nhưng không, và đón nhận cách nhưng không. Tình yêu của Thiên Chúa không thay đổi hay dao động. Nó tồn tại bởi vì nó vĩnh cửu và vô tận. Nó là sự khởi đầu và là sự kết thúc – mục đích mà Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta và tại sao Người muốn chúng ta kết hiệp với Người trong một mối dây tình yêu không chia cắt. Và nó là bản chất của những gì ý nghĩa được làm con cái của Thiên Chúa Cha hằng sống. Tình yêu cho đi tất cả vì lợi ích người khác Chúa Giêsu bày tỏ với chúng ta rằng tình yêu là sự lựa chọn cá vị và là một ân huệ được ban nhưng không – đó là sự trao ban chính mình cho người khác vì lợi ích của họ. Tình yêu vị tha hoàn toàn hướng về lợi ích của người khác vì hạnh phúc và lợi ích của chính họ. Thánh Gioan thánh sử nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi Người ban cho chúng ta Con yêu dấu của Người” (Ga 3,16) Ðấng đã mặc lấy xác phàm vì chúng ta và đã chết trên thập giá vì phần rỗi chúng ta – để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi để chúng ta có thể đón nhận cuộc sống và bình an sung mãn tồn tại muôn đời với Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa chữa lành và biến đổi cuộc đời chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi, ích kỷ, và tham lam. Nó lôi kéo chúng ta đến cõi lòng Thiên Chúa và thúc bách chúng ta dâng cho Người điều tốt nhất chúng ta có và tất cả mọi thứ chúng ta sở hữu – những ân huệ, thời gian, tài nguyên, sự trung thành tuyệt đối, và chính cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô Tông đồ nói với chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa rót vào lòng chúng ta ngang qua Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho chúng ta (Rm 5,5). Điều gì có thể giết chết tình yêu như thế? Chắc chắn là sự sợ hãi, tội lỗi, kiêu căng, thờ ơ, vô tín, và đánh mất niềm hy vọng và tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa và lòng thương xót dành cho cta. Anh có yêu mến Thầy hơn những người này không? Tại sao Ðức Giêsu chất vấn tình yêu và lòng trung thành của Phêrô ba lần trước mặt các Tông đồ khác? Nó phải gây cho Phêrô nỗi đau buồn, vì ông đã công khai khước từ Ðức Giêsu ba lần trong đêm Đức Giêsu bị phản bội và bị các nhà cầm quyền tôn giáo lên án và tìm cách giết chết Người. Giờ đây Phêrô, tràn đầy sự thống hối và khiêm tốn, rõ ràng tuyên bố rằng ông yêu mến Thầy mình và sẵn sàng phụng sự Người cho dù phải trả giá thế nào đi nữa. Khi Ðức Giêsu hỏi ông “Anh có yêu mến Thầy hơn những điều này không?” Ðức Giêsu có thể nhắm tới những thuyền bè, lưới cá, và nghề ngư phủ. Người có thể thách đố Phêrô từ bỏ công việc của mình là ngư phủ để cho công việc chăm sóc dân Thiên Chúa. Ðức Giêsu cũng có thể nhắm tới các môn đệ khác và tới lời khoe khoang của Phêrô trước đó: “Cho dẫu tất cả mọi người vấp ngã vì Thầy, con sẽ không bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Giờ đây Phêrô không còn khoác lác hay so sánh, nhưng khiêm tốn trả lời: “Chúa biết con yêu mến Chúa.” Chúng ta yêu vì Người đã yêu cta trước Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta, thậm chí trong sự yếu đuối, tội lỗi, và thất bại của chúng ta, để yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thánh Augustine trong tác phẩm Tự thuật đã viết: “Con yêu mến Chúa quá muộn, ôi Vẻ đẹp rất cũ và rất mới. Con yêu mến Chúa quá muộn!… Chúa tỏa sáng chính mình trên con để xua tan sự mù quáng của con. Chúa thổi hương thơm ngát của Chúa trên con… và trong sự sững sốt con hít thở… Giờ đây con hít thở cho Chúa! Con cảm nếm Chúa, và giờ đây con đói khát Chúa. Chúa chạm đến con! Và con khao khát sống trong sự bình an của Chúa” (Tự thuật 10,27). Không có gì ngoài sự kiêu căng tội lỗi và sự ngoan cố của chúng con mới có thể ngăn cản chúng con khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Người yêu mến chúng ta trước, và tình yêu của chúng ta dành cho Người là sự đáp trả trước lòng quảng đại và thương xót vô cùng của Người dành cho chúng ta. Bạn có để cho tình yêu Thiên Chúa thay đổi và biến đổi lòng bạn không? |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn