Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh.
"Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy".
Lời Chúa: Ga 15, 26-16, 4
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu.
Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con".
SUY NIỆM 1: Làm chứng về Thầy
Suy niệm:
Chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần
trước một cuộc tĩnh tâm, một hội nghị hay một cuộc gặp gỡ tìm ý Chúa.
Thánh Thần cho ta ánh sáng để quyết định.
Nhưng Thánh Thần cũng là Đấng ban sức mạnh đỡ nâng,
nhất là lúc Giáo Hội gặp gian nan thử thách.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của sự bách hại.
Các môn đệ sẽ bị ghét bỏ, bắt bớ (Ga 15, 18-20).
Hơn nữa, họ còn bị trục xuất khỏi hội đường và bị giết (Ga 16, 2).
Sau khi Đức Giêsu về trời, ai sẽ là người đứng ra bảo trợ họ?
Ai sẽ là người giúp họ can đảm để làm chứng cho Đấng phục sinh?
Đức Giêsu trả lời: chính Thánh Thần, Đấng mà Ngài sai đến từ nơi Cha.
Thánh Thần từ từ tỏ mình ra như một Đấng, một ngôi vị có thực,
đang hiện diện trong lòng từng Kitô hữu và trong cộng đoàn.
Thánh Thần là Đấng ở với anh em,
ở giữa anh em và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).
Như thế Đức Giêsu thực sự chẳng lìa xa chúng ta.
Ngài vẫn hiện diện liên tục bên chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài sai đến.
Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sâu xa về Đấng Bảo trợ này,
đặc biệt trong giai đoạn bị bách hại.
Stêphanô là người đầy Thánh Thần (Cv 6, 5).
Khi ông tranh luận với những người Do thái cứng lòng,
Thánh Thần đã ban cho ông lời lẽ khôn ngoan không ai địch nổi (Cv 6, 10).
Trong Thánh Thần, ông đã làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh,
Đấng đang đứng bên hữu Thiên Chúa (Cv 7, 55-56).
Chính lời chứng này đã đưa ông đến cái chết tử đạo đầu tiên.
Cái chết của Stêphanô nhắc ta nhớ lời hứa của Đức Giêsu.
Giờ bị thẩm tra là giờ thánh, giờ làm việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi đứng trước các nhà lãnh đạo, Đức Giêsu khuyên ta đừng lo phải nói gì,
“vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết điều phải nói” (Lc 12,12),
đến nỗi “không phải chính anh em nói,
mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 20).
Cái chết của bất kỳ vị tử đạo nào cũng là một sự kết hợp diệu kỳ
giữa lời chứng bằng máu của họ với lời chứng của Thánh Thần ở trong họ.
“Người sẽ làm chứng về Thầy, anh em cũng làm chứng
vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27).
Chẳng bao giờ các Kitô hữu hết gặp khó khăn khi còn sống ở đời này,
hết phải làm chứng cho Đức Giêsu trước một thế giới thù nghịch.
Chẳng phải bách hại chỉ có dưới thời các vua triều Nguyễn.
Cuộc sống tiện nghi, dễ chịu thời nay cũng là một thứ bách hại nhẹ nhàng,
khiến nhiều Kitô hữu bị vướng vào và dễ dàng bước qua thập giá.
Xin Thánh Thần thêm sức cho ta khi ta phải lội ngược dòng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu,
xin ban cho con
một thời để yêu và một thời để sống;
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý
và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống
để mỗi giây phút sống
con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng,
xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một:
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen. (NNS)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý. Hai chức năng quan trọng và rất cần thiết cho thời đại chúng ta.
Chúng ta cần Đấng Bảo Vệ vì chúng ta không ngừng bị tấn công. Mà không có phương tiện gì chống trả hay tự vệ. Chúa Giê-su đã từng bị tấn công rồi. Sau đó Giáo hội liên tục bị như thế. Bắt bớ 3 thế kỷ ở Rô-ma. Bắt bớ 3 thế kỷ tại Việt nam. Ngày nay các thừa sai vẫn bị giết. Nhiều cộng đoàn Kitô hữu vẫn bị ngược đãi. Ngày nay các cuộc tấn công còn tinh vi bạo tàn hơn nữa. Vì không tấn công thể lý nữa, nhưng tấn công luân lý. Người ta tố cáo Giáo hội ngược đãi trẻ em. Trọng nam khinh nữ. Ràng buộc lương tâm khiến con người không được hạnh phúc…
Chúng ta cần Thần Chân Lý vì kẻ tấn công nguy hiểm nhất chính là sự gian dối. Những đánh tráo khái niệm. Những từ ngữ hoa mỹ phỉnh gạt. Phá thai thì gọi là pro choice. Tôi có quyền lựa chọn nhưng sao không cho bào thai có quyền được sống.
Sự thật trần gian đã khó biết. Sự thật Nước Trời còn khó nhận hơn. Và Chúa kêu gọi chính chúng ta phải cùng với Thần Chân Lý làm chứng cho sự thật. Sự thật về Thiên Chúa, về Nước Trời có thực sự chiếu tỏa nơi ta hay không? Ta có sống thật vui tươi vì cảm nghiệm hạnh phúc Nước Trời trong một đời sống quên mình, nghĩ đến người khác không?
Cộng đoàn tín hữu sơ khai đã sống sự thật theo Thần Chân Lý. Nên thánh Phao-lô không còn tha thiết gì với những gì xưa kia ngài coi là lợi lộc nữa. Sau khi gặp Chúa Giê-su Phục sinh ngài chỉ còn biết một mình Chúa và coi đây là mối lợi lớn lao nhất. Ngài đi tìm dấu vết những người tin Chúa để cùng hợp đoàn với họ. Ngài không còn sống theo xác thịt nữa, chỉ theo Thần Chân Lý hướng dẫn.
Bà Ly-đi-a cũng để cho Thần Chân Lý hướng dẫn nên gặp được Phao-lô, gặp được Lời Chúa. Từ đó bà không coi trọng việc buôn bán vải điều nữa. Nhưng dành hết tâm trí sức lực vào đức tin, thực hành đức bác ái, mong được đón tiếp các tông đồ, phục vụ anh chị em.
Ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần đến trong ta và trong xã hội hôm nay. Ta hãy kiên quyết sống theo ơn Chúa Thánh Thần. Sống và Bảo vệ Chân Lý.
SUY NIỆM 3: Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần
Trong thế gian, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là một sự hiện diện vô hình và chứng tá của Chúa Thánh Thần cho Chúa Giêsu được thể hiện, được nhìn thấy nơi chứng tá của các môn đệ cho Chúa. Và như vừa nói trên, chứng tá này không phải là điều dễ dàng. Ðây là con đường nhỏ hẹp, gặp nhiều gian nan, thử thách. Theo Chúa đích thực làm cho ta ra khỏi thế gian và vì thế mà bị thế gian ghét bỏ, khai trừ. Nhưng trong những lúc gian nan thử thách như vậy, trong những giây phút cảm thấy trống rỗng và đau khổ trong cuộc đời của người đồ đệ, Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi, Ðấng bảo trợ, mà Chúa Giêsu sai xuống từ Thiên Chúa Cha, Ðấng ấy sẽ đồng hành với các môn đệ và trợ giúp họ, để các ngài được luôn trung thành làm chứng cho Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các môn đệ là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng của đồ đệ giữa những thử thách trên trần gian. Và chúng ta nhìn thấy điều này khi đọc qua những trang sách Tông Ðồ Công Vụ, sau khi được Chúa Thánh Thần ngự xuống, các tông đồ như được biến đổi hoàn toàn, từ lo sợ chạy trốn, chuyển sang can đảm, sẵn sàng hy sinh và cương quyết phục vụ. Trong lúc gặp thử thách, trước mặt những người quyền thế ngăn cấm không được làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, các tông đồ can đảm trả lời công khai: "Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người".
Người Kitô hôm nay, đồ đệ của Chúa Giêsu, cần xét lại thái độ sống chứng nhân của mình. Có hai thái cực cần tránh đi, không thể có thái độ vênh vang tự đắc, cũng không được qụy lụy chiều theo qui mô của kẻ chống đối Chúa, cần sống khiêm tốn nhưng đồng thời can đảm mạnh mẽ trong việc phục vụ, chấp nhận phiền phức mà trong lòng vẫn vui tươi. Ðây là kinh nghiệm sống chứng nhân của thánh Phaolô tông đồ khi ngài tâm sự trong thư thứ hai Corintô chương 4, câu 7 và các câu tiếp theo như sau: "Thiên Chúa làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên dung mạo Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, gian nan nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi".
Tóm lại, làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Chúa Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Chúa Giêsu Kitô. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Chúa Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã mời gọi chúng con làm chứng cho Chúa. Xin thương ban ơn nâng đỡ chúng con, nhất là trong những lúc gian nan thử thách, tin tưởng vào Lời chúa và với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con muốn làm chứng cho Chúa và chứng tỏ cho anh chị em biết rằng chúng con biết Chúa và yêu mến Chúa thực tình. Chính vì biết Chúa và yêu mến Chúa thật tình nên chúng con dấn thân làm chứng cho Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Trách nhiệm với Đức Kitô
Toàn bộ Tin mừng thánh Gio-an được coi như một vở kịch trình bày một phiên tòa với những ngôn từ: Chứng nhân, quan án, trạng sư, bảo trợ, bào chữa, tố cáo, chiến thắng … Đấng Bảo trợ đến tố cáo và xét xử thế gian vì họ tố cáo và xét xử sai lầm về Đức Giêsu. Thần chân lý đến với những dấu chỉ và công việc đầy nhân ái, nhưng người Do thái không biết đón nhận Ngài. Họ từ khước ánh sáng và họ bị kết án ở trong tối tăm. Chính họ đã kết án Đức Giêsu là sự sáng, nhưng Thánh Thần, Đấng bào chữa cho Đức Giêsu sẽ chỉ cho Giáo hội biết đến cùng Đấng có lý.
Nhờ Ngài làm chứng và soi sáng cho chúng ta, là những Kitô hữu, biết nhận ra trách nhiệm của mình đối với Đức Kitô, để trở nên giống hình ảnh Đức Kitô đi loan báo Tin mừng cho thế giới. Mỗi Kitô hữu phải là hình ảnh của Đức Kitô hiện diện trong thế giới, vì Đức Kitô sống lại không còn là Đức Giêsu đi lại cô độc ở Ga-li-lê và cầu nguyện cô đơn trong nơi thanh vắng của núi rừng hoang địa. Người chỉ hiện diện nơi các chứng nhân của Người. Đức Kitô cần nhờ các tín hữu để nói với thế gian như Người đã nói với Phao-lô: “Sao ngươi bắt Ta?”. Đức Giêsu sẽ không làm được gì nếu Người chỉ ở trên trời ngự trên ngai tòa bên hữu Đức Chúa Cha. Vì thế, cần phải thêm rằng Người đang hoạt động trên trái đất cùng với những ai đi rao giảng lời Ngài (Mc. 16, 19-20). Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Người cần có những kẻ được cứu chuộc. Đức Giêsu đã sai Thánh Thần đến như đã hứa ở bài này, cần có nhiều người đón nhận Ngài và với Ngài trở nên những chứng nhân làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt loài người (Cv. 5, 32).
Như thế Tin mừng thánh Gio-an thúc đẩy chúng ta hiện tại hóa lời luận chứng xưa thành lời chứng mãi mãi, để làm sống lại vở kịch đầy xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, sự sống và sự chết, chân lý và giả dối, đồng thời không ngừng đặt chúng ta trước giờ Đức Kitô bị kết án, bị giết chết, này trở nên Đấng phán xét và sống lại, trở nên Đấng Kitô đang hiện diện trong các kẻ tin nhờ Thánh Thần.
LP.
SUY NIỆM 5: Thập Giá và Đức Kitô
Tại một trung tâm truyền giáo bên Italia, người ta đọc thấy một bài thơ với nội dung như sau: Bạn thân mến, tôi đã tìm một Thập giá. Một hôm tại tiệm bán đồ cổ, tôi đã mua được một tượng Đức Kitô, đây là Đức Kitô tuyệt đẹp nhưng sứt mẻ và bơ vơ vì bị tách lìa khỏi Thập Giá. Tôi chợt nghĩ không chừng bạn đang có một Thập giá, nhưng là một Thập giá trơ trụi không có Đức Kitô. Đức Kitô của tôi không có nơi ngơi nghỉ vì thiếu Thập giá, còn Thập giá của bạn thì lại thiếu Đức Kitô. Đức Kitô không Thập giá và Thập giá không Đức Kitô. Tôi xin đề nghị với bạn: tại sao chúng ta không liên kết cả hai lại? Tại sao bạn không trao Thập giá trống trơn của bạn cho Đức Kitô? Bạn chỉ có một thập giá đơn độc trống rỗng lạnh giá vô nghĩa, một Thập giá không có Đức Kitô. Hẳn bạn đã hiểu đau khổ như thế là vô lý, tôi không hiểu được tại sao bạn lại chịu đau khổ như thế từ bao lâu nay. Một thập giá không có Đức Kitô là một tra tấn, là nguyên nhân dẫn đến thất vọng. Giờ đây bạn đã có liều thuốc trong tay, bạn sẽ không còn đơn phương chịu đau khổ nữa. Bạn hãy trao cho tôi Thập giá trống không của bạn, tôi sẽ trao cho bạn Đức Kitô sứt mẻ của tôi. Bạn hãy trao Thập giá và hãy đón nhận Đức Kitô, rồi bạn sẽ thấy mọi sự đổi thay, bạn sẽ không còn đơn độc trong đau khổ, bởi vì trong Thập giá của bạn có Đức Kitô.
Bách hại, khổ đau là phần số gắn liền với ơn gọi Kitô hữu. Trong những giây phút cuối cùng ngồi bên các môn đệ, Chúa Giêsu không những loan báo cuộc tử nạn của Ngài, mà còn báo trước những khổ đau mà họ sẽ trải qua vì mang Danh Ngài. Ngài sẽ tiếp tục hiện diện ấy càng rõ nét hơn qua chính những khổ đau mà các môn đệ Ngài sẽ trải qua. Một cách nào đó, vụ án của Chúa Giêsu sẽ tiếp tục trong chính các môn đệ của Ngài. Thế gian đã kết án Chua Giêsu và do đó trút hận thù lên các môn đệ của Ngài. Thật ra, không phải thế gian xét xử Chua Giêsu, mà chính Ngài xét xử thế gian. Cuộc tử nạn và cái chết của Chua Giêsu là một tố cáo về chính tội ác của thế gian. Qua cuộc tử nạn dưới nhiều hình thức mà các môn đệ Đức Kitô phải trải qua trên khắp thế giới và suốt lịch sử nhân lọai, sự xét xử của Chúa Giêsu đang tiếp diễn, tội ác của con người được tiếp tục phơi bày qua những khổ đau mà các môn đệ Đức Kitô phải gánh chịu vì niềm tin của họ.
Nhưng Chúa Giêsu không đến để luận phạt thế gian. Ngài đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Cuộc tử nạn và cái chết của Ngài mạc khải cho nhân lạo gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và ngày nay qua cuộc tử nạn của các môn đệ Ngài, gương mặt yêu thương của Thiên Chúa lại tiếp tục được sáng tỏ. Qua cuộc tử nạn ấy, con người mới nhận thấy rằng chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù, chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Tình yêu chiến thắng hận thù, tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, tình yêu ấy người môn đệ chỉ có thể múc lấy từ Đức Kitô mà thôi. Ngài là Đấng Phục Sinh, Ngài đang hiện diện trong tâm hồn các môn đệ Ngài. Hãy để cho Ngài được hiện diện và đồng hành với ta, hãy để cho Ngài được tiếp tục dự phần vào thập giá của ta mỗi ngày, khi ấy cuộc sống sẽ mãi mãi có ý nghĩa, khổ đau sẽ có sức thanh luyện, và tình yêu sẽ chiến thắng hận thù.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 6: LOAN BÁO LÀ LÀM CHỨNG (Ga 15,26-16,4)
Trong Thông điệp “Evangelii Nuntiandi”, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại cho chúng ta một phương châm thực hành như sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” số 41).
Bài trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu trước khi trở về với Chúa Cha, Ngài đã giới thiệu Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ sẽ đến với các môn đệ.
Khi giới thiệu Chúa Thánh Thần như thế, Đức Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ rằng: khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm chứng và giúp các ông hiểu được tất cả những gì Đức Giêsu đã làm và những lời Ngài đã dạy trước đó. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn phù trợ, để các ông can đảm làm chứng và sẵn sàng đón nhận tất cả mọi khổ đau vì Đức Giêsu.
Thật vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, các môn đệ vẫn là những con người khờ dại, kém tin và sợ sệt thủa nào. Tuy nhiên, khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên những người can đảm, uyên thâm, mạnh mẽ và dám chấp nhận tất cả, kể cả cái chết để làm chứng cho điều mình loan báo là có thật, đáng tin. Các ông đã thực hiện lời nói đi đôi với hành động.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng can đảm loan báo lời Chân Lý, chấp nhận mọi thử thách đau thương để Lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Tin và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần còn là một lời mời gọi chúng ta từ bỏ con đường, cách sống và hành vi cũ, chấp nhận lột xác, trở nên con người mới để được biến đổi như các môn đệ khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần trên chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi. Can đảm làm chứng và loan báo Lời Chân Lý của Chúa đến với muôn dân. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 7: Làm chứng cho Đức Kitô
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Kitô hữu là người được kêu gọi làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người trong mọi nơi mọi lúc. Chính Chúa Thánh Thần sẽ nâng đỡ và an ủi chúng ta trong sứ mạng làm chứng này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa bị bắt và bị đóng đinh, các môn đệ yêu dấu đã bỏ trốn. Các ngài không có đủ can đảm theo Chúa để biện hộ cho Chúa, các ngài đã trở về nhà tìm nơi an thân ẩn náu. Và ngay cả khi Chúa sống lại, hiện ra và cùng ăn uống với các ngài, các ngài vẫn chưa vững vàng tin vào Chúa và làm chứng cho niềm tin ấy.
Mãi cho tới lúc Chúa ban Thánh Thần xuống, các ngài mới mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Từ lúc đó, cái chết cũng không thể ngăn cản bước chân rao giảng của các ngài.
Lạy Chúa, Chúa cũng thương cho con được tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa như các tông đồ xưa. Xin cho con luôn xác tín rằng con là một ánh đèn chiếu sáng, một sứ giả loan truyền tình thương, một nhân chứng Tin Mừng của Chúa.
Vậy lạy Chúa, xin tha thứ cho con, vì đã bao lần con sống bê tha, tội lỗi, không những không làm chứng cho Chúa, mà lại làm người khác mất niềm tin vào Chúa. Xin ban cho con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để cho dù con bé nhỏ, nghèo hèn yếu đuối, con vẫn cố gắng sống thánh thiện hơn, biết quảng đại yêu thương, biết cho đi cách vô vị lợi. Xin giữ con đừng bao giờ kiêu căng cậy vào tài sức của mình, nhưng luôn tin tưởng vào quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Amen.
Ghi nhớ: “Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.
SUY NIỆM 8: Thần Khí sự thật
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Cha Paul Wharton có kể lại câu chuyện: Một chàng thanh niên trẻ đến xin học một người thợ cả tài năng chuyên làm những bức tranh kiếng màu như chúng ta thường thấy tại các nhà thờ ở Âu Mỹ. Sau thời gian thụ huấn cần thiết, người học trò vẫn không thể đạt được những tác phẩm mang dấu ấn như thầy. Anh nghĩ có lẽ dụng cụ làm việc của thầy đặc biệt hơn nên anh xin thầy cho mượn dụng cụ của thầy.
Sau bảy tuần lễ, chàng trai đến nói với sư phụ: “Thưa thầy, con không thể làm được bất cứ tác phẩm nào đẹp đạt được với những dụng cụ mà thầy đưa”. Vị sư phụ điềm đạm trả lời: “Không phải dụng cụ của thầy mà con cần để làm nên tác phẩm, nhưng đó là “spirit of the mastes you need” chúng ta có thể hiểu rằng đó là “tinh thần, linh hồn, nghị lực” của người thầy mà người học trò cần thiết phải có” (Theo Discipleship, Stories and Parables, Paulist Presse).
Suy niệm
Ðấng Phù Trợ là Ngôi Ba Thiên Chúa, còn gọi là Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Linh, Thần Khí Thiên Chúa... Chính Ngài khởi xướng tất cả mọi công trình của Thiên Chúa. Ðấng Phù Trợ làm cho thế giới hiểu công trình cứu độ phục sinh của Ngôi Lời (x. Ga 14,26). Cho nên, Chúa Giêsu khi rời các tông đồ, Ngài xin Thần Khí của Cha xuống trên các ông: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ… Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17), các môn đệ trở nên khí cụ của Thần Khí thi hành sứ vụ của Đức Kitô giao.
Chúa Thánh Linh luôn ở trong người môn đệ, thánh Phaolô nhấn mạnh người môn đệ có Thần Khí như cây tươi tốt kết tinh hoa trái. Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ… (x. Gl 5,22-23).
Để sống sứ vụ Thiên Chúa ủy thác tiếp tục các công trình của Đức Kitô và là công cụ của Chúa Thánh Thần. Thần Khí Thiên Chúa ban cho chúng ta những ân huệ thiêng liêng còn gọi là đặc sủng. Các ơn này được ngôn sứ Isaia loan báo: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn sức mạnh, ơn thông hiểu, ơn kính sợ Thiên Chúa (x. Is 11,2). Thánh Phaolô nói đến quyền năng, biết bao đa dạng của các ân sủng mà Thần Khí tác động khi nói các đặc sủng của Thánh Linh nơi nhiều hoạt động khác nhau (x.1Cr 12,4-11). Thánh Thần còn giúp người tín hữu sống hơi thở bằng lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha (x. Rm 8,26-27), giúp chúng ta có những tâm tình cầu nguyện và sống như Ngôi Lời như chúng ta đã chứng nghiệm được lời cầu nguyện thánh hiến (x. Ga 16) và phút cam đảm dứt khoát của Ngài bước vào cuộc thương khó phục sinh (x. Ga 16-18)
Hôm nay và qua mọi thời đại “hơi thở” của Thiên Chúa luôn luôn tác động, như không khí cho chúng ta thở, nếu không thở chúng ta sẽ chết:
“Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,29-30).
Không tiếp nhận Thánh Thần, chúng ta sẽ trở nên khô héo, như cây không tiếp nhận nước, ánh sáng. Nước, lửa (ánh sáng) gió và khí là những hình ảnh loan báo về Thánh Thần.
Ý thức về Thần Khí Chúa trong đời sống, chúng ta không để Thánh Thần bị lãng quên như thực tế chúng ta thấy trong cách sống niềm tin của người Kitô hữu. Chúng ta xác tín hơn tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, một thụ tạo có được Thần Khí Thiên Chúa như thánh Phaolô chia sẻ: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Chính trong yêu thương tràn ngập Thần Khí, chúng ta được Thiên Chúa ở cùng: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3,24).
Ý lực sống:
“... Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn” (Ga 16,13).
SUY NIỆM 9: Các con sẽ làm chứng cho Thầy
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Do thái giáo coi Đức Giêsu là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các Kitô hữu là những người phản bội Do thái giáo. Do đó họ giết Đức Giêsu, bắt bớ các Kitô hữu. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết: “Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa”.
Nhưng đồng thời Đức Giêsu trấn an họ: Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến. Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ: Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ và Chúa Thánh Thần là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Parakletos chữ Hy lạp, chỉ một nhân vật có thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá này đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình sẽ đổi khác rất nhiều.
Có Đấng Parakletos (Đấng Phù Trợ) đứng bên cạnh thì môn đệ của Chúa không còn phải bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ nữa. Đấng Phù Trợ sẽ:
Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn,
An ủi trong những lúc đau buồn,
Che chở họ những khi họ bị nguy hiểm,
Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ,
Dạy cho họ biết cách làm, cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ,
Và cuối cùng, là đích thân bảo vệ họ (Carolô).
3. Đức Giêsu hứa sẽ gửi Đấng phù trợ đến. Nhưng công việc của Đấng phù trợ sẽ không là gì khác ngoài việc làm chứng về Đức Giêsu. Để rồi một khi lòng tin vào Đức Giêsu được vững mạnh, các Tông đồ sẽ là nhân chứng của Thầy. Họ sẽ làm chứng không những về các hành động của Đức Giêsu mà còn cả ý nghĩa các việc làm của Ngài nữa. Đấng phù trợ là Thần Chân lý đến từ Cha, sẽ cho họ thấy công việc phải làm và con đường phải đi. Chắc chắn họ sẽ không tránh khỏi sự bách hại.
Đức Giêsu biết trước điều này, Ngài không ra tay ngăn cản, nhưng chỉ tiên báo cho họ biết, bởi vì có Đấng phù trợ ở với họ và sự bách hại sẽ là lời chứng hùng hồn nhất. Trong bách hại, người môn đệ sẽ tỏ lòng trung thành đối với Thầy. Nhờ bách hại, họ sẽ trở nên giống Thầy, Đấng đã bị bắt bớ và bị giết trên Thập giá (Mỗi ngày một tin vui).
4. Chúng ta thấy, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện xuống, cuộc đời của các Tông đồ đã thay đổi toàn diện, từ những người chậm hiểu, hèn nhát, hám danh, ham sống sợ chết, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường, coi thường gian ngay, không thể làm thinh không nói những điều đã nghe, đã biết. Mọi gian khổ, đe đọa, tù ngục, không làm cho các ông thoái lui; trái lại, hết mọi Tông đồ đều lấy máu đào làm chứng cho lời các ông truyền giảng và sẵn sàng chết để tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô. Như vậy, muốn làm chứng về Đức Giêsu, phải có kinh nghiệm bản thân về Ngài, và dựa vào quyền năng của Thánh Thần.
5. Nói đến truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin Mừng cho chúng ta. Nhưng sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Cha khi sai Con Một Ngài là Đức Giêsu loan báo cho nhân loại biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, để “ai tin thì được cứu độ” (x. Ga 3,36).
Để chứng thực cho sứ mạng của mình, Đức Giêsu nói Ngài có Thánh Thần làm chứng. Quả thật, Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, làm chứng bằng cách tác động bên trong con người giúp họ hiểu biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa Cha được Đức Giêsu loan truyền. Hạnh phúc cho Hội Thánh khi được Thiên Chúa không chỉ cứu độ nhưng còn tuyển chọn để tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Thiên Chúa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới có khả năng thực hiện sứ mạng ấy (5 phút Lời Chúa).
6. Tóm lại, làm chứng cho Đức Giêsu, chúng ta không nên chờ đợi sự dễ dàng nhưng phải sẵn sàng mang lấy cuộc thương khó của Đức Giêsu nơi thân mình, sẵn sàng đón nhận sự chống đối thù hận của những kẻ không biết Thiên Chúa Cha và cũng không biết Đức Giêsu. Trong sự yếu đuối mỏng dòn của chính bản thân, chúng ta luôn cảm nghiệm sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện qua chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong chúng ta. Chính Ngài làm chứng cho Đức Giêsu và chúng ta cần để mình chìm sâu trong sức mạnh của Ngài để cùng với Ngài làm chứng cho Chúa.
7. Truyện: Cần spirit of master trong tác phẩm.
Cha Paul Wharton có kể lại câu chuyện: Một chàng thanh niên trẻ xin học một người thợ cả tài năng chuyên làm những bức tranh kiếng mầu như chúng ta thấy tại các nhà thờ Âu Mỹ. Sau thời gian thụ huấn cần thiết, người học trò vẫn không thể đạt được những tác phẩm mang dấu ấn như thầy. Anh nghĩ có lẽ dụng cụ làm việc của thầy đặc biệt hơn nên anh xin thầy cho mượn dụng cụ của thầy.
Sau bảy tuần lễ, chàng trai đến nói với sư phụ: “Thưa thầy, con không thể làm được bất cứ tác phẩm nào đẹp đạt được với những dụng cụ mà thầy đưa”. Vị sư phu điềm đạm trả lời: “Không phải dụng cụ của thầy mà con cần để làm nên tác phẩm, nhưng đó là “spirit of master you need”, chúng ta có thể hiểu đó là “tinh thần, linh hồn, nghị lực” của người thầy mà người học trò cần phải có (Theo Discipleship, Stories and Parables, Paulist Presse).
SUY NIỆM:
1. Bách hại
Để làm chứng cho Đức Giê-su, không thể không có “bách hại”. Trong bối cảnh của bữa tiệc ly, Đức Giê-su nói về những bách hại đến từ con người, như chính Ngài sẽ trải qua ngay sau những lời tâm sự này, khi để cho mình bị bắt (x. Ga 18, 1-11):
Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. (Ga 16, 1-3)
Hành động giết người hoàn toàn không phù hợp với Thiên Chúa đích thật, bởi vì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa, Cha của Người, là tình yêu và sự sống và chỉ là tình yêu và sự sống mà thôi. Chính vì thế, tất cả những ai giết người hay làm phương hại đến sự sống, đều không “biết” Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù họ làm thế nhân Danh Chúa; như trong cuộc Thương Khó, người ta nhân danh Thiên Chúa hằng sống để lên án tử Con Thiên Chúa (x. Mt 26, 57-66).
Nhưng chúng ta còn được mời gọi hiểu những bách hại theo nghĩa rộng, đó là những năng động đi ngược lại với Tin Mừng của Đức Ki-tô.
* * *
Như thế, khi thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống của con người, người môn đệ có nguy cơ mất đi chính sự sống của mình. Bởi vì con người không chỉ đau khổ vì thân phận sinh lão bệnh tử, nhưng còn bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, vốn gây ra bầu khí chết chóc và chính cái chết cho con người (x. St 3, 1-7: Con Rắn gieo nọc độc vô ơn, ham muốn và ghen tị gây chết chóc trong lòng con người và trong tương quan giữa người với người).
Phục vụ cho sự sống đến độ đánh liều chính sự sống của mình. Nhưng đó lại là con đường nhận lại sự sống trong Chúa, giải phóng sự sống hôm nay khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vì thế làm cho sự sống trở nên đích thật và hướng về sự sống viên mãn mai sau, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô. Chính vì thế, Đức Giê-su nói:
Này, Thầy sai anh em đi
như chiên đi vào giữa bầy sói. (Mt 10, 16)
Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.
“Người đời” đã bách hại Thầy và Đức Giê-su nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”. Và “Người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, và có nơi chính các môn đệ! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, nhưng là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.
2. Đấng Bảo Trợ, “Người sẽ làm chứng”
Không ai trong chúng ta không gặp những thử thách, khó khăn như thế, thậm chí phải chiến đấu, và không nhất thiết là những bách hại đến từ bên ngoài, khi sống như những chứng nhân của Đức Ki-tô. Nhưng lời của Đức Giê-su thật an ủi chúng ta, bởi vì Đấng Bảo Trợ, nghĩa là Thánh Thần, được Ngài sai đến, cũng làm chứng về Đức Ki-tô:
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. (15, 26)
Như thế, một đàng lời chứng của chúng ta về Đức Ki-tô là lời chứng có nguồn gốc thần linh, bất chấp chúng ta là ai. Và đàng khác, chúng ta không làm chứng một mình, vì có Thánh Thần làm chứng cùng với chúng ta, trong chúng ta và thêm sức cho chúng ta.
3. “Thầy đã nói”
Hơn nữa, Đức Giê-su đã báo trước về những bách hại và những khó khăn rồi; thực vậy, trong một đoạn văn ngắn, Ngài nói tới ba lần về sự kiện “Thầy đã nói”:
“Đức Giê-su đã nói”, chính là để chúng ta xác tín rằng dù điều gì xảy ra vẫn không nằm ngoài kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vẫn không thể ngăn cản được Tình Yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Giê-su không chỉ nói, nhưng còn trải qua đến tận cùng:
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Monday (May 18): “When the Counselor comes, the Spirit of truth”
Scripture: John 15:26-16:4 26 But when the Counselor comes, whom I shall send to you from the Father, even the Spirit of truth, who proceeds from the Father, he will bear witness to me; 27 and you also are witnesses, because you have been with me from the beginning. [John 16] 1 I have said all this to you to keep you from falling away. 2 They will put you out of the synagogues; indeed, the hour is coming when whoever kills you will think he is offering service to God. 3 And they will do this because they have not known the Father, nor me. 4 But I have said these things to you, that when their hour comes you may remember that I told you of them. I did not say these things to you from the beginning, because I was with you. |
Thứ Hai 18-5 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Người là Thần Khí của sự thật
Ga 15,26- 16,4 26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. 1 Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã.2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi. |
Meditation: Where do you find help and support when you most need it? True friendship is strengthened in adversity. Jesus offers his disciples the best and truest of friends. Who is this promised friend? Jesus calls the Holy Spirit our Counselor and Advocate (also translated Paraclete or Helper). How does the Holy Spirit help us as the counselor? Counselor is a legal term for the person who defends someone against an adversary and who guides that person during the ordeal of trial. The Holy Spirit is our Advocate and Helper who guides and strengthens us and brings us safely through the challenges and adversities we must face in this life. Person and role of the Holy Spirit As Jesus approaches the hour he was to be glorified – through his death on the cross and his resurrection – he revealed more fully to his disciples the person and role of the Holy Spirit. What does Jesus tell us about the Holy Spirit? First, the Holy Spirit is inseparably one with the Father and the Son. It is the Holy Spirit who gives life – the very life of God – and who makes faith come alive in hearts and minds of people who are receptive to God’s word. The Holy Spirit makes it possible for us to know God personally. He gives us experiential knowledge of God as our Father. The Spirit witnesses to our spirit that the Father has indeed sent his only begotten Son into the world to redeem it and has raised his Son, Jesus Christ, from the dead and has seated him at his right hand in glory and power. The Holy Spirit reveals to us the knowledge, wisdom and plan of God for the ages and the Spirit enables us to see with the “eyes of faith” what the Father and the Son are doing. Through the gift and working of the Holy Spirit we become witnesses to the great work of God in Christ Jesus. Spirit strengthens us in faith and courage Jesus warned his disciples that they could expect persecution just as Jesus was opposed and treated with hostility. We have been given the Holy Spirit to help us live as disciples of Jesus Christ. The Spirit gives us courage and perseverance when we meet adversities and challenges. Do you pray for the Holy Spirit to strengthen you in faith, hope and love and to give you courage and perseverance when you meet adversities and challenges? “O merciful God, fill our hearts, we pray, with the graces of your Holy Spirit; with love, joy, peace, patience, gentleness, goodness, faithfulness, humility and self-control. Teach us to love those who hate us; to pray for those who despitefully use us; that we may be the children of your love, our Father, who makes the sun to rise on the evil and the good, and sends rain on the just and on the unjust. In adversity grant us grace to be patient; in prosperity keep us humble; may we guard the door of our lips; may we lightly esteem the pleasures of this world, and thirst after heavenly things; through Jesus Christ our Lord.” (Prayer of Anselm, 1033-1109) |
Suy niệm:
Bạn tìm thấy sự giúp đỡ hay ủng hộ khi bạn cần nhất ở đâu? Tình bạn đích thật được củng cố trong nghịch cảnh. Ðức Giêsu ban cho các môn đệ người Bạn tốt nhất và đáng tin tưởng nhất trong những người bạn. Ai là người bạn của lời hứa này? Ðức Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Cố vấn và Đấng Bào chữa của chúng ta (cũng được dịch là Đấng Paraclete hay Đấng Bảo trợ). Cố vấn là hạn từ pháp lý dành cho những ai bảo vệ người nào đó chống lại đối thủ, và hướng dẫn người đó trong suốt thời gian xét xử. Chúa Thánh Thần là Đấng Bào chữa và Trợ giúp của chúng ta, Đấng gìn giữ chúng ta an toàn ngang qua những thách đố và những nghịch cảnh mà chúng ta phải đối diện trong cuộc đời.
Ngôi vị và vai trò của Chúa Thánh Thần Khi Ðức Giêsu gần đến giờ được tôn vinh – ngang qua cái chết trên thập giá và sự sống lại của Người, Người đã mặc khải đầy đủ hơn cho các môn đệ về bản thân và vai trò của Chúa Thánh Thần. Ðức Giêsu nói gì với chúng ta về Chúa Thánh Thần? Trước hết, Chúa Thánh Thần là Đấng không chia cắt với Chúa Cha và Chúa Con. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống – sự sống thật của Thiên Chúa – và là Đấng khơi dậy niềm tin trong tâm hồn để đón nhận Lời Chúa. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết chính Thiên Chúa. Người ban cho chúng ta sự hiểu biết được cảm nghiệm về Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúa Thánh Thần làm chứng với chúng ta rằng Chúa Cha đã thật sự sai Con vào trong thế gian để cứu chuộc và cho Con của Người là Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, và ngự bên hữu Người trong vinh quang và quyền năng. Chúa Thánh Thần mặc khải cho chúng ta sự hiểu biết, khôn ngoan, và kế hoạch của Thiên Chúa cho mọi thời đại và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhìn với “cặp mắt đức tin” những gì Cha và Con đang làm. Ngang qua hồng ân và hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những chứng nhân cho kỳ công của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. Thần Khí củng cố cta trong đức tin và can đảm Ðức Giêsu đã cảnh báo với các môn đệ rằng họ cũng sẽ đối diện với sự ngược đãi giống như Ðức Giêsu đã bị chống đối và bị đối xử cách thù ghét. Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta để giúp chúng ta sống như người môn đệ của Ðức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng can đảm và sự kiên trì khi chúng ta gặp những nghịch cảnh và thách đố. Bạn có cầu nguyện với CT Thần để củng cố bạn trong đức tin, đức cậy, đức mến, và ban cho bạn lòng can đảm và kiên trì với niềm hy vọng khi bạn gặp những nghịch cảnh và thách đố không? Lạy Thiên Chúa thương xót, chúng con cầu xin Chúa lấp đầy lòng chúng con với những ơn sủng của Chúa Thánh Thần; với tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, hiền lành, nhân hậu, trung thành, khiêm tốn, và tự chủ. Xin dạy chúng con biết yêu thương những người ghen ghét chúng con; cầu nguyện cho những người lợi dụng chúng con một cách thù oán; để chúng con có thể trở nên con cái của Chúa Cha, Đấng cho mặt trời mọc lên trên người dữ lẫn người lành, và cho mưa rơi xuống cho người công chính cũng như người tội lỗi. Trong nghịch cảnh, xin ban cho chúng con ơn sủng để kiên nhẫn; trong thịnh vượng xin giữ chúng con khiêm tốn; để chúng con có thể canh giữ môi miệng của mình; để chúng con có thể coi nhẹ những thú vui của thế gian, và khao khát những sự trên trời; chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Anselm, 1033-1109). |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn