Thứ Ba 23/08/2022 – Thứ Ba tuần 21 thường niên. – Khốn cho kẻ giả hình.

Thứ hai - 22/08/2022 05:34

Thứ Ba tuần 21 thường niên.

"Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia".


Lời Chúa Mt 23, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.

"Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".


Suy niệm 1: Bên trong, bên ngoài

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.

Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:

“Khốn cho các ngươi!”

Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,

vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.

Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.

Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.

Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.

“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.

Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ tư (c. 23)

là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.

Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình

qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.

Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,

vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.

Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).

Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,

để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.

Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).

Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật

như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).

Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).

Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):

“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,

mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”

Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.

Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn

và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.

Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.

Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.

Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ năm (c. 25)

là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.

Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.

Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.

Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.

Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.

Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,

và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.

Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.

Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.

Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.

Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.

Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,

rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),

để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

 

Suy niệm 2: Điều chính, điều phụ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong đời sống phân định là rất quan trọng. Nhất là phân định được điều chính điều phụ. Đối với công việc làm ăn, đánh giá sai chỉ dẫn đến thua lỗ. Nhưng đối với đời sống, đánh giá sai làm hỏng cả cuộc đời.

Chúa Giêsu chê trách người Pha-ri-sêu và kinh sư trong đời sống đạo, họ không phân biệt được điều chính điều phụ. Họ cất công giữ chi li những điều cỏn con, nhưng lại coi thường, bỏ qua những điều quan trọng. “Họ nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín”. Chúa Giêsu chê trách họ “lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà”. Thật là lầm lẫn tai hại. Bỏ những điều nền tảng cốt yếu thì dù giữ những điều nhỏ nhặt nhất cũng trở thành vô ích. Vì không phân định được nên họ thường chú ý tới hình thức bên ngoài mà bỏ quên nội dung bên trong. Rửa chén bát là việc họ rất coi trọng. Nhưng nực cười là đối với họ chỉ cần rửa bên ngoài là đủ. Thật là hình thức. Và Chúa Giêsu gọi họ là giả hình, là đạo đức giả. Vì không những họ không quan tâm rửa bên trong chén bát mà nhất là họ không quan tâm tẩy rửa linh hồn. Đạo không đi vào nội tâm thì chỉ là lừa dối.

Thánh Phao-lô khen ngợi giáo đoàn Tét-xa-lô-ni-ca, vì họ là dân ngoại mới tin Chúa nhưng đã vượt qua người Pha-ri-sêu khi biết giữ những điều chính yếu trong đạo. Khi thánh Phao-lô bị người Phi-lip-phê làm nhục và người Do thái tại Tét-xa-lô-ni-ca từ chối, dân ngoại Tét-xa-lô-ni-ca đã đón tiếp ngài, đón nhận Tin mừng Chúa Ki-tô và yêu thương đùm bọc thánh Phao-lô. Họ cũng biết giữ đạo từ trong nội tâm khi vượt qua tất cả mọi khó khăn thử thách để trung thành với đức tin (năm lẻ).

Ngài khuyên nhủ họ không nên tin vào những điều nhảm nhí, ví dụ như tin đồn về ngày tận thế: “Nếu ai bảo rằng…ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào”. Hãy giữ những điều cốt lõi của đạo: “Hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em”. Thánh nhân cầu nguyện cho dân thành được Chúa “yêu thương và dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cây trông tốt đẹp” (năm chẵn).

Đời sống đạo hôm nay của tôi thế nào? Có biết xây dựng điều chính yếu. Hay chỉ chú tâm đến những gì phụ thuộc? Có tập trung vào Chúa Ki-tô? Hay chỉ tin những điều nhảm nhí, mê tín?

 

Suy niệm 3: Kết án thái độ vụ hình thức

Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thi hành công bằng và tình yêu thương.

Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng.

Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.

Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.

Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng ta sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng ta nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Công bình, nhân ái, thành tín, trong sạch

Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không bỏ các điều kia.” (Mt. 23, 23)

Tôi rất thích mấy câu Phúc Âm này. Một lần nữa Đức Giêsu tỏ ra yêu thương những người biệt phái. Người hiểu và kính trọng họ biết bao. Nhưng Người cũng khiển trách thái độ nước đôi của họ: Vừa cứu vãn những vẻ bề ngoài bằng những cử chỉ vô ích, vừa loại bỏ những điều chân thực bên trong.

Đó là kiểu mẫu người tốt thời Đức Giêsu và chúng ta ngày nay cũng thế. Một đàng họ rất khắt khe tỉ mỉ bên ngoài, đàng khác họ quá phóng túng bên trong. Họ tỏ ra rất tự do rộng rãi đối với những điều thật sự quan trọng.

Càng đọc đi đọc lại những câu Tin Mừng này, tôi càng thấy nực cười! Đó là những câu rất đúng với hiện tại! Nếu chúng ta muốn rõ, chúng ta thử tự đánh giá mình một chút xem Tin Mừng là tấm gương soi cái gì?

Ba điều:

Ba điều này làm cho chúng ta phải chú ý: “Ba điều quan trọng nhất trong lề luật là: Công bình, lòng nhân ái và thành tín”. Các ngôn sứ, Đức Kitô, thánh Phao-lô và ngày nay Giáo Hội hằng rao giảng. Chính những điều này. Những bổn phận về công bình xã hội và tình yêu thương quan trọng hơn những bổn phận về nghi lễ. Các Ngài đã không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: Giúp những người nghèo khó, trung tín trong đời sống gia đình, công bình xã hội trong công ăn việc làm, định mức giá cả, thuế má, đồng lương. Ngôn sứ Za-ca-ri-a cũng kêu gọi: “Hãy thực hiện công bình theo chân lý, thực hành lòng yêu thương đối với nhau. Chớ áp bức kẻ góa bụa, mồ côi, khách lạ, nghèo khó và đừng mưu mô trong lòng để hãm hại nhau” (7, 9-10).

Không trong sạch:

Nhờ so sánh những lời Đức Giêsu khiển trách biệt phái, chúng ta thấy đó cũng là những lời khiển trách chúng ta. Phải, Người khiển trách tôi, khiển trách bạn: “Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nhốt con lạc đà”, “Các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”, bất công, lừa đảo lẫn nhau.

Chỉ con tim trong sạch mới nhìn thấy rõ Thiên Chúa. Không phải cái bên ngoài vào miệng làm cho con người ra nhơ bẩn, nhưng cái bên trong con người ra, mới làm nhơ bẩn con người thật sự. (Mt. 15, 11. 15-20)

JM

 

Suy niệm 5: Hãy hồi tâm và hoán cải

Trong tình huynh đệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi gặp gỡ các đức giám mục Hàn Quốc vào chiều ngày 14-8-2014 nhân dịp ngài thăm đất nước này. Trong bài phát biểu, ngài đã nói:

“Anh em là con cháu của các vị tử đạo, là những người thừa kế chứng tá đức tin anh dũng của các vị nơi Chúa Kitô [... ]. Thật là điều đầy ý nghĩa sự kiện lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc được khởi đầu với một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Lời Chúa. Đó là một vẻ đẹp nội tại và sự toàn vẹn của sứ điệp Kitô, Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, canh tân nội tâm và sống đời bác ái”.

Khi gợi lại gương sáng chứng nhân anh dũng của các thánh tử đạo và mời gọi Giáo Hội tại Hàn Quốc noi gương các ngài để tiếp bước trên con đường chứng nhân, hẳn Đức Thánh Cha cũng muốn tất cả mọi người noi gương đời sống yêu thương, tin tưởng và cậy trông nơi Chúa tuyệt đối như các thánh. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mọi người hãy hồi tâm, hoãn cải nếu chưa sống theo tinh thần Tin Mừng.

Thật vậy, hồn người tông đồ sẽ trống rỗng khi khái niệm hồi tâm không thường trực trong con người của mình.

Cũng vậy, chúng ta sẽ trở nên hình thức, hào nhoáng bên ngoài nếu không có những khoảnh khắc hoãn cải để canh tân đời sống nội tâm.

Và, mọi chuyện trở nên “công dã tràng” khi không gieo vào đó hạt mầm bác ái, yêu thương qua lời nói, trong hành động và nơi phụng vụ.

Sư điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm một cuộc “thanh tẩy nội tâm”. Tức là trở về với lòng mình để đối diện với Thiên Chúa, hầu thấy được điều nên làm và điều không nên làm. Điều đúng phát huy. Điều sai phải từ bỏ.

Nếu không “thanh tẩy nội tâm”, có lẽ chúng ta không khác gì những Kinh Sư và Pharisêu khi xưa: họ luôn quan tâm đến bề ngoài mà bên trong thì rỗng tuếch. Họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn thì toàm là “hôi thối, xấu xa” bởi những tham lam, ích kỷ và hận thù. Họ nói yêu thương, nhưng thực ra họ là những người phản lại sứ điệp “yêu thương” khi bất bao dung, vô cảm với người nghèo, bà góa và những người thấp cổ bé họng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên chứng nhân của Chúa cách trung thành. Có thế, chúng con mới thực sự xứng đáng trở thành người loan truyền sứ điệp của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 6: Sống đạo quân bình và chiều sâu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người Kitô hữu trưởng thành phải biết sống đạo cách quân bình và có chiều sâu: vừa mến Chúa và đồng thời cũng biết công bằng bác ái, có bề ngoài và có cả bề trong.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chính Chúa đang huấn luyện con sống đạo một cách trưởng thành, sống đạo có chiều sâu, sống đạo cách quân bình, sống đạo toàn diện.

Xuyên qua những tập tục áp dụng cho người Do thái, con nhận ra rằng Chúa đang chất vấn đời sống Kitô hữu của con. Rất nhiều lúc con đã ru ngủ lương tâm mình. Con đọc kinh dự lễ thật nhiều, trong khi đó con lại hận thù ghen ghét anh em. Con làm các việc đạo đức, nhưng chính lúc ấy con lại nói xấu nói hành, gây đau khổ cho người khác. Con gây ra bất công, và để lương tâm khỏi cắn rứt, con dâng tiền vào nhà thờ hoặc đi xin lễ. Con không dám xúc phạm đến Chúa, đang lúc ấy con lại dễ dàng chà đạp, xúc phạm, độc ác với anh em. Con giữ phong cách bề ngoài thật đẹp, nhưng tâm hồn con không được trong sạch.

Hôm nay Chúa dạy con: điều quan trọng nhất trong lề luật là công bằng, lòng nhân, và thành tín. Chắc chắn Chúa không dạy con bỏ Chúa để chỉ yêu mến anh em. Chúa chỉ muốn con nhớ rằng công bằng và bác ái cũng quan trọng như là yêu mến Chúa. Chúa chỉ muốn nhấn mạnh điều mà con thường quên sót.

Lạy Chúa, xin dạy con biết sống bác ái và công bằng như là dấu hiệu chứng tỏ lòng con mến Chúa. Xin Chúa giúp con luôn sống trong tình yêu. Xin đừng để trái tim con trở nên khép kín, hẹp hòi, nhỏ nhen, ác độc, chai cứng. Xin Chúa ban cho con quả tim biết yêu thương. Amen.

Ghi nhớ: “Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia”.

 

Suy niệm 7: Tâm điểm yêu thương khi giữ đạo của Kitô hữu

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Lúc thanh bình Aristogiton là một nhà ái quốc thượng thặng. Chàng thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh dũng kiêu hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả mọi cường quốc trên thế giới.

Nhưng đến khi phải thi hành nhiệm vụ quân sự, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.

Biết rõ những bí mật của chàng, ông Photion trợn mắt nói: “Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.

Suy niệm

Ðức Giêsu tiếp tục lên án những người kinh sư, vì họ đã trở thành những người nô lệ Lề Luật khi nhiệt tình thực thi với Lề Luật, nhưng không hiểu tinh thần Lề Luật là công bằng và tình yêu thương.

Rửa tay là tập tục quý hóa mang ý nghĩa rất thanh cao, thánh thiện: Các tư tế rửa tay để thanh tẩy trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa. Sau này dân chúng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện. Với ý nghĩ cao đẹp này họ đã rửa tay trước bữa ăn vừa giữ vệ sinh, vừa có ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên, người biệt phái quá vụ hình thức mà quên điều thiết yếu, họ phán đoán người khác chỉ dựa trên hành vi rửa tay trước bữa ăn, coi người khác xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài.

Chúa muốn con người đặt tinh thần, đặt tình yêu Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Người. Chúa muốn con người đặt Lề Luật vào đúng vị trí của nó. Điều quan trọng là thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim, chứ không phải chỉ rửa tay, rửa các đồ vật bên ngoài. Cái cốt lõi của Lề Luật vẫn là tình yêu. Giữ những việc, những điều lệ, tập tục do con người lập ra mà quên cái cốt lõi Lề Luật là mến Chúa yêu người. Vì thế, Ðức Giêsu lên án họ là giả hình.

Noi gương thánh Phaolô, chúng ta đi vào trung tâm điểm của giới răn yêu thương trong cách giữ đạo của người Kitô hữu: “Tình yêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tử tế, không ganh tỵ, kiêu căng xấc láo, tình yêu khiến ta không vụng xử, không ích kỷ hay dễ nóng giận, tình yêu không để bụng chấp nhặt những sai trái. Tình yêu không bao giờ lùi bước, tình yêu thì bất diệt. Vì thế, tình yêu chính là điều anh em phải nỗ lực tìm kiếm” (1Cr 13,2-8; 14,1).

Ý lực sống:

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

 

Suy niệm 8: Chúa than trách các luật sĩ và biệt phái

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu tiếp tục than trách các luật sĩ và biệt phái: họ lo nộp thuế thập phân đầy đủ, còn những điều luật quan trọng như công bình, bác ái, thành tín thì họ lại không tuân giữ... Họ lại rửa sạch chén đĩa, còn lòng họ thì đầy dẫy thói gian tham, cướp bóc... Đúng thật là họ giả hình. Họ chỉ lo sạch sẽ bên ngoài, mà không lo sạch tội bên trong; họ lo giữ mọi thứ luật nhỏ nhặt, mà lại bỏ các luật quan trọng chính yếu.

Chú trọng vào cái tuỳ thuộc mà bỏ quên điều chính yếu

Chúa Giêsu gay gắt lên án các luật sĩ và biệt phái giữ tỉ mỉ các khoản luật nhỏ, nhưng lại sống thiếu đức công bằng bác ái. Họ sẵn sàng nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa màu phụ không bắt buộc, trong khi luật Maisen chỉ qui định nộp thuế thập phân các sản phẩm từ hoa màu ruộng đất, mà họ lại bỏ qua những điều quan trọng nhất trong Lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín.

Điều Chúa muốn là: “Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”. Nghĩa là trong khi chúng ta vẫn tuân giữ những điều luật quy định từ tôn giáo đến xã hội, nhưng cũng đồng thời phải sống đức công bình, lòng nhân và thành tín. Tóm lại, hãy tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người.

Chú trọng vào cái mã bên ngoài

Các luật sĩ và biệt phái xưa lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ: “Họ lo rửa sạch bên ngoài, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”.

Những người biệt phái diện đồ kinh sư để giảng dạy Thánh kinh và đại diện dân để dâng của lễ, thực ra, họ làm điều đó không vì lòng mến Chúa, mà đó là cái nghề để được hưởng tiền đóng góp – tiền thuế của dân, nhất là tiền dâng cúng của những người nghèo. Họ giả bộ đạo đức để được tiếng khen và được dân tin tưởng xin họ cầu nguyện, nhưng thực chất dưới cái vỏ bọc kinh sư ấy là một sự thối nát như “mồ mả tôi vôi” (Hiền Lâm).

Thuế thập phân là loại thuế trích từ một phần mười lợi tức của vụ mùa hằng năm dâng cho Thiên Chúa (Đnl 14,22-24) dành cho việc thờ phượng Đức Chúa ở đền thờ, và chu cấp cho những người làm việc ở đó. Thuế này mang ý nghĩa: Thiên Chúa được nhìn nhận như là chủ sở hữu của mọi sự, đặc biệt dân Chúa bày tỏ lòng biết ơn với của cải Thiên Chúa ban cho. Ngoài khoản thuế thập phân trên đây, người biệt phái còn nộp thêm một phần mười hoa màu của bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa màu phụ không bắt buộc. Chúa Giêsu trách họ chú trọng đến việc nộp thuế phụ này, đang khi sao lãng những điều quan trọng, căn bản nhất trong Lề luật là sự công bằng, lòng nhân và thành tín, là những điều phải được đặt lên hàng đầu (5 phút Lời Chúa).

Tuy nhiên, vụ hình thức hay giả hình không chỉ là nét đặc thù của những biệt phái thời Chúa Giêsu. Ở thời đại nào, nó cũng vẫn là cơn cám dỗ triền miên đối với các Kitô hữu. Chúng ta dễ có khuynh hướng trau chuốt bề ngoài, để che đậy những xấu xa bẩn thỉu bên trong. Dĩ nhiên xã hội nào cũng phải có những ràng buộc nhằm tạo nên trật tự và hài hoà. Nhưng nếu sự hài hoà đó không là thể hiện của trật tự nội tâm con người, thì nó chỉ là một cái vỏ giả tạo. Triết gia Trung Hoa là Vương Dương Minh đã đưa ra lý tưởng “Nội thánh ngoại vương”, cái diện ngoại vương giả thanh lịch phải là phản ánh chính sự thánh thiện nội tâm (Mỗi ngày một tin vui).

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Nếu dạ chính trực, lòng nhân nghĩa chưa thực sự là động lực thúc đẩy và hướng dẫn mọi sinh hoạt tôn giáo của chúng ta, thì có lẽ chúng ta không hơn gì những biệt phái thời Chúa Giêsu: chúng ta chỉ quan tâm đến cái bề ngoài, mà quên đi cái cốt lõi của đạo là tình yêu.

Truyện: Sống đạo nửa vời

Một buổi sáng lạnh lẽo và gió lớn, khoảng 2 giờ sáng, chuông điện thoại nhà xứ bỗng reo vang. Có tiếng hốt hoảng la lên: “Cha ơi, cha nhanh đến xức dầu cho ngoại con với”.

Vì nhà của người gọi điện thoại cách xa nhà xứ một cánh rừng lầy lội, cha xứ đành phải đi bộ. Khi đi được một đoạn giữa cánh rừng, ngài chợt thấy xuất hiện một bóng đen cầm súng bước ra từ giữa bụi cây và truyền lệnh: “Đưa tiền đây!”

Cha xứ hốt hoảng run rẩy bảo tên cướp rừng rằng: “Ví tiền của tôi ở trong áo khoác”, và khi ngài đưa tay mở nút áo khoác để lấy ví tiền, tên cướp nhận ra người đứng trước mặt mình là một linh mục, hắn liền ấp úng nói: “Ôi! Con không biết là cha. Con xin lỗi, xin cha cất tiền đi”.

Bình tĩnh lại, cha xứ mời hắn một điếu thuốc, nhưng hắn vội lắc đầu và nói: “Không, con cám ơn cha, trong Mùa chay con có thói quen không hút thuốc”.

 

Suy niệm 9: Đạo của cuộc sống

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Lời khiển trách thứ tư và thứ năm:

4. Về việc nộp thuế thập phân (cc 23-24)

- “Khốn… các ngươi nộp thuế thập phân về… mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề luật…”: để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với Lề luật, các kinh sư vá pharisêu buộc người ta những cái tỉ mỉ thật phụ thuộc mà luật không hề nói đến (chẳng hạn bạc hà, thì là, rau húng… so sánh với Lv 24,30-33 Đnl 14,22 tt); trong khi đó lại không quan tâm gì đến những điều căn bản và chính yếu của Luật, đó là Công bình, lòng nhân và thành tín.

5. Về việc rửa sạch bên ngoài chén đĩa (cc 25-26)

- “Khốn… các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”: các kinh sư và pharisêu rất coi trọng việc rửa tay chân chén đĩa… và đã từng tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này (x. 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (“trộm cắp và vô độ”) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới cái bên ngoài.

B.... nẩy mầm.

1. “Những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín”: nhiều người nước ngoài đã nhận xét rằng giáo dân VN rất siêng đọc kinh dự lễ nhưng sống với người khác thì thiếu những đức tính vừa kể. Đạo ở VN là đạo nhà thờ chứ chưa phải đạo của cuộc sống.

- Công bình: trộm cắp của công và của riêng, gian lận v.v.

- Lòng nhân: chửi rủa nhau, lên án nhau, nói hành nói xấu v.v.

- Thành tín: lường gạt, không giữ lời hứa, bất trung, bất tín v.v.

2. Tại cửa hàng một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn, nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già nhà quê vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ tới nhà bà già cách đó 3 dặm. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau làm Tổng thống Hoa kỳ (Góp nhặt)

3. Chúng ta có quan tâm nhiều đến những vấn đề sống đạo trong cuộc sống sau đây không: giúp đỡ những người nghèo khổ, che chở bênh vực những kẻ yếu đuối và bị chèn ép, công bình xã hội, lương tâm nghề nghiệp, chung thuỷ trong hôn nhân…?

4. Một số người vẫn còn tranh cãi nhau về vấn đề rước lễ trong miệng và rước lễ trong tay, cách rước nào sạch hơn. Có mấy ai lưu ý tới sự thanh sạch trong lòng khi rước Chúa!

5. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình, các ngươi nộp thuế thập phân, về thì là bạc hà rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.” (Mt 23,23)

Một người Do Thái nọ qua đời. Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt, người ta nghe có tiếng kêu lên trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người nhạc nhiên khi thấy kẻ chết còn sống. Vị giáo trưởng chủ  trì buổi lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng và nói: “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của bác sĩ, ông quả thực đã là người chết...”

Tôi cũng đã giữ luật như vị giáo trưởng đó: đi lễ hàng ngày, xưng tội hàng tháng, ăn chay kiêng thịt ngày thứ sáu... Nhưng tôi lại không biết quan tâm đến người khác, thờ ơ trước những người nghèo khó, thiếu nụ cười cảm thông hay khích lệ anh em...

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi tôi giữ cả hai điều: Trung thành giữ luật Chúa  và đồng thời yêu thương anh em mình.

Lạy Chúa! Xin cho con biết tuân giữ luật pháp của Chúa trong công bình, lòng nhân và thành tín. (Hosanna).

 

Suy niệm 10: Những lời khiển trách tiếp theo

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Lời khiển trách thứ tư và thứ năm:

a. Về việc nộp thuế thập phân (Mt 23,23-24).

Để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với lề luật, các luật sĩ và Pharisêu đã buộc người ta những cái tỉ mỉ, phụ thuộc như là thì là, rau húng v.v... mà không hề nói đến những điều cơ bản và chính yếu của luật, đó là công bình, lòng nhân ái và thành tín.

b. Về việc rửa sạch bên ngoài chén dĩa (Mt 23,25-26).

Các luật sĩ và Pharisêu rất coi trọng việc rửa tay chân, chén dĩa và đã từng tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này (Mt 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (trộm cắp và vô độ) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới bề ngoài.

2. “Những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín”:

a. Thí dụ vấn đề Công bình: Nhiều khi chúng ta tưởng: Trộm cắp của công và của riêng, gian lận mới là lỗi đức công bình. Còn những việc như 10 giờ tối mà còn kèn trống om xòm, kinh kệ to tiếng, đang lúc những người khác cần sự thinh lặng để nghỉ ngơi để ngày mai còn phải đi làm sớm… là những việc không sao cả. Công bình mà nói thì người ta cũng có quyền được hưởng sự thinh lặng chứ.

Tại cửa hàng một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già nhà quê vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tra tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ lại nhà bà già cách đó 3 dặm và trả lại cho bà. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau là tổng thống Hoa Kỳ (Góp nhặt).

b. Rồi về vấn đề lòng nhân: Đâu phải chúng ta dám mở rộng tay để giúp đỡ, bố thí cho những người cần đến chúng ta mới là lòng nhân. Còn những việc như chúng ta chửi rủa nhau, lên án nhau, nói hành, nói xấu nhau, dèm pha nhau, không phải là những việc trái với lòng nhân sao.

Trịnh Tự , vợ của Sở Hoài Vương, muốn hạ tình địch của mình, thì nói cùng nàng ra vẻ thân mật: - Nhà vua có tính không thích người khác thở hơi vào mình, nên khi vào hầu vua thì phải giữ ý bịt mũi lại!

Mỹ nữ nghe theo, mỗi lần tới hầu vua là lấy tay bịt mũi. Nhà vua lấy làm lạ hỏi thì Trịnh Tự mau mắn thưa: - Người ấy sợ nhà vua thân thể hôi hám nên mới có cử chỉ như vậy!

Vua sở liền nổi giận, truyền đem mỹ nữ ra ngoài cắt mũi đi!

Hãy cẩn thận kẻo những lời nói do lòng ghen ghét hay những việc làm thiếu tình yêu thương của chúng ta, làm hại hay xúc phạm tới anh chị em chúng ta!

c. Và cuối cùng, là vấn đề thành tín: Thành tín đâu chỉ là không lường gạt ai, không giữ lời hứa, hoặc bất trung, bất tín. Thực ra thành tín còn là cái gì hơn thế nữa như biết chấp nhận lẽ phải, biết tôn trọng quan điểm của người khác kể cả của Chúa và Giáo Hội.

Vào năm 1981, tờ Nữu Ước Thời báo, đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên trả lương hưu trí và gắn huy chương cho ông cụ người Trung Hoa, 75 tuổi. Ông cụ không phải một nhà chính trị, quân sự kinh tế, mà chỉ là một người lao công bình thường, làm việc cho một lãnh sự quán Hoa Kỳ tại một thị trấn nhỏ bên Trung hoa.

Khi Hoa Kỳ cắt đứt liên hệ ngoại giao với Trung hoa, lãnh sự quán này bị đóng cửa và trong suốt 35 năm, ông cụ mỗi ngày đến quét sân vườn và lau sàn nhà một lần. Tờ Nữu ước Thời báo viết: “Một người thiếu trung tín chắc chắn sẽ lập luận rằng: Thôi, cần chi quét lá cây mỗi ngày cho mệt, có ai biết đâu? Nhưng ông cụ này trung tín làm bổn phận suốt 35 năm, mặc dù không nhận được lương và không có ai kiểm soát”.

Tổng thống Abraham Lincoln nổi tiếng là người chẳng những cư xử chính trực, mà còn biết tôn trọng lời hứa.

Ngày nọ, một ông lớn có tật nói mà không giữ lời, đến thăm Tổng thống. Để dụ khị đứa con nhỏ của tổng thống đến ngồi vào lòng, ông hứa là sẽ cho nó chiếc vòng đeo tay. Chú bé nghe thấy thế liền đến ngồi vào lòng ông ta. Cuối cùng, khi người ấy chuẩn bị ra về, tổng thống hỏi:

- Anh đã thực hiện lời hứa với con tôi chưa?

- Hứa gì?

- Tôi nghe anh hứa sẽ cho nó chiếc vòng mà!

- Ồ đâu được, chiếc vòng này là đồ gia bảo của tôi mà.

Tổng thống nghiêm nghị nói:

- Anh hãy cho nó đi. Tôi không muốn con tôi nghĩ rằng, bố nó giao du với hạng người không biết giữ lời hứa.

Ông nọ đỏ mặt, đau khổ tháo chiếc vòng, trao cho chú bé và tiu nghỉu ra về với bài học đắt giá mà chắc suốt đời không thể nào quên.

“Stand firm and hold fast” – Suy niệm theo WAU ngày 23.8.2022

 Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

 

Nguồn: The Word Among Us, August 2022

Tuesday, August 2022

“Stand firm and hold fast”
(2 Thessalonians 2:15)

Seeing a ballet dancer do a pirouette is awe-inspiring. How can she spin and spin but never lose her balance? By focusing on one point for as long as possible as the rest of her body turns. Then, she quickly brings her head back around to her focal point. It takes a lot of practice, but the end result is a stunning display of both discipline and gracefulness.

In a similar way, the Christians in Thessalonica needed to find their own focal point. Fear and confusion swirled around them. People were preaching that the end was near and were even passing off fake letters as if they came from Paul himself. Paul saw that all this was putting them off-balance in their spiritual lives. So he advised them, “Stand firm and hold fast” (2 Thessalonians 2:15). In other words, keep turning your eyes back to what you have been taught about God.

Paul’s advice still holds true today. Fear and confusion swirl around us. People ridicule faith and stoke fear with stories that make evil seem greater than God. But rather than being shaken, we can keep our eyes on God, our focal point.

You can start by looking at how Paul describes God in this passage: He is our Father who loves his children (2 Thessalonians 2:16). He has called us to possess his glory (2:14). He is the source of all grace and gives us hope and encouragement (2:16). He is our strength (2:17).

Go back to these truths each time fearful or doubtful thoughts start swirling in your mind. You can try this today by taking regular breaks and—literally—turning your eyes to the Lord! Look up from your work or studies and fix your attention on a crucifix on the wall, on your computer screen, or on a holy card or a rosary. As you gaze on Jesus on the cross, let him remind you how much he loves you, how he has called you to be his child, how his unchanging presence is your comfort and security.

Keep practicing this, and over time you’ll develop the habit of turning to the Lord when confusion or anxiety arises. And the result will be balance and confidence—just like a ballet dancer.

“Lord God, be my focal point today.”

 

Suy niệm ngày 23.8.2022

Hãy đứng vững và nắm giữ
(2Tx 2, 1-3. 14-17)

Nhìn thấy một vũ công ba lê biểu diễn điệu vũ Pirouette thật là kinh ngạc. Làm thế nào cô ấy có thể quay vòng vòng nhưng không bao giờ bị mất thăng bằng? Bằng cách tập trung vào một điểm càng lâu càng tốt khi phần còn lại của cơ thể cô ấy quay. Sau đó, cô ấy nhanh chóng đưa đầu trở lại tiêu điểm. Cần phải luyện tập rất nhiều, nhưng kết quả cuối cùng là một màn trình diễn tuyệt vời của cả kỷ luật và vẻ phong nhã.

Theo cách tương tự, các Kitô hữu ở Thêsalônica cần phải tìm ra tiêu điểm của chính họ. Nỗi sợ hãi và bối rối xoay quanh họ. Mọi người đang rao giảng rằng tận thế đã gần kề và thậm chí còn truyền đi những bức thư giả như thể chúng đến từ chính Phaolô. Phaolô thấy rằng tất cả những điều này đang khiến họ mất thăng bằng trong đời sống tinh thần. Vì vậy, ông khuyên họ, “Hãy đứng vững và giữ vững” (2Tx 2,15). Nói cách khác, hãy tiếp tục hướng mắt về những gì bạn đã được dạy về Thiên Chúa.

Lời khuyên của Phaolô vẫn đúng cho đến ngày nay. Nỗi sợ hãi và bối rối xoay quanh chúng ta. Người ta nhạo báng đức tin và gieo rắc nỗi sợ hãi bằng những câu chuyện làm cho cái ác dường như còn lớn hơn cả Thiên Chúa. Nhưng thay vì bị lung lay, chúng ta có thể để mắt đến Thiên Chúa, tâm điểm của chúng ta.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc xem cách Phaolô mô tả Thiên Chúa trong phân đoạn này: Ngài là Cha của chúng ta, là Đấng yêu thương con cái mình (2Tx 2,16). Ngài đã kêu gọi chúng ta sở hữu vinh quang của Ngài (2,14). Ngài là nguồn của mọi ân sủng và mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và sự khích lệ (2,16). Ngài là sức mạnh của chúng ta (2,17).

Quay trở lại những sự thật này mỗi khi những suy nghĩ sợ hãi hoặc nghi ngờ bắt đầu quay cuồng trong tâm trí bạn. Bạn có thể thử điều này ngay hôm nay bằng cách nghỉ giải lao thường xuyên và – theo nghĩa đen – hướng mắt về Chúa! Từ chỗ công việc hoặc học tập của bạn, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào một cây thánh giá trên tường, trên màn hình máy tính của bạn, hoặc trên tấm ảnh hoặc chuỗi hạt. Khi bạn ngắm nhìn Chúa Giêsu trên thập tự giá, hãy để Ngài nhắc nhở bạn rằng Ngài yêu thương bạn biết bao, Ngài đã gọi bạn là con của Ngài như thế nào, sự hiện diện không thay đổi của Ngài là niềm an ủi và an toàn của bạn như thế nào.

Hãy tiếp tục thực hành điều này, và theo thời gian, bạn sẽ hình thành thói quen hướng về Chúa khi xuất hiện sự bối rối hoặc lo lắng. Và kết quả sẽ là sự cân bằng và tự tin – giống như một vũ công ba lê.

Lạy Chúa, xin hãy trở thành tâm điểm của con ngày hôm nay.

 

TRƯỚC HẾT HÃY LÀM SẠCH BÊN TRONG ĐÃ, ĐỂ BÊN NGOÀI CŨNG ĐƯỢC SẠCH

(Mt 23, 23-26) 

Bạn với lấy một tách cà phê. Nó chắc chắn trông sạch sẽ, nhưng sau đó bạn phát hiện ra rằng nó đã không được rửa đúng cách. Bên trong có những vết ố và lấm tấm bã cà phê còn sót lại. Đó không phải là cái tách sạch như bạn nghĩ!

Những người Pharisêu trong đoạn Tin mừng hôm nay giống như cái cốc cà phê đó: sạch bên ngoài nhưng cần rửa cẩn thận hơn bên trong. Bằng cách đóng thuế thập phân và các chi tiết khác của Luật Môisen, họ đang làm những gì họ nghĩ là những người thánh thiện của Thiên Chúa phải làm. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói rằng họ đang bỏ qua “những điều nặng hơn của luật pháp”, chẳng hạn như “lòng nhân từ và sự trung thành” (Mt 23,23).

Đôi khi chúng ta cũng có thể cần làm sạch bên trong. Chúng ta có thể dốc hết sức lực của mình để làm những việc đạo đức, nhưng chúng ta lại làm với thái độ hoặc ý hướng sai lầm. Ví dụ, bạn có thể đang phục vụ người nghèo tại một nơi dành cho người vô gia cư, nhưng bạn thấy mình đang đánh giá làm thế nào mà một số người ở đó lại đi đến chỗ tệ hại như vậy. Hoặc có thể bạn đang tham dự Thánh lễ hằng ngày, nhưng thay vì nghe các bài đọc, bạn thấy mình chỉ trích cách người giảng. Bạn không có ý để những suy nghĩ này trỗi dậy trong bạn, nhưng dù sao thì chúng cũng lẻn vào!

Tất nhiên, Chúa Giêsu luôn hài lòng khi bạn phục vụ người nghèo hoặc dành thời gian thờ phượng Ngài. Ngài cũng biết rằng không ai trong chúng ta có thể kiểm soát mọi suy nghĩ xuất hiện trong đầu mình. Nhưng bạn có thể làm điều gì đó. Bất cứ khi nào bạn nhận ra rằng thái độ của mình đã đi lệch hướng, hãy dừng lại ngay và cầu xin Chúa tha thứ. Ngài biết rõ về bạn, và Ngài biết rằng bạn đang cố gắng làm hài lòng Ngài. Ngài sẽ thương xót và giúp đỡ bạn trong lần tới khi bạn bị cám dỗ bởi những suy nghĩ xét đoán, chỉ trích hoặc bực bội. Ngài thậm chí có thể lấp đầy trái tim bạn ngay lúc đó với tình yêu dành cho người mà bạn đang xét đoán!

Bạn có thể được làm sạch cả bên trong và bên ngoài. Hãy hướng về Chúa Giêsu và tin tưởng rằng Ngài có thể – và sẽ – thay đổi tâm hồn của bạn để trở nên giống Ngài hơn.

Lạy Cha, xin ban cho con một trái tim giống như Chúa Giêsu, tràn đầy tình yêu và lòng thương xót!

Do not neglect justice, mercy and faith – Suy niệm ngày 23.8.2022
Tác giả: Don Schwager

 

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Tuesday (August 23): 

 

Do not neglect justice, mercy and faith (Matthew 23:23-26)

23 “Woe to you, scribes and Pharisees, hypocrites! for you tithe mint and dill and cummin, and have neglected the weightier matters of the law, justice and mercy and faith; these you ought to have done, without neglecting the others. 24 You blind guides, straining out a gnat and swallowing a camel! 25 “Woe to you, scribes and Pharisees, hypocrites! for you cleanse the outside of the cup and of the plate, but inside they are full of extortion and rapacity. 26 You blind Pharisee! first cleanse the inside of the cup and of the plate, that the outside also may be clean.

 

Thứ Ba, 23.8.2022         

 

Chớ xao lãng công bình, lòng thương xót và đức tin (Mt 23,23-26)

23 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ.26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

Meditation: Do you allow any blind-spots to blur your vision of God’s kingdom and his ways? Jesus went to the heart of the matter when he called the religious leaders of his day blind Pharisees and hypocrites! A hypocrite is an actor or imposter who says one thing but does the opposite or who puts on an outward appearance of doing good while inwardly clinging to wrong attitudes, selfish desires and ambitions, or bad intentions. Many scribes and Pharisees had made it a regular practice to publicly put on a good show of outward zeal and piety with the intention of winning greater honors, privileges, and favors among the people. Jesus had a very good reason for severely rebuking the scribes and Pharisees, the religious teachers and leaders, for misleading people and neglecting the heart and essence of God’s law – love of God and love of neighbor.

 

What forms our outward practices and habits

The scribes in particular devoted their whole lives to the study of God’s law contained in the five books of Moses (Torah). As the religious experts of their day, they took great pride in their knowledge and outward observance of the commandments and precepts of the law of Moses. They further divided the 613 precepts of the Law of Mosesinto thousands of tiny rules and regulations. They were so exacting in their interpretations and in trying to live them out, that they had little time for much else. By the time they finished compiling their interpretations it took no less than fifty volumes to contain them! Jesus chastised them for neglecting the more important matters of religion, such as justice and the love of God. In their misguided zeal they had lost sight of God and of his purpose for the law.

God’s law of love reveals what is truly important and necessary

Jesus used the example of tithing to show how far they had missed the mark. God had commanded a tithe of the first fruits of one’s labor as an expression of thanksgiving and honor for his providential care for his people (Deuteronomy 14:22; Leviticus 27:30). The scribes, however, went to extreme lengths to tithe on insignificant things (such as tiny plants) with great mathematical accuracy. They were very attentive to minute matters of little importance, but they neglected to care for the needy and the weak. Jesus admonished them because their hearts were not right. They were filled with pride and contempt for others who were not like themselves. They put unnecessary burdens on others while neglecting to show charity, especially to the weak and the poor.

The scribes and Pharisees meticulously went through the outward observance of their religious duties and practices while forgetting the realities of God’s intention and purpose for the law – his love and righteousness (justice and goodness). Jesus used a humorous example to show how out of proportion matters had gotten with them. Gnats were considered the smallest of insects and camels were considered the largest of animals in Palestine. Both were considered ritually impure. The scribes went to great lengths to avoid contact with gnats, even to the point of straining the wine cup with a fine cloth lest they accidentally swallowed a gnat. The stark contrast must have drawn chuckles as well as groans.

God’s love shapes our minds and transforms our hearts and actions

What was the point of Jesus’ humorous and important lesson? The essence of God’s commandments is rooted in love – love of God and love of neighbor, righteousness (justice and goodness), and mercy. God is love and everything he does, including his justice and goodness, flows from his love for us. True love is costly and sacrificial – it both embraces and lifts the burdens of others. Do you allow the love of God to shape and transform the way you live your daily life – including the way you think of others, speak of them, and treat them?

“Lord Jesus, fill me with your love and mercy that I may always think, speak, and treat others with fairness, loving-kindness, patience, and goodness.”

 

Suy niệm:  Bạn có cho phép điểm tối nào làm mờ cái nhìn về vương quốc của Chúa và những đường lối của Người không? Đức Giêsu đi vào trọng tâm của vấn đề khi Người gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó là những người Pharisêu mù quáng và đạo đức giả! Hạn từ đạo đức giả nghĩa là diễn viên hay kẻ lừa đảo nói một đàng làm một nẻo, hay người mang vẻ bề ngoài làm điều tốt trong khi bên trong đầy dẫy các thái độ sai trái, ước muốn ích kỷ, hay ý định xấu xa. Nhiều kinh sư và Phariseu thường xuyên bày tỏ trước công chúng sự nhiệt thành và đạo đức bên ngoài để gây sự chú ý, kính trọng, đặc ân đặc lợi giữa mọi người. Đức Giêsu đã có lý do chính đáng để nghiêm khắc khiển trách các kinh sư và người Phariseu, những thầy dạy và lãnh đạo tôn giáo, về việc hướng dẫn sai lạc và bỏ qua trọng tâm và ý nghĩa của luật Chúa – luật mến Chúa và yêu người.

 

Điều gì hình thành các hành xử và thói quen bên ngoài của chúng ta?

Các kinh sư dành trọn cuộc đời của mình để nghiên cứu học hỏi lề luật Thiên Chúa được viết trong 5 sách của Môisen (Torah). Là các chuyên gia đạo đức đương thời, họ rất kiêu hãnh về sự hiểu biết và sự giữ các điều răn và luật Moisen bên ngoài của mình. Họ còn chia 613 điều luật của Môisen thành hàng ngàn luật lệ nhỏ nhặt khác. Họ quá khắt khen trong những lời giải thích của mình và trong việc thi hành chúng, đến nỗi họ chẳng còn thời gian để lo những chuyện khác. Với thời gian họ hoàn tất việc biên soạn những lời giải thích của họ phải mất không dưới 50 quyển sách viết về chúng! Đức Giêsu khiển trách họ về việc bỏ qua những điều quan trọng hơn của đạo, như công lý và tình yêu Thiên Chúa. Trong sự nhiệt thành lầm lạc của họ, họ đã đánh mất cái nhìn về Thiên Chúa và về mục đích của lề luật.

Luật yêu thương của TC bày tỏ những gì thật sự quan trọng và cần thiết

Đức Giêsu dùng dẫn chứng của việc đóng thuế thập phân để cho thấy họ đã lạc lối biết chừng nào. Thiên Chúa ra lệnh đóng thuế thập phân về những hoa màu của lao công con người như sự diễn tả lòng biết ơn và kính phục đối với sự quan phòng của Chúa dành cho dân Người (Đnl 14,22; Lv 27,30). Tuy nhiên, các kinh sư đã đi xa tới mức độ đóng thuế thập phân trên những thứ nhỏ nhặt không quan trọng (chẳng hạn như những cây rau bé tí) với sự chính xác theo toán học. Họ chăm chú vào những vấn đề nhỏ mọn của điều kém quan trọng, nhưng họ lại bỏ qua sự quan tâm săn sóc cho những người thiếu thốn và yếu đuối. Đức Giêsu khiển trách họ bởi vì họ quá vô tâm. Lòng họ đầy sự kiêu ngạo và coi thường người khác. Họ chất những gánh nặng không cần thiết lên vai người khác, trong khi họ lại bỏ qua việc bày tỏ lòng bác ái, đặc biệt đối với những người nghèo khổ và yếu đuối.

Các kinh sư và người Phariseu đã quá tuân giữ tỉ mỉ qua sự tuân giữ bên ngoài về những bổn phận và thực hành đạo đức, trong khi đó họ lại quên đi những thực tại ý định và mục đích của TC cho lề luật – tình yêu và sự công chính của Người (công bình và lòng nhân). Đức Giêsu đã dùng ví dụ khôi hài để tỏ cho thấy những vấn đề tương xứng phải có với chúng. Muỗi được coi là những con ký sinh trùng nhỏ nhất và lạc đà được coi là những con vật lớn nhất ở Palestine. Cả hai được coi là ô uế theo nghi thức. Các kinh sư đi đến chỗ nghĩ rằng để tránh tiếp xúc với muỗi, thậm chí tới mức căng miếng vải tốt trên chén rượu, kẻo sợ rằng sẽ vô tình nuốt lấy con muỗi. Sự tương phản nổi bật chắc phải làm cho người ta phì cười cũng như xầm xì.

Tình yêu TC hình thành tâm trí ta và biến đổi tâm hồn và hành động chúng ta

Đâu là trọng điểm của bài  học hài hước của Đức Giêsu? Bản chất của các điều răn của Thiên Chúa là tình yêu – mến Chúa và yêu người, sự công chính (công bình và lòng nhân), và lòng thương xót. Thiên Chúa là tình yêu và mọi sự Người làm, kể cả sự công lý và lòng nhân của Người, đều xuất phát từ tình yêu của Người dành cho chúng ta. Tình yêu đích thật thì vô điều kiện, trả giá, và hy sinh – nó vừa đón nhận và nâng đỡ những gánh nặng của người khác. Bạn có cho phép tình yêu của TC biến đổi trọn cuộc đời bạn – kể cả cách bạn suy nghĩ về người khác, nói về họ, và đối xử với họ không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đổ đầy lòng con tình yêu  và lòng thương xót của Chúa để con luôn luôn suy nghĩ, nói năng, và đối xử với người khác bằng sự công bình, nhân hậu, kiên nhẫn, và tốt lành.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây