Lời Chúa: Lc 6, 1-5
Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”
Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.
Suy niệm 1: Điều không được phép làm
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản như sau.
Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày sa-bát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sa-bát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sa-bát.
Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đa-vít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sa-bát.
Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sa-bát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sa-bát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sa-bát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lã
Con uống nước mát mà lòng vẫn khô ran
vì bên con còn có người đang khát
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm
vì bên con còn có người mù tối
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi.
vì bên con còn có người trần trụi
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao nhiêu người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Suy niệm 2: Phục vụ Tin mừng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Phục vụ Tin Mừng là nhiệm vụ cao quí. Tin Mừng giúp phát triển bản thân và thế giới. Nhưng việc phục vụ Tin Mừng không phải dễ dàng. Người phục vụ Tin Mừng phải vất vả gieo trồng để có được mùa gặt phong phú.
Thánh Phao-lô cho tín hữu Cô-rin-tô biết những vất vả mà ngài phải chịu vì phục vụ Tin Mừng: “Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng”. Ngoài vất vả về thể xác, còn có những đau đớn trong tâm hồn: bị nguyền rủa, bị bắt bớ, bị vu khống, bị loại trừ: “Cho đến giờ này, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (năm chẵn).
Các tông đồ đói đến nỗi phải tuốt lúa xanh ngoài ruộng mà ăn. Thế mà không yên thân. Vẫn còn bị người Pha-ri-sêu hoạnh hoẹ vì lỗi luật ngày sa-bát. Nhưng Chúa đã lên tiếng bênh vực các ngài bằng trích dẫn trường hợp Đa-vít. Đa-vít cho thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ mà không phạm tội. Nhưng đây còn hơn Đa-vít. Là Chúa Thượng của Đa-vít. Vì thế có thể cho các môn đệ tuốt lúa ăn trong ngày sa-bát. Tư tế được ăn bánh tiến trong đền thờ mà không phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su mới là Thầy Cả Thượng Phẩm. Người cũng là đền thờ mới. Vì thế có thể cho các môn đệ được tuốt lúa ăn trong ngày lễ nghỉ.
Khi trưng dẫn Đa-vít, Chúa có ý cho biết Người chính là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Từ xưa dân Ít-ra-en luôn mong chờ Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đa-vít ra đời. Giải phóng dân khỏi nô lệ. Đưa đất nước đến phồn thịnh, vinh quang. Chúa Giê-su thuộc dòng tộc Đa-vít. Nhưng lại là Chúa của Đa-vít. Là niềm hi vọng của Dân Chúa. Các môn đệ đã gặp được niềm hi vọng ngàn đời. Đã được thấy ơn cứu độ. Nên các ngài theo Chúa, phục vụ Chúa, dù gian nan vất vả.
Chính vì thế, thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Cô-lô-xê phải kiên trì giữ vững đức tin: “Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hi vọng anh em đã nhận được”. Chúa là Tin Mừng. Là niềm hi vọng. Chính vì thế Phao-lô sẵn sàng chịu đau khổ. Hãnh diện vì được phục vụ Tin Mừng (năm lẻ).
Suy niệm 3: Ý nghĩa đích thực của lề luật
Một trong những sợi chỉ chạy xuyên suốt các sách Tin Mừng là cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo, tức là những người đứng ra bảo đảm cho việc thi hành Lề Luật. Thật ra, như Chúa Giêsu đã từng khẳng định Ngài đến không phải để hủy bỏ Lề Luật mà để hoàn thành nó.
Với Chúa Giêsu, sống tốt lành, thánh thiện không hệ tại ở chỗ thi hành Lề Luật mà chính là sống theo tinh thần Lề Luật. Một người có thể giữ hết mọi Lề Luật nhưng có thể chưa phải là một người thánh thiện. Lề Luật tự nó là tiêu cực, Lề Luật thường đưa ra những điều cấm đoán. Chúa Giêsu thì trái lại, luôn tích cực. Ngài công bố Lề Luật mới xây dựng trên tình yêu. Con người phải nên thánh thiện như Cha trên trời. Thiên Chúa thánh thiện không phải do tuân giữ Lề Luật. Thiên Chúa thánh thiện bởi vì Ngài là tình yêu và vì Thiên Chúa là tình yêu cho nên ai sống trong tình yêu thì thuộc về Thiên Chúa và nên thánh thiện. Trong bài diễn văn chung luận về ngày sau hết, Chúa Giêsu sẽ không dùng Lề Luật để phán xét con người mà chỉ hỏi con người có yêu thương tha nhân không mà thôi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay sự kiện các môn đệ đi qua cánh đồng lúa và bứt lúa ăn trong ngày sabát làm nổi bật sứ điệp của Chúa Giêsu. Cuộc chạm trán ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và các biệt phái cho thấy ý nghĩa đích thực của Lề Luật. Bánh thánh là biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đồng. Bánh Thánh của người Do Thái cũng mầu nhiệm như bánh thánh của Chúa Kitô, nó biểu hiện phép Thánh Thể. Không người Do Thái nào dám sờ đến bánh thánh cũng như không một người công giáo nào dám mở nhà chầu lấy bánh thánh để ăn trưa. Thật là trái tai khi nghe Chúa Giêsu biện hộ cho hành vi của vua Ðavít. Tuy nhiên, qua lời biện hộ này chúng ta hiểu được quan niệm của Chúa Giêsu về Lề Luật. Lề Luật là chỉ để hướng dẫn và hỗ trợ cho con cái của Thiên Chúa, không nên biến nó thành một gánh nặng, nó phải đáp lại nhu cầu của con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu tuyên bố: "Lề Luật được lập ra cho con người chứ không phải con người cho Lề Luật, ngày sabát được lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sabát". Con cái của Thiên Chúa là thánh thiện chứ không phải Lề Luật.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta, có khi chúng ta giữ đạo một cách chi ly nhưng chưa thực sự sống đạo, chúng ta tuân giữ mọi Lề Luật nhưng chưa sống tinh thần của Lề Luật. Cốt lõi của Lề Luật chính là tình yêu. Tất cả mọi Lề Luật đều thu tóm về giới răn yêu thương, sống yêu thương là chu toàn Lề Luật. Lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô đoạn 13 cần được chúng ta đem ra Suy niệm và thực hành:
"Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác nào thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi chuyện bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả những đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giá như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Vì con người hay vì ngày sa-bát
Vào ngày sa-bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông lại làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?” (Lc. 6, 1-2)
Không quá đáng khi nói trên trái đất này luôn luôn xảy ra cuộc tranh đấu quyết liệt giữa con người và luật lệ. Có thể nói: rút cuộc con người hình như bị bại trận.
Suốt thời gian thi hành chức vụ công khai, Đức Kitô chống lại óc pháp trị không ngừng áp đặt luật sa-bát trên con người. Thà phải chịu chết đói hơn là phạm tới luật thánh để tôn trọng ngày của Chúa. Đức Giêsu muốn cho biệt phái hiểu rằng họ đã khắt khe vô lý đến tột độ. Người kể trường hợp của vua Đa-vít đã cứu đoàn tùy của mình, ông không ngần ngại vào đền thờ lấy bánh hiến tế dành riêng cho tư tế đưa cho họ ăn. Sự bó buộc của biệt phái thật vô nhân đạo, và Người kết luận: luật lệ vì con người chứ không phải con người nô lệ luật pháp.
Người không thành công cũng như bao nhiêu người khác trước và sau Người, họ đã thử bảo vệ sứ điệp này. Kẻ thù không tha cho ai muốn lãnh đạo hay phục vụ như Người. Một ngày nào đó, họ sẽ lên án Người. Kể từ lúc đó, trong thế giới lương cũng như giáo, xuyên suốt dòng lịch sử, có hàng ngàn đàn ông, đàn bà bị loại trừ và thanh lọc vì đòi quyền ưu tiên cho người trên pháp luật bất chính.
Đức Kitô không phải là con Người ngây ngô. Người biết rất rõ cần thiết phải có luật pháp. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại: Người đến không phải để phá hủy luật lệ, nhưng để kiện toàn. Tuy nhiên, Người không chấp nhận luật đặt ra để đè bẹp con người, nhưng luật là để giúp con người thăng tiến. Luật không để giết hại mà để phục vụ. Nhiều người công giáo ngày nay chưa ý thức được bài học này. Họ sẵn sàng chia rẽ, xé lẻ để bảo vệ hình thức luật lệ. Có những luật tốt cho xưa kia, nhưng không còn thích hợp với những yêu cầu nhân loại ngày nay. Thế giới đã có những cuộc cách mạng tiến bộ rõ rệt, không còn nữa những hạng quá bảo thủ và quá cấp tiến nếu bài học của Chúa được đón nhận.
GF
Suy niệm 5: Ý nghĩa của lề luật
Về triết gia Ðavít Hume của Anh vào thế kỷ 18, người ta kể một giai thoại như sau:
Một hôm, có một quận công hỏi ông: - Theo ông thì đối tượng của luật pháp là gì?
Ðavít Hume trả lời: - Ðó là để phục vụ cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.
Quận công hỏi lại: - Thế thì theo ông số lớn nhất là gì?
Triết gia đáp: - Số lớn nhất là số một.
Ðây là thực tế thường xảy ra trong luật pháp của nhiều quốc gia: số lớn nhất thường chỉ là một thiểu số. Luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi.
Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người. Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một thái độ thích đáng.
Thật ra, khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để luôn biết nói không với những gì loại trừ con người và xúc phạm đến Thiên Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm xác tín và vâng phục cho đến cùng, để trong mọi sự, chúng ta chỉ tìm thánh ý Chúa và xây dựng những giá trị Nước Trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 6: Luật vì con người
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc môn đệ Đức Giêsu bứt lúa và ăn trong ngày Sabát. Thời điểm này vào khoảng tháng tư trong năm và rơi vào cuối mùa hạ.
Câu chuyện những người Pharisêu hôm nay lên tiếng khiển trách thầy trò đã đến mức căng thẳng. Họ cảnh cáo Đức Giêsu và các môn đệ không giữ Luật. Lý do:
1) Một là đi qua đồng lúa, tức vi phạm luật chỉ được đi 100 mét ngoài thành vào ngày hưu lễ;
2) Hai là bứt lúa rồi chà trấu trong tay để ăn, một hành vi tương đương với viêc gặt lúa, vậy là vi phạm luật cấm việc xác.
Khi cảnh cáo như thế, ngầm hiểu rằng họ đã ra “tối hậu thư” cho thầy trò Đức Giêsu, nếu còn vi phạm thì sự việc sẽ bị coi là cố tình trước mặt các nhân chứng và đáng chịu tử hình, vì coi thường ngày hưu lễ.
Đáp lại, Đức Giêsu đã lật ngược vấn đề và đặt ra cho họ câu hỏi: "Các ông chưa đọc điều Ðavít đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Hay như các tư tế trong đền thờ. Khi hưu lễ trùng với một đại lễ, các tư tế và các phụ tá phục dịch phải giết chiên nhiều hơn, thế mà vẫn không bị buộc tội vi phạm hưu lễ!
Khi nói như thế, Đức Giêsu mặc khải cho họ rằng: Ngài chính là đền thờ mới, là Con Thiên Chúa, có một quyền bính tự Trời ban cho. Vì thế, Ngài đến để lập lại trật tự nguyên thủy của Lề luật. Lề luật không thể có vai trò tuyệt đối. Nó chỉ được lập ra vì con người, chứ không được trở thành gánh nặng áp bức con người. Ngài đến với tư cách là Chủ của Lề Luật, có quyền ngang với Thiên Chúa, để hoàn chỉnh Lề Luật hoặc sửa đổi nó, một khi không còn thích hợp với ý định của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy giải thoát khỏi tâm trí chúng ta một thứ ý thức hệ vụ hình thức, chuộng cơ cấu, cứng nhắc làm tê liệt tình yêu đối với Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Nếu cứ bán vào Luật thuần túy, hẳn không thể có một trái tim biết yêu thương nhạy bén với ơn Chúa và sứ vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống cốt lõi của Luật. Biết dùng Luật như là phương tiện để giúp nhau sống tốt hơn chứ không phải dùng Luật để cưỡng ép nhau. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Thương xót và cảm thông
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Theo gương Chúa Giêsu, hãy có lòng thương xót và biết nhìn bằng tinh thần cảm thông, tha thứ. Đừng nhìn nhau kiểu “bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì tội nguyên tổ mà tội lỗi đã tràn vào thế gian. Từ đó, lòng người trở nên nhỏ mọn, hay ghen tị và thích đè bẹp kẻ khác. Ca-in vì ghen tị mà nhẫn tâm giết em là A-ben. Con cái của Gia-cóp cũng vì ghen ghét mà bán em là Giu-se sang Ai-cập. Vua Sau-lê rắp tâm hãm hại Đa-vít cũng vì ghen tức. Các biệt phái theo Chúa và các môn đệ như một cái bóng để tìm cách bắt lỗi cũng vì ghen ghét Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã đến khai mở con đường yêu thương. Chúa đi tiên phong trên con đường đó và dạy con bước theo. Ai cũng có ưu điểm và có cả khuyết điểm. Chúa đã nhìn vào ưu điểm của mỗi người mà cứu vớt họ. Chúa đã gọi một Phê-rô chân thành, Chúa đã chọn một Mát-thêu dứt khoát. Chúa không ngần ngại đến nghỉ tại nhà ông Gia-kêu, Chúa không lầm khi tha tội cho người phụ nữ ngoại tình… Xin cho con có cái nhìn như Chúa. Xin cho con mạnh dạn bước theo Chúa trên con đường yêu thương.
Xin Chúa thanh luyện đôi mắt con để con nhìn thấy những ưu điểm của anh chị em con. Xin Chúa hướng dẫn đôi tay con để con đối xử tử tế với mọi người. Xin uốn nắn miệng lưỡi con, cho môi miệng con bớt chua ngoa, chì chiết người khác, và thay vào đó bằng lời khích lệ nâng đỡ tha nhân.
Xin Chúa dìu con đi bằng ơn thánh của Chúa, để con đủ sức đi trọn con đường yêu thương. Amen.
Ghi nhớ: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”
Suy niệm 8: Thực thi luật Chúa với tình yêu thương
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trên đường trốn sự truy bức của vua Saulê, Đavít và các thuộc hạ đói không có gì ăn đã ăn bánh tiến (x. 1Sm 21,1-6), điều không được phép làm…, bánh tiến gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24,5-9). Vào ngày Sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó cũng có thể được miễn giữ ngày Sabát thánh (x. 1Mcb 2,34-38).
Suy niệm
Người biệt phái bắt bẻ Chúa Giêsu và môn đệ Ngài, khi các môn đệ vì đói mà bứt bông lúa ăn trong ngày Sabát. Chúa Giêsu trả lời buộc tội của họ khi dẫn chứng vua Đavít đã vào đền thờ lấy bánh dành cho thượng tế để ăn cho đỡ đói. Qua đó, Chúa Giêsu nhấn mạnh giá trị cao cả nhất là hướng dẫn hành vi của con người vì con người chứ không cứng nhắc luật vì luật.
Như thế, Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật như người biệt phái thường kết án Ngài, nhất là vi phạm ngày Sabát. Vào mỗi ngày Sabát, Ngài vẫn đến hội đường Do Thái đọc Kinh Thánh, như thế Ngài vẫn tuân giữ ngày Sabát, nhưng Ngài mặc cho ngày đó một ý nghĩa cao cả. Vì thế với ngày Sabát, Chúa Giêsu đưa ra ba viễn tượng sâu sắc hơn luật về ngày Sabát của người Do Thái:
Chúa Giêsu xác nhận sự tôn trọng luật ngày Sabát. Tuy nhiên, Ngài nhấn mạnh: Phải vượt trên cách thực thi luật pháp cứng nhắc của người Pharisiêu, khi chú ý đến ý nghĩa nhân văn của ngày Sabát. Trình thuật các môn đệ bứt bông lúa trong ngày Sabát mà Chúa Giêsu bảo vệ, giải thích Lề Luật dưới ánh sáng của thánh ý Thiên Chúa: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát”. Ngày Sabát nhắm đến sự sống viên mãn của con người (Mc 3,4; Mt 12,11-12).
Chúa Giêsu hoàn thành ý nghĩa ngày Sabát như Ngài đến để kiện toàn Lề Luật (x. Mt 5,17): Đó là ngày của tình thương và giải thoát con người khỏi sự dữ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ mạng của Chúa Giêsu được hoàn tất trong việc trao ban cho nhân loại ân sủng để thực hiện ơn gọi của mình, bởi ơn gọi đó mà Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy đã tạo dựng con người. Ân sủng được ban trước hết cho những người bị tổn thương nơi thân xác và linh hồn, đó là: Những người đau yếu bệnh hoạn, những người tàn tật, những người đui mù, những người tội lỗi. Đối với Chúa Giêsu, ngày Sabát là ngày của hành động giải thoát.
Chúa Giêsu là “Chúa” của ngày Sabát vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đưa ngày Sabát đến viên mãn, qua đó Ngài mạc khải chính mình như là sự sống viên mãn, là cùng đích của giới luật ngày Sabát.
Trong ý nghĩa đó của ngày Sabát, Chúa Giêsu đã bộc lộ sự tự do và cứu chữa trong ngày Sabát đến mức dường như các phép lạ thường tập trung vào ngày này: Sau việc bứt bông lúa trong ngày Sabát (x. Mc 2,23-28; Mt 12,1-8; Lc 6:1-5); Chúa chữa lành người bị bại tay (x. Mc 3,1-6; Mt 12,9-14; Lc 6:6-11), Chúa chữa lành người phụ nữ còng lưng (x. Lc 13,10-17) và người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6). Chúa chữa người bị bại liệt ở hồ nước tại Bếtdatha (x. Ga 5,1-18) Chúa cho sáng mắt người mù từ khi mới sinh cũng trong ngày Sabát (x. Ga 9,1-41).
Xin Chúa dạy cho chúng ta hiểu biết tính tích cực của Lề Luật. Thực thi luật Chúa không phải là gánh nặng, nhưng với tất cả tình yêu thương như thánh Phaolô dạy: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10)
Ý lực sống:
“Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2,8).
Suy niệm 9: Môn đệ bứt lúa vào ngày sabát
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Ngày sabát nghỉ việc là để ghi nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng nên thế giới (Xh 20,8-11). Đồng thời nó cũng loan báo việc dân Thiên Chúa khi kết thúc thời gian, đi vào nơi yên nghỉ và bình an của Chúa.
Hôm nay Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sabát. Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án. Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.
Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ sabát, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ, luật sĩ, biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay nói lên sự dị biệt của Chúa Giêsu và người biệt phái về ngày sabát, ví dụ như việc các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa ăn khi đi qua cánh đồng. Mọi sự việc tầm thường không đáng kể, nhưng cái tính hay ghen tương nghi ngờ, cái tính hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của những người biệt phái đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác ngày sabát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.
Ngày sabát, bứt mấy bông lúa như thế chẳng có lỗi gì, luật chỉ cấm cày cấy hay gặt hái, nhưng những người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm làm trong ngày sabát. Đây là tính hay xét nét, khắt khe, quét nhà ra rác... để sinh ra mất lòng nhau.
“Đức Giêsu trả lời: Các ông chưa đọc...”
Đức Giêsu bênh vực các môn đệ bằng cách giải thích cho họ nhớ lại những trường hợp được miễn giữ luật. Và Đức Giêsu đã rút ra từ Thánh kinh hai trường hợp được miễn giữ luật để minh chứng: 1Sm 21,1-6 và Ml 12,5-6. Ở đây Luca chỉ ghi lại trường hợp thứ nhất về câu chuyện vua Đavít cùng với thuộc hạ vì đói quá, nên đã ăn bánh trưng hiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ dành riêng cho tư tế mới được ăn.
Nại đến bằng chứng này, Đức Giêsu muốn nêu lên rằng: được miễn giữ luật khi có việc tối cần, mà ở đây là trong lúc quẫn bách không có gì ăn cho đỡ đói ngoài thứ bánh trưng hiến (Lm. Trần Hữu Thành).
Đức Giêsu nói: “Con người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5).
Trả lời phỏng vấn trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Kohn, nước Đức, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 cho biết Ngài sẽ nói với các bạn trẻ khắp thế giới rằng: được làm người Kitô hữu thật tốt đẹp biết bao, bởi vì đây đó vẫn phổ biến một quan niệm rằng Kitô giáo chỉ gồm những luật lệ cấm đoán mà ta phải tuân giữ. Vị Đại Diện Đức Kitô cho thấy đời sống Kitô hữu có những luật lệ, nhưng đó là đôi cánh để đưa ta lên cao.
Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta rằng Ngài là chủ của ngày sabát, nghĩa là Ngài có quyền qui định luật lệ cho ngày lễ nghỉ nói riêng và mọi luật lệ tôn giáo. Chính những luật lệ ấy nâng chúng ta lên cao khỏi những khuynh hướng thấp lè tè của bản năng, để đến gần và nên giống Đức Kitô hơn.
Đức Giêsu vẫn coi việc giữ luật là việc tốt, là việc đạo đức. Nhưng Ngài muốn rằng, việc giữ luật phải phát xuất từ tình thương; nếu không, việc giữ luật chỉ là việc đạo đức ở bên ngoài, mà bên trong không có thực chất. Giữ luật là thể hiện tình thương, không có tình yêu thương thì không còn phải là luật của Chúa.
Truyện: Giữ luật một cách máy móc
Một người Do thái nọ qua đời. Sau khi đã khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng, rồi nói với kẻ chết sống lại như sau:
- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người đã chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.
Nói xong ông truyền cho ban tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Suy niệm 10: Con Người là chủ ngày sabát
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sabát:
- Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án.
- Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái đã quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.
B.... nẩy mầm.
1. Ngày Chúa nhựt, nếu tôi chỉ biết nghỉ làm việc và đi dự lễ thì chưa chắc là tôi đã “thánh hóa” ngày đó theo đúng ý muốn của luật Giáo Hội. Tôi còn phải yêu mến Chúa nhiều hơn và quan tâm đến anh em tôi hơn.
2. Nếu tôi giữ luật chỉ vì đó là luật thì việc giữ luật của tôi không đem lại lợi ích thực nào cho tôi mà lại thêm nặng nề khó chịu. Nếu tôi buộc người khác giữ luật chỉ vì đó là luật thì cũng chẳng ích lợi gì cho người khác, trái lại càng làm cho người khác khổ sở thêm.
3. “Con Người là chủ của ngày hưu lễ”: Chúa Giêsu là chủ của ngày Chúa nhựt. Ngày Chúa nhựt tôi có quy hướng mọi sự về Chúa Giêsu không?
4. “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5)
Hồi bé, tôi luôn phải nghe đi nghe lại điệp khúc: “nghỉ chơi đi lễ, lễ xong về chơi chẳng muộn”. Vâng, tôi đã đi lễ, nhưng đi một cách miễn cưỡng. Giáo Hội thật “ác”, đặt ra bao điều phải theo.
Bây giờ tôi đến với thánh lễ không phải vì những luật lệ, những “điệp khúc” hồi bé, nhưng bằng chính tấm lòng, bằng sự khao khát của con tim, của tâm hồn muốn có được sự bình an vĩnh cửu. Nghĩ lại, tôi thầm cám ơn Chúa vì những luật lệ trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, xin cho con đến với Chúa không phải vì lề luật đòi buộc, nhưng với cả tấm lòng của một người con. (Hosanna).
Suy niệm 11: Giữ luật theo tinh thần
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Những người luật sĩ và Pharisêu bề ngoài xem ra có vẻ rất tôn trọng luật pháp nhưng bên cạnh việc giữ luật như thế hỏi còn có một hậu ý gì khác nữa không? Chắc là phải có một cái gì đó, cho nên chúng ta mới thấy Chúa không ca tụng họ.
Một hôm, quận công Ressen hỏi triết gia David Hume:
- Theo ông thì đối tượng của luật pháp là gì?
Triết gia David Hume trả lời:
- Là để phục vụ cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.
Quận công Ganh Ressen hỏi lại:
- Vậy thì theo ông số lớn nhất là gì?
Triết gia liền trả lời:
- Số lớn nhất là số một.
Thực tế trong rất nhiều quốc gia, chúng ta thấy luật pháp được làm ra là chỉ để phục vụ cho một thiểu số. Số lớn nhất thường là số một, chỉ là một thiểu số. Một thiểu số thủ lợi còn những người khác thì phải è cổ ra mà chịu. Luật pháp là của Chúa nhưng nhiều khi họ giải thích rồi thêm vào những qui định quá đáng để phục vụ quyền lợi cho phe nhóm, cho một thiểu số của họ.
Như vậy thì muốn việc giữ luật cho đúng thì phải giữ theo tinh thần của luật.
2. “Con người là chủ của ngày hưu lễ” (Lc 6,5)
Chúa vẫn là chủ của luật pháp. Vậy phải giữ ngày Sabat hay hưu lễ thế nào?
Có người kia lúc sinh thời rất tự hào về đời sống luân lý, liêm sỉ, chính trực của mình. Rồi một hôm ông bị bệnh nặng và qua đời, linh hồn ông bay thẳng đến trước cửa Thiên Đàng và xin được trình diện trước tòa Chúa.
Tới nơi, ông phủ phục thưa:
- Lạy Chúa, Chúa quá biết rõ đời con, suốt đời con luôn trung thành tuân giữ luật Chúa, không hề bỏ sót hoặc lỗi phạm điều gì bất lương bất chính cả. Này đây con xin Chúa thương nhìn xem bàn tay trong trắng của con.
Thiên Chúa nhân từ nhìn ông và nói:
- Con ơi, con nói đúng, hai bàn tay con trong sạch, không vướng mắc tội gì cả. Nhưng đáng tiếc con chỉ có hai bàn tay trắng, còn ngoài ra thì không có một việc lành phúc đức nào cả.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy trong mỗi cộng đồng tôn giáo, bao giờ cũng có những người đạo đức rất khắt khe trong vấn đề giữ luật đạo. Họ lo giữ luật đạo một cách chặt chẽ chi li sao cho đúng việc, đúng thời gian, đúng truyền thống. Đối với họ giữ đạo là giữ lề luật.
Chính vì thế nên khi thấy các môn đệ Chúa Giêsu không giữ luật như họ, thì coi đó là một điều thiếu sót đáng trách.
3. Chúng ta thấy, Đức Kitô không bao giờ chủ trương phá hủy lề luật: “Ta đến không phải để phá hủy luật pháp” – “Ta bảo thật các ngươi cho dù trời đất có qua đi nhưng một chấm một phết trong luật cũng không được bỏ qua”(Mt 5,18). Ngài vẫn coi việc giữ luật là việc tốt, việc đạo đức. Nhưng Ngài muốn rằng, việc giữ luật phải phát xuất từ tình thương nếu không, việc giữ luật sẽ chỉ là việc đạo đức ở bề ngoài, mà bên trong không có thực chất.
Giữ luật là thể hiện tình yêu thương. Không có tình yêu thương thì không còn phải là luật của Chúa.
Một người thợ xây đang ở trên giàn giáo cao bị xảy chân rơi xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.
Chiếu theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”(Mt 5,38) của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa vốn từ lâu đã thấy những cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:
- Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ rằng: Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta đúng bằng cách ấy, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn giáo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.
Nghe tòa phán xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.
Mẹ Têrêsa nói: “Đừng sợ yêu thương đến độ phải hy sinh, tới mức phải nhức nhối. Tình yêu Chúa Giêsu yêu chúng ta đã đưa Ngài đến chỗ chết.
Thiên Chúa quan tâm đến tình yêu của chúng ta.
Chúa chẳng cần ai, Ngài có cách làm được tất cả, Ngài có thể làm luôn cả công trình của những người tài năng nhất.
Chúng ta có thể làm việc đến cùng kiệt, có thể làm việc tới tuyệt mức. Nhưng nếu công việc chúng ta không gắn kết với tình yêu, sẽ là vô ích dưới mắt Chúa”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn